Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

15/07/2024

Ông Nguyễn Phú Trọng đang ở đâu ?

Phạm Trần

Khi bài này đến với độc giả thì Tổng bí thư Đảng cộng sản Việt Nam, Nguyễn Phú Trọng đã vắng mặt gần một tháng mà không có một lời giải thích nào của Đảng và Nhà nước Việt Nam.

Lần gần nhất mà công chúng Việt Nam nhìn thấy ông Trọng là khi ông tiếp Tổng thống Vladimir Vladimirovich Putin thăm Hà Nội ngày 20/06/2024. Sau đó ông đã vắng mặt tại các buổi họp quan trọng sau :

trong1

Lần gần nhất Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng xuất hiện trước công chúng là khi Tổng thống Putin đến thăm Hà Nội vào 20/6

- Sáng 4/7, Đảng ủy Công an Trung ương tổ chức Hội nghị 6 tháng đầu năm 2024 tại Hà Nội. Bộ trưởng Bộ công an Lương Tam Quang đã thông báo toàn văn nội dung phát biểu của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng gửi đến Hội nghị.

- Ngày 8/7, tại Hà Nội, Quân ủy Trung ương tổ chức Hội nghị lần thứ 10 nhằm thảo luận, đánh giá công tác quân sự, quốc phòng 6 tháng đầu năm, cũng như triển khai nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2024. Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, Bí thư Quân ủy Trung ương đã gửi Phát biểu chỉ đạo.

- Sáng 9/7, Bộ Chính trị, Ban Bí thư trung ương Đảng tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc quán triệt Quy định số 144-QĐ/TW ngày 9/5/2024 "về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới" và Chỉ thị số 35-CT/TW ngày 14/6/2024 của Bộ Chính trị "về đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng".

Về chuẩn bị cho Đại hội Đàng kỳ XIV vào tháng 01/2026, ông Trọng làm Trưởng ban hai Tiểu ban quan trọng nhất là Văn kiện Đảng và Nhân sự Đảng. Việc này cho thấy ông Trọng muốn kiểm soát đảng trước khi nghỉ hưu.

Nên biết, ông Nguyễn Phú Trọng (sinh ngày 14/4/1944) tại Hà Nội, Ngoài chức vụ Tổng bí thư Ban chấp hành trung ương Đảng cộng sản Việt Nam, ông còn kiêm nhiệm các chức vụ : Bí thư Quân ủy Trung ương ; Ủy viên Thường vụ Đảng ủy Công an Trung ương ; Trưởng ban Chỉ đạo trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ; Đại biểu quốc hội khóa XV nhiệm kì 2021 – 2026 thuộc Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội.

Vụ đột quỵ năm 2019

Ngược thời gian, ông Trọng đã bị "đột quỵ" trong chuyến thăm Kiên Giang năm 2019 và phải chữa khẩn tại Bệnh viện Chợ Rẫy, trước khi về Hà Nội diều trị tiếp.

Sau khi xuất viện, ông Trọng tiếp tục làm việc dưới kiểm soát chặt chẽ của các bác sĩ tim mạch, nhưng ông lại trở bệnh vào cuối năm 2023.

Ngày 12/1/2023, hãng tin Bloomberg ở Hà Nội dẫn lời hai quan chức (giấu tên) của Việt Nam nắm vững vấn đề về sức khỏe Tổng bí thư Đảng cộng sản Việt Nam cho biết ông Trọng, 79 tuổi, đã nhập viện "hồi đầu tuần này liên quan đến một loại bệnh chưa được xác định".

Bloomberg không có thông tin về mức độ nghiêm trọng của bệnh tình ông Trọng và cho biết Bộ Ngoại giao Việt Nam đã không ngay lập tức phản hồi yêu cầu bình luận của hãng tin này.

Bí mật quốc gia

Chuyện sức khỏe của Lãnh đạo Việt Nam phải giữ kín không phải là mới mà đã có từ thời Hồ Chí Minh. Sau này, chuyện bảo mật được quy định trong Luật Bảo vệ bí mật nhà nước 29/2018/QH 14, ngày 15/11/2018.

Điều 7 của Bộ luật này định nghĩa : Phạm vi bí mật nhà nước là giới hạn thông tin quan trọng trong các lĩnh vực sau đây chưa công khai, nếu bị lộ, bị mất có thể gây nguy hại đến lợi ích quốc gia, dân tộc. Theo đó mục 11 : "Thông tin về y tế, dân số" là bí mật nhà nước không được tiết lộ bao gồm "thông tin bảo vệ sức khỏe lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước" (khoảng a).

Vì vậy, báo chí của Đảng cộng sản Việt Nam không viết gì về tình hình sức khỏe của ông Trọng, theo lệnh của Ban Tuyên giáo trung ương.

Ông Nguyễn Phú Trọng, 80 tuổi, đã giữ chức Tổng bí thư từ năm 2011, và là người thứ ba sau Lê Duẩn và Hồ Chí Minh nắm giữ chức vụ Tổng bí thư lâu nhất (liên tục trong ba nhiệm kỳ).

Cũng đáng chú ý, trong khi ông Trọng vắng mặt thì hai ông Tô Lâm (Chủ tịch nước) và Phạm Minh Chính (Thủ tướng chính phủ) đã gia tăng các hoạt động thăm viếng trong và ngoài nước, và phát biểu trước quần chúng. Có vẻ như hai ông đang muốn chứng minh quyền lực và khả năng là người đủ diều kiện nhất để kế vị ông Trọng.

Ông Tô Lâm và các vụ án tham nhũng lớn

Ông Tô Lâm, 67 tuổi, sinh ngày 10/7/1957, quê quán tại làng Xuân Cầu, xã Nghĩa Trụ, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên.

Khi giữ chức Bộ trưởng Công an, tướng Tô Lâm được ghi nhận có công trong các vụ án lớn như :

- Vụ Trịnh Xuân Thanh , nguyên đảng viên Đảng cộng sản Việt Nam, nguyên Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Hậu Giang và Đại biểu quốc hội khóa XIV bị án chung thân. Năm 2016, Trịnh Xuân Thanh bị điều tra và kết luận có nhiều khuyết điểm, vi phạm nghiêm trọng trong thời gian công tác tại Tổng Công ty cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam.

- Vụ Đinh La Thăng , nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh bị khởi tố, xét xửkết án 30 năm tù do những sai phạm quản lý kinh tế khi giữ chức Chủ tịch Tập đoàn Dầu khí Việt Nam.

- Vụ Nguyễn Bắc Son và Trương Minh Tuấn, cả hai là nguyên Bộ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông lần lượt bị án tù chung thân và 14 năm tù về tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng và tội nhận hối lộ.

- Vụ Nguyễn Đức Chung, nguyên Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội bị bắt giữ, điều tra về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ chiếm đoạt tài liệu bí mật nhà nước và bị kết án 13 năm 6 tháng tù giam.

Năm 2022, ông Tô Lâm và bộ Công an đã tiến hành điều tra hai vụ bê bối lớn liên quan đến các chuyến bay giải cứu và công ty Việt Á, nhiều quan chức bị bắt giữ, điều tra và lãnh nhiều án (theo Tài liệu đảng).

Với thành tích này, liệu ông Tô Lâm có tiếp tục làm công tác "đốt lò" thành công hơn, hay ông đã thỏa mãn với chức "ngồi chơi xơi nước" ?

Còn ông Phạm Minh Chính thì sao ?

Ông Phạm Minh Chính, 66 tuổi, sinh ngày 10/12/1958 tại xóm Hoa Trường, xã Hoa Lộc, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa.

Ông mang cấp hàm Trung tướng Công an và từng là
Bí thư tỉnh Quảng Ninh năm 2011. Ông Chính cũng được nói đến là người có công trong chiến dịch chống Covid, và thân với Bắc Kinh.

Ông Phạm Minh Chính giữ chức Thủ tướng từ năm 2021, thay ông Nguyễn Xuân Phúc.

Ông Chính hiện nay là ứng viên có nhiều kinh nghiệm điều hành việc nước, và có nhiều khả năng để thay ông Nguyễn Phú Trọng làm Tổng bí thư.

Đây chỉ là giả thuyết vì hậu trường chính trị, nhất là nội bộ Đảng cộng sản Việt Nam hiện nay đang rất sôi động, nhiều bất ngờ có thể xảy ra trái với những tiên đoán chung.

Phạm Trần

(15/07/2024)

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Phạm Trần
Read 667 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)