Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

13/08/2017

Việt Nam nên giữ "vai trò tích cực" hơn ở Châu Á và Thái Bình Dương

Trương Nhân Tuấn

Nhận thấy là ý kiến của ông Hà Hoàng Hợp hơi bị chủ quan về bản "thông cáo chung" của hai ông Bộ trưởng bộ quốc phòng Ngô Xuân Lịch và James Mattis hôm 8 tháng Tám. Bài tường thuật lại cuộc hội luận "bàn tròn thứ năm" trên BBC ngày 10/8 cho thấy như vậy.

070620-N-0696M-397

Hải quân Việt Nam - Ảnh minh họa

Nội dung bản Thông cáo chung có đoạn (dẫn từ BBC) :

"Hai nhà lãnh đạo nhất trí rằng một mối quan hệ quốc phòng Mỹ - Việt thúc đẩy mạnh mẽ an ninh khu vực và toàn cầu. Mối quan hệ này dựa trên sự tôn trọng lẫn nhau và các lợi ích chung, bao gồm tự do hàng hải ở Biển Đông và toàn cầu, tôn trọng pháp luật quốc tế và công nhận chủ quyền quốc gia. Bộ trưởng hoan nghênh việc Việt Nam chủ động tham gia và ngày càng đóng vai trò tích cực tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương".

Bài tường thuật BBC có tiểu đoạn được đặt tên : "Lần đầu tiên về chủ quyền ở biển Đông".

Không biết BBC viết vậy là có chủ ý gì ?

Theo tôi biết thì Mỹ chưa bao giờ bày tỏ chính kiến về chủ quyền các đảo ở Biển Đông là thuộc về nước nào. Nhiều lần Mỹ cho biết nước này "không có ý kiến" về tranh chấp ở Biển Đông và không ủng hộ nước nào có chủ quyền ở các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Ông Hà Hoàng Hợp cho rằng :

"từ trước đến nay, chưa bao giờ Hoa Kỳ tuyên bố rằng Hoa Kỳ đụng vào chuyện gọi là chủ quyền quốc gia của một nước cụ thể nào đó ở Biển Đông cả, nhưng mà lần này Hoa Kỳ có công bố này".

Điều này không đúng.

Nếu ta có theo dõi lịch sử quan hệ hai bên Việt-Mỹ, ta sẽ thấy rằng khúc quanh quan trọng trong quan hệ hai nước là thời điểm hai bên "xác lập đối tác quan hệ toàn diện", theo như nội dung Tuyên bố chung ngày 25 tháng bẩy năm 2013.

Bản Tuyên bố chung có đoạn viết :

"Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Tổng thống Obama quyết định xác lập quan hệ đối tác toàn diện Việt Nam-Hoa Kỳ nhằm xây dựng một khuôn khổ tổng thể để thúc đẩy quan hệ. Hai nhà Lãnh đạo nhấn mạnh các nguyên tắc trong quan hệ đối tác toàn diện Việt Nam-Hoa Kỳ, trong đó có tôn trọng Hiến chương Liên Hợp Quốc, luật pháp quốc tế, tôn trọng thể chế chính trị, độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau".

Khúc quanh quan trọng là vì Mỹ không chỉ tôn trọng "độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ" của Việt Nam mà còn khẳng định việc "tôn trọng thể chế chính trị".

Việc tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam đã được Mỹ khẳng định từ Hiệp định Paris 1973 và Hiệp định Genève 1954.

Việc "tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của nhau" là câu "đầu môi chót lưỡi" khi hai quốc gia thiết lập bang giao.

Điều này không hề hàm ý Mỹ "nhìn nhận chủ quyền" của Việt Nam tại hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Theo tôi, điều cần quan tâm trong (bất kỳ bản) Tuyên bố chung là phía đối tác đã "hoan nghênh" Việt Nam về cái gì ?

"Hoan nghênh", một thuật từ ngoại giao, có ý nghĩa là "đằm thắm" là khuyến khích.

Ta thấy Mỹ đang khích lệ Việt Nam "dấn thân" nhiều hơn để có "vai trò tích cực" ở Châu Á và Thái Bình dương.

Điều này nói lên ẩn ý của Mỹ từ nhiều năm trước, là ủng hộ để Việt Nam trở thành một "cường quốc trung bình" trong khu vực.

Trương Nhân Tuấn

Nguồn : fb.nhantuan.truong, 13/08/2017

Quay lại trang chủ
Read 633 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)