Tháng Tám năm 2017, trên các trang tin thời sự của báo chí trong nước, người ta thấy vắng bóng hai ông, Đinh Thế Huynh, Trưởng Ban tuyên giáo trung ương, và ông Trần Đại Quang, Chủ tịch nước. Cả hai ông đều là Ủy viên Bộ chính trị, cơ quan lãnh đạo cao nhất của đảng cộng sản Việt Nam.
Ông Đinh Thế Huynh (thứ nhất bên trái) đứng cạnh ông Trần Đại Quang, tại Đại hội đảng lần thứ 12, tháng Giêng, 2016. AFP
Có nhiều tin đồn rằng hai ông bị bệnh phải đi điều trị ở nước ngoài.
Tin đồn về sự đấu đá phe phái
Chuyện thông tin không rõ ràng về sức khỏe của các vị lãnh đạo cao cấp của đảng cộng sản và Nhà nước Việt Nam không phải là lần đầu tiên được nói đến qua trường hợp của hai ông Đinh Thế Huynh và Trần Đại Quang hiện nay. Vào năm 2015, ông Nguyễn Bá Thanh, lúc đó là Trưởng ban nội chính trung ương, bị bệnh, đi nước ngoài trị bệnh, nhưng thông tin không hề được công bố suốt nhiều tháng, làm dấy lên nhiều lời đồn đoán rằng ông bị bệnh hiểm nghèo, thậm chí đã chết vì bị ám sát.
Trường hợp ông Võ Văn Kiệt, cựu Thủ tướng, mất vào năm 2005 cũng vậy, việc chậm trễ công bố thông tin đã làm dấy lên tin đồn là ông bị ám sát.
Nhận xét về những lời đồn đoán chung quanh sức khỏe của hai ông Đinh Thế Huynh, và Trần Đại Quang, ông Nguyễn Khắc Mai, nguyên Vụ trưởng Vụ nghiên cứu, thuộc Ban Dân vận trung ương nhận xét :
"Cái này chưa biết nó như thế nào, nên không thể nói theo dư luận hiện nay được, nhưng xung đột lợi ích giữa các nhóm là rõ, âm mưu tiêu diệt lẫn nhau là có thật, nhưng hai trường hợp này phải chờ thêm".
Sự nghi ngờ về việc ám hại nhau giữa các nhóm quyền lực khác nhau được quan sát thấy trên mạng xã hội trong thời gian hiện nay sau khi người ta thấy hai ông Đinh Thế Huynh và Trần Đại Quang vắng bóng, mà chỉ có một thông tin được báo chí Nhà nước Việt Nam đưa ra vào đầu tháng Tám, nói ông Trần Quốc Vượng, một Ủy viên Bộ chính trị tạm thời đảm nhận công việc của ông Huynh ở bộ này.
Một nhà bất đồng chính kiến Việt Nam là Tiến sĩ Hà Sĩ Phu, hiện sống ở Đà Lạt nói :
"Nó có uẩn khúc thì họ mới phải giấu, chứ ốm đau bình thường thì giấu làm gì. Có uẩn khúc họ hại nhau thế nào đó thì mới giấu. Tóm lại cái chính thể lừa dân, họ cứ nói đoàn kết chứ trong nội bộ họ phân ly kinh khủng".
Ban bảo vệ sức khỏe trung ương và đấu tranh nội bộ
Mặc dù các thông tin về sức khỏe của các vị lãnh đạo ít được công bố như vậy, nhưng đảng cộng sản Việt Nam lại có cả một tổ chức gọi là Ban bảo vệ sức khỏe trung ương đảm trách việc chăm sóc sức khỏe cho các vị lãnh đạo.
Nhà báo Phạm Chí Dũng, sống ở Sài Gòn và từng làm việc nhiều năm trong guồng máy của đảng nói với chúng tôi về Ban bảo vệ sức khỏe này :
"Ban bảo vệ sức khỏe trung ương là một ban mềm, tôi dùng từ mềm trong ngoặc kép, của Bộ chính trị. Đây là Ban có chức năng nhiệm vụ chuyên chăm sóc sức khỏe cho các thành viên, và những người thuojc diện quản lý của Bộ chính trị, và Ban bí thư. Vai trò của họ giống như một Bộ y tế, giống như một Bộ y tế của Trung ương đảng, chuyên chữa trị cho Trung ương đảng thôi".
Ngoài ra ở các cấp đảng thấp hơn ở các tỉnh và thành phố lớn cũng có những ban bảo vệ sức khỏe như vậy.
Một bác sĩ giấu tên từng làm việc ở Ban bảo vệ sức khỏe trung ương, nói với chúng tôi rằng khi các cán bộ lãnh đạo bị bệnh và được Ban bảo vệ sức khỏe trung ương điều trị, thì họ không có quyền công bố bệnh tình của bệnh nhân mà phải có quyết định từ cấp lãnh đạo cao hơn. Theo bác sĩ này thì việc chẩn đoán bệnh tình của các cán bộ lãnh đạo là một trong những cách mà các phe phái khác nhau dùng để loại đối thủ chính trị của mình vì lý do sức khỏe. Thậm chí, ông nói rằng có những trường hợp bệnh nhân khám bệnh và nhận thuốc từ các bệnh viện bên ngoài, phải được sự cho phép của Ban bảo vệ sức khỏe trung ương mới được uống.
Theo nhà báo Phạm Chí Dũng và những người biết về hoạt động của Ban bảo vệ sức khỏe này của đảng thì hiện nay vai trò của ban này ngày càng mờ nhạt. Ông Dũng nói :
"Nhưng mà sau này với sự phát triển của các bệnh viện tư, rồi máy móc theo chiều sâu, mang tính chất chuyên sâu nhiều hơn, thì các Ban bảo vệ sức khỏe tỉnh ủy, thành ủy và trung ương phần lớn không đáp ứng được nhu cầu khám chữa bệnh cho cán bộ. Vai trò lớn nhất của họ, theo tôi hình dung không phải là việc điều trị chữa bệnh một cách có kết quả như là các bệnh viện bên ngoài, mà là sự im lặng trong việc bảo mật những thông tin về sức khỏe của những cán bộ do Bộ chính trị, Ban bí thư quản lý".
Theo người bác sĩ từng làm việc ở Ban bảo vệ sức khỏe trung ương thì các lãnh đạo cao cấp sau này thường đi nước ngoài chữa trị.
Trong trường hợp của ông Nguyễn Bá Thanh, vào tháng giêng năm 2015, Ban bảo vệ sức khỏe trung ương lần đầu tiên ra thông báo về sức khỏe của ông, trong đó nói ông bị bệnh từ tháng Năm năm 2014, và đi Mỹ chữa trị, tức là bảy tháng trước đó. Ông Thanh mất một tháng sau khi bệnh tình của ông được công bố.
Vào năm 1969, ông Hồ Chí Minh, người thành lập Nhà nước cộng sản Việt Nam mất vào ngày 2 tháng Chín, nhưng cái chết chỉ được công bố sau đó là ông mất vào ngày mùng ba tháng Chín, và ngày này được xem là ngày chính thức tổ chức kỷ niệm ngày ông Hồ mất trong một thời gian dài.
Ông Nguyễn Khắc Mai nói về trường hợp này :
"Trường hợp ông Hồ thì người ta nói là để cho dân ăn tết độc lập, vào ngày mùng hai tháng Chín, nên dời lại không làm hỏng ngày lễ độc lập. Cho nên họ hoãn lại việc tuyên bố, đó là thủ đoạn chính trị thôi. Nhưng mà rồi cái chết thì trước sau cũng chết, làm như thế cũng vô nghĩa".
Nhìn rộng ra trong thế giới các quốc gia cộng sản xưa và nay, chuyện giữ bí mật sức khỏe hay cái chết của các vị lãnh đạo là một chuyện rất phổ biến. Ông Hà Sĩ Phu nhận xét :
"Ngay từ thời xa xưa, thời Stalin và Lenin cũng đã có những việc như thế này. Bản thân chủ nghĩa cộng sản phi khoa học, đầy bất hợp lý ở bên trong, nên nếu họ mở ra công khai thì mọi thuẫn nó phơi bày ra, họ tan rã thôi".
Nhà báo Phạm Chí Dũng thì nói rằng khuynh hướng giữ kín thông tin về sức khỏe cũng như sự sống chết của các cán bộ lãnh đạo cộng sản cũng nằm trong khuynh hướng độc đoán của sự cai trị của những đảng cộng sản mà thôi.
Kính Hòa
Nguồn : RFA, 16/08/2017