Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

23/07/2024

Kết thúc thời đại Nguyễn Phú Trọng

Huỳnh Trần

Ngày 19/7/2024 các báo Nhà nước thông báo rằng ông Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã qua đời vào hồi13 giờ 38 phút, "sau một thời gian lâm bệnh", thọ 80 tuổi. Trước đó một ngày Bộ Chính Trị- Đảng Cộng Sản Việt Nam có hai thông báo liên tiếp, một là, ông ấy được Đảng quyết định trao tặng Huân chương Sao vàng và hai là, ông Tô Lâm, ủy viên Bộ Chính Trị, Chủ tịch nước, được Đảng "phân công" ‘‘chủ trì công việc của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính Trị, Ban Bí thư". Đây là sự kiện đỉnh điểm trong bối cảnh bất ổn chế độ đảng cộng sản toàn trị.

ketthuc1

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng vẫy tay tại họp báo kết thúc Đại hội 13 ở Hà Nội hôm 1/2/2021 - Nhac Nguyen / AFP

Bất ổn chính trị ở Việt Nam hiện nay đang ở giai đoạn căng thẳng "chưa từng có" từ khi Đảng cộng sản chủ trương Đổi mới. Năm 1986 Đại hội 6 của Đảng là mốc thời gian khởi đầu cho thời kỳ cải cách toàn diện, nhờ đó chế độ thoát sụp đổ và đất nước đã trỗi dậy và phát triển, tuy nhiên những mâu thuẫn cơ bản tiềm ẩn đã dần tích tụ mà không được giải quyết đã dẫn đến khủng hoảng. Từ góc nhìn thể chế và chính sách công bài viết trình bày xu hướng cải cách là không thể đảo ngược, mặc dù quyền lực và ý thức hệ níu kéo. Xác định tình hình bất ổn chế độ trong giai đoạn thoái trào có thể trì trệ kéo dài nếu không cải cách chính trị cần thiết và phù hợp với xu hướng, từ đó gợi ý các khả năng thay đổi chế độ. Các kịch bản được đưa ra tuỳ thuộc vào các yếu tố trong và ngoài nước.

Bài viết gồm các nội dung chủ yếu : (I) Bất ổn chế độ ; (II) Nghịch lý quyền lực ; (III) Những ‘bước lùi’ cải cách ; (IV) Tương lai chế độ.

------------------------------

I. Bất ổn chế độ : Chính trị, kinh tế và xã hội

Sự bất ổn chế độ hiện thời bao trùm toàn bộ đời sống xã hội, tách ra ba lĩnh vực có liên quan với nhau : chính trị, kinh tế và xã hội. Xác định chuyển đổi kinh tế thị trường là cơ sở để nhìn nhận những diễn biến chính trị và xã hội, nhưng cũng chú trọng sự tác động ngược của thể chế chính trị đến kinh tế và hiệu ứng lan toả trong xã hội. Làm rõ vai trò thể chế ngày càng quan trọng không chỉ đối với sự tồn vong của chế độ, quốc gia [1] mà còn đến tăng trưởng kinh tế và từ đó, đến việc thay đổi các chuẩn mực giá trị đạo đức xã hội, gia đình và hành vi cá nhân. Cách tiếp cận này giúp nhận ra sự duy ý chí trong cải cách thể chế khi tách rời chính trị với kinh tế, thậm chí sai lệch khi coi chính trị quyết định kinh tế, ngược với khẳng định của V. Lênin, "chính trị là biểu hiện của kinh tế tập trung" khi Đảng duy trì "Hai xu hướng : kinh tế thả lỏng chính trị nắm chặt" [2]. Hai xu hướng trái ngược này là nguồn gốc khủng hoảng chế độ hiện nay.

Nguyên lý chủ đạo của cách tiếp cận này cho rằng, quá trình chuyển đổi kinh tế dựa vào động lực thị trường để tăng trưởng trong quá trình hội nhập sâu rộng vào kinh tế khu vực và thế giới khi mà phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa đã được khẳng định và đang thịnh hành, là một hệ thống tiến hóa phức hợp đòi hỏi cải cách thể chế kinh tế và chính trị điều tiết những mục đích vốn đa dạng và không ngừng thay đổi của con người, trong đó, chẳng hạn như kiểm soát cách ứng xử khả dĩ cơ hội chủ nghĩa của họ, tránh hoặc giảm mâu thuẫn, đồng thời thúc đẩy sự phân công lao động và tri thức hợp lý, qua đó thúc đẩy thịnh vượng. Thực tế đã cho thấy sự mất kiểm soát của chế độ với phương thức toàn trị tập trung đối với các hành vi "quá thái vật chất" và tham nhũng [3], một trong những biểu hiện đặc trưng của các hành vi dẫn đến tình hình khủng hoảng nghiêm trọng trong cả ba lĩnh vực nêu trên.

Một là, bất ổn chính trị đang diễn ra trong nội bộ Đảng độc quyền dưới hình thức bất bạo động, nhưng nghiêm trọng về biến động nhân sự và suy thoái ý thức hệ ; cải cách hệ thống cầm quyền thiên về pháp trị thay vì pháp quyền ; hủy hoại xã hội dân sự ; khủng hoảng hệ tư tưởng, chủ nghĩa tư bản thắng thế, chủ nghĩa xã hội lung lay ; tha hóa quyền lực, chống tham nhũng và thanh trừng phe phái ; hệ quả là bộ máy hành chính cồng kềnh, chồng chéo và trì trệ, đạo đức công vụ và cá nhân công chức, năng lực lãnh đạo, quản lý suy thoái, tổ chức và nhân sự rệu rã. Biểu hiện đặc trưng : tham nhũng hủy hoại chế độ, Đảng, đến đỉnh điểm khi chỉ trong hơn một năm từ đầu năm 2023 sáu Ủy viên Bộ Chính trị gồm ba ‘tứ trụ’ của Đảng phải từ chức.

Sự bất ổn chế độ hay chính trị diễn ra xoay quanh vấn đề giành hay giữ chính quyền ; duy trì và sử dụng quyền lực Đảng, Nhà nước và sự tham gia chính trị của người dân. Chế độ chính trị ở Việt Nam là chế độ Đảng cộng sản toàn trị, và trong thời kỳ Đổi mới nó có đặc trưng nổi bật là tính chính danh của nó tuỳ thuộc vào tăng trưởng kinh tế đi đôi với cải cách chính trị. Và, sự bất ổn chế độ là do mất cân xứng trong cải cách thể chế chính trị và kinh tế, cộng hưởng mâu thuẫn căng thẳng và bùng phát đến đỉnh điểm, khủng hoảng ở chính trị thượng tầng và, ở hạ tầng sự suy giảm kinh tế và rối loạn xã hội

Hai là, bất ổn kinh tế do thiếu các thể chế nền tảng thị trưởng là biểu hiện rõ rệt như hậu quả của bất ổn chính trị. Tăng trưởng khó khăn, suy giảm và trồi sụt kéo dài ; cơ cấu kinh tế mất cân đối giữa ngành nghề và lĩnh vực, duy ý chí vai trò chủ đạo thành phần kinh tế nhà nước ; tiến hành do dự, nửa vời xã hội hóa, tự chủ các đơn vị sự nghiệp công lập ; các động lực tăng trưởng bị hủy hoại ; xây dựng các trụ cột thị trường và nguyên tắc vận hành, môi trường kinh doanh chậm cải thiện. Biểu hiện đặc trưng : tỷ lệ tăng GDP giảm khoảng 1% sau mỗi thập kỷ kể từ sau Đổi mới, đầu những năm 1990s, hiện nay trồi sụt giảm nhanh hơn do động lực bị hủy hoại.

Ba là, bất ổn xã hội do các giá trị, chuẩn mực đạo đức thay đổi mạnh mẽ đang chi phối hành vi theo chuyển đổi thị trường. Nhưng "thượng bất chính, hạ tắc loạn" ứng với các chế độ tập quyền, trong đó có tập quyền cộng sản trong quá trình chuyển đổi thị trường. Niềm tin vào chế độ sụt giảm ; xã hội rối loạn khi các hiện tượng tiêu cực tràn lan ; người người, nhà nhà, người dân và quan chức, cá nhân và doanh nghiệp, sự nghiệp công và tư, tổ chức nghề nghiệp và tôn giáo… đua nhau làm giàu, trục lợi ‘bằng mọi thủ đoạn’ từ ưu thế của mình ; chủ nghĩa cá nhân lên ngôi, chủ nghĩa tập thể rạn nứt ; chuẩn mực văn hóa, đạo đức xã hội thay đổi. Biểu hiện đặc trưng : hành vi ‘quá thái vật chất’ bùng nổ, phổ biến là trục lợi, kể cả lừa đảo, buôn bán ma tuý, buôn người.

Sự bất ổn chế độ toàn diện nêu trên có nguyên nhân mang tính bản chất là việc nắm quyền lực Đảng - Nhà nước không thực sự chính danh bởi ba yếu tố, mà chỉ một trong ba điều bị vi phạm thì nguy cơ gây ra những bất ổn và mâu thuẫn nội tại luôn hiện hữu, thậm chí là tự thân sụp đổ như đã từng xảy ra, như đã biết, đối với các nước xã hội chủ nghĩa theo mô hình Liên Xô trước năm 1991.

Ba yếu tố đó là, trước hết, cương lĩnh của Đảng đặt trên Hiến pháp, bởi vậy chính sách và hành động trước tiên vì lợi ích của Đảng. Hai là, không được nhân dân bầu chọn chính thống, tự do mà hiện tại vẫn được xác định thông qua cơ chế "đảng cử, dân bầu". Ba là, các quốc gia trên thế giới công nhận hợp pháp thực chất hay không tùy thuộc vào quá trình hội nhập đầy đủ về kinh tế và chính trị. Chẳng hạn, trong quan hệ quốc tế phức tạp các quốc gia có chế dân chủ công nhận sự khác biệt về thể chế chính trị với chế độ đảng toàn trị Việt Nam, nhưng vẫn cảnh báo về vi phạm nhân quyền và tự do. Ngoài ra, về thể chế kinh tế, mặc dù Chính phủ Việt Nam đề nghị Hoa Kỳ công nhận là nền kinh tế thị trường nhưng đến nay Mỹ vẫn đang xem xét căn cứ vào sáu tiêu chí đã định trước [4].

Trong ‘nguy có cơ’, cách tiếp cận lạc quan rằng cải cách sẽ vẫn tiếp tục vì tính chính danh chế độ. Một số nhà quan sát nước ngoài cho rằng mặc dù ở Việt Nam có bất ổn chế độ, nhưng "sự chắc chắn về mặt chính trị" ở đây vẫn có thể hy vọng. Ryuichi Ushiyama, giáo sư tại Đại học Keiai của Nhật Bản, cho biết : "Ngay cả khi có một số xung đột chính trị, hệ thống chính quyền cộng sản khó có thể thay đổi" [5].

Việc ‘ra đi’ của loạt quan chức cao nhất của Đảng trong một thời gian ngắn được thúc đẩy bởi thời gian không còn nhiều đến Đại hội 14 của Đảng dự kiến tổ chức vào 2026. Hơn thế, Bộ Chính trị đã tổn thương, nhưng đã nhanh chóng được bổ sung, dù còn rất chắp vá…

II. Nghịch lý quyền lực : Tập quyền vs Thị trường, Đảng vs Chính phủ

Biểu hiện rõ rệt nhất của bất ổn chính trị là khủng hoảng nhân sự Đảng liên quan đến tham nhũng và thanh trừng phe phái. Đây chỉ là ‘trích đoạn’ của câu chuyện dài về tha hóa quyền lực qua các nhiệm kỳ đại hội Đảng trong quá trình chuyển đổi thị trường và, thời kỳ dài cầm quyền của cố Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng là điểm nhấn. Thị trường là không thể đảo ngược nhưng di sản ‘dở dang’ của ông về việc thâu tóm quyền lực để chống tham nhũng sẽ thế nào khi nghịch lý quyền lực vẫn căng thẳng ?

ketthuc2

Tứ trụ của Đảng cộng sản Việt Nam (từ trái qua phải) : Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch Võ Văn Thưởng dự kỳ họp Quốc hội ở Hà Nội hôm 15/1/2024 - Nhac Nguyen / AFP

Thời Đổi mới làm phong phú thêm cách tiếp cận với quyền lực. Cách mà cố Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng giành được quyền lực là một quá trình diễn biến ‘thầm lặng’ trong bối cảnh cải cách toàn diện đất nước, trong đó chuyển đổi sang kinh tế thị trường là một đặc trưng nổi bật. Trong quá trình này, sự thống nhất trong Đảng như trong thời kỳ chiến tranh đã nhanh chóng bị sói mòn theo xu hướng chia tách giữa Đảng và Chính phủ, trong đó quyền lực Đảng ‘yếu đi’ và quyền lực Chính phủ ‘mạnh lên’. Về nguyên lý, đó là sự phân công lao động quản lý theo chức năng. Kinh tế tập trung cần có chế độ tập quyền nhưng kinh tế thị trường cần thiết một chế độ tản quyền thích ứng. Tất cả được thể hiện trong quyền lực của mỗi đời người đứng đầu cao nhất của chế độ đảng toàn trị, trong đó nguyên tắc tập thể lãnh đạo chi phối.

Tính từ khi Đổi mới năm 1986 Đảng đã trải qua các thời kỳ lãnh đạo của các đời tổng bí thư : Nguyễn Văn Linh (1986-1991), Đỗ Mười (1991-1997), Lê Khả Phiêu (1997-2001) ; Nông Đức Mạnh (hai nhiệm kỳ 2001-2006 và -2011) ; Nguyễn Phú Trọng (2011-19/7/2024).

Để dễ theo dõi những trình bày bên dưới xin nêu ở đây các đời thủ tướng tương ứng trong thời kỳ này : Phạm Hùng (1987-1988), Đỗ Mười (1988-1992), Võ Văn Kiệt (1992-1997), Phan Văn Khải (gần hai nhiệm kỳ : 1997-2002 và – 6/2006), Nguyễn Tấn Dũng (2006-2011 và -2016), Nguyễn Xuân Phúc (2016-2021) và Phạm Minh Chính (2021 – nay).

Những năm liền sau Đổi mới thật khó khăn để vừa giữ chế độ vừa ‘dò đá qua sông’ để xóa bỏ bao cấp, kế hoạch hóa tập trung đồng thời chuyển đổi thị trường, trong đó hai ông Nguyễn Văn Linh và Đỗ Mười đã là đại diện tiêu biểu. Trong khi ông Võ Văn Kiệt được ngợi ca là Thủ tướng của Đổi mới, dám nghĩ dám làm, vì dân vì nước. Lãnh đạo tập quyền, Đảng không muốn nhấn mạnh sự ‘vượt trội’ đi quá xa.

Đến thời ông Tổng bí thư Lê Khả Phiêu đã thấy bộc lộ dấu hiệu bất ổn vì tham nhũng. Thực hiện chiến dịch chống tham nhũng và xây dựng chỉnh đốn Đảng, ông ấy nêu những luận điểm ‘công phá’ [6]. Trong Hội nghị Trung ương 6 lần 2 (Khóa 8), ông Lê Khả Phiêu đã phân tích thực trạng của Đảng : "Sau gần ba năm kể từ Đại hội Đảng lần thứ 8 năm 1996 đến nay, chúng ta đã phải thi hành kỷ luật 60.000 đảng viên, trong đó, khai trừ 11.000, có 1.108 người bị xử tù… Nếu Đảng không thấy được những yếu kém ấy, không tập trung, không kiên quyết khắc phục và ngăn ngừa có hiệu quả, thì rất có thể Đảng sẽ ngày càng tự biến chất, xa rời bản chất cách mạng của Đảng". Nếu không "khắc phục được", "nhất là về tư tưởng chính trị, về đạo đức, lối sống cũng như về nguyên tắc tập trung dân chủ trong Đảng, nó sẽ đưa đến nguy cơ tự hủy mình hay không ?" [7].

Tuy nhiên, do ảnh hưởng từ điểm xuất phát là vị tướng quân đội, cố Tổng bí thư Lê Khả Phiêu đã ‘quá cứng rắn’ trong cải cách. Và khi ông mắc phải một số sai lầm như hỗ trợ và cất nhắc những người ‘đồng hương’ và ‘đồng đội’ thân cận vào những vị trí quan trọng [8], ‘chần chừ’ cải tổ doanh nghiệp nhà nước hay, bãi bỏ ‘chế độ cố vấn’ ‘đụng chạm’ các lãnh đạo tiền nhiệm. Và, khi xảy ra bất ổn ở Tây Nguyên vào năm 2001, đúng dịp Đại hội đảng 9, ông đã không được Đảng bầu để tiếp tục ở nhiệm kỳ sau. Nguyên tắc tập thể đã ngăn ông ấy sử dụng ‘quá thái’. Nó cũng xác định người được lựa chọn tiếp theo là ông Nông Đức Mạnh, nguyên chủ tịch quốc hội hai khóa 9 và 10, từ 1992-2001. Trong dân gian dí dỏm gọi là ông "trí nông, đức mạnh", xuất hiện như một ứng viên "thỏa hiệp" và các vị lão thành đảng cho rằng họ có thể kiểm soát được ông ấy. Thực tế ông ấy là hiện thân cân bằng quyền lực giữa cái gọi là hai phe ‘chuyên trách đảng’ và ‘chính phủ kỹ trị’. Với ‘thành tích’ chống tham nhũng mờ nhạt, ông Tổng bí thư Nông Đức Mạnh đã tại vị đầy đủ hai nhiệm kỳ 10 năm trong khi phái chính phủ mạnh lên có xu hướng ‘lấn át’ quyền lực đảng cùng với những biểu hiện ‘quá thái’ vật chất và số đông tham nhũng chính trị. Cố Thủ tướng Phan Văn Khải được cho là ‘hiền lành’ và biết lắng nghe cố vấn nhưng đã ‘từ nhiệm’ không rõ lý do trước một năm khi nhiệm kỳ kết thúc.

Thay thế ông Khải là Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khi đó 49 tuổi, được coi là ‘trẻ’ dưới con mắt của các lãnh đạo lão thành. Họ ủng hộ ông ấy vì quá trình rèn luyện cách mạng, quân đội, công an, hơn thế, từng trải qua thực tế ở nhiều vị trí lãnh đạo kinh tế. Khi làm thủ tướng phát ngôn từ "quyết liệt" ở nhiều diễn đàn, nhiều nơi vừa thể hiện phong cách lãnh đạo vừa phản ánh cách điều hành. Tăng trưởng nhanh nóng vội dựa vào các tập đoàn kinh tế nhà nước, kiểu các ‘chaebol’ Hàn Quốc, nhưng sở hữu nhà nước là sai lầm chính sách, dẫn đến bất ổn kinh tế, cả mức tăng suy giảm và cơ cấu lệch lạc. Nạn tham nhũng trầm trọng, mang tính hệ thống trong đó đa số quan chức ‘hưởng lợi’ đã giúp ông Dũng vẫn tại vị đủ hai nhiệm kỳ, trong đó có một nhiệm kỳ dưới thời Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng (2011-2016).

ketthuc3

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại Quốc hội ở Hà Nội hôm 20/10/2022. Hình : Nhac Nguyen / AFP

Bởi vậy, ông Nguyễn Phú Trọng bước vào nhiệm kỳ thứ hai (2016-2021) như ‘một nhà quản trị khủng hoảng’. Mặc dù cách ông ấy được Đảng chọn làm tổng bí thư với tiêu chuẩn tương tự như người tiền nhiệm nhưng ông Trọng quyết định sứ mệnh "cứu Đảng". Với nền tảng lý luận về chủ nghĩa Mác – Lênin, kiên định chủ nghĩa xã hội, ông ấy nhận thấy sự suy thoái ý thức hệ của đảng, tình trạng hối lộ tràn lan, tham nhũng ở khắp hệ thống quan chức, đặc biệt ở bộ máy hành pháp, chính phủ và sự trỗi dậy của các "lãnh địa" cá nhân của các nhà lãnh đạo với các công ty nhà nước và tư nhân. Hiện tượng cái gọi là "nhóm lợi ích" và "sân sau" trở nên phổ biến. Cách làm là đồng thời với việc thâu tóm quyền lực đảng, ông ấy phát động chiến dịch "đốt lò", coi ‘chính phủ’ là nguồn cơn, trong bối cảnh vẫn phải thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhờ những động lực thị trường để đảm bảo tính chính danh cho Đảng. Đây là một hình thức nghịch lý quyền lực đòi hỏi nhận thức và hành động ‘đột phá’, thậm chí cải cách mang tính cách mạng như cuộc Đổi mới lần 2. Nhưng nó đã không xảy ra dưới thời ông cầm quyền.

Việc tập trung quyền lực đến tột đỉnh thường tạo ra vấn đề ‘tâm lý’ của kẻ độc tài. Theo Dacher Keltner, "nghịch lý quyền lực" (the power paradox) là biểu hiện của mối quan hệ nghịch đảo giữa lượng quyền lực mà một lãnh đạo cứng rắn tích lũy được và cảm giác an toàn của ông ta : càng có nhiều quyền lực, ông ta lại càng cảm thấy ít an toàn. Trong các chế độ toàn trị, các nhà chuyên chế không có sự bảo vệ của thể chế, sự kế vị là thách thức nguy cơ ‘tiếm quyền’. Ngoài ra, căn bệnh hoang tưởng cũng dễ xảy ra. Trong hơn một năm cuối đời của cố Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, sự thanh trừng nhân sự ở Bộ Chính trị là chưa từng có, trong đó có những ủy viên do chính ông ấy ‘giới thiệu’.

Mặc dù đã là "trường hợp đặc biệt" khi vượt qua giới hạn tuổi và nhiệm kỳ theo quy định trong Điều lệ Đảng để tiếp tục nhiệm kỳ thứ ba, nhưng tuổi tác và bệnh tật đã cản trở ông Nguyễn Phú Trọng hoàn thành sứ mệnh "cứu Đảng". Dường như đã lường trước xu hướng "tự diễn biến, tự chuyển hóa" trong Đảng đồng thời với ngăn chặn "từ sớm, từ xa" thế lực thù địch, phản động, dưới sự lãnh đạo của ông Đảng đã tăng cường an ninh chế độ [9]. Hậu quả là hệ thống công an trị ‘leo cao’ lên thượng tầng và lan rộng đến từng thôn, xóm để kiểm soát nghiêm ngặt nội bộ cũng như toàn bộ xã hội. Các nhà quan sát đang dõi theo những sự kiện tiếp theo, trước mắt ai sẽ thay thế cố tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và lâu dài là tương lai chế độ sẽ ra sao ?

III. Những "bước lùi" cải cách : Thị trường tiến, Đảng lùi

Đảng đã xác định tầm quan trọng của cải cách thể chế như là một đột phá chiến lược. Nhưng trong quá trình tiến hành Đổi mới Đảng nhận thấy nhiều khó khăn lớn dần thành những thách thức, thậm chí là nguy cơ tồn vong chế độ.

ketthuc4

Một người bán hàng rong đi qua trên phố Hà Nội qua cờ Việt Nam và cờ Đảng hôm 22/5/2024 - Nhac Nguyen / AFP

Đổi mới là một chương trình cải cách toàn diện, đặc biệt là trong lĩnh vực kinh tế, chính trị và nhiều khía cạnh khác của đời sống xã hội được thực hiện tại Việt Nam từ cuối thập niên 1980. Chính sách Đổi mới được chính thức thi hành từ Đại hội Đảng cộng sản Việt Nam lần thứ VI, đứng đầu là Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh, vào tháng 12 năm 1986 [10]. Nó tương đối phổ biến vì tính ‘toàn diện’, trong đó có đề cập cải cách chính trị. Và, hơn thế, chủ trương Đổi mới ‘toát lên’ cách tiếp cận ‘mới’ rằng chính trị là nền tảng của tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện mặc dù có cải cách trên nhiều phương diện, trong nhiều lĩnh vực của nền kinh tế, nhấn mạnh đổi mới kinh tế, nhưng Việt Nam ‘khăng khăng’ giữ nguyên chế độ chính trị Đảng cộng sản tập quyền.

Nhiều nhận định rằng Việt Nam đã thực hiện Đổi mới với các cải cách trên nhiều phương diện như về thúc đẩy vai trò của cơ quan lập pháp, cải cách thủ tục hành chính, cải cách tư pháp xích lại gần hơn với thông lệ quốc tế trong quá trình hội nhập, nhưng cải thiện môi trường kinh doanh là nỗ lực được ghi nhận. Theo Báo cáo môi trường kinh doanh 2018 [11] của World Bank, trong giai đoạn 2002-2017, Việt Nam là nước có nhiều cải cách nhất thế giới (39 cải cách). Chẳng hạn, những bộ luật ban đầu như Luật doanh nghiệp (1995), Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam (1996), Bộ luật Lao động (1994)… là dấu ấn bước ngoặt chuyển đổi thị trường… Nhưng Báo cáo trên đồng thời cũng đưa ra một số cảnh báo như năng lực lãnh đạo, quản lý của công chức "chưa có sự chuyên nghiệp cao", đặc biệt là tình trạng tham nhũng "rất nghiêm trọng". Tuy nhiên, mặc dù có những cảnh báo nhưng những ‘bước lùi’ cải cách cứ trượt theo quán tính để tích tụ thành bất ổn chính trị như đang chứng kiến hiện nay. Dưới đây xin nêu một số ‘bước lùi’ điển hình.

Một là, về cải cách chính trị. Cải cách chính trị, được coi là "cuộc cách mạng thầm lặng" hay "ẩn giấu" vì chúng ‘nhạy cảm’, không được công khai, tuyên truyền một chiều. Chẳng hạn, trước Đổi mới, những quan điểm, chính sách như kế hoạch hóa tập trung, bao cấp, bóc lột lao động, đấu tranh giai cấp, khu vực tư nhân, đầu tư tư bản, quan hệ với phương Tây, bộ máy hành chính quan liêu… đã làm khổ người dân và làm nghèo đất nước, nhưng đều không bàn luận, coi đó là vấn đề nội bộ Đảng, thập chí "bí mật" hay chỉ giới hạn hẹp thượng tầng và thường được diễn giải sai lệch và biện minh.

Chẳng hạn, Đảng ‘âm thầm’ chấp nhận bốn cải cách chính trị quan trọng, có nguồn gốc từ mô hìnhTrung Quốc [12] :

1. Đưa ra nguyên tắc lãnh đạo tập thể thay cho chế độ cai trị cá nhân độc đoán ;

2. Bỏ việc sùng bái cá nhân và thay thế nó bằng kiểu văn hóa dân tộc và chủ nghĩa thực dụng như "tìm kiếm sự thật từ sự thật" ;

3. Giới hạn không quá hai nhiệm kỳ năm (05) năm ;

4. Giới hạn độ tuổi với từng cấp cao lãnh đạo. Tuy nhiên, chúng ‘âm thầm’ ở chỗ chúng quy tắc nội bộ của Đảng, không thành luật, không công khai với người dân, nên việc áp dụng ‘linh hoạt’ đến mức có thể lợi dụng tuỳ thuộc vào tình huống ‘khẩn cấp’ và cán cân quyền lực. Nhiều sự vận dụng, đặc biệt trong những tình huống điển hình như "trường hợp đặc biệt" trước ‘sóng gió’ bất ổn nhân sự tại Đại hội Đảng lần thứ 12 (2016) và 13 (2021) cho thấy bằng "sự khôn ngoan chính trị" như "Nghệ thuật duy trì quyền lực Đảng" [13] để bảo vệ chế độ thế nào !

Hai là, về cải cách hành chính. Sự trì trệ bộ máy hành chính kéo dài ảnh hưởng xấu đến tăng trưởng và điều hành trong bối cảnh chống tham nhũng là đặc điểm nổi bật. Mới đây, ông Thủ tướng,Trưởng Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính của Chính phủ đã phải chỉ rõ "những tồn tại, hạn chế trong công tác cải cách hành chính", kêu gọi "tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, điểm nghẽn về pháp lý, kịp thời rà soát, hoàn thiện quy định pháp luật, cơ chế, chính sách…". Ông ấy kết luận cần "5 đẩy mạnh, gồm : "đẩy mạnh rà soát các quy định, tháo gỡ khó khó khăn, vướng mắc, điểm nghẽn về thể chế, cơ chế, chính sách… ; đẩy mạnh đối thoại, chia sẻ, xử lý vướng mắc, bất cập cho người dân và doanh nghiệp… ; đẩy mạnh cải cách chế độ công vụ, tăng cường kỷ luật, kỷ cương, phòng chống, đẩy lùi tham nhũng, tiêu cực ; đẩy mạnh chuyển đổi số, xây dựng Chính phủ số, xã hội số, công dân số…" [14].

Ba là, về luật pháp hóa hoạt động ‘thị trường’, ở đây lấy Luật Đất đai làm điển hình. Nó được xác định có tầm quan trọng đặc biệt đối với kinh tế khi lĩnh vực bất động sản là một trụ cột của tăng trưởng. Luật này được sửa đổi nhiều lần từ khi văn bản đầu tiên được công bố vào năm 1987. Tất cả các lần chỉnh sửa đều nhằm mục đích đáp ứng ‘tốt hơn’ các yêu cầu từ thực tế thị trường và người dân. Tuy nhiên, do ‘vướng’ về cơ chế "đất đai thuộc sở hữu toàn dân do nhà nước quản lý’ được Hiến định, bởi vậy quá trình chỉnh sửa là thêm một bước "Sửa Luật Đất đai : Thị trường tiến, Đảng cộng sản lùi" [15]. Luật Đất đai 2023 là văn bản được chỉnh sửa gần đây nhất, được thông qua bởi Quốc hội khóa 15. Trước bối cảnh khủng hoảng bất động sản Đảng đã chỉ đạo Quốc hội rút ngắn thời hạn có hiệu lực của Luật, cùng với Luật kinh doanh bất động sản và Luật Nhà ở, Luật Đất đai 2023 sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1/8/2024.

Bốn là, về "an ninh chế độ". Đây là chủ trương, chính sách lớn và quan trọng của Đảng cộng sản nhằm ngăn chặn nguy cơ tồn vong của chế độ [16]. Sự chuyển đổi nền kinh sang cơ chế thị trường đặt những thách thức ngày càng lớn đối với thể chế chính trị tập quyền bởi Đảng. Tuy nhiên, bất ổn chính trị nghiêm trọng vẫn đã đến và, thay vì ngăn chặn Đảng đang phải đối phó. Tăng cường an ninh chế độ Đảng đã trấn áp ‘từ sớm, từ xa’ xã hội dân sự, giới hoạt động vì dân chủ, tự do tôn giáo, môi trường, giới luật sư và bất đồng chính kiến. Ngoài ra, Đảng cũng mạnh tay xử lý sự bành trướng của tư bản, hình sự hóa mối quan hệ kinh tế của một số doanh nghiệp tư nhân điển hình… Hiệu ứng tiêu cực đối với tăng trưởng là rõ ràng, các nhà đầu tư lo ngại, doanh nghiệp nước ngoài di chuyển tư bản còn doanh nghiệp trong nước ‘chết lâm sàng’. Thị trường không thể phát triển trong bối cảnh như vậy !

Tóm lại, có nhiều nguyên nhân để lý giải cho những ‘bước lùi cải cách’ nhưng suy cho cùng là sự tích tụ mâu thuẫn giữa thượng tầng kiến trúc chính trị - Đảng cộng sản và hạ tầng cơ sở kinh tế - Thị trường và, sau đó là giữa hai hệ tư tưởng đối nghịch. Ngoài ra, nên chăng cần loại trừ sự biện minh hay sự ‘mập mờ’ về các khái niệm chuyên môn để làm sai lệch cải cách, chẳng hạn các khái niệm "pháp quyền" và "pháp trị" khi viện dẫn từ gốc tiếng Anh là "the rule of law" và "the rule by law". Làm luật mà đặt lợi ích của Đảng trên lợi ích dân tộc, nhân dân khi những đối tượng thuộc Đảng cộng sản có thể đứng trên, đứng ngoài luật pháp nhà nước. Pháp quyền phải được tôn trọng khi mọi công dân và thể chế trong một quốc gia, nhà nước, hoặc cộng đồng đều phải chịu trách nhiệm trước pháp luật như nhau, bao gồm cả các nhà lập pháp và các nhà lãnh đạo. Đó là "cơ chế, quy trình, thể chế, thông lệ hoặc quy phạm ủng hộ sự bình đẳng của mọi công dân trước pháp luật, đảm bảo một hình thức chính phủ không toàn quyền quyết định và nói chung là ngăn chặn việc sử dụng quyền lực một cách tùy tiện " [17] Tuy nhiên, trong mô hình Đảng – Nhà nước nhiều lãnh đạo đảng, đặc biệt ở cấp cao nhất như ở Bộ Chính trị, họ vẫn được "hạ cánh an toàn" chẳng hạn theo Quyết định 41-QĐ/TW của Đảng [18].

Những ‘bước lùi’ cải cách đã gây ra bất ổn chế độ và, hơn thế, cải cách ‘nửa vời’ sẽ khiến bất ổn kéo dài…

IV. Tương lai chế độ thế nào

Thời kỳ cầm quyền của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã kết thúc. Dấu ấn và di sản của ông tiếp tục được nhìn nhận đa chiều, trong đó có ý kiến cho rằng ông để lại hai di sản dở dang là bảo vệ tư tưởng đảng và chống tham nhũng [19]. Không đề xuất được người kế vị, ông tân Chủ tịch nước Tô Lâm, nguyên Bộ trưởng Công an, thay ông điều hành Đảng. Trong bối cảnh khủng hoảng nhân sự, cải cách ‘thụt lùi’ và tăng trưởng khó khăn tương lai chế độ thế nào là câu hỏi lớn được đông đảo quan tâm ?

ketthuc5

Các tấm biển quảng cáo cho Đảng cộng sản Việt Nam ở đường phố Hà Nội hôm 23/1/2019 – Reuters /Kham

Việt Nam có chế độ chính trị tương đồng với Trung Quốc - Đảng cộng sản toàn trị. Hơn thế, do cùng chung hệ tư tưởng Mác – Lênin nên sự tương đồng được nhận thấy trong nhiều chính sách của hai đảng, đặc biệt là quan niệm về chủ nghĩa xã hội, chống tham nhũng và tập trung quyền lực trong thời kỳ cầm quyền của cố Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng (2011-2024) và ông Tổng bí thư Tập Cận Bình (2012- nay). Cả hai nhà lãnh đạo xuất hiện trên chính trường đều với tư cách những người "cứu Đảng" với chính sách an ninh quốc gia, trong đó nhấn mạnh an ninh chế độ, an ninh ý thức hệ. Ngoài ra, cả hai Đảng đã coi cùng xây dựng "cộng đồng chia sẻ tương lai" là có ý nghĩa chiến lược", dấu mốc lịch sử trọng đại [20]. Đặc điểm này ảnh hưởng quan trọng đến những suy đoán về tương lai của chế độ đảng trị.

Trước hết, từ khi lên nắm quyền lãnh đạo tối cao, ông Tập Cận Bình thực hành hàng loạt các chính sách đối nội siết chặt kiểm soát xã hội và đối ngoại kiểu "chiến lang" khiến phương Tây lo ngại. Các nhà quan sát cho rằng Trung Quốc trỗi dậy hung hăng, ông Tập đang quản lý đất nước theo kiểu thời Mao và tư tưởng thực dụng khởi xướng bởi Đặng Tiểu Bình đã chấm dứt… Trong bối cảnh mô hình Trung Quốc "thoái trào" [21] tương lai thay đổi chế độ đã được suy đoán, trong đó có ba các kịch bản thu hút được sự chú ý, và có thể tham khảo cho trường hợp Việt Nam. Đây là ba phương án được đưa ra dựa trên sự tổng hợp các luồng ý kiến của nhiều học giả, nhà nghiên cứu, nhà quan sát phương Tây [22] : Thứ nhất là Dân chủ hóa ; thứ hai là Nội loạn kéo dài ; và thứ ba là Chính thể độc tài mới.

Kịch bản thứ nhất cho rằng mô hình đảng cộng sản toàn trị thời cải cách và mở cửa là ‘biệt lệ’ và sớm muộn gì sẽ trở về con đường phát triển tất yếu đến chế độ dân chủ. Nghĩa là một hình thức chế độ chính trị được đảm bảo bởi thể chế tam quyền phân lập, pháp quyền, quyền con người, trong đó tự do báo chí, tự do hội đoàn. Trong quá trình phát triển kinh tế những yếu tố này, tuy mạnh yếu, ít nhiều khác nhau, nhưng tiềm ẩn trong xã hội và sẽ bùng phát dẫn đến thay đổi. Tuy nhiên, nó chỉ diễn ra từ trên xuống (top-down) [23] và, việc thâu tóm, tập trung quyền lực đảng có thể trở thành chướng ngại vật cho tiến trình dân chủ hóa đất nước.

Kịch bản thứ hai lo ngại về bạo lực và hỗn loạn kéo dài khi chuyển tiếp chế độ khi những thách thức vượt tầm kiểm soát của đảng như kinh tế suy thoái do quá thái vật chất, khủng hoảng cơ cấu, suy giảm động lực, đời sống khó khăn, khoảng cách giàu nghèo nới rộng, ô nhiễm môi trường, già hóa nhân khẩu học... Ngoài ra, nạn tham nhũng trầm kha, mang tính hệ thống đang hủy hoại chế độ. Tuy nhiên, chống tham nhũng nhưng lại lợi dụng loại bỏ các đối thủ chính trị để củng cố quyền lực tuyệt đối, tập trung đối đầu với phương Tây thay vì cải cách chính trị để thích nghi với bối cảnh quốc tế đang phân mảnh, phân cực. Theo đó, Đảng thúc đẩy an ninh quốc gia, an ninh chế độ, chủ nghĩa dân tộc…

Kịch bản thứ ba đề xuất Đảng cộng sản có thể chấp nhận một chính thể pháp quyền tham vấn (consultative rule of law), chấp nhận tư pháp độc lập, chấp nhận đa nguyên nhưng không có bầu cử cạnh tranh. Có thể lãnh đạo chóp bu sẽ học hỏi mô hình của Singapore – bán dân chủ, nửa độc tài. Cố thủ tướng Lý Quang Diệu, người sáng lập ra Singapore hiện đại, từng giải thích rằng dân chủ là rào cản cho sự phát triển, vì thế, chế độ độc tài là cần thiết cho sự thịnh vượng quốc gia. Tuy nhiên, sự khác biệt giữa hai quốc gia là quá lớn, chẳng hạn Singapore được quản lý với quy mô chỉ như là một thành phố. Hơn thế, sự khác biệt về ý thức hệ sẽ là yếu tố quan trọng xác định mô hình thể chế độc tài kiểu này hay khác.

Việc phân tích tương lai là thách thức. Nhà biên kịch vĩ đại William Shakespeare (1564 – 1616) đã coi dự đoán là việc liều lĩnh, và việc đó được ông ví như một kẻ ngu ngốc kể chuyện. Thật khó khẳng định chắc chắn kịch bản nào ứng với chế độ trong tương lai chế độ. Tuy nhiên, xuất phát từ thực tế những gì đang diễn ra và quá trình vận hành chế độ như đã nêu trong các phần trước có thể ‘liều lĩnh’ đề xuất cách tiếp cận riêng.

Trước hết, tránh rơi vào kịch bản thứ hai là điều mong đợi hơn là có sự thay đổi ‘đột biến’. Một giai đoạn ‘chờ thời’ hiện hữu trong bối cảnh hỗn độn về nhân sự. Tiếp tục di sản của cố Tổng bí thư (bảo vệ tư tưởng đảng và chống tham nhũng) sẽ là điều không dễ dàng với lãnh đạo ‘không được quy hoạch’. Chế độ phải mất chí ít một nhiệm kỳ để ổn định chính trị, cũng như vạch ra đường hướng phát triển. Gần ba nhiệm kỳ dưới sự lãnh đạo của cố Tổng bí thư với đầy biến động, bất ổn, di sản và ngổn ngang ‘dấu ấn’, trong đó nguyên tắc tập thể lãnh đạo bị sói mòn, Bộ chính trị đã rệu rã và Ban chấp hành trung ương – cơ quan quyền lực nhất của đảng cộng sản đã yếu đi. Dù đã có thời gian chuẩn bị nhưng chưa nhiều, ông tân Chủ tịch nước với quyền điều hành đảng cũng không thể ‘lấn lướt’ tập thể này. Ông ấy có thể sẽ được bầu vì sự ổn định, nghĩa là vì cá nhân họ thay vì ‘tâm phục, khẩu phục’.

Sau đó, chế độ có thể sẽ trải qua một chu kỳ vận hành mới khó lường. Trước hết, một khả năng nhãn tiền là phải tính đến xu hướng chuyển sang Trung Quốc hơn và giữ khoảng cách với phương Tây vì những lý do sau. Một là, đường lối cứng rắn ‘mới’ với trụ cột là an ninh chế độ ưu tiên chuyên chế cần thiết có đồng minh ý thức hệ ; Hai là, thách thức "tứ bề thọ địch", trong đó Trung Quốc đạo diễn khiến Việt Nam phải nhượng bộ : Biên giới phía Bắc tiềm ẩn bất ngờ, biển Đông nguy cơ căng thẳng do tranh chấp, từ phía Tây và Nam Campuchia ‘kết thân’ và Lào phụ thuộc ngày càng sâu về kinh tế ; Ba là, chính sách chống các quyền tự do dân chủ khiến các nhà đầu tư nước ngoài có thể hạ thấp kỳ vọng của họ về môi trường kinh doanh và làm trầm trọng thêm những ‘bước lùi’ cải cách. Bốn là, Việt Nam dường như phải đặt cược rủi ro nhiều hơn trước xu hướng đa dạng hóa đầu tư của phương Tây ra khỏi Trung Quốc. Trung Quốc tăng cường đầu tư, chiếm vị trí dẫn đầu vào Việt Nam và, cảnh báo được đưa ra liệu một trung tâm trung chuyển hàng hóa Trung Quốc sang Hoa Kỳ và các nước phương Tây khác. Năm là, 'ngoại giao tre' của Việt Nam bị níu kéo bởi ý thức hệ cộng sản có thể dễ ‘uốn cong’ ngả theo hướng tới các đối tác độc tài "truyền thống" cùng xây dựng cộng đồng chung tương lai. Việc "bỏ phiếu trắng" trên các diễn đàn Liên hiệp quốc tế đang gây quan ngại đáng kể…

Tuy nhiên, về lâu dài sẽ là sự ‘tất yếu’ hướng tới dân chủ như kịch bản thứ nhất nêu trên với những lý do sau :

Một là, dân chủ được phát triển đồng thời với kinh tế thị trường. Nó là sự kết tinh của tiến hóa nhân loại, nó sẽ không thể đảo ngược hoặc thay thế. Những động lực tăng trưởng mới như kinh tế xanh, kinh tế số, trí tuệ nhân tạo… suy cho cùng cũng từ cơ chế thị trường, nơi sản sinh sức sáng tạo, kiến thức, năng lượng cho sự phát triển.

Hai là, tăng trưởng đảm bảo tính chính danh cho đảng ngày càng giảm khi kinh tế thị trường phát triển, mức sống ngày càng nâng cao của người dân và sự đòi hỏi thoả mãn nhu cầu tinh thần, trong đó có sự tham gia chính trị.

Ba là, nền kinh tế mở là kết quả của chính sách hội nhập với thế giới để phát triển theo xu thế thời đại đã nâng vị thế Việt Nam, vượt qua khác biệt về ý thức hệ, và khó có thể thay đổi…

Thực tế phát triển kinh tế thị trường những năm qua đã cho thấy Việt Nam bị ràng buộc vào hệ tư tưởng cộng sản, phong trào xã hội chủ nghĩa quá sâu và quá lâu để có thể độc lập vươn lên. Ngoài ra, cân nhắc "5 lý do vì sao chủ nghĩa cộng sản sống thọ" [24] để cải cách thể chế sao cho khát vọng thịnh vượng của người dân không trở nên ‘viển vông’. Cuối cùng, điều cốt lõi là tương lai đất nước và tương lai chế độ phải do tất cả người dân có ý chí và quyền tự do quyết định.

Huỳnh Trần

Nguồn : RFA, 23/07/2024

Tham khảo :

[1] Daron Acemoglu, James A. Robison, Tại sao các quốc gia thất bại, Nhà xuất bản Trẻ (2016)

[2] Phạm Quý Thọ, "Hai xu hướng kinh tế thả, chính trị nắm", BBC tiếng Việt, 30/12/2018

[3] //https://www.rfa.org/vietnamese/news/comment/blog/how-does-the-party-face-challenges-in-downturn-part-1-07052024093341.html

[4] https://kinhtetrunguong.vn/kinh-te/hoa-ky-cong-nhan-viet-nam-la-nen-kinh-te-thi-truong-viet-nam-dap-ung-cac-tieu-chi-kinh-te-thi-truong-cua-my.html

[5] https://asia.nikkei.com/Politics/Vietnam-rocked-by-political-upheaval-5-things-to-know

[6] https://thanhtra.com.vn/theo-dong-thoi-cuoc/tong-bi-thu-le-kha-phieu-nguoi-dat-nen-mong-cho-cong-tac-xay-dung-dang-thoi-ky-doi-moi-va-hoi-nhap-169437.html

[7] https://tuyenquangtv.vn/thoi-su-chinh-tri/tin-trong-nuoc/202008/nhung-dau-an-sau-dam-cua-nguyen-tong-bi-thu-le-kha-phieu-06d074d/

[8] https://www.voatiengviet.com/a/lê-khả-phiêu-chống-tham-nhũng-và-sai-lầm-ch%C3%ADnh-trị-/5535536.html

[9] https://www.rfa.org/vietnamese/news/comment/blog/how-does-the-party-face-challenges-in-downturn-part-1-07052024093341.html

[10Nguyễn Duy Quý,Công cuộc Đổi mới - những thành tựu và bài học kinh nghiệm, Báo điện tử Đảng cộng sản Việt Nam (2017). 

[11] Việt Nam : 1 trong 2 nước cải cách nhiều nhất 15 năm qua

[12] Yuen Yuen Ang, Thời đại vàng son của Trung quốc : Nghịch lý bùng nổ kinh tế và tham nhũng tràn lan (2016), Mạnh Chương biên dịch, Sách tham khảo nội bộ, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia, 2021.

[13]https://www.rfa.org/vietnamese/news/comment/blog/party-stays-in-power-how-they-fight-corruption-part-1-05062024131659.html

[14] https://baochinhphu.vn/thu-tuong-5-day-manh-trong-cai-cach-hanh-chinh-de-huy-dong-moi-nguon-luc-cho-phat-trien-102240715113657994.htm

[15] https://www.rfa.org/vietnamese/news/comment/blog/plan-to-revise-land-law-2013-hit-snag-because-of-collective-ownership-stipulation-09232022105648.html

[16] https://www.rfa.org/vietnamese/news/comment/blog/how-does-the-party-face-challenges-in-downturn-part-1-07052024093341.html

[17] Britannica""Rule of law" | Definition, Implications, Significance, & Facts

[18] https://tulieuvankien.dangcongsan.vn/he-thong-van-ban/van-ban-cua-dang/quy-dinh-so-41-qdtw-ngay-03112021-cua-bo-chinh-tri-ve-viec-mien-nhiem-tu-chuc-doi-voi-can-bo-8336.

[19] Benoît de Tréglodé, "Bảo vệ tư tưởng đảng, chống tham nhũng : Hai di sản dang dở của TBT Nguyễn Phú Trọng", RFI tiếng Việt, 19/7/2024

[20] https://xaydungchinhsach.chinhphu.vn/xay-dung-cong-dong-chia-se-tuong-lai-viet-nam-trung-quoc-mang-y-nghia-chien-luoc-la-dau-moc-lich-su-trong-dai-119231213192702546.htm

[21] https://www.rfa.org/vietnamese/news/comment/blog/china-model-out-of-trend-what-lesson-for-vn-part-1-04162024111025.html

[22] Anh Khoa, "Ba kịch bản cho tương lai thể chế của Trung Quốc", Luật Khoa tạp chí, 03/09/2018. 

[23] Fukuyama Fransis, "What Kind of Regime Does China Have ?", Volume 5, Number 6, The American Interest, 18/05/2020. 

[24] https://www.youtube.com/watch?v=nSloLMlyMvY

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Huỳnh Trần
Read 720 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)