Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

21/08/2024

Đất hiếm Việt Nam : Bao giờ phá vỡ thế độc tôn của Trung Quốc ?

Robert Möckel

Việt Nam được cho có trữ lượng đất hiếm xếp thứ hai thứ giới, chỉ sau Trung Quốc. Tuy nhiên, sản lượng "vàng trắng" của Việt Nam vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, trước vị thế độc tôn của Trung Quốc.

dathiem1

Việt Nam hiện có trữ lượng đất hiếm cao thứ hai thế giới, chỉ xếp sau Trung Quốc, theo số liệu vào tháng 1/2024 do Cục Khảo sát Địa chất Hoa Kỳ (USGS) công bố

Không phải là đất, cũng không phải là hiếm, đất hiếm là tên gọi của một nhóm nguyên tố kim loại và được coi là "vàng trắng của thế kỷ 21", được sử dụng trong rất nhiều lĩnh vực bao gồm công nghệ năng lượng tái tạo, lọc dầu, điện tử và công nghiệp thủy tinh.

Tuy được gọi là hiếm nhưng đất hiếm lại tồn tại tương đối dồi dào trong vỏ Trái Đất, theo Cục Khảo sát Địa chất Hoa Kỳ (USGS).

dathiem2

Các thành phần tạo ra một chiếc điện thoại thông minh gồm cobalt, vàng, đồng, thép và đất hiếm được trưng bày tại một sự kiện của tập đoàn Samsung ở Pháp vào ngày 9/7/2024

Xếp thứ hai thế giới

Theo thống kê do Cục Khảo sát Địa chất Hoa Kỳ (USGS) công bố vào tháng 1/2024, trữ lượng đất hiếm của Trung Quốc ước tính là 44 triệu tấn, nhiều nhất thế giới.

Trong khi Việt Nam là 22 triệu tấn đất hiếm riêng rẽ, xếp thứ hai thế giới, theo USGS.

Mặc dù có trữ lượng nhiều thứ hai thế giới, chỉ sau Trung Quốc, thế nhưng năm 2022, Việt Nam chỉ tách được 1.200 tấn đất hiếm, theo số liệu thống kê của USGS, thấp hơn so với ước tính trước đó của cơ quan này là 4.300 tấn.

Vào tháng 6/2024, Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh cho biết Việt Nam có tài nguyên đất hiếm của cả nước là khoảng 18 triệu tấn.

Tuy nhiên, sản lượng khai thác đất hiếm, còn được mệnh danh là "vitamine công nghệ cao" của Việt Nam, vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, trước dòng chảy chuyển đổi công nghệ số-công nghệ xanh mạnh mẽ trên toàn cầu, một phần xuất phát từ những mục tiêu trung hòa carbon, tức net zero, đầy tham vọng của nhiều nước.

dathiem3

Mỏ đất hiếm Đông Pao ở tỉnh Lai Châu là mỏ lớn nhất, chiếm hơn 50% trữ lượng đất hiếm của cả Việt Nam.

Báo Dân Trí vào tháng 10/2023 cho biết : "Mỏ có diện tích hơn 11km2, trữ lượng trên 5 triệu tấn ôxit và thân quặng chính là F3 và F7, một loại quặng quý hiếm rất cần trong chế tạo công nghệ điện tử. Trữ lượng được cấp phép là đất hiếm (TR2O3) khoảng 1,1 triệu tấn, Barit (BaSO4) khoảng 4,2 triệu tấn và Fluorit (CaF2) khoảng 6 triệu tấn".

dathiem4

Đông Pao (tỉnh Lai Châu) hiện là mỏ đất hiếm lớn nhất Việt Nam. Ảnh chụp một bảng chỉ dẫn vào mỏ đất hiếm Đông Pao.

Việt Nam có tài nguyên đất hiếm dồi dào, nhưng các thách thức lớn vẫn bao gồm công nghệ tuyển, chế biến, phân lập (chiết/tách) lẫn trình độ nhân lực.

Theo "quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050", Việt Nam dự kiến khai thác khoảng 2 triệu tấn quặng đất hiếm nguyên khai mỗi năm.

Để xây dựng một chuỗi cung ứng đất hiếm, cạnh tranh được với giá rẻ cùng vị thế gần như độc tôn Trung Quốc trên thị trường toàn cầu không phải là điều dễ dàng.

Quy trình tinh lọc đất hiếm rất phức tạp và Trung Quốc hiện kiểm soát nhiều công nghệ xử lý.

Một bài viết trên South China Morning Post (SCMP) ngày 15/5 cho rằng công nghệ xử lý đất hiếm của Việt Nam vẫn còn yếu.

Để sản xuất nam châm vĩnh cửu chất lượng cao, độ tinh khiết của đất hiếm phải lên đến 99,9%. Thế nhưng, hiện nay Việt Nam chỉ mới tinh lọc được 70% trong môi trường phòng thí nghiệm, thấp hơn tiêu chuẩn của ngành và tiêu chuẩn xuất khẩu là 95%, theo SCMP.

Lý do tự nhiên và xã hội

Tiến sĩ Robert Möckel từ Viện Công nghệ Helmholtz-Institute Freiberg for Resource Technology (HIF) của Đức ngày 18/8 nói với BBC News Tiếng Việt rằng, có hai lý do chính khiến Việt Nam dù có trữ lượng đất hiếm xếp thứ hai thế giới sau Trung Quốc nhưng sản lượng không tương xứng với tiềm năng.

"Theo quan điểm của tôi, có ít nhất hai lý do chính, bao gồm về mặt tự nhiên và xã hội. Trung Quốc không quan tâm về những người thợ đào mỏ và môi trường và không may thay là điều này lại dẫn đến giá thành sản xuất thấp".

Ông cho rằng Trung Quốc lại biết "khôn ngoan" khi tiến tới chuỗi sản xuất từ khai thác mỏ cho đến sản phẩm cuối cùng cùng nhận được trợ cấp, từ đó dẫn tới việc "độc quyền hóa tất cả các thành phần của chuỗi đất hiếm..".

Ông nhắc đến việc Trung Quốc có trữ lượng đất hiếm khổng lồ, chỉ tính mỏ Bayan Obo ở vùng Nội Mông đã chiếm khoảng 50% trữ lượng đất hiếm của quốc gia này.

"Việt Nam có một số lượng khá ấn tượng gồm những mỏ nhỏ hơn đã được phát hiện và những điểm có tiềm năng. Tôi rất tin rằng Việt Nam sẽ lưu tâm đến những vấn đề môi trường, góp phần đảm bảo quá trình khai thác và xử lý xanh hơn".

Nhận xét về các mỏ đất hiếm ở Việt Nam, Tiến sĩ Robert Möckel cho biết :

"Một số mỏ đất hiếm ở Việ Nam khá phức tạp xét về mặt khoáng vật học và kỹ thuật luyện kim. Theo tôi biết, quy trình xử lý tại mỏ Đông Pao không đạt chuẩn vì tính chất phức tạp của khoáng chất, yếu tố cần thời gian và tiền bạc để thực hiện. Uranium và thorium liên quan đến trữ lượng đất hiếm cũng đóng vai trò quan trọng, tạo thêm sự phức tạp trong quy trình xử lý".

dathiem5

Tiến sĩ Robert Möckel nói ông cho rằng Việt Nam sẽ khai thác đất hiếm theo cách thân thiện với môi trường hơn Trung Quốc và đây là lợi thế nếu muốn phá vỡ vị thế độc tôn của Bắc Kinh

Việt Nam đề ra mục tiêu sản xuất từ 20.000 đến 60.000 tấn đất hiếm mỗi năm trước cuối năm 2030.

Tiến sĩ Robert Möckel, người đã có một số nghiên cứu về đất hiếm của Việt Nam, cho rằng yếu tố quan trọng vẫn là những giải pháp công nghệ và linh hoạt để phục vụ hoạt động khai khoáng cũng như việc xử lý và luyện kim khoáng chất đất hiếm.

"Việt Nam có thể suy nghĩ đến lợi thế chiến lược, cân nhắc đến các biện pháp thân thiện với môi trường và xanh. Theo ý kiến của tôi, Việt Nam có cơ hội và các liên minh quốc tế có thể giúp đỡ Việt Nam về mặt chuyên môn về công nghệ, ví dụ như các chương trình giáo dục".

Giáo sư Dudley Kingsnorth từ Khoa mỏ Tây Úc, thuộc Đại học Curtin (Úc) trả lời Reuters hồi tháng 9/2023 rằng Việt Nam cần phải đi một chặng đường dài, bao gồm cải thiện các vấn đề môi trường để hiện thực hóa được các mục tiêu về đất hiếm.

Ông nhận định Việt Nam hoàn toàn "có đủ nguồn lực, chuyên môn về khai thác mỏ và xử lý để mang đến các lựa chọn thay thế cho Trung Quốc".

Trung Quốc hiện đang giữ vị thế gần như độc tôn trong khai thác.

Tuy nhiên, những cáo buộc vi phạm về an toàn lao động và gây ô nhiễm môi trường đã phủ bóng đen lên vị thế thống lĩnh của quốc gia này không những trong khai thác đất hiếm mà còn trong cạnh tranh "khoáng sản chiến lược".

Chiến lược địa chất, khoáng sản và công nghiệp khai khoáng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 của Việt Nam có nội dung :

"Thăm dò đáp ứng nhu cầu khai thác, sử dụng khoáng sản đến năm 2045 đối với các khoáng sản : than, urani, titan-zircon, đất hiếm, apatit, đồng, nikel, thiếc, bauxit, cát thủy tinh và một số khoáng sản khác ; cân đối giữa khai thác với dự trữ khoáng sản quốc gia đối với một số khoáng sản chiến lược, quan trọng, quy mô lớn (urani, đất hiếm, apatit, bauxit, titan, than, cát trắng, đá hoa trắng) làm cơ sở phát triển bền vững kinh tế-xã hội".

dathiem6

Hồi tháng 4, đội ngũ Global China Unit của BBC World Service đã phát hiện có ít nhất 62 dự án khai khoáng trên khắp thế giới mà các công ty Trung Quốc có cổ phần.

Các dự án này được tạo ra để chiết tách lithium hoặc một trong ba loại khoáng chất quan trọng trong công nghệ xanh gồm cobalt, nickel và mangan.

Tất cả đều được sử dụng để làm pin lithium-ion, được dùng trong xe điện và các tấm pin năng lượng mặt trời. Đây đều là những ưu tiên công nghiệp của Trung Quốc.

Quốc gia này từ lâu đã đi đầu trong việc tinh lọc lithium và cobalt.

Bắc Kinh đã chiếm thị phần 72% và 68% trong chuỗi cung ứng toàn cầu đối với tinh lọc 72% và 68% lithium và cobalt trong năm 2022, theo Viện nghiên cứu Chatham House.

Năng lực tinh lọc các khoáng chất quan trọng này đã giúp Trung Quốc sản xuất hơn 50% lượng xe điện được bán ra trên toàn cầu vào năm 2023, chiếm 60% năng lực sản xuất tua bin gió và kiểm soát ít nhất 80% mỗi giai đoạn trong chuỗi cung ứng tấm pin năng lượng mặt trời.

Tuy nhiên, BBC cũng phát hiện trong khi Trung Quốc gia tăng số lượng dự án thì các cáo buộc về vi phạm ngày càng gia tăng, liên quan đến hủy hoại môi trường sinh thái, cùng điều kiện lao động không an toàn tại những nơi các công ty này khai thác.

Việt Nam có thể tận dụng ưu thế trở thành một lựa chọn thay thế tiềm năng thay Trung Quốc trong cả đất hiếm và khai thác khoáng sản chiến lược nếu đảm bảo sản xuất xanh, thân thiện với môi trường, một yếu tố mà Tiến sĩ Robert Möckel luôn nhấn mạnh khi trả lời BBC News tiếng Việt.

Trong một đánh giá khác về phương án "đánh thức" tiềm năng đất hiếm Việt Nam, Tiến sĩ Nguyễn Thành Sơn, cựu Trưởng ban chiến lược Tập đoàn Than và Khoáng sản Việt Nam, trả lời tạp chí điện tử Người Đô Thị vào tháng 12/2023 như sau :

"Công nghệ khai thác đất hiếm thì đơn giản, Việt Nam có thể tự làm được. Nhưng công nghệ tuyển, chế biến, phân lập (chiết/tách) thì không hề đơn giản và trình độ nhân lực hiện tại ở Việt Nam gần như bằng 0".

Nguồn : BBC, 21/08/2024

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Robert Möckel
Read 186 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)