Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

27/06/2024

Thích Minh Tuệ : Lời cảnh báo cho nạn khuynh loát tôn giáo

JB Nguyễn Hữu Vinh

Vấn nạn quốc doanh

Từ rất lâu, những câu chuyện về nhà chùa, nhà sư trong xã hội Việt Nam đã trở thành một đề tài được cộng đồng mạng bàn tán xôn xao hoặc rộ lên từng đợt sau mỗi sự việc trong "hậu cung nhà chùa" bị bại lộ. Để rồi sau đó lại như đá ném ao bèo, nghĩa là dần dần đi vào quy luật "nói lắm cũng nhàm" và mọi chuyện trở nên bình thường trong một hoàn cảnh không bình thường của hệ thống Phật giáo tại Việt Nam.

daophap1

Phật giáo quốc doanh là Phật giáo dưới sự lãnh đạo tuyệt đối của Đảng cộng sản Việt Nam

Đó là hệ thống Phật giáo đã được định hướng theo khẩu hiệu : "Đạo pháp – Dân tộc – Chủ nghĩa xã hội", một khái niệm mông lung mà có lẽ Đức Phật có sống lại cũng chẳng hiểu cái "chủ nghĩa xã hội" mà các thế hệ sư sãi hiện nay ở Việt Nam đặt chắn trước mặt các tượng Phật là cái gì.

Theo ngôn ngữ dân gian, thì hệ thống Phật giáo đó được định nghĩa là hệ thống Phật giáo quốc doanh – nghĩa là Phật giáo dưới sự lãnh đạo tuyệt đối của Đảng cộng sản Việt Nam là một đảng lấy chủ thuyết Mác – Lenin vô thần, bạo lực và bất khoan dung với mọi tôn giáo là "Kim chỉ nam" của mọi hành động.

Hệ thống Phật giáo đó, được nhào nặn bằng sự quy tập tất cả 9 hệ phái tôn giáo nguyên ủy đã tồn tại ở Việt Nam cho đến năm 1981 - mấy năm sau khi người cộng sản hoàn thành việc xâm lược một quốc gia anh em qua một cuộc chiến tranh bạo tàn vì hệ tư tưởng cộng sản. Cuộc quy tập và nhào nặn tạo thành cái gọi là Giáo hội Phật giáo Việt Nam này, là một hình thức "nấu lẩu" bằng cách trộn lẫn tất cả mọi thứ vào một nồi cho dễ quản lý.

Hệ thống đó được hình thành, nhằm thay thế cho hệ thống Phật giáo chân truyền lâu đời đã tồn tại ở Việt Nam và đã bị chính sách tiêu diệt tận gốc của đảng tàn sát trước đó trong "cuộc cách mạng tư tưởng và văn hóa".

Và hệ thống mới, được quản lý bởi hệ thống sư sãi do đảng đào tạo, lựa chọn, bổ nhiệm hoặc được đào tạo, bổ nhiệm từ đội ngũ an ninh sang nhận "nhiệm vụ đặc biệt". Vì thế, cái tiêu chuẩn "hồng hơn chuyên" được áp dụng triệt để cho các "chiến sĩ trên mặt trận văn hóa, tư tưởng" này của Đảng cộng sản Việt Nam.

Với tiêu chuẩn "Hồng hơn chuyên" nên việc tu tập, việc thực hành tôn giáo theo yêu cầu của Giáo lý, Phật pháp là điều không quan trọng bằng quá trình lập thành tích, quá trình phấn đấu kết nạp đảng hoặc hoàn thành các nhiệm vụ chính trị là chính.

Cũng chính vì vậy, mà hiện tượng "Lạ" liên tục xuất hiện trước cửa thiền môn, bởi chính các tăng lữ, bởi các chùa chiền và đội ngũ sư sãi. Thế rồi dần dần, trong xã hội Việt Nam xuất hiện ngày càng nhiều và càng phổ biến hiện tượng "ma tăng" theo cách gọi của dân chúng cõi đời.

Báo chí, mạng xã hội thỉnh thoảng lại rộ lên những vụ việc không thể giấu kín, không thể che đậy và làm choáng váng xã hội Việt Nam.

Đó là những vụ như nhà sư Thích Trí Hộ ở Quảng Trị giết người tình rồi ném xác xuống sông phi tang. Vụ Đại đức, Thượng tọa Thích Thanh Toàn quấy rối tình dục nữ phóng viên bằng nhiều cách bẩn thỉu và khi bị bại lộ thì "Hòa thượng Xin tí Khí" đề nghị được nhận lại khối tài sản mấy trăm tỷ có được nhờ tu hành mấy năm. Hay tập thể nhà sư hùa nhau xâm hại tính dục đồng tính những nam phật tử đến chùa ở Vĩnh Phúc.

Người ta cũng chẳng thấy lạ khi ngày nay, sư sãi chỉ cần ở chùa ban ngày còn buổi tối thay áo đội mũ đi quán bar, hát karaoke và chơi gái. Thậm chí, những ngày đầu năm mới đây, Đại đức Thích Nhuận Nghi chùa Từ Đức đã phải hồi tục sau khi một đoạn video đen mà Đại đức và ni cô đã thực hiện cái việc mà cha ông nói là "ông sư bà vãi cuộn tròn lấy nhau".

Đó là những vụ nhà sư nghiện ma túy rồi trộm cả chuông chùa để bán hay nhà sư lừa đảo hàng chục nạn nhân với số tiền khổng lồ hoặc Hòa thượng trụ trì kiêm chạy án, đã nhận cả mấy triệu đola để chạy án ở những vụ án động trời…

Rất, rất nhiều những vụ việc nổi tiếng về sự sa đọa của hàng ngũ tăng lữ trong cái gọi là Phật giáo quốc doanh ngày nay.

Tuy nhiên, nếu chỉ sa đọa về tư cách, về đạo đức cá nhân, về hành xử và lừa đảo cá nhân, thì chưa hết. Cộng đồng mang và dư luận gần đây chú ý nhiều đến những hiện tượng sư sãi quốc doanh làm khuynh đảo xã hội bởi những vụ lừa đảo có tính chất quốc gia, có tính chất phổ thông toàn xã hội với những mớ lý thuyết đi ngược với giáo lý nhà Phật với mục đích nhằm dọa dẫm các tín đồ, các phật tử đi vào con đường sai lạc. Để từ đó, nhằm moi từ họ những khoản tiền khổng lồ.

Những hiện tương sư sãi bày trò mê tín dị đoan nổi tiếng như "Oan gia trái chủ" tại chùa Ba Vàng của Thích Trúc Thái Minh – một hình thức mê tín bịa đặt nhằm dọa dẫm người u mê bỏ ra những khoản tiền lớn cho thầy chùa. Thế rồi khi bị lên án, thì không lâu sau đó, hệ thống chùa này lại bịa chuyện "Xá lợi lông" của đức Phật. Và một vụ lừa đảo mới lại bị phanh phui.

Không chỉ có mỗi Thích Trúc Thái Minh, trong hàng ngũ tăng đoàn của Phật giáo quốc doanh hiện tại, những nhân vật như Thích Nhật Từ, Thích Chân Quang… đã và đang là những điển hình được nhắc tới trên mạng xã hội về những trò đi ngược giáo lý Phật giáo với mục đích duy nhất, tối thượng là lừa đảo kiếm tiền bá tánh u mê.

Có lẽ không cần nói nhiều, những người chỉ cần đầu óc tỉnh táo đã có thể thấy được sự lỳ lợm bất chấp của những kẻ mang áo nhà sư quốc doanh này.

Và người ta nói, người ta lên án, người ta phê phán đủ mọi cách.

Nhưng mọi việc vẫn cứ như cũ, chẳng hề suy suyển, những bộ mặt nhà sư vẫn nhăn nhở, vẫn lẻo mép và vẫn lừa đảo như thường.

Và cả hệ thống Phật giáo quốc doanh lừa đảo ấy vẫn câu kết với nhau, vẫn bảo vệ lẫn nhau để tồn tại, để bất chấp dư luận, để kiếm ăn bằng sự mê muội của đám con nhang đệ tử được hướng dẫn, được đào tạo bằng mọi cách để phục vụ đám quốc doanh và quên đi mọi thực trạng xã hội Việt Nam hôm nay.

Không chỉ có Phật giáo

Nói đến vấn nạn tôn giáo quốc doanh hiện nay tại Việt Nam, người ta nghĩ ngay đến Phật giáo.

Bởi nó đã là điển hình cho sự thành công của chính sách khuynh loát của Đảng cộng sản Việt Nam đối với các tôn giáo, nhằm thực hiện chiến lược "Tận dụng các phần tử tiến bộ trong các tôn giáo nhằm phục vụ sự nghiệp cách mạng của đảng CS của giai cấp vô sản" như trong lý thuyết Mác – Lenin đã ghi.

Nhưng sự khuynh loát không chỉ có ở trong một tôn giáo hay một lĩnh vực đời sống xã hội. Mọi tôn giáo, mọi mặt đời sống xã hội đều phải được sự quan tâm của đảng và bàn tay của đảng phải thò vào tận nơi, thì khi đó mới mong được yên ổn không bị coi là "thế lực thù địch".

Ngay cả trong Phật giáo, thì nhóm Phật Giáo thống nhất không chịu sự khuyunh loát của đảng, cũng đã bị loại ra khỏi xã hội bằng cái gọi là "Bất hợp pháp".

Những tôn giáo khác như Hòa Hảo, Cao Đài… đều được sự quan tâm của đảng và đảng thừa lực lượng, đầy khả năng để vô hiệu hóa những nhóm tôn giáo chân truyền, lập ra những nhóm quốc doanh để thay thế, để chia rẽ, để lũng đoạn.

Riêng hệ thống Công giáo, là một tôn giáo khó lũng đoạn nhất, bởi Giáo hội Công giáo có một tổ chức toàn cầu vững chắc, bền vững và chặt chẽ từ xưa đến nay, độc lập trong đào tạo, nghiêm cẩn trong chọn lựa nhân sự… nên việc khuynh loát không hề dễ dàng như các tổ chức tôn giáo khác.

Thế nhưng, khó, không có nghĩa là nhà cầm quyền buông tha.

Và một chiến lược lâu dài, bền bỉ và có sách lược, được thực hiện bằng cả hệ thống chính trị với những chi phí, đầu tư không hề tiếc tiền dân cho các bộ phận nghiệp vụ nhằm khuất phục tôn giáo này từ trung ương đến địa phương ròng rã mấy chục năm nay.

Bắt đầu từ việc thành lập tổ chức "ma giáo" thay tổ chức tôn giáo chân chính như cách làm xưa nay của các chế độ cộng sản. Cái gọi là "Ủy ban đoàn kết công giáo" được thành lập hơn 70 năm trước vẫn được nuôi bằng tiền dân, vẫn dai dẳng sống và lập thành tích dâng đảng bằng mọi cách, mọi lúc và mọi khả năng.

Rồi việc hệ thống chính trị Việt Nam dùng con mồi "bang giao" với Vatican, nhằm đưa Vatican vào hết cạm này đến bẫy khác trong quá trình giao thiệp, để cuối cùng Vatican đồng ý trao ngọn roi quyền lực vào tay nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam trong việc cho họ có vai trò trong lựa chọn nhân sự quyết định của Giáo hội xưa nay người có quyền lực duy nhất là Giáo hoàng.

Và chiếc bẫy đã sập xuống.

Và những hệ lụy của nó đã lập tức được thể hiện rất… ngoạn mục.

Đó là thay vì thái độ kiên quyết với trò ma giáo đi ngược lại đức tin, đường lối của Giáo hội Công giáo, kiên quyết nói không với những nạn khuynh loát và kiềm chế giáo hội, thì ngày nay, nhiều nơi, các Giám mục được bổ nhiệm sau khi đã được sự đồng ý của nhà cầm quyền Đảng cộng sản Việt Nam, đã coi chuyện khối ung bướu "Ủy ban đoàn kết" mà đảng dựng lên bên canh Giáo hội là chuyện bình thường, thậm chí là còn cử các linh mục của mình vào đó để "công tác". Điều này đi ngược lại nguyên tắc giáo luật của Giáo hội Công giáo là tu sĩ không được tham gia chính trị.

Đặc biệt, việc kiềm chế, điều khiển những nhân vật, chức sắc, tu sĩ đi theo nhà nước là nghề riêng của đám an ninh Việt Nam. Rất nhiều các linh mục, tu sĩ trong số những người xếp hàng trong hàng ngũ cơ quan của đảng ấy, đã lập những "thành tích đen" trong đời sống tu trì của họ trong giáo hội.

Và đó là chiếc dây thừng mà nhà cầm quyền cầm chắc để dẫn họ đi theo mình.

Nhưng giáo hội vẫn để hiện tượng đó tồn tại ngang nhiên.

Bởi không dễ dàng để xử lý những điều đó từ những Giám mục không có thái độ thẳng thắn, rõ ràng đen trắng phân minh.

Đó là những Giám mục mà nói theo Công an là "Chúa không chọn, thì chúng tôi chọn", thay vì thái độ kiên quyết lên án cái xấu, từ bỏ sự đen tối, sự cám dỗ đi ngược lại đường lối Đức tin cho giáo dân noi gương, thì ngược lại đã thực hiện chính sách "đề huề" và coi việc giao lưu, giao hảo với đám quan chức lãnh đạo của cộng sản như một ân huệ, một thành công, một sự hãnh diện cho cá nhân mình.

Và các ngài không nhớ rằng thiên hạ đã có câu: "Hãy nói cho tôi biết bạn của anh là ai, tôi sẽ nói cho anh biết anh là ai". Bởi sau những cuộc đón tiếp trang trọng, kính cẩn, sau những cái bắt tay hữu hảo và những bó hoa, nụ cười kia với các giám mục, linh mục, thì đám quan chức đó đã hiện nguyên hình là đám cướp, đám tội phạm.

Và không chỉ có vậy, rất nhiều hiện tượng tục hóa trong Giáo hội đã xảy ra, những mâu thuẫn khó giải quyết giữa giáo dân và linh mục đã có nhiều nơi, nhiều lúc đến tình trạng căng thẳng.

Bởi não trạng Giáo sĩ trị đã thay thế não trạng phục vụ cho cộng đồng dân Chúa.

Bởi một số giáo sĩ, linh mục tự coi mình như những vua, quan, và trên hết, họ coi việc đi tu, là một nghề kiếm sống. Và khi đó, rất nhiều linh mục đã phải chống chọi gian nan giữa con đường tu trì và cuộc sống hiện đại với những tham vọng vật chất, nhục dục, danh vọng và nhiều vấn đề trong đời sống cộng đồng xuất phát từ sự tha hóa, khuynh loát của hệ thống chính trị một cách ngang nhiên.

Rất tiếc là điều ít khi người giáo dân nghĩ đến và không thể chấp nhận, đã xuất hiện không ít và thậm chí ngày càng nhiều trong đời sống giáo hội mà với mạng truyền thông hiện đại ngày nay, thì việc che đậy không phải là giải pháp tốt nhất.

Thậm chí, không chỉ linh mục, tu sĩ mà ngay cả Giám mục, một Chức vị được coi trọng bậc nhất trong giáo hội Công giáo. Với truyền thống xưa nay của Giáo hội Việt Nam, là hiện thân của Chúa, người được sai đến "Nhân danh Chúa". Thì ngày nay, đã xuất hiện hiện tượng giáo dân bất phục tùng, giáo dân đã thẳng thừng đề nghị các ngài tự nguyện ra khỏi chức vụ của mình khi đã không còn chỗ đứng trong trái tim và khối óc của họ.

Những điều đó, nói cho cùng, là kết quả của nạn khuynh loát bởi bàn tay cộng sản với giáo hội Công giáo.

suminhtue2

Hiện tượng Thích Minh Tuệ

Một người đàn ông quê gốc Hà Tĩnh, Lê Anh Tú (sinh năm 1981). Ông là con thứ hai trong một gia đình có bốn người con. Cách đây 30 năm, năm 1994, ông cùng gia đình chuyển đến xã Ia Tô, huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai sinh sống.

Tại Gia Lai, khi học hết phổ thông trung học, ông đi nghĩa vụ quân sự khoảng ba năm. Sau khi xuất ngũ, ông theo học Trường Trung cấp Lâm nghiệp Tây Nguyên rồi làm địa chính viên.

Tưởng rằng cuộc đời sẽ êm ả trôi qua với một nghề nghiệp học được, thì ông lại bỏ ngang công việc và gia đình để đi tu.

Ông đã từng vào tu hành tại một ngôi chùa một thời gian, ở đó ông lấy tên Thích Minh Tuệ, một cái tên hướng đến những mục tiêu và hy vọng đến sự hiểu biết về Phật pháp và những điều cao siêu trong Phật giáo.

Có lẽ cuộc đời ông cũng sẽ chẳng có gì đáng nói nếu ông tiếp tục cuộc sống tu hành với khẩu hiệu "Đạo pháp – Dân tộc – Chủ nghĩa xã hội" như hàng chục vạn sư sãi của 18.000 ngôi chùa của hệ thống quốc doanh hiện tại. Hoặc nếu ông không thuộc diện quá nổi bật trong hệ thống đó như những thượng tọa, đại đức lừa đảo, chạy án, giết người hoặc sử dụng ma túy, trộm cắp hoặc Hòa thượng "Xin Tí khí, đại đức "phân xác phi tang" … rồi nổi tiếng bất đắc dĩ như thời gian vừa qua.

Thế nhưng, sau một thời gian ở chùa, ông đã tự thấy mình không phù hợp với môi trường tu hành như các sư sãi quốc doanh, nên ông đã tự tìm cho mình một con đường tu khác, dù khó khăn và gian nan gấp bội những người tu hành khác trong hệ thống Phật giáo quốc doanh hiện tại.

Ông đã tìm đọc sách về Phật pháp trong thời gian này và thực hành ăn chay, tu tại gia. Thế rồi ông "tập học theo lời Phật dạy" bằng cách giữ 13 hạnh đầu đà theo Phật giáo Thượng tọa bộ và bộ hành khất thực khắp đất nước trong nhiều năm.

Những chuyến đi của ông từ Nam ra Bắc và từ Bắc vào Nam đã được thực hiện đến 6 lần trong sự im lặng và không được sự chú ý của cả hệ thống không chỉ là báo chí mà là cả mạng xã hội. Chỉ cho đến năm 2024, khi ông tiếp tục cuộc hành trình thứ 6 của mình thì được hệ thống youtuber, Tictoker, Facebooker chú ý và qua đó, ông nổi tiếng trên toàn mạng xã hội và tác động sâu sắc đến dư luận xã hội một cách rộng rãi.

Người ta chú ý đến một nhà tu hành chẳng cần xưng tụng mình là Thầy, là sư hay một chức danh nào khác, ông tự xưng "con" với bất cứ ai liên hệ, hàng ngày ông đi bộ bằng đôi chân trần bất cứ nắng mưa, chẳng xe đạp cũng không ô tô, chẳng mũ mão cũng không áo mưa, quần áo mặc là từ những miếng vải người đời vứt bỏ được khâu vá lại, không kể màu mè, không cần kiểu dáng. Mỗi ngày, ông khất thực và ăn một bữa bất kể đói no, rồi cứ vậy độc hành qua mọi miền đất nước, đêm đến không nhà cửa, ngồi ngủ ở nghĩa trang, nơi hoang vắng…

Điều đặc biệt, là không tuyệt đối không nhận tiền bạc, của cải, vật chất của bất cứ ai ngoài một bữa ăn khất thực được vào buổi sáng là hết.

Và đó là điều lạ. Làm gì có một người không biết nhận tiền, làm gì có một người dám từ bỏ tất cả để tu hành theo giới răn của Đức Phật? Nhất là làm gì lại có ai trên đời này miệt mài con đường tu hành, mặc cho đời đầy mưu mô diễn biến xung quanh.

Và ông trở thành hiện tượng lạ.

Hàng ngàn người đã tìm đến gặp ông để đảnh lễ, để thán phục, để kính trọng ông như một người chân tu, một người đã có hành vi tu hành khác hẳn với những hình ảnh đời thường của giới tăng lữ, tu hành thường ngày mà họ tiếp xúc trong hệ thống chùa chiền quốc doanh.

Ở đó, đa số giới tăng lữ sống cuộc sống hai mặt, trần tục hơn cả những người trần tục và dối trá hơn cả những người dối trá… Trước bàn dân thiên hạ, những kẻ mặc áo cà sa cạo trọc này giở đủ trò không chỉ lừa đảo bá tánh u mê, mà còn phá hoại Phật giáo đến tận căn cốt, gốc rễ. Những trò bày đặt trắng trợn như "Oan gia trái chủ", "Xá lợi tóc Phật" hay nghệ thuật lừa đảo, mê hoặc và dọa dẫm những người u mê qua việc "Cúng dường" và đủ mọi trò ma quỷ mà giới tăng lữ quốc doanh thi thố, dù đã lừa đảo được khá nhiều người, nhưng không phải vì thế mà lừa đảo được toàn xã hội. Khi xuất hiện Thích Minh Tuệ, như một luồng sáng của người chân tu, chiếu rọi vào hệ thống quốc doanh tanh tưởi, bẩn thỉu cho thấy sự nhầy nhụa, nhớp nháp trong đó nó đến mức độ nào…

Thì khi đó, cả xã hội mới bừng tỉnh.

Những phản ứng xã hội lập tức lan truyền với tốc độ chóng mặt, cả xã hội lên đồng vì hiện tượng "lạ" với một nhà sư tu hành khác thường. Khắp mọi ngóc ngàch diễn đàn mạng xã hội, mọi nơi mọi chỗ, mọi tổ chức, cá nhân đều có một sự so sánh tự nhiên với giới tăng lữ quốc doanh. Và song song với những hình ảnh Thích Minh Tuệ, là những video, hình ảnh về những bài giảng thuyết nhố nhăng, sai lạc, dẫn dụ người dân đến chỗ lột nốt chiếc quần cụt để "cúng dường" cho đám ma tăng được nhắc lại, được đưa lên để so sánh, để cảnh tỉnh người khác khỏi sự u mê lâu nay.

Chạm nọc

Và điều phải đến đã đến, đó là sự chạm nọc.

Hầu như ngay lập tức, cái gọi là Giáo hội Phật Giáo Việt Nam (thường gọi là Giáo hội quốc doanh) lên tiếng minh định rằng ông Thích Minh Tuệ này không phải là tu sĩ Phật Giáo, bởi ông ta không thuộc chùa chiền nào, cũng không nằm trong Giáo hội Phật giáo quốc doanh của các vị ấy.

Và dân chúng đã thấy sự lên tiếng đó là buồn cười và ngớ ngẩn. Theo mấy ông sư quốc doanh, thì ông Thích Minh Tuệ này không phải tu sĩ Phật Giáo, chỉ vì không nằm trong hệ thống sư quốc doanh, không trong Giáo hội quốc doanh?

Vậy thì ông ta là tu sĩ Thiên Chúa Giáo hay Hồi Giáo chăng?

Vậy thì Hai Bà Trưng, Bà Triệu không phải là phụ nữ, chỉ vì đã không nằm trong Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam?

Thực ra, đây là cách phản ứng của sự tuyệt vọng trước hiện tượng xã hội dùng ánh sáng Thích Minh Tuệ soi vào Giáo hội quốc doanh đã bị hiện tượng "Mậu dịch hóa" xưa nay nên các ngài thấy nhột, và từ nhột, các ngài phát biểu thiếu cân nhắc trước sau.

Và quả là cách lên tiếng ấy đã như đổ thêm dầu vào lửa, nó chỉ càng làm rõ hơn vai trò của đám quốc doanh đang bảo vệ điều gì, vì sao họ lên tiếng lạc lõng và kệch cỡm như vậy.

Bởi người ta thấy hiện tượng sư sãi các đại chùa từ Ba Vàng đến Giác Ngộ rồi Phật Quang…, nhan nhản những Thượng tọa rồi đại đức ngang nhiên lừa đảo thiên hạ, rao giảng xằng bậy đi ngược giáo lý nhà Phật, tăng lữ có đời sống sa dọa, dâm loạn, làm tiền trắng trợn… Đơn thư kiện cáo, khiếu nại tứ tán khắp bốn phương trời lâu nay mà chẳng thấy cái gọi là Giáo hội này nhanh nhảu lên tiếng như vậy.

Vậy mà chỉ xuất hiện Thích Minh Tuệ thì lập tức cả hệ thống chuyển động nhanh đến thế. Điều đó, chỉ cho thấy cái sự "nhột" ấy nó đến mức nào.

Không chỉ có thế, một cơ quan nhà nước, ăn tiền dân để quản lý tôn giáo là Ban Tôn giáo Chính phủ, cũng lập tức ra văn bản rằng thì là các cơ quan, các ban của Ban Tôn giáo các tỉnh phải ra tay, phải làm việc" trước hiện tượng dân chúng đổ xô đến đồng hành, đồng cảm và đồng tình với hiện tượng Thích Minh Tuệ, mà nếu cứ vậy mà phát triển, thì công lao của đám quốc doanh, của hệ thống sư sãi kiêm an ninh, kiêm tuyên giáo này có nguy cơ đổ bể. Nhất là việc định hướng dư luận, đưa đám dân chúng vào cõi u mê, tin tưởng mê tín dị đoan và lung lạc tinh thần, hướng mọi người rời xa thực tại cuộc sống hiện tại trong một xã hội được Nguyễn Duy mô tả :

… Xứ sở linh thiêng

sao thật lắm đình chùa làm kho hợp tác

đánh quả tù mù trấn lột cả thần linh

Giấy rách mất lề

tượng Phật khóc Đức Tin lưu lạc

Thiện - Ác nhập nhằng

Công Lý nổi lênh phênh…

…Xứ sở cần cù

sao thật lắm Lãn Ông

lắm mẹo lãn công

Giả vờ lĩnh lương

giả vờ làm việc

Tội lỗi dửng dưng

lạnh lùng gian ác vặt

Đạo Chích thành tôn giáo phổ thông

Ào ạt xuống đường các tập đoàn quân buôn

buôn hàng lậu - buôn quan - buôn thánh thần - buôn tuốt...

quyền lực bày ra đấu giá trước công đường…

(Nhìn từ xa Tổ Quốc – Nguyễn Duy)

Người ta ngạc nhiên : Hệ thống Phật giáo quốc doanh nhột đã đành còn các ban ngành, cơ quan nhà nước mà nhột thì có nghĩa là gì ?

Chẳng có gì khó hiểu lắm, bởi hệ thống Phật giáo hiện tại, từ lâu đã trở thành Công ty cổ phần Kinh doanh Phật giáo, mà trong đó, các cổ đông chính là những quan chức có máu mặt chứ chẳng đùa. Không tin, hãy nhìn hệ thống hình ảnh mà Chùa Ba Vàng, Phật Quang, Giác Ngộ… đã trưng lên thì biết.

Thế rồi hệ thống Công an đã ra tay trong đêm.

Thường thì công an hành động về đêm là chính. Và người ta rút ra một điều, rằng là khi có việc gì khuất tất, muốn giấu diếm người dân, không quang minh chính đại hoặc gây tội ác, thì mới cần thực hiện ban đêm.

Những cuộc như thảm sát Đồng Tâm, Phá cây Thánh giá ở Đồng Chiêm, Mỹ Đức hay những vụ cướp đất Vụ Bản… công an thường thực hiện ban đêm. Việc bắt ông Thích Minh Tuệ đi cũng tương tự. Đang đêm, khi cả đoàn đang nghỉ ngơi, thì hàng chục xe ô tô và hàng trăm công an đã bí mật bắt họ đi tứ tán nhiều ngã và đổ xuống giữa đồng. Riêng ông Thích Minh Tuệ thì bí mật đưa về Gia Lai.

Thế nhưng, điều hài hước ở đây, là hệ thống Tôn giáo và công an đưa thông tin rằng: "Thích Minh Tuệ đã tự nguyện dừng khất thực", có nghĩa là dừng việc tu hành.

Kết hợp tất cả những hành động ấy, chỉ chứng tỏ một điều: Cả hệ thống chính trị đã và đang tỏ ra nỗi sợ hãi của mình trước một người bé nhỏ vô sản với đôi chân trần đi xin ăn dọc đường.

Điều đó cũng cho thấy cái sự đàng hoàng, vinh quang của hệ thống này nó đang ở mức độ nào.

Không chỉ dành cho Phật giáo quốc doanh

Như trên đã nói : Hiện tượng Thích Minh Tuệ như một luồng ánh sáng rọi vào hệ thống Phật giáo quốc doanh hiện tại, làm sáng rõ trước mắt thiên hạ cái sự nhơ nhớp trong cái ổ quốc doanh này. Ở đó có đủ mọi sự bẩn thỉu và tệ nạn, và hiện trạng đó không thể chỉ nói là thời mạt pháp là xong, mà phải nói rằng, đó là hiện tượng tiêu diệt Phật giáo có hệ thống, có đường lối và có kế hoạch cụ thể.

Bởi đơn giản là chỉ cần người dân tỉnh táo một chút, thì họ sẽ thấy sự nhầy nhụa của cái gọi là Phật giáo ngày nay do hệ thống sư mậu dịch biến tướng gây nên. Và Phật giáo sẽ bị suy đồi trong tiềm thức và con mắt mọi người.

Tuy nhiên, điều đó không chỉ dành cho Phật giáo mà thôi. Các tôn giáo khác cũng đã hoặc đang từng bước tiến vào vũng lầy tha hóa tương tự.

Điển hình như Giáo hội Công giáo, vốn được ca ngợi và tin tưởng bởi sự "Duy nhất, Thánh Thiện, Tông truyền" và có một hệ thống tổ chức chặt chẽ, giáo lý, Giáo luật khắt khe toàn cầu khó có thể khuynh loát.

Thế nhưng, khó không có nghĩa là không thể.

Những năm gần đây, hiện tượng "đề huề" giữa quan chức cộng sản và chức sắc tôn giáo đã đem lại những hậu quả nhãn tiền.

 Nhiều chức sắc, linh mục đã tạo ra não trạng rằng chống lại nguyên tắc của Giáo hội toàn cầu xưa nay là chuyện bình thường, khi họ ngang nhiên tham gia vào hệ thống chính trị của chính quyền cộng sản – một điều hết sức cấm kỵ đối với các tu sĩ, chức sắc trong giáo hội Công giáo. Những người này, với cái cớ rằng Giám mục đồng ý, hoặc không ngăn cản, thậm chí nhiều Giám mục còn đưa họ ra như vật trao đổi với nhà cầm quyền cộng sản để đổi lấy sự giao hảo hai bên.

Và khi :

Mẹo lừa đã mắc vào khuôn,

Sính nghi rẻ giá nghênh hôn sẵn ngày.

Thì :

Ma đưa lối, quỷ dẫn đường

Cứ lần theo bước đoạn trường mà đi

Để rồi phong trào các linh mục chạy theo mối lợi vật chất, bỏ bê việc đạo đức, giao lưu với ma quỷ được coi là bình thường, rồi ngấm vào mình những quan niệm lệch lạc và đủ thứ bệnh mà cha ông đã nói: "Đi với bụt mặc cà sa. Đi với ma thì mặc áo giấy".

Hẳn nhiên là khi một linh mục công khai hoạt động trong các tổ chức chính trị như Hội đồng Nhân dân, Quốc hội, Ủy ban Đoàn kết Công giáo… - là những tổ chức của đảng cộng sản - có nghĩa là chống lại những điều Giáo luật đã quy định và mọi giáo dân đều biết. Điều đó, cũng có nghĩa là hàng ngũ từ Giám mục đến linh mục đã làm gương xấu cho Giáo dân đi ngược lại lề luật, giáo luật của Giáo hội Công giáo đã đặt ra.

Những sự lây nhiễm này, được biểu hiện bằng nhiều cách, kể cả những việc tưởng chừng như đạo đức, sốt sắng trong việc phụng vụ.

Thậm chí, ngay cả phong trào đua nhau đập phá để xây lại nhà thờ, nhà xứ cho to, cho đẹp, để lưu danh mà bất chấp lòng dân, bất chấp thực tế để nảy sinh ra các hệ lụy cũng là một bước lệch lạc, tha hóa mang màu sắc đạo đức, làm mất đi nhiều tâm hồn giáo hữu. Và đó cũng là một điều sâu xa, ảnh hưởng lâu dài đến việc tồn tại, phát triển của giáo hội, nhất là việc đạo đức của mỗi tín hữu Việt Nam.

Đó là chưa kể đến những hiện tượng, phong trào tục hóa đời sống linh mục với các phương tiện và đời sống riêng tư làm gương cho giáo dân ngày càng xa rời Giáo hội.

Và Thích Minh Tuệ xuất hiện, như một mẫu gương để không chỉ các sư sãi quốc doanh được soi chiếu, mà ngay cả những tín hữu Công giáo, những tu sĩ, chức sắc công giáo nói riêng và các tôn giáo khác nói chung tự rút ra cho mình những điều cần thiết.

Bởi tất cả những điều đó, những lệch lạc, hư hỏng đều xuất phát từ sự khynh loát của nhà cầm quyền vô thần vào tôn giáo.

Và điều rõ ràng nhất ở đây là : Cần phải triệt để chống lại sự khuynh loát tôn giáo, dù với bất cứ hình thức nào.

Chỉ như vậy, tôn giáo mới không bị tha hóa và thật sự đúng ý nghĩa, có tác dụng thật sự với xã hội, con người.

J.B Nguyễn Hữu Vinh

Nguồn : RFA, 27/06/2024

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: JB Nguyễn Hữu Vinh
Read 317 times

1 comment

  • Comment Link Thợ Mục lundi, 01 juillet 2024 15:20 posted by Thợ Mục

    Từ gốc là religion d'état = Công giáo là ngữ nhĩa từ thời Pháp sang thời Ngô Đình Diệm ở miền Nam.
    Do thói quen dễ dãi, cũng vì cái lỗi này mà chế độ NĐD bị chê bai có cớ, lý do phần đông dân VN thờ ông bà và thiên về Phật Giáo hơn.
    Ngày nay nên gọi đó là Ki Tô Giáo hay Thiên Chúa Giáo thì nó hợp hơn.
    Xem ở đây:
    https://fr.wikipedia.org/wiki/Religion_d%27%C3%89tat

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)