Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

14/08/2024

Chống tham nhũng : cuộc săn lùng phù thủy tiếp tục dưới thời Tô Lâm

Nhiều nguồn tin

Tổng bí thư, Chủ tịch Tô Lâm chỉ thị xử lý dứt điểm các tổ chức, đảng viên dính líu tham nhũng

RFA, 14/08/2024

Tổng bí thư, Chủ tịch nước Việt Nam, ông Tô Lâm, vào ngày 14/8 ra chỉ thị cần điều tra, xử lý dứt điểm sai phạm của các tổ chức đảng, đảng viên Cộng sản Việt Nam (Đảng cộng sản Việt Nam) trong các vụ án tham nhũng lớn từng khiến những lãnh đạo hàng đầu phải ra đi như vụ Thuận An, Phúc Sơn, Xuyên Việt Oil, EVN, Vạn Thịnh Phát…

sanlung1

Tân Tổng bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm tại Phiên họp thứ 26 - PLO

Chỉ thị của ông Tô Lâm như vừa nêu được đưa ra ngày 14/8 ở Hà Nội tại Phiên họp thứ 26 của Ban Chỉ đạo trung ương về Phòng chống tham nhũng, Tiêu cực (gọi tắt Ban Chỉ đạo) mà ông hiện là Trưởng ban.

Theo chỉ thị của người đứng đầu đảng và Nhà nước Việt Nam, trong thời gian còn lại của năm 2024, cần tập trung kết thúc điều tra, truy tố, xét xử 30 vụ án ; kết thúc xác minh, giải quyết sáu vụ việc thuộc diện theo dõi của Ban Chỉ đạo ; đặc biệt là các vụ liên quan Công ty cổ phần Tiến bộ Quốc tế AIC mà chủ tịch Nguyễn Thị Thanh Nhàn đang trốn truy nã, vụ án Xuyên Việt Oil, vụ án tại Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Thuận An, Phúc Sơn, Vạn Thịnh Phát, Sài Gòn Đại Ninh … và những vụ án, vụ kiện liên quan đến nhân sự đại hội đảng các cấp.

Tuy nhiên, ông Tô Lâm chỉ thị Phòng chống tham nhũng và tiêu cực phải phục vụ kinh tế, xã hội chứ không do đẩy mạnh Phòng chống tham nhũng và tiêu cực mà gây cản trở, ảnh hưởng đến lĩnh vực phát triển kinh tế, xã hội.

Nguồn : RFA, 14/08/2024

***********************

Chủ tịch nước, Tổng bí thư Tô Lâm nói chống tham nhũng phải 'phục vụ kinh tế'

BBC, 14/08/2024

Sáng 14/8, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Chủ tịch nước, Tổng bí thư Tô Lâm chỉ đạo cuộc họp Ban Chỉ đạo trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Ông Tô Lâm yêu cầu xử lý dứt điểm các vụ án trọng điểm.

sanlung2

Bảy ủy viên Bộ Chính trị mất chức. Hàng trên từ trái qua : Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh, thường trực Ban Bí thư Trương Thị Mai, Trưởng Ban kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh. Hàng dưới : Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng

Những vụ án liên quan đến Công ty cổ phần Tiến bộ Quốc tế (AIC), Xuyên Việt Oil, các tập đoàn Phúc Sơn, Thuận An, Vạn Thịnh Phát, dự án Sài Gòn Đại Ninh (Lâm Đồng)... và các vụ án, vụ việc liên quan đến nhân sự đại hội đảng các cấp đã được ông Tô Lâm - Chủ tịch nước, Tổng bí thư, Trưởng ban Chỉ đạo trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực - nhấn mạnh trong cuộc họp.

Đặc biệt, ông Tô Lâm còn chủ trương phòng chống tham nhũng phải phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Theo đó, không vì đẩy mạnh phòng chống tham nhũng, tiêu cực mà ảnh hưởng, cản trở phát triển kinh tế, xã hội.

Câu nói của người đứng đầu Đảng và Nhà nước Việt Nam được đưa ra trong bối cảnh có những lo ngại về việc chiến dịch chống tham nhũng khiến quan chức, cán bộ sợ hãi không dám đưa ra quyết định, phần nào gây tê liệt bộ máy nhà nước và điều này khiến các nhà đầu tư nước ngoài e ngại.

Ngày 13/8, trong cuộc họp Tiểu ban Văn kiện Đại hội 14, ông Tô Lâm với tư cách là trưởng tiểu ban này đã chủ trương chống tham nhũng, tiêu cực với phương châm "không ngừng", "không nghỉ".

Tân tổng bí thư ví cuộc đốt lò như cuộc chiến chống "giặc nội xâm" để xây dựng Đảng thật sự trong sạch, vững mạnh.

Ông bày tỏ quyết tâm đưa cuộc chiến chống tham nhũng tới "thắng lợi hoàn toàn".

Kỷ luật gần 50 cán bộ diện Trung ương quản lý

Tại cuộc họp ngày 14/8, Ban Chỉ đạo trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (Ban Chỉ đạo) cho biết trong 6 tháng đầu năm 2024, cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật 308 tổ chức đảng, 11.005 đảng viên, tăng 34 tổ chức đảng và 1.055 đảng viên so với cùng kỳ năm ngoái.

Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương cũng đã thi hành kỷ luật 47 cán bộ, cho thôi chức 14 lãnh đạo thuộc diện Trung ương quản lý về trách nhiệm người đứng đầu hoặc liên quan các vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực.

Tính từ đầu năm 2024 đến nay, đã có 5 ủy viên Bộ Chính trị, trong đó có tới hai nhân vật thuộc Tứ Trụ xin thôi chức và rời chính trường gồm : Trưởng Ban kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Thường trực Ban Bí thư Trương Thị Mai và Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng.

Con số này chưa kể hai ủy viên Bộ Chính trị là Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh và Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cũng xin thôi chức lần lượt vào cuối năm 2022 và đầu năm 2023.

Như vậy, Bộ Chính trị khóa 13 với con số đầu khóa là 18 đã hao hụt mất bảy ủy viên vì lý do "chịu trách nhiệm chính trị người đứng đầu" hoặc "vi phạm những điều Đảng viên không được làm".

Từ đầu nhiệm kỳ tới nay, đã có 10 ủy viên Trung ương Đảng xin thôi chức, con số này chưa tính bốn người mới xin thôi vào ngày 3/8 gồm : Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh, Bí thư Quảng Ninh Nguyễn Xuân Ký, Bí thư Tuyên Quang Chẩu Văn Lâm.

Theo Ban Chỉ đạo, trong 6 tháng đầu năm 2024 đã phát hiện, xử lý hơn 150 trường hợp do tham nhũng, tiêu cực, trong đó xử lý hình sự hơn 50 trường hợp.

Một số vụ án trọng điểm được Ban Chỉ đạo đốc thúc đã kết thúc điều tra, truy tố và đưa ra xét xử gồm : vụ án xảy ra tại Ngân hàng SCB, Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư An Đông và các tổ chức, đơn vị có liên quan ; vụ FLC, Tân Hoàng Minh. Hiện vụ án xảy ra tại Cục Đăng kiểm Việt Nam đang được xét xử.

Về nhiệm vụ trọng tâm những tháng cuối năm 2024 và thời gian tới, ông Tô Lâm với cương vị là Trưởng Ban Chỉ đạo đã yêu cầu tập trung điều tra, xử lý dứt điểm các vụ án, vụ việc liên quan đến Công ty AIC, Xuyên Việt Oil, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tập đoàn Thuận An, Phúc Sơn, Vạn Thịnh Phát, dự án Sài Gòn Đại Ninh (Lâm Đồng),... và các vụ án, vụ việc liên quan đến nhân sự đại hội đảng các cấp.

Các vụ việc nói trên đa phần đều liên quan tới các quan chức, cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý (đương nhiệm hoặc đã về hưu) bị khởi tố bắt giam.

Vụ Phúc Sơn có 23 người bị khởi tố, trong đó có 6 cán bộ diện Trung ương quản lý gồm bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc Hoàng Thị Thúy Lan, cựu Bí thư Tỉnh ủy Quãng Ngãi Lê Viết Chữ, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy Vĩnh Phúc Phạm Hoàng Anh, hai chủ tịch UBND tỉnh là ông Lê Duy Thành (tỉnh Vĩnh Phúc) và ông Đặng Văn Minh (tỉnh Quảng Ngãi) và cựu Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Cao Khoa.

Vụ án Tập đoàn Thuận An có ông Dương Văn Thái, Bí thư Tỉnh ủy Bắc Giang, và ông Phạm Thái Hà, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Trợ lý của Chủ tịch Quốc hội, bị khởi tố.

Dự án Đại Ninh cũng đã khiến nhiều quan chức bị bắt, khởi tố, gồm Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng Trần Đức Quận, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Trần Văn Hiệp và cựu Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng.

Mới đây, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái vì liên quan đến Dự án Đại Ninh mà đã bị cho thôi các chức vụ trong Đảng gồm bí thư Trung ương Đảng, ủy viên Trung ương khóa 13 và bị kỷ luật cảnh cáo.

sanlung3

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái vừa bị kỷ luật cảnh cáo vì có sai phạm liên quan đến Dự án Đại Ninh trong thời gian làm tổng Thanh tra Chính phủ

Trong vụ án tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát của bà Trương Mỹ Lan (đã bị tuyên tử hình), ngoài những cán bộ thanh tra Ngân hàng Nhà nước đã bị xét xử, chưa có thêm quan chức nào cao hơn bị khởi tố.

Riêng về kỷ luật thì có ông Lê Thanh Hải - người đã về hưu nhưng vẫn bị cách hết tất cả các chức vụ trong Đảng, theo thông cáo của Đảng ngày 16/5. Như vậy, ông Hải không còn là cựu ủy viên Bộ Chính trị, cựu bí thư Thành ủy và cựu chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh.

Một ủy viên Bộ Chính trị bị "cho thôi" vì để xảy ra sai phạm tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và Công ty AIC là Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng. Ngày 21/6, ông Đinh Tiến Dũng đã được Trung ương Đảng cho thôi giữ chức vụ.

Ông bị Bộ Chính trị kết luận là trong thời gian làm bí thư Ban Cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã "thực hiện không đúng, không đầy đủ chức năng, nhiệm vụ" liên quan đến việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và liên quan đến quản lý nhà nước về ngân sách của công ty AIC.

Việc ông Dũng chủ động "xin thôi" và về hưu mà không chịu bất kỳ hình thức kỷ luật nào của Đảng thường được công chúng gọi là "rút lui trong danh dự" hay "hạ cánh an toàn".

Đốt lò phải phục vụ kinh tế

Về nhiệm vụ sáu tháng cuối năm, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm, Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, nói rằng sẽ kiên quyết, kiên trì đẩy lùi tham nhũng, tiêu cực theo đúng phương châm "không ngừng, không nghỉ", "không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai".

Điểm mới trong chủ trương của ông Tô Lâm là việc nhấn mạnh phòng chống tham nhũng, tiêu cực "phải phục vụ phát triển kinh tế-xã hội, không vì đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực mà ảnh hưởng, cản trở phát triển kinh tế, xã hội".

Đã có những nhận định, đánh giá của các chuyên gia, nhà nghiên cứu chính trị về những hệ quả của công cuộc chống tham nhũng, chẳng hạn việc đốt lò có tác động tiêu cực tới nền kinh tế, gây ra lo ngại cho các nhà đầu tư nước ngoài.

Giáo sư Jonathan London, nhà nghiên cứu, giảng viên đại học người Mỹ chuyên về giáo dục và chính trị đương đại Việt Nam, bình luận với BBC News tiếng Việt ngày 8/8 :

"Tôi ủng hộ những nỗ lực để chống tham nhũng và tôi cũng chia sẻ lo ngại của những người cho rằng có một bộ phận của bộ máy nắm quá nhiều quyền lực. Tuy nhiên, tôi hy vọng khi Việt Nam vượt qua được giai đoạn chưa ổn định về nhân sự này thì có thể lấy lại đà để giải quyết những vấn đề quan trọng và nâng cao nền kinh tế cũng như nâng cao cuộc sống của người dân", ông London nói.

Trong bài viết trên trang Fulcrum của Viện Nghiên cứu Đông Nam Á ISEAS có trụ sở tại Singapore, ông London chỉ ra rằng, một hệ quả lớn của chiến dịch chống tham nhũng là sự tê liệt chính trị của toàn hệ thống, đặc biệt là, sự trì trệ bao trùm trong lĩnh vực đầu tư công đã có tác động tiêu cực lên tăng trưởng GDP của đất nước.

"Trong năm 2023, chỉ có 63,4% ngân sách thường niên phân bổ cho đầu tư công được sử dụng do các quan chức cảnh giác và lo sợ trước sự kiểm tra, giám sát. Tác động không chỉ đơn thuần là việc làm tiêu tan tăng trưởng. Sự trì trệ của chính phủ đã dẫn tới việc trì hoãn các dự án hạ tầng quan trọng, ảnh hưởng tới công ăn việc làm và dẫn tới sự suy giảm về hiệu quả của cả nền kinh tế", ông London viết.

Giáo sư Alexander L Vuving tại Trung tâm nghiên cứu an ninh Châu Á-Thái Bình Dương Daniel K. Inouye (Mỹ) hôm 19/7 nói với BBC rằng, là một người theo chủ nghĩa thực dụng, Tô Lâm sẽ tiếp tục "đốt lò" nếu việc này trao cho ông một công cụ chính trị uy quyền hơn.

"Phát triển kinh tế là một trong những ưu tiên của ông Tô Lâm nhưng nó chỉ đóng vai trò phụ trợ trong nhu cầu củng cố quyền lực của mình.

"Giới đầu tư có thể đặt cược vào giới lãnh đạo coi lĩnh vực doanh nghiệp là ưu tiên, nhưng họ nên biết ai mới nắm thực quyền trong quốc gia này", ông nói thêm.

Nguồn : BBC, 14/08/2024

******************************

Bộ Chính trị, Ban Bí thư Đảng cộng sản Việt Nam khai trừ một loạt lãnh đạo, nguyên lãnh đạo

RFA, 14/08/2024

Bộ Chính trị, Ban Bí thư Đảng cộng sản Việt Nam vào ngày 13/8 thi hành kỷ luật khai trừ ra khỏi đảng một loạt lãnh đạo và nguyên lãnh đạo vì sai phạm.

sanlung4

Bộ Chính trị, Ban Bí thư Đảng cộng sản Việt Nam vào ngày 13/8 thi hành kỷ luật khai trừ ra khỏi đảng một loạt lãnh đạo và nguyên lãnh đạo vì sai phạm. Quân đội Nhân dân

Những người bị kỷ luật khai trừ ra khỏi đảng gồm các ông Nguyễn Linh Ngọc - nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên- Môi trường ; Thái Hồng Công - nguyên Giám đốc Công an tỉnh Lạng Sơn ; Hồ Đức Hợp - Giám đốc Sở Tài nguyên và môi trường tỉnh Yên Bái ; Hồ Đại Dũng - nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ ; Nguyễn Kim Thoại - Giám đốc Sở Tài chính tỉnh Bắc Ninh ; Nguyễn Ngọc - nguyên phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận ; Lê Quang Vinh - Chủ tịch UBND huyện Phú Quý, tỉnh Bình Thuận ; Nguyễn Quốc Định- nguyên Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Cà Mau ; Xà Dương Thắng - nguyên Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Bình Thuận ; Phan Đoàn Thái - nguyên Giám đốc Sở Giáo dục và đào tạo tỉnh Bình Thuận.

Những người này bị kết luận đã suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống ; vi phạm nghiêm trọng quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao ; vi phạm Quy định những điều đảng viên không được làm và trách nhiệm nêu gương, gây hậu quả rất nghiêm trọng, dư luận bức xúc, ảnh hưởng rất xấu đến uy tín của tổ chức đảng, cơ quan quản lý nhà nước.

Bộ Chính trị, Ban Bí thư Đảng cộng sản Việt Nam đề nghị các cơ quan chức năng thi hành kỷ luật hành chính kịp thời, đồng bộ với kỷ luật đảng khai trừ như vừa nêu.

Nguyên Thứ trưởng Tài nguyên và môi trường Nguyễn Linh Ngọc hồi ngày 22/7 bị Cục Cảnh sát điều tra Tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu thuộc Bộ Công an Việt Nam khởi tố, bắt giam, về tội "vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí" theo khoản 3, Điều 219 Bộ Luật Hình sự năm 2015 của Việt Nam.

Trước đây, vào ngày 17/10/2023, Cơ quan Cảnh sát điều tra thuộc Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự "vi phạm quy định về thăm dò, khai thác tài nguyên và vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra tại Công ty cổ phần Tập đoàn Thái Dương và các đơn vị có liên quan ; khởi tố bị can, ra Lệnh bắt bị can để tạm giam và Lệnh khám xét với sáu người gồm ông Đoàn Văn Huấn, Chủ tịch Hội đồng quản trị, kiêm Tổng giám đốc và Nguyễn Văn Chính, Phó Tổng giám đốc, kiêm Kế toán trưởng Công ty cổ phần Tập đoàn Thái Dương.

Cơ quan chức năng kết luận những người liên quan có sai phạm trong khai thác, chế biến và tiêu thụ trái phép quặng đất hiếm, quặng sắt tại mỏ Yên Phú, xã Yên Phú, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái.

Nguồn : RFA, 14/08/2024

*************************

Ban Chỉ đạo trung ương Phòng chống tham nhũng nêu số liệu lãnh đạo trung ương bị kỷ luật

RFA, 14/08/2024

Ban Chỉ đạo trung ương về Phòng chống tham nhũng và tiêu cực vào ngày 14/8 công bố tại Phiên họp thứ 26 số liệu chính thức về những lãnh đạo đảng và bị kỷ luật.

sanlung5

Tân Tổng bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm tại Phiên họp thứ 26 - PLO

Cụ thể từ đầu năm 2024 đến nay, có năm ủy viên Bộ Chính trị đảng cộng sản Việt Nam (Đảng cộng sản Việt Nam), một ủy viên Ban Bí thư và bốn ủy viên Ban Chấp hành trung ương đảng phải chịu thôi chức do vi phạm. Tổng cộng Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam đã kỷ luật 47 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý.

Trong thời gian từ đầu năm 2024 đến nay, các cấp thểm quyền đã cho thôi giữ chức vụ, cho nghỉ công tác, hay bố trí làm việc khác đối với 14 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý và 172 cán bộ diện cấp ủy địa phương quản lý.

Ngoài ra, trong sáu tháng đầu năm 2024, cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật 308 tổ chức đảng, hơn 11 ngàn đảng viên (tăng thêm 34 tổ chức đảng và 1.055 đảng viên phải kỷ luật do vi phạm so với cùng kỳ năm 2023).

Các ngành Thanh tra, Kiểm toán kiến nghị xử lý hành chính 856 tập thể, 3862 cá nhân (số này tăng 72 tập thể, 950 cá nhân so với cùng kỳ năm ngoái).

Nguồn : RFA, 14/08/2024

***************************

Bộ Công an, Ban Nội chính Việt Nam thông tin mới về các đại án tham nhũng

RFA, 14/08/2024

Phát ngôn nhân, Phó Chánh Văn phòng Bộ Công an Việt Nam - Thiếu tướng Hoàng Anh Tuyên, vào chiều ngày 14/8 thông báo Cơ quan Cảnh sát điều tra thuộc Bộ Công an đã hoàn tất kết quả điều tra giai đoạn 2 vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn (Saigon Commercial Bank - SCB). Thông báo được đưa ra tại cuộc họp báo về kết quả Phiên họp thứ 26 Ban Chỉ đạo trung ương về Phòng chống tham nhũng và tiêu cực diễn ra trước đó.

sanlung6

Phát ngôn nhân, Phó Chánh Văn phòng Bộ Công an Việt Nam- Thiếu tướng Hoàng Anh Tuyên (trái) phát biểu tại cuộc họp. PLO

Ông Hoàng Anh Tuyên cho biết hiện Tòa Cấp cao thành phố Hồ Chí Minh chuẩn bị xử phúc thẩm giai đoạn 1 vụ án Vạn Thịnh Phát và SCB.

Cũng theo thông báo của ông Hoàng Anh Tuyên, hai vụ án khác là vụ xảy ra tại Tập đoàn Thuận An và vụ án xảy ra tại Tập đoàn Phúc Sơn đã thuộc diện theo dõi, chỉ đạo của Ban Chỉ đạo trung ương về Phòng chống tham nhũng và tiêu cực từ cuối tháng 5 vừa qua.

Vụ án Thuận An được khởi tố hồi ngày 11/4 vừa qua và đến nay có 8 bị can chịu khởi tố. Những người này thừa nhận sai phạm với cơ quan Cảnh sát điều tra, nộp khắc phục tổng cộng 62 tỉ đồng và 42.000 USD.

Vụ án Phúc Sơn được khởi tố hồi ngày 26/2 ; đến nay có 23 bị can ; và cơ quan Cảnh sát điều tra thu giữ hơn 300 tỉ đồng, gần 2 triệu USD, hơn 500 cây vàng và hơn 1.000 sổ đỏ các loại.

Tại cuộc họp báo, Phó Ban Nội chính Trung ương - ông Nguyễn Hữu Đông, thông tin về vụ án tại dự án Khu đô thị Đại Ninh, tỉnh Lâm Đồng. Theo đó do dính líu vụ này, có 6 tổ chức đảng, 14 đảng viên (trong đó có 7 cán bộ diện Trung ương quản lý) bị kỷ luật.

Đối với vụ án xảy ra tại Công ty cổ phần Tiến bộ Quốc tế (AIC), có 89 tổ chức đảng, 126 đảng viên (trong đó có 25 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý) bị Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra trung ương kỷ luật. Các địa phương kỷ luật 80 tổ chức đảng, 190 đảng viên thuộc địa phương dính líu trong vụ này.

Nguồn : RFA, 14/08/2024

****************************

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nhận kỷ luật cảnh cáo của Bộ Chính trị Đảng cộng sản Việt Nam

RFA, 13/08/2024

Bộ Chính trị và Ban Bí thư Đảng cộng sản Việt Nam vào ngày 13/8 họp xem xét, thi hành kỷ luật các tổ chức đảng và đảng viên bị phát hiện có vi phạm, khuyết điểm.

sanlung7

Vào ngày 3/8, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái bị cho thôi chức do có sai phạm. Dân Trí

Cụ thể Phó Thủ tướng Lê Minh Khái và Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lâm Đồng hai nhiệm kỳ 2015-2020 và 2020-2025 nhận hình thức kỷ luật cảnh cáo của Bộ Chính trị. Ban cán sự đảng Thanh tra Chính phủ nhiệm kỳ 2016-2021 nhận hình thức kỷ luật cảnh cáo của Ban Bí thư.

Vừa qua, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái và Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lâm Đồng các nhiệm kỳ 2015-2020, 2020-2025 ; Ban cán sự đảng Thanh tra Chính phủ nhiệm kỳ 2016-2021 bị Ủy ban Kiểm tra trung ương đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét, thi hành kỷ luật.

Lý do nêu ra là Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban cán sự đảng UBND tỉnh Lâm Đồng đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, quy chế làm việc ; thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo để UBND tỉnh và nhiều tổ chức, cá nhân vi phạm nghiêm trọng các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong quản lý, sử dụng đất một số dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh ; để nhiều tổ chức đảng, đảng viên bị xử lý kỷ luật, nhiều cán bộ, đảng viên bị xử lý hình sự do có vi phạm, khuyết điểm trong vụ án "Đưa hối lộ, nhận hối lộ ; lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ" xảy ra tại Dự án Khu đô thị Đại Ninh tỉnh Lâm Đồng và các địa phương, đơn vị có liên quan.

Liên quan đến những vi phạm còn có trách nhiệm của Đảng đoàn Hội đồng nhân dân tỉnh Lâm Đồng nhiệm kỳ 2021-2026 ; Ban cán sự đảng Thanh tra Chính phủ nhiệm kỳ 2016-2021 ; Ban Thường vụ Đảng ủy Văn phòng Chính phủ nhiệm kỳ 2020-2025 ; ông Lê Minh Khái, nguyên Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ, nguyên Bí thư Ban cán sự đảng, Tổng Thanh tra Chính phủ và một số tổ chức đảng, đảng viên khác.

Vào ngày 3/8, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái và ba ủy viên Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam Đặng Quốc Khánh, Nguyễn Xuân Ký, Chẩu Văn Lâm bị cho thôi chức do có sai phạm. 

Cũng trong ngày 13/8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (Việt Nam quyết định cho hai ông Đặng Quốc Khánh và Châu Văn Lâm thôi làm đại biểu quốc hội khóa XV. Ông Khánh thuộc Đoàn Đại biểu quốc hội tỉnh Hà Giang và ông Lâm thuộc đoàn tỉnh Tuyên Quang.

Nguồn : RFA, 13/08/2024

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: RFA, BBC
Read 386 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)