Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

22/08/2024

Nguy cơ đáng lo ngại : Trung Quốc…

Đức Tâm

Nguy cơ đáng lo ngại : Trung Quốc có thể làm mất đi các lợi ích của thương mại quốc tế

Trên báo Le Monde ngày 20/08/2024, trong bài, "Nguy cơ đáng lo ngại : Trung Quốc có thể làm mất đi một phần hoặc toàn bộ các lợi ích thương mại quốc tế", kinh tế gia Pháp Laurent Augier (1) lưu ý, ngay từ năm 2004, Paul Samuelson, Nobel Kinh Tế 1970, đã dự báo tình huống không thể dùng học thuyết "lợi thế so sánh" trong trao đổi thương mại để giải thích, quảng bá cho tiến trình toàn cầu hóa.

tq1

Khu giới thiệu công nghệ tên lửa Trung Quốc tại Triển lãm Không gian hàng không quốc tế Trung Quốc, Châu Hải (Zhuhai), nam Quảng Đông, Trung Quốc. Ảnh chụp ngày 29/09/2021. AP - Ng Han Guan

Hội nghị toàn thể lần thứ 3 Ban Chấp hành Trung ương đảng Cộng Sản Trung Quốc khóa XX diễn ra trong các ngày từ 15 đến 18/07/2024 đã tái khẳng định ưu tiên xây dựng mô hình mới dựa trên "sự phát triển kinh tế chất lượng cao" ; từ nay, để hỗ trợ tăng trưởng, chính sách kinh tế phải dựa trên phát minh sáng tạo công nghệ, dữ liệu lớn – big data và trí thông minh nhân tạo.

Hệ quả của phương hướng này rất quan trọng, thậm chí đáng lo ngại, đối với sự cân bằng của kinh tế toàn cầu.

Như vậy, đối với Trung Quốc, cam kết thúc đẩy tiêu thụ nội địa nhằm tái cân bằng cán cân thương mại liên tục xuất siêu (khoảng 823 tỷ đô la năm 2023) không còn là ưu tiên nữa. Điều đáng lo ngại hơn cả là nguy cơ Trung Quốc lôi kéo kinh tế thế giới vào tình trạng các lợi ích của trao đổi thương mại quốc tế sẽ bị mất đi một phần hoặc toàn bộ.

Nếu như đa số các kinh tế gia thừa nhận là trong ngắn hạn, toàn cầu hóa làm mất công ăn việc làm, chẳng qua là họ muốn nhấn mạnh rằng về lâu dài, tổng sản phẩm nội địa sẽ tăng, theo như thuyết "lợi thế so sánh" của kinh tế gia Anh David Ricardo (1772-1823). Theo học thuyết này, nếu một nước chuyên môn hóa sản xuất một sản phẩm thì họ sẽ có năng suất lao động cao, các khoản lợi thu được sẽ cao hơn nước không chuyên môn hóa. Và nếu như mỗi quốc gia lựa chọn chuyên môn hóa sản xuất các sản phẩm khác nhau, tổng giá trị được tạo ra trên thế giới, thông qua trao đổi thương mại quốc tế, sẽ cao hơn so với trường hợp các nước tiến hành "tự cung tự cấp". Như vậy, trong giả thuyết tỷ giá hối đoái ổn định, các nước thực hiện chuyên môn hóa và trao đổi thương mại, thì sẽ thu được lợi nhiều hơn.

Một số người thường cho rằng sở dĩ có các cuộc tranh luận, phản bác lợi ích của toàn cầu hóa, đó là vì công chúng có trình độ thấp kém về kinh tế, hiểu "sai sự thật".

Kiểu giải thích này không thuyết phục được tất cả các chuyên gia kinh tế, đặc biệt là Nobel Kinh Tế Paul Samuelson (1915-2009). Trong suốt sự nghiệp của mình, Samuelson luôn quan tâm đến vấn đề công ăn việc làm bị cắt giảm và chia sẻ mối lo lắng của công luận.

Năm 2004, Paul Samuelson đã đăng một bài dưới dạng tổng kết và dự báo tương lai về những điều kiện, hoàn cảnh phản bác học thuyết "lợi thế so sánh" và điều được coi là "sai sự thật" trở thành sự thật (2).

Trong bài viết, Samuelson đã bổ sung quy luật "tàn phá sáng tạo" của kinh tế gia Mỹ Joseph Schumpeter (1883-1950) (3) vào học thuyết "lợi thế so sánh" của Ricardo.

Dưới góc độ lý thuyết, để chứng minh, Samuelson đã dùng mô hình có hai nước, Mỹ và Trung Quốc, sản xuất và trao đổi hai sản phẩm, với giả định ban đầu là năng suất lao động cao hơn 10 lần đối với sản phẩm làm tại Mỹ. Nhờ vậy, khi tiến hành trao đổi sản phẩm, hai nước đều có lợi, theo như học thuyết của Ricardo.

Sau đó, Samuelson phân tích tác động của tiến bộ công nghệ giúp nâng cao năng suất lao động tại Trung Quốc. Nhìn chung, Mỹ và Trung Quốc đều hưởng thêm lợi khi trao đổi thương mại. Vấn đề nẩy sinh khi Trung Quốc có được một sáng tạo, tiến bộ kỹ thuật quan trọng trong việc chế tạo sản phẩm mà họ vẫn phải nhập khẩu từ Hoa Kỳ (ví dụ, sao chép công nghệ hoặc nhờ vào quá trình nghiên cứu-phát triển).

Trong trường hợp này, Trung Quốc không còn muốn nhập khẩu sản phẩm nói trên nữa. Hậu quả về lâu dài đối với kinh tế Mỹ là thu nhập giảm và việc làm bị cắt giảm. Ở đây, tiến bộ kỹ thuật đã xóa bỏ các "lợi thế so sánh". Các mối lợi mà Mỹ thu được qua tự do trao đổi thương mại đã "bốc hơi" do tiến bộ công nghệ tại Trung Quốc.

Theo Paul Samuelson, mô hình kinh tế này tuy rất giản lược nhưng đáng quan tâm và đã từng xẩy ra trong lịch sử kinh tế thế giới, ví dụ, kể từ năm 1850, Hoa Kỳ, với chiến lược sao chép các công nghệ phát triển tại Châu Âu, đã kháng cự lại sự bành trướng của ngành công nghiệp chế tạo Anh.

Liệu điều này có nguy cơ tái diễn trong nền kinh tế thế giới hiện nay ? Theo kinh tế gia Augier, có nhiều tín hiệu báo động. Kể từ khi Trung Quốc, vào năm 2015, công bố kế hoạch "Sản xuất tại Trung Quốc năm 2025" cho đến chiến lược "phát triển chất lượng cao" được thông qua năm 2024, tại Hội nghị Trung ương 3 khóa 20 của đảng Cộng Sản Trung Quốc, dường như tất cả các yếu tố đã hội tụ đầy đủ để bùng phát một cuộc chiến thương mại kéo dài và tàn phá giữa Trung Quốc, Hoa Kỳ và Châu Âu.

Đức Tâm

Nguồn : RFI, 22/08/2024

(1) Laurent Augier, phó giáo sư kinh tế tại Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế Poitiers (LéP), đại học La Rochelle, Pháp.

(2) Where Ricardo and Mill Rebut and Confirm Arguments of Mainstream Economists Supporting Globalization (aeaweb.org)

(3) Joseph Alois Schumpeter (1883-1950), kinh tế gia, giáo sư khoa học chính trị Áo, nhập quốc tịch Mỹ. Được biết đến với các lý thuyết về dao động kinh tế, tàn phá sáng tạo, phát minh, ông là tác giả cuốn Lịch sử phân tích kinh tế.

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Đức Tâm
Read 164 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)