Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

10/08/2024

Thế Vận Hội Paris 2024 : Thành công ngoài mong đợi

Thanh Hà

Không có gì hoàn hảo, nhưng sau một cuộc chạy đường trường ngót 10 năm với khá nhiều chướng ngại vật ở mỗi chặng, trước giờ bế mạc, có thể nói Thế Vận Hội Paris 2024 thành công. Nước chủ nhà được khen nhiều hơn chê : từ thành tích thể thao đến cách tổ chức, từ không khí lễ hội đến sự hào hứng của cổ động viên … Pháp đoạt huy chương vàng Olympic.

tvh1

Thế Vận Hội Paris 2024. Ảnh ngày 01/08/2024 AP - Dar Yasin

Năm nay, trên sân nhà, các vận động viên Pháp phá kỷ lục của mọi mùa Olympic về thành tích thể thao, về số huy chương đủ loại, về số huy chương vàng… Giới hâm mộ đã điên cuồng vui sướng với hai thần tượng Teddy Riner vô địch Judo và kình ngư Léon Marchand trong bể bơi. Nhưng sẽ mãi đọng lại hình ảnh nữ vận động viên Pháp Triathlon phối hợp ba bộ môn (xe đạp, chạy bộ và bơi lội), Cassandre Beaugrand về đến đích, trên cây cầu Alexandre III, cây cầu đẹp nhất Paris, sau lưng cô là hình ảnh vòm mái điện Invalides lộng lẫy dưới nắng vàng mùa hạ.

Nhưng không chỉ có những chiếc huy chương vàng hay bạc mới đem về hạnh phúc : từng là vô địch Olympic, nhưng ở tuổi 33, chiếc huy chương đồng ở môn bơi tự do 50 mét đối với vận động viên Florent Manaudou đáng giá ngàn vàng : đấy là biểu tượng của một sự hồi sinh sau nhiều năm khổ luyện và những thăng trầm trong sự nghiệp của một vận động viên chuyên nghiệp.

Montmartre đã nổi tiếng với nhà thờ Sacré Cœur, lại càng đi vào lòng người với những hình ảnh khán giá đông kín hai bên đường chào đón đoàn đua xe đạp đường trường : hôm 03/08/2024, nửa triệu người tràn ra đường phố Paris, nhưng không phải là để biểu tình, hay chống đối bất kỳ một điều gì, mà chỉ là để chào đón các tay đua và hòa mình trong không khí của những ngày hội thể thao.

Cả thành phố Paris trở thành sân chơi cho các vận động viên

Nếu là "một cuộc thi sắc đẹp, Olympic Paris về đầu", những công trình kiến trúc của thành phố làm mê hoặc du khách và các phái đoàn quốc tế, trong số này có phóng viên của báo Mỹ Washington Post Jerry Brewer. Đánh bóng lưới trên bãi cát ngay dưới chân tháp Eiffel, thi bắn cung trong khuôn viên của điện Invalides hay đua ngựa trong khuôn viên lâu đài Versailles… là những hình ảnh ghi khắc mãi trong sự nghiệp của nhà báo Mỹ đã 7 lần tham gia và tác nghiệp vào dịp Thế Vận Hội.

Nhật báo Anh The Times hơi ganh tị khi so sánh : "Nếu như Thế Vận Hội Luân Đôn từng là tủ kính của ngành du lịch đối với nước Anh, thì phải nói là ở Paris, những địa điểm thi đấu lần kết hợp một cách siêu đẳng thể thao với lịch sử và văn hóa". Phóng viên của tờ báo thực sự bị điện Invalides, công trình từ thế kỷ thứ 17 từng là bệnh viện và nơi nghỉ dưỡng cho các quân nhân của nhà vua Louis thứ 14, "đánh cắp con tim". Tiếp tục so sánh Thế Vận Hội Paris lần này với Luân Đôn 2012, The Times bái phục : "Tổ chức thi đấu Beach Volley ngay chân tháp Eiffel, Pháp quả là một cao thủ mà không ai có thể qua mặt được".

Một hình ảnh khó quên khác là Cung Grand Palais, điểm hẹn của các nhà đấu kiến và võ sĩ Taekwondo. Đài truyền hình Úc ABC ghi nhận lần đầu tiên cả một thành phố trở thành sân chơi cho các vận động viên Olympic : "Ấn tượng nhất là Grand Palais. Khán giả choáng ngợp trước vẻ đẹp uy nghi tráng lệ của cầu thang đưa các tay kiếm từ phòng nghỉ xuống đến đấu trường". Washington Post tả tình tả cảnh : "Các tay kiếm xuất hiện ở bao lơn, khẽ nghiêng mình chào khán giả trước khi thi đấu. Chưa bao giờ các vận động viên được nhìn như thể họ đích thực là những nhà quý tộc, là những tay kiếm của những thời xa xưa".

Tờ báo Dagens Nyheter của Thụy Điển cắt ngang mọi tranh luận với nhận xét : "Ban tổ chức muốn Olympic Paris hoành tráng và đầy những sắc mầu … họ đã thành công !". The Times tiếc nuối : "Nếu có thể làm lại từ đầu, Thế Vận Hội Luân Đôn sẽ tổ chức thi leo núi trên cây cầu nổi tiếng Tower Bridge, thi đấu kiếm tại thánh đường Saint Paul, bắn cung ở số 10 Downing Street trong khuôn viên dinh thự của thủ tướng Anh và mượn tạm cung điện của hoàng gia Anh Buckingham Palace cho các tay bắn cung tranh tài"…

Jaume Rielo của đài phát thanh Tây Ban Nha RNE ngạc nhiên về thái độ niềm nở và hiếu khách của công chúng Paris, mà tới nay anh cứ ngỡ dân Paris "chỉ biết càu nhàu". Phóng viên và cũng là nhà sản xuất chương trình của đài truyền hình Mỹ CNN, bà Saskya Vandoorne, ghi nhận là sau Thế Vận Hội Paris, "áp lực càng lớn đối với Los Angles" cho mùa Olympic 2028. Nhưng đừng quên rằng thành phố Thiên Thần là "mái nhà chung của thế giới điện ảnh Hollywood, là kinh đô trong làng giải trí. Los Angeles sẽ không có Céline Dion như Paris nhưng sẽ được Taylor Swift hay Beyoncé giúp một tay".

Huy Chương Vàng cho khán giả Paris

Về bầu không khí của Paris trong hai tuần qua, phóng viên Thụy Điển của tờ Dagens Nyheter học được thêm ba chữ "Allez les Bleus !", vang rền ở bể bơi, trên các sân vận động hay những khu dành cho công chúng đến xem Olympic, trên đường phố Paris, để cổ động "gà nhà".

Chỉ cần đội bóng rổ, bóng ném của Pháp xuất trận, hay một võ sĩ quyền Anh lên khán đài, trong đoàn đua xe đạp có vài ba chú lính Áo Lam… cũng đủ để các cổ động hò hét trong niềm vui sướng, phất cờ hò reo như ngày hội lớn. Nhưng đến khi ông vua bơi lội "Le Roi Léon - Léon Marchand" phải đương đầu với những địch thủ đáng gờm nhất, thì cả hội trường 15.000 người cùng chung nhịp thở, cổ vũ Léon cho đến khi anh về tới đích và đoạt huy chương vàng từ những kình ngư của Úc, Mỹ hay Hungary, Trung Quốc …

New York Times viết "khán giả cổ vũ Léon vang rền không chỉ ở bên bơi Arena la Défense, nơi anh thi đấu, mà là đã lan rộng ra cả thành phố, len lỏi vào đến tận Cung Grand Palais, làm gián đoạn cuộc thi đấu kiếm, vang dội đến tận điện Invalides, như thể muốn đánh thức luôn cả hoàng đế Napoléon đã yên nghỉ tại đây" từ năm 1861, đúng 40 năm sau ngày ông qua đời. Một phần nhờ khán giả, Léon đã ra về với 4 huy chương vàng và 1 huy chương đồng ở nội dung bơi đồng đội !

Các vận động viên quốc tế thì vô cùng ngạc nhiên thấy khán giả Pháp rất chịu khó thức khuya dậy sớm để đi xem đủ mọi môn thi đấu, kể cả những môn vốn không là sở trường của vận động viên Pháp. Grant Fisher, huy chương đồng Olympic ở môn chạy đường trường 10.000 mét, hay vận động viên môn nhảy sao Thụy Điện vừa phá kỷ lục thế giới, Armand Mondo Duplantis cùng mơ rằng phải chi mỗi lần thi đấu họ đều được cổ vũ như ở Paris !

Một tờ báo lớn của Tây Ban Nha, El Pais hôm 05/08/2024 quả quyết "Bộ mặt của Paris đã thay đổi hoàn toàn", người Pháp nổi tiếng là bi quan, chẳng bao giờ hài lòng, hay chê bai và thậm chí báo trước Thế Vận Hội lần này sẽ thất bại, để rồi thế giới đã trông thấy một thành phố vui tươi" và dân Pháp "rất chịu chơi". Paris hiện nguyên hình là "một ngày lễ hội", "Cầu mong rằng hiệu ứng Olympic sẽ còn đọng lại mãi nơi này".

Paris 2024, "Que Jeux t’aime"

Olympic Paris 2024 không chỉ là sân chơi thể thao mà còn là một khung trời đặt biệt cho những đôi uyên ương. Huy chương đồng và một chiếc nhẫn đính hôn bằng bạc : Hai nữ vận động viên Thuyền Buồm của Pháp Charline Picon và Sarah Steyaerd Thứ Sáu 02/08/2024 đã nhận được lời cầu hôn khi họ vừa kết thúc cuộc đua với một chiếc huy chương đồng Olympic. Mano và Pierre đợi sẵn trên bãi biển với hai chiếc nhẫn đính hôn. Vậy mà Sarah cữ ngỡ rằng, phải mang về được "vàng hay bạc" về, cô mới được người bạn trai của mình xin cưới !

Cũng trong tuần lễ đầu tiên của Thế Vận Hội, sau khi đoạt chức vô địch cầu lông đôi nam-nữ, vận động viên Trung Quốc Hoàng Nhã Quỳnh (Huang Yaqiong) được bạn trai Lưu Vũ Thần (Liu Yuchen) cũng là một tay vợt của đội tuyển cầu lông quốc gia tặng hoa, nhẫn. Họ Lưu có phần lãng mạn hơn hai anh chàng Pháp Mano và Pierre. Kém kiên nhẫn hơn những anh chàng si tình Pháp và Trung Quốc, nam tuyển thủ môn bóng ném người Argentina, Pablo Simonet, mới vừa đặt chân đến Paris thành phố của tình yêu, hai ngày trước lễ khai mạc, đã trao nhẫn và những nụ hôn thắm thiết cho người tình Maria Pilar Campoy, nữ vận động viên hockey, với nền cảnh là tháp Eiffel và những vòng tròn Olympic. Paris không chỉ là Kinh đô Ánh sáng mà còn là thành phố của tình yêu !

Trên sân vận động Stade de France, ngoại ô Paris, hôm 06/08/2024, Alice Finot, về thứ tư trong cuộc đua vượt chướng ngại vật 3.000 mét - steeplechase. Dù để hụt mất chiếc huy chương đồng, nhưng Alice phá kỷ lục nữ của Châu Âu với 8’57’67’’. Về đến đích, cô gỡ tặng phù hiệu Olympic Paris 2024 với hàng chữ "Paris, thành phố của tình yêu", trao tặng cho một anh chàng người Tây Ban Nha. Thích làm chuyện khác người, trước ống kính truyền hình thế giới, Alice mới là người ngỏ lời xin về làm vợ người bạn đã cùng cô đồng hành trên đường đời và trên khắp các sân vận động ở mọi nơi trên thế giới từ 9 năm qua.

Mùa Thế Vận Hội năm nay có ít nhất một cặp vợ chồng cùng có tên trong bảng vàng, đó là câu chuyện đáng ghi nhớ của vô địch Olympic môn xe đạp BMX Racing người Úc, cô Saya Sakakibara và phu quân là vận động viên Pháp Romain Mahieu cũng trong bộ môn này : hôm 02/08/2024, kẻ trước người sau, Romain đoạt huy chương đồng, và chỉ ít phút sau đó ý chung thân của anh đem về một chiếc huy chương vàng sáng chói cho đội tuyển Úc. Khán giả trông thấy một nam vận động viên Pháp rất "lịch sự - galant" với một nữ đồng đội Úc : Romain giữ xe BMX hộ cho Saya, giúp cô cởi mũ và găng tay và họ ôm nhau thắm thiết… Khán giả hơi ngạc nhiên trước khi hiểu ra rằng, ngoài đời Romain và Saya là vợ chồng.

Niềm vui của Romain tối hôm đó thật là trọn vẹn : ba chiếc huy chương đồng BMX nam về tay "ba chàng ngự lâm pháo thủ" Joris Daudet, Sylvain André và Romain Mahieu, trong lúc bạn đời của anh đoạt danh hiệu vô địch Olympic tại Thế Vận Hội Paris !

Thanh Hà

Nguồn : RFI, 10/08/2024

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Thanh Hà
Read 202 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)