Tổng thống Putin thăm Việt Nam, mục đích chính là gì ?
BBC, 19/06/2024
Cho đến nay, Việt Nam là quốc gia xa xôi nhất mà Tổng thống Nga Vladimir Putin công du sau cuộc xâm lược Ukraine vào tháng 2/2022.
"Việt Nam càng quan trọng với Nga vì Nga hiện không có nhiều bạn nữa", Giáo sư Alexander L Vuving từ trung tâm nghiên cứu an ninh châu Á-Thái Bình Dương Daniel K. Inouye thuộc Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ, đánh giá với BBC vào ngày 18/6.
Trong hơn hai năm qua, ông Putin chỉ công du đến các quốc gia láng giềng, chẳng hạn các nước thuộc Liên Xô cũ mà vẫn còn nằm trong tầm ảnh hưởng của Nga, Trung Quốc và những nước ngoài khối thân hữu với Nga là Ả Rập Xê Út, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE).
Các chuyến đi của ông diễn ra trong bối cảnh ông đang bị Tòa án Hình sự Quốc tế phát lệnh truy nã từ tháng 3/2023.
Những nước ông đến đều không thuộc 123 quốc gia thuộc ICC, nhằm tránh bị phát lệnh bắt giữ.
Nga phát thông điệp không bị cô lập ?
Một ngày trước khi đến Việt Nam, ông Putin đã đến Bắc Hàn vào sáng sớm ngày 19/6 theo giờ địa phương.
Đây là lần thứ hai ông đến đất nước bị cô lập này sau 24 năm.
Hãng thông tấn nhà nước Bắc Hàn (KCNA) đưa tin, sau khi đến Bình Nhưỡng, ông Putin và lãnh đạo Kim Jong-un đã "cùng chia sẻ những tâm tư thầm kín sâu sắc nhất" và thảo luận về việc làm sâu sắc thêm quan hệ song phương.
KCNA mô tả mối quan hệ giữa hai quốc gia bị cô lập này là "cỗ máy để tăng cường một trật tự thế giới đa cực mới", tương tự các diễn ngôn ông Putin từng sử dụng trước đó.
Mối quan hệ giữa Nga và Bắc Hàn được ví như tình hữu nghị mang tính đổi chác.
Nếu như Bình Nhưỡng rất cần tiền thì Moscow rất cần đạn dược cho cuộc chiến tranh Ukraine.
Do đó, giới quan sát nhận định, nếu gọi đây là tình hữu nghị "anh em" thì có vẻ còn quá sớm.
Lãnh đạo Bắc Hàn Kim Jong-un đón tiếp Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Bình Nhưỡng vào ngày 19/6/2024
Sau Bắc Hàn, ông Putin sẽ đặt chân đến Hà Nội vào tối ngày 19/6 và có một ngày 20/6 gặp gỡ "Tứ Trụ" của Việt Nam.
Các chuyên gia nhận định với BBC News tiếng Việt rằng chương trình nghị sự có thể xoay quanh các chủ đề chính gồm mua bán vũ khí, thương mại, hợp tác thương mại, khai thác dầu khí ở Biển Đông.
"Việt Nam càng quan trọng với Nga vì Nga hiện không có nhiều bạn nữa. Bạn thân của Nga hiện chỉ có một số nước do quá gần Nga, chịu quá nhiều ràng buộc nên buộc phải làm bạn như những nước cộng hòa Trung Á", Giáo sư Alexander L Vuving đánh giá với BBC.
Chuyến đi của ông Putin đến Trung Quốc hồi tháng 5, tiếp theo là Bắc Hàn và Việt Nam vào tháng 6 cho thấy phần nào nỗ lực tìm đối tác giữa bối cảnh Nga ngày càng bị cô lập liên quan đến cuộc chiến tranh Ukraine.
Trước chuyến đi của ông Putin, Việt Nam đã không tham dự Thượng đỉnh hòa bình Ukraine diễn ra tại Thụy Sĩ trong hai ngày 14 và 15/6 dù được mời.
Khác với Campuchia, Trung Quốc, Việt Nam đã không công khai lý do.
Tiến sĩ Ian Storey, học giả của Viện ISEAS (Singapore), đánh giá chuyến đi châu Á của ông Putin diễn ra ngay sau Thượng đỉnh hòa bình vì Ukraine vì Điện Kremlin muốn cho phương Tây thấy rằng nỗ lực cô lập nước này đã thất bại "và Nga vẫn có những người bạn trên khắp thế giới như Trung Quốc, Bắc Hàn và Việt Nam".
Về phần mình, Giáo sư Vuving cho rằng Việt Nam không tham dự là vì mối quan hệ ngoại giao với Nga "quan trọng hơn nhiều nếu so với Ukraine", đồng thời Nga đã không được mời tham dự thượng đỉnh vừa qua.
"Quan điểm của Việt Nam, theo tôi, đó là bất kỳ câu chuyện gì liên quan đến cuộc chiến tranh Ukraine thì phải có hai bên tham gia. Không biết một hội nghị hòa bình mà chỉ có Nga tổ chức, không có Ukraine tham gia thì Việt Nam có tham gia hay không", ông đánh giá.
Việt Nam có lợi ích gì cho Nga ?
Tổng Bí thư Đảng cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Nga Vladimir Putin tại thành phố Sochi (Nga) vào ngày 25/11/2014
Nga hiện vẫn đang hứng chịu các lệnh trừng phạt quốc tế do Mỹ dẫn đầu liên quan đến cuộc chiến tranh Ukraine.
Mỹ mới đây đã mở rộng các lệnh trừng phạt nhằm vào Nga trong lĩnh vực ngân hàng, giao dịch chứng khoán, hạn chế việc Nga sử dụng công nghệ bao gồm chip và phần mềm.
Trước đó hồi tháng 12/2023, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ký một sắc lệnh hành pháp áp đặt lệnh trừng phạt lên những ngân hàng có kinh doanh với khoảng 1.200 cá nhân và công ty được xem là đang trợ giúp cho cỗ máy chiến tranh của Nga.
Thạc sĩ Hoàng Việt, giảng viên Khoa Luật quốc tế, Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 18/6 nhận định với BBC rằng, trong bối cảnh nền kinh tế gặp khó khăn, Việt Nam có thể mang lại lợi ích cho Nga về khía cạnh này.
"Kinh tế Nga đang gặp khó khăn như thế mà Việt Nam có thể trao đổi hàng hóa với Nga ở mức độ nào đó thì cũng là điều mà Nga cần".
"Việt Nam có thể mua một số hàng hóa của Nga, vũ khí cũng như là năng lượng nếu có, rồi hợp tác của Việt Nam với Nga tập trung vào khai thác dầu khí trên Biển Đông", ông nhận định.
Ông Hoàng Việt cũng nhận định chuyến đi của ông Putin sắp tới không chỉ mang tính biểu tượng vì Nga vẫn đang muốn tạo ảnh hưởng tại khu vực Đông Nam Á và Việt Nam hiểu được mục đích này.
"Sau cuộc chiến Ukraine thì vai trò, ảnh hưởng của Nga đang giảm sút. Mặc dù Nga vẫn là một cường quốc, vẫn là một thành viên thường trực trong Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, nhưng rõ ràng sức mạnh của Nga so với trước cuộc chiến của Ukraine thì đã giảm sút. Vì vậy Nga rất muốn lấy lại vị thế. Và nếu mà lấy lại thì phải có một thông điệp rõ ràng mạnh mẽ, chứ không chỉ là một chuyến thăm mang tính chất biểu tượng", ông nhận định với BBC.
Xét về dòng thời gian, Trung Quốc và Nga là hai quốc gia đầu tiên trong số 7 nước Việt Nam xác lập quan hệ đối tác chiến lược toàn diện.
Cụ thể, Việt Nam đã xác lập mối quan hệ ngoại giao ở bậc cao nhất đối với Trung Quốc (2008), Nga (2012), Ấn Độ (2016), Hàn Quốc (2022), Mỹ (9/2023), Nhật Bản (11/2023) và Úc (2024).
Trong những năm qua, Việt Nam luôn nhắc lại tình hữu nghị Việt - Xô, "nhường cơm sẻ áo" chi viện cho "cuộc chiến tranh chống Mỹ".
Hàng chục ngàn cán bộ và chuyên gia ở Việt Nam được đào tạo tại Liên Xô trong thời Chiến tranh Lạnh cũng đang giữ những trọng trách quan trọng trong bộ máy của đảng và nhà nước.
Lãnh đạo cấp cao Việt Nam luôn gọi quan hệ Việt Nam - Nga là "quan hệ truyền thống đồng chí, anh em", luôn xem Nga là "một trong những đối tác ưu tiên hàng đầu của mình".
Trong khi đó, nhiều người dân Việt Nam vẫn có tình cảm tốt đẹp với Liên Xô trước đây và nước Nga ngày nay và cũng có một giới hâm mộ ông Putin.
Nhận định về việc mở rộng hợp tác sắp tới, ông Nguyễn Thế Phương, chuyên gia về quốc phòng Việt Nam tại Đại học New South Wales (Úc), đánh giá có thể kinh tế, thương mại sẽ được tăng cường vì hiện không tương xứng với tiềm năng của quan hệ đối tác chiến lược toàn diện.
"Mối quan hệ với quốc gia mà Việt Nam luôn tuyên bố là có "tình hữu nghị thủy chung, sâu sắc" được xây dựng trên cơ sở sự giúp đỡ của Liên Xô trong Chiến tranh Việt Nam và thời kỳ xây dựng chủ nghĩa xã hội".
"Không gian phát triển trong quan hệ Việt-Nga rất lớn. Nhưng hiện tại cả hai bên đều chưa tối đa hóa không gian đó. Chuyến thăm của ông Putin sẽ mở rộng không gian đó", ông cho biết.
'Cây tre' Việt Nam trụ vững trước áp lực từ các siêu cường ?
Trước chuyến đi của ông Putin, Mỹ đã lên tiếng chỉ trích trong khi Liên Hiệp Châu Âu (EU) chưa có bình luận.
Reuters dẫn lời người phát ngôn Đại sứ quán Mỹ tại Hà Nội cho biết :
"Không có quốc gia nào nên cho Putin một nền tảng để thúc đẩy cuộc chiến tranh xâm lược của ông ta và nếu làm vậy là cho phép ông ta bình thường hóa những tội ác của mình".
"Nếu ông ta có thể đi lại tự do, điều này có thể bình thường hóa những vi phạm trắng trợn luật pháp quốc tế", người phát ngôn Đại sứ quán Mỹ nói, đề cập đến cuộc chiến tranh Ukraine bùng phát vào tháng 2/2022 đến nay.
Tiến sĩ Ian Storey đánh giá Washington không hài lòng về chuyến thăm của Putin.
"Nhưng suy cho cùng, Mỹ hiểu rằng Việt Nam có mối quan hệ lâu bền với Nga và theo thời gian, mối quan hệ của Hà Nội với Moscow sẽ trở nên kém quan trọng hơn, đặc biệt là quan hệ quốc phòng giữa hai nước", ông đánh giá.
Về phần mình, Giáo sư Alexander L Vuving cho rằng Nga giúp Việt Nam giảm áp lực từ Mỹ và Trung Quốc.
"Nga là một cường quốc thứ ba rất quan trọng đối với Việt Nam trong ứng xử với các cường quốc. Về Biển Đông, các công ty dầu khí của Nga góp phần giúp Việt Nam giữ chủ quyền lãnh thổ ở khu vực này. Mặt khác, khi Nga giúp Việt Nam ở Biển Đông thì không bị Trung Quốc phản ứng mạnh như Mỹ hay Nhật Bản giúp".
Nga và Trung Quốc đã tuyên bố quan hệ đối tác "không giới hạn" và Bắc Kinh cũng là điểm đến đầu tiên của ông Putin trong nhiệm kỳ lần thứ năm lịch sử.
Ông Nguyễn Thế Phương đánh giá mặc dù Nga và Trung Quốc có một quan hệ rất thân thiết, nhưng Nga cũng muốn duy trì sức mạnh và sức ảnh hưởng tại khu vực Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam.
Bà Nguyễn Thị Hồng Vân, 55 tuổi, chủ cửa hàng bán đồ lưu niệm Nga tại Hà Nội, cho biết những ngày này, bà bán được nhiều hàng hơn khi có tin Tổng thống Nga Vladimir Putin thăm Việt Nam, theo phóng sự của Reuters
Cho đến nay, Việt Nam tiếp tục duy trì vị thế ngoại giao trung lập trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt giữa các siêu cường như Nga, Trung Quốc và Mỹ, liên tục nhấn mạnh đến triết lý ngoại giao "cây tre" vì lợi ích quốc gia.
Hiện chưa có thông tin công khai về có khả năng Việt Nam sẽ gia nhập khối BRICS hay không. Khối BRICS với Nga và Trung Quốc đóng vai trò chủ đạo được xem là đối thủ địa chính trị lớn nhất hiện nay cho khối G7 do Mỹ dẫn đầu.
Chuyên gia Thế Phương cho rằng vì Nga luôn là một đối tác truyền thống và đem lại rất nhiều lợi ích nên "Việt Nam không thể bỏ rơi Nga lúc khó khăn nhất".
"Việt Nam vẫn luôn giữ mối quan hệ tốt với Nga nhưng không có nghĩa là Việt Nam vì mối quan hệ với Nga mà sẽ gây ảnh hưởng tới mối quan hệ với Mỹ và các nước phương Tây. Cho nên Việt Nam sẽ cố gắng để cân bằng các mối quan hệ này".
Giáo sư Vuving cho rằng nếu nhìn lại quá trình cân bằng quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam với Mỹ và Nga thì Hà Nội đang thực hiện "một bước lùi, hai bước tiến".
"Làm sao để vẫn chơi được vẫn cả Nga lẫn Mỹ thì Việt Nam đã dùng phương pháp một bước lùi, hai bước tiến. Việt Nam đã lùi một bước trong quan hệ với Mỹ trong năm 2022 và sau đó tiến hai bước trong quan hệ với Mỹ trong năm 2023. Trong lúc đó, Việt Nam vẫn tiếp tục tiến trong quan hệ với Nga", ông bình luận.
Thạc sĩ Hoàng Việt đánh giá về cách Việt Nam đang cân bằng quan hệ với các cường quốc như sau :
"Không phải là một lúc nào đó thì đi theo một phe nào đó là tốt. Việt Nam đã có nhiều kinh nghiệm, từng về phe của Liên Xô nhưng cuối cùng sau này Việt Nam cũng chịu rất nhiều thiệt hại trong chiến tranh. Nhưng mà cũng không có cường quốc nào đứng ra chịu hại với Việt Nam cả. Đó có lẽ là cái học, và nếu Việt Nam xử lý tốt trong lúc này thì người ta sẽ thấy vai trò của Việt Nam như thế nào trên trường quốc tế".
Lịch trình dự kiến của Tổng thống Putin tại Hà Nội
Theo thông tin mà BBC News tiếng Việt có được, dự kiến ông Putin sẽ đáp xuống sân bay Nội Bài vào hôm nay 19/6.
Trong thứ Năm ngày 20/6, dự kiến Việt Nam sẽ tổ chức lễ đón cấp nhà nước cho ông Putin.
Cũng trong ngày 20/6, Tổng thống Nga sẽ có cuộc hội đàm với "Tứ Trụ" gồm Tổng Bí thư Đảng cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch nước Tô Lâm, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và sẽ có gặp gỡ báo chí sau hội đàm.
Ông Putin sẽ đến đặt vòng hoa tại lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đài tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ.
Theo lịch trình này, ông Putin và ông Tô Lâm sẽ gặp gỡ các lãnh đạo Hội hữu nghị Việt - Nga và cựu sinh viên Việt Nam từng học ở Nga.
Nguồn : BBC, 19/06/2024
*********************************
Tổng thống Vladimir Putin thăm Việt Nam : Nâng tầm quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt - Nga
Chinhphu.vn, 19/06/2024
Chuyến thăm cấp Nhà nước của Tổng thống Nga Putin tới Việt Nam có ý nghĩa hết sức quan trọng. Đó là làm sâu sắc hơn nữa quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt - Nga trên tất cả các lĩnh vực và nâng tầm trong tình hình mới.
Tổng thống Liên bang Nga Vladimir Putin sẽ thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam từ ngày 19-20/6.
Nhận lời mời của Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng, Tổng thống Liên bang Nga Vladimir Putin sẽ thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam từ ngày 19-20/6.
Chia sẻ trên báo Thế giới và Việt Nam về chuyến thăm, Đại sứ Việt Nam tại Liên bang Nga Đặng Minh Khôi nhấn mạnh: Chuyến thăm cấp Nhà nước của Tổng thống Putin có ý nghĩa hết sức quan trọng. Đó là làm sâu sắc hơn nữa quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt-Nga trên tất cả các lĩnh vực và nâng tầm trong tình hình mới.
Theo Đại chứ, chuyến thăm của Tổng thống Putin cũng thể hiện Việt Nam tích cực thực hiện đường lối đối ngoại theo tinh thần độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa, vì lợi ích quốc gia, dân tộc, và đóng góp vào hòa bình, ổn định trên thế giới.
Trước hết, chuyến thăm của Tổng thống Nga Vladimir Putin khẳng định sự cam kết của cả hai bên trong việc duy trì và phát triển mối quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện.
Đây cũng là dịp để lãnh đạo hai nước gặp gỡ, thảo luận, thống nhất những vấn đề quan trọng và định hướng chiến lược cho tương lai, xác định rõ hơn các lĩnh vực hợp tác trọng điểm, từ kinh tế, thương mại, quốc phòng an ninh, năng lượng, khoa học công nghệ đến giáo dục, văn hóa ngoại giao nhân dân.
Thông điệp mạnh mẽ về sự tôn trọng lẫn nhau giữa hai quốc gia
Theo Đại sứ Đặng Minh Khôi, việc Tổng thống Putin thăm Việt Nam còn gửi đi một thông điệp mạnh mẽ về sự tôn trọng lẫn nhau giữa hai quốc gia.
Đây là biểu hiện rõ ràng của tình hữu nghị và sự đoàn kết, qua đó góp phần nâng cao vị thế của cả hai nước trên trường quốc tế, vì lợi ích chung của hai dân tộc và vì hòa bình, ổn định ở khu vực và trên thế giới.
Ngoài ra, chuyến thăm này còn là cơ hội để hai bên ký kết và triển khai các thỏa thuận hợp tác mới, tạo động lực thúc đẩy quan hệ song phương.
Những thỏa thuận này không chỉ mang lại lợi ích kinh tế mà còn củng cố sự gắn kết về mặt chính trị và chiến lược giữa hai nước.
Đặc biệt, trong bối cảnh tình hình quốc tế có nhiều biến động, sự hợp tác chặt chẽ giữa Việt Nam và Nga càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết.
Quan hệ Việt – Nga : Luôn vững bền theo năm tháng và ngày càng phát triển sâu rộng
Năm 2024 đánh dấu 30 năm hai bên ký Hiệp ước về những nguyên tắc cơ bản của quan hệ hữu nghị Việt Nam và Liên bang Nga. Đánh giá những điểm nhấn trong quan hệ song phương thời gian qua, Đại sứ Đặng Minh Khôi cho biết : Từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 30/1/1950 đến nay, mối quan hệ giữa Việt Nam với Liên Xô trước đây và Liên bang Nga hiện nay luôn vững bền theo năm tháng và ngày càng phát triển sâu rộng trên tất cả các lĩnh vực.
Theo Đại sứ, mặc dù có những thay đổi về thể chế chính trị, nhưng hai nước luôn coi nhau là đối tác, bạn bè quan trọng và hàng đầu.
Quan hệ Việt Nam - Liên bang Nga ngày nay kế thừa quan hệ hữu nghị đặc biệt giữa Việt Nam và Liên Xô trong quá khứ.
Sau một thời gian bị gián đoạn trước những biến động tại Liên Xô và Nga đầu thập niên 90 của thế kỷ trước, bằng quyết tâm và nỗ lực của lãnh đạo và nhân dân hai nước, quan hệ Việt-Nga đã có những bước tiến mạnh mẽ, tiếp nối xứng đáng truyền thống quan hệ tốt đẹp giữa hai dân tộc.
Mối quan hệ giữa hai nước đã được xây dựng và củng cố qua nhiều thập kỷ, dựa trên nền tảng của sự tin cậy, hợp tác bền vững và sự tôn trọng lẫn nhau.
Nhằm tạo khuôn khổ pháp lý mới cho quan hệ giữa Việt Nam và Liên bang Nga, năm 1994 hai nước đã ký kết Hiệp ước về những nguyên tắc cơ bản của quan hệ hữu nghị.
Trong đó khẳng định quan hệ hữu nghị giữa hai nước được xây dựng trên các nguyên tắc tôn trọng độc lập và chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, bình đẳng và cùng có lợi dựa trên luật pháp quốc tế.
"Nhìn lại 30 năm qua, chúng ta có thể tự hào về những thành tựu đã đạt được khi quan hệ song phương ngày càng phát triển toàn diện, cả về chiều rộng lẫn chiều sâu. Việt Nam và Nga đã từng bước đưa quan hệ song phương lên các cấp từ Đối tác chiến lược đến Đối tác chiến lược toàn diện", Đại sứ Đặng Minh Khôi nhấn mạnh.
Theo ông, Quan hệ chính trị Việt-Nga luôn có độ tin cậy cao và không ngừng được củng cố, thông qua các hình thức và cơ chế hợp tác chính trị đa dạng như trao đổi đoàn các cấp, đặc biệt cấp cao thường xuyên, giúp Lãnh đạo hai nước trao đổi thông tin và kịp thời chỉ đạo phát triển quan hệ song phương.
Hai bên đã thiết lập và triển khai hiệu quả nhiều cơ chế như họp Ủy ban Liên chính phủ, Đối thoại chiến lược, Tham vấn chính trị thường niên góp phần tăng cường hiểu biết và tin cậy lẫn nhau, tạo cơ sở thúc đẩy hợp tác mọi mặt giữa hai nước.
Bên cạnh đó, Việt Nam và Nga luôn ủng hộ và hợp tác chặt chẽ trong các tổ chức quốc tế và khu vực như Liên Hợp Quốc, ASEAN, APEC, ARF...
Hợp tác kinh tế-thương mại phát triển tích cực
Đại sứ cho biết : Hợp tác kinh tế-thương mại phát triển tích cực, có những giai đoạn kim ngạch thương mại tăng từ 10-15%/ năm, là kết quả của việc ký kết Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh kinh tế Á-Âu.
Mặc dù chịu tác động của tình hình bất ổn của thế giới và khu vực, kim ngạch thương mại năm 2023 vẫn đạt hơn 3,6 tỷ USD.
Về đầu tư, Nga đã có gần 200 dự án tại Việt Nam với tổng số vốn gần một tỷ USD. Đầu tư của Việt Nam tại Nga tăng mạnh, từ chỗ chỉ khoảng 100 triệu USD vào đầu những năm 2000 đã lên mức 3 tỷ USD vào năm 2023.
Điểm nhấn quan trọng trong hợp tác kinh tế giữa hai nước là sự phát triển mạnh mẽ trong lĩnh vực năng lượng, dầu khí. Hai bên đã hợp tác tốt và hiệu quả trong tìm kiếm, thăm dò dầu khí không chỉ ở thềm lục địa Việt Nam mà cả ở lãnh thổ Liên bang Nga với các dự án lớn.
Ngoài liên doanh Vietsovpetro là lá cờ đầu trong hợp tác dầu khí, hai bên đã có thêm những liên doanh khác đang hoạt động tích cực ở cả hai nước.
Hợp tác song phương trong các lĩnh vực như khoa học công nghệ, văn hóa, giáo dục, du lịch, địa phương... ngày càng được mở rộng, trong đó hợp tác khoa học công nghệ và giáo dục đào tạo giữa hai nước được đẩy mạnh và nâng lên tầm chiến lược.
Nga đã trở thành điểm đến hấp dẫn cho nhiều sinh viên Việt Nam nhờ vào các chương trình học bổng và đào tạo chất lượng cao với số lượng hàng nghìn sinh viên theo học tại Nga mỗi năm, trong đó có các ngành công nghiệp chủ chốt như năng lượng, dầu khí, khoa học cơ bản.
Hàng chục nghìn cán bộ khoa học, kỹ sư và công nhân kỹ thuật được đào tạo tại Liên bang Nga đã có những đóng góp tích cực, hiệu quả cho nền kinh tế Việt Nam và là nhân tố tạo cầu nối hữu nghị cho nhân dân hai nước.
Các hoạt động giao lưu văn hóa được tổ chức thường xuyên cũng góp phần tăng thêm sự hiểu biệt giữa hai dân tộc và tạo điều kiện thúc đẩy hợp tác trong những lĩnh vực khác.
Liên bang Nga cũng luôn duy trì là một trong những thị trường khách du lịch hàng đầu của Việt Nam.
Hợp tác trong lĩnh vực quốc phòng-an ninh và kỹ thuật quân sự giữa hai nước là lĩnh vực truyền thống, không ngừng phát triển trên cơ sở đối tác tin cậy, phù hợp với luật pháp quốc tế, góp phần vào việc duy trì hòa bình, ổn định và phát triển bền vững ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Thúc đẩy mạnh mẽ hợp tác văn hóa
Theo Đại sứ, yếu tố văn hóa đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc xây dựng và củng cố và làm bền chặt hơn tình hữu nghị giữa Việt Nam và Liêng bang Nga.
Văn hóa không chỉ phản ánh những giá trị, truyền thống và bản sắc của mỗi dân tộc mà còn là cầu nối giúp tăng cường sự hiểu biết, chia sẻ những giá trị chung và tôn trọng sự khác biệt.
Trong suốt chiều dài lịch sử hợp tác, các hoạt động giao lưu văn hóa đã đóng góp không nhỏ vào việc tạo dựng mối quan hệ bền chặt và gắn kết giữa nhân dân hai nước.
Văn hóa giúp chúng ta hiểu rõ hơn về phong tục, tập quán và lối sống. Thông qua các hoạt động như lễ hội văn hóa, triển lãm và các hoạt động nghệ thuật, âm nhạc, nhân dân hai nước có cơ hội tiếp cận, khám phá và trân trọng những di sản văn hóa quý báu của nhau.
Điều này không chỉ làm sâu sắc thêm tình hữu nghị giữa hai dân tộc mà còn góp phần xây dựng một nền tảng vững chắc cho mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa Việt Nam và Nga.
Trong những năm qua, hợp tác văn hóa giữa Việt Nam và Nga đã được thúc đẩy mạnh mẽ. Nhiều chương trình giao lưu văn hóa, đã được tổ chức thường xuyên, tạo điều kiện cho các nghệ sĩ, nhà nghiên cứu và người dân hai nước gặp gỡ, trao đổi và học hỏi lẫn nhau.
Các tuần lễ văn hóa Nga tại Việt Nam và Việt Nam tại Nga đã trở thành những sự kiện thường niên, thu hút đông đảo sự quan tâm và tham gia của công chúng.
Bên cạnh đó, hợp tác trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo cũng đóng góp quan trọng vào việc thúc đẩy giao lưu văn hóa. Nhiều sinh viên Việt Nam đã và đang học tập tại Nga, đồng thời các chương trình trao đổi sinh viên, giảng viên giữa hai nước cũng được đẩy mạnh.
Thế hệ trẻ không chỉ là những "đại sứ" văn hóa, mang theo những giá trị văn hóa của đất nước mình đến với bạn bè quốc tế, mà còn là những cầu nối quan trọng trong việc duy trì và phát triển tình hữu nghị giữa hai dân tộc.
Ngoài ra, du lịch cũng là một lĩnh vực hợp tác văn hóa đầy tiềm năng. Ngày càng nhiều du khách Nga đến Việt Nam và ngược lại, không chỉ để khám phá cảnh đẹp thiên nhiên mà còn để trải nghiệm và hiểu rõ hơn về văn hóa, con người của mỗi nước.
Các tour du lịch văn hóa, lịch sử ngày càng được ưa chuộng, góp phần quan trọng vào việc tăng cường sự hiểu biết và gắn kết giữa hai dân tộc.
5 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa giữa hai nước tăng 52%
Đánh giá như thế nào về tiềm năng hợp tác kinh tế giữa hai nước thời gian tới, ở các những lĩnh vực hợp tác tiềm năng mới, Đại sứ cho biết: Năm 2012, Việt Nam và Liên bang Nga đã xác lập quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện.
Năm 2015, Việt Nam và Liên minh kinh tế Á-Âu đã ký Hiệp định thương mại tự do (VN-EAEU FTA), tạo thuận lợi cho phát triển hợp tác kinh tế-thương mại, đầu tư giữa hai nước.
Sau khi Hiệp định VN-EAEU FTA có hiệu lực từ tháng 10/2016, thương mại song phương Việt-Nga phát triển nhanh, đạt kim ngạch 5,5 tỷ USD vào năm 2021, tăng 90% so với năm 2016.
Tuy nhiên, những diễn biến phức tạp của tình hình chính trị - kinh tế trên thế giới thời gian qua đã ảnh hưởng tiêu cực tới hợp tác kinh tế - thương mại giữa hai nước. Kim ngạch thương mại hai chiều năm 2022 giảm 35,4% so với năm 2021. Kim ngạch xuất khẩu nhiều mặt hàng giảm rất mạnh như : điện thoại và linh kiện giảm 85,5%; máy vi tính, sản phẩm điện tử giảm 82,7%; giày dép giảm 62,9%...
Cùng với sự nỗ lực chung của các cơ quan chức năng và của cộng đồng doanh nghiệp hai nước, các khó khăn về vận tải, thanh toán… từng bước được tháo gỡ, hoạt động xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Liên bang Nga đã có sự hồi phục rõ rệt.
Năm 2023, kim ngạch thương mại hai chiều tăng 3,6% so với năm 2022. Trong 5 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa giữa hai nước đạt xấp xỉ 2 tỷ USD, tăng 52% so với cùng kỳ năm 2023.
Trong đó, xuất khẩu của Việt Nam sang Nga 956 triệu USD, tăng 45%. Nhiều nhóm hàng thế mạnh của Việt Nam như nông sản, thủy sản, may mặc, thiết bị máy móc tiếp tục duy trì được tốc độ tăng trưởng xuất khẩu cao sang thị trường Nga.
Ngược lại, ta cũng tăng nhập khẩu các mặt hàng thiết yếu như than đá, phân bón, hóa chất, thực phẩm… phục vụ sản xuất, kinh doanh đáp ứng cho nhu cầu trong nước và xuất khẩu ra nước ngoài.
Về đầu tư, tính đến hết tháng 5 năm nay Liên bang Nga có 186 dự án tại Việt Nam với tổng vốn đầu tư xấp xỉ một tỷ USD. Trong khi đó Việt Nam có khoảng 25 dự án đầu tư tại Nga với tổng vốn đầu tư khoảng 3 tỷ USD.
Hợp tác trong lĩnh vực truyền thống là dầu khí tiếp tục được duy trì và củng cố, với hai doanh nghiệp tiêu biểu là Vietsovpetro và Rusvietpetro tiếp tục hoạt động có hiệu quả.
Hợp tác đầu tư trong các lĩnh vực khác như chế biến thực phẩm, sản xuất - lắp ráp ô tô… cũng từng bước phát triển.
Thúc đẩy hợp tác du lịch - thương mại
Trong thời gian qua, Việt Nam và Liên bang Nga cũng từng bước nối lại hợp tác trong nhiều lĩnh vực khác bị gián đoạn từ sau bùng phát đại dịch Covid-19. Từ đầu năm 2024, hai bên đã mở lại tuyến bay thẳng giữa Moscow và Thành phố Hồ Chí Minh với tần suất 3 chuyến/tuần.
Hiện nay, Liên bang Nga và Việt Nam đã nới lỏng các quy định về visa cho công dân của nhau. Từ tháng 8/2023, công dân Việt Nam đã có thể xin visa điện tử vào Nga với quy trình đơn giản, thuận tiện. Trong khi đó từ 15/8/2023, du khách Nga có thể lưu trú tại Việt Nam đến 45 ngày miễn visa.
Đây là các điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp hai nước hồi phục và thúc đẩy hợp tác du lịch - thương mại trong thời gian tới.
Trong những năm gần đây, mặc dù gặp rất nhiều khó khăn, Liên bang Nga tiếp tục duy trì được tốc độ tăng trưởng GDP khá cao và trở thành nền kinh tế đứng thứ tư thế giới theo sức mua.
Trong bối cảnh đó, ngoài các lĩnh vực hợp tác truyền thống, các doanh nghiệp Việt Nam có nhiều cơ hội để thúc đẩy hợp tác các lĩnh vực mà Liên bang Nga có thế mạnh như công nghiệp nền tảng, công nghệ cao, công nghệ thông tin, thương mại điện tử, dược phẩm…
"Chúng tôi đề nghị các doanh nghiệp hai nước tăng cường hơn nữa các hoạt động xúc tiến thương mại, tham gia các hội chợ triển lãm chuyên ngành tại Liên bang Nga và Việt Nam tìm hiểu thị trường, tìm khách hàng, thiết lập quan hệ kinh doanh - đầu tư", Đại sứ Đặng Minh Khôi nhấn mạnh.
"Giữ lửa" tình hữu nghị Việt-Nga
Theo Đại sứ Đặng Minh Khôi, quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa Việt Nam và Liên Xô trước đây và Liên bang Nga ngày nay luôn không ngừng được các thế hệ lãnh đạo và nhân dân hai nước củng cố và vun đắp.
Tình cảm đặc biệt giữa nhân dân Việt Nam và nhân dân Liên Xô trước đây, cũng như Liên bang Nga hiện nay, đã trở thành một biểu tượng của sự đoàn kết và tình hữu nghị quốc tế.
Qua nhiều thế hệ, chúng ta đã chia sẻ với nhau không chỉ những thách thức và khó khăn mà còn cả những khoảnh khắc vinh quang và hạnh phúc, thấm đượm tình cảm sâu sắc giữa nhân dân hai nước.
Nhân dân Việt Nam luôn luôn ghi nhớ và biết ơn sự giúp đỡ quý báu, chí tình của nhân dân Liên Xô và Liên bang Nga trong cả giai đoạn kháng chiến và xây dựng đất nước sau này.
"Qua nhiều thế hệ, chúng ta đã chia sẻ với nhau không chỉ những thách thức và khó khăn mà còn cả những khoảnh khắc vinh quang và hạnh phúc, thấm đượm tình cảm sâu sắc giữa nhân dân hai nước".
Để "giữ lửa" tình hữu nghị Việt-Nga, việc thúc đẩy giao lưu nhân dân là vô cùng cần thiết. Các hoạt động giao lưu nhân dân không chỉ giúp duy trì và phát triển mối quan hệ hữu nghị mà còn tạo ra những cơ hội mới để nhân dân hai nước hiểu và gắn bó hơn với nhau.
Trước hết, cần đẩy mạnh các chương trình trao đổi và giao lưu văn hóa. Các hoạt động giao lưu giữa các thế hệ, đặc biệt là thế hệ trẻ hai nước, cần được tổ chức thường xuyên và quy mô hơn, tạo ra không gian để các thế hệ người dân gặp gỡ, giao lưu, học hỏi và hiểu biết lẫn nhau, nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của tình hữu nghị Việt-Nga, góp phần củng cố và làm sâu sắc hơn tình hữu nghị giữa hai quốc gia, hai dân tộc.
Về hợp tác giáo dục-đào tạo, trước đây, Liên Xô đã giúp Việt Nam đào tạo gần 40 nghìn cán bộ và chuyên gia giỏi thuộc nhiều chuyên ngành khác nhau.
Hiện nay, Nga tiếp tục hỗ trợ Việt Nam đào tạo nguồn nhân lực. Từ năm 2019, Nga đã tăng số học bổng cho Việt Nam lên khoảng 1.000 suất/năm. Hiện có khoảng hơn 5.000 sinh viên Việt Nam du học tại Nga.
Bên cạnh đó, việc tổ chức các hoạt động giao lưu nhân dân thông qua các hội thảo, diễn đàn, và các chương trình hợp tác xã hội cũng rất cần thiết.
Những hoạt động này sẽ tạo ra không gian để người dân hai nước gặp gỡ, trao đổi ý tưởng và hợp tác trong các lĩnh vực khác nhau, từ đó làm sâu sắc quan hệ hữu nghị truyền thống Việt-Nga.
Theo Đại sứ, công nghệ và mạng xã hội cũng có thể được tận dụng để thúc đẩy giao lưu nhân dân. Việc phát triển các nền tảng trực tuyến để người dân hai nước có thể kết nối, chia sẻ và học hỏi lẫn nhau sẽ mở ra những cơ hội mới cho sự giao lưu và hợp tác.
"Chúng ta cần tiếp tục nuôi dưỡng và phát triển mối tình hữu nghị đặc biệt này bằng tất cả tâm huyết và nỗ lực.
Với sự quan tâm, đồng sức đồng lòng của các cấp, các ngành hai nước, tôi tin rằng tình hữu nghị giữa nhân dân Việt Nam và Nga sẽ ngày càng bền chặt và phát triển mạnh mẽ, trở thành nền tảng vững chắc cho việc phát triển quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác nhiều mặt Việt-Nga lên một tầm cao mới", Đại sứ Đặng Minh Khôi bày tỏ.
Nguồn : xaydungchinhsach.chinhphu, 19/06/2024
*********************************
Chuyến thăm của ông Putin gửi thông điệp ‘tôn trọng lẫn nhau’ và đường lối đối ngoại độc lập
VOA, 18/06/2024
Một đại diện ngoại giao Việt Nam hôm 18/6 nói chuyến thăm của Tổng thống Nga Vladimir Putin đến Việt Nam thể hiện đường lối đối ngoại theo tinh thần độc lập, tự chủ, đa dạng hóa của Hà Nội, đồng thời gửi đi một thông điệp mạnh mẽ về sự tôn trọng lẫn nhau giữa hai quốc gia, theo truyền thông trong nước.
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng bắt tay Tổng thống Nga Putin trong chuyến thăm Nga tháng 11/2014 - Ảnh : Getty Images
Phát biểu của Đại sứ Việt Nam tại Nga Đặng Minh Khôi được đưa ra trong buổi trả lời phỏng vấn báo chí về chuyến thăm Việt Nam sẽ diễn ra vào ngày hôm sau của Tổng thống Nga.
"Chuyến thăm này không chỉ là một sự kiện ngoại giao quan trọng mà còn thể hiện sự coi trọng và cam kết của Nga đối với mối quan hệ hợp tác nhiều mặt với Việt Nam", trang tin chính thức của chính phủ Việt Nam dẫn lời ông Khôi nói tại buổi họp báo. "Đồng thời, chuyến thăm cũng thể hiện Việt Nam tích cực thực hiện đường lối đối ngoại theo tinh thần độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa, vì lợi ích quốc gia, dân tộc, và đóng góp vào hòa bình, ổn định trên thế giới".
Đại sứ Việt Nam tại Nga cho biết trong chuyến thăm của ông Putin, lãnh đạo hai nước sẽ thảo luận và định hướng cho quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện đến năm 2030, xác định rõ hơn các lĩnh vực hợp tác trọng điểm, từ kinh tế, thương mại, quốc phòng an ninh, năng lượng, khoa học công nghệ đến giáo dục, văn hóa ngoại giao nhân dân.
"Việc Tổng thống Putin thăm Việt Nam còn gửi đi một thông điệp mạnh mẽ về sự tôn trọng lẫn nhau giữa hai quốc gia", ông Khôi được các báo trong nước trích lời nói thêm, và cho rằng sự kiện này là biểu hiện rõ ràng của tình hữu nghị và sự đoàn kết, từ đó góp phần nâng cao vị thế của cả hai nước trên trường quốc tế.
Chuyến thăm của ông Putin được thực hiện theo lời mời của Tổng Bí thư Đảng cộng sản Nguyễn Phú Trọng vào tháng 3. Lãnh đạo cao cấp nhất của Việt Nam đã nhấn mạnh rằng Hà Nội luôn coi mối quan hệ với Nga là một trong những ưu tiên trong chính sách đối ngoại của mình.
Đây là chuyến thăm đầu tiên của ông Putin đến Việt Nam sau khi nhậm chức Tổng thống Liên bang Nga thêm một nhiệm kỳ nữa vào ngày 7/5. Trước đó, ông từng đến Việt Nam 4 lần vào các năm 2001, 2006, 2013 và 2017.
Sau Trung Quốc và Uzbekistan, nhà lãnh đạo Nga đã chọn Triều Tiên và Việt Nam cho chuyến đi thứ hai sau khi nhậm chức giữa bối cảnh bị phương Tây và nhiều nước trên thế giới tẩy chay vì cuộc chiến ở Ukraine.
Hoa Kỳ đã phản ứng gay gắt đối với chuyến thăm của ông Putin đến Việt Nam lần này trong khi Liên Hiệp Châu Âu bày tỏ bất mãn với việc Hà Nội đã hoãn chuyến thăm của quan chức phụ trách cấm vận Nga trước đó vì lịch trình dự kiến cho chuyến thăm của tổng thống Nga, Reuters đưa tin hôm 17/6.
Ông Putin đã bị Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) có trụ sở tại La Haye ban hành lệnh bắt giữ vì cáo buộc phạm tội ác chiến tranh ở Ukraine vào tháng 3 năm ngoái. Tuy nhiên, Việt Nam không phải là thành viên của ICC nên không có nghĩa vụ tuân thủ.
Các nội dung dự kiến
Trong chuyến thăm Việt Nam hai ngày, bắt đầu từ 19/6, sau lễ tiếp đón tại Hà Nội, Tổng thống Nga sẽ gặp toàn bộ "tứ trụ" là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Tô Lâm, Thủ tướng Phạm Minh Chính và Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, theo cập nhật của Sputnik.
Hãng tin của nhà nước Nga cho biết rằng cuộc gặp với Thủ tướng Việt Nam sẽ diễn ra trong buổi điểm tâm bàn công việc, đề cập đến các chủ đề về kinh tế.
Sau đó, các cuộc đàm phán song phương dự kiến sẽ đề cập đến các sáng kiến nhằm thúc đẩy hợp tác song phương trong các lĩnh vực như an ninh và quốc phòng, kinh tế và thương mại, văn hóa và du lịch.
Vẫn theo Sputnik, ông Putin cũng sẽ gặp gỡ các sinh viên tốt nghiệp từ các trường đại học Liên Xô và Nga và đặt vòng hoa tại Đài tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ ở Hà Nội.
Ngoài ra, chuyến thăm dự kiến sẽ dẫn đến việc thông qua một tuyên bố chung xác nhận các nguyên tắc hợp tác hơn nữa giữa hai nước. Theo hãng tin Nga, tổng cộng có khoảng 20 văn kiện hợp tác chung dự kiến sẽ được ký kết.
Ông Putin và các lãnh đạo Việt Nam dự kiến cũng sẽ trao đổi về "các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm", theo lời Đại sứ Khôi.
Trong khi Nga bị Mỹ và các nước phương Tây áp dụng hàng trăm lệnh trừng phạt về kinh tế vì cuộc chiến ở Ukraine khiến cho vấn đề thanh toán giữa Nga với các nước gặp trở ngại, dự kiến vấn đề này cũng sẽ được giải quyết trong chuyến thăm Việt Nam lần này của ông Putin.
Ngân hàng hỗn hợp Việt-Nga (VRB) được thành lập từ năm 2006, hiện đã thiết lập hệ thống thanh toán bằng tiền tệ quốc gia trong hợp tác kinh tế thương mại giữa hai nước. Theo Sputnik, thanh toán giữa Nga và Việt Nam bằng tiền tệ quốc gia vào năm 2023 đã tăng gấp bốn lần.
Việt Nam và Nga thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 1950 và nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện vào năm 2012. Trong những năm 1970 và 1980, Liên Xô là đối tác thương mại chính của Việt Nam. Sau đó, các nước lớn như Trung Quốc và Mỹ đã có những động thái ngoại giao quan trọng đối với quốc gia Đông Nam Á, trong đó chính quyền Biden coi Việt Nam như một phần của chính sách "xoay trục sang châu Á".
Tuy nhiên, Hà Nội vẫn duy trì và phát triển mối quan hệ đối tác truyền thống với Moscow. Hai nước tích cực hợp tác trong lĩnh vực năng lượng, y tế và nông nghiệp. Việt Nam là khách hàng mua vũ khí lớn nhất của Nga trong nhiều thập kỷ qua. Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh kinh tế Á-Âu (EAEU) đã được ký kết vào năm 2016.
Theo thống kê được Sputnik trích dẫn, kim ngạch thương mại giữa Nga và Việt Nam tăng trưởng hơn 8% và đạt 5 tỷ USD vào năm 2023, cho thấy tiềm năng tăng trưởng hơn nữa. Nga có thể tăng xuất khẩu sang Việt Nam các sản phẩm dầu mỏ, than đá, kim loại, cao su và các loại polyetylen cũng như hàng nông sản như lúa mì, ngô và đậu nành.
Việt Nam có tiềm năng xuất khẩu các sản phẩm như điện thoại, máy tính, tivi, mạch tích hợp điện tử, linh kiện ô tô, lốp hơi, đồ nội thất, giày dép và quần áo.
Tính đến tháng 4, Nga đã báo cáo 984,98 triệu USD trong 186 dự án ở Việt Nam. Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam, Hà Nội đã đầu tư 1,63 tỷ USD vào 18 dự án ở Nga, tập trung vào các lĩnh vực như dầu khí, sản xuất và nông nghiệp. Theo Sputnik, mục tiêu kim ngạch thương mại giữa Nga và Việt Nam là 10 tỷ USD vào năm 2025.
Nguồn : VOA, 18/06/2024