Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

06/01/2023

Vòi tiền du khách, nhân viên Hải quan làm xấu mặt Việt Nam

RFA tiếng Việt - Chúc Anh

Chỉ có giới chức ngoại giao, công an cửa khẩu... bôi xấu Việt Nam ?

RFA, 06/01/2023

Tình trạng lạm thu ở các Đại sứ quán của Việt Nam ở nước ngoài và viên chức công an cửa khẩu vòi vĩnh khách quốc tế đã làm xấu bộ mặt quốc gia.

haiquan4

Một cán bộ làm thủ tục nhập cảnh cho các hành khách tại sân bay Nội Bài - Courtesy Cổng thông tin điện tử Bộ Công an

Trên mạng xã hội Facebook mới đây xuất hiện bài đăng của một người có tên Kugan Pillai đến từ Singapore. Người này cho biết khi từ Sân bay Nội Bài bay về Singapore hôm 2/1/2023, lúc đi qua khu vực cửa khẩu để làm thủ tục xuất cảnh, một nhân viên an ninh đã viết trên vé máy bay của vị hành khách này từ tiếng Anh "TIP" (tiền cho dịch vụ). Vì vội phải lên máy bay cho kịp, du khách Singapore này cho biết đã phải đưa cho người nhân viên đó 500.000 đồng. Khi về nước chủ tài khoản Facebook Kugan Pillai cho biết có báo cho Bộ Ngoại giao Singapore về vụ việc.

Bài viết của Kugan Pillai có gắn thẻ các trang Facebook chính thức của Bộ Ngoại giao Singapore, Đại sứ quán Singapore tại Hà Nội và Tổng lãnh sự quán Singapore tại Thành phố Hồ Chí Minh. Đến ngày 6/1/2023, bài viết đã có 8.200 lượt chia sẻ, hơn 15.000 lượt tương tác. Sự việc được nhiều người cho rằng đã làm xấu bộ mặt quốc gia.

Ông Nguyễn Văn Mỹ, Chủ tịch Hội đồng Thành viên Công ty Du lịch Lửa Việt, hôm 6/1, nhận định :

"Trong thế giới phẳng ngày nay thì không có ai, không có quốc gia nào đứng ngoài cuộc chơi, bất kể động thái nào, có thể là xấu, thì chỉ cần chưa đầy một phút sau mạng xã hội đã tràn ngập và cả thế giới biết. Cho nên tất cả mọi việc cần hết sức cẩn trọng, chứ không phải như trước đây, mình làm chỉ mình biết, báo không đăng là không ai biết, bây giờ ai cũng có điện thoại có thể phát trực tiếp. Đừng nghĩ việc tiêu cực như chuyện các chuyến bay giải cứu chỉ trong quốc nội đau lòng, thật ra nó làm hoen ố hình ảnh một đất nước mà lâu nay mình cứ vỗ ngực tự hào nhiều thứ".

Cho nên theo ông Mỹ, nếu không cải thiện hình ảnh Việt Nam hiện nay, mà tiếp tục quảng bá thì lợi bất cập hại :

"Chẳng thà họ chưa tới thì họ có thể nửa tin nửa ngờ, nhưng khi họ tới họ gặp những tiêu cực của các quan chức Việt Nam, thì họ về họ quảng bá lại thì hiệu quả sẽ là quảng cáo ngược, lan truyền thông tin không tốt, chẳng những người ta không đến mà còn cảnh báo bạn bè không nên đến. Chuyện nhân viên cửa khẩu vòi tiền chỉ là cá biệt, hay là chuyện chặt chém cũng là nhỏ, có những chuyện lớn hơn... Ví dụ việc dễ làm nhất mà không tốn tiền nói mãi mà không làm được, đó là thay đổi thái độ phục vụ tại các cửa ngõ đón khách nước ngoài... nụ cười đâu có tốn tiền, thái độ niềm nở đâu có tốn tiền, nhưng tạo dấu ấn cho du khách. Nói như thế mà họ vẫn cứ giữ mãi vẻ mặt kém thân thiện so với những quốc gia xung quanh".

Đến ngày 5/1/2023, Cục Quản lý Xuất Nhập cảnh (A08) thuộc Bộ Công an Việt Nam cho truyền thông trong nước biết Cán bộ công an Cửa khẩu Nội Bài bị du khách Singapore tố cáo vòi tiền TIP đã bị tạm đình chỉ công tác để làm rõ thông tin liên quan.

Đánh giá việc cơ quan quản lý mới chỉ tạm đình chỉ nhân viên sân bay đòi tiền tip, nhiều độc giả của báo Tuổi Trẻ Online hôm 6/1/2023 đã cho rằng cách xử lý như trên là quá nhẹ, bởi việc vòi vĩnh này làm mất thể diện quốc gia.

Một người không muốn nêu tên sống tại Thành phố Hồ Chí Minh cho biết về thực tế khi qua cửa khẩu Việt Nam để du lịch quốc tế :

"Mình vừa du lịch San Jose - Las Vegas - Los Angeles dịp giáng sinh và năm mới. Nhập cảnh Mỹ thì họ hỏi mình vài câu. Nhưng khi về Việt Nam, mình bị hải quan moi tiền. Không chỉ mình bị, mà rất nhiều người cũng bị. Trước chỉ nghe nói, nhưng giờ bản thân bị nên hơi shock".

Đây không phải lần đầu công an cửa khẩu Việt Nam làm xấu mặt quốc gia, Mạng Hoàn Cầu Thời Báo trong bài đăng ngày 12 tháng hai năm 2017 cho biết một người Trung Quốc được gọi là Tạ Phong, 28 tuổi đã bị đánh hôm ngày 7/2/2017 khi đang làm thủ tục ra khỏi Việt Nam sau chuyến đi hai tuần với vị hôn thê và bà mẹ của anh ta. Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam sau đó đã kêu gọi chính phủ Hà Nội điều tra vụ nhân viên biên phòng Việt Nam đánh đập một công dân Trung Quốc vì lý do không được cho tiền ‘trà nước’.

Nhà báo Võ Văn Tạo hôm 6/1 cho biết ý kiến :

"Ai là người Việt Nam thấy việc này cũng cảm thấy xấu hổ và đau lòng, thậm chí nhiều người cho rằng hành vi của anh công an cửa khẩu làm nhục quốc thể. Bởi vì đó là hành vi thô lỗ, bẩn thỉu... mà công khai ngang nhiên ở cửa khẩu quốc tế lớn nhất của Việt Nam thì khó có ai có thể chấp nhận được. Ý thứ hai tôi thấy rằng anh này xui xẻo, bởi vì tất cả chúng ta đều biết, kể cả bà con ở hải ngoại khi có việc về nước hoặc người Việt Nam đi ra nước ngoài... đều phải có lót tay. Đáng lẽ chức năng của sứ quán, cơ quan ngoại giao là phải giúp đỡ các công dân của nước mình khi họ ra nước ngoài, thế nhưng các sứ quán của Việt Nam họ coi như việc họ được cử đi nước ngoài để làm nhân viên sứ quán là đặc quyền để bóc lột bà con".

Nhà báo Võ Văn Tạo dẫn chứng chuyện xảy ra với gia đình ông :

"Có lần tôi thử gọi điện cho Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp, để nhờ giúp đỡ cho người cháu bên vợ đi học bên Pháp theo điều động của nhà nước Việt Nam để học về dầu khí, nhưng đã gặp những vướng mắc rất vô lý... Nhưng tôi gọi ba ngày liền không ai trả lời, email sứ quán tôi cũng có, nhưng không một ai trả lời, hầu như là tê liệt. Vì dịch bệnh xảy ra cho nên mới ồn ào căng thẳng lên, chứ còn chuyện bóp hầu, bóp họng người Việt Nam đồng hương của mình, đồng bào của mình khi ra nước ngoài hoặc từ nước ngoài trở về thì đó đã là thông lệ".

haiquan5

Cửa khẩu quốc tế Lào Cai. AFP photo.

Không chỉ công an cửa khẩu vòi vĩnh, tình trạng lạm thu ở các Đại sứ quán của Việt Nam ở nước ngoài cũng bị cho là đã làm xấu mặt quốc gia, cản trở du lịch.

Theo truyền thông nhà nước, dù biểu phí được quy định tại Thông tư 264/2016 của Bộ Tài chính, nhưng nhiều cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài vẫn không niêm yết rõ, dẫn đến việc nhân viên nhũng nhiễu, lạm thu của người dân đến làm thủ tục lãnh sự.

Một người gốc Việt sinh sống ở Canada không muốn nêu danh tánh, cho biết về thực tế khi làm giấy tờ ở Đại sứ quán Việt Nam :

"Lãnh sự quán Việt Nam tại Vancouver, Canada đã lạm thu, thu của tôi 125 CAD cho một công chứng uỷ quyền, mà không xuất biên lai. Trong khi theo quy định chỉ 50 USD, Giấy miễn thị thực thì thu mình 70 CAD cho một người, cũng không xuất biên lai. Họ còn tính thêm 3% phụ phí thẻ credit".

Theo thông tin trên trang chủ của Bộ Ngoại giao Việt Nam, lệ phí cấp giấy miễn thị thực có thời hạn 5 năm chỉ 10USD/giấy.

Cũng liên quan bê bối của các quan chức ngoại giao, Trung tướng Tô Ân Xô - Chánh Văn phòng kiêm phát ngôn nhân Bộ Công an Việt Nam tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ vào tối ngày 3/1/2023 cho biết trong vụ các chuyến bay giải cứu, tính đến lúc đó cơ quan chức năng đã khởi tố 39 bị can. Số tiền kê biên phong tỏa và các bị can nộp để khắc phục hậu quả là 80 tỷ đồng.

Đến ngày 5/1/2023, thêm hai người là Cựu Đại sứ Việt Nam tại Malaysia - ông Trần Việt Thái, và cựu nhân viên Nguyễn Hoàng Linh bị khởi tố do dính líu đến vụ tham nhũng "các chuyến bay giải cứu" trong đại dịch covid-19.

Dưới một góc nhìn khác, Luật sư nhân quyền Nguyễn Văn Đài từ Đức Quốc hôm 6/1 nói :

"Thứ nhất, đây là bản chất của chế độ, bởi vì từ khi Đảng cộng sản Việt Nam giữ lấy chính quyền thì họ đã đặt ra mức lương rất thấp, làm cho những người công chức, viên chức cho dù làm ở ngành công an hay ngoại giao thì không đảm bảo cuộc sống của họ với mức sống trung bình của xã hội. Trong khi đó họ được trao rất nhiều quyền lực, nhưng cơ chế kiểm soát lực đối với các quan chức từ cấp nhỏ đến cấp to đều không có. Vì muốn kiểm soát quyền lực thì phải có hệ thống đa đảng, phải có tam quyền phân lập và phải có báo chí tự do... nhưng tất cả những cái đó đều chưa có ở Việt Nam. Thế thì khi mức thu nhập từ tiền lương thấp, quyền lực nhiều, thì lợi ích kiếm được từ quyền lực quá rõ ràng... Ví dụ một ông đại sứ có thể kiếm tiền từ việc làm dịch vụ visa, hộ chiếu cho những công dân Việt Nam ở nước ngoài, rồi ngay chuyến bay giải cứu ông ta có thể gây khó khăn cho những người có nhu cầu cao về Việt Nam để làm dịch vụ, đòi hỏi mức vé rất là cao".

Do đó, khi quyền lực không bị kiểm soát, không gắn liền với trách nhiệm như vậy sẽ làm cho các quan chức nhanh chóng bị tha hóa, từ khi họ bước vào quyền lực thì đã tha hóa rồi. Ông Đài nói tiếp :

"Nếu như còn chế độ độc đảng cộng sản thì không thể nào quảng bá bộ mặt quốc gia được, vì chính bản thân chế độ đã biểu trưng cho sự xấu xa, một chế độ xấu, các quan chức trong đó sẽ luôn luôn làm những điều xấu. Mà họ làm điều xấu sẽ ảnh hưởng đến hai chữ Việt Nam rất thiêng liêng mà mọi người Việt Nam nếu là người yêu nước thật sự luôn luôn muốn giữ gìn, muốn tôn vinh nó và làm cho hai chữ Việt Nam đẹp lên"...

Nhưng đối với người cộng sản thì họ không làm được điều đó, họ hoàn toàn bất lực trong việc làm cho hai chữ Việt Nam đẹp lên, mà chỉ làm nó xấu đi.

Nguồn : RFA, 06/01/2023

***************************

Ngành hải quan đã nát đến mức không thể nát hơn

Chúc Anh, Thoibao.de, 05/01/2023

Ngày 2/1/2023, trang Facebook Kugan Pillai có một status phàn nàn về việc anh bị cán bộ Hải quan Hà Nội vòi tiền. Anh Kugan Pillai kể rằng, anh ra sân bay Hà Nội để làm thủ tục bay về Singapore và anh đang vội. Nhưng cán bộ Hải quan cầm hộ chiếu của anh không muốn trả, đồng thời viết gì đấy lên lên tấm vé của anh. Cuối cùng, vì muốn kịp chuyến bay, anh phải đưa cho viên chức này 500 ngàn đồng. Nhưng anh cảm thấy như bị bắt làm con tin, nếu không đưa tiền, sẽ không được trả hộ chiếu. Dòng trạng thái này hiện nay đã biến mất trên trang cá nhân của Kugan Pillai, không rõ là do chủ nhân tự xóa hay bị Facebook chặn.

haiquan1

Kugan Pillai phàn nàn về việc anh bị cán bộ Hải quan Hà Nội vòi tiền. Ảnh minh họa

Nhưng rất nhiều Facebooker khác đã chụp lại màn hình và chia sẻ, đa số là những ý kiến đồng cảm với anh Kungan Pillai và bất bình với hải quan Việt Nam. Facebooker Hoàng Hùng đăng hình chụp status của Kungan Pillai, kèm theo lời kể về trải nghiệm của gia đình anh trong một lần nhập cảnh về Việt Nam ăn Tết.

Việc cán bộ Hải quan Việt Nam ăn bẩn không phải chuyện mới lạ, nó đã diễn ra suốt mấy chục năm nay. Chuyện Việt Kiều, người Việt Nam từ nước ngoài trở về tố cáo bị vòi tiền ở sân bay, chuyện hàng hóa bị rạch, bị trộm, chuyện các doanh nghiệp xuất nhập khẩu phải chi tiền "bôi trơn" cho hải quan được kể đầy trên mặt báo và trên mạng xã hội, năm nào cũng có. Tuy nhiên, mới chỉ có một vài vụ bị bắt lẻ tẻ, chứ chưa thấy lò của ông Trọng quạt lửa vào ngành này.

Mới đây, ngày 31/12/2022, Cảnh sát Điều tra Công an tỉnh Nghệ An đã khởi tố vụ án "đưa nhận hối lộ" tại Chi cục Hải quan Cửa khẩu Nậm Cắn. Ba cán bộ hải quan nhận hối lộ gồm : Phan Văn Nhâm, Chi Cục trưởng ; Ngô Xuân Khang, Đội trưởng Đội nghiệp vụ ; Đặng Minh Sơn, cán bộ Đội nghiệp vụ.

Đà Nẵng – nơi được ca ngợi là đáng sống nhất Việt Nam, nơi có bộ máy hành chính nhanh gọn, giỏi nghiệp vụ, không nhũng nhiễu dân chúng. Ấy vậy mà Cục Hải quan Đà Nẵng nhiều lần bị tố "xin tiền típ" của khách.

Tháng 8/2018, hướng dẫn viên du lịch Chế Viết Đông đã tố nhân viên hải quan thu 10 Nhân dân tệ mỗi một khách Trung Quốc. Anh Đông nói rằng, anh "buộc phải nói ra vì đây là thể diện dân tộc". Anh cảm thấy nhục nhã khi bị khách hỏi, vì sao nhân viên hải quan sân bay Quốc tế Đà Nẵng lại thu tiền của họ mỗi lần xuất nhập cảnh.

haiquan2

Một số bài báo nói về những tiêu cực trong ngành hải quan

Nhưng Chi Cục Hải quan sân bay Quốc tế Đà Nẵng đã phủ nhận chuyện này, và nói rằng, không có việc thu tiền như Chế Viết Đông nói. Tuy nhiên, họ lại nói thêm, có thể khách nhầm lẫn giữa các lực lượng tại sân bay. Nghĩa là họ cũng không phủ nhận hoàn toàn chuyện khách bị thu tiền.

Cũng trong năm 2018, một hành khách ở Hà Nội đã tố hải quan sân bay Nội Bài "làm luật" (nghĩa là thu tiền ngoài sổ sách) với họ, đồng thời, tố cáo thái độ làm việc thiếu chuẩn mực, sách nhiễu người dân. Cụ thể, chị H tố cáo lực lượng hải quan sân bay Nội Bài đã thu giữ của chị một số hàng hóa mà không lập biên bản, bắt chị phải đóng 5 triệu mới trả lại hàng.

Trước đó, một phụ nữ khác đi cùng con gái bay từ Nhật về, chị cũng bị yêu cầu "làm luật" 5 triệu đồng mới cho thông quan hàng hóa của chị.

haiquan3

Trụ sở Tổng cục Hải quan, nơi chứa đầy sâu bọ

Năm 2016, một loạt các phi vụ hải quan Thành phố Hồ Chí Minh ăn chia nhau tiền tỷ tham nhũng, hối lộ. Vụ này lộ ra, hàng chục cán bộ hải quan tại Thành phố Hồ Chí Minh đã phải ngồi tù. Phòng Thương mại Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã từng công bố khảo sát mức độ hài lòng của doanh nghiệp đối với hải quan, thì rất doanh nghiệp cho hay, họ phải chi trả phí đen khi làm thủ tục hải quan, nếu không, sẽ bị gây khó dễ như : kéo dài thời gian làm thủ tục, yêu cầu bổ sung giấy tờ, chứng từ không có trong quy định…

Chưa hết, các cán bộ hải quan còn tiếp tay cho buôn lậu hoặc chính họ buôn lậu. Năm 2017, một số cán bộ hải quan ở Thành phố Hồ Chí Minh đã bị bắt giữ vì tiếp tay cho bọn buôn lậu, nhập lậu một số hàng hóa trị giá 9 tỷ đồng. Năm 2018, cũng hải quan Thành phố Hồ Chí Minh lại bị một số doanh nghiệp tố, đã đe dọa, đòi ăn tiền của họ.

Ngành hải quan là một trong những ngành nát đến mức không thể nát hơn. Từ cách đây gần chục năm, tiếng đồn "chạy" một "suất hải quan" là hai tỷ, đã râm ran trong dân. Lý do để giá một "suất hải quan" lại cao như vậy, đơn giản vì ngành này "có màu".

Chúc Anh (Tổng hợp)

Nguồn : Thoibao.de, 05/01/2023

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: RFA tiếng Việt, Chúc Anh
Read 353 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)