Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

10/07/2024

Ở Việt Nam, trí tưởng tượng cũng bị phạt vạ

Đồng Phụng Việt - RFA

Vì sao tưởng tượng nghiêm trọng hơn đoán định vô bằng ?

Đồng Phụng Việt, RFA, 10/07/2024

Hai YouTuber, một cư ngụ tại Kiên Giang, một cư ngụ tại An Giang vừa "cúi đầu nhận tội" vì "đăng tải các video bịa đặt, sai sự thật". Theo báo chí Việt Nam, Phòng An ninh mạng và chống tội phạm công nghệ cao của Công an An Giang đã phối hợp cùng Thanh tra Sở Thông tin Truyền thông An Giang truy tìm, triệu tập hai người đã làm một video clip ghi lại tảng đá có hình người ở phường Thới Sơn, thị xã Tịnh Biên, tỉnh An Giang rồi bảo với thiên hạ rằng tảng đá ấy giống hiện thân của nhà sư Thích Minh Tuệ ! Không may cho họ là cả ngành công an lẫn ngành Thông tin và truyền thông lại nhất trí phải phạt mỗi người năm triệu bởi cho rằng, tưởng tượng như thế là "gây hoang mang dư luận" (1) !

trituongtuong1

Hình tảng đá được các YouTuber cho rằng giống sư Thích Minh Tuệ (trái), và một biểu tượng được chùa Ba Vàng (Quảng Ninh) trưng bày và gọi là xá lợi tóc của Đức Phật (phải) - YouTube/Phật pháp và Đời sống/Chùa Ba Vàng/RFA edit

Có thể vì quan điểm và lối hành xử "vô tiền khoáng hậu" ấy khiến công chúng bất bình vì hệ thống công quyền phân loại, áp dụng "tiêu chuẩn kép" đối với công dân nên cách nay vài ngày, ai đó đã đưa lên mạng xã hội video clip ghi lại một số điều mà ông Thích Nhật Từ nhận định về lý do Đức Phật qua đời cho thiên hạ so sánh.

Theo ông Thích Nhật Từ thì Đức Phật đau đớn khủng khiếp trước khi lìa trần do bị ung thư cuống bao tử. Đó là hậu quả của sáu năm sống khổ hạnh, tu sai phương pháp, ảnh hưởng không tốt tới bao tử. Bữa ăn cuối cùng của Đức Phật do một ông lão thuộc tầng lớp cùng đinh dâng cúng. Do nghèo ông lão này chỉ có thể mót nấm rừng chế biến bữa ăn dâng cúng Đức Phật, vì không có kiến thức về an toàn thực phẩm ông chọn lầm nấm độc nên Đức Phật mới đau đớn như vậy. Thay vì phản bác ông Thích Nhật Từ, người thực hiện video clip vừa dẫn, trích một đoạn phim về cuộc đời Đức Phật, ghi lại trăn trối của Ngài lúc lâm chung (2).

Tuy cả ông Thích Nhật Từ lẫn tác giả kịch bản và đạo diễn phim về cuộc đời Đức Phật đều dựa vào kinh điển Phật giáo nhưng hai bên lại dẫn khán giả theo hai lối hoàn toàn khác nhau về bữa ăn cuối cùng của Đức Phật cũng như về ông lão đã dâng cúng bữa ăn ấy. Trong khi ông Thích Nhật Từ chỉ "đoán rồi suy" và kết luận như đã lược thuật thì tác giả kịch bản và đạo diễn phim về cuộc đời Đức Phật giới thiệu điều Đức Phật dặn dò đệ tử, đại ý, hãy nói với ông lão, cả cuộc đời Ngài chỉ có hai bữa ăn đáng nhớ, một là bữa ăn trước khi Ngài chứng ngộ vô thường và hai là bữa ăn cuối cùng trước lúc Ngài nhập đại niết bàn, ông lão nên vui mừng vì đã dâng cúng cho Ngài một trong hai bữa ăn ấy.

Nếu xét về mức độ "gây hoang mang dư luận", có lẽ tưởng tượng tảng đá ở phường Thới Sơn, thị xã Tịnh Biên, tỉnh An Giang giống hiện thân của nhà sư Thích Minh Tuệ thua xa tưởng tượng Đức Phật bị ung thư cuống bao tử vì tu sai phương pháp, nhịn ăn, sống khổ hạnh trong sáu năm Thế thì tại sao ông Thích Nhật Từ vô sự ?

***

Đặt quyết định xử phạt hành chính mỗi YouTuber năm triệu đồng do dám trình bày điều họ tưởng tượng bên cạnh những hành vi của nhiều tu sĩ của Giáo hội Phật giáo Việt Nam hẳn sẽ thấy có hai loại tiêu chuẩn áp đặt cho hai loại công dân khác nhau cùng hướng tới Phật. Loại thứ nhất, không được phép nói khác, làm khác với những điều mà Giáo hội Phật giáo Việt Nam hướng dẫn. Chẳng hạn Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã phủ nhận tư cách tu sĩ của nhà sư Thích Minh Tuệ thì không ai có quyền tưởng tượng hình bóng của ông như một nhà sư. Loại thứ hai là những Đại đức, Thượng tọa có "giấy phép" làm "tăng" nên muốn nói gì thì nói như ông Thích Nhật Từ, ông Thích Trúc Thái Minh, ông Thích Nhuận Đức.

Lẽ nào Đức Phật không cao quý bằng những cá nhân có "giấy phép" làm "tăng" nên tuyên bố Đức Phật mất mạng vì "tu sai phương pháp" không có gì đáng bận tâm, còn những Phật tử chỉ trích sai trái của Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Kiên Giang như ông Dương Hồng Hiếu thì dứt khoát phải xử lý hình sự để "răn đe, giáo dục" (3) ? Lẽ nào việc biến thứ vô tri thành "xá lợi tóc Phật" lôi kéo thiên hạ đến chiêm bái không xúc phạm Phật giáo nên Giáo hội Phật giáo Việt Nam thản nhiên cho qua, không cần hệ thống công quyền "xử lý nghiêm minh" như đã từng rầm rộ đòi xử lý một số tờ báo giới thiệu những bài viết "làm tổn thương Phật giáo", dù rằng chỉ kể về nô lệ tình dục tại các chùa ở Ấn Độ (4) ?

Tại sao những tu sĩ của Giáo hội Phật giáo Việt Nam có thể công khai mạ lị những tôn giáo khác như ông Thích Nhật Từ, mạ lị những cộng đồng thiểu số như ông Thích Nhuận Đức miệt thị người Kh’mer là "Miên đen", đưa ra những nhận định càn rỡ, phản khoa học như ông Thích Trúc Thái Minh, ông Thích Chân Quang song chẳng riêng Giáo hội Phật giáo Việt Nam mà hệ thống công quyền cũng làm ngơ, nếu bị đẩy đến chỗ phải xử lý thì phương thức xử lý chỉ theo phương châm "giơ cao, đánh khẽ" ? Chịu khó quan sát, ngẫm nghĩ ắt sẽ chỉ có thể tìm thấy một câu trả lời : Đó là vì Giáo hội Phật giáo Việt Nam là một loại công cụ trong hàng loạt công cụ gìn giữ trị an, biến cộng đồng Phật tử thành bầy cừu, dắt họ tiến lên chủ nghĩa xã hội.

Đồng Phụng Việt

Nguồn : RFA,10/07/2024

Tham khảo

(1) https://tuoitre.vn/tung-tin-tang-da-giong-ong-thich-minh-tue-hai-youtuber-bi-phat-20240704143757244.htm

(2) https://www.facebook.com/dungtran0987000111/videos/403501488789607

(3) https://tienphong.vn/mot-facebooker-bi-bat-vi-xuc-pham-ban-tri-su-giao-hoi-phat-giao-viet-nam-tinh-kien-giang-post1632323.tpo

(4) https://giacngo.vn/vu-thong-tin-vietnamnet-danh-lan-ngon-ngu-ton-giao-duoi-goc-nhin-cua-luat-bao-chi-post14481.html

***************************

Dân bị phạt vì trí tưởng tượng ?

RFA, 09/07/2024

Hôm 4/7 vừa qua, hai YouTuber ở An Giang bị cơ quan chức năng tỉnh này ra quyết định xử phạt hành chính với cáo buộc đăng video sai sự thật liên quan ông Thích Minh Tuệ. Cụ thể, Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an tỉnh An Giang cho biết đã phát hiện hai tài khoản YouTube đăng tải các video mà cơ quan này gọi là bịa đặt, sai sự thật về một tảng đá có hình người, giống sư Thích Minh Tuệ.

trituongtuong0

Sư Thích Minh Tuệ cùng các đồng đạo trên đường khất thực - AFP

Cả hai chủ tài khoản bị cơ quan chức năng tỉnh An Giang phạt hành chính với cáo buộc vi phạm khoản 1, Điều 101 Nghị định số 15 về "quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử".

Một số người cho rằng, việc hai YouTuber thấy tảng đá giống ai hay giống vật gì là quyền con người, chính quyền không có quyền phạt trí tưởng tượng của người dân.

Cựu trung tá quân đội Vũ Minh Trí nêu quan điểm của ông với RFA :

"Tôi không biết cụ thể video này đưa lên mạng như thế nào, kèm theo những bình luận gì. Nhưng căn cứ theo những thông tin chính thống từ báo chí nhà nước thì tôi thấy hai điều ở đây. Thứ nhất, người ra quyết định phạt tiền là hoàn toàn vô lối, không đúng. Người dân hoàn toàn có quyền tưởng tượng, suy diễn hòn đá giống cái này cái khác, không thể tùy tiện phạt họ như vậy được. Tôi nghĩ, việc phạt này là rất sai trái. Đó là về phía cơ quan xử phạt.

Thứ hai, về phía người bị phạt, theo báo chí nhà nước thì họ thành khẩn nhận vi phạm và đồng ý nộp phạt. Tôi thấy bản thân họ chưa nhận thức đầy đủ về pháp luật để hiểu mình có quyền lợi và nghĩa vụ gì, cho nên họ đã dễ dàng chấp nhận để cơ quan chức năng của nhà nước xử phạt".

Theo luật pháp Việt Nam, quyền khiếu nại và khởi kiện đều là quyền của công dân khi có cơ sở cho rằng quyết định hành chính, hành vi hành chính của người, cơ quan có thẩm quyền là trái pháp luật xâm phạm trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, cơ quan, tổ chức.

Với việc xử phạt hai YouTuber với cáo buộc suy diễn, bịa đặt và không đúng thực tế, một số nghệ sĩ mà RFA trao đổi cho rằng, đây là một hình thức "trói buộc tự do sáng tác" từ sau 1954 ở miền Bắc và sau 1975 ở cả miền Nam.

Nhà thơ/dịch giả Hoàng Hưng, người từng bị tù 3 năm vì tội "lưu truyền văn hóa phẩm phản động" đầu thập niên 80 chỉ vì mang theo trong người tập thơ của nhà thơ Hoàng Cầm, nói với RFA nhận định của ông ;

"Việc quy kết một người hình dung một tảng đá ra hình ảnh gì đó theo trí tưởng tượng của người ta là một quy kết quá là ấu trĩ. Không thể hình dung nó lại xảy ra trong thời đại này.

Khi người ta nhìn một hòn đá, một cái cây hay một mô đất… người ta có quyền tưởng tượng ra cái gì theo ý người ta, chả có vấn đề gì cả, chả có hại gì cả. Đó là cái quyền tối thiểu của con người. Đó là quyền tự nhiên mà pháp luật không cấm. Chả có luật nào có thể quy đó thành một tội hay thành một vi phạm để phạt hay xử tội cả. Không có chính quyền nào được phép làm điều đó cả. Nó nói lên một điều quan trọng nhất là những quyền tự do cơ bản cảu con người, tức nhân quyền, không được tôn trọng".

Theo nhà thơ Hoàng Hưng, vì có quyền lực trong tay nên chính quyền cho cái nhìn của chính họ là đúng cho dù cũng là suy diễn, còn cái nhìn của dân bị coi là bịa đặt, sai sự thật.

Một họa sĩ kỹ thuật số ẩn danh, nêu quan điểm của ông với RFA :

"Những người dân bị phạt vạ, họ không có nơi nào để có thể nói lại và chứng minh về quyền tự do ngôn luận của bản thân mình. Vì có thể họ sẽ đặt câu hỏi rằng thay vì họ thấy cục đá đó giống ông Thích Minh Tuệ, thì họ thấy cục đá đó giống ông Hồ Chí Minh họ có bị phạt không ? Và vì sao họ nghĩ cục đá đó giống ông Thích Minh Tuệ thì họ lại bị phạt ?

Việc phạt vạ vô cớ và vô văn hóa của các quan chức rõ là đang bóp nghẹt sự tự do suy tưởng và văn hóa nhận thức đa chiều theo quyền cá nhân, nhưng quan trọng hơn hết là cho thấy xã hội Việt Nam đang bị bao vây trong những chủ kiến cầm quyền mơ hồ và áp đặt. Công dân bị dán nhãn và đóng dấu không khác gì những con vật trong chuồng theo ý những kẻ có quyền".

Chuyện phạt hai YouTuber ở An Giang không phải là chuyện chưa từng xảy ra, mà chỉ thêm vào danh sách những người dân bị "phạt vạ" từ trước đến nay. Mới hôm 9/7/2024, Công an huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang xử phạt vi phạm hành chính một chủ danh khoản Facebook về hành vi mà họ gọi là "cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân", do facebooker đưa thông tin liên quan ca bạch hầu ở tỉnh này.

Tháng 10/2023, một Facebooker ở Quảng Ninh bị phạt tiền do loan tin dân đồng loạt rút tiền ngân hàng. Theo cơ quan chức năng, Facebooker này bị phạt là do "đưa tin đồn thất thiệt".

Để quản lý chặt hơn những thông tin trên mạng xã hội, tháng 10/2023, Bộ Thông tin và truyền thông trình Chính phủ Nghị định thay thế Nghị định 72/2013 về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng. Phát biểu với truyền thông trong nước, ông Lê Quang Tự Do, Cục trưởng Phát thanh truyền hình và thông tin điện tử, Bộ Thông tin và truyền thông cho hay : "Nếu tài khoản bị chiếm quyền điều khiển hoặc do nhiều người dùng chung, họ phải chứng minh mình không đăng tải nội dung đó. Nếu không vẫn sẽ phải chịu trách nhiệm hoàn toàn. Trong trường hợp phát ngôn vi phạm nghiêm trọng, họ có thể bị kiện ra tòa hoặc bị xử lý hình sự, theo Luật An ninh mạng".

Điều đó có nghĩa, chủ danh khoản Facebook có thể bị phạt nếu bảo mật kém, hay nói cách khác là chủ danh khoản Facebook đã bị hack còn bị phạt !

Nguồn : RFA, 09/07/2024

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Đồng Phụng Việt, RFA tiếng Việt
Read 284 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)