Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

10/07/2024

Những vị thánh của một tôn giáo bị thờ ơ

Nguyễn Nhơn

Cách đây nhiều năm, chúng tôi có dịp đi cùng một nhóm thiện nguyện của nhà thờ lên Trại Phong Bến Sắn. Trại tọa lạc tại Củ Chi, chăm sóc hàng trăm người đã khỏi bệnh và người bệnh mới.

lavang1

Sơ Lài không ngần ngại trong việc tiếp xúc trực tiếp với các bệnh nhân đang mang trên mình căn bệnh phong.

Những người đã khỏi bệnh lại chia thành hai nhóm : một nhóm có gia đình vợ chồng con cái, ở lại lập nghiệp luôn trong khuôn viên Trại. Tất cả đám trẻ đều mạnh khỏe, không bị nhiễm bệnh. Chúng đi học đi làm bình thường như những gia đình khác. Còn cha mẹ thì tùy sức khỏe và tuổi tác, có người nhận gia công vài thứ đồ dùng đơn giản cho người trong trại như làm dép, hay chỉ ở nhà chăm sóc gia đình.

Nhóm kia hầu hết là những ông bà cụ già lụ khụ, đã bị gia đình bên ngoài bỏ rơi từ lâu hoặc rất lâu. Hoàn cảnh họ thường giống nhau : phát hiện mắc bệnh phong từ khi còn rất trẻ, chưa lập gia đình. Cha mẹ đưa con vào trại để chữa bệnh, rồi thời gian cứ thế trôi đi. Khi cha mẹ còn sống, họ vẫn còn được gia đình vào thăm, nhưng cha mẹ qua đời, anh chị em trưởng thành ra riêng rồi thì hầu như mọi liên lạc đứt hết. Nhất là thời chiến tranh loạn lạc và giai đoạn cả nước đói khổ vài chục năm sau 1975, rất nhiều gia đình mất mát tài sản và ly tán khắp nơi, nên việc bỏ quên một người thân mắc bệnh nan y đã sống biệt lập xa nhà từ rất lâu là điều rất dễ xảy ra.

Trước đây mấy chục năm chưa có các biện pháp y tế có hiệu quả, bệnh phong bị xem là tử thần. Tình trạng phổ biến về cơ thể của người bệnh phong như bị rụng ngón tay ngón chân, tai, mũi, môi… mang đến sự sợ hãi và kỳ thị khủng khiếp không những cho cá nhân người bệnh mà cả gia đình, dòng họ. Nó đáng sợ đến nỗi người ta mang căn bệnh này vào lời thề độc sống chết : "Tao mà nói láo tao cùi sứt móng".

Trong dân gian có vô số câu chuyện mang hơi hướng truyền kỳ về những người con gái trẻ xinh đẹp không may bị mắc bệnh cùi. Nếu con nhà nghèo, họ thường được đưa hoặc tự bò vào rừng sâu, sống nhờ bắt cá, bắt chim, hái trái cây ăn, ngủ trong hang đá như người nguyên thủy. Lỡ bị những người tiều phu bắt gặp thì họ sợ hãi vô cùng và chạy trốn thật là nhanh, kẻo bị những người kia bắt gặp, có thể còn bị ném đá xua đuổi không chừng. Con nhà giàu thì gia đình sẽ mài vàng cho uống, may ra thì khỏi bệnh - hồi đó người ta tin vậy. Nếu không thể chữa khỏi, bệnh đã bắt đầu hủy hoại cơ thể người bệnh thì cô gái sẽ được gia đình xây một phòng riêng bí mật trong ngôi nhà để sống, hoàn toàn tránh con mắt người ngoài, hàng ngày được người thân hoặc người làm đưa cơm nhưng cấm ngặt không được mở cửa, không được hỏi han tìm hiểu…

Nhóm còn lại là những bệnh nhân mới. Đến những năm này của thế kỷ 21 mà vẫn còn người mắc bệnh phong, thoạt nghe thấy khó tin, nhất là khi Việt Nam đã tuyên bố không còn bệnh phong từ năm 2000. Thế nhưng mỗi năm vẫn có khoảng 70-100 ca mắc bệnh mới, trong đó không ít bệnh nhân sống ở các thành phố lớn nhất nước như Sài Gòn, Hà Nội.

Những người mới mắc bệnh phong thường là người sống trong các điều kiện vô cùng mất vệ sinh như sống trong các bãi rác khổng lồ, mưu sinh hàng ngày nhờ rác và sinh sống cũng ngay tại chân các đống rác. Một nhóm khác thuộc bà con dân tộc thiểu số rất nghèo ở Tây Nguyên, cũng do sống trong điều kiện thiếu vệ sinh và dinh dưỡng trầm trọng.

Khi nhóm từ thiện liên lạc để xin phép đến thăm Trại, sœur phụ trách- tôi không còn nhớ tên, dặn cả đoàn không cần lo sợ việc lây nhiễm khi tiếp xúc với bệnh nhân phong. Chỉ cần sau khi tiếp xúc thì rửa tay thật sạch bằng xà phòng là đủ.

Với kiến thức của những năm 200x mà vẫn có những cô gái do dự hỏi thật nhiều về nguy cơ lây nhiễm và biện pháp bảo vệ tại trại phong, rồi sau khi suy nghĩ thật lâu thì quyết định… ở nhà.

Vậy mà từ gần trăm năm nay đã có một số đông những phụ nữ tự nguyện sống trong đó để làm người bạn, người mẹ nâng đỡ tinh thần và chăm sóc tất cả về thể xác cho người bệnh.

Trong cả nước có hàng trăm mái ấm, cơ sở chăm sóc người bệnh của các dòng tu Công giáo, mà ở đó, các bà sœur dành cả cuộc đời để ân cần nhưng lặng lẽ chăm sóc những người bệnh nặng nhất, những căn bệnh có biểu hiện bề ngoài ghê sợ nhất mà xã hội, thậm chí cả gia đình, người thân họ cũng chối bỏ.

lavang2

Những người bị bệnh phong đang đi lễ tại một chùa Phật giáo ở xã Văn Môn năm 2019 - Reuters/Damir Sagolj

Cũng vào thời điểm hàng chục năm trước, khi HIV hoành hành ở Việt Nam.

Tôi đã gặp những người bệnh HIV vào giai đoạn cuối. Cũng giống như thời kỳ đầu của bệnh phong, thời đó thuốc hiếm hoi lắm và chưa có những loại thuốc chữa trị hiệu quả như bây giờ. Cả người bệnh nhân nổi mụn lở loét, rỉ nước vàng, bốc mùi tanh đến nỗi ruồi nhặng bay vè vè chung quanh. Còn hơn sự kỳ thị đối với người bệnh phong ngày trước gấp nhiều lần, xã hội sợ hãi và khinh miệt những người mắc HIV đến tột cùng. Là vì HIV chỉ lây qua đường quan hệ tình dục và đường máu nên những người nhiễm HIV thời đó thường là người làm nghề mại dâm, nghiện chích ma túy… Đã vướng vào tệ nạn xã hội lại còn mắc căn bệnh tử thần, họ bị cả xã hội nguyền rủa và xa lánh. Gia đình xấu hổ, tủi nhục. Những mái ấm của rất nhiều nhà thờ, các dòng tu Thiên Chúa giáo (tôi không rõ các chùa có không) ngày đó đã là chốn nương thân cuối cùng của những con người đau khổ. Các sœurs và những người tình nguyện đã kề cận bên người bệnh vào lúc họ kinh hoàng, suy sụp, tan nát nhất cả về thể xác và tinh thần. Hơn cả người mẹ, các sœurs làm tất cả những công việc mà ai cũng ghê sợ và chạy trốn : lau rửa cơ thể, thay quần áo, chăm cho người bệnh ăn uống, vệ sinh và đặc biệt là an ủi, nâng đỡ tinh thần… Khi họ qua đời trong đau đớn, cũng chính các sœurs chăm sóc lần cuối cho cơ thể họ được sạch sẽ và trang nghiêm trong chuyến đi cuối cùng.

Rồi chỉ mới vài năm trước, thời đại dịch Covid-19. Có những thời điểm số người chết nhiều đến nỗi một số bệnh viện dã chiến không làm kịp cả việc bó xác và chuyển đi. Trong phòng bệnh, người sống nằm lẫn với người đã qua đời. Ngoài sân, người bệnh nằm la liệt, chỉ cần có được bình ô xy để thở thì đã là vô cùng may mắn. Khung cảnh lúc đó kinh hoàng vượt xa mọi trí tưởng tượng.

Không thống kê hết, nhưng đã hàng ngàn linh mục và tu sĩ thuộc mọi tu hội/hội dòng Công giáo, cùng các tu sĩ Phật giáo và tín đồ Tin Lành tình nguyện vào hỗ trợ nhân viên y tế tại các bệnh viện dã chiến đang có nhiều bệnh nhân nguy kịch nhất. Họ thay tã, lau người, thay tấm trải giường cho những bệnh nhân ở khu cấp cứu vốn đang nằm mê man, mọi hoạt động sinh tồn đều diễn ra tại chỗ. Họ dọn vệ sinh ở những khu vực nhiều nguy cơ lây nhiễm nhất là phòng bệnh và sảnh chờ. Hành động đó đồng nghĩa với việc đã xem nhẹ sinh mạng, vì nhân viên tình nguyện không thể được trang bị bảo hộ y tế đầy đủ như với nhân viên y tế chính thức, mà ngay cả nhân viên y tế chính thức khi đó còn thiếu từ cái khẩu trang thiếu đi.

Tổng giáo phận Sài Gòn còn cử một số nữ tu, bác sĩ tâm lý vào bệnh viện dã chiến để chia sẻ, hỗ trợ sang chấn tâm lý cho các bệnh nhận, giúp họ an tâm điều trị và sớm phục hồi.

Trong trận chiến đó, có những nữ tu đã hy sinh vì nhiễm bệnh khi làm việc.

Thời điểm đó báo chí đều có viết bài ca ngợi họ. Nhưng dịch bệnh như cháy nhà, mấy ai có tâm trí đọc báo. Khi trận đại dịch qua đi, các linh mục, các tu sĩ, các sœur trở về với công việc hàng ngày ở nhà thờ, ở dòng tu của mình trên khắp đất nước, "khỏe nhẹ như cày xong thửa ruộng" (Tố Hữu). Cũng chẳng mấy ai nhớ và nhắc đến họ nữa. Bản thân họ lại càng tránh việc được tán dương. Những điều đã qua là trải nghiệm, là kỷ niệm đáng nhớ, nhưng không níu lấy nó để mãi tự hào.

Các linh mục, các nữ tu dường như có mặt ở tất cả những nơi nghèo khó, bất hạnh nhất. Trong các hội nghị của các tổ chức hoạt động vì quyền trẻ em, tôi gặp những cô sœurs mái tóc để dài phẳng kẹp đơn giản sau lưng, mặc chiếc quần tây sẫm màu, chiếc áo sơ mi trắng hay xanh nhạt không mới nhưng phẳng phiu gọn gàng. Không có tí chăm chút cho ngoại hình nào ở đây, dù nhiều sœurs còn trẻ măng, mới ngoài 20 tuổi. Họ chỉ chăm chú hỏi thăm cách làm giấy tờ nhân thân cho những đứa trẻ bị cha mẹ bỏ rơi đang được nuôi ở nhà sœur, hỏi cách tiếp xúc với chính quyền cho phù hợp và thuận lợi.

Tôi gặp những bà sœurs già hiền từ trong veo như nữ thánh, cả đời chưa bao giờ có quan hệ luyến ái với người khác giới nhưng cặm cụi đi tìm sách báo và chuyên gia tâm lý về dạy bọn trẻ con gái cách bảo vệ bản thân, chống bị xâm hại tình dục.

Tôi gặp những linh mục vừa xây nhà tình thương cho giáo dân vừa đe nẹt chị vợ vì đẻ quá nhiều nên không thể nuôi nấng các con được chu toàn.

Tôi gặp ông linh mục già suốt ngày dọa bọn trẻ con gái ở Tây Nguyên rằng nếu không chịu đi học, không tốt nghiệp được cấp 3 mà nhót đi lấy chồng sớm (như tục lệ của họ) thì ông sẽ không ban phép cưới trong nhà thờ.

Tôi gặp những gia đình giáo dân dành thời gian rảnh mọi chủ nhật để tổ chức và cùng với Công an phường sở tại hàng tuần nấu bữa ăn tình thương cho người nghèo (hê, công an cũng có nhiều người tốt chớ bộ !)

Có lẽ những tôn giáo khác cũng có những hoạt động phụng sự xã hội vô vị lợi như vậy, nhưng tôi chưa được hân hạnh biết đến các vị nhiều như những người tôi đã kể trên kia. Việt Nam có hai đạo lớn là Công giáo và Phật giáo, nhưng sự bỉ ổi, lừa gạt tiền bạc công khai đến mức phải đặt dấu hỏi của quá nhiều vị sư trụ trì các chùa lớn của Giáo hội Phật giáo Việt Nam càng khiến tôi trân trọng những tu sĩ lặng lẽ vô danh của bên Công giáo nọ.

Ở Việt Nam, Công giáo không được lòng Nhà nước bằng Giáo hội Phật giáo. Nên ngoài một số tài liệu truyền thông trong nội bộ thì số lượng các bài viết về hoạt động xã hội của các nhà thờ, dòng tu… hiếm hoi và yếu tiếng hơn hẳn so với bên nhà chùa.

Tôi chưa đạt được trình độ giác ngộ như các tu sĩ nên điều ấy còn tôi chạnh lòng.

Tôi chạnh lòng còn vì biến chứng của một số người sùng bái sư Thích Minh Tuệ.

Nhiều ngày nay, chúng ta đều có thể thấy một số người thay vì kính ngưỡng vị sư khổ hạnh Thích Minh Tuệ thì đã trở nên cuồng tín và u mê. Họ uống nước rửa tay của ông. Họ móc những cục đất chỗ ông từng ngồi, mang về kính cẩn vái lạy.

Một số người khác cương quyết cho rằng chỉ có dứt bỏ gia đình, lánh xa xã hội để độc tu khổ hạnh như sư Minh Tuệ mới có thể nhanh chóng đạt đến giải thoát khỏi khổ đau luân hồi, và như thế là cách tu tốt đẹp nhất, cách báo hiếu cha mẹ lớn lao nhất.

Tôi không đồng ý.

Bất kể ở tôn giáo nào, mỗi một vị tu sĩ chân chính đều tạo ra một trường năng lượng tốt, một sức ảnh hưởng và lan tỏa những điều chân-thiện đến mọi người xung quanh.

Nhưng giữa một người tu hành chỉ để nhằm giải thoát luân hồi cho chính mình, và những người tu hành khác tự nguyện dấn thân vào bể luân hồi ấy để làm điểm tựa cho những hoang mang, để xoa dịu vết thương của những người khó nghèo và bất hạnh, để sưởi ấm một linh hồn băng giá, để làm no một chiếc bụng trẻ thơ, để đôi vai của một người phụ nữ bớt đi gánh nặng gia đình chồng chất, để đem đến cho người cô đơn sự chia sẻ bạn bầu… trái tim tôi xin đặt dưới chân hàng ngàn vạn những vị thánh dấn thân ấy. Họ từ rất lâu đã và đang có mặt chung quanh ta, mà ta dường như đã quá quen nên không còn nhận ra.

Nguyễn Nhơn

Nguồn : RFA, 10/07/2024

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Nguyễn Nhơn
Read 341 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)