Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

24/08/2024

Bangladesh và vai trò sinh viên 'hậu Hasina'

Phạm Phú Khải

Theo nghiên cứu mới nhất từ một tổ chức nhân quyền tại Bangladesh, cho đến nay đã hơn 800 người bị giết trong các cuộc biểu tình từ đầu tháng 7 đến đầu tháng 8. Hội Yểm trợ Nhân quyền (Human Rights Support Society) cho biết có tổng cộng 819 người bị giết, trong đó có 83 trẻ em, 5 nhà báo, 51 nhân viên công quyền. Họ nhận diện được 630 thân nhân dựa trên lời khai của gia đình, nhân chứng và bệnh viện, nhưng 189 người vẫn chưa được xác định. Ít nhất 455 người trong số này đã bị "bắn chết" trong khi những người khác bị thiêu hoặc bị đánh đến chết.

bangladesh1

Asif Mahmud và Nahid Islam, hai cựu lãnh đạo sinh viên, tuyên thệ trong vai trò cố vấn của chính phủ lâm thời Bangladesh, Dhaka, ngày 8 tháng Tám.

Khác với cuộc nổi dậy của dân chúng tại Sri Lanka tháng 7 năm 2022 mà phần lớn là ôn hòa và gần như không đổ máu, lần này tại Bangladesh những người mất con, chồng, cha, hay bạn bè than thiết, kể trên, có lẽ sẽ không bỏ qua cho bà Hasina. Hiện nay bà đang tạm trú tại một nơi nào đó ở Ấn Độ mà chính quyền Narendra Modi chưa tiết lộ. Tuy nhiên với áp lực ngày càng gia tăng của đảng đối lập Bangladesh Nationalist Party (BNP), và nhiều thành phần công chúng khác nhau yêu cầu dẫn độ bà về lại Bangladesh để bị truy tố, chính quyền Ấn khó thể nào duy trì quan điểm này lâu dài. Thái độ này sẽ càng bị thách thức khi những bằng chứng vi phạm nhân quyền của chính quyền Hasina trong những tuần qua, và trong 15 năm qua, ngày càng được phơi bày.

Trong 2 tuần qua, giáo sư kinh tế Muhammad Yunus, người được phong trào sinh viên tín nhiệm để về nước thành lập chính quyền lâm thời ngày 8 tháng 8, và 16 thành viên khác trong đó có hai sinh viên trẻ nắm một số bộ quan trọng trong chính phủ này, đang cố gắng ổn định tình hình chính trị tại đây. Đây là một nhiệm vụ vô cùng khó khăn và thử thách. Khi bạo lực trở thành công cụ để duy trì quyền lực tại Bangladesh và được cai trị qua một thời gian dài, sự hận thù trong lòng những người đối kháng và đối lập nói riêng, và dân chúng nói chung, tích lũy chồng chất. Cộng với một văn hóa chính trị khá bạo lực kể từ ngày lập quốc đến nay, cơ hội thay đổi thể chế chính trị khi đến không khéo sẽ là thời cơ để các bên tính tội và trả thù, thay vì là cơ hội để xây dựng lại từ thất bại và đổ nát.

Hàng trăm hàng ngàn sinh viên Bangladesh xuống đường đòi công bằng và công lý trong tháng 7 và 8, được yểm trợ mạnh mẽ của nhiều thành phần dân chúng, giờ đây một số đang nắm những vai trò quan trọng trong chính quyền lâm thời. Nahid Islam, chẳng hạn, chỉ mới 26 tuổi, từng là sinh viên biểu tình trước đây, giờ là Bộ trưởng Bộ Bưu chính, Viễn thông và Công nghệ, và là Bộ trưởng Bộ Thông tin và Phát thanh truyền hình. Islam có vẻ rất hăng hái, nhiệt huyết và tự tin trong cuộc phỏng vấn trả lời cơ quan truyền thông NPR. Islam trình bày rằng giới trẻ Bangladesh muốn một giải pháp chính trị mới, mở đường cho quá trình chuyển đổi dân chủ, đảng phái và pháp quyền. Islam cho rằng trước đây hiến pháp của Bangladesh tập trung quyền lực quá nhiều vào một người, vị thủ tướng có toàn bộ quyền lực, gần như quyền lực tối đa, cho nên có nhu cầu để cải cách hiến pháp, cải cách các ủy ban bầu cử và phải xóa bỏ tham nhũng. Họ mong muốn tái thiết hệ thống đất nước và hệ thống chính phủ trước, sau đó tiến hành bầu cử.

Cũng trong cuộc phỏng vấn này, khi được hỏi chính quyền lâm thời toàn là người trẻ thiếu kinh nghiệm chính trị để điều hành quản trị đất nước, thì Islam trả lời : "Chúng tôi đại diện cho người dân. Chúng tôi, những sinh viên, lãnh đạo phong trào và cách mạng. Các lực lượng chính trị, các lực lượng hiện tại của Bangladesh đã thất bại. Vì một sinh viên có thể lãnh đạo một phong trào, lãnh đạo một cuộc cách mạng, một sinh viên cũng có thể thành lập một chính phủ, cũng có thể lãnh đạo chính phủ".

Theo dõi truyền thông tường trình về Bangladesh, chúng ta thấy những người có quan điểm như Islam khá nhiều. Người trẻ thường nhiệt huyết, lý tưởng và lạc quan. Chúng ta cũng mong muốn họ thành công, đóng vai trò tích cực trong chính quyền dân cử sau này, và dấn thân vào sứ mệnh chuyển hóa chính trị đất nước này. Tuy vậy, cơ hội chuyển tiếp của Bangladesh cũng sẽ nhiều thách thức.

Một, việc vận hành quốc gia nó đòi hỏi vừa lý tưởng, vừa kinh nghiệm và khả năng. Kinh nghiệm chính trị và khả năng lãnh đạo quốc gia là điều kiện cần, không thể thiếu được, nhất là trong bối cảnh phức tạp như Bangladesh. Có lý tưởng mà thiếu kinh nghiệm có khi là đại họa. Ở các nền dân chủ, chính trị mang tính chuyên nghiệp. Ở các nền phi dân chủ, chính trị mang tính thủ đoạn. Nhưng chính trị ở đâu cũng tàn bạo (brutal). Thiếu sự trãi đời và cái nhìn thực tế này, giới trẻ và sinh viên dễ bị lôi vào những lý tưởng hay dự án xa vời, không thực tế, và không có khả năng điều hành. Tổ chức sinh viên thường lỏng lẽo, không có cơ cấu chặt chẽ, không có nguyên tắc vận hành và kỹ luật khắc khe, và họ cũng sẽ khó thống nhất được cương lĩnh chính trị. Trong chính trị, để mất cơ hội đóng vai trò tích cực trong thời điểm then chốt thì cơ hội khó trở lại, và nếu có thì cũng sẽ rất lâu. Cho nên vai trò của sinh viên cũng sẽ giới hạn trừ khi họ biết được giới hạn của mình và tìm cách khắc phục.

Hai, sự phẫn nộ của nhiều thành phần dân chúng dành cho chính quyền Hasina là điều dễ hiểu, và nhu cầu đòi công lý cho các nạn nhân do chính quyền này gây ra là điều chính đáng. Nhưng công lý cần phải được giải quyết bằng một tiến trình pháp lý minh bạch, bằng một toà án có những chánh án chuyên môn và không chính trị hóa v.v... Dưới thời Sheikh Hasina, hay thời Kheleda Zia, hay dưới các chính quyền quân phiệt, hệ thống tư pháp của Bangladesh phần lớn đều bị chính trị hóa. Hasina bị lật đổ, cả một chính quyền biến mất sau khi bà bỏ chạy, một số chánh án từ chức. Khi hệ thống tư pháp này không bảo đảm tính chuyên môn và khách quan, những quyết định và tiến trình kết án Hasina và những người trong chính quyền bà trước đây có thể đi quá đà và do đó bị mất đi giá trị và cơ hội làm sáng tỏ lịch sử và đưa ra bài học thích đáng và giá trị về sau.

Ba, con đường trước mặt cho Bangladesh, ngoài ổn định chính trị và trật tự cho người dân, là dân sinh và dân quyền. Tỷ lệ sinh viên thất nghiệp rất cao, và nền kinh tế đang gặp nhiều khó khăn. Bạo lực và hận thù đang sâu sắc trong lòng người, chưa kể khả năng kích động của nhiều thành phần quá khích, và các nhóm Hồi giáo cực đoan trong nước này. Những chính sách nào để giải quyết tốt nhất cho Bangladesh đòi hỏi sự tập hợp của tâm và tầm của toàn quốc gia. Cuộc bầu cử khi diễn ra phải làm sao bảo đảm được sự tham gia một cách công bằng và minh bạch của tất cả mọi thành phần trong xã hội, từ Bangladesh Nationalist Party, Jatiya Party, đến Bangladesh Awami League. Nếu sinh viên có hình thành đảng chính trị, họ đều có thể tham gia. Loại trừ bất cứ đảng nào cần có lý do chính đáng và cần có cơ quan có thẩm quyền và khả năng duyệt xét công minh. Một mình sinh viên hay một BNP sẽ không làm được điều này.

Tóm lại, sinh viên Bangladesh đã làm nên lịch sử. Vai trò của họ sẽ được ghi vào lịch sử một cách chính đáng nếu họ biết khả năng và giới hạn của mình. Lý tưởng là nếu họ biết vận dụng cơ hội này để truyền cảm hứng một viễn kiến cho đất nước này. Lý tưởng là làm sao để người dân Bangladesh cùng có ước mơ xây dựng một chính quyền minh bạch và trong sạch của dân, do dân và vì dân. Làm sao để mọi người dân mong đợi như thế từ mọi chính quyền sau này. Còn lại, hãy để cho mọi người và mọi nhân tài của đất nước cùng tham gia đóng góp, thay vì thiên vị hay loại trừ một hay nhiều thành phần nào đó.

Phạm Phú Khải

Nguồn : VOA, 23/08/2024

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Phạm Phú Khải
Read 103 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)