Trung Quốc chinh phục Châu Phi bằng truyền hình vệ tinh tại 10.000 ngôi làng
Khi các nhà lãnh đạo Châu Phi đến Bắc Kinh trong tuần này để tham dự hội nghị thượng đỉnh Trung Quốc - Châu Phi diễn ra ba năm một lần, Chủ tịch Tập Cận Bình có thể có một thứ để kiêu hãnh, truyền hình vệ tinh.
Nicholas Nguku cùng bạn bè và gia đình xem Thế vận hội Olympic Paris 2024
Gần chín năm trước, ông Tập Cận Bình đã hứa với các nguyên thủ quốc gia tham dự Diễn đàn hợp tác Trung Quốc - Châu Phi (FOCAC) tại thành phố Johannesburg, Nam Phi rằng Trung Quốc sẽ cung cấp dịch vụ truyền hình kỹ thuật số cho hơn 10.000 ngôi làng hẻo lánh ở 23 quốc gia Châu Phi.
Hiện tại, hơn 9.600 ngôi làng đã có hạ tầng kỹ thuật truyền hình vệ tinh, dự án này đang gần hoàn thiện.
Cam kết đầy tham vọng này, được công bố trong giai đoạn quan hệ Trung Quốc - Châu Phi nồng ấm và được tài trợ bởi ngân sách viện trợ của Bắc Kinh. Dự án được giao cho StarTimes, một công ty tư nhân của Trung Quốc đã hoạt động tại một số quốc gia Châu Phi.
Đây rõ ràng là một biểu hiện thiện chí và là cơ hội để Trung Quốc thể hiện sức mạnh mềm của mình tại một khu vực có tầm quan trọng chiến lược.
Khi nền kinh tế Trung Quốc đang gặp khó khăn và Bắc Kinh điều chỉnh lại chiến lược Châu Phi, BBC đã đến thăm bốn ngôi làng ở Kenya để tìm hiểu xem sáng kiến "sức mạnh mềm" này có hiệu quả hay không.
Tại ngôi làng Olasiti, cách thủ đô Nairobi của Kenya khoảng ba giờ lái xe về phía tây, ông Nicholas Nguku đã gọi bạn bè và gia đình đến xem các vận động viên Kenya thi đấu điền kinh tại Thế vận hội Paris 2024 trên truyền hình.
"Tôi rất vui khi được xem Thế vận hội, chương trình mà trong nhiều năm chúng tôi đã không thể xem trước khi có StarTimes", ông nói, nhắc đến việc việc công ty này đã lắp đặt ăng ten vệ tinh khoảng bốn năm trước.
Ông Nguku không phải là người hưởng lợi duy nhất từ sự hiện diện của StarTimes trên khắp Châu Phi. Lần đầu tiên có mặt tại lục địa này vào năm 2008, StarTimes hiện là một trong những nhà cung cấp truyền hình kỹ thuật số tư nhân lớn nhất ở khu vực Châu Phi hạ Sahara, với hơn 16 triệu thuê bao.
Các nhà phân tích cho biết chi phí ban đầu thấp đã giúp công ty này có được chỗ đứng.
Tại Kenya, các gói truyền hình kỹ thuật số hằng tháng dao động từ 329 shilling (63.000 đồng VN) đến 1.799 shilling (350.000 đồng VN).
Để so sánh, một gói dịch vụ hằng tháng của DStv, một công ty lớn khác trên thị trường truyền hình kỹ thuật số Châu Phi thuộc sở hữu của MultiChoice, có giá từ 700 đến 10.500 shilling.
Trong khi StarTimes dựa một phần vào đăng ký thuê bao để có doanh thu chủ yếu, thì "Dự án 10.000 ngôi làng" được tài trợ bởi Quỹ Hợp tác Viện trợ Nam-Nam (Nam Nam Hợp tác Viện trợ Cơ kim) do nhà nước Trung Quốc điều hành.
Tất cả các chảo vệ tinh đều có biểu trưng của StarTimes, cùng với biểu tượng của Bộ Thông tin Kenya và biểu trưng "Trung Quốc Viện trợ" (China Aid) màu đỏ. Trong quá trình lắp đặt những chiếc chảo này, đại diện của StarTimes cho biết đây là "món quà" từ Trung Quốc, một số dân làng nhớ lại.
Chảo vệ tinh StarTimes đặt trên nóc một nhà dân tại một ngôi làng ở Kenya
Theo Tiến sĩ Angela Lewis, một học giả đã viết nhiều về StarTimes ở Châu Phi, dự án này có tiềm năng để lại hình ảnh tích cực về Trung Quốc đối với người dân ở đây.
Người dân tham gia dự án dường như nhận được mọi thứ miễn phí, bao gồm các thiết bị, chẳng hạn như chảo vệ tinh, pin và công lắp đặt, cũng như gói thuê bao nội dung của StarTimes.
Tiến sĩ Lewis cho rằng đây là một "bước ngoặt", vì trước đây, hầu hết các ngôi làng hẻo lánh ở Châu Phi chủ yếu chỉ có thể tiếp cận với nội dung truyền hình tương tự một cách chập chờn và không chắc chắn.
Đối với nhiều người, đây là lần đầu tiên họ có chảo vệ tinh, làm thay đổi cách dân làng tương tác với thế giới bên ngoài, bà Lewis cho biết.
Đối với các trung tâm cộng đồng như bệnh viện và trường học ở ngôi làng Ainomoi ở miền tây Kenya, các gói thuê bao vẫn miễn phí.
Tại phòng khám địa phương, một chiếc ti vi kỹ thuật số trong phòng chờ giúp bệnh nhân giết thời gian. Và tại một trường học, học sinh thích xem phim hoạt hình sau giờ lên lớp.
"Sau khi hoàn thành bài tập về nhà, tất cả chúng em sẽ cùng nhau xem phim hoạt hình và đó là một trải nghiệm rất thú vị và gắn kết", Ruth Chelang'at, một học sinh lớp tám, nói.
Tuy nhiên, một số hộ gia đình Kenya mà BBC phỏng vấn cho biết giai đoạn dùng thử miễn phí đột nhiên chỉ kéo dài một khoảng thời gian ngắn.
Mặc dù có mức giá tương đối rẻ, nhưng việc gia hạn thuê bao được coi là gánh nặng tài chính đáng kể đối với nhiều dân làng.
Vì vậy, sự hào hứng ban đầu của một số người hưởng lợi từ dự án đã giảm bớt, làm ảnh hưởng đến nỗ lực xây dựng thiện chí của Trung Quốc.
"Chúng tôi rất vui khi lần đầu tiên nhận được ăng ten vệ tinh, nhưng chỉ được miễn phí trong vài tháng và sau đó chúng tôi phải trả tiền", Rose Chepkemoi, ngụ tại làng Chemori ở hạt Kericho, Kenya, cho biết. "Dịch vụ truyền hình kỹ thuật số quá tốn kém nên chúng tôi đã ngưng sử dụng".
Những người không còn sử dụng gói StarTimes cho biết nếu không gia hạn thì chỉ xem được một số kênh miễn phí nhất định, chẳng hạn như kênh truyền hình Kenya có sẵn.
Trong chuyến thăm của BBC tới bốn ngôi làng đã được lắp đặt chảo vệ tinh StarTimes từ năm 2018 đến năm 2020, nhiều dân làng cho biết họ đã ngừng sử dụng StarTimes sau khi thời gian dùng thử miễn phí kết thúc.
Trưởng làng Ainamoi cho biết nhiều hộ gia đình trong số 25 hộ nhận được chảo vệ tinh ban đầu đã chọn không đăng ký gói dịch vụ.
BBC đã liên hệ với StarTimes đề nghị bình luận về thời gian dùng thử miễn phí nhưng không nhận được phản hồi.
Ảnh hưởng của Trung Quốc cũng mở rộng đến nội dung phát sóng trên các kênh StarTimes dù ít dù nhiều. Ngay cả những gói rẻ nhất cũng bao gồm các kênh như Kung Fu và Sino Drama, chủ yếu chiếu phim truyền hình Trung Quốc.
Năm 2023, hơn 1.000 bộ phim và chương trình truyền hình Trung Quốc đã được lồng tiếng sang ngôn ngữ địa phương, Mã Thiếu Dũng, trưởng phòng quan hệ công chúng của StarTimes, nói với truyền thông địa phương. Trong trường hợp của Kenya, vào năm 2014, công ty đã ra mắt một kênh có tên là ST Swahili, chuyên nội dung tiếng Swahili.
Trong số những người dân đã xem các chương trình Trung Quốc, nhiều người cho biết họ thấy chương trình này đã lỗi thời, miêu tả các nhân vật Trung Quốc theo cách một chiều, với các chương trình thường tập trung vào các chủ đề mang tính khuôn mẫu.
Lướt nhanh qua hướng dẫn sẽ thấy rất nhiều chương trình hẹn hò hoặc tình yêu, bao gồm một chương trình truyền hình thực tế nổi tiếng có tên là Hello, Mr. Right (Xin chào, người đàn ông lý tưởng) nơi những người tham gia tìm kiếm nửa kia hoàn hảo của mình. Hình thức này được mô phỏng theo một chương trình tương tự ở Trung Quốc có tên là If You Are the One (Nếu bạn là người duy nhất).
Đối với một số người, ít nhất nội dung này là lý do để họ tiếp tục gia hạn gói thuê bao. Ariana Nation Ngotiek, 21 tuổi, ngụ tại làng Olasiti, "say mê" với một số chương trình nhất định, như loạt phim Trung Quốc Eternal Love (Tam Sinh Tam Thế Thập Lý Đào Hoa), được lồng tiếng Anh.
"Tôi sẽ không đi ngủ nếu chưa xem phim", cô cho biết.
Bóng đá có sức hút lớn nhất
Nhưng bóng đá vẫn là điểm thu hút lớn nhất đối với khán giả Châu Phi. Ví dụ, vào năm 2023, các trận đấu thuộc Cúp bóng đá các quốc gia Châu Phi (Afcon) đã đạt kỷ lục gần hai tỷ lượt người xem trên toàn cầu, theo Liên đoàn Bóng đá Châu Phi.
Nhận thức được cơ hội kinh doanh này, StarTimes đã đầu tư mạnh vào việc đảm bảo quyền phát sóng các trận đấu bóng đá, bao gồm các giải Afcon, La Liga của Tây Ban Nha và Bundesliga của Đức.
"Phát sóng thể thao là nơi StarTimes tạo dựng tên tuổi", Tiến sĩ Lewis giải thích.
Tuy nhiên, cạnh tranh thị trường rất gay gắt và SuperSport, một công ty con của MultiChoice, được cho là đã trả hơn 200 triệu USD hằng năm để có quyền phát sóng Giải bóng đá Ngoại hạng Anh ăn khách.
Sau khi siêu sao bóng đá người Pháp Kylian Mbappé tuyên bố anh sẽ gia nhập câu lạc bộ Real Madrid của Tây Ban Nha, StarTimes đã nắm bắt cơ hội và dựng những tấm biển quảng cáo khổng lồ ở Nairobi với dòng chữ "Cảm nhận trọn vẹn sự phấn khích của giải La Liga", theo sau là biểu trưng của StarTimes.
Tuy nhiên, điều này không hiệu quả với tất cả mọi người.
Một người hâm mộ bóng đá nói với BBC rằng anh "thích thưởng thức sự phấn khích của Giải bóng đá Ngoại hạng Anh hơn".
"Phần lớn người Kenya không thích La Liga, mà chính Giải bóng đá Ngoại hạng Anh mới là điều thu hút khán giả", Levi Obonyo, Giáo sư tại Đại học Daystar ở Nairobi, giải thích.
StarTimes đang cố gắng thu hút khách hàng ở Châu Phi thông qua việc phát sóng giải bóng đá Tây Ban Nha
Khác với BBC và CNN, đài truyền hình nhà nước CGTN của Trung Quốc có nội dung định hướng quốc tế được bao gồm trong gói rẻ nhất của StarTimes, nhưng không thu hút được người xem.
"Vâng, chúng tôi cũng có kênh tin tức Trung Quốc, nhưng tôi không xem", Lily Ruto, một giáo viên đã nghỉ hưu ở huyện Kericho, cho biết. "Kênh đó được gọi là gì nhỉ ? C gì đó N ? T gì đó N ?" bà cười và nhún vai.
Tiến sĩ Dani Madrid-Morales, một giảng viên tại Đại học Sheffield, đồng tình rằng StarTimes không tạo ra được một cuộc cách mạng trong môi trường tin tức [ở Châu Phi].
Hầu hết dân làng cho biết họ thích các kênh tin tức địa phương. StarTimes hiểu điều đó. Trên thực tế, với hơn 95% trong số 5.000 nhân viên ở Châu Phi là người địa phương, theo một phát ngôn viên của công ty này, StarTimes trình bày mục tiêu của họ là ưu tiên tiếng nói của người Châu Phi.
Một cố vấn cho các công ty truyền thông Trung Quốc tại Châu Phi cho biết StarTimes đang cố gắng tránh lặp lại những gì đã xảy ra với TikTok hoặc Huawei, những công ty có bản sắc Trung Quốc lộ liễu đã bị giám sát chặt chẽ ở phương Tây.
Nghiên cứu của Tiến sĩ Lewis về các bản tin từ năm 2015 đến năm 2019 củng cố luận điểm này, khi ông chỉ ra rằng hầu hết các tin tức đề cập đến StarTimes đều không nhắc đến Trung Quốc hoặc quan hệ Trung Quốc-Châu Phi. Công ty này dường như cẩn thận không phô trương nguồn gốc Trung Quốc của mình.
Từ chủ đề nóng đến một phụ lục
StarTimes, với tư cách là một công ty tư nhân, đã đạt được thành công đáng kể trong những năm qua và "Dự án 10.000 ngôi làng" đã đưa danh tiếng công ty lên một tầm cao mới.
Tuy nhiên, khi Bắc Kinh tổ chức thêm một hội nghị FOCAC nữa, hiệu ứng xây dựng hình ảnh của dự án mà Trung Quốc kỳ vọng đã không thành hiện thực.
"Chính phủ đã có nỗ lực cân bằng lại luồng thông tin để đưa Trung Quốc vào một góc nhìn tích cực, nhưng điều đó đã không thành hiện thực", Tiến sĩ Madrid-Morales cho biết.
"Số tiền đã đầu tư vào dự án này thực sự không mang lại nhiều lợi ích cho chính phủ Trung Quốc".
Nhiều người dân mà BBC đã gặp gỡ chủ yếu lo ngại về nội dung và chi phí. Cũng rỉ sét như một số chảo vệ tinh, dự án từng được bàn tán rộng rãi này dường như đã bị đẩy xuống thành một phụ lục trong chiến dịch quyền lực mềm của Trung Quốc.
"Vâng, chúng tôi biết nó đến từ Trung Quốc, nhưng sẽ chẳng có gì khác biệt nếu không ai sử dụng", bà Chepkemoi, người đã hủy gói đăng ký StarTimes cho biết.
Shawn Yuan
Nguồn : BBC, 03/09/2024