Tổng sản phẩm nội địa (GDP) của Việt Nam trong năm 2022 được thông báo đạt mức tăng trưởng 8,5%. Trong khi nhiều chính khách Việt Nam tỏ rõ niềm tự hào với thành quả này, thì một số chuyên gia kinh tế lo ngại về tính chính xác của con số thống kê, cũng như lo ngại về một nền kinh tế khó khăn hơn trong năm nay.
Reuters
Các chỉ số đầy lạc quan
Theo Tổng cục Thống kê Việt Nam, mức tăng trưởng GDP 8,5% là cao nhất trong 12 năm qua.
Nhiều lãnh đạo Việt Nam bày tỏ sự tự hào với thành tích này trong các bài phát biểu của mình trong những ngày qua.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, hôm 20/12, phát biểu rằng "đây là điểm sáng đáng tự hào trong hoàn cảnh một nước đang phát triển, nền kinh tế đang chuyển đổi".
Hôm 3/1, Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng nói trong Hội nghị tổng kết công tác năm 2022 và triển khai nhiệm vụ năm 2023 của Chính phủ, rằng "trong bối cảnh có nhiều khó khăn, thách thức lớn… nhưng nhờ có sự nỗ lực phấn đấu của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân… Việt Nam đã thực hiện thắng lợi nhiệm vụ, kinh tế tiếp tục tăng trưởng nhanh, đạt 8%, cao hơn nhiều so với kế hoạch và là mức cao so với các nước trong khu vực và trên thế giới".
Ngoài ra, Tổng cục thống kê còn công bố các chỉ số khác cho thấy một nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng tích cực trong năm 2022. Theo đó, GDP bình quân đầu người năm 2022 đạt 95,6 triệu đồng/người, tương đương 4.110 USD, tăng 393 USD so với năm 2021.
Năng suất lao động của toàn nền kinh tế theo giá hiện hành là 188,1 triệu đồng/lao động (tương đương 8.083 USD/lao động, tăng 622 USD so với năm 2021).
Về chỉ số lạm phát, Chính phủ Việt Nam kiểm chế được ở mức 3,15%, đạt mục tiêu Quốc hội giao là dưới 4%. Cũng theo Tổng cục thống kê, đây là con số thấp so với các cường quốc khác như Mỹ hay Châu Âu.
Nhưng không được kiểm chứng
Một số chuyên gia kinh tế lo ngại về tính khả tín của các con số nêu trên, bởi vì không có bất kỳ một cơ quan độc lập nào có thể kiểm chứng được.
Chuyên gia kinh tế, tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu cho rằng các chỉ số trên, nếu chính xác thì sẽ mang ý nghĩa rất lớn thúc đẩy phát triển cho nền kinh tế Việt Nam trong năm 2023 :
"Tuy nhiên, vấn đề là không có một cơ quan nào kiểm chứng lại con số của cục Thống kê. Nó là con số duy nhất mà chúng ta biết".
Theo tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu, một thống kê có đáng tin hay không phải dựa vào một số yếu tố quan trong như phương pháp tính hay là năng lực của người lập thống kê… Tuy nhiên, những điều đó Việt Nam không công khai.
Nếu chỉ dựa trên chỉ số tăng trưởng GDP 8% mà đánh giá nền kinh tế tăng trưởng mạnh mẽ thì tiến sĩ Hiếu cho rằng đó là cái nhìn phiến diện. Một nền kinh tế khoẻ mạnh cần phải xét đến các yếu tố khác như cuộc sống người lao động, an sinh xã hội, vệ sinh an toàn, y tế và cả vấn đề về môi trường…
Đồng quan điểm, tiến sĩ kinh tế Nguyễn Huy Vũ, từ Na Uy, nói với RFA rằng con số 8% chỉ nằm ở trên sổ sách thôi và không có một cơ quan độc lập nào có thể kiểm chứng được các con số này là chính xác, khách quan.
Tiến sĩ Huy Vũ phân tích, con số thống kê về kinh tế sẽ không có ý nghĩa gì nếu không xem xét đến đời sống của người lao động nói chung, mức thất nghiệp và cả mức tiêu dùng của xã hội. Những yếu tố đó thể hiện đời sống của người dân tăng lên hay giảm xuống so với những năm trước :
"Cho dù con số thống kê tăng lên 8% hay 10% mà đời sống của người lao động không được cải thiện, việc làm không được tạo ra nhiều, sức khỏe của nền kinh tế không được tăng lên, doanh nghiệp không có tăng trưởng, không lớn mạnh thì con số đó cho dù có bao nhiêu thì cũng trở nên vô nghĩa".
Thực tế đời sống người lao động
Ông Nguyễn Đình Đệ, chủ một doanh nghiệp lắp ráp điện tử ở Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, trong năm qua, đời sống người dân nói chung, đặc biệt là lao động phổ thông là cực kỳ khó khăn.
Ông nói, do các nước Châu âu, Mỹ đều bước vào giai đoạn khủng hoảng kinh tế nên các đơn hàng gia công của Việt Nam bị giảm sút. Điều này khiến một loạt các doanh nghiệp phải sa thải bớt công nhân trong những tháng cuối năm. Ước tính có hơn 41.600 lao động mất việc trong thời điểm này.
Thêm vào đó, cuộc chiến tranh ở Ukraine đã đẩy giá nguyên liệu toàn thế giới tăng cao. Do đó, năm 2022 là năm đầy biến động của thị trường xăng dầu. Liên tiếp từ tháng 6 đến tháng 9/2022, giá xăng vượt mốc 30.000 đồng/lít.
Như vậy, người lao động Việt Nam bị đẩy vào tình thế giá cả tăng cao trong khi không có việc làm hoặc thu nhập không đủ để trang trải cuộc sống :
"Người dân đã không có việc làm mà giá nguyên liệu còn tăng cao, vận tải tăng giá thì tất cả các mặt hàng khác đều tăng giá. Phải nói là người dân rất là tội nghiệp, người dân nghèo họ khó khăn lắm !"
Không chỉ người lao động gặp khó, ông Đệ nói, chủ doanh nghiệp như ông cũng lao đao, vì sản phẩm làm ra rất khó để tiêu thụ được, do sức mua của người dân giảm sút mạnh trong năm qua.
"Nếu như nhà nước nói là tăng trưởng 8% là mức cao nhất trong vòng 12 năm qua thì đó là một điểm đáng mừng. Nhưng hãy nhìn vào đời sống của người dân, sự khó khăn của doanh nghiệp, nhìn vào số lượng doanh nghiệp phải đóng cửa thì chúng ta sẽ hiểu được bề trái của nó". - Ông Đệ nói.
Theo Tổng cục Thống kê, năm 2022, cả nước có hơn 143.000 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tính trung bình mỗi ngày có gần 400 doanh nghiệp phá sản.
Theo kết quả khảo sát của Viện Công nhân và Công đoàn đối với hơn 6.200 công nhân trong tháng 10 và tháng 11/2022, có đến 59% người lao động không có bất cứ khoản tích lũy nào. Có 11,7% số người được khảo sát có tích lũy duy trì cuộc sống được dưới một tháng, 16,7% từ 1-3 tháng. Chỉ 12,7% người lao động có thể cầm cự được trên ba tháng nếu mất việc.
Dự báo kinh tế Việt Nam 2023
Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, nền kinh tế Việt Nam năm 2023 sẽ thừa hưởng những lợi điểm và cả khó khăn của năm 2022. Chẳng hạn như GDP tăng 8%, hay xuất nhập khẩu hai chiều lên đến 733 tỷ, gấp đôi GDP… Những con số này, nếu đúng, thì cũng là một lợi thế.
Tuy nhiên, ông Hiếu cũng chỉ ra rằng nền kinh tế Việt Nam trong năm 2022 vẫn còn nhiều vấn đề. Nổi cộm trong số đó là thị trường tài chính của Việt Nam rất là bất ổn, thể hiện qua chỉ số Vn Index mất đến 300%, thị trường trái phiếu lại đóng băng những tháng cuối năm, thị trường bất động sản cũng rất khó khăn, rất nhiều doanh nghiệp thiếu vốn… Do đó, ông cho rằng nền kinh tế Việt Nam sẽ còn khó khăn, ít nhất là trong sáu tháng đầu năm 2023 :
"Tôi thấy rằng thị trường tài chính cũng còn gặp rất nhiều khó khăn trong năm 2023… Tôi nghĩ rằng trong nửa đầu năm sẽ có những tác động tiêu cực, sang đến nửa năm thứ hai có thể tình hình sẽ ổn định hơn".
Tiến sĩ Nguyễn Huy Vũ nhận định, kinh tế Việt Nam năm nay thậm chí có thể sẽ tệ hơn, bởi vì khi Việt Nam không còn nhiều đơn hàng gia công từ các nước như Mỹ hay Châu Âu, thì đồng nghĩa với việc ngoại tệ nhập về Việt Nam cũng không còn nhiều.
Các nước tăng lãi suất buộc Việt Nam cũng phải tăng lãi suất để giữ tỷ giá. Điều này sẽ khiến các doanh nghiệp khó khăn vô cùng trong việc đầu tư sản suất :
"Khi lãi suất của đồng tiền Việt Nam tăng cao thì dẫn đến hiện tượng là tình hình trong nước cũng sẽ khó để mạnh sản xuất. Cho nên sẽ dẫn đến tình trạng kinh tế trong nước, các doanh nghiệp sản xuất cũng sẽ rất khó khăn trong năm sắp tới".
Tiến sĩ Trịnh Khánh Ly, chuyên gia nghiên cứu về luật lao động nêu ý kiến trong một bài viết đăng trên RFA hôm 4/1 rằng S ự hồi phục của các ngành nghề gia công của Việt Nam phụ thuộc rất lớn vào các nước nhập khẩu. Mà các nước này sau Covid thì lại đang phải chịu ảnh hưởng nặng nề từ cuộc khủng hoảng nhiên liệu, cuộc chiến tại Ukraine, lạm phát tăng cao và dự kiến năm 2023 vẫn còn tiếp tục gặp nhiều khó khăn.
Vì vậy, theo bà Trịnh Khánh Ly, Việt Nam nên chuẩn bị cho một kịch bản xấu hơn trong năm nay.
Nguồn : RFA, 09/01/2023