Tàu Hải quân Việt Nam thăm Trung Quốc trong bối cảnh hoạt động quân sự gia tăng ở Biển Đông
Hôm 07/08/2024, bộ Tư lệnh Chiến khu Nam Bộ của quân đội Trung Quốc cho biết một tàu khu trục của hải quân Việt Nam đã đến cảng Trạm Giang, Trung Quốc. Chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh các hoạt động quân sự đang gia tăng tại Biển Đông với liên tiếp các cuộc thao dượt và tập trận chung giữa nhiều nước trong và ngoài khu vực.
Tàu chiến của Việt Nam Trần Hương Đạo. Ảnh chụp tháng 7/2024. © wikimedia/mil.ru
Tàu khu trục tên lửa dẫn đường 015 Trần Hưng Đạo của Hải quân Nhân dân Việt Nam đã đến cảng hải quân ở Trạm Giang, tỉnh Quảng Đông, bắt đầu chuyến thăm kéo dài 5 ngày. Tờ nhật báo Hồng Kông South China Morning Post dẫn lời tư lệnh Chiến khu Nam bộ quân đội Trung Quốc cho biết hai bên sẽ "tổ chức các chuyến thăm tàu, tiếp đón trên boong, trao đổi văn hóa, thao dượt chung và các hoạt động khác" nhằm "cải thiện sự hiểu biết và tin cậy lẫn nhau giữa hải quân Trung Quốc và Việt Nam, đồng thời tăng cường hơn nữa tình hữu nghị giữa hai nước".
Trạm Giang là nơi đặt trụ sở của bộ Tư lệnh Hải quân Chiến khu Nam bộ chuyên giám sát vùng Biển Đông mà Bắc Kinh và Hà Nội đang tranh chấp chủ quyền. Chuyến thăm của tàu hải quân Việt Nam tới Trung Quốc diễn ra trong bối cảnh các hoạt động quân sự đang gia tăng ở Biển Đông.
Hôm qua, Philippines đã bắt đầu các cuộc tập trận hải quân và không quân hai ngày với Mỹ, Canada và Úc. Cùng lúc đó, quân đội Trung Quốc cũng thông báo tiến hành tuần tra xung quanh bãi cạn Scarborough, đồng thời nhấn mạnh "mọi hoạt động quân sự gây rối tình hình ở Biển Đông, gây căng thẳng và phá hoại hòa bình, ổn định trong khu vực đều nằm trong tầm kiểm soát". Thông báo này được coi là ám chỉ rõ ràng đến các cuộc thao dượt quân sự giữa Philippines và các đồng minh phương Tây.
Đầu tuần này, một tàu của Cảnh sát biển Việt Nam cũng đã đến Philippines để giao lưu và lần đầu tiên sẽ diễn tập chung với lực lượng tuần duyên Philippines.
Minh Phương
Chỉ có giới chức ngoại giao, công an cửa khẩu... bôi xấu Việt Nam ?
RFA, 06/01/2023
Tình trạng lạm thu ở các Đại sứ quán của Việt Nam ở nước ngoài và viên chức công an cửa khẩu vòi vĩnh khách quốc tế đã làm xấu bộ mặt quốc gia.
Một cán bộ làm thủ tục nhập cảnh cho các hành khách tại sân bay Nội Bài - Courtesy Cổng thông tin điện tử Bộ Công an
Trên mạng xã hội Facebook mới đây xuất hiện bài đăng của một người có tên Kugan Pillai đến từ Singapore. Người này cho biết khi từ Sân bay Nội Bài bay về Singapore hôm 2/1/2023, lúc đi qua khu vực cửa khẩu để làm thủ tục xuất cảnh, một nhân viên an ninh đã viết trên vé máy bay của vị hành khách này từ tiếng Anh "TIP" (tiền cho dịch vụ). Vì vội phải lên máy bay cho kịp, du khách Singapore này cho biết đã phải đưa cho người nhân viên đó 500.000 đồng. Khi về nước chủ tài khoản Facebook Kugan Pillai cho biết có báo cho Bộ Ngoại giao Singapore về vụ việc.
Bài viết của Kugan Pillai có gắn thẻ các trang Facebook chính thức của Bộ Ngoại giao Singapore, Đại sứ quán Singapore tại Hà Nội và Tổng lãnh sự quán Singapore tại Thành phố Hồ Chí Minh. Đến ngày 6/1/2023, bài viết đã có 8.200 lượt chia sẻ, hơn 15.000 lượt tương tác. Sự việc được nhiều người cho rằng đã làm xấu bộ mặt quốc gia.
Ông Nguyễn Văn Mỹ, Chủ tịch Hội đồng Thành viên Công ty Du lịch Lửa Việt, hôm 6/1, nhận định :
"Trong thế giới phẳng ngày nay thì không có ai, không có quốc gia nào đứng ngoài cuộc chơi, bất kể động thái nào, có thể là xấu, thì chỉ cần chưa đầy một phút sau mạng xã hội đã tràn ngập và cả thế giới biết. Cho nên tất cả mọi việc cần hết sức cẩn trọng, chứ không phải như trước đây, mình làm chỉ mình biết, báo không đăng là không ai biết, bây giờ ai cũng có điện thoại có thể phát trực tiếp. Đừng nghĩ việc tiêu cực như chuyện các chuyến bay giải cứu chỉ trong quốc nội đau lòng, thật ra nó làm hoen ố hình ảnh một đất nước mà lâu nay mình cứ vỗ ngực tự hào nhiều thứ".
Cho nên theo ông Mỹ, nếu không cải thiện hình ảnh Việt Nam hiện nay, mà tiếp tục quảng bá thì lợi bất cập hại :
"Chẳng thà họ chưa tới thì họ có thể nửa tin nửa ngờ, nhưng khi họ tới họ gặp những tiêu cực của các quan chức Việt Nam, thì họ về họ quảng bá lại thì hiệu quả sẽ là quảng cáo ngược, lan truyền thông tin không tốt, chẳng những người ta không đến mà còn cảnh báo bạn bè không nên đến. Chuyện nhân viên cửa khẩu vòi tiền chỉ là cá biệt, hay là chuyện chặt chém cũng là nhỏ, có những chuyện lớn hơn... Ví dụ việc dễ làm nhất mà không tốn tiền nói mãi mà không làm được, đó là thay đổi thái độ phục vụ tại các cửa ngõ đón khách nước ngoài... nụ cười đâu có tốn tiền, thái độ niềm nở đâu có tốn tiền, nhưng tạo dấu ấn cho du khách. Nói như thế mà họ vẫn cứ giữ mãi vẻ mặt kém thân thiện so với những quốc gia xung quanh".
Đến ngày 5/1/2023, Cục Quản lý Xuất Nhập cảnh (A08) thuộc Bộ Công an Việt Nam cho truyền thông trong nước biết Cán bộ công an Cửa khẩu Nội Bài bị du khách Singapore tố cáo vòi tiền TIP đã bị tạm đình chỉ công tác để làm rõ thông tin liên quan.
Đánh giá việc cơ quan quản lý mới chỉ tạm đình chỉ nhân viên sân bay đòi tiền tip, nhiều độc giả của báo Tuổi Trẻ Online hôm 6/1/2023 đã cho rằng cách xử lý như trên là quá nhẹ, bởi việc vòi vĩnh này làm mất thể diện quốc gia.
Một người không muốn nêu tên sống tại Thành phố Hồ Chí Minh cho biết về thực tế khi qua cửa khẩu Việt Nam để du lịch quốc tế :
"Mình vừa du lịch San Jose - Las Vegas - Los Angeles dịp giáng sinh và năm mới. Nhập cảnh Mỹ thì họ hỏi mình vài câu. Nhưng khi về Việt Nam, mình bị hải quan moi tiền. Không chỉ mình bị, mà rất nhiều người cũng bị. Trước chỉ nghe nói, nhưng giờ bản thân bị nên hơi shock".
Đây không phải lần đầu công an cửa khẩu Việt Nam làm xấu mặt quốc gia, Mạng Hoàn Cầu Thời Báo trong bài đăng ngày 12 tháng hai năm 2017 cho biết một người Trung Quốc được gọi là Tạ Phong, 28 tuổi đã bị đánh hôm ngày 7/2/2017 khi đang làm thủ tục ra khỏi Việt Nam sau chuyến đi hai tuần với vị hôn thê và bà mẹ của anh ta. Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam sau đó đã kêu gọi chính phủ Hà Nội điều tra vụ nhân viên biên phòng Việt Nam đánh đập một công dân Trung Quốc vì lý do không được cho tiền ‘trà nước’.
Nhà báo Võ Văn Tạo hôm 6/1 cho biết ý kiến :
"Ai là người Việt Nam thấy việc này cũng cảm thấy xấu hổ và đau lòng, thậm chí nhiều người cho rằng hành vi của anh công an cửa khẩu làm nhục quốc thể. Bởi vì đó là hành vi thô lỗ, bẩn thỉu... mà công khai ngang nhiên ở cửa khẩu quốc tế lớn nhất của Việt Nam thì khó có ai có thể chấp nhận được. Ý thứ hai tôi thấy rằng anh này xui xẻo, bởi vì tất cả chúng ta đều biết, kể cả bà con ở hải ngoại khi có việc về nước hoặc người Việt Nam đi ra nước ngoài... đều phải có lót tay. Đáng lẽ chức năng của sứ quán, cơ quan ngoại giao là phải giúp đỡ các công dân của nước mình khi họ ra nước ngoài, thế nhưng các sứ quán của Việt Nam họ coi như việc họ được cử đi nước ngoài để làm nhân viên sứ quán là đặc quyền để bóc lột bà con".
Nhà báo Võ Văn Tạo dẫn chứng chuyện xảy ra với gia đình ông :
"Có lần tôi thử gọi điện cho Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp, để nhờ giúp đỡ cho người cháu bên vợ đi học bên Pháp theo điều động của nhà nước Việt Nam để học về dầu khí, nhưng đã gặp những vướng mắc rất vô lý... Nhưng tôi gọi ba ngày liền không ai trả lời, email sứ quán tôi cũng có, nhưng không một ai trả lời, hầu như là tê liệt. Vì dịch bệnh xảy ra cho nên mới ồn ào căng thẳng lên, chứ còn chuyện bóp hầu, bóp họng người Việt Nam đồng hương của mình, đồng bào của mình khi ra nước ngoài hoặc từ nước ngoài trở về thì đó đã là thông lệ".
Cửa khẩu quốc tế Lào Cai. AFP photo.
Không chỉ công an cửa khẩu vòi vĩnh, tình trạng lạm thu ở các Đại sứ quán của Việt Nam ở nước ngoài cũng bị cho là đã làm xấu mặt quốc gia, cản trở du lịch.
Theo truyền thông nhà nước, dù biểu phí được quy định tại Thông tư 264/2016 của Bộ Tài chính, nhưng nhiều cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài vẫn không niêm yết rõ, dẫn đến việc nhân viên nhũng nhiễu, lạm thu của người dân đến làm thủ tục lãnh sự.
Một người gốc Việt sinh sống ở Canada không muốn nêu danh tánh, cho biết về thực tế khi làm giấy tờ ở Đại sứ quán Việt Nam :
"Lãnh sự quán Việt Nam tại Vancouver, Canada đã lạm thu, thu của tôi 125 CAD cho một công chứng uỷ quyền, mà không xuất biên lai. Trong khi theo quy định chỉ 50 USD, Giấy miễn thị thực thì thu mình 70 CAD cho một người, cũng không xuất biên lai. Họ còn tính thêm 3% phụ phí thẻ credit".
Theo thông tin trên trang chủ của Bộ Ngoại giao Việt Nam, lệ phí cấp giấy miễn thị thực có thời hạn 5 năm chỉ 10USD/giấy.
Cũng liên quan bê bối của các quan chức ngoại giao, Trung tướng Tô Ân Xô - Chánh Văn phòng kiêm phát ngôn nhân Bộ Công an Việt Nam tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ vào tối ngày 3/1/2023 cho biết trong vụ các chuyến bay giải cứu, tính đến lúc đó cơ quan chức năng đã khởi tố 39 bị can. Số tiền kê biên phong tỏa và các bị can nộp để khắc phục hậu quả là 80 tỷ đồng.
Đến ngày 5/1/2023, thêm hai người là Cựu Đại sứ Việt Nam tại Malaysia - ông Trần Việt Thái, và cựu nhân viên Nguyễn Hoàng Linh bị khởi tố do dính líu đến vụ tham nhũng "các chuyến bay giải cứu" trong đại dịch covid-19.
Dưới một góc nhìn khác, Luật sư nhân quyền Nguyễn Văn Đài từ Đức Quốc hôm 6/1 nói :
"Thứ nhất, đây là bản chất của chế độ, bởi vì từ khi Đảng cộng sản Việt Nam giữ lấy chính quyền thì họ đã đặt ra mức lương rất thấp, làm cho những người công chức, viên chức cho dù làm ở ngành công an hay ngoại giao thì không đảm bảo cuộc sống của họ với mức sống trung bình của xã hội. Trong khi đó họ được trao rất nhiều quyền lực, nhưng cơ chế kiểm soát lực đối với các quan chức từ cấp nhỏ đến cấp to đều không có. Vì muốn kiểm soát quyền lực thì phải có hệ thống đa đảng, phải có tam quyền phân lập và phải có báo chí tự do... nhưng tất cả những cái đó đều chưa có ở Việt Nam. Thế thì khi mức thu nhập từ tiền lương thấp, quyền lực nhiều, thì lợi ích kiếm được từ quyền lực quá rõ ràng... Ví dụ một ông đại sứ có thể kiếm tiền từ việc làm dịch vụ visa, hộ chiếu cho những công dân Việt Nam ở nước ngoài, rồi ngay chuyến bay giải cứu ông ta có thể gây khó khăn cho những người có nhu cầu cao về Việt Nam để làm dịch vụ, đòi hỏi mức vé rất là cao".
Do đó, khi quyền lực không bị kiểm soát, không gắn liền với trách nhiệm như vậy sẽ làm cho các quan chức nhanh chóng bị tha hóa, từ khi họ bước vào quyền lực thì đã tha hóa rồi. Ông Đài nói tiếp :
"Nếu như còn chế độ độc đảng cộng sản thì không thể nào quảng bá bộ mặt quốc gia được, vì chính bản thân chế độ đã biểu trưng cho sự xấu xa, một chế độ xấu, các quan chức trong đó sẽ luôn luôn làm những điều xấu. Mà họ làm điều xấu sẽ ảnh hưởng đến hai chữ Việt Nam rất thiêng liêng mà mọi người Việt Nam nếu là người yêu nước thật sự luôn luôn muốn giữ gìn, muốn tôn vinh nó và làm cho hai chữ Việt Nam đẹp lên"...
Nhưng đối với người cộng sản thì họ không làm được điều đó, họ hoàn toàn bất lực trong việc làm cho hai chữ Việt Nam đẹp lên, mà chỉ làm nó xấu đi.
***************************
Ngành hải quan đã nát đến mức không thể nát hơn
Chúc Anh, Thoibao.de, 05/01/2023
Ngày 2/1/2023, trang Facebook Kugan Pillai có một status phàn nàn về việc anh bị cán bộ Hải quan Hà Nội vòi tiền. Anh Kugan Pillai kể rằng, anh ra sân bay Hà Nội để làm thủ tục bay về Singapore và anh đang vội. Nhưng cán bộ Hải quan cầm hộ chiếu của anh không muốn trả, đồng thời viết gì đấy lên lên tấm vé của anh. Cuối cùng, vì muốn kịp chuyến bay, anh phải đưa cho viên chức này 500 ngàn đồng. Nhưng anh cảm thấy như bị bắt làm con tin, nếu không đưa tiền, sẽ không được trả hộ chiếu. Dòng trạng thái này hiện nay đã biến mất trên trang cá nhân của Kugan Pillai, không rõ là do chủ nhân tự xóa hay bị Facebook chặn.
Kugan Pillai phàn nàn về việc anh bị cán bộ Hải quan Hà Nội vòi tiền. Ảnh minh họa
Nhưng rất nhiều Facebooker khác đã chụp lại màn hình và chia sẻ, đa số là những ý kiến đồng cảm với anh Kungan Pillai và bất bình với hải quan Việt Nam. Facebooker Hoàng Hùng đăng hình chụp status của Kungan Pillai, kèm theo lời kể về trải nghiệm của gia đình anh trong một lần nhập cảnh về Việt Nam ăn Tết.
Việc cán bộ Hải quan Việt Nam ăn bẩn không phải chuyện mới lạ, nó đã diễn ra suốt mấy chục năm nay. Chuyện Việt Kiều, người Việt Nam từ nước ngoài trở về tố cáo bị vòi tiền ở sân bay, chuyện hàng hóa bị rạch, bị trộm, chuyện các doanh nghiệp xuất nhập khẩu phải chi tiền "bôi trơn" cho hải quan được kể đầy trên mặt báo và trên mạng xã hội, năm nào cũng có. Tuy nhiên, mới chỉ có một vài vụ bị bắt lẻ tẻ, chứ chưa thấy lò của ông Trọng quạt lửa vào ngành này.
Mới đây, ngày 31/12/2022, Cảnh sát Điều tra Công an tỉnh Nghệ An đã khởi tố vụ án "đưa nhận hối lộ" tại Chi cục Hải quan Cửa khẩu Nậm Cắn. Ba cán bộ hải quan nhận hối lộ gồm : Phan Văn Nhâm, Chi Cục trưởng ; Ngô Xuân Khang, Đội trưởng Đội nghiệp vụ ; Đặng Minh Sơn, cán bộ Đội nghiệp vụ.
Đà Nẵng – nơi được ca ngợi là đáng sống nhất Việt Nam, nơi có bộ máy hành chính nhanh gọn, giỏi nghiệp vụ, không nhũng nhiễu dân chúng. Ấy vậy mà Cục Hải quan Đà Nẵng nhiều lần bị tố "xin tiền típ" của khách.
Tháng 8/2018, hướng dẫn viên du lịch Chế Viết Đông đã tố nhân viên hải quan thu 10 Nhân dân tệ mỗi một khách Trung Quốc. Anh Đông nói rằng, anh "buộc phải nói ra vì đây là thể diện dân tộc". Anh cảm thấy nhục nhã khi bị khách hỏi, vì sao nhân viên hải quan sân bay Quốc tế Đà Nẵng lại thu tiền của họ mỗi lần xuất nhập cảnh.
Một số bài báo nói về những tiêu cực trong ngành hải quan
Nhưng Chi Cục Hải quan sân bay Quốc tế Đà Nẵng đã phủ nhận chuyện này, và nói rằng, không có việc thu tiền như Chế Viết Đông nói. Tuy nhiên, họ lại nói thêm, có thể khách nhầm lẫn giữa các lực lượng tại sân bay. Nghĩa là họ cũng không phủ nhận hoàn toàn chuyện khách bị thu tiền.
Cũng trong năm 2018, một hành khách ở Hà Nội đã tố hải quan sân bay Nội Bài "làm luật" (nghĩa là thu tiền ngoài sổ sách) với họ, đồng thời, tố cáo thái độ làm việc thiếu chuẩn mực, sách nhiễu người dân. Cụ thể, chị H tố cáo lực lượng hải quan sân bay Nội Bài đã thu giữ của chị một số hàng hóa mà không lập biên bản, bắt chị phải đóng 5 triệu mới trả lại hàng.
Trước đó, một phụ nữ khác đi cùng con gái bay từ Nhật về, chị cũng bị yêu cầu "làm luật" 5 triệu đồng mới cho thông quan hàng hóa của chị.
Trụ sở Tổng cục Hải quan, nơi chứa đầy sâu bọ
Năm 2016, một loạt các phi vụ hải quan Thành phố Hồ Chí Minh ăn chia nhau tiền tỷ tham nhũng, hối lộ. Vụ này lộ ra, hàng chục cán bộ hải quan tại Thành phố Hồ Chí Minh đã phải ngồi tù. Phòng Thương mại Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã từng công bố khảo sát mức độ hài lòng của doanh nghiệp đối với hải quan, thì rất doanh nghiệp cho hay, họ phải chi trả phí đen khi làm thủ tục hải quan, nếu không, sẽ bị gây khó dễ như : kéo dài thời gian làm thủ tục, yêu cầu bổ sung giấy tờ, chứng từ không có trong quy định…
Chưa hết, các cán bộ hải quan còn tiếp tay cho buôn lậu hoặc chính họ buôn lậu. Năm 2017, một số cán bộ hải quan ở Thành phố Hồ Chí Minh đã bị bắt giữ vì tiếp tay cho bọn buôn lậu, nhập lậu một số hàng hóa trị giá 9 tỷ đồng. Năm 2018, cũng hải quan Thành phố Hồ Chí Minh lại bị một số doanh nghiệp tố, đã đe dọa, đòi ăn tiền của họ.
Ngành hải quan là một trong những ngành nát đến mức không thể nát hơn. Từ cách đây gần chục năm, tiếng đồn "chạy" một "suất hải quan" là hai tỷ, đã râm ran trong dân. Lý do để giá một "suất hải quan" lại cao như vậy, đơn giản vì ngành này "có màu".
Chúc Anh (Tổng hợp)
Việt Nam đưa 6 tàu ngầm Kilo 636 vào biên chế (RFA, 06/02/2018)
Hải Quân Việt Nam đã tiếp nhận đưa vào biên chế đầy đủ 6 tàu ngầm Kilo 636.
Chiếc tàu ngầm đầu tiên của Hải quân Kilo 636 (C) mang tên 'Hà Nội' được thả xuống biển từ một chiếc tàu vận tải Rolldock của Hà Lan ở vịnh Cam Ranh, miền Trung Việt Nam vào ngày 3 tháng 1 năm 2014. AFP
Thiếu tướng Trần Hoài Trung, Bí thư Đảng Ủy, Chính ủy quân chủng Hải Quân Việt Nam, cho báo giới biết như vừa nêu vào ngày 6 tháng 2.
Vừa qua vào ngày 14 tháng 3, Trung tá Vũ Hữu Khiêm, phó trưởng phòng Tuyên huấn, Cục chính trị Hải Quân Việt Nam, thông báo lực lượng này hoàn toàn làm chủ được 5 trên 6 tàu ngầm Kilo 636 không cần chuyên gia nước ngoài.
Tính đến lúc đó, ngoại trừ chiếc mới nhận thì 5 chiếc tàu ngầm Kilo 636 của Việt Nam do Nga đóng đủ khả năng bước vào chiến đấu ngay khi cần thiết.
Với việc đưa vào biên chế 6 tàu ngầm Kilo vừa nêu thì hợp đồng giữa chính phủ Việt Nam và Cộng Hòa Liên Bang Nga về việc này đã hoàn tất.
*******************
Lễ thượng cờ cho 2 tàu Gepard 3.9 tại Cam Ranh (RFA, 06/02/2018)
Sáng 6/2, tại Quân cảng Cam Ranh, Vùng 4 Hải quân tổ chức lễ thượng cờ, đưa vào hoạt động hai tàu hộ vệ tên lửa Gepard 3.9 phiên hiệu 015 Trần Hưng Đạo và 016 Quang Trung.
Tàu Gepard thứ 3 trên đường từ Nga tới Việt Nam (Hình chụp màn hình từ Vietnam Army) năm 2017 - Courtesy of Vietnam Army
Chuẩn đô đốc Hoàng Hồng Hà, Phó tư lệnh Hải quân Việt Nam, và đại biểu các địa phương, quân đội, quân chủng, Vùng 4 Hải quân, chuyên gia bảo hành và cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn 162 tham dự lễ thượng cờ.
Tàu hộ vệ tện lửa Gepard 3.9 do Nga sản xuất theo hợp đồng ký kết với Hải quân Việt Nam. Tàu cung cấp cho Việt Nam được trang bị một số khí tài được cho là hiện đại, có nhiệm vụ săn tìm, theo dõi và tác chiến hiệu quả các mục tiêu từ tàu nổi, tàu ngầm cho đến máy bay, hỗ trợ cho lực lượng đổ bộ.
Tàu Gepard 3.9 Quang Trung là chiến hạm thứ tư thuộc biên chế Lữ đoàn 162. Ba tàu khác gồm Gepard 3.9 Trần Hưng Đạo, Đinh Tiên Hoàng và Lý Thái Tổ.
Theo Chuẩn đô đốc Phạm Văn Hoành, Tư lệnh Vùng 4 Hải quân, việc chính thức đưa 2 tàu hộ vệ tên lửa Gepard 3.9 vào sử dụng có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc xây dựng lực lượng hải quân chính quy, hiện đại.
Hợp tác quốc phòng Pháp - Việt : Sắp tới sẽ là Biển Đông ? (RFI, 17/01/2018)
Hôm 11/01/2018, Việt Nam và Pháp đã tổ chức cuộc đối thoại quốc phòng lần thứ hai tại Thành phố Hồ Chí Minh. Sáng kiến này bắt đầu từ năm 2016, tập trung vào lãnh vực an ninh trong quan hệ đôi bên. Tờ báo The Diplomat đặt câu hỏi, bước tiếp theo của việc hợp tác quân sự Pháp-Việt sẽ là gì ?
Ảnh minh họa : Chiến hạm hải quân Pháp Vendemiaire ghé thăm cảng Hải Phòng ngày 25/04/2011 HOANG DINH NAM / AFP
The Diplomat nhận định, giữa Việt Nam và Pháp có mối quan hệ lịch sử lâu dài, qua việc Pháp đô hộ Việt Nam suốt một thế kỷ. Việt Nam nằm trong Đông Dương thuộc Pháp, cho đến khi đánh bại "mẫu quốc" giành được độc lập vào năm 1954. Quan hệ ngoại giao chính thức được thành lập vào năm 1973, nhưng chỉ mới được đẩy nhanh trong những năm gần đây, khi Pháp-Việt tuyên bố mối quan hệ đối tác chiến lược năm 2013.
Paris coi việc siết chặt quan hệ với Hà Nội là một phần của nỗ lực rộng lớn hơn nhằm tăng cường ảnh hưởng Pháp tại khu vực Châu Á-Thái Bình Dương, và đặc biệt là tại Đông Nam Á. Về phía Việt Nam, việc tăng cường tình hữu nghị Pháp-Việt nằm trong chính sách đối ngoại đa phương, tìm kiếm mối quan hệ tốt đẹp với các cường quốc, đặc biệt là năm thành viên thường trực Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc.
Riêng trong lãnh vực quốc phòng, hai bên đã ký kết thỏa thuận hợp tác vào năm 2009. Từ đó đến nay đã có nhiều tiến bộ đáng kể về nhiều mặt, từ các hoạt động trao đổi cho đến cho đến những tương tác về chống tội phạm xuyên quốc gia. Pháp và Việt Nam bắt đầu tổ chức Đối Thoại Chính Sách quốc phòng lần đầu tiên tại Paris vào tháng 11/2016, qua đó hai nước đã ký thỏa thuận hợp tác về quân y và tham gia lực lượng giữ gìn hòa bình Liên Hiệp Quốc.
Riêng năm nay mang ý nghĩa quan trọng trong quan hệ Pháp-Việt, nhân kỷ niệm 45 năm thành lập quan hệ ngoại giao, và 5 năm thiết lập quan hệ đối tác chiến lược. Đôi bên cho biết sẽ tiến hành một số hoạt động liên quan trong năm 2018, và rất có khả năng thủ tướng Pháp Edouard Philippe sẽ sang thăm Việt Nam trong năm nay.
Về quân sự, cuộc Đối Thoại Chính Sách quốc phòng lần thứ hai đã diễn ra hôm 11/1 tại thủ đô kinh tế Việt Nam - trước đây mang tên Sài Gòn. Đồng chủ trì hội nghị là thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, thứ trưởng quốc phòng Việt Nam và phó đô đốc Hervé de Bonnaventure, phó tổng cục trưởng tổng cục Quan Hệ Quốc Tế và Chiến Lược thuộc bộ Quân Lực Pháp.
Cuộc đối thoại tập trung vào việc tăng cường hợp tác trên những lãnh vực đã được bàn bạc và đã có những bước phát triển, như huấn luyện quân sự, đào tạo bác sĩ quân y, an ninh hàng hải, an toàn hàng không, các hoạt động gìn giữ hòa bình, hợp tác trong kỹ nghệ quốc phòng.
Cho dù không có chi tiết cụ thể nào được tiết lộ, nhưng đôi bên cho biết đã thỏa thuận tăng cường các chuyến thăm Việt Nam của các chiến hạm Pháp. Theo nhận xét của The Diplomat, an ninh hàng hải là chủ đề quan trọng trong hợp tác quốc phòng Pháp-Việt, không chỉ những hoạt động đơn lẻ, mà còn ở sự yểm trợ của Pháp đối với Việt Nam, trước sự quyết đoán ngày càng tăng của Trung Quốc tại Biển Đông.
Gần đây một bài phóng sự trên Le Monde đã mô tả cuộc tuần tra vào cuối tháng 10/2017 của chiến hạm tối tân Pháp Auvergne tại quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, chuyến hải hành của tàu Pháp bị phía Trung Quốc theo bén gót. Tháng 4/2017, chiến hạm Mistral hiện đại nhất của Pháp cùng với hộ tống hạm Courbet đã đến Sài Gòn, ở thăm Việt Nam một tuần lễ trong khuôn khổ chương trình hợp tác quốc phòng Việt-Pháp. Trước đó vào tháng 5/2016, chiến hạm chở trực thăng Tonnerre (L9014) thuộc lớp Mistral cũng đã thăm cảng Cam Ranh trong bốn ngày.
Hãng tin Bloomberg hôm 05/06/2016 đưa tin, bộ trưởng Quốc phòng Pháp lúc đó là ông Jean-Yves Le Drian đã tuyên bố tại Đối thoại Shangri-La ở Singapore, Pháp sẽ cổ vũ Hải quân các nước Liên Hiệp Châu Âu phối hợp tuần tra tại Biển Đông, để bảo đảm sự hiện diện thường xuyên trên vùng biển chiến lược này. Ông khẳng định Pháp sẽ cho chiến hạm và phi cơ đi qua "bất cứ nơi nào luật pháp quốc tế cho phép".
Trong lúc thái độ của Hoa Kỳ vẫn chưa rõ ràng, thì sự hiện diện tại Biển Đông - dù không thường xuyên - của Pháp, cường quốc biển thứ ba trên thế giới có thể là yếu tố tích cực, góp phần hạn chế căng thẳng trong khu vực. Đây cũng có thể là mục tiêu lâu dài của Việt Nam khi siết chặt hợp tác trong lãnh vực quốc phòng với nước Pháp.
Thụy My
*********************
Việt Nam sắp đón chiến hạm Gepard thứ tư (RFA, 17/01/2018)
Thêm một chiến hạm Gepard 3.9 do Nga sản xuất sắp về đến Việt Nam.
Tàu Gepard thứ 3 trên đường từ Nga tới Việt Nam (Hình chụp màn hình từ Vietnam Army)năm 2017- Courtesy of Vietnam Army
Đây là chiến hạm Gepard 3.9 thứ tư do Việt Nam đặt hàng theo hai hợp đồng đóng tàu chiến với nước Nga của chính phủ Hà Nội.
Theo truyền thông Việt Nam, chiếc Gepard 3.9 vừa nêu được một tàu vận tải chở từ cảng Novorossiysk của Nga và sẽ đến cảng Cam Ranh của Việt Nam vào cuối tháng này.
Hai chiếc tàu Gepard 3.9 đầu tiên đã được Nga giao cho Việt Nam vào năm 2011. Chiến thứ ba giao cho Việt Nam hồi năm ngoái 2017.
Biện pháp trang bị thêm tàu chiến này được xem là nỗ lực của Việt Nam nhằm hiện đại hóa lược lượng hải quân của mình để ứng phó với sự gia tăng lấn lướt của Trung Quốc ở Biển Đông. Các tàu chiến Gepard có trang bị tên lửa diệt chiến hạm, pháo phòng không, cũng như có khả năng săn tàu ngầm.
Nhận thấy là ý kiến của ông Hà Hoàng Hợp hơi bị chủ quan về bản "thông cáo chung" của hai ông Bộ trưởng bộ quốc phòng Ngô Xuân Lịch và James Mattis hôm 8 tháng Tám. Bài tường thuật lại cuộc hội luận "bàn tròn thứ năm" trên BBC ngày 10/8 cho thấy như vậy.
Hải quân Việt Nam - Ảnh minh họa
Nội dung bản Thông cáo chung có đoạn (dẫn từ BBC) :
"Hai nhà lãnh đạo nhất trí rằng một mối quan hệ quốc phòng Mỹ - Việt thúc đẩy mạnh mẽ an ninh khu vực và toàn cầu. Mối quan hệ này dựa trên sự tôn trọng lẫn nhau và các lợi ích chung, bao gồm tự do hàng hải ở Biển Đông và toàn cầu, tôn trọng pháp luật quốc tế và công nhận chủ quyền quốc gia. Bộ trưởng hoan nghênh việc Việt Nam chủ động tham gia và ngày càng đóng vai trò tích cực tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương".
Bài tường thuật BBC có tiểu đoạn được đặt tên : "Lần đầu tiên về chủ quyền ở biển Đông".
Không biết BBC viết vậy là có chủ ý gì ?
Theo tôi biết thì Mỹ chưa bao giờ bày tỏ chính kiến về chủ quyền các đảo ở Biển Đông là thuộc về nước nào. Nhiều lần Mỹ cho biết nước này "không có ý kiến" về tranh chấp ở Biển Đông và không ủng hộ nước nào có chủ quyền ở các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Ông Hà Hoàng Hợp cho rằng :
"từ trước đến nay, chưa bao giờ Hoa Kỳ tuyên bố rằng Hoa Kỳ đụng vào chuyện gọi là chủ quyền quốc gia của một nước cụ thể nào đó ở Biển Đông cả, nhưng mà lần này Hoa Kỳ có công bố này".
Điều này không đúng.
Nếu ta có theo dõi lịch sử quan hệ hai bên Việt-Mỹ, ta sẽ thấy rằng khúc quanh quan trọng trong quan hệ hai nước là thời điểm hai bên "xác lập đối tác quan hệ toàn diện", theo như nội dung Tuyên bố chung ngày 25 tháng bẩy năm 2013.
Bản Tuyên bố chung có đoạn viết :
"Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Tổng thống Obama quyết định xác lập quan hệ đối tác toàn diện Việt Nam-Hoa Kỳ nhằm xây dựng một khuôn khổ tổng thể để thúc đẩy quan hệ. Hai nhà Lãnh đạo nhấn mạnh các nguyên tắc trong quan hệ đối tác toàn diện Việt Nam-Hoa Kỳ, trong đó có tôn trọng Hiến chương Liên Hợp Quốc, luật pháp quốc tế, tôn trọng thể chế chính trị, độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau".
Khúc quanh quan trọng là vì Mỹ không chỉ tôn trọng "độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ" của Việt Nam mà còn khẳng định việc "tôn trọng thể chế chính trị".
Việc tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam đã được Mỹ khẳng định từ Hiệp định Paris 1973 và Hiệp định Genève 1954.
Việc "tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của nhau" là câu "đầu môi chót lưỡi" khi hai quốc gia thiết lập bang giao.
Điều này không hề hàm ý Mỹ "nhìn nhận chủ quyền" của Việt Nam tại hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Theo tôi, điều cần quan tâm trong (bất kỳ bản) Tuyên bố chung là phía đối tác đã "hoan nghênh" Việt Nam về cái gì ?
"Hoan nghênh", một thuật từ ngoại giao, có ý nghĩa là "đằm thắm" là khuyến khích.
Ta thấy Mỹ đang khích lệ Việt Nam "dấn thân" nhiều hơn để có "vai trò tích cực" ở Châu Á và Thái Bình dương.
Điều này nói lên ẩn ý của Mỹ từ nhiều năm trước, là ủng hộ để Việt Nam trở thành một "cường quốc trung bình" trong khu vực.
Trương Nhân Tuấn
Nguồn : fb.nhantuan.truong, 13/08/2017