Nguyễn Phú Trọng : Một cuộc đời thất bại
JB Nguyễn Hữu Vinh, RFA, 24/07/2024
Cái chết không bất ngờ
Cuối cùng, thì cái chết cũng đến với ông Nguyễn Phú Trọng, kết thúc câu chuyện của thiên hạ cứ đồn đoán, suy diễn, theo dõi rồi các loại tin tức về sức khỏe của một "đầy tớ nhân dân" mà như chuyện trên cung trăng vậy. Ngày mai, ông Nguyễn Phú Trọng về với ba tấc đất, khỏi phải cố bám vào cái ghế bằng mọi cách ở cái tuổi cổ lai hy và sức khỏe cứ leo lét như đèn trước gió để chống lại cái bọn "tham quyền cố vị" leo vào trung ương đảng như lời ông ta đã hò hét bấy lâu nay.
Trước ngày "Quốc tang", báo chí Việt Nam đã tổ chức tang lễ trên mặt báo cho ông Nguyễn Phú Trọng qua đó họ cố tình mô tả ông Nguyễn Phú Trọng về một con người, nhân cách, tình cảm…
Trước ngày "Quốc tang", báo chí Việt Nam mấy hôm nay đã tổ chức tang lễ trên mặt báo cho ông Nguyễn Phú Trọng bằng đủ mọi bài viết, hình ảnh, lời lẽ mà qua đó, họ cố tình mô tả ông Nguyễn Phú Trọng về một con người, nhân cách, tình cảm… rồi thì thành quả, thắng lợi, di sản… đủ cách theo truyền thống cộng sản xưa nay. Điều gì thì không thể nói mạnh, chứ riêng việc ca ngợi, nịnh hót thì những người cộng sản là bậc thầy thiên hạ, dù họ luôn mồm kêu "Quét sạch chủ nghĩa cá nhân".
Hẳn nhiên là ai cũng biết rằng cái người cộng sản nói với cái người cộng sản làm là hai lĩnh vực hoàn toàn khác, thậm chí ngược nhau.
Thế nên, việc dàn báo chí đảng được lệnh rền rĩ mấy ngày nay trên mặt trận truyền thông, cho thấy rằng đảng đã cố gắng bằng mọi cách dựng lên một hình ảnh, một thần tượng để may ra vuốt mặt cho đảng đôi chút. Nhưng, nói, không thể làm thay đổi được một thực tế : Nguyễn Phú Trọng là một nhân vật điển hình cho sự thất bại, mọi mặt và mọi thời gian của cá nhân ông ta nói riêng và của Đảng cộng sản Việt Nam nói chung.
Thất bại ở mọi lĩnh vực
Có lẽ, nhắc đến ông Nguyễn Phú Trọng, người ta nhắc đến chuyện đốt lò, chuyện "Chống tham nhũng". Nó như một cái thương hiệu, như một nhiệm vụ tự ông ta đặt cho mình trong suốt thời gian leo lên đến những chiếc ghế quyền lực nhất trong hệ thống.
Tuy nhiên, người ta cũng nhắc đến Nguyễn Phú Trọng với một thời gian dài phụ trách Văn hóa – Tư tưởng, rồi chức vụ Phó rồi Trưởng Ban Lý luận Trung ương. Rồi Phó Bí thư, rồi Bí thư Thành ủy Hà Nội hai khóa liền. Không chỉ thế, ông ta còn là người đứng đầu Quốc hội và một thời gian giữ luôn chức Chủ tịch nước sau khi Trần Đại Quang đột tử.
Vậy thiên hạ nhớ về Nguyễn Phú Trọng qua những điều gì với các lĩnh vực đã làm ?
Trước hết, cách đây đã 36 năm, với các cương vị phụ trách lĩnh vực Tư tưởng, Văn Hóa của Đảng, nhưng Nguyễn Phú Trọng đã không có dấu ấn gì trong lĩnh vực này nhằm tạo nên sự mạch lạc, rõ ràng về những vấn đề tư tưởng hay những nét đặc trưng nào về văn hóa để đảng lấy làm phương hướng lãnh đạo. Vẫn cứ dừa dựa những câu nói sáo rỗng và vô nghĩa nào là "đậm đà bản sắc dân tộc" mà người ta chẳng rõ cái bản sắc đó là gì ? Còn cái gọi là "Văn hóa mới" rồi cụm dân cư "văn hóa" từ làng đến tổ dân phố, phường xã… ngày nay chỉ là chuyện tào lao. Đến nay, sau 36 năm kể từ khi ông ta phụ trách và lãnh đạo.
Ngày nay, nhìn lại đất nước Việt Nam trên mọi mặt thuộc lĩnh vực văn hóa, người ta nói một câu rất tổng quát và chính xác, đó là sự suy đồi. Sự suy đồi không hoàn toàn chỉ một lĩnh vực mà trong mọi mối quan hệ xã hội, thói quen, cách hành xử của người Việt đã dần xa lạ với truyền thống văn hóa được xây dựng, gìn giữ và xây đắp từ ngàn năm trong lịch sử dân tộc.
Mới đây, Bộ Văn hóa phải xin khoản kinh phí 350.000 tỷ đồng để chấn hưng văn hóa là một minh chứng điển hình cho cái "Di sản" của ông Nguyễn Phú Trọng về văn hóa.
Đó là một thất bại.
Về Tư tưởng, với cách bám lấy bằng được vào Chủ nghĩa Mác-Lenin - Thứ mà thiên hạ vứt vào sọt rác lịch sự gần hai thế hệ nay bởi sự nguy hại của nó – bởi Đảng cộng sản Việt Nam hết chỗ để nhờ dựa mà không có khả năng để tự trang bị cho mình một hệ tư tưởng, một chủ nghĩa mới nào khác.
Với chức vụ là Trưởng ban Lý luận Trung ương, ông Nguyễn Phú Trọng có nhiệm vụ xây dựng hệ thống lý luận của đảng về phương hướng, đường lối, tư tưởng và lý thuyết về hệ thống chính trị hiện nay.
Tuy nhiên, ông ta đã "bó tay" khi thừa nhận rằng "Đến cuối thế kỷ này chưa chắc đã có Chủ nghĩa xã hội" đã đành, mặt khác, ông cũng không thể định nghĩa xem cái Chủ nghĩa xã hội mà đảng dẫn cả đất nước "tiến nhanh tiến mạnh, tiến vững chắc" lên đó, nhưng đến bây giờ vẫn chưa biết mặt ngang, mũi dọc của nó ra sao. Không chỉ có Chủ nghĩa xã hội, mà ngay cả "Con đường quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội" mà đảng dẫn dân đi gần thế kỷ, nay cũng chưa biết nó là con đường gì.
Cái Chủ nghĩa Mác – Lenin, lấy giai cấp công nhân làm nòng cốt, là giai cấp tiên phong mà đảng là đội quân tiên phong trong đó… đã dần dần bị chính Đảng cộng sản Việt Nam phản bội. Chứng cứ là giai cấp công nhân ngày nay, chỉ còn là khái niệm của đảng và trong thực tế thì là đối tượng để đảng kết hợp với "bọn tư bản" bóc lột chính giai cấp mình.
Trước sự khủng hoảng về tư tưởng, đường lối, Đảng cộng sản Việt Nam đã hoảng loạn và vơ váo bất cứ thứ gì miễn vá víu có lợi cho sự tồn tại của đảng. Ở đó mọi thứ hầm bà lằng, kể cả đi ngược với giáo lý Phật giáo, cũng được nhét vào cái gọi là Giáo Hội Phật giáo Việt Nam – một tổ chức quốc doanh, do nhà nước vô thần khuynh loát – và nó đã ngay lập tức thể hiện cái "tính đảng" của nó với đủ mọi thứ thối tha, bẩn thỉu của nó ẩn phía trong.
Các đảng viên mất niềm tin vào Chủ nghĩa Mác vô thần, đã vơ váo vào bất cứ điều gì khả dĩ có thể làm họ yên tâm sau những hành động tội ác về tham nhũng, về những hậu quả đã gây ra cho xã hội, cho đất nước.
Chính bản thân ông Nguyễn Phú Trọng đã từ bỏ tư tưởng cộng sản vô thần để "quy y cửa Phật" và được "làm phép" bởi sư quốc doanh Thích Thanh Quyết.
Thậm chí, ngay cả bản thân Nguyễn Phú Trọng cũng đã thấy sự hoang mang và lúng túng cho chính bản thân mình về vấn đề tư tưởng. Điển hình là dù luôn cao giọng rằng : "Làm người, hãy là người cộng sản". Thế nhưng, những hình ảnh bị lộ ra đã cho thấy chính bản thân ông ta đã từ bỏ tư tưởng cộng sản vô thần để "quy y cửa Phật" và được "làm phép" bởi sư quốc doanh Thích Thanh Quyết.
Đó là chưa nói đến những vấn đề lý luận cao siêu mà người dân đánh giá rất nhanh gọn về nó bằng cách phong tặng danh hiệu "Ủy Ban Lú lẫn Trung ương" còn người đứng đầu, được tặng xú danh "Trọng Lú".
Đó là một thất bại nữa của Nguyễn Phú Trọng.
Ngay từ khi chiếm được cái ghế Tổng bí thư, điều mà người ta thấy ông ta quan tâm nhất và nói đến nhiều nhất là Chống tham nhũng. Để rồi từ đó đội ngũ thợ nịnh, đội ngũ tuyên truyền bốc thơm sáng tác ra cho ông ta các danh hiệu như "Người đốt lò" rồi chuyện củi tươi, củi khô… cùng với những phát ngôn mà nhiều khi nếu ai ngẫm kỹ thì chẳng hiểu nó đi theo hướng nào.
Nào là "không có vùng cấm, bất kể là ai", nào là "Đánh chuột mà không để vỡ bình" rồi đến khi bắt bớ loạn xà ngầu không đủ cán bộ để làm việc thì lại trở giọng rằng "Nhân văn", rằng thì "dính chàm thì xin nghỉ đi, hoặc trả lại tiền đi tôi tha cho, hoặc xử nhẹ cho"…
Nhưng, qua một quá trình dài hơn chục năm, điểm lại thành quả của cái gọi là "Chống tham nhũng" đó, người ta mới giật mình kinh sợ. Con số tổng kết của đảng đưa ra, chỉ có 10 năm dưới triều đại Nguyễn Phú Trọng, có 169.000 đảng viên bị kỷ luật, hàng chục, hàng trăm ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Trung ương, tướng tá và cán bộ đủ các cấp vào tù. Và những năm gần đây, mỗi năm, có khoảng vài chục ngàn đảng viên tiếp tục bị kỷ luật.
Chúng ta nên nhớ rằng : Con số đảng viên bị kỷ luật, chỉ là một phần nổi rất nhỏ của tảng băng chìm khối đảng viên băng hoại về mọi mặt trong đảng. Một đảng viên bị kỷ luật, nghĩa là có hàng chục đảng viên bị phát hiện và một đảng viên bị phát hiện, cũng có nghĩa là có hàng chục đảng viên "chưa bị lộ". Điều đó cho thấy rằng nói : Một bộ phận "không nhỏ" trong đảng là những kẻ suy đồi, hư hỏng, cũng có nghĩa là số lớn trong đảng đã hư hỏng, suy đồi.
Và một đảng, chứa trong đó số lớn là suy đồi, là hư hỏng, là cướp trộm, tham ô, hủ hóa… thì đó là băng cướp, băng nhóm mafia chứ không thể coi là một đảng bình thường.
Chính vì thế, nạn tham nhũng càng ngày càng như căn bệnh ung thư di căn đi khắp cơ thể hệ thống chính trị. Liên tiếp hàng loạt những cuộc bắt bớ từ Nam đến Bắc, từ trung ương đến địa phương. Mà đã bắt là bắt cả ổ, cả cụm, cả lô từ lớn đến bé, từ Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Tỉnh đến Giám đốc, Phó Giám đốc sở, huyện… Chỉ riêng ngành Đăng kiểm qua một vụ bắt bớ, thì câu nói của Nguyễn Sinh Hùng được xác nhận là đúng : Lấy đâu người mà làm việc.
Người ta thấy hình ảnh của hệ thống này như một thây ma đã thối rữa và nhung nhúc trong đó là những đống dòi bọ, hễ đụng đến đâu là đổ ra từng đống dòi bọ, sâu mọt ở đó. Cả cơ thể không còn một chỗ nào lành lặn, từ Trung ương, từ các Ủy viên Bộ Chính trị cho đến những tên cán bộ tép riu ở thôn quê miền núi. Tất cả lao vào trào lưu tham nhũng không thể dừng lại.
Con số tiền của mà đám cán bộ ăn cướp từ ngân sách, từ tiền dân tăng lên theo cấp số nhân của những vụ án tham nhũng, từ tiền triệu, rồi trăm triệu và bây giờ là hàng ngàn tỷ đến triệu tỷ.
Những đại án như Việt Á, Chuyến bay Giải cứu, đều xuất phát và được triển khai nhanh chóng ngay dưới sự lãnh đạo sáng suốt và tài tình của Nguyễn Phú Trọng đang gay gắt hò hét chống tham nhũng. Cả những đại án lâu năm như Vạn Thịnh Phát, cũng phát sinh và lớn mạnh" dưới triều đại Nguyễn Phú Trọng. Tham nhũng từ hiện tượng đã trở thành "Quốc Nạn" và cho đến khi trở thành chuyện bình thường trong xã hội, trong hệ thống chính trị.
Đến tận khi chết, thì chính Nguyễn Phú Trọng đã giơ tay đầu hàng nạn tham nhũng ở đây. Những câu nói về "nhân văn" xử nhẹ, tha thứ… chỉ là những biểu hiện bất lực của cái gọi là chống tham nhũng, chỉ để chữa ngượng vì đã trót hò hét kiên quyết, triệt để, không có vùng cấm, bất kể ai hay củi khô củi tươi mà ông ta đã trót nói ra trong suốt quá trình đó.
Bởi làm sao chống được tham nhũng khi chính hệ thống chính trị này là nguồn gốc của sự nảy sinh ra tham nhũng. Khi quyền lực tuyệt đối, thì sự tha hóa cũng là tuyệt đối.
Tất cả những đảng viên khi bắt đầu phấn đấu để vào đảng thì mục đích của nó là để có cơ hội có chức, có quyền, và có cơ hội tham nhũng. Đó là một quy luật. Chừng nào, mà đảng còn cố bám vào quyền lực để lấy làm mồi câu các quần chúng theo đảng, thì chừng đó, chuyện tham nhũng là quy luật và chống tham nhũng là chuyện nực cười.
Và thế là xuất hiện ca dao mới :
Ông Trọng có lò mới xây
Ông đem ông đốt những cây ông trồng.
Đó là thất bại lớn nhất của Nguyễn Phú Trọng.
Rồi thời gian qua đi, người ta mới thấy một điều : Vẫn giữ những sự giáo điều, cổ hủ với cái tư tưởng Mác – Lenin, Nguyễn Phú Trọng chỉ nhăm nhăm việc bảo vệ đảng, bảo vệ quyền lợi của đảng cai trị trên đầu trên cổ nhân dân. Từ chính trị đến kinh tế từ đất đai, tài sản cho đến tinh thần, tư tưởng, quyền con người của người dân, tất cả đều bị coi rẻ dưới bàn tay Nguyễn Phú Trọng.
Chưa có thời nào mà những người bất đồng chính kiến bị bắt bớ, tù đày giam hãm nhiều như dưới thời Nguyễn Phú Trọng.
Chưa có thời nào, mà quyền mở miệng của người dân bị chặn một cách tuyệt đối như thời Nguyễn Phú Trọng.
Chưa có thời nào, mà dân quyền, nhân quyền bị chà đạp, văn hóa, tình người bị coi thường, coi rẻ, tệ nạn từ ma túy đến mại dâm cờ bạc, tham nhũng, cướp bóc của người dân nở rộ và đều đặn phát triển như dưới thời Nguyễn Phú Trọng.
Chưa có thời nào, mà hệ thống nhà tù của đảng chứa nhiều "cựu đảng viên" như hiện nay. Ở đó, có đủ một bộ máy khổng lồ, hoàn chỉnh từ thấp đến cao cho một chính phủ nếu cần thiết. Đi kèm vớ hệ thống tù nhân "Cựu đảng viên" này, là ngân khố đã thâm hụt hàng triệu, chục triệu tỷ đồng tiền máu xương của người dân. Đó là kết quả của hơn chục năm đứng đầu đảng để kiên quyết lựa chọn những người "có tài, có đức" vào đảng, vào trung ương của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Đó cũng là điển hình cho sự thất bại của cuộc đời Nguyễn Phú Trọng.
J.B Nguyễn Hữu Vinh
Nguồn : RFA, 24/07/2024
****************************
Di sản của Tổng bí thư thứ 12 gồm những gì ?
Trân Văn, VOA, 22/07/2024
Ông Nguyễn Phú Trọng, Tổng bí thư thứ 12 của Đảng cộng sản Việt Nam vừa qua đời hôm 19/7/2024. Sau sự kiện này, có rất nhiều nhận định, ý kiến khác nhau cả về công trạng lẫn trách nhiệm của ông đối với Đảng cộng sản Việt Nam nói riêng và hiện trạng chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục ở Việt Nam nói chung. Đó cũng là lý do không thể không ngẫm nghĩ xem thật ra di sản của ông Trọng gồm những gì...
Ttừ 2019 đến 2023, có ít nhất bốn lần hệ thống chính trị, hệ thống công quyền tại Việt Nam dùng công quỹ để in "sách" của ông Trọng và về ông Trọng.
Ông Trọng là người đầu tiên được các thành viên chủ chốt trong Đảng cộng sản Việt Nam đề cử, bỏ phiếu bầu làm Tổng bí thư trái với Điều lệ của chính tổ chức này. Trong điều lệ, Đảng cộng sản Việt Nam từng xác định, không chấp nhận bất kỳ ai giữ vai trò Tổng bí thư quá hai nhiệm kỳ. Trường hợp ông Trọng trở thành "trường hợp đặc biệt", một "ngoại lệ" !
Ông Trọng là người thứ hai đảm nhiệm vai trò Tổng bí thư qua đời khi đang tại chức. Người đầu tiên là ông Lê Duẩn. Ông Lê Duẩn giữ vai trò Tổng bí thư gần 26 năm và Đảng cộng sản Việt Nam chỉ đề cử - chọn người kế nhiệm Tổng bí thư thứ bảy khi ông Lê Duẩn qua đời vào tháng 7 năm 1986. Sau ông Lê Duẩn, ông Trọng là người thứ hai có thời gian tại vị lâu nhất (hơn 13 năm) và cũng qua đời lúc đang đương nhiệm.
Dẫu sức khỏe suy sụp, ông Trọng không buông bỏ vai trò quyết định cả đường hướng hoạt động của Đảng cộng sản Việt Nam lẫn lựa chọn, sắp đặt nhân sự lãnh đạo hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam trong giai đoạn từ 2026 đến 2030. Chỉ sau khi ông Trọng trở thành Tổng bí thư (2011), Ban chấp hành trung ương Đảng cộng sản Việt Nam mới thành lập "Tiểu ban nhân sự" để nhiệm kỳ này "quy hoạch" lãnh đạo các cấp của nhiệm kỳ sau.
Ông Trọng là người khởi xướng ý tưởng xem "tham quan, ô lại" là "củi", công cuộc phòng chống tham nhũng, tiêu cực nhằm "chỉnh đốn đảng" là "đốt lò". Dưới sự lãnh đạo của ông Trọng, Ban chấp hành trung ương đảng các khóa 11 và 12 rồi 13 đã đưa ra những quyết định trước đó chưa từng có : Loại bỏ, thậm chí xử lý hình sự hàng loạt cựu và Ủy viên Ban chấp hành trung ương đương nhiệm, kể cả những Ủy viên Ban chấp hành trung ương đảng là thành viên Bộ Chính trị.
Lý do khiến hàng loạt cựu và Ủy viên Ban chấp hành trung ương đảng đương nhiệm, trong đó có không ít thành viên Bộ Chính trị nằm trong nhóm lãnh đạo tối cao của cả hệ thống chính trị như Thường trực Ban Bí thư, Chủ tịch Quốc hội, lẫn hệ thống công quyền như Chủ tịch Nhà nước, Phó Thủ tướng, đột nhiên trở thành "củi" rồi bị vứt vào "lò" là vì bị buộc phải chịu trách nhiệm liên đới đối với các lỗi lầm của thuộc cấp !
Việc càng ngày càng nhiều cựu và Ủy viên Ban chấp hành trung ương đảng đương nhiệm bị xử lý (phần lớn là do các "vi phạm, khuyết điểm" có từ trước khi được "Tiểu ban nhân sự" đưa vào "quy hoạch nhân sự") thường được ca tụng như công lao của ông Trọng nói riêng và nỗ lực "chỉnh đốn" của Đảng cộng sản Việt Nam nói chung. Vấn đề cần ngẫm nghĩ là nếu không có những chỉ đạo, không có hàng loạt quy định về "quy hoạch nhân sự" liên tục được ban hành để nâng cao vai trò cũng như quyền hạn của "Tiểu ban nhân sự", không có "Tiểu ban nhân sự" để chủ động lựa chọn, sắp đặt nhân sự lãnh đạo hệ thống chính trị, hệ thống công quyền của nhiệm kỳ sau, việc đề cử, bầu chọn nhân sự trong Đảng cộng sản Việt Nam được thực hiện một cách dân chủ, công bằng như lẽ ra phải thế thì có thể dẫn tới thực trạng như đã biết và đang thấy chăng ?
Cứ thử đối chiếu lý do dẫn đến việc xử lý hàng loạt cựu và Ủy viên Ban chấp hành trung ương đảng đương nhiệm ắt sẽ nhận ra các "vi phạm, khuyết điểm" của họ đều xảy ra trong khoảng thời gian ông Trọng đảm nhận vai trò Tổng bí thư và phụ trách "Tiểu ban nhân sự". Ông Trọng chẳng khác gì người dùng "quy hoạch nhân sự" làm phương tiện trồng cây để lấy "củi" đưa vào "lò", tạo ra dấu ấn sâu đậm cho sự nghiệp chính trị của ông.
Trước, phòng chống tham nhũng, tiêu cực tại Việt Nam thường được ông Trọng khẳng định là "không có vùng cấm, không có ngoại lệ", sau này ông bổ sung thêm "bất kể người đó là ai, không chịu sức ép của bất kỳ cá nhân nào", thế thì tại sao truy cứu trách nhiệm liên đới và xử lý những cá nhân lựa chọn – sắp đặt nhân sự lãnh đạo hệ thống chính trị, hệ thống công quyền của nhiệm kỳ sau lại không nhất quán như vậy dù đó mới là gốc rễ ?
Song hành với "củi" và "lò", qua tuyên truyền ông Trọng được xem như một người "khiêm tốn, bình dị", tiên phong trong "chống xu nịnh". Tuy nhiên ông là Tổng bí thư thứ ba được hệ thống chính trị, hệ thống công quyền tổ chức ca tụng tới mức gây kinh ngạc. Trong lịch sử Đảng cộng sản Việt Nam, chỉ có ông Hồ Chí Minh và ông Lê Duẩn từng được tụng ca kiểu như đó là "niềm tin yêu của nhân dân trong nước và bạn bè quốc tế".
Chỉ tính từ 2019 đến 2023, có ít nhất bốn lần hệ thống chính trị, hệ thống công quyền tại Việt Nam dùng công quỹ để in "sách" của ông Trọng và về ông Trọng. Lần đầu (2019) là ấn phẩm"Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng với tình cảm của nhân dân trong nước và bạn bè quốc tế" (tập hợp 130 bài ca ngợi ông Trọng vừa là "một nhân cách lớn", vừa là "nhà lãnh đạo có tâm, có tầm" và được "bạn bè quốc tế" yêu quý, kính trọng) [1]. Lần thứ hai (tháng 11/2021) là ấn phẩm giới thiệu bài ông Trọng viết hồi giữa năm 2021 - "Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam", đồng thời đính kèm "những ý kiến, đánh giá tâm huyết của các nhà nghiên cứu, nhà khoa học, cán bộ lãnh đạo, quản lý và các tầng lớp nhân dân ở mọi vùng, miền của tổ quốc về bài viết của Tổng bí thư" và "các bài trao đổi, phỏng vấn, đánh giá của các học giả, nhà nghiên cứu, các đồng chí, bạn bè quốc tế, các chính đảng về bài viết của Tổng bí thư" [2] ! Lần thứ ba (tháng 5/2023), bài viết vừa nêu và 28 bài viết, bài phát biểu của ông Trọng được dịch sang bảy ngoại ngữ với số lượng in được công bố là 32.000 bản để góp phần "lan tỏa những giá trị quý báu" từ tư tưởng của ông Trọng để "giúp bạn bè quốc tế" [3]. Lần thứ tư (tháng 6/2023) là ấn phẩm khác với "181 bài viết, bài thơ, thư, điện được chắt lọc từ hàng nghìn bài trên các trang báo, mạng xã hội", nhằm tiếp tục bày tỏ việc "vững tin vào sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tổng bí thư", cũng như "tình cảm của nhân dân trong nước và sự ủng hộ của bạn bè quốc tế dành cho Tổng bí thư" [4].
Trân Văn
Nguồn : VOA, 22/07/2024
Chú thích
[1] https://laodong.vn/thoi-su/nhung-phat-bieu-an-tuong-cua-tong-bi-thu-nguyen-phu-trong-1368702.ldo