Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

13/08/2024

Tô Lâm muốn triệt hạ những đối thủ để nắm quyền lãnh đạo độc tôn ?

Nhiều tác giả

Vì sao Tổng bí thư Tô Lâm muốn thành công cần loại bỏ các lãnh đạo tàn dư của Tổng Trọng ?

Trà My, Thoibao.de, 13/08/2024

Giới phân tích quốc tế cho rằng, sau khi Chủ tịch nước Tô Lâm nhận chức vụ Tổng bí thư, nội bộ Đảng cộng sản Việt Nam sẽ dần trở lại ổn định. Trái lại, chỉ vài giờ sau khi tân Tổng bí thư nhậm chức, 4 ủy viên Trung ương trong đó có 1 thành viên Ban Bí thư đã bị loại bỏ.

docton1

Ông Tô Lâm, bộ trưởng Công an, vào ghế chủ tịch nhà nước, Đảng cộng sản Việt Nam đã hoàn tất quá trình thay đổi chế độ từ độc tài "đảng trị" sang độc tài "công an trị - Nhac Nguyen/AFP via Getty Images)

Đây là một điều "vô tiền, khoáng hậu" trong lịch sử của Đảng cầm quyền. Công luận cho rằng, đây là những chỉ dấu cho thấy, Tổng bí thư Tô Lâm sẽ "mượn gió" đốt lò của ông Trọng, để tiếp tục "bẻ măng" là các quan chức tham nhũng.

Vì lẽ đó, có thể nhận thấy, chính trường Việt Nam sẽ tiếp tục rơi vào khủng hoảng, các cá nhân và phe cánh trong Đảng sẽ tìm mọi cách để thanh toán lẫn nhau. Với mục đích tối cao là giành bằng được chiếc ghế Tổng bí thư về phe cánh, dẫu rằng, tại thời điểm hiện tại, ông Tô Lâm vẫn đang làm chủ chính trường.

Theo giới phân tích, ông Tô Lâm có một lợi thế là kho tàng thư "nhúng chàm" của các quan chức cấp cao, từ ủy viên Trung ương trở lên. Bởi lẽ, một khi đã leo lên được chức vụ ủy viên Trung ương, thì gần như các quan chức đều đã nhúng chàm, không bê bối chuyện này thì cũng dính líu đến tham nhũng khác. Ngay cả Tổng Trọng trước đây, hay ông Tô Lâm cũng vậy !

Do đó, việc ông Tô Lâm thanh trừng các nhân sự không đồng tình với mình, chỉ là vấn đề muốn hay chưa mà thôi. Hơn ai hết, tân Tổng bí thư hiểu rất rõ thực trạng, trước khi được Ban Chấp hành Trung ương "suy tôn", giữ chức vụ người đứng đầu Đảng, với tỷ lệ đồng thuận tuyệt đối lên đến 100%. Đây là kết quả không có thật, nó chỉ phục vụ cho việc đánh bóng cho một nhân vật, bị đánh giá là "không đủ tư cách và phẩm chất đạo đức, để giữ cương vị người đứng đầu của Đảng cộng sản Việt Nam".

Kết quả lấy phiếu tín nhiệm của Quốc hội Việt Nam tháng 10/2023, Ủy viên Bộ Chính trị – Bộ trưởng Bộ Công An Tô Lâm nhận tỷ lệ phiếu tín nhiệm cao thấp nhất, là minh chứng không thể bác bỏ.

Cổ nhân có câu "Giang sơn dễ đổi, bản tính khó dời", có nghĩa là bề ngoài của mỗi con người có thể thay đổi, tuy nhiên bản chất, tính cách thì mãi mãi vẫn giữ nguyên. Đó là lý do vì sao, đa số lãnh đạo cấp cao của Đảng tại thời điểm hiện nay, buộc phải phục tùng và không dám có biểu hiện phản đối tân Tổng bí thư. Nhưng chắc chắn, các thế lực "kình địch" của ông Tô Lâm cũng không ngồi yên chờ đến lượt bị xướng danh, không thể chờ tai họa ập xuống đầu họ.

Tất cả các thế lực đã và đang chống lại ông Tô Lâm từ trước tới nay, chắc chắn sẽ không thay đổi quan điểm, sẽ tiếp tục coi ông Tô Lâm là kẻ thù chung. Từ nay đến Đại hội Đảng 14 còn khoảng 16 tháng, không quá ngắn để các bên nỗ lực tối đa để lật ngược thế cờ.

Một khi cơ hội xuất hiện, chắc chắn họ sẽ chung tay "tiên hạ thủ vi cường", loại bỏ cái gai trong mắt. Nhất là khi, tân Tổng bí thư Tô Lâm là nhân vật ban lãnh đạo Bắc Kinh không ưa thích.

Giới phân tích khẳng định, nếu tân Tổng bí thư Tô Lâm muốn thành công trong việc nắm trọn quyền lực, như ông Tập Cận Bình ở Trung Quốc, thì cần thay máu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa 13 – một sản phẩm mang tàn dư của cố Tổng Trọng.

Để điều hành bộ máy Đảng và Nhà nước hoạt động hiệu quả, "nhất hô, bá ứng", ông Tô Lâm ngay lập tức phải loại bỏ các ủy viên Trung ương không ăn cánh.

Thực tế, nhân sự Ban Chấp hành Trung ương khóa 13, gồm toàn cánh hẩu của ông Trọng, thuộc phe Nghệ An, Hà Tĩnh, hay các nhân sự dùng tiền để mua ghế ủy viên Trung ương. Việc tân Tổng bí thư tuyên bố, tiếp tục kế thừa cuộc chiến chống tham nhũng, là phương cách cũng như công cụ đắc lực, để ông thanh trừng, "thay máu" nhân sự cấp cao trong bộ máy lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam.

Trà My

***************************

Từ cạnh tranh đến tranh cướp trong Đảng, di sản tệ hại của ông Nguyễn Phú Trọng !

Trần Chương, Thoibao.de, 13/08/2024

Nguyễn Phú Trọng đang và sẽ được bộ máy tuyên truyền khổng lồ của chế độ cộng sản sơn phết thành huyền thoại. Hiện nay, nhiều trang mạng không chính thức, chuyên tuyên truyền cho Đảng, đang ghép Nguyễn Phú Trọng vào chung với ngôi đền thiêng của Hồ Chí Minh và Võ Nguyên Giáp.

docton2

Hiện nay, nhiều trang mạng không chính thức, chuyên tuyên truyền cho Đảng, đang ghép Nguyễn Phú Trọng vào chung với ngôi đền thiêng của Hồ Chí Minh và Võ Nguyên Giáp.

Việc xây dựng huyền thoại nhằm 3 mục đích : Thứ nhất là ru ngủ toàn dân ; thứ nhì là để Đảng an tâm nấp sau tấm bình phong được làm bằng các huyền thoại, để tha hồ chiếm đoạt lợi ích của người dân ; thứ ba là dùng làm thuốc giảm đau cho Đảng, mỗi khi nội bộ ra tay thanh trừng lẫn nhau.

Khi còn sống, ông Trọng đã nuôi lớn một kẻ "phản nghịch" như Tô Lâm, để giờ đây, Tô Lâm từng bước biến Đảng thành công cụ của ông. Có thể nói, Tô Lâm là sản phẩm tệ hại của ông Trọng, là cái họa lớn do ông Trọng tạo ra và để lại cho Đảng.

Về phương thức hành động trong cuộc chiến quyền lực, ông Trọng cũng làm đảo lộn tất cả.

Trước ông Trọng, các "đồng chí" trong Đảng không thuốc nhau đến chết một cách công khai và phổ biến như thời ông Trọng. Có thể kể ra những người đã bị thuốc chết, như, Nguyễn Bá Thanh, Trần Đại Quang, Nguyễn Chí Vịnh và Lê Văn Thành. Ông Trọng chết đi, để lại một Đảng cộng sản Việt Nam tàn ác hơn, không chỉ ác với dân, mà còn ác với nhau nhiều hơn trước.

Trước thời ông Trọng, các "đồng chí" trong Đảng chủ yếu là cạnh tranh, tranh đoạt các vị trí quyền lực, bằng tiền và quan hệ. Đến thời ông Trọng, người ta không từ bất cứ thủ đoạn nào để tranh cướp, kể cả "thuốc" lẫn nhau để đạt mục tiêu. Thời ông Trọng đã tạo ra tiền lệ này, và nó sẽ chỉ phát triển mạnh hơn, chứ không biến mất cùng với sự ra đi của ông.

Tô Lâm lên được Tổng bí thư, cũng là do tranh cướp. Ông đã đánh gục hết những đệ tử ruột của ông Trọng để ngoi lên. Ông Tô Lâm lên ngôi trong sự uất hận không biết bao nhiêu người. Và thực tế, cũng không phải ông lên ngôi bằng sự ủng hộ của đa số trong Trung ương Đảng và Ban Bí thư, cho dù số phiếu bầu cho ông là 100%.

Như thế, liệu Tô Lâm có nguyện ý trao quyền lại cho một người kế nhiệm hay không ? Hay là ông muốn độc chiếm chiếc ghế này, như là một ngai vàng cho gia tộc họ Tô ?

Luật chơi trong Đảng hậu Nguyễn Phú Trọng đã thay đổi, và chính ông Trọng là người đã tạo ra sự thay đổi tồi tệ này.

Rồi đây, những lãnh đạo Tuyên giáo cũng như người đứng đầu Bộ Thông tin Truyền thông cũng phải lựa cách ăn ở sao cho "phải đạo" với Tô Lâm. Không chỉ cần làm tốt cho Đảng, họ còn phải làm vừa lòng Tô Lâm, nếu không muốn bị "lên thớt". Chính vì thế, các cơ quan truyền thông của Đảng giờ đây phải chịu 1 cổ 2 tròng, ấy vậy mà họ vẫn phải hết lời ca tụng ông Trọng, thì có thể nói, đấy là nghịch lý.

Trước đây, các "đồng chí" trong Đảng tranh quyền thì còn có thể nói lý với nhau được. Nay các "đồng chí" chuyển sang tranh cướp, thì mọi lý lẽ là vô nghĩa, chỉ có sức mạnh mới quyết định. Ví dụ như trước đây, khi ông Trọng còn sống, ông Nguyễn Xuân Phúc đem "lá bùa" do Ủy ban Kiểm tra Trung ương xác nhận, là "vợ con ông không liên quan đến Việt Á", để bảo đảm sự an toàn sau khi hạ cánh. Nhưng nay, "lá bùa : này đang bị Tô Lâm xem lại, rất có thể, Nguyễn Xuân Phúc sẽ bị cho xộ khám như Đinh La Thăng.

Quy luật ngầm trong Đảng đã thay đổi, nó có thể biến những thế lực từng làm mưa làm gió trên chính trường, giờ phải "rút cổ" chịu sai khiến. Đấy là di sản mà ông Trọng để lại, mặc dù người tạo ra luật chơi mới này là Tô Lâm. Bởi chính ông Trọng là người đã tạo ra một Tô Lâm như ngày hôm nay.

Trần Chương 

***************************

Vì sao "vua trụ hạng" Phạm Minh Chính vẫn "thách thức" Tô Lâm ?

Thái Hà, Thoibao.de, 13/08/2024

Trong bóng đá, có những đội bóng luôn bị quần cho tơi tả, nhưng cuối cùng vẫn cứ trụ lại ở giải đấu. Một trong những nguyên nhân là cách tính toán chiến thuật, sao cho không bị ép đến mức phải rời giải. Có những đội bóng tưởng như phải xuống hạng, hết mùa này đến mùa khác, nhưng vẫn trụ hạng thành công, trong khi, những kẻ ngang hàng lại lần lượt rớt hạng. Những đội bóng như thế thường tặng danh hiệu "vua trụ hạng".

docton3

Ông Phạm Minh Chính có thể được xem là "vua trụ hạng", vì ông là một trong những nhân vật "Tứ trụ" được bầu chọn trong nhiệm kỳ này, giờ đây chỉ còn lại một mình ông.

Trong chính trường Việt Nam hiện nay, Phạm Minh Chính có thể được xem là một ông "vua trụ hạng", khi mà những nhân vật "Tứ trụ" được bầu chọn trong nhiệm kỳ này, giờ đây chỉ còn lại một mình ông. Nguyễn Xuân Phúc, Vương Đình Huệ, Võ Văn Thưởng bị ép phải rời ghế. Nguyễn Phú Trọng chết vì bệnh. Cuối cùng, chỉ còn lại một mình Thủ tướng là trụ lại cho tới hôm nay.

Để trở thành một "ông vua trụ hạng" trong "Tứ trụ", Phạm Minh Chính có những ưu thế mà người khác không có. Đó là, ông Chính từng làm việc trong ngành tình báo của Bộ Công an, nên ông am hiểu việc bảo mật, tính trước được những bước đi dự phòng, khiến cho Nguyễn Phú Trọng và Tô Lâm phải bó tay.

Không phải ông Chính trong sạch, ông cũng vấy bẩn như những quan chức khác. Đặc biệt, vụ AIC của bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn vẫn đang phơi ra trước bàn dân thiên hạ, nhưng Tô Lâm lại không làm gì được. Đấy mới là sự khác biệt của Phạm Minh Chính so với những nhân vật còn lại.

Đầu mối của vụ án AIC là bà Nhàn thì lại đang trốn rất an kỹ ở nước ngoài. Bà Nhàn được cho là đang ẩn nấp tại Đức – quốc gia rất cảnh giác Tô Lâm. Nếu ông Tô Lâm tung quân hành động, là sẽ bị nắm thóp. Xem như, Tô Lâm bất lực trước bà chủ AIC.

Để hạ gục Phạm Minh Chính, 2 năm qua, Tô Lâm đã tìm mọi cách, kể cả việc lặn lội qua tận Dubai để bắt Kế toán trưởng AIC, nhưng rồi, kết quả cũng là con số không tròn trĩnh. Bà Nhàn không hề dùng nhân sự AIC vào việc giao dịch với Phạm Minh Chính và các nhân vật cao cấp khác, mà bà dùng Tổng cục 2 – Bộ Quốc phòng. Tuy nhiên, Tổng cục 2 đến nay vẫn là thành trì bất khả xâm phạm, rất khó để Tô Lâm có thể làm được gì, dù đã nắm được chức Bí thư Quân ủy Trung ương.

Vừa lên ngôi, Tô Lâm đã trảm ngay Bí thư Quảng Ninh Nguyễn Xuân Ký, như là bước thăm dò, tìm đường đến nhà Phạm Minh Chính. Tuy nhiên, cho dù ông Ký có bị bắt, bị điều tra, thì cũng khó mà khai thác được gì. Bởi với kỹ năng tình báo của Phạm Minh Chính, khó có thể để cho Nguyễn Xuân Ký nắm giữ bí mật của ông, cho dù ông Ký từng là tay hòm chìa khóa của ông Chính, ngay tại giai đoạn mà AIC của bà Nhàn trúng thầu Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh.

Còn Phạm Minh Chính, thì thế độc tôn của Tô Lâm chưa thể vững bền. Thông thường, những kẻ "chết hụt" thì hay sống dai. Nếu ông Chính có thể chẳng hề hấn gì, sau bao nhiêu sóng gió chính trường, thì rất có thể, về sau, ông sẽ trở thành thế lực hùng mạnh.

Cho dù Tô Lâm nắm giữ được Bộ Công an, nhưng cả Bộ Chính trị chẳng ai ưa Tô Lâm. Hơn nữa, nhóm Nghệ An và Hà Tĩnh đang bị Tô Lâm o ép. Họ là những nhóm mạnh và đang là nạn nhân của Tô Lâm. Nếu có cơ hội, các nhóm Nghệ An – Hà Tĩnh – Thanh Hóa liên minh lại, thì lúc đó, Tô Lâm cũng không dễ đối phó.

Dù Phạm Minh Chính đã "ngửa bài", nhưng vẫn chưa thua ván nào, Tô Lâm phải làm sao để hạ được ông ? Xem ra, bài toán hạ bệ Phạm Minh Chính đang là bài toán khó giải nhất đối với Tô Lâm hiện nay.

Chính trường lắm thành phần, đâu phải ai cũng dễ để Tô Lâm bắt nạt, mà Phạm Minh Chính là một điển hình. Ông Chính đang là chướng ngại lớn nhất, để Tô Lâm chinh phục "chức vô địch" trên chính trường Việt Nam.

Thái Hà

***************************

Tiếp tục "đốt lò" – nhất cử lưỡng tiện cho tân Tổng bí thư

Quang Minh, Thoibao.de, 12/08/2024

Ngày 9/8, Luật sư Đặng Đình Mạnh viết trên Facebook cá nhân bài bình luận "Việc đầu tiên của tân Tổng bí thư : "Thay máu" Ban Chấp hành Trung ương Đảng".

docton4

Ông Tô Lâm khẳng định : "Cuộc chiến chống tham nhũng sẽ không ngừng nghỉ"

Thoibao.de tóm lược và giới thiệu bài viết này đến quý khán thính giả, nội dung như sau :

Khi vừa trở thành tân Tổng bí thư, ông Tô Lâm khẳng định : "Cuộc chiến chống tham nhũng sẽ không ngừng nghỉ", khiến nhiều nhà quan sát cho rằng, ông Tô Lâm sẽ tiếp tục công cuộc "Đốt lò", là di sản của ông Nguyễn Phú Trọng.

Đánh giá này là đúng, nhưng chưa đầy đủ.

Đúng, vì một mặt, ông Tô Lâm cần tiếp tục việc chống tham nhũng, để khẳng định tính chính danh của người kế thừa ông Trọng. Đồng thời, trước vấn nạn tham nhũng trầm kha như hiện nay, với tư cách là người đứng đầu, ông ấy không thể thoái thác trách nhiệm phải chống tham nhũng.

Do đó, dù tâm ý thế nào, thì về phương diện hình thức, ông Tô Lâm không thể tuyên bố ngừng, hoặc giảm, mức độ chống tham nhũng.

Mặt khác, vị tân Tổng bí thư có "món nợ" cần phải thanh toán "sạch sẽ".

Tưởng nên nhắc lại. Dịp họp Hội nghị Trung ương 9 vào trung tuần tháng 5/2024, dù không muốn, ông Tô Lâm vẫn phải ngồi vào ghế Chủ tịch nước. Thế nên, ông ấy cần có thuộc cấp thân tín ngồi vào ghế Bộ trưởng Bộ Công an, để bảo đảm sinh mạng chính trị của chính mình.

Theo đó, ông đã đề cử Thứ trưởng Bộ Công an là ông Lương Tam Quang, để bầu bổ sung vào Bộ Chính trị. Vì chỉ có Ủy viên Bộ Chính trị mới có thể được cử làm Bộ trưởng Bộ Công an.

Thế nhưng, khi bỏ phiếu thì ông Lương Tam Quang không đủ túc số phiếu bầu, để vào Bộ Chính trị. Buộc lòng, Bộ Công an phải làm một việc vô tiền khoáng hậu, là triệu tập Hội nghị Đảng ủy Trung ương Bộ Công an, gồm lãnh đạo từ 63 tỉnh thành, về họp tại Hà Nội, để đề cử Thứ trưởng Lương Tam Quang làm Bộ trưởng Bộ Công an.

Trước sự đã rồi, ông Trọng, với cương vị Tổng bí thư, phải muối mặt chấp nhận gửi hồ sơ  cho Quốc hội phê chuẩn chức Bộ trưởng Bộ Công an  cho ông Lương Tam Quang. Theo đó, ông Lương Tam Quang trở thành Bộ trưởng Bộ Công an đầu tiên trong lịch sử Đảng cộng sản, mà không phải là Ủy viên Bộ Chính trị.

Sự việc đã qua, nhưng món nợ từ Hội nghị Trung ương 9 vẫn còn nguyên đó, với ít nhất đa số ủy viên đã công khai ra mặt "chống" lại yêu sách của Tô Lâm. Dĩ nhiên, món nợ nhục nhã này cần phải đòi thanh toán sạch sẽ !

Do đó, khi đã đạt tham vọng nắm giữ chức vụ Tổng bí thư, ông Tô Lâm có cơ hội để đòi thanh toán món nợ này đối với số uỷ viên Trung ương Đảng không ăn cánh, đồng thời, "thay máu" nhân sự, để bảo đảm một Ban Chấp hành Trung ương Đảng gồm toàn cánh hẩu, chấp nhận mọi chủ trương, chính sách ông ấy đưa ra. Vì ông ấy không thể điều hành Đảng suôn sẻ, nếu có một Ban Chấp hành Trung ương với đa số uỷ viên lúc nào cũng bác bỏ các yêu sách của Tổng bí thư.

Thế nên, tiếp tục chống tham nhũng là phương cách để ông Tô Lâm thanh trừng, và để "thay máu" trong nội bộ Đảng. Việc này khá đơn giản, bởi lẽ, leo cao đến uỷ viên Trung ương Đảng, hầu hết đều dính chàm, không bê bối tài chính thì cũng tham nhũng. Việc thanh trừng chỉ còn là thời gian.

Không chỉ thế, tiếp tục chính sách chống tham nhũng còn giúp khẳng định tính chính danh của Tô Lâm trong Đảng và trước công chúng. Thật là, nhất cử lưỡng tiện.

Bên cạnh đó, còn phải tính đến số "con nợ" của Tô Lâm. Họ cũng không thể ngây thơ đến độ, cứ ngồi yên  chờ số phận đen đủi rớt xuống đầu mình. Tất cả họ đều xem Tô Lâm là kẻ thù. Khi có cơ hội trừ khử, thì sao lại họ lại không ra tay ?

 Cho nên, chính trường xứ này sẽ chẳng còn những ngày yên ả, trái lại, vẫn còn tiếp tục nóng tanh mùi máu, trong những ngày sắp tới là điều khó tránh khỏi.

Quang Minh

***************************

Tổng bí thư Tô Lâm gia tăng củng cố thế lực : Vì sao phe Nghệ Tĩnh phải đề phòng ?

Trà My, Thoibao.de, 12/08/2024

Tại cuộc họp báo chiều 3/8, ngay sau khi được "suy tôn" làm Tổng bí thư, ông Tô Lâm đã cam kết tiếp tục cuộc chiến chống tham nhũng của Tổng Trọng.

docton5

Tổng bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm phát biểu nhậm chức. Ảnh : Trí Dũng/TTXVN

Cũng trong buổi chiều này, dưới sự chỉ đạo của tân Tổng bí thư, Ban Chấp hành Trung ương đã thống nhất, đồng ý cho Phó Thủ tướng Lê Minh Khái và 3 ủy viên Trung ương Đảng khác thôi chức, với lý do vi phạm những điều cấm mà đảng viên không được làm. Trước đó, 4 nhân sự này đã có đơn xin nghỉ.

Việc có đến 4 ủy viên Trung ương Đảng, gồm 1 Phó Thủ tướng, 1 Bộ trưởng và 2 Bí thư Tỉnh ủy, bị cho thôi chức ngay trong ngày Tô Tổng nhậm chức, là dấu hiệu cho thấy, công cuộc chống tham nhũng của tân Tổng bí thư sẽ không ngừng nghỉ. Đồng thời, đây cũng là một thông điệp mang tính răn đe, nhằm củng cố quyền lực của Tổng bí thư – Chủ tịch nước Tô Lâm.

Giới phân tích đánh giá, bằng hành động "cắt tiết gà để dọa khỉ", ông Tô Lâm đã đạt được nhiều mục tiêu. Đó có thể là lời răn đe đối với những lãnh đạo trong Đảng, rằng, kể từ đây cho đến hết Đại hội 13, mọi quyền sinh sát trong nội bộ Đảng đều nằm trong tay tân Tổng bí thư, kể cả việc sắp xếp, bố trí lại nhân sự.

Nguồn tin nội bộ của thoibao.de tiết lộ, ông Tô Lâm sẽ dùng chính sách "cây gậy", mà không cần sử dụng củ cà rốt. Bất kỳ lãnh đạo ở cấp nào, chỉ cần có biểu hiện không đồng tình, hay chống đối Tổng bí thư và phe cánh, sẽ lập tức bị bắt giam, khởi tố, không thương tiếc.

Điều này khiến cho giới lãnh đạo Đảng, nhất là các ủy viên Trung ương, phải khiếp sợ. Kể từ sau khi ông Tô Lâm nhậm chức Tổng bí thư, các thế lực của Thủ tướng Phạm Minh Chính, Đại tướng Lương Cường, Phan Đình Trạc và phe cánh Nghệ Tĩnh… đều tỏ rõ sự "ngoan hiền".

Đây là thành công bước đầu của tân Tổng bí thư, nhưng quan trọng hơn, nó đã tạo ra một nỗi khiếp sợ "thường trực", bao trùm trong nội bộ lãnh đạo cấp cao. Điều đó đồng nghĩa với việc, nguyên tắc tập trung dân chủ, cũng như "lãnh đạo tập thể, cá nhân phụ trách" mà Đảng duy trì hàng chục năm nay, đã bị ông Tô Lâm chính thức xóa sổ.

Tuy nhiên, với sự khôn khéo và nhiều mưu mẹo, cộng với sự lọc lõi của một trùm an ninh, Tổng bí thư Tô Lâm đã tạo ra tính chính danh cho ông ta và phe cánh. Theo đó, nhìn từ bên ngoài, dư luận cảm thấy rằng, ông đang kế thừa công cuộc "đốt lò", vốn là di sản của Tổng Trọng. Từ đó, ông Tô Lâm có thể tiếp tục duy trì cuộc chiến thanh lọc các đối thủ bên trong Đảng, mà không cần e ngại. Trên cơ sở hồ sơ đã chuẩn bị sẵn, vấn đề là, Tô Tổng muốn đá ai, để giành ghế chia chác cho đàn em đệ tử.

Các thủ đoạn như vừa kể của Tô Lâm, khó có thể qua mắt được số đông người dân Việt Nam, vì Việt Nam là quốc gia có số người sử dụng internet thuộc hàng hàng đầu thế giới.

Dù tân Tổng bí thư tuyên bố chống tham nhũng "không ngừng, không nghỉ, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai", công luận vẫn nghi ngờ, và cho rằng, thực chất việc chống tham nhũng cũng chỉ là vũ khí, để Tô Lâm loại bỏ những người không theo ý mình.

Với quyền lực tuyệt đối, ông Tô Lâm có thể được so sánh với Chủ tịch Tập Cận Bình của Trung Quốc. Với mục đích đưa Việt Nam sang một trang sử mới, tân Tổng bí thư có thể sẽ đưa ra những quyết định thay đổi, kể cả loại bỏ các chính sách do Tổng Trọng để lại.

Một câu hỏi đặt ra là, Tô Tổng có áp dụng mô hình kiểu nước Nga của Tổng thống Putin, hay vẫn áp dụng kiểu Trung Quốc của ông Tập Cận Bình ?

Trà My

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Trà My, Trần Chương, Thái Hà, Quang Minh
Read 659 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)