Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

08/08/2017

"Chủ nghĩa lý lịch"

Trương Nhân Tuấn

"Chủ nghĩa lý lịch" chưa bao giờ chấm dứt ở Việt Nam. Mặc dầu hiến pháp (điều 59 khoản 2) có đề cập đến việc "nhà nước tạo bình đẳng về cơ hội". Tuy nhiên, thực chất của việc "bình đẳng về cơ hội" ở đây chỉ hạn chế trong một vài lãnh vực về an sinh xã hội. Dầu vậy nó cũng không được áp dụng phổ cập trên thực tế.

VIETNAM-EDUCATION

Một kỳ thi tuyển sinh đại học quốc gia tại trường Đại học Bách Khoa học và Công nghệ Hà Nội ngày 01 tháng 7 năm 2015. AFP photo

Sau 75, "lý lịch" cá nhân phải xét tới ba đời.

Những người trẻ sinh lầm ở miền Nam ít có "cơ hội" được "tiến thân" như người ở miền Bắc. Trong một bản "sơ yếu lý lịch" luôn có các câu hỏi "ông bà, cha, mẹ trước 75 ở đâu, làm gì ?". Chỉ cần một người dính líu đến "ngụy", đến "tư sản", "phản động"... thì mọi cánh cửa tương lai đều đóng.

Các bản thống kê sau 75 cho thấy dân miền nam ít có bằng cấp hơn dân miền bắc. Dĩ nhiên việc này không hề do dân miền nam dốt, biếng học… Mà nguyên nhân là "lý lịch ba đời" của các bạn trẻ này đã khiến các bạn đứng ngoài cửa trường đại học.

Đến bây giờ vùng Đồng bằng sông Cửu long vẫn còn là "vùng trũng của giáo dục".

Đến nay (42 năm) đã qua 4 thế hệ đào tạo. Hệ quả của "lý lịch ba đời" cũng bớt dần. Không phải do nhà nước cộng sản Việt Nam bỏ chủ trương "lý lịch". Mà vì đời cha sinh sau 75. Đời ông nội thì hầu hết ở lứa tuổi đứng ngoài cuộc chiến (54-75). "Chủ nghĩa lý lịch" đã không còn hiệu quả để "lọc" những thành phần thuộc đối tượng chống cộng sản tiềm tàng.

Vì vậy mới xảy ra vụ "điểm cộng" khi thi vào đại học.

Báo chí vừa đăng, kỳ thi tuyển vào trường Y dược Sài gòn, có tới 93,5% sinh viên được tuyển vô nhờ được "điểm cộng". Chi có 26 sinh viên (trên tổng số 404) đậu vào mà không nhờ đến "điểm cộng".

Tất cả các nơi khác cũng đều gặp tình trạng tương tự. Nhiều em học sinh xuất sắc, đạt điểm "tối đa", hay "vượt chuẩn" để vào các trường, nhưng vẫn bị loại vì các em thua điểm bởi các sinh viên thuộc diện được "điểm cộng".

Thành phần nào thuộc diện được "điểm cộng" ? Tiêu chuẩn nào cũng không qua được tiêu chuẩn "hậu duệ", "tiền quyền"...

Thử nhìn các gương mặt "lãnh đạo" trẻ hôm nay. Hầu hết là "cha truyền con nối". Đồng chí cha kê ghế cho đồng chí con. Nguyễn Văn Chi kê ghế cho con là Nguyễn Xuân Anh (bí thư Đà Nẵng), Trần Đức Lương gởi gấm Trần Tuấn Anh (bộ trưởng bộ Công thương), Võ Văn Kiệt với "hạt mầm" Võ Văn Thưởng, Vũ Huy Hoàng bổ nhiệm con Vũ Quang Hải… Ta cũng không lạ gì những trường hợp cả nhà 8 người cùng làm quan trong tỉnh...

Với một "cơ chế" như vậy thì người có tài năng thực sự dĩ nhiên là đứng ngoài xã hội.

Với chính sách "lý lịch" như vậy làm sao xây dựng "Nhà nước kiến tạo" ?

Nhớ lại một chuyện xưa. Trường hợp thầy Phạm Biểu Tâm, khoa trưởng Y khoa đại học đường trước 1975, với cô Ngô Đình Lệ Thủy, con gái của ông cố vấn Ngô Đình Nhu, thời tổng thống Ngô Đình Diệm.

Cô Ngô Đình Lê Thủy không đủ điểm để vào đại học Y khoa. Thầy Tâm cương quyết không nhận cô Thủy vào học, mặc dầu có sự can thiệp từ Bộ giáo dục. Rốt cục cô Thủy không được nhận vào Đại học Y khoa và thầy Phạm Biểu Tâm vẫn tiếp tục làm Khoa trưởng cho tới khi Việt Nam Cộng Hòa sụp đổ.

Dĩ nhiên Việt Nam Cộng Hòa sụp đổ không vì tính thanh liêm trong giáo dục của thầy Phạm Biểu Tâm, hay vì chính sách "công bằng về cơ hội" của Việt Nam Cộng Hòa.

Chủ trương "công bằng về cơ hội" được áp dụng ở tất cả các nước văn minh trên thế giới.

Nói ra chuyện này, là ta không thể tiếp tục chấp nhận giao tương lai đất nước cho những con người kém khả năng.

Từ 75 đến nay, Việt Nam ngày càng đi xuống, đã đến hàng chót Đông nam Á. Đât nước không còn chỗ nào lành lặng, không chỗ nào không ô nhiễm. Con người thì kém cõi, ngoài bán sức lao động thì không còn có khả năng nào.

Đó là hệ quả của "chủ nghĩa lý lịch", của "qui trình", của đảng trị cha truyền con nối.

Trương Nhân Tuấn

Nguồn : fb.nhantuan.truong, 08/08/2017

Quay lại trang chủ
Read 863 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)