Trọng Thành, RFI, 12/07/2021
Trong thời gian gần đây Bắc Kinh nỗ lực ký kết nhiều hiệp định thương mại để thu hút đầu tư, đặc biệt đáng chú ý là Hiệp định Đầu tư Toàn diện (CAI / AGI – Comprehensive Agreement on Investment-Accord Global sur les Investissements) với Liên Âu. Tuy nhiên, Hiệp định CAI đã bị Nghị Viện Châu Âu đình chỉ tiến trình phê chuẩn, ngày 20/05/2021. Lý do trực tiếp là vì Trung Quốc áp đặt các trừng phạt nhằm vào nhiều thành viên cấp cao của EU, để trả đũa các trừng phạt của Liên Âu về các xâm phạm nhân quyền nghiêm trọng ở Trung Quốc.
Nghị Viện Châu Âu tại Strasbourg, Pháp. Ngày 12/02/2020, Nghị Viện Châu Âu phê chuẩn Thỏa thuận đầu tư EVIPA với Việt Nam. Để có hiệu lực EVIPA phải được 27 quốc gia thành viên Liên Âu thông qua. Frederick Florin / AFP
Việc Hiệp định Đầu tư quan trọng Trung – Âu nói trên gặp bế tắc mở ra cơ hội cho Việt Nam thu hút đầu tư. Vì sao Việt Nam là quốc gia có thể hưởng lợi, và trong những điều kiện nào Việt Nam có thể thu hút được đầu tư Châu Âu ?
***
Các đầu tư trực tiếp nước ngoài của Liên Âu vào Trung Quốc là hơn 140 tỉ đô la trong vòng 20 năm trở lại đây. Đầu tư từ phía Trung Quốc vào Liên Âu là khoảng 120 tỉ euro. Đối với Liên Âu, các đầu tư Châu Âu vào Trung Quốc là "tương đối ít so với quy mô và tiềm năng của nền kinh tế Trung Quốc". Theo Ủy Ban Châu Âu, thỏa thuận CAI là một thỏa thuận "có tham vọng chưa từng thấy" mà Bắc Kinh ký kết với một vùng lãnh thổ. Thỏa thuận này cho phép các nhà đầu tư của Liên Âu được hưởng "các điều kiện cạnh tranh công bằng hơn" tại thị trường đang tăng trưởng nhanh chóng, với 1,4 tỉ dân cư này. Liên Âu và Trung Quốc hy vọng hợp tác để cùng phát triển trong bối cảnh Trung Quốc vượt Hoa Kỳ trở thành đối tác thương mại số một của EU, kể từ đầu năm 2021.
Hiệp định Đầu tư quan trọng Trung – Âu hứa hẹn tạo một sân chơi bình đẳng, minh bạch hơn cho các nhà đầu tư Trung Quốc và Châu Âu tại hai thị trường khổng lồ này. Hiệp định CAI sẽ giúp các nhà đầu tư EU tiếp cận hàng loạt các lĩnh vực tiềm năng của thị trường Trung Quốc, chẳng hạn như phương tiện giao thông (đặc biệt là xe điện), giao thông hàng không, hàng hải, viễn thông, tin học, nghiên cứu và phát triển các nguồn tài nguyên sinh học (lĩnh vực mà Trung Quốc lần đầu tiên mở cửa cho đầu tư nước ngoài), xây dựng, dịch vụ tài chính, bệnh viện tư nhân tại các đô thị lớn, các dịch vụ về môi trường… Hiệp định CAI cũng thúc đẩy các doanh nghiệp tại Trung Quốc nâng cao các tiêu chuẩn về phương diện phát triển bền vững, bảo vệ môi trường, khí hậu và trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp.
Tóm lại, CAI là một cơ hội lớn đối với nền kinh tế Trung Quốc, trong bối cảnh thế đối đầu gia tăng giữa Bắc Kinh và Washington. Tuy nhiên, các bất đồng gay gắt trong lĩnh vực nhân quyền Âu - Trung, đặc biệt về các xâm phạm nhân quyền nghiêm trọng tại Tân Cương, bị giới bảo vệ nhân quyền và một bộ phận chính giới Châu Âu lên án, đã khiến Hiệp định này bị đình chỉ phê chuẩn.
Đài phát thanh Đức Deutsche Welle (DW) có bài tổng hợp đáng chú ý về chủ đề này, với tiêu đề, "Vietnam to gain as EU-China investment pact stalls" (09/07/2021), nêu bật một số lý do chính khiến Việt Nam có thể trở thành điểm đến của các đầu tư Châu Âu. Thứ nhất là kinh tế Việt Nam tăng trưởng mạnh trong những năm gần đây, trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ - Trung. Thứ hai là quan hệ thương mại giữa Việt Nam và Liên Âu đang trên đường cải thiện đáng kể. Thứ ba là đầu tư hiện tại của Châu Âu vào Việt Nam chưa xứng với các tiềm năng của các nước EU, thứ tư là môi trường đầu tư Việt Nam có xu hướng trở nên "an toàn hơn" cho các nhà đầu tư.
Theo DW, Việt Nam được coi là một trong các nền kinh tế phát triển nhanh nhất Châu Á trong thập kỷ qua, và cũng là nước được hưởng lợi nhiều, trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, kể từ năm 2018, với việc nhiều công ty Mỹ và Nhật Bản di chuyển cơ sở từ Trung Quốc sang Việt Nam. Theo ông Lê Anh Tuấn, phụ trách bộ phận nghiên cứu của công ty tư vấn kinh tế Dragon Capital, tương tự như với nhiều doanh nghiệp Hoa Kỳ và Nhật Bản, doanh nghiệp Châu Âu có thể tìm đến Việt Nam như một địa điểm an toàn hàng đầu trong bối cảnh có nhiều rủi ro "chiến tranh thương mại" Mỹ - Trung.
Trong quan hệ thương mại với Liên Âu, Việt Nam có lợi thế với tư cách là đối tác lớn thứ 15 của Liên Âu, với tổng trao đổi hàng hóa song phương trị giá 43,2 tỉ euro năm 2020, EU trở thành thị trường xuất khẩu thứ hai của Việt Nam sau Hoa Kỳ. Chỉ riêng trong quý đầu năm 2021, xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường Châu Âu trị giá 10 tỉ đô la, tăng 18% so với cùng kỳ năm ngoái.
Các nước Liên Âu còn nhiều tiềm năng để đầu tư vào Việt Nam. Theo số liệu của EU, trong năm 2019, tổng vốn đầu tư của các nước Liên Âu vào Việt Nam vào thời điểm đó là 6,1 tỷ Euro. Con số quá ít so với hơn 60 tỷ USD tổng đầu tư của Hàn Quốc và Nhật Bản. Theo trung tâm Dragon Capital, trong sáu tháng đầu năm nay, Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc chiếm đến hai phần ba trong tổng số 15,3 tỉ đô la vốn đầu tư vào Việt Nam. Pháp, Đức và Luxembourg hiện lần lượt là các nhà đầu tư lớn thứ 16, 17 và 18 tại Việt Nam.
Môi trường kinh doanh tại Việt Nam dường như đang trở nên "an toàn hơn" trong con mắt giới đầu tư Châu Âu. Một báo cáo của Phòng Thương mại Châu Âu tại Việt Nam công bố vào tháng 2 cho thấy các doanh nghiệp Châu Âu có mức độ tin tưởng cao vào thị trường này, với 48% mô tả hoạt động kinh doanh của họ là "xuất sắc" hoặc "tốt", tỉ lệ gia tăng đáng kể so với 2020.
Nhóm chuyên gia thuộc công ty VCI Legal, chuyên về luật kinh doanh quốc tế, có trụ sở tại Việt Nam, trên trang mạng Lexology, cũng ghi nhận hai lý do chính khiến Việt Nam trở thành là một trong những điểm đến đầu tư hàng đầu hiện nay (bài "EU’s Suspension of the Comprehensive Agreement on Investment with China - Vietnam as an alternative investment destination") : điểm đến an toàn trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ - Trung và việc Việt Nam tham gia vào hàng loạt các thỏa thuận thương mại (như các hiệp định với Châu Âu EVFTA / EVIPA, Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương CPTPP và Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực RCEP).
Theo nhà nghiên cứu Lê Hồng Hiệp, học giả thuộc chương trình nghiên cứu về Việt Nam, tại Viện ISEAS–Yusof Ishak institute, Singapore, được đài Đức DW dẫn lời, cho dù tiềm năng là lớn, nhưng để Việt Nam thu hút được các đầu tư từ Châu Âu, Việt Nam còn phải nỗ lực nhiều, bởi "còn nhiều thách thức".
Thỏa thuận Bảo hộ Đầu tư Việt Nam – Liên Âu (EU-Vietnam Investment Protection Agreement - EVIPA), đã được thông qua ở cấp Liên Âu, cùng với Thỏa thuận thương mại tự do Việt Nam – Liên Âu. Tuy nhiên, theo luật pháp Châu Âu, Thỏa thuận này còn phải được tất cả 27 quốc gia thành viên Liên Âu phê chuẩn trước khi có hiệu lực. Nhà nghiên cứu Lê Hồng Hiệp nhấn mạnh là "Nếu việc phê chuẩn được tiến hành mau lẹ và thỏa thuận sớm có hiệu lực, thì Việt Nam có cơ hội thu hút được nhiều đầu tư từ Liên Âu, ngược lại, nếu như thỏa thuận cũng bị tắc nghẽn như Thỏa thuận Đầu tư Toàn diện Trung – Âu, thì Việt Nam cũng sẽ mất đi cơ hội quý giá này".
Ngay sau khi Nghị Viện Châu Âu đình chỉ tiến trình phê chuẩn Hiệp định Đầu tư Toàn diện với Trung Quốc, chính quyền Việt Nam đã tiếp tục hối thúc nhiều quốc gia thành viên Châu Âu (như Ý, Đức, Rumani…) nhanh chóng phê chuẩn Thỏa thuận Bảo hộ Đầu tư EVIPA. Theo Phòng Thương mại và Công nghiệp Pháp - Việt, cho đến nay, mới chỉ có 4 quốc gia Châu Âu phê chuẩn EVIPA (gồm Hungary, Litva, Rumani và Thụy Điển). Tuy nhiên, để có thể được hưởng lợi đầu tư từ Liên Âu, theo ông Lê Hồng Hiệp, một điều cũng rất quan trọng là tân chính phủ Việt Nam, dưới quyền của thủ tướng Phạm Minh Chính, người được Đảng cộng sản cầm quyền bầu chọn vào cương vị này từ tháng 3/2021, phải thúc đẩy các cải cách có lợi cho doanh nghiệp.
Trọng Thành
Nguồn : RFI, 12/07/2021
*********************
Dân biểu Châu Âu phản đối việc khởi tố và bắt giam nhà báo Mai Phan Lợi và luật gia Đặng Đình Bách
Ỷ Lan, RFA, 12/07/2021
Ngày 16 tháng 11 năm ngoái, bảy tổ chức xã hội dân sự đã họp nhau thành lập Ban Điều hành Mạng lưới VNGO-EVFTA nhằm mục tiêu tư vấn việc thi hành Hiệp ước Tự do Mậu dịch Liên Âu-Việt Nam, tức EVFTA.
Trong số bảy tổ chức này có hai tổ chức Trung tâm Truyền thông Giáo dục Cộng đồng (MEC) đứng đầu là Nhà báo Mai Phan Lợi, và Trung tâm Nghiên cứu Pháp luật và chính sách Phát triển bền vững (LPSD) do Luật sư Đặng Đình Bách đứng đầu.
Nhà báo Mai Phan Lợi (trái) và luật gia Đặng Đình Bách Photo : RFA
Ngày 2 tháng 7 vừa qua, công an Hà Nội công bố tin bắt giam và khởi tố hai ông Mai Phan Lợi và Đặng Đình Bách vì tội "trốn thuế". Riêng ông Lợi đã bị bắt từ ngày 24 tháng 6.
Chiều ngày 12 tháng 7, Bà Maria Arena, Chủ tịch Phân ban Nhân quyền Quốc hội Châu Âu, tuyên bố trước Quốc hội rằng :
"Tôi muốn truyền đi mối quan ngại của chúng tôi về việc bắt giam hai đại diện xã hội dân sự quan trọng tại Việt Nam, là Nhà báo Mai Phan Lợi, Chủ tịch Văn phòng Khoa học Trung tâm Truyền thông Giáo dục Cộng đồng, và Luật sư Đặng Đình Bách, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Pháp luật và chính sách Phát triển bền vững.
"Hai đại diện các tổ chức phi chính phủ này đồng thời cũng là những tổ chức tích cực tham gia vào Mạng lưới thành lập tháng 11 vừa qua để nâng cao nhật thức trong người dân về Hiệp ước EVFTA".
Chúng tôi tìm gặp bà Jude Kirton-Darling, Chủ tịch Ban Tư vấn Liên Âu thiết lập theo quy chế EVFTA, hỏi thêm chi tiết. Mời quý thính giả theo dõi cuộc phỏng vấn ấy sau đây.
Bà Jude Kirton-Darling, Chủ tịch Ban Tư vấn Liên Âu
Ỷ Lan : Thưa bà Jude Kirton-Darling, bà là Chủ tịch Ban Tư vấn Liên Âu được thiết lập theo quy chế EVFTA, Hiệp ước Tự do Mậu dịch Liên Âu – Việt Nam. Xin bà giải thích cho thính giả Đài Á Châu Tự do được biết về vai trò của Ban Tư vấn này.
Jude Kirton-Darling : Vâng. Trong tất cả mọi Hiệp ước Tự do Mậu dịch của Liên Âu đều có một Chương về Mậu dịch và Phát triển bền vững, qua đó quy định việc hình thành Ban Tư vấn của hai bên ký kết hiệp ước, nhằm thiết lập cơ chế thực thi hiệp ước, đặc biệt chú tâm tới các lĩnh vực quyền người lao động, quyền môi sinh và các vấn đề xã hội và kinh tế. Hiệp ước EVFTA quy định thiết lập một Ban Tư vấn (gọi là DAG) bên phía Liên Âu bao gồm các xã hội dân sự với số thành viên đồng đẳng các đại diện giới chủ nhân và doanh thương, đại diện thợ thuyền và Công đoàn, cũng như đại diện các tổ chức Phi Chính phủ. Trên nguyên tắc, phía Việt Nam cũng phải thiết lập một Ban Tư vấn (DAG) như thế. Tức là phải bao gồm đại diện các tổ chức dân sự độc lập. Theo Hiệp ước quy định, các Ban Tư vấn Liên Âu và Việt Nam có những cuộc họp chung để đưa ra các khuyến thỉnh trình Uỷ ban Mậu dịch và Phát triển bền vững giữa chính quyền Việt Nam và Hội đồng Liên Âu.
Ỷ Lan : Nhưng hồi tháng 6 vừa qua, bà đã ra lời tuyên bố hối tiếc cuộc họp chung giữa hai Ban Tư vấn Việt Nam và Liên Âu phải huỷ bỏ, vì nhà cầm quyền Hà Nội chưa thành lập Ban Tư vấn Việt Nam. Vì sao như thế, xin bà giải thích rõ hơn ?
Jude Kirton-Darling : Bên phía Liên Âu, chúng tôi đã thành lập xong Ban Tư vấn (DAG) ngay từ hồi đầu năm, và đã họp nhau nhiều lần. Chúng tôi chờ DAG Việt Nam nhưng đợi hoài không thấy. Ngay từ đầu năm, chúng tôi đã kêu gọi các tổ chức xã hội dân sự ghi danh vào Ban Tư vấn trong nước, nhưng ít thấy các tổ chức nào tham gia. Hiểu rõ hiện trạng Việt Nam, chúng ta sẽ nhận ra ngay chuyện nhiêu khê cho các tổ chức tự nguyện dám tham gia. Khi chúng tôi kêu gọi lần thứ hai sau đó, một số tổ chức tỏ vẻ quan tâm. Nhưng Việt Nam vẫn chưa chịu thiết lập Ban Tư vấn trong nước. Lúc đó chúng tôi hy vọng có thể họp hai Ban Tư vấn tại Diễn đàn Liên Âu vào thượng tuần tháng 6. Cuối cùng đành huỷ bỏ vì DAG Việt Nam chưa hiện hữu. Hội đồng Liên Âu quyết định sẽ không có cuộc họp giữa hai phía chính quyền, nếu cột trụ xã hội dân sự Việt Nam chưa thành hình. Vì lý do này mà cả hai cuộc họp phải huỷ bỏ. Trong tư thế DAG Liên Âu, chúng tôi lấy quyết định bất thường trong bối cảnh Hiệp ước EVFTA, ra tuyên bố công khai nhắc nhở nhà cầm quyền Việt Nam về sự cam kết họ từng hứa hẹn và kêu gọi họ nhanh chóng khắc phục.
Ỷ Lan : Mới đây, chuyện rắc rối khác lại xẩy ra tại Việt Nam. Hai nhà hoạt động xã hội dân sự, nhà báo Mai Phan Lợi và Luật sư Đặng Đình Bách từng nộp đơn xin làm thành viên DAG Việt Nam, bị bắt. Bà phản ứng ra sao trước sự kiện này, thưa bà ?
Jude Kirton-Darling : Chẳng ai trong chúng tôi ngây thơ đâu. Chúng tôi dư biết không gian hoạt động dành cho các xã hội dân sự tại Việt Nam rất giới hạn. Lý do vì sao chúng tôi thường xuyên thúc giục Việt Nam mở rộng không gian nầy. Trong thời gian thương thảo ký kết hiệp ước EVFTA, nhà cầm quyền Việt Nam hứa hẹn rằng sẽ để cho các xã hội dân sự mọi dễ dàng tham gia cơ chế theo dõi mậu dịch và phát triển bền vững EVFTA. Cho nên sự bắt giam hai người hoạt động xã hội dân sự vừa qua khiến chúng tôi cực kỳ quan ngại. Chúng tôi không ngừng khuyến khích các tổ chức xã hội dân sự tại Việt Nam ghi tên tham gia Ban Tư vấn trong nước, tức DAG Việt Nam. Chúng tôi dư biết động thái này không kém phần nguy hiểm. Tuy nhiên, trách nhiệm nằm trong tay nhà cầm quyền Việt Nam để thực thi điều chính họ tham gia ký kết, và điều này còn bảo đảm việc mở rộng không gian hoạt động cho xã hội dân sự.
Ỷ Lan : Đây có phải là nhược điểm của EVFTA không thưa bà ? Dù sao chúng ta cũng đã biết Việt Nam là quốc gia Độc Đảng. Bà không thể nào trông cậy chuyện các tổ chức xã hội dân sự đóng vai trò độc lập để điều hành cơ chế kiểm soát hay biểu đạt các quan điểm phê phán mà không sợ bị đàn áp hay bắt giam ?
Jude Kirton-Darling : Đây chính là trọng tâm cuộc thảo luận tại Quốc hội Liên Âu trước khi phê chuẩn EVFTA : được hay không các tổ chức xã hội dân sự độc lập tại Việt Nam tham gia vào cơ chế kiểm soát việc mậu dịch và hát triển bền vững của EVFTA ? Khi tôi còn là Dân biểu Quốc hội Châu Âu, tôi đã hết sức chống đối việc phê chuẩn. Nhưng cuối cùng, tôi bị ở vào thành phần thiểu số, thế rồi EVFTA được phê chuẩn. Nay thì chúng ta phải cố gắng hết sức mình làm tốt mọi sự, sử dụng tối đa các công cụ hàm chứa trong EVFTA để bảo đảm các cam kết đôi bên, Việt Nam và Liên Âu, được thực thi từ cơ bản. Nhưng chúng tôi biết rằng hoàn cảnh các xã hội dân sự tại Việt Nam cực kỳ rắc rối, và chúng tôi, xã hội dân sự Châu Âu liên đới nhau áp lực Việt Nam và Hội đồng Âu Châu nhằm bảo đảm hai bên cùng tôn trọng các cam kết mở rộng không gian hoạt động cho các xã hội dân sự tại Việt Nam.
Ỷ Lan : Theo bà, Liên Âu có tính trừng phạt hay ngưng áp dụng hiệp ước EVFTA nếu Việt Nam không chịu thực thi các nghĩa vụ ký kết ?
Jude Kirton-Darling : Tôi không tin chúng ta ở vào giai đoạn này. Liên Âu vốn đã có tiến trình trừng phạt hay ngưng thi hành Các hiệp ước tự do mậu dịch, nhưng hiếm khi áp dụng. Tuy nhiên, đã có tiền lệ – đó là trường hợp Hiệp ước Tự do mậu dịch với Nam Hàn. Tranh cãi kéo dài vì Nam Hàn không chịu thi hành một bộ phận trong hiệp ước. Liên Âu đành phải triệu tập cuộc hội thảo các chuyên gia quốc tế để đúc kết báo cáo như bước đầu cuộc trừng phạt. Nhờ vậy, Nam Hàn đã chịu tuân theo các nghĩa vụ ký kết, và hiện nay hiệp ước giữa Liên Âu và Nam Hàn được bình thường hoá.
Ỷ Lan : Bà có tính yêu cầu Việt Nam trả tự do cho hai người vừa bị khởi tố hôm 2 tháng 7 vừa qua ?
Jude Kirton-Darling : Chắc chắn tôi sẽ làm việc đó ! Mục tiêu tối ưu của chúng tôi là áp lực cho việc mở rộng không gian sinh hoạt cho các xã hội dân sự. Chắc chắn sẽ là một đáp ứng chờ mong nếu nhà cầm quyền Việt Nam chịu lấy những bước cụ thể giải quyết vấn nạn tù nhân chính trị và mở rộng không gian cho xã hội dân sự.
Ỷ Lan : Xin cám ơn bà Jude Kirton-Darling, Chủ tịch Ban Tư vấn Liên Âu, cho cuộc phỏng vấn này.
Ỷ Lan thực hiện
Nguồn : RFA, 12/07/2021
Coronavirus hay Hiệp ước Thương mại song phương Việt Nam - EU, Liên Hiệp Châu Âu, và các thể chế dân chủ khác, không đủ hiểu biết về Việt Nam, Trung Quốc nhưng lại chủ quan đánh giá thấp những đối tác Châu Á theo mô hình toàn trị.
Tedros Adhanom của WHO và Tập Cận Bình tại Bắc Kinh, 28/01/2020.
Trước tiên chúng ta hãy điểm lại tin theo dòng sự kiện. Bắt đầu từ tháng 12, đầu tháng Giêng, đã có những tin tức rò rỉ không kiểm chứng kinh khủng về dịch corona bên Vũ Hán, về tốc độ lây nhiễm và số lượng người chết.
Tuy nhiên đến ngày 30/01, lần đầu tiên WHO ra thông cáo về coronavirus, và nói rằng, WHO không có khuyến nghị hạn chế du lịch, di chuyển hay buôn bán.
Phó chủ tịch Ủy ban Thương mại của Quốc hội Châu Âu, Liliu Winkler, cùng với nhóm đảng EPP ngày 11/12/2019 đưa ra tuyên bố buôn bán với Việt Nam có quy tắc hơn là buôn bán với Việt Nam không có quy tắc, ngụ ý rằng có thể ép đối tác tuân thủ luật chơi của Liên Hiệp Châu Âu. Bernd Lange, Chủ tịch Ủy ban Thương mại Quốc hội Châu Âu, ngày 12/02/2020, còn tuyên bố sự cô lập không làm thay đổi một đất nước, mà là hợp tác ; ngụ ý rằng, thông qua hợp tác, Liên Hiệp Châu Âu có thể thay đổi được đối tác Việt Nam.
Ngày 8/03/2012, Ý phong tỏa một số thành phố phía bắc nơi có 16 triệu người sinh sống. Con số người nhiễm ở Ý vượt qua 10.000.
Ngày 09/03, Quốc hội Châu Âu cắt ngắn phiên họp toàn thể đáng lẽ kéo dài 4 ngày vì corona. Cùng ngày Viêt Nam hủy việc miễn thị thực cho công dân thuộc 8 nước trong Liên Hiệp Châu Âu.
14/03, Liên Hiệp Châu Âu giật mình khi Mỹ đóng cửa biên giới với 26 nước trong khối Liên Hiệp Châu Âu. Cùng ngày, Áo đơn phương đóng cửa với Italy, bất chấp nguyên tắc không biên giới bên trong khối Schengen.
Ngày 15/03, Việt Nam từ chối nhập cảnh công dân của UK và 26 nước trong khối Schengen.
Ngày 16/3, chín nước bao gồm Tiệp, Cypris, Đan Mạch, Hungary, Latvia, Lithuania, Poland, Slovakia, and Tây Ban Nha đóng cửa biên giới với người nước ngoài bất chấp nguyên tắc của khối Schengen, mà như mọi người biết, nguyên tắc tự do đi lại (free movement) là một trong những nguyên tắc sống còn của Liên minh này.
Hoàn toàn ở thế bị động, ngày 17 tháng 3, Liên Hiệp Châu Âu đành phải điều phối với các nước thành viên để ra quyết định chung, cấm nhập cảnh vào 27 quốc gia thành viên trong 30 ngày tới.
Đến nay thì ít nhất các nước Ý, Pháp, Đức, Bỉ, Đan Mạch ban bố tình trạng phong tỏa. Và hiện tại tâm điểm của đại dịch là ở Châu Âu như thông cáo của WHO. Ngày hôm nay báo chí đưa tin chính phủ Ý phải sử dụng nhiều xe quân đội vận chuyển thi hài bệnh nhân Covid-19.
Nhắc lại sự kiện hơi dài dòng để mọi người nắm bắt được tầm nhìn, thực lực của bộ máy hành chính và chính trị của Liên Hiệp Châu Âu.
Theo ý kiến của người viết, đầu tiên là do không hiểu biết đủ về những đối tác Châu Á theo mô hình toàn trị, đáng lẽ họ có thể tiếp nhận và xử lý những nguồn thông tin không chính thống từ tháng 12, và cuối tháng 1, để mà chuẩn bị và lên chiến lược đối phó với virus corona từ sớm (đơn cử là tạm hủy visa với người Trung Quốc, cách ly 14 ngày, từ đầu tất cả khách du lịch khi nhập cảnh vào Châu Âu) thì mọi chuyện dễ dàng hơn rất nhiều.
Liên Hiệp Châu Âu chủ quan khi chỉ nghĩ một chiều, rằng thông qua hợp tác làm ăn thì Liên minh có thể thay đổi đối tác mà không nghĩ đến chiều ngược lại, đối tác có thể thay đổi mình, và hệ lụy khi mình ngồi cùng xuồng với đối tác. Đối tác làm xuồng chìm là mình cũng chết chùm với người ta.
Chính sự chủ quan và khinh địch và thiếu hiểu biết, họ máy móc, không chấp nhận, không tiếp nhận, không xử lý những thông tin không chính thống bị lọt ra dưới các chế độ toàn trị. Mặc dù biết là các chế độ toàn trị Châu Á nói trên nằm ở top 5 các nước kiểm soát thông tin khắt khe, được xếp vào kẻ thù của Internet, họ vẫn đòi hỏi thông tin phải từ nguồn chính thống. Từ cuối tháng 12, và đầu tháng 1, các tin tức không kiểm chứng về dịch bệnh Corona bên Vũ Hán với tốc độ lan truyền kinh khủng, tỷ lệ người chết ước đoán rất cao, nhưng Liên Hiệp Châu Âu, cũng như các quốc gia Châu Âu khác không tiếp nhận các thông tin đó mà chỉ tiếp nhận thông tin từ chính phủ Trung Quốc (với tỵ lệ tử vong thấp, cỡ 3,4%) và tổ chức y tế thế giới WHO. Mà WHO thì không làm tròn nhiệm vụ khuyến cáo thế giới, để đến khi Europe là trung tâm của đại dịch toàn cầu thì mới ra tuyên bố.
Nhìn trên thế giới, giao thương buôn bán giữa Đài Loan và Trung Quốc rất chặt chẽ ; và Đài Loan thành công trong việc kiểm soát virus corona. Có lẽ do Đài Loan hiểu rõ về Trung Quốc hơn Liên Hiệp Châu Âu nên họ có sự chuẩn bị tự sớm, thích ứng từ sớm.
Nói nôm na cuộc chơi giữa Châu Âu (hay phương tây nói chung) và Trung Quốc (cũng như Việt Nam), giống như giải bóng đá có 2 chiều. Chiều trên sân nhà, Trung Quốc và Châu Âu cùng áp dụng luật FIFA, các đài báo quốc doanh của Trung Quốc (hay Việt Nam) được phép đi sâu đi sát khai thác các đề tài hạ thấp, đánh giá tiêu cực mô hình dân chủ của các nước phương tây. Nhưng chiều lượt đi đá trên sân Trung Quốc (hay Việt Nam), thì chỉ các cầu thủ Trung Quốc (hay chỉ có các cầu thủ Việt Nam) được phép dùng tay (chặn Twitter, trường hợp Trung Quốc), chặn website của các hãng tin bằng tiếng địa phương, như VOA tiếng Việt, BBC tiếng Trung, BBC tiếng Việt…), chặn hoặc ép Facebook, YouTube theo luật của Bắc Kinh và Hà Nội ; hay bắt giam hoặc khống chế các nhà hoạt động dân sự dũng cảm, lũng đoạn các tổ chức thế giới như WHO. Chấp nhận cuộc chơi bất bình đẳng như vậy, Châu Âu đang phải trả giá. Liệu Liên Hiệp Châu Âu và các thể chế dân chủ khác có rút ra được bài học này không ?
Nguyễn Hoàng Hải (Bỉ)
Nguồn : VOA, 26/03/2020
Chỉ trong ít tháng gần đây, Liên Hiệp Châu Âu (EU) đã có loạt hành động phản ứng nhà cầm quyền Việt Nam gia tăng bắt bớ và xử tù nặng nề đối với những người bất đồng chính kiến và hoạt động nhân quyền, xã hội dân sự.
Bà Nguyễn Thị Ngọc Sương (trái) và Vũ Thị Dung ra tòa hôm 10 Tháng Năm, 2019, vì cáo buộc "rải truyền đơn chống phá nhà nước" với án tù 5 và 6 năm tù. (Hình : Báo Thanh Niên)
Vào Tháng Năm, 2019, Phái đoàn Liên Hiệp Châu Âu tại Việt Nam đã phản ứng sau khi Tòa án Nhân dân tỉnh Đồng Nai kết án nặng nề đối với hai người bất đồng là bà Vũ Thị Dung và bà Nguyễn Thị Ngọc Sương, và "mong đợi việc Bà Vũ Thị Dung và Bà Nguyễn Thị Ngọc Sương sẽ được trả tự do ngay lập tức và vô điều kiện."
Đến Tháng Sáu, 2019, mức độ phản ứng đã lên đến cấp EU ở Bruxelles, Bỉ (nơi đặt trụ sở của EU) đối với trường hợp kỹ sư Nguyễn Ngọc Ánh bị tòa án Việt Nam tuyên án 6 năm tù và 5 năm quản chế, đồng thời nhận định đây là "một sự phát triển đáng lo ngại."
EU đã nhắc lại các quan điểm :
"Những vụ xét xử này là một phần của việc thực thi trên phạm vi rộng các điều khoản về an ninh quốc gia trong Bộ luật Hình sự năm 2015 đồng thời tiếp nối xu hướng tiêu cực trong việc truy tố và kết án các công dân Việt Nam vì các lý do trong đó có việc biểu đạt một cách ôn hòa các quan điểm của mình trên mạng" ;
"Liên Hiệp Châu Âu cam kết mạnh mẽ trong việc bảo vệ các nhà hoạt động nhân quyền trên khắp thế giới. Chúng tôi sẽ tiếp tục theo dõi tình hình nhân quyền ở Việt Nam đồng thời hợp tác với các cơ quan chức năng hướng tới việc cải thiện tình hình nhân quyền tại đây."
Cần chú ý là mật độ phản ứng của EU về tình trạng vi phạm nhân quyền ở Việt Nam trong thời gian gần đây là dày hơn khá nhiều so với mối quan tâm thưa thớt cùng chủ đề của cơ quan này trước đây.
Những năm trước, EU và đặc biệt là Phái đoàn Liên Hiệp Châu Âu tại Việt Nam không mấy chú tâm đến làn sóng bắt bớ dân chủ nhân quyền ở Việt Nam mà chỉ đặt trọng tâm vào hoạt động giao thương.
"Mở mắt"
Tâm thế mềm mỏng chuyển sang cứng rắn về cải thiện nhân quyền của EU chỉ lộ rõ hơn từ nửa cuối năm 2017, sau việc Nhà nước Đức tố cáo mật vụ Việt Nam bắt cóc Trịnh Xuân Thanh ngay tại Berlin.
Có thể cho rằng vụ Trịnh Xuân Thanh là cú đột phá khẩu mà đã khiến cho toàn Châu Âu được "mở mắt," nhận thức lại hoàn toàn về toàn bộ những gì mà chính quyền Việt Nam vẫn tự cho là "nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa" và "Việt Nam luôn quan tâm và bảo đảm các quyền con người."
Vào ngày 14 Tháng Mười Hai, 2017 – ngay sau khi kết thúc Đối Thoại Nhân Quyền EU – Việt Nam với kết quả tồi tệ, Quốc Hội Liên Hiệp Châu Âu đã thông qua một nghị quyết khẩn cấp, được thông qua bởi đa số các nghị sĩ trong phiên họp toàn thể nghị viện ở thành phố Strasbourg, lên án chính phủ Việt Nam về các hành động đàn áp tự do thông tin, và yêu cầu Việt Nam phải trả tự do cho toàn bộ các nhà báo công dân.
Kết quả hầu như là con số 0 của Đối thoại nhân quyền EU – Việt Nam cùng những bản nghị quyết đầy sắc thái cứng rắn của Quốc hội EU đã cho thấy Châu Âu không còn chấp nhận tư thế dễ bị "ăn hiếp" bởi giới chóp bu Việt Nam quá quen mặc cả nhân quyền đổi lấy lợi ích thương mại, đồng thời dựng lên một bức tường đủ cao trước Hà Nội nếu muốn đạt được EVFTA (Hiệp Định Thương Mại Tự Do Châu Âu – Việt Nam).
Tình trạng vi phạm nhân quyền bất chấp của chính thể độc đảng ở Việt Nam chính là nguồn cơn vừa sâu xa vừa trực tiếp mà đã khiến vào ngày 15 Tháng Mười Một, 2018, gần một tháng sau khi Việt Nam đã tưởng như chắc ăn khi Ủy Ban Châu Âu đồng thuận làm tờ trình cho Hội đồng Châu Âu để xem xét việc ký kết EVFTA với Việt Nam, nghị viện Châu Âu đã bất ngờ tung ra nghị quyết 2018/2925(RSP) về nhân quyền Việt Nam.
Bản nghị quyết này còn cứng rắn hơn cả bản nghị quyết về vấn đề nhân quyền Việt Nam mang số hiệu 2016/2755 (RSP) công bố vào Tháng Sáu, 2016.
Toàn bộ nội dung của bản nghị quyết 2018/2925 (RSP) giống hệt một cáo trạng toàn diện và đanh thép lên án chính thể độc đảng ở Việt Nam về rất nhiều hành vi vi phạm nhân quyền trầm trọng về tự do tôn giáo, tự do biểu đạt, tự do ngôn luận, tự do báo chí, nạn bắt bớ người hoạt động nhân quyền, không chịu ký kết các công ước quốc tế về lao động…
Đến Tháng Hai, 2019, EVFTA đã bị Hội Đồng Châu Âu hoãn vô thời hạn mà nguồn cơn thực chất là vô số vi phạm nhân quyền của Hà Nội. Một đòn choáng váng dành cho những kẻ đánh võng mà không có lấy một chút thực tâm cải thiện nhân quyền.
Chưa bao giờ diễn ra mối đồng cảm và sự phối hợp đồng bộ, nhịp nhàng như hiện nay giữa các tổ chức nhân quyền quốc tế và nhiều nhà nước ở Châu Âu. Hiểu một cách đơn giản, nếu chính thể Việt Nam không chịu thỏa mãn những điều kiện nhân quyền chính yếu của Nghị Viện Châu Âu, sẽ chẳng có EVFTA nào hết.
Vào lúc này, có thể những người Âu Châu đã đã rút ra được bài học xương máu như người Mỹ trong các cuộc đàm phán nhân quyền bất tận và vô nghĩa với Việt Nam : chính sách "đổi tù nhân lương tâm lấy lợi ích thương mại" của Việt Nam là cực kỳ "xuyên suốt" cho đến khi nào chính thể này còn chưa bị đẩy vào chân tường.
Ngân – Phúc đi Châu Âu công cốc ?
Thế nhưng cho đến nay, không khí đàn áp nhân quyền ở Việt Nam vẫn đặc sệt như một thùng thuốc súng. Chưa có bất kỳ một dấu hiệu nào cho bất kỳ một "cải thiện nhân quyền" nào, dù chỉ mang tính mị dân hoặc để đối phó với cộng đồng quốc tế.
Những chuyến đi Châu Âu liên tiếp của Nguyễn Thị Kim Ngân (Chủ tịch Quốc Hội) và Nguyễn Xuân Phúc (thủ tướng chính phủ) chỉ nhằm phát đi những cam kết mà rất có thể vẫn chỉ là lối hứa cuội về nhân quyền.
Hãy ghi nhớ rằng quan điểm "vào trước, bắt sau" của Hà Nội là rất nhất quán kể từ thời WTO : vào năm 2006, chính thể Việt Nam đã tạm ngưng bắt bớ giới hoạt động dân chủ nhân quyền để đổi lấy điều kiện được Mỹ chấp nhận cho tham gia vào Tổ Chức Thương Mại Thế Giới và còn được nhấc khỏi CPC (Danh sách các nước cần đặc biệt quan tâm về tự do tôn giáo) của Mỹ.
Nhưng khi đã ung dung trong trong WTO và hưởng lợi lớn từ nhiều ưu đãi của tổ chức này, nhà cầm quyền Việt Nam lại bắt trở lại, và bắt ồ ạt, hung hãn và đầy sắc máu đối với nhiều người hoạt động nhân quyền và bất đồng chính kiến.
Việc EU gia tăng phản ứng trong thời gian gần đây về việc nhà cầm quyền Việt Nam bắt bớ và xử tù nặng nề đối với những người bất đồng chính kiến là một tín hiệu và cũng là thông điệp xấu đối với chính thể độc đảng độc tài : EVFTA sẽ rất khó được nghị viện mới của Châu Âu đồng ý cho ký kết và phê chuẩn.
Quả thực, từ sau chuyến thăm ba nước Châu Âu là Nga, Na Uy và Thụy Điển của Thủ Tướng Phúc vào cuối Tháng Năm, 2019, cho đến nay vẫn chưa có bất kỳ tín hiệu nào cho thấy EVFTA "sẽ được ký kết và phê chuẩn vào cuối Tháng Sáu" như một số nguồn tin của đảng và "thân đảng" khấp khởi trước đó.
Thói chủ quan, kênh kiệu rởm đời và không chịu thay đổi não trạng đàn áp nhân quyền của giới chóp bu Việt Nam đã khiến hàng ngàn doanh nghiệp Việt Nam mất cơ hội được tham gia sớm vào thị trường EU khi EVFTA bị hoãn ký. Đồng thời làm chìm đắm hơn nền ngân sách hộc rỗng của chính quyền trung ương ở Việt Nam khi không biết đào đâu ra ngoại tệ để trả nợ nước ngoài đang liên tiếp đến hạn thanh toán và lên đến hàng chục tỷ đô la mỗi năm.
Phạm Chí Dũng
Hãng Reuters trong tuần qua đưa tin cho biết phía Đức đang cân nhắc những biện pháp tiếp theo trong vụ Trịnh Xuân Thanh, người có lệnh truy nã của Bộ Công an Việt Nam, sau 10 tháng lẩn trốn đã xuất hiện ở Hà Nội, và cũng đề cập đến những khoản viện trợ phát triển đáng kể đang và sẽ có thể giúp cho Việt Nam.
Bộ trưởng Ngoại giao Đức Sigmar Gabriel (phải) và Bộ trưởng Ngoại giao Slovakia, ông Miroslav Lajcak (trái)tại cuộc họp báo ở tại Wolfsburg, Đức ngày 4 tháng 8 năm 2017. AFP
Một trong những vấn đề được chú ý là liệu Việt Nam có gặp trở ngại trong thời gian chờ đợi thông qua Hiệp định Tự do Thương mại giữa EU và Việt Nam (FTA) hay không ?
Trước tiên, cần phải nhắc lại vào khoảng thời gian tháng 11 năm 2016, tại cuộc gặp với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc diễn ra ở Hà Nội, ông Phil Hogan, Cao ủy Liên Hiệp Châu Âu (EU) cho biết hiện EU đang đẩy nhanh tiến trình phê chuẩn và các công việc đang diễn ra theo đúng như kế hoạch để hai bên sớm ký kết hiệp định tự do thương mại, có thể vào cuối năm 2017 hoặc đầu năm 2018.
Và cũng tại buổi tiếp đón, thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định Việt Nam mong muốn sớm ký kết Hiệp định tự do thương mại với EU bởi hiệp định sẽ mang lại lợi ích cho cả hai bên, nhất là các doanh nghiệp Việt Nam và EU.
Điều này có nghĩa là khoảng cuối năm nay, hoặc trễ nhất là đầu năm 2018, nếu không có gì trở ngại, Hiệp định tự do thương mại giữa Việt Nam và EU sẽ hoàn tất.
Thế nhưng, sự việc Trịnh Xuân Thanh, nhân vật bị Bộ Công an Việt Nam truy nã, sau hơn 10 tháng lẩn trốn ở Đức, nay đột ngột xuất hiện trên truyền thông Việt Nam cùng với tờ đơn tự thú, có vẻ đang là một trở ngại lớn cho Việt Nam trong việc ký kết Hiệp định tự do thương mại với EU, mà Đức là một quốc gia có tiếng mạnh nhất trong khối này.
Ông Davit Hutt, cây bút chuyên về khu vực Đông Nam Á của tờ Diplomat, có một bài viết đăng tải trên Diplomat bình luận về vấn đề này. Quan điểm của ông thể hiện ngay trong tiêu đề của bài viết, "Vụ bắt cóc ở Berlin dẫn đến thất bại của Việt Nam trong việc ký kết FTA với EU như thế nào" (How A Kidnapping In Berlin Could Bring Down Vietnam's FTA With Europe).
Đại sứ quán Việt Nam ở Berlin. Photo of Courtesy
Chúng tôi liên lạc với nhà báo David Hutt qua email để hỏi rõ hơn về những yếu tố dẫn đến nhận định như thế ? David Hutt cho biết, theo ông, ông không nhìn thấy thiện ý trao trả Trịnh Xuân Thanh về Berlin như yêu cầu của phía Đức.
"Vì Hà Nội không muốn trả lại ông Trịnh Xuân Thanh cho Đức, như Berlin đã yêu cầu. Và chính phủ Đức đã nói rằng không thể chấp nhận những gì Việt Nam đã làm trên ngay trên lãnh thổ của Đức, nghĩa là đã bắt cóc ông Thanh.
Và những gì Đức thực sự làm sẽ là một vấn đề khác. Theo tôi, một trong những điều Đức có thể làm là đe doạ cắt giảm viện trợ Việt Nam, và có lẽ Đức sẽ lên tiếng kêu gọi các quốc gia Châu Âu khác cùng làm như vậy. Đức cũng có thể sẽ kêu gọi chấm dứt quan hệ ngoại giao với Việt Nam.
Và nghiêm trọng nhất, tôi cho đó là chấm dứt Hiệp định Thương mại Tự do EU-Việt Nam".
Ông David Hutt cho rằng đây sẽ là mối de doạ đáng kể đối với Việt Nam.
Hoàn toàn ngượi lại với ý kiến của nhà báo David Hutt, ông Lê Hưng Quốc, chuyên gia đối ngoại, Nguyên Phó Giám đốc thường trực Sở Ngoại vụ, trực thuộc Bộ Ngoại giao Việt Nam khẳng định sự việc sẽ không nghiêm trọng như thế.
"Quan điểm cá nhân của tôi, việc này không ảnh hưởng đến quan hệ giữa hai nước. Quan hệ Việt Nam với Đức là xu thế.
Tôi không hình dung được vì chuyện này mà Đức cấm vận hay tuyên chiến với Việt Nam. Bởi vì câu chuyện này là câu chuyện tham nhũng chứ không phải vấn đề nhân quyền hay chính trị".
Ngày 9 tháng 8 vừa qua, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Đức được Reuters dẫn lời rằng Đức từng hy vọng sẽ cùng với Việt Nam có cách giải quyết thoả đáng sau khi xảy ra vụ việc vi phạm trầm trong luật pháp Đức và luật quốc tế trong vụ Trịnh Xuân Thanh từ phía Việt Nam như thế.
Tuy nhiên, sự việc không diễn tiến như mong đợi, nên Đức đang xem xét những biện pháp có thể làm để Việt Nam thấy rõ là Berlin không chấp nhận hành vi vi phạm pháp luật từ phía Hà Nội.
Cũng chính phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Đức đã trả lời với hãng tin Reuters rằng một vấn đề nghiêm trọng như thế không cách nào đóng lại được.
Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp, nhà nghiên cứu và phân tích chính trị Việt Nam thuộc Viện nghiên cứu Đông Nam Á, từ Singapore cho chúng tôi biết quan điểm của ông trong vấn đề này là sẽ có những cách giải quyết theo chiến lược ngoại giao.
"Theo suy nghĩ cá nhân thì có lẽ bên Việt Nam cũng đang có những liên lạc với phía Đức để trao đổi thông tin để nói chuyện với phía Đức để làm dịu tình hình căng thẳng ngoại giao diễn ra giữa hai bên".
Nhận định này có sự tương đồng với nguồn tin của Reuters đưa ra hôm 9 tháng 8, đó là vị phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Đức cho biết mọi giải pháp đều đang được đề ra và tiết lộ là hai chính phủ Đức và Việt Nam đã có nói chuyện với nhau.
Nội dung thế nào, các truyền thông lớn đều không đề cập.
Nhà báo David Hutt đã đưa ra những luận điểm cá nhân để chứng minh Hiệp định tự do thương mại EU đối với Việt Nam đang là một vấn đề "ngàn cân treo sợi tóc". Thêm vào đó, ông cho rằng một khi Mỹ quyết định rút TPP, thì Hiệp định tự do thương mại EU là hy vọng lớn nhất cuối cùng cho Việt Nam.
Tuy nhiên, qua nội dung trao đổi với chúng tôi, ông có nói thêm "có một số lý do mà có thể Đức sẽ không thực hiện việc này, nghĩa là không chấm dứt FTA" với lý do.
"Thứ nhất, nó sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới thương mại của Đức với Việt Nam. Thứ hai, nó sẽ là một tiền lệ xấu cho các hiệp định thương mại tự do trong tương lai với các nước Châu Á khác".
Ông David Hutt cho biết theo những nguồn tin khả tín ông có được, Đức có thể xem xét điều này nhưng nó sẽ là lựa chọn cuối cùng sau khi tất cả những vấn đề khác đã được xem xét và cố gắng giải quyết.
Cho đến hiện tại, phía Nhà nước Việt Nam hoàn toàn im lặng trước công luận. Chỉ một lần duy nhất là ngày 2 tháng 8, Bộ Ngoại giao Việt Nam lên tiếng với phát biểu của bà Lê Thị Thu Hằng, phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Việt Nam, nói rằng "Việt Nam rất lấy làm tiếc về phát ngôn của Bộ Ngoại giao Đức đưa ra" và Việt Nam rất coi trọng mối quan hệ giữa hai nước Việt – Đức.
Theo Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp, hành động bắt cóc Trịnh Xuân Thanh ở Berlin là vi phạm nghiêm trọng luật pháp của nước Đức và luật pháp quốc tế.
"Khi mà có chuyện Trịnh Xuân Thanh nộp cái đơn xin tỵ nạn chính trị thì nước Đức buộc phải làm thủ tục xem xét việc xin tỵ nạn chính trị ấy có thể xảy ra được hay không ? Đó là pháp quyền của nước Đức".
Ông nói rằng người Đức muốn tìm hiểu việc Việt Nam truy nã và yêu cầu trục xuất Trịnh Xuân Thanh có hợp pháp quyền hay không ?
Khi được hỏi liệu Trịnh Xuân Thanh có được trao trả về Berlin như yêu cầu của Đức, để Hiệp định thương mại tự do với EU không gặp khó khăn hay không, nhà báo David Hutt cho biết ông đoán rằng ông Trịnh Xuân Thanh sẽ được trả về Đức, nơi mà ông ta đang nộp hồ sơ xin tỵ nạn.
Cũng xin được thưa thêm, Hiệp định Tự do Thương mại giữa EU và Việt Nam (FTA) từng bị phái đoàn giáo phận Vinh đi vận động quốc tế, thúc giục Liên minh Châu Âu cẩn trọng khi xem xét việc thông qua vì những quan ngại về nhân quyền và ô nhiễm môi trường ở Việt nam. Vì thế, có nhiều người cho rằng, vụ Trịnh Xuân Thanh lại là một yếu tố để Liên minh Châu Âu cân nhắc về việc thông qua Hiệp định Tự do Thương mại giữa EU và Việt Nam.