Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

14/08/2024

Tô Lâm tiếp tục di sản 'dở dang' của người tiền nhiệm như thế nào ?

Huỳnh Trần

Tân Tổng bí thư Tô Lâm sẽ tiếp tục di sản 'dở dang' của người tiền nhiệm thế nào ?

Ông Chủ tịch nước Tô Lâm được Đảng chọn làm Tổng bí thư bởi cương vị Bộ trưởng Công an quyền lực đảm trách an ninh bảo vệ chế độ. Điều này đã được dự đoán trước trong bối cảnh khủng hoảng kế vị. Người tiền nhiệm, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng mặc dù tuổi cao sức yếu trong những năm tháng cuối đời nhưng vẫn không tìm được người kế vị "xứng đáng". Trong suốt cuộc đời hoạt động công tác Đảng cộng sản Việt Nam, trong đó có hơn 13 năm (từ tháng1/2011 đến 7/2024) ở cương vị người đứng đầu, ông đã nỗ lực thể hiện triết lý toàn trị vận hành dựa trên nền tảng chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, thực hành "đảng trị" kết hợp với "đức trị" với mong muốn xây dựng một nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa "dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ văn minh".

Tuy nhiên, "giữa đường đứt gánh" – vì bạo bệnh ông Nguyễn Phú Trọng đã qua đời ngày 19/7/2024 ở tuổi 80. Không ai có thể sống mãi để cai trị theo ý mình, cố Tổng bí thư Trọng ‘ra đi’ khi vẫn ấp ủ "còn nhiều việc phải làm", trong đó có hai di sản nổi cộm liên quan đến sự tồn vong chế độ. Đó là chống tham nhũng và bảo vệ tư tưởng đảng. Nhiều người dân đưa tiễn ông về nơi an nghỉ cuối cùng với truyền thống văn hóa trọng tình, đề cao lối sống cá nhân giản dị và nề nếp gia phong trong bối cảnh tham nhũng tràn lan và xuống cấp đạo đức xã hội. Đồng thời, nhiều người dân cũng băn khoăn liệu người kế vị ông Tô Lâm sẽ cai quản họ ra sao ? Và, trước mắt là tiếp tục những di sản của người tiền nhiệm thế nào ?

Loạt bài viết kỳ này lý giải bốn vấn đề chủ yếu sau :

Một là, vì sao khủng hoảng kế vị luôn diễn ra dưới chế độ toàn trị ;

Hai là, Tân Tổng bí thư Tô Lâm sẽ bảo vệ chế độ "kiểu Putin" ? ;

Ba là, chống tham nhũng vẫn tiếp tục là công cụ lưỡng dụng : niềm tin dân chúng và thanh trừng phe phái ;

Bốn là, bảo vệ tư tưởng đảng trong bối cảnh tăng trưởng nhờ thị trường để đảm bảo tính chính danh.

huynhtran1

Ông Tô Lâm bên linh cữu ông Nguyễn Phú Trọng tại Hà Nội hôm 25/7/2024 - AFP

I. Khủng hoảng kế vị - đặc tính của chế độ đảng toàn trị

Đối với các chế độ tập quyền cao khủng hoảng kế vị là một "lời nguyền", trong đó chế độ chính trị hiện nay Đảng cộng sản Việt Nam lãnh đạo "tuyệt đối và toàn diện", thậm chí trong trường hợp vận hành triết lý đảng trị và đức trị này cũng không là ngoại lệ, khủng hoảng kế vị là đặc tính chung, một hình thức biểu hiện tha hóa quyền lực. Thời phong kiến Việt Nam sự kế vị theo huyết thống, cha truyền con nối, vua "thế thiên hành đạo" và truyền ngôi cho con trai. Việc không có con trai hay người kế vị không "anh minh" thường dẫn chế độ đến suy vong và, thậm chí là sự kết thúc của triều đại đó. Lịch sử mười ba triều đại phong kiến Việt Nam cho thấy điều này, hơn thế, những thời khắc kế vị luôn có ý nghĩa quan trọng với sự hưng vong của chế độ.

Chế độ Đảng cộng sản toàn trị được duy trì không chỉ bởi một hệ thống chính trị phức tạp, tinh vi, rộng khắp mà còn giữ tính tập quyền rất cao, chức vụ đứng đầu là tổng bí thư đảng, thường có quyền "tuyệt đối" dưới ông ấy là một Ban bí thư với các chức năng cai trị bao trùm các lĩnh vực với nòng cốt là Bộ Chính trị gồm dưới hai mươi người, trong đó "ngũ trụ" : Tổng bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng chính phủ, Chủ tịch quốc hội và Thường trực Ban bí thư – nhân vật vị trí quan trọng thứ năm điều phối chương trình nghị sự và hoạt động của đảng. Kiểu tổ chức này về cơ bản là mô hình Liên Xô cũ có "cải tiến" cho phù hợp với đặc thù. Lịch sử tồn tại mô hình chính trị này chỉ ra sau sự cầm quyền suốt đời như J. Stalin (1924 -1953) hay L. Brezhnev (1964-82) là sự sùng bái cá nhân, sự khủng hoảng kế vị dẫn đến nguy cơ suy vong chế độ cộng sản.

Cải tiến bước ngoặt là sau khi lãnh tụ Đảng cộng sản Trung Quốc, Mao Trạch Đông quan đời 1976. Là người kế vị, Đặng Tiểu Bình, được cho là "tổng kiến trúc sư" của "cải cách và mở cửa", đã thực hiện sự thay đổi mang tính cách mạng "thầm lặng", thế chế hóa chuyển giao quyền lực theo các nguyên tắc giới hạn tuổi và hai nhiệm kỳ công tác không quá 10 năm ở một cương vị nhằm kiểm soát xu hướng tuyệt đối hóa quyền lực đảng và sự sùng bái cá nhân lãnh tụ. Bản thân ông Đặng đã "gương mẫu" thực hiện và, sau đó đã "buông rèm nhiếp chính" chỉ với cương vị "Chủ tịch Quân ủy Trung ương" (Lãnh tụ tối cao của Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc). Sau Đặng là ba thế hệ chuyển giao quyền lực khá "êm thấm", Giang Trạch Dân, Hồ Cẩm Đào, Tập Cận Bình… Tuy nhiên, nguyên tắc nêu trên bị phá vỡ dưới thời Tập Cận Bình. Từ khi lên nắm quyền tổng bí thư đảng từ năm 2012, lúc 60 tuổi, đến nay ông Tập tiếp tục nhiệm kỳ thứ ba (2022 -2027). Hơn thế, ông ấy đã viết lại lịch sử và thay đổi hiến pháp để có thể tại vị suốt đời. Những giới hạn quyền lực đảng đã bị bãi bỏ, "cách mạng thầm lặng" do Đặng khởi xướng và thực thi, cũng như tư tưởng thực dụng của ông ấy đã kết thúc ?

Với chế độ chính trị tương đồng, Việt Nam đi theo con đường trên từ khi Đổi mới 1986. Từ đó đến nay, mặc dù có "trục trặc" ở nhiệm kỳ nào đó, nhưng việc chuyển giao quyền lực người đứng đầu Đảng cộng sản Việt Nam đã được thực hiện qua năm thế hệ lãnh đạo từ các cố Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh, Đỗ Mười, Lê Khả Phiêu, nguyên Tổng bí thư Nông Đức Mạnh và cố Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng. Ông Trọng, nhân vật được chọn năm 2011 tại Đại hội 11 của Đảng cộng sản Việt Nam làm tổng bí thư dựa trên sự đồng thuận của nhiều bên trong nội bộ đảng, đã vận dụng "trường hợp đặc biệt" để vượt quy định của đảng để ở lại nhiệm kỳ thứ ba, nhưng chưa trọn… như đã nêu trên.

Theo quan sát của giới phân tích chính trị, có sự khác biệt rõ rệt giữa hai Đảng cộng sản Trung Quốc và Việt Nam về người kế vị. Ở Trung Quốc khi Tổng bí thư ở nhiệm kỳ công tác thứ hai thường phải "giới thiệu" với Đảng người kế vị. Việc quy hoạch này là khá công khai và được thực hiện đúng cho đến thời Tập. Trái lại, ở Việt Nam người kế vị luôn là "bất ngờ" không chỉ với dân mà với cả tất cả đảng viên cộng sản và, chỉ được quyết định ở "phút 89" trong Đại hội đảng toàn quốc. Đặc thù này cho thấy nhiều điều về quyền lực và kiểm soát quyền lực trong nội bộ đảng. Nguyên tắc tập thể lãnh đạo luôn "tiềm ẩn" các phe phái, điển hình là sự tranh giành ưu thế giữa hai phe "phe đảng" và "phe chính phủ" trong nhiệm kỳ 2011-2016, khi đó cố Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã gặp thách thức, đến mức "căng thẳng" trong Đại hội 12 năm 2016, để giữ quyền lực đảng trước nguyên Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng…

Như đã biết, ông Dũng chịu về làm "người tử tế" khi đã có những dàn xếp nội bộ trong bối cảnh cố Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng không thực sự "làm chủ" mọi nhân sự của Bộ Chính trị và Ban chấp hành trung ương khóa 12. Bài học này đã thúc đẩy ông Trọng quyết tâm theo đuổi và củng cố quyền lực tuyệt đối trong khóa 12. Một trong những cách làm trong sạch bộ máy nhà nước là loại trừ những đối tượng "tự diễn biến, tự chuyển hóa" trong nội bộ và chống tham nhũng, tập trung vào các quan chức chính phủ điều hành nền kinh tế, có "nhiều quyền và gần tiền", coi họ là nguồn cơn làm tổn hại sự thống nhất quyền lực đảng (xem mục III).

Cố Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng có thâm niên cao nhất trong đảng về công tác chuyên trách đảng, là nhà lý luận của Đảng, được đào tạo khoa học chính trị ở Viện Khoa học xã hội trực thuộc Trung ương Đảng cộng sản Liên Xô (AON), được nhắc đến như "bậc thầy" về các quy tắc đảng [1], là người trong các phát biểu ‘yêu thích’ trích dẫn câu nói của V. Lênin : "Hãy cho chúng tôi một tổ chức những người cách mạng, và chúng tôi sẽ đảo lộn nước Nga lên" [2]… Dù khi ở vị trí đứng đầu đảng, nhưng "chiếc nhẫn thần quyền" [3] cũng không thể giúp ông ấy sống mãi để theo đuổi tham vọng của mình. Ông ấy đã "ra đi" và để lại những "ước mơ" về một "đảng – nhà nước trong sạch vững mạnh", về xã hội chủ nghĩa…, những di sản và dấu ấn, trong đó nổi bật hai chủ đề chống tham nhũng và tư tưởng đảng còn "dở dang"… Ngoài ra, do không "bồi dưỡng" được người kế vị "như ý" liệu thế hệ kế tiếp sẽ tiếp tục kế thừa những di sản của ông thế nào ? Trước hết, hãy xem chân dung người kế vị là ai và như thế nào trong bối cảnh duy trì chế độ đảng tập quyền.

huynhtran2

Ông Tô Lâm viếng ông Nguyễn Phú Trọng hôm 25/7/2024 - AFP

II. Tân Tổng bí thư Tô Lâm sẽ duy trì chế độ "kiểu Putin" ?

Không là người kế vị chính thức nhưng một số động thái thể hiện ban đầu của Tân Tổng bí thư Tô Lâm được quan sát với những sự kiện diễn ra đồng thời cho thấy ông ấy sẽ nỗ lực "kiểu Putin" để bảo vệ chế độ toàn trị.

Ngày 20/6/2024 với tư cách Chủ tịch nước, ông Tô Lâm chủ trì lễ long trọng đón chính thức Tổng thống Liên bang Nga V. Putin thăm cấp nhà nước tới Hà Nội theo lời mời của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng (lúc đó bệnh tình đã rất nặng). Tiếp theo, ngay sau khi nhậm chức Tổng bí thư đảng, ông Tô Lâm đã thể hiện quan điểm cầm quyền là phát huy cao nhất tinh thần "tự chủ, tự tin, tự lực, tự cường, tự hào dân tộc" [4]. Nguyên thủ quốc gia đầu tiên mà ông ấy điện đàm, được truyền thông trong và ngoài nước đưa tin rộng rãi, là Tổng thống Putin, trong đó nhấn mạnh rằng hai nước có mối quan hệ truyền thống hữu nghị và nay Nga có ‘tầm quan trọng chiến lược’ với Việt Nam [5].

Một cơ sở quan trọng cho nhận định trên là hai nhân vật Tô Lâm và Putin lên nắm quyền tối cao với xuất thân từ ngành an ninh. Một sự tương đồng thú vị có ảnh hưởng lớn trong sự nghiệp cầm quyền của họ trong thời hiện tại và cung cấp cơ sở ngoại suy trong tương lai. Lưu ý rằng, dưới chế độ toàn trị hay chuyên chế (dictatorship) các lãnh tụ đóng vai trò quan trọng trong chính sách đối nội và đối ngoại. Hơn thế, hãy cùng xem xét một số sự kiện chủ yếu khi hai nhân vật này trong bối cảnh những ngày đầu tiên kế vị.

Trước tiên là câu chuyện tóm tắt về V. Putin ở nước Nga. Năm 1999 cố Tổng thống Nga Boris Eltsin đã nhiều lần cân nhắc người kế vị. Các ông Anatoly Chubais, Boris Nemtsov, Sergei Stepashin hoặc Nikolai Aksenenko – các chính trị gia quan trọng dưới quyền được B. Eltsin ‘để ý’ nhưng cuối cùng V. Putin đã được lựa chọn. Vì sao một cựu điệp viên KGB (Ủy ban An ninh Quốc gia, tiếng Nga : Комитет государственной безопасности - KГБ) thay thế mình ?

Lý do quan trọng Putin được lựa chọn, ngoài những phẩm chất cần có ở người lãnh đạo, theo tiết lộ của ông chánh văn phòng Tổng thống Nga, Valentin Yumashev trong cuộc phỏng vấn với hãng BBC, rằng xuất thân từ KGB Putin cứng rắn đến ‘lạnh lùng’ để "sẵn sàng cho những nhiệm vụ khó khăn hơn" [6]. Còn điều không thể ‘tiết lộ’ nhưng ai cũng hiểu là Putin cam kết ‘bảo vệ’ cho gia đình Yeltsin sau khi rời chức vụ.

Tất cả những gì diễn ra sau đó với chế độ Putin như chúng ta đã chứng kiến. Khi trở thành tổng thống, ông ấy tập hợp xung quanh mình những người đồng hương từ St. Petersburg, điển hình là D. Medvedev để tạo thành bộ đôi cầm quyền suốt một phần ba thế kỷ. Ngoài ra, các đồng nghiệp an ninh từ KGB cũng được ưu tiên bố trí vào các vị trí chủ chốt trong guồng máy nhà nước, thay đổi luật pháp để có thể cai trị suốt đời… Trong tình huống khó khăn, chẳng hạn khi sa lầy trong cái gọi là "chiến dịch quân sự đặc biệt" ở Ukraine, ông ấy đã biến nước Nga thành nhà nước cảnh sát (Police State) [7] đối địch với phương Tây.

Ở Việt Nam trong những năm tháng cuối đời của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã xảy ra những "diễn biến trời long đất lở trên chính trường Việt Nam" [8], trong đó Bộ Công an và cá nhân Bộ trưởng Tô Lâm, ủy viên Bộ Chính trị đóng vai trò nổi bật. Điều này giúp ông giành quyền lực và thăng tiến nhanh trở thành chủ tịch nước và tân tổng bí thư. Trước hết, trong thời gian ngắn các lãnh đạo trong "ngũ trụ" bị mất chức :

- Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc "thôi giữ mọi chức vụ đảng, nhà nước và nghỉ hưu" vào ngày 17/1/2023.

- Sự kiện tương tự cũng xảy ra ngày 21/3/2024 đối với ông chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, người lên thay ông Phúc.

- Với ông chủ tịch quốc hội Vương Đình Huệ mất chức vào ngày 2/5/2024.

- Tương tự với bà Trương Thị Mai, Thường trực Ban bí thư, việc "từ nhiệm" xảy ra ngày 16/5/2024. Đảng không nêu rõ cụ thể lý do nhưng "suy đoán" có liên quan đến tham nhũng…

Hai là, "nhanh chóng kiện toàn" một số "ghế trống" trên của đảng và nhà nước, lần lượt theo thời gian thực, trong đó : ông Đại tướng Lương Cường, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, được phân công thay bà Trương Thị Mai làm thường trực Ban Bí thư ngày 16/5/2024 ; tất cả các nhân sự bổ sung vào Bộ Chính trị là từ các ban đảng ; tại Hội nghị lần thứ 9 của Ban chấp hành trung ương Đảng khóa 13 ông Tô Lâm, được Đảng cử và Quốc hội bầu làm chủ tịch nước ngày 22/5, thay ông Võ Văn Thưởng mất chức…

Ba là, một số nhân vật thân tín với ông Tô Lâm từ ngành an ninh được đề bạt nhanh chóng vào các vị trị quan trọng trong bộ máy đảng như Thượng tướng Nguyễn Duy Ngọc, thứ trưởng Bộ Công an, ngày 3/6/2024 "nhận quyết định" làm chánh văn phòng Trung ương Đảng ; ngày 6/6, Thượng tướng Lương Tam Quang, thứ trưởng Bộ Công an, được bầu làm tân bộ trưởng Bộ Công an nhiệm kỳ khóa 13.

Bốn là, sau khi ông Nguyễn Phú Trọng qua đời, Chủ tịch nước Tô Lâm được bầu làm tổng bí thư tại Hội nghị bất thường của Ban chấp hành trung ương Đảng cộng sản Việt Nam vào sáng ngày 3/8/2024…

Những biến cố "long trời lở đất" chắc chắn không chỉ giới hạn trong danh sách trên và sẽ tiếp tục trong quá trình tân Tổng bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm theo đuổi quyền lực tuyệt đối để "kiện toàn" bộ máy lãnh đạo đảng. Mới đây, ngày 8/8 thiếu tướng Vũ Hồng Văn, người đồng hương của ông Tô Lâm, vừa được Bộ Chính trị điều động giữ chức phó chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra trung ương. Ông này nguyên là Cục trưởng Cục An ninh chính trị nội bộ thuộc Bộ Công an…

Chính thức khép lại thời cố Tổng bí thư Trọng, tân tổng bí thư, chủ tịch nước Tô Lâm cầm quyền và bắt đầu giai đoạn "khó lường" trên chính trường Việt Nam. Trong những tháng cuối đời điều trị bệnh của Tổng bí thư Trọng đã có những tin đồn rằng ông liệu ấy có thể đã bị tiếm quyền [9]. Giả sử như vậy thì việc "tiếm quyền" này là hệ quả tất yếu của quá trình tăng cường an ninh chế độ [10] mà nguồn gốc xuất phát từ "bài học từ sự sụp đổ của chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô và Đông Âu" trước đây [11]. Trong quá trình áp dụng kinh tế thị trường giới cầm quyền luôn "đề phòng" sự "tự chuyển hoá, tự diễn biến" trong nội bộ trước những ảnh hưởng của các giá trị tự do dân chủ phương Tây. Thể chế hoá, xây dựng và áp dụng các luật, như Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, Luật Phòng thủ dân sự…, để tăng quyền lực cho an ninh đồng thời với bố trí ê-kíp lãnh đạo chủ chốt của hệ thống này từ cương vị cao nhất như tổng bí thư, chủ tịch nước và quá trình kiện toàn nhân sự đảng theo hướng "cảnh sát hóa" đang được nỗ lực thúc đẩy.

Với những "ưu thế" quyền lực rõ ràng thuộc về phái ‘công an’ như nêu trên, tân Tổng bí thư, chủ tịch nước Tô Lâm đã sẵn sàng thể hiện là lãnh đạo quyền lực "vô đối" trong đảng. Trong Hội nghị bất thường ngày 3/8/2024 ông ấy đã được bầu với số phiếu tuyệt đối 100% ! Cũng ngay tại Hội nghị này đã có 4 (bốn) ủy viên bị loại khỏi Ban chấp hành trung ương, đồng nghĩa với việc mất chức với những hình thức kỷ luật khác nhau sau này : phó Thủ tướng Lê Minh Khái, Bộ trưởng Tài Nguyên và môi trường Đặng Quốc Khánh và hai Bí thư tỉnh ủy là là ông Nguyễn Xuân Ký của tỉnh Quảng Ninh và Chẩu Văn Lâm của tỉnh Tuyên Quang…

Quá trình thâu tóm quyền lực ban đầu đã diễn ra "thuận lợi" và việc củng cố sẽ tiếp tục cho đến và từ Đại hội 14. Tuy nhiên, cai trị nhờ bạo lực bằng cách gieo rắc nỗi sợ hãi không khi nào được coi là giải pháp bền vững, nhưng có tác dụng trong tình huống cấp bách để bảo vệ chế độ. Hệ thống chính trị chỉ có thể duy trì ổn định khi nó được thiết lập và vận hành để phát triển kinh tế - xã hội có hiệu quả. Nếu thất bại, nguy cơ về một nhà nước cảnh sát sẽ là một cảnh báo. Trước mắt, liệu ông Tô Lâm có thể đóng vai trò nhất thể hóa hai chức trong "tứ trụ" của chính trị Việt Nam, kéo dài cho đến khi nào vẫn "rào cản" trong bối cảnh nguyên tắc tập thể lãnh đạo, dựa vào "đồng thuận chung", về hình thức, vẫn còn dưới thời ông Trọng. Bởi vậy, câu hỏi lớn vẫn là liệu tân Tổng bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm có thể cải cách thể chế lâu nay của Việt Nam hay không và thế nào ? Trong đó, những thách thức thực sự đối với ông ấy và ê-kíp, cả về đối nội và đối ngoại, đến từ các vấn đề hiện hữu trong giai đoạn thoái trào của chế độ [12] do tích tụ những mâu thuẫn giữa "thượng tầng" chính trị và "hạ tầng" kinh tế, trong đó chống tham nhũng và bảo vệ hệ tư tưởng đảng là hai di sản dở dang có liên quan mật thiết tới tăng trưởng kinh tế và đời sống xã hội…

huynhtran3

Ông Tô Lâm và hàng ngũ lạnh đạo cộng sản Việt Nam viếng ông Nguyễn Phú Trọng hôm 25/7/2024 - AFP

III. Chống tham nhũng "tới cùng" là tới khi nào ?

Trong cuộc họp báo sau khi được Hội nghị Ban chấp hành trung ương Đảng bầu giữ chức Tổng bí thư Ban chấp hành trung ương Đảng cộng sản Việt Nam, ông Tô Lâm nhấn mạnh : "Chúng ta sẽ tiếp tục công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực không ngừng, không nghỉ, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai, với tinh thần xử lý một vụ, cảnh tỉnh cả vùng" [13] và khẳng định, thời gian tới, công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực sẽ được triển khai mạnh mẽ với phương châm, giải pháp như thời gian qua. Đảng khẳng định chống tham nhũng "tới cùng" nhưng công luận băn khoăn "tới cùng" là tới khi nào ?

Di sản chống tham nhũng của cố Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng có thể được khái quát :

Trước hết, thừa nhận thực trạng tham nhũng là nghiêm trọng, mang tính hệ thống và tinh thần "quyết tâm" chống tham nhũng. Giới lãnh đạo đảng thừa nhận rằng ‘tham nhũng quyền lực là dạng tham nhũng phổ biến nhất, ở nhiều tầng nấc nhất’ và "quyết tâm" dùng quyền lực đảng ở "đỉnh tháp" để chống tham nhũng quyền lực của hệ thống. Những diễn ngôn thể hiện quyền lực "đao to búa lớn" của các lãnh đạo được thấy trên ở nhiều nơi, trong các hội nghị đảng hay nghị trường quốc hội và được truyền thông nhà nước đưa tin. Chẳng hạn, nhân Kỳ họp ngày 23/4/2018 Ủy ban Kiểm tra trung ương đã đề nghị Ban Bí thư xem xét, thi hành kỷ luật đối với bà Phan Thị Mỹ Thanh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu quốc hội tỉnh Đồng Nai, một tờ báo nhà nước đã giật tít "Chống tham nhũng tới cùng" [14]. Tuy nhiên, trong bài này không thể tìm thấy câu trả lời cho vấn đề chống tham nhũng "tới cùng" là tới khi nào ?

Hai là, những con số kết quả chống tham nhũng. Sau hơn 10 năm khi thành lập Ban Chỉ đạo trung ương về phòng, chống tham nhũng trực thuộc Bộ Chính trị do Tổng bí thư làm Trưởng ban vào tháng 2/2013 Đảng đã thi hành kỷ luật hơn 2.700 tổ chức đảng, gần 168.000 đảng viên, trong đó có hơn 7.390 đảng viên bị kỷ luật do tham nhũng. Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra trung ương đã kỷ luật hơn 170 cán bộ cấp cao diện Trung ương quản lý, trong đó có 33 Ủy viên, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, hơn 50 sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang. Riêng từ đầu nhiệm kỳ Đại hội 13 năm 2021 Đảng đã kỷ luật 50 cán bộ diện Trung ương quản lý, trong đó có 8 ủy viên, nguyên ủy viên Ban chấp hành trung ương Đảng, 20 sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang. Và "đột phá" trong năm cuối cùng cho đến khi ông Trọng qua đời vào tháng 7/2024, đã có 7 ủy viên Bộ Chính trị, và nhiều cán bộ cao cấp khác bị kỷ luật, cách chức, và thậm chí bị xử lý hình sự… Tuy nhiên, những con số chỉ là ‘phần nổi của tảng băng trôi’ mà phía chìm ở dưới là nhiều ‘cá bự’ không thế bắt được hoặc không được bắt vì những ‘bí mật cung đình.’

Ba là, công tác chống tham nhũng được viết thành sách, được tóm lược thành những điểm sau :

Thứ nhất, tăng cường công tác giáo dục tư tưởng, đạo đức ;

Thứ hai, xây dựng, hoàn thiện thể chế để "không thể", "không dám" tham nhũng ;

Thứ ba, kiên quyết xử lý tham nhũng không có "vùng cấm", không có "ngoại lệ", không có "hạ cánh an toàn" ;

Thứ tư, phát huy vai trò nêu gương của đội ngũ cán bộ, đảng viên ;

Thứ năm, xây dựng đội ngũ cán bộ ngành thanh tra, kiểm tra đảng có đủ phẩm chất, năng lực, đáp ứng yêu cầu được giao ;

Thứ sáu, phát huy vai trò của cả hệ thống chính trị và nhân dân trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Người ta gọi đây là "Di sản lý luận nhìn từ công tác chống tham nhũng của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng" [15]. 

Tuy nhiên, dường như lý luận đi trước "xa" thực tế, những sự kiện, hiện tượng, chứng cứ cho thấy trong bất cứ luận điểm nào nêu trên cũng thấy còn "dở dang".

Thí dụ, về nội dung thứ hai xây dựng, hoàn thiện thể chế chống tham nhũng có tầm quan trọng thiết yếu của nó là không bàn cãi, nhưng khi triển khai trong thực tế đã "bế tắc". Sau khi nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chấp nhận "thỏa thuận" về hưu làm "người tử tế", chiến dịch "đốt lò" do Tổng bí thư Nguyễn Phú Trong phát động, được tăng cường. Học tập kinh nghiệm của Đảng cộng sản Trung Quốc, năm 2017 ông Trọng đã nhấn mạnh cần phải "nhốt quyền lực vào lồng thể chế" [16]. Theo tinh thần này, Luật Phòng, chống tham nhũng 2018 (số ký hiệu : 36/2018/QH14) [17] được ban hành năm 2018 bởi Quốc hội Việt Nam khóa 14 đặt ra toàn bộ quy định về phòng ngừa, phát hiện tham nhũng, xử lý tham nhũng và hành vi khác vi phạm pháp luật ở lĩnh vực này. Tuy nhiên, các văn bản dưới luật như nghị định, thông tư hoặc chưa được ban hành hoặc có nhiều khiếm khuyết khi áp dụng vào thực tế, chẳng hạn, về việc kê khai tài sản của quan chức. Một trong những nguyên nhân chủ yếu là cơ chế Đảng đứng trên, lãnh đạo Nhà nước" đã hủy hoại nỗ lực xây dựng, cải cách thể chế pháp quyền theo hướng công khai minh bạch.

Công cuộc chống tham nhũng bởi Đảng cộng sản toàn trị ở Việt Nam với nền kinh tế đang phát triển và chuyển đổi sẽ tiếp tục đứng trước những thách thức lớn bởi ba nghịch lý chủ yếu. Một là, việc mở cửa nền kinh tế, hội nhập với khu vực và thế giới để thu hút "ồ ạt" đầu tư nước ngoài và mở rộng thương mại đã thúc đẩy tăng trưởng nhanh. Trong quá trình này với các thể chế "lỏng lẻo" tiền được luân chuyển rất nhiều và nhanh trong tầng lớp tinh hoa, các quan chức của chế độ, với sự kiểm soát quyền lực nội bộ kém hiệu quả khiến cho các trường hợp, vụ việc tham nhũng được nhân lên gấp bội và mang tính hệ thống.

Hai là, chống tham nhũng với phương châm "đập chuột nhưng không làm vỡ bình", nó không chỉ nhằm đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi những mặt trái của việc mở cửa nền kinh tế với những khó khăn xây dựng thể chế pháp quyền mà Đảng còn phải đặt nhiệm vụ kiểm soát bộ máy chính trị, hạn chế sự thao túng hay chống đối của các đối thủ chính trị, mà theo thời gian mầm mống nguy cơ lớn dần và họ không bỏ lỡ cơ hội để khẳng định vị thế. Đây là lý do khiến tân Tổng bí thư Tô Lâm không thể không tiếp tục chiến dịch "đốt lò", thậm chí giới quan sát suy đoán rằng nó sẽ được tiến hành khốc liệt hơn, thực dụng và ít "đạo đức" hơn thời ông Trọng. Tuy nhiên, những hiệu ứng ngược đang rất mạnh, gây trì trệ trên diện rộng bộ máy hành chính và làm sụt giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế do "gián đoạn, đứt gãy" các động lực thúc đẩy.

Ba là, chiến dịch chống tham nhũng được người dân ủng hộ. Đây cũng là lý do mà nhiều người dân kính trọng cố Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, người đứng đầu đảng đã "dũng cảm" đối diện với "giặc nội xâm", luôn thể hiện chống tham nhũng tới cùng. Họ tỏ ra "thích thú" khi biết có những quan chức cấp cao, những "con cá lớn" bị sa lưới, họ cũng có vẻ "hả hê" khi những chủ doanh nghiệp lớn, những nhà tư bản một thời bị coi là "kẻ bóc lột" bị phanh phui và bị bỏ tù.

Hiện nay đang lan truyền nhanh chóng tin đồn về cái chết "đột ngột" của ông Vũ Tiến Lộc [18], đương kim Đại biểu quốc hội khóa 15, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam, nguyên Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), qua đời không rõ nguyên nhân vào sáng 5/8/2024, được cho là có liên quan với tư cách "người môi giới hối lộ" cho một vị quan chức được cho là "trùm cuối" của các vụ đại án tham nhũng Việt Á và Vạn Thịnh Phát. Dư luận "háo hức" chờ đợi vụ việc được "đưa ra ánh sáng", mong muốn Đảng thực hiện cam kết chống tham nhũng "không vùng cấm" sao cho mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật. Điều đó chứng tỏ rằng Đảng, dù không có tính chính danh, nhưng "được tiếng" là bảo vệ nhân dân.

Tóm lại, tham nhũng đang hủy hoại chế độ, vì vậy chống tham nhũng không thể không tiếp tục. Tuy nhiên, công cuộc chống tham nhũng khi người dân "đứng ngoài cuộc", như những khán giả "thưởng thức" những trận đấu, thậm chí "trò chơi vương quyền", không những chỉ phơi bày gót chân Asin của chế độ mà còn cho thấy không thể có câu trả lời thuyết phục cho câu hỏi liệu chống tham nhũng đến cùng là đến khi nảo ?

Cội nguồn tham nhũng là do lỗi hệ thống. Bởi vậy, di sản dở dang này đang là gánh nặng không chỉ đối với cải cách chế độ mà còn đối với cá nhân Tổng bí thư Tô Lâm trong thời khắc chuyển giao quyền lực và những năm cầm quyền sắp tới.

huynhtran4

Ông Tô Lâm trong chuyến công du Campuchia hôm 13/7/2024 - AFP

IV. Tân Tổng bí thư Tô Lâm bảo vệ tư tưởng của Đảng thế nào ?

Trong nỗ lực cứu Đảng cộng sản, cố Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhân danh một chiến dịch chống tham nhũng nhằm cố gắng thay đổi bản chất con người thay vì thay đổi hệ thống chính trị đầy tham nhũng. Ngoài "đức trị" do ảnh hưởng của khổng giáo ông ấy kiên định vận dụng tư tưởng Mác – Lênin, trong đó đề cao chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa chuyên chế, vào công tác lãnh đạo đảng, bỏ qua các quy tắc và chuẩn mực vốn nhằm kiểm soát quyền lực, tái tập trung quyền lực đảng, lấn át phân quyền cho bộ máy hành chính, thanh trừng các nhà kỹ trị, quan chức chính phủ "tự chuyển hóa", đàn áp giới bất đồng chính kiến, xóa sổ xã hội dân sự và thúc đẩy sự trỗi dậy của ngành công an… Tất cả tạo nên hệ tư tưởng của đảng. Hệ tư tưởng đảng cung cấp cơ sở để lý giải nguyên nhân vì sao Đại tướng công an Tô Lâm, dù không phải là người kế vị chính thức, nhưng đã nhanh chóng và "suôn sẻ" thâu tóm quyền lực để trở thành lãnh đạo "vô đối", Tổng bí thư kiêm Chủ tịch nước, ngay sau khi ông Trọng qua đời. Giờ đây, các nhà quan sát đang dõi theo ông Tô Lâm bảo vệ tư tưởng của Đảng thế nào ?

Trước hết, về nguyên lý và thực tế chỉ ra, hệ tư tưởng Đảng cộng sản Việt Nam là "bản sao", rõ nét nhất so với các nước dương ‘ngọn cờ xã hội chủ nghĩa’ như Cuba, Triều Tiên, Lào, Venezuela…, là từ mô hình Đảng cộng sản Trung Quốc. Về nguyên lý, cả hai đảng cầm quyền tương đồng, về cơ bản, hệ thống chính trị dựa trên nền tảng chủ nghĩa Mác – Lênin, chủ nghĩa xã hội, và có chút sự khác biệt là việc diễn giải nó trong bối cảnh lịch sử hay điều kiện đặc thù của mỗi nước. Chẳng hạn, ở Trung Quốc tư tưởng Mao Trạch Đông và ở Việt Nam tư tưởng Hồ Chí Minh được bổ sung thêm hay xã hội chủ nghĩa được xây dựng "mang bản sắc Trung Quốc" còn ở Việt Nam thì "định hướng xã hội chủ nghĩa"… Sự tương đồng này được làm sâu sắc hơn từ đầu những năm 2010 khi Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng lên cầm quyền song hành với Tổng bí thư Tập Cận Bình, và có thể được nhận biết qua các hành động của mỗi đảng. Điển hình, ở bề nổi dễ quan sát, như chiến dịch "đả hổ diệt ruồi" ở Trung Quốc thì ở Việt Nam là chiến dịch đốt lò và, ở phần chìm khó nhận biết hơn, như chủ trương, chính sách "an ninh chế độ" [19] được thiết kế và thực thi…

Việc vận dụng vào thực tế Việt Nam và tìm bản sắc dân tộc trong nỗ lực xây dựng cơ sở lý luận bởi cố Tổng bí thư Trọng cho hệ tư tưởng đảng cũng là "thành công". Tuy nhiên, thực tế vận hành, theo quan sát riêng, cho thấy triết lý thực dụng, được cho là của Đặng Tiểu Bình giúp Trung Quốc trỗi dậy nhanh và mạnh mẽ, kéo dài trong hơn 3 thập kỷ, trong khi đó việc vận dụng triết lý thực dụng vào môi trường "Đổi mới" ở Việt Nam dường như không được "đậm nét", thậm chí "sai lệch", trong đó vai trò của Đảng yếu dần trong khi Chính phủ có xu hướng mạnh lên, lấn át. Giai đoạn "trỗi dậy" ở Việt Nam ngắn hơn, nổi bật dưới thời cố thủ tướng Võ Văn Kiệt, sau đó "biến tướng" bắt đầu từ thời nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Cố Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, lãnh đạo được chọn bởi thỏa hiệp phe phái trước Đại hội 11 năm 2011, đã nhận thấy và định danh là những biểu hiện "tự diễn biến, tự chuyển hóa" kèm theo với nạn tham nhũng. Ông ấy đã nỗ lực giành lại quyền lãnh đạo tập trung của Đảng, trong đó tăng cường chống tham nhũng kết hợp thanh trừng phe phái và củng cố tư tưởng Đảng là hai mũi nhọn đột phá. Đó thực sự mang "dấu ấn" của ông Trọng và, những gì diễn ra từ đó cho đến nay… hình thành các di sản nhưng còn dở dang cho thế hệ lãnh đạo sau, khởi đầu là tân Tổng bí thư Tô Lâm.

Về nguyên lý, việc xây dựng và vận hành hệ tư tưởng đảng cộng sản là quá trình phức tạp, nhưng để làm sáng tỏ thì sự cần thiết phải có tiếp cận từ tính chất toàn trị của chế độ nói chung, từ khởi đầu của nó từ những thập niên đầu thế kỷ 20 dưới hình thức chế độ toàn trị kiểu phát xít Hitler ở Đức hay Mussolini ở Ý đến kiểu toàn trị Đảng cộng sản như mô hình Trung Quốc hiện nay. Giới nghiên cứu đã chỉ ra giữa chúng rất ít sự khác biệt, chủ nghĩa phát xít công khai tuyên bố theo chủ nghĩa dân tộc, chủ nghĩa cộng sản, trên lý thuyết, biểu dương chủ nghĩa quốc tế, nhưng trên thực tế, vẫn luôn luôn mang tinh thần dân tộc chủ nghĩa, cũng đều nhắm, trước hết, đến quyền lợi của quốc gia và dân tộc của họ. Và cả hai đều là những chế độ độc tài (cá nhân hay tập thể) vô cùng tàn bạo [20].

Khi Trung Quốc trỗi dậy mạnh mẽ với chính sách cải cách và mở cửa đã thu hút sự quan tâm của giới nghiên cứu và giới chính trị, trong đó bản chất toàn trị trong thực tế được phân tích nghiêm túc. Một trong những vấn đề được nêu ra là vì sao chủ nghĩa cộng sản sống thọ ở một số nước Đông Á mà Trung Quốc là điển hình ? Sau đây là một cách lý giải [21] :

Một là, chủ nghĩa cộng sản mặc dù ra đời từ giữa thế kỷ 19 nhưng vẫn có sức hấp dẫn với đa số người dân, kể cả giới trí thức, ở các nước kém phát triển, trong đó có Việt Nam, sau khi giành được độc lập từ chủ nghĩa thực dân, đế quốc vốn bị ác cảm, thậm chí là "căm thù" sau hàng trăm năm bị đô hộ. Họ tiếp cận với chủ nghĩa cộng sản như là một mô hình xây dựng nhà nước với sự hứa hẹn về tương lai thịnh vượng với "Tự do, Bình đẳng và Bác ái", trước hết là một nhà nước xã hội chủ nghĩa chu cấp cho mọi vấn đề từ y tế, giáo dục đến những nhu cầu cơ bản cá nhân như ăn, ở, mặc…

Hai là, mặc dù lý thuyết về chủ nghĩa cộng sản của Các Mác còn nhiều "tranh cãi", nhưng khi áp dụng để phổ biến và tuyên truyền, đặc biệt với phương pháp luận biện chứng phức tạp, lại biến thành các câu trả lời khá đơn giản theo ý chí của nhà cầm quyền, cho các vấn đề bao gồm cả độc lập dân tộc, nạn đói, việc làm, công nghiệp hóa, toàn cầu hóa… Sự nguỵ biện được thấy trong nhiều phạm trù như đầu tư trực tiếp nước ngoài, thị trường, bóc lột sức lao động… Ở đây, nhiều giá trị thuộc chủ nghĩa tư bản, từng bị coi đối nghịch với chủ nghĩa xã hội, đã không hề được nói đến ;

Ba là, giới trí thức là thành phần xã hội chịu ảnh hưởng lớn nhất của chủ nghĩa Mác và, khi ở trong hệ thống chính trị họ trở thành giới tinh hoa vận dụng chúng để biến thành hệ tư tưởng đảng cộng sản, truyền bá và dẫn dắt hành động toàn trị và xây dựng và áp đặt một kiểu ý thức hệ cho toàn xã hội :

Bốn là, nho giáo, khổng giáo, có ảnh hưởng sâu sắc đến đời sống văn hóa – xã hội của người dân, được cho là có "mối liên hệ đồng biến" với chủ nghĩa cộng sản". Điển hình là tư tưởng, giáo lý về mục tiêu và kết quả cuối cùng của một xã hội lý tưởng, trong con người được giải phóng khỏi các tham vọng, tư sản và các giá trị vật chất, được sống đúng với bản chất danh nghĩa con người (theo thuyết chính danh Khổng tử), hay đúng với tự nhiên hoàn bị (theo thuyết cộng sản của Mác). Trên cơ sở đó, "mọi cái đều là của chung, mọi người đều có quyền lợi, đều được chăm sóc".

Năm là, như một hệ quả, chủ nghĩa cộng sản được "chấp nhận, dù nó không phải là chủ nghĩa cộng sản". Xã hội cộng sản là thiên đường nhưng trong tương lai, trước mắt là thời kỳ quá độ, bỏ qua tư bản chủ nghĩa, tiến lên chủ nghĩa xã hội, giai đoạn đầu của chủ nghĩa cộng sản. Bởi vậy, mọi người hay chờ đợi, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng…

Tuy nhiên, quá trình vận hành hệ tư tưởng đảng trong bối cảnh chuyển đổi thị trường đã chỉ ra thực tế không "bền vững" như thế. Thay thế công cụ kế hoạch hóa tập trung kinh tế thị trường đã khiến các quốc gia với chế độ Đảng cộng sản toàn trị tuân theo tính quy luật phát triển với chu kỳ thịnh suy : trỗi dậy, đỉnh cao và thoái trào. Mô hình Trung Quốc đang suy thoái với nhiều vấn đề thách thức và, Việt Nam cũng vậy. Giới cầm quyền đang bảo vệ tư tưởng đảng bằng cách tăng cường chuyên chế, bạo lực theo luật "Quân vương" - cuốn sách về bản chất của chế độ chính trị của Machiavelli [22] với sự tàn bạo của nhà cai trị "thà phụ người chứ không để người phụ ta", trong khi các nỗ lực "lãnh đạo trí tuệ và đạo đức" của Đảng như Gramsci [23] đề xuất "làm chủ văn hóa" thì ngày càng trở nên xa thực tế thị trường và kém thuyết phục bởi tha hóa quyền lực, tham nhũng.

Di sản là di sản, nhưng còn ‘dở dang’, nên sự sẽ thay đổi sẽ khó lường không chỉ tuỳ thuộc vào ý chỉ chủ quan của cá nhân lãnh tụ của chế độ. Một số yếu tố của tư tưởng đảng đang có xu hướng quay về quá khứ toàn trị "kiểu Mao", trong đó nổi bật là hai chủ lưu "chính trị ký ức" và "tôn giáo chính trị" được nỗ lực truyền bá phục vụ duy trì chế độ. Liệu có hy vọng tân Tổng bí thư Tô Lâm và những thế hệ kế tiếp sẽ thực dụng để cải cách hệ tư tưởng phục vụ cho sự phát triển đất nước khi đặt lợi ích của nhân dân lên trên lợi ích của chế độ ?

Huỳnh Trần

Nguồn : RFA, 14/08/2024

Tham khảo :

[1] https://nghiencuuquocte.org/2021/03/10/con-duong-chinh-tri-cua-nguyen-phu-trong/

[2] https://xaydungchinhsach.chinhphu.vn/tong-bi-thu-nguyen-phu-trong-lich-su-van-nuoc-dat-tat-ca-vao-doi-ngu-can-bo-cap-chien-luoc-119240313171022265.htm

[3] https://en.wikipedia.org/wiki/Rings_of_Power

[4] https://xaydungchinhsach.chinhphu.vn/trung-uong-gioi-thieu-quoc-hoi-bau-dong-chi-dai-tuong-to-lam-giu-chuc-chu-tich-nuoc-119240518175219572.htm

[5] https://vietnamnet.vn/tong-bi-thu-chu-tich-nuoc-to-lam-dien-dam-voi-tong-thong-nga-vladimir-putin-2309960.htmlhttps://www.voatiengviet.com/a/tan-tong-bi-thu-to-lam-dien-dam-voi-tong-thong-putin-nga-quan-trong-chien-luoc-viet-nam/7734849.html

[6] https://tuoitre.vn/trong-thoi-khac-quan-trong-nuoc-nga-da-chon-nguoi-ke-vi-vladimir-putin-ra-sao-20191219093125936.htm

[7] https://nghiencuuquocte.org/2022/08/10/nha-nuoc-canh-sat-moi-cua-putin/

[8] https://www.bbc.com/vietnamese/articles/c2500v3220zo

[9] https://www.rfi.fr/vi/tạp-ch%C3%AD/tạp-ch%C3%AD-việt-nam/20240325-viet-nam-chu-tich-nuoc-bi-cach-chuc-tong-bi-thu-bi-tiem-quyen

[10] https://www.rfa.org/vietnamese/news/comment/blog/how-does-the-party-face-challenges-in-downturn-part-3-07052024114211.html

[11] https://nhandan.vn/bai-hoc-tu-su-sup-do-cua-chu-nghia-xa-hoi-o-lien-xo-va-dong-au-post308642.html

[12] https://www.rfa.org/vietnamese/news/comment/blog/china-model-out-of-trend-what-lesson-for-vn-part-1-04162024111025.html

[13] https://bocongan.gov.vn/tin-tuc/tong-bi-thu-chu-tich-nuoc-to-lam-phat-huy-cao-nhat-tinh-than-tu-chu-tu-tin-tu-luc-tu-cuong-tu-hao-dan-toc-t40544.html

[14] https://daibieunhandan.vn/chinh-sach-va-cuoc-song/Chong-tham-nhung-toi-cung-i47861/

[15] https://vietnamnet.vn/di-san-ly-luan-nhin-tu-chong-tham-nhung-cua-tong-bi-thu-nguyen-phu-trong-2305648.html

[16] https://nhandan.vn/phai-nhot-quyen-luc-trong-long-the-che-post301366.html?ref=luatkhoa.com

[17] https://vanban.chinhphu.vn/?pageid=27160&docid=206104

[18] https://plo.vn/dbqh-vu-tien-loc-nguyen-chu-tich-vcci-dot-ngot-qua-doi-post803702.html

[19] https://www.rfa.org/vietnamese/news/comment/blog/how-does-the-party-face-challenges-in-downturn-part-3-07052024114211.html

[20] https://www.amazon.com/Intellectuals-Society-Thomas-Sowell/dp/0465025226

[21] https://www.luatkhoa.com/2020/02/vi-sao-chu-nghia-cong-san-song-tho-o-dong-a/

[22] https://nghiencuulichsu.com/2013/02/25/quan-vuong-machiavel/

[23] https://plato.stanford.edu/entries/gramsci/# :~:text=He%20employed%20the%20concept%20"hegemony,contingent%20variation%20in%20historical%20circumstance

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Huỳnh Trần
Read 328 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)