Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

16/08/2017

Sau vụ Trịnh Xuân Thanh, quan hệ giữa EU và Việt Nam sẽ như thế nào ?

RFA tiếng Việt

Hiệp định Thương mại tự do giữa EU và Việt Nam có bị ảnh hưởng sau vụ Trịnh Xuân Thanh ?

Hãng Reuters trong tuần qua đưa tin cho biết phía Đức đang cân nhắc những biện pháp tiếp theo trong vụ Trịnh Xuân Thanh, người có lệnh truy nã của Bộ Công an Việt Nam, sau 10 tháng lẩn trốn đã xuất hiện ở Hà Nội, và cũng đề cập đến những khoản viện trợ phát triển đáng kể đang và sẽ có thể giúp cho Việt Nam.

eu1

Bộ trưởng Ngoại giao Đức Sigmar Gabriel (phải) và Bộ trưởng Ngoại giao Slovakia, ông Miroslav Lajcak (trái)tại cuộc họp báo ở tại Wolfsburg, Đức ngày 4 tháng 8 năm 2017.  AFP

Một trong những vấn đề được chú ý là liệu Việt Nam có gặp trở ngại trong thời gian chờ đợi thông qua Hiệp định Tự do Thương mại giữa EU và Việt Nam (FTA) hay không ?

FTA có thể chấm dứt

Trước tiên, cần phải nhắc lại vào khoảng thời gian tháng 11 năm 2016, tại cuộc gặp với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc diễn ra ở Hà Nội, ông Phil Hogan, Cao ủy Liên Hiệp Châu Âu (EU) cho biết hiện EU đang đẩy nhanh tiến trình phê chuẩn và các công việc đang diễn ra theo đúng như kế hoạch để hai bên sớm ký kết hiệp định tự do thương mại, có thể vào cuối năm 2017 hoặc đầu năm 2018.

Và cũng tại buổi tiếp đón, thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định Việt Nam mong muốn sớm ký kết Hiệp định tự do thương mại với EU bởi hiệp định sẽ mang lại lợi ích cho cả hai bên, nhất là các doanh nghiệp Việt Nam và EU.

Điều này có nghĩa là khoảng cuối năm nay, hoặc trễ nhất là đầu năm 2018, nếu không có gì trở ngại, Hiệp định tự do thương mại giữa Việt Nam và EU sẽ hoàn tất.

Thế nhưng, sự việc Trịnh Xuân Thanh, nhân vật bị Bộ Công an Việt Nam truy nã, sau hơn 10 tháng lẩn trốn ở Đức, nay đột ngột xuất hiện trên truyền thông Việt Nam cùng với tờ đơn tự thú, có vẻ đang là một trở ngại lớn cho Việt Nam trong việc ký kết Hiệp định tự do thương mại với EU, mà Đức là một quốc gia có tiếng mạnh nhất trong khối này.

Ông Davit Hutt, cây bút chuyên về khu vực Đông Nam Á của tờ Diplomat, có một bài viết đăng tải trên Diplomat bình luận về vấn đề này. Quan điểm của ông thể hiện ngay trong tiêu đề của bài viết, "Vụ bắt cóc ở Berlin dẫn đến thất bại của Việt Nam trong việc ký kết FTA với EU như thế nào" (How A Kidnapping In Berlin Could Bring Down Vietnam's FTA With Europe).

eu2

Đại sứ quán Việt Nam ở Berlin. Photo of Courtesy

Chúng tôi liên lạc với nhà báo David Hutt qua email để hỏi rõ hơn về những yếu tố dẫn đến nhận định như thế ? David Hutt cho biết, theo ông, ông không nhìn thấy thiện ý trao trả Trịnh Xuân Thanh về Berlin như yêu cầu của phía Đức.

"Vì Hà Nội không muốn trả lại ông Trịnh Xuân Thanh cho Đức, như Berlin đã yêu cầu. Và chính phủ Đức đã nói rằng không thể chấp nhận những gì Việt Nam đã làm trên ngay trên lãnh thổ của Đức, nghĩa là đã bắt cóc ông Thanh.

Và những gì Đức thực sự làm sẽ là một vấn đề khác. Theo tôi, một trong những điều Đức có thể làm là đe doạ cắt giảm viện trợ Việt Nam, và có lẽ Đức sẽ lên tiếng kêu gọi các quốc gia Châu Âu khác cùng làm như vậy. Đức cũng có thể sẽ kêu gọi chấm dứt quan hệ ngoại giao với Việt Nam.

Và nghiêm trọng nhất, tôi cho đó là chấm dứt Hiệp định Thương mại Tự do EU-Việt Nam".

Ông David Hutt cho rằng đây sẽ là mối de doạ đáng kể đối với Việt Nam.

Hoàn toàn ngượi lại với ý kiến của nhà báo David Hutt, ông Lê Hưng Quốc, chuyên gia đối ngoại, Nguyên Phó Giám đốc thường trực Sở Ngoại vụ, trực thuộc Bộ Ngoại giao Việt Nam khẳng định sự việc sẽ không nghiêm trọng như thế.

"Quan điểm cá nhân của tôi, việc này không ảnh hưởng đến quan hệ giữa hai nước. Quan hệ Việt Nam với Đức là xu thế.

Tôi không hình dung được vì chuyện này mà Đức cấm vận hay tuyên chiến với Việt Nam. Bởi vì câu chuyện này là câu chuyện tham nhũng chứ không phải vấn đề nhân quyền hay chính trị".

Ngày 9 tháng 8 vừa qua, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Đức được Reuters dẫn lời rằng Đức từng hy vọng sẽ cùng với Việt Nam có cách giải quyết thoả đáng sau khi xảy ra vụ việc vi phạm trầm trong luật pháp Đức và luật quốc tế trong vụ Trịnh Xuân Thanh từ phía Việt Nam như thế.

Tuy nhiên, sự việc không diễn tiến như mong đợi, nên Đức đang xem xét những biện pháp có thể làm để Việt Nam thấy rõ là Berlin không chấp nhận hành vi vi phạm pháp luật từ phía Hà Nội.

Cũng chính phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Đức đã trả lời với hãng tin Reuters rằng một vấn đề nghiêm trọng như thế không cách nào đóng lại được.

Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp, nhà nghiên cứu và phân tích chính trị Việt Nam thuộc Viện nghiên cứu Đông Nam Á, từ Singapore cho chúng tôi biết quan điểm của ông trong vấn đề này là sẽ có những cách giải quyết theo chiến lược ngoại giao.

"Theo suy nghĩ cá nhân thì có lẽ bên Việt Nam cũng đang có những liên lạc với phía Đức để trao đổi thông tin để nói chuyện với phía Đức để làm dịu tình hình căng thẳng ngoại giao diễn ra giữa hai bên".

Nhận định này có sự tương đồng với nguồn tin của Reuters đưa ra hôm 9 tháng 8, đó là vị phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Đức cho biết mọi giải pháp đều đang được đề ra và tiết lộ là hai chính phủ Đức và Việt Nam đã có nói chuyện với nhau.

Nội dung thế nào, các truyền thông lớn đều không đề cập.

Lựa chọn cuối cùng

Nhà báo David Hutt đã đưa ra những luận điểm cá nhân để chứng minh Hiệp định tự do thương mại EU đối với Việt Nam đang là một vấn đề "ngàn cân treo sợi tóc". Thêm vào đó, ông cho rằng một khi Mỹ quyết định rút TPP, thì Hiệp định tự do thương mại EU là hy vọng lớn nhất cuối cùng cho Việt Nam.

Tuy nhiên, qua nội dung trao đổi với chúng tôi, ông có nói thêm "có một số lý do mà có thể Đức sẽ không thực hiện việc này, nghĩa là không chấm dứt FTA" với lý do.

"Thứ nhất, nó sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới thương mại của Đức với Việt Nam. Thứ hai, nó sẽ là một tiền lệ xấu cho các hiệp định thương mại tự do trong tương lai với các nước Châu Á khác".

Ông David Hutt cho biết theo những nguồn tin khả tín ông có được, Đức có thể xem xét điều này nhưng nó sẽ là lựa chọn cuối cùng sau khi tất cả những vấn đề khác đã được xem xét và cố gắng giải quyết.

Phải làm gì ?

Cho đến hiện tại, phía Nhà nước Việt Nam hoàn toàn im lặng trước công luận. Chỉ một lần duy nhất là ngày 2 tháng 8, Bộ Ngoại giao Việt Nam lên tiếng với phát biểu của bà Lê Thị Thu Hằng, phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Việt Nam, nói rằng "Việt Nam rất lấy làm tiếc về phát ngôn của Bộ Ngoại giao Đức đưa ra" và Việt Nam rất coi trọng mối quan hệ giữa hai nước Việt – Đức.

Theo Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp, hành động bắt cóc Trịnh Xuân Thanh ở Berlin là vi phạm nghiêm trọng luật pháp của nước Đức và luật pháp quốc tế.

"Khi mà có chuyện Trịnh Xuân Thanh nộp cái đơn xin tỵ nạn chính trị thì nước Đức buộc phải làm thủ tục xem xét việc xin tỵ nạn chính trị ấy có thể xảy ra được hay không ? Đó là pháp quyền của nước Đức".

Ông nói rằng người Đức muốn tìm hiểu việc Việt Nam truy nã và yêu cầu trục xuất Trịnh Xuân Thanh có hợp pháp quyền hay không ?

Khi được hỏi liệu Trịnh Xuân Thanh có được trao trả về Berlin như yêu cầu của Đức, để Hiệp định thương mại tự do với EU không gặp khó khăn hay không, nhà báo David Hutt cho biết ông đoán rằng ông Trịnh Xuân Thanh sẽ được trả về Đức, nơi mà ông ta đang nộp hồ sơ xin tỵ nạn.

Cũng xin được thưa thêm, Hiệp định Tự do Thương mại giữa EU và Việt Nam (FTA) từng bị phái đoàn giáo phận Vinh đi vận động quốc tế, thúc giục Liên minh Châu Âu cẩn trọng khi xem xét việc thông qua vì những quan ngại về nhân quyền và ô nhiễm môi trường ở Việt nam. Vì thế, có nhiều người cho rằng, vụ Trịnh Xuân Thanh lại là một yếu tố để Liên minh Châu Âu cân nhắc về việc thông qua Hiệp định Tự do Thương mại giữa EU và Việt Nam.

Nguồn : RFA tiếng Việt, 16/08/2017

Quay lại trang chủ
Read 838 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)