Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Trung Quốc chinh phục Châu Phi bằng truyền hình vệ tinh tại 10.000 ngôi làng

Khi các nhà lãnh đạo Châu Phi đến Bắc Kinh trong tuần này để tham dự hội nghị thượng đỉnh Trung Quốc - Châu Phi diễn ra ba năm một lần, Chủ tịch Tập Cận Bình có thể có một thứ để kiêu hãnh, truyền hình vệ tinh.

chauphi1

Nicholas Nguku cùng bạn bè và gia đình xem Thế vận hội Olympic Paris 2024

Gần chín năm trước, ông Tập Cận Bình đã hứa với các nguyên thủ quốc gia tham dự Diễn đàn hợp tác Trung Quốc - Châu Phi (FOCAC) tại thành phố Johannesburg, Nam Phi rằng Trung Quốc sẽ cung cấp dịch vụ truyền hình kỹ thuật số cho hơn 10.000 ngôi làng hẻo lánh ở 23 quốc gia Châu Phi.

Hiện tại, hơn 9.600 ngôi làng đã có hạ tầng kỹ thuật truyền hình vệ tinh, dự án này đang gần hoàn thiện.

Cam kết đầy tham vọng này, được công bố trong giai đoạn quan hệ Trung Quốc - Châu Phi nồng ấm và được tài trợ bởi ngân sách viện trợ của Bắc Kinh. Dự án được giao cho StarTimes, một công ty tư nhân của Trung Quốc đã hoạt động tại một số quốc gia Châu Phi.

Đây rõ ràng là một biểu hiện thiện chí và là cơ hội để Trung Quốc thể hiện sức mạnh mềm của mình tại một khu vực có tầm quan trọng chiến lược.

Khi nền kinh tế Trung Quốc đang gặp khó khăn và Bắc Kinh điều chỉnh lại chiến lược Châu Phi, BBC đã đến thăm bốn ngôi làng ở Kenya để tìm hiểu xem sáng kiến "sức mạnh mềm" này có hiệu quả hay không.

Tại ngôi làng Olasiti, cách thủ đô Nairobi của Kenya khoảng ba giờ lái xe về phía tây, ông Nicholas Nguku đã gọi bạn bè và gia đình đến xem các vận động viên Kenya thi đấu điền kinh tại Thế vận hội Paris 2024 trên truyền hình.

"Tôi rất vui khi được xem Thế vận hội, chương trình mà trong nhiều năm chúng tôi đã không thể xem trước khi có StarTimes", ông nói, nhắc đến việc việc công ty này đã lắp đặt ăng ten vệ tinh khoảng bốn năm trước.

Ông Nguku không phải là người hưởng lợi duy nhất từ sự hiện diện của StarTimes trên khắp Châu Phi. Lần đầu tiên có mặt tại lục địa này vào năm 2008, StarTimes hiện là một trong những nhà cung cấp truyền hình kỹ thuật số tư nhân lớn nhất ở khu vực Châu Phi hạ Sahara, với hơn 16 triệu thuê bao.

Các nhà phân tích cho biết chi phí ban đầu thấp đã giúp công ty này có được chỗ đứng.

Tại Kenya, các gói truyền hình kỹ thuật số hằng tháng dao động từ 329 shilling (63.000 đồng VN) đến 1.799 shilling (350.000 đồng VN).

Để so sánh, một gói dịch vụ hằng tháng của DStv, một công ty lớn khác trên thị trường truyền hình kỹ thuật số Châu Phi thuộc sở hữu của MultiChoice, có giá từ 700 đến 10.500 shilling.

Trong khi StarTimes dựa một phần vào đăng ký thuê bao để có doanh thu chủ yếu, thì "Dự án 10.000 ngôi làng" được tài trợ bởi Quỹ Hợp tác Viện trợ Nam-Nam (Nam Nam Hợp tác Viện trợ Cơ kim) do nhà nước Trung Quốc điều hành.

Tất cả các chảo vệ tinh đều có biểu trưng của StarTimes, cùng với biểu tượng của Bộ Thông tin Kenya và biểu trưng "Trung Quốc Viện trợ" (China Aid) màu đỏ. Trong quá trình lắp đặt những chiếc chảo này, đại diện của StarTimes cho biết đây là "món quà" từ Trung Quốc, một số dân làng nhớ lại.

chauphi2

Chảo vệ tinh StarTimes đặt trên nóc một nhà dân tại một ngôi làng ở Kenya

Theo Tiến sĩ Angela Lewis, một học giả đã viết nhiều về StarTimes ở Châu Phi, dự án này có tiềm năng để lại hình ảnh tích cực về Trung Quốc đối với người dân ở đây.

Người dân tham gia dự án dường như nhận được mọi thứ miễn phí, bao gồm các thiết bị, chẳng hạn như chảo vệ tinh, pin và công lắp đặt, cũng như gói thuê bao nội dung của StarTimes.

Tiến sĩ Lewis cho rằng đây là một "bước ngoặt", vì trước đây, hầu hết các ngôi làng hẻo lánh ở Châu Phi chủ yếu chỉ có thể tiếp cận với nội dung truyền hình tương tự một cách chập chờn và không chắc chắn.

Đối với nhiều người, đây là lần đầu tiên họ có chảo vệ tinh, làm thay đổi cách dân làng tương tác với thế giới bên ngoài, bà Lewis cho biết.

Đối với các trung tâm cộng đồng như bệnh viện và trường học ở ngôi làng Ainomoi ở miền tây Kenya, các gói thuê bao vẫn miễn phí.

Tại phòng khám địa phương, một chiếc ti vi kỹ thuật số trong phòng chờ giúp bệnh nhân giết thời gian. Và tại một trường học, học sinh thích xem phim hoạt hình sau giờ lên lớp.

"Sau khi hoàn thành bài tập về nhà, tất cả chúng em sẽ cùng nhau xem phim hoạt hình và đó là một trải nghiệm rất thú vị và gắn kết", Ruth Chelang'at, một học sinh lớp tám, nói.

Tuy nhiên, một số hộ gia đình Kenya mà BBC phỏng vấn cho biết giai đoạn dùng thử miễn phí đột nhiên chỉ kéo dài một khoảng thời gian ngắn.

Mặc dù có mức giá tương đối rẻ, nhưng việc gia hạn thuê bao được coi là gánh nặng tài chính đáng kể đối với nhiều dân làng.

Vì vậy, sự hào hứng ban đầu của một số người hưởng lợi từ dự án đã giảm bớt, làm ảnh hưởng đến nỗ lực xây dựng thiện chí của Trung Quốc.

"Chúng tôi rất vui khi lần đầu tiên nhận được ăng ten vệ tinh, nhưng chỉ được miễn phí trong vài tháng và sau đó chúng tôi phải trả tiền", Rose Chepkemoi, ngụ tại làng Chemori ở hạt Kericho, Kenya, cho biết. "Dịch vụ truyền hình kỹ thuật số quá tốn kém nên chúng tôi đã ngưng sử dụng".

Những người không còn sử dụng gói StarTimes cho biết nếu không gia hạn thì chỉ xem được một số kênh miễn phí nhất định, chẳng hạn như kênh truyền hình Kenya có sẵn.

Trong chuyến thăm của BBC tới bốn ngôi làng đã được lắp đặt chảo vệ tinh StarTimes từ năm 2018 đến năm 2020, nhiều dân làng cho biết họ đã ngừng sử dụng StarTimes sau khi thời gian dùng thử miễn phí kết thúc.

Trưởng làng Ainamoi cho biết nhiều hộ gia đình trong số 25 hộ nhận được chảo vệ tinh ban đầu đã chọn không đăng ký gói dịch vụ.

BBC đã liên hệ với StarTimes đề nghị bình luận về thời gian dùng thử miễn phí nhưng không nhận được phản hồi.

Ảnh hưởng của Trung Quốc cũng mở rộng đến nội dung phát sóng trên các kênh StarTimes dù ít dù nhiều. Ngay cả những gói rẻ nhất cũng bao gồm các kênh như Kung Fu và Sino Drama, chủ yếu chiếu phim truyền hình Trung Quốc.

Năm 2023, hơn 1.000 bộ phim và chương trình truyền hình Trung Quốc đã được lồng tiếng sang ngôn ngữ địa phương, Mã Thiếu Dũng, trưởng phòng quan hệ công chúng của StarTimes, nói với truyền thông địa phương. Trong trường hợp của Kenya, vào năm 2014, công ty đã ra mắt một kênh có tên là ST Swahili, chuyên nội dung tiếng Swahili.

Trong số những người dân đã xem các chương trình Trung Quốc, nhiều người cho biết họ thấy chương trình này đã lỗi thời, miêu tả các nhân vật Trung Quốc theo cách một chiều, với các chương trình thường tập trung vào các chủ đề mang tính khuôn mẫu.

Lướt nhanh qua hướng dẫn sẽ thấy rất nhiều chương trình hẹn hò hoặc tình yêu, bao gồm một chương trình truyền hình thực tế nổi tiếng có tên là Hello, Mr. Right (Xin chào, người đàn ông lý tưởng) nơi những người tham gia tìm kiếm nửa kia hoàn hảo của mình. Hình thức này được mô phỏng theo một chương trình tương tự ở Trung Quốc có tên là If You Are the One (Nếu bạn là người duy nhất).

Đối với một số người, ít nhất nội dung này là lý do để họ tiếp tục gia hạn gói thuê bao. Ariana Nation Ngotiek, 21 tuổi, ngụ tại làng Olasiti, "say mê" với một số chương trình nhất định, như loạt phim Trung Quốc Eternal Love (Tam Sinh Tam Thế Thập Lý Đào Hoa), được lồng tiếng Anh.

"Tôi sẽ không đi ngủ nếu chưa xem phim", cô cho biết.

Bóng đá có sức hút lớn nhất

Nhưng bóng đá vẫn là điểm thu hút lớn nhất đối với khán giả Châu Phi. Ví dụ, vào năm 2023, các trận đấu thuộc Cúp bóng đá các quốc gia Châu Phi (Afcon) đã đạt kỷ lục gần hai tỷ lượt người xem trên toàn cầu, theo Liên đoàn Bóng đá Châu Phi.

Nhận thức được cơ hội kinh doanh này, StarTimes đã đầu tư mạnh vào việc đảm bảo quyền phát sóng các trận đấu bóng đá, bao gồm các giải Afcon, La Liga của Tây Ban Nha và Bundesliga của Đức.

"Phát sóng thể thao là nơi StarTimes tạo dựng tên tuổi", Tiến sĩ Lewis giải thích.

Tuy nhiên, cạnh tranh thị trường rất gay gắt và SuperSport, một công ty con của MultiChoice, được cho là đã trả hơn 200 triệu USD hằng năm để có quyền phát sóng Giải bóng đá Ngoại hạng Anh ăn khách.

Sau khi siêu sao bóng đá người Pháp Kylian Mbappé tuyên bố anh sẽ gia nhập câu lạc bộ Real Madrid của Tây Ban Nha, StarTimes đã nắm bắt cơ hội và dựng những tấm biển quảng cáo khổng lồ ở Nairobi với dòng chữ "Cảm nhận trọn vẹn sự phấn khích của giải La Liga", theo sau là biểu trưng của StarTimes.

Tuy nhiên, điều này không hiệu quả với tất cả mọi người.

Một người hâm mộ bóng đá nói với BBC rằng anh "thích thưởng thức sự phấn khích của Giải bóng đá Ngoại hạng Anh hơn".

"Phần lớn người Kenya không thích La Liga, mà chính Giải bóng đá Ngoại hạng Anh mới là điều thu hút khán giả", Levi Obonyo, Giáo sư tại Đại học Daystar ở Nairobi, giải thích.

chauphi3

StarTimes đang cố gắng thu hút khách hàng ở Châu Phi thông qua việc phát sóng giải bóng đá Tây Ban Nha

Khác với BBC và CNN, đài truyền hình nhà nước CGTN của Trung Quốc có nội dung định hướng quốc tế được bao gồm trong gói rẻ nhất của StarTimes, nhưng không thu hút được người xem.

"Vâng, chúng tôi cũng có kênh tin tức Trung Quốc, nhưng tôi không xem", Lily Ruto, một giáo viên đã nghỉ hưu ở huyện Kericho, cho biết. "Kênh đó được gọi là gì nhỉ ? C gì đó N ? T gì đó N ?" bà cười và nhún vai.

Tiến sĩ Dani Madrid-Morales, một giảng viên tại Đại học Sheffield, đồng tình rằng StarTimes không tạo ra được một cuộc cách mạng trong môi trường tin tức [ở Châu Phi].

Hầu hết dân làng cho biết họ thích các kênh tin tức địa phương. StarTimes hiểu điều đó. Trên thực tế, với hơn 95% trong số 5.000 nhân viên ở Châu Phi là người địa phương, theo một phát ngôn viên của công ty này, StarTimes trình bày mục tiêu của họ là ưu tiên tiếng nói của người Châu Phi.

Một cố vấn cho các công ty truyền thông Trung Quốc tại Châu Phi cho biết StarTimes đang cố gắng tránh lặp lại những gì đã xảy ra với TikTok hoặc Huawei, những công ty có bản sắc Trung Quốc lộ liễu đã bị giám sát chặt chẽ ở phương Tây.

Nghiên cứu của Tiến sĩ Lewis về các bản tin từ năm 2015 đến năm 2019 củng cố luận điểm này, khi ông chỉ ra rằng hầu hết các tin tức đề cập đến StarTimes đều không nhắc đến Trung Quốc hoặc quan hệ Trung Quốc-Châu Phi. Công ty này dường như cẩn thận không phô trương nguồn gốc Trung Quốc của mình.

Từ chủ đề nóng đến một phụ lục

StarTimes, với tư cách là một công ty tư nhân, đã đạt được thành công đáng kể trong những năm qua và "Dự án 10.000 ngôi làng" đã đưa danh tiếng công ty lên một tầm cao mới.

Tuy nhiên, khi Bắc Kinh tổ chức thêm một hội nghị FOCAC nữa, hiệu ứng xây dựng hình ảnh của dự án mà Trung Quốc kỳ vọng đã không thành hiện thực.

"Chính phủ đã có nỗ lực cân bằng lại luồng thông tin để đưa Trung Quốc vào một góc nhìn tích cực, nhưng điều đó đã không thành hiện thực", Tiến sĩ Madrid-Morales cho biết.

"Số tiền đã đầu tư vào dự án này thực sự không mang lại nhiều lợi ích cho chính phủ Trung Quốc".

Nhiều người dân mà BBC đã gặp gỡ chủ yếu lo ngại về nội dung và chi phí. Cũng rỉ sét như một số chảo vệ tinh, dự án từng được bàn tán rộng rãi này dường như đã bị đẩy xuống thành một phụ lục trong chiến dịch quyền lực mềm của Trung Quốc.

"Vâng, chúng tôi biết nó đến từ Trung Quốc, nhưng sẽ chẳng có gì khác biệt nếu không ai sử dụng", bà Chepkemoi, người đã hủy gói đăng ký StarTimes cho biết.

Shawn Yuan

Nguồn : BBC, 03/09/2024

Additional Info

  • Author Shawn Yuan
Published in Diễn đàn

Covid-19 : Trung Quốc dàn trận tại Châu Phi

Thứ Hai 13/02/2020 ngày lễ Phục Sinh, hầu hết báo chí Pháp nghỉ lễ. Tuy nhiên, siêu vi Corona chủng mới không nghỉ và tiếp tục ngự trị trên những nhật báo có số phát hành : Tổng thống Pháp một lần nữa lên tuyến đầu, nước Mỹ của Donald Trump lãnh trọn cơn bão đại dịch trong lúc Trung Quốc tận dụng thời cơ để bành trướng ảnh hưởng tại Châu Phi qua đầu cầu Ethiopia cùng với hai tập đoàn Alibaba và Hoa Vi.

chauphi1

Máy bay của hãng hàng không Ethiiopia chở viện trợ Trung Quốc đến Venezuela ngày 28/03/2020. Ethiopia đóng vai trò đặc biệt trong chiến lược "y tế" Covid-19 của Trung Quốc. Ảnh minh họa. Reuters - Manaure Quintero

Le Monde, ra ngày cuối tuần, gần như không bỏ qua một Châu lục nào trong trận đại dịch từ Vũ Hán. Nổi bật nhất là bài phê bình nghiêm khắc cơ cấu chính quyền Pháp không đủ tầm đối đầu với đại dịch và bài chiến lược của Bắc Kinh dùng Covid-19 để "công tâm" củng cố thế lực tại Châu Phi.

Jack Ma, Hoa Vi và các ngài đại sứ Ethiopia

Từ khi đại dịch lan rộng, Trung Quốc liên tiếp gửi hàng viện trợ y tế cho 50 nước Châu Phi. Theo Le Monde, con đường tơ lụa "y tế" được sử dụng khéo léo. Bắc Kinh "núp sau lưng" nhà tỷ phú Jack Mã, chủ nhân tập đoàn Alibaba và các chân rết. Qua những tấm ngân phiếu của Alibaba, của Hoa Vi, với sự tiếp tay không cần đeo găng của các nhà ngoại giao Ethiopia và của Trung Quốc, tất cả được dàn dựng trước ống kính truyền hình Trung Quốc.

Ethiopia đóng vai trò đặc biệt như thế nào trong chiến lược "y tế" Covid-19 của Trung Quốc ? Thái độ bênh vực Trung Quốc của tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới, nguyên là ngoại trưởng Ethiopia, được Bắc Kinh ủng hộ như thế nào thì mọi người đã thấy. Le Monde chỉ phớt qua để minh họa thêm cho các thông tin sau : Hãng hàng không Ethiopia Airlines độc quyền chuyển hàng viện trợ của tỷ phú Jack Mã đến 50 nước Châu Phi. Hàng viện trợ sau đó được phân phối sang các nước qua công ty của Jack Mã. Các nhà ngoại giao Ethiopia luôn có mặt trong các buổi "lễ giao hàng". Một trường hợp cụ thể là ngày 31/03, trong một buổi lễ tại phi trường Abidjian, chính đại sứ Ethiopia tại Côte d' Ivoire đích thân cầm ngân phiếu của tỷ phú Trung Quốc trao cho bà giám đốc viện Pasteur của Côte d'Ivoire. Nghi thức khá lạ thường.

Từ thập niên 1960, Bắc Kinh đã gửi 20.000 nhân viên y tế sang Châu Phi chăm sóc cho 200 triệu người, nếu tin vào số liệu của Tân Hoa Xã. Hiện nay số người Trung Quốc ở Châu Phi lên tới hơn một triệu. 50.000 sinh viên Châu Phi du học tại Trung Quốc. Từ 2013 đến 2018, thương mại song phương tăng gắp 11 lần với 185 tỷ đôla.

Trong vụ dịch sốt xuất huyết Ebola (2013 đến 2016), Trung Quốc gửi 1.200 nhân viên y tế sang giúp ba nước bị lây nhiễm nghiêm trọng nhất (Guinea, Liberia, Sierra Leone) chứng tỏ khả năng phản ứng nhanh nhờ vào sức mạnh kinh tế đang lên của Hoa Lục. Trong đại dịch Vũ Hán, Bắc Kinh chứng tỏ có liều thuốc hiệu quả qua lời tuyên dương của đại sứ Trung Quốc tại Mali : Quyết tâm của Đảng cộng sản lãnh đạo, tinh thần kỷ luật và hy sinh của người dân.

Cùng bài bản, đại sứ Trung Quốc tại Tchad cho rằng quốc tế đang thấy một mô hình, một chế độ xã hội mới. Tại Châu Phi cũng như bất cứ nơi nào khác, "y tế " đươc tận dụng để yểm trợ cho con đường tơ lụa mới.

"Đấu trường địa chiến lược" sau đại dịch Covid-19

Ngày 26/03/2020, bản phúc trình của Viện Nghiên cứu Chiến lược Pháp, cảnh báo các nước phương Tây về cách thức Bắc Kinh khai thác đại dịch Covid-19 để quảng bá chính sách "ngoại giao y tế" phục vụ chiến lược con đường tơ lụa. Thông điệp này có tiếng vang tốt cho Trung Quốc cho dù là khi mở các thùng các-tông, thấy hàng thiếu chất lượng và cho dù tiền viện trợ có chui vào túi quan chức tham ô. Điển hình là một người dânở Alger chia sẻ : trong cơn hoạn nạn, ai giúp thì chúng tôi nhận. Tôi không thấy ai ngoài Nga, Trung Quốc và Cuba.

Trên thực tế, hành động can thiệp ngày càng thô bạo của các viên đại sứ Trung Quốc ngày càng gây khó chịu. Ngày 16/03, theo lệnh bộ trưởng bộ y tế Burkina-Faso, hành khách của một chuyến bay bị cách ly vì trên máy bay có một người Trung Quốc có triệu chứng bị nghi là nhiễm siêu vi corona. Chiều lại, đại sứ Trung Quốc ra thông báo khẳng định "ba công dân Trung Quốc trên chuyến bay không có người nào từng bị nhiễm siêu vi". Làm sao đại sứ Trung Quốc có thể tự cho có thẩm quyền y tế cao hơn bộ trưởng y tế của quốc gia sở tại ?

Để đối phó với chiến lược "bỏ vốn ít mà thu lợi nhiều" của Bắc Kinh, Liên Hiệp Châu Âu thông báo viện trợ chống Covid-19 cho Châu Phi một ngân sách 3,25 tỷ euro. Nhưng đối với Mỹ, tình hình sẽ căng thẳng hơn. Donald Trump rất tức giận khi biết tin Trung Quốc chi 80 triệu đô la xây một tòa trụ sở cho cơ quan phòng chống bệnh truyền nhiễm Châu Phi ở thủ đô Ethiopia mà lẽ ra phải có hợp tác của Mỹ, theo thỏa thuận ban đầu. Nhà Trắng nghi ngờ Trung Quốc sẽ cài phương tiện gián điệp.

Theo Le Monde, Châu Phi sẽ là "chiến trường địa chiến lược" sau đại dịch Covid-19.

Chống Covid-19 : Pháp chưa hội đủ ba điều kiện chiến thắng

Tiếp tục điểm qua các chủ đề trên Le Monde : Tổng thống Macron lên tuyến đầu đối mặt với công luận, cơ cấu chính quyền Pháp không đủ tầm đối đầu với đại dịch, Miến Điện hết dám đùa với Covid-19, thổ dân Nam Mỹ sợ Covid-19 và biết người da trắng không giúp gì được.

"Chúng ta không đủ bản lĩnh phòng chống dịch" là lời phê phán có dẫn chứng của cựu tổng giám đốc Tổng nha Y tế Công cộng Pháp, bác sĩ William Dab.

Tình trạng người bị lây và chết quá nhiều tại Pháp là do bộ máy hành chánh quan liêu. Bác sĩ William Dab cho biết ông được một cơ quan y tế cấp vùng (ARS) đề nghị qua một đảo hải ngoại tham gia kiểm dịch. Ông nhận lời nhưng một tuần sau không thấy động tĩnh gì cả. Ông phải hỏi lại thì vài hôm sau nhận được câu trả lời là hồ sơ thiếu "bằng cấp bác sĩ và giấy chứng nhận có khả năng chuyên môn".

Chính vì bản chất quan liêu của bộ máy hành chánh cho nên dẫn đến những quyết định không hợp lý. Trong khi ở bệnh viện nhân viên cấp cứu tận tâm tận lực chữa trị thì sau đó lẽ ra phải được "theo dõi" tiếp : phải cho người vừa hết bệnh vào khách sạn cách ly thêm thì lại cho họ từ bệnh viện đi thẳng về nhà lây cho thân nhân. Dân chúng được lệnh ai ở nhà nấy mà không có lệnh đeo khẩu trang nếu phải đi làm bằng phương tiện công cộng.

Theo vị bác sĩ cựu tổng giám đốc ngành y tế công cộng Pháp, muốn chiến thắng dịch bệnh truyền nhiễm thì phải hội đủ ba điều kiện : Phải theo dõi tình hình, phải có phản ứng nhanh và một bộ chỉ huy nhẹ, theo dõi sát sao mọi chỉ thị có được thi hành hay không. Tổng thống tuyên bố tình trạng chiến tranh mà chính quyền thì làm việc như trong thời bình. Bác sĩ William Dab dự đoán là còn có thêm vài chục ngàn người chết nữa.

Miến Điện và "phép lạ"

Tại Đông Nam Á, Le Monde ghi nhận một biến chuyển mới tại Miến Điện. Với ba người chết và gần 30 ca nhiễm virus, nếu thật như thế, thì quá ít so với các quốc gia trong vùng. Nhưng đã qua rồi những tin tưởng vào phép lạ như bác sĩ giám đốc bệnh viện Rangun tuyên bố : "Chúng ta may mắn có các sư cầu nguyện chống dịch" hay là "ăn chanh ngăn siêu vi".

Thứ Sáu vừa qua, đích thân lãnh đạo chính phủ Aung San Suu Kyi khuyến cáo : "Siêu vi Corona sắp lây lan". Một quyết định nghiêm túc phản ánh lo âu này vừa được thông báo : Lần đầu tiên trong lịch sử Miến Điện, lễ hội rước nước kể từ ngày 13 đến 16 tháng Tư bị hủy bỏ.

Thổ dân Nam Mỹ bất lực trước siêu vi Corona

Số phận bi thảm của thổ dân Nam Mỹ được Le Monde chú ý qua hai bài báo. Phóng sự của ba phóng viên tại một số nước Nam và Trung Mỹ và một bài phỏng vấn Bruce Albert, một nhà nhân chủng học có tiếng tăm.

Tính đến cuối tuần qua, có từ một đến ba người chết ở mỗi nước nhưng số lây nhiễm gia tăng. Thiệt hại nặng nhất là Ecuador có 297 thổ dân từ trần, 7.161 ca nhiễm virus corona. Peru chỉ mói có một người chết nhưng là một lãnh tụ thổ dân Aurelio Chino, mới từ Châu Âu trở về sau một chuyến đi vận động công luận chống các tập đoàn dầu khí phá hại môi trường.

Vấn nạn của thổ dân là không có hệ thống đề kháng chống siêu vi viêm phổi cấp tính như người da trắng, theo Bruce Albert. Thứ hai là họ bị chính phủ sở tại bỏ rơi và thứ ba, nhất là ở Brazil, sức khỏe thổ dân còn bị đe dọa lây bệnh từ những kẻ đi tìm vàng. Trong lịch sử, thổ dân Nam Mỹ nhiều lần bị dịch chết hàng loạt do vi trùng của nguòi da trắng lây lan.

Donald Trump : Xứng đáng là một nhà lãnh đạo

Cũng như đồng nghiệp Le Monde, nhật báo Le Figaro trông chờ tổng thống Pháp Emmanuel Macron vào 20 giờ tối nay sẽ trình bày "một lịch trình mới" trong cuộc chiến chống dịch, theo nghĩa sẽ làm gì và đi đến đâu. Vì sao ? Nhật báo thiên hữu đưa thêm một loạt tựa như để trả lời : Hãng xưởng thấp thỏm muốn hoạt động lại càng sớm càng tốt. Lãnh vực du lịch và dân Pháp đặt hy vọng vào mùa hè. Hãng Toyota ở Valenciennes muốn mở cửa trở lại vào ngày 21/04. Thông điệp của Giáo hoàng ngày Phục Sinh kêu gọi các phe xung khắc trên thế giới chấm dứt chiến tranh, kêu gọi các nước giàu xóa nợ, tất cả cùng nhau chung sức chống đại dịch, chiếm trọn một trang báo.

Nạn nhân số một của Covid-19 tính đến cuối tuần qua là nước Mỹ. Tựa trên trang nhất của Le Figaro : Hoa Kỳ bị trúng đòn : 530.000 ca lây nhiễm, 21.000 người chết, New York bị tràn ngập lây nhiễm. Một bất ngờ, California không bị nặng như New York. Tình hình đầy bất trắc mà Donald Trump tính tái lập sinh hoạt bình thường.

Bài xã luận "Donald Trump lèo lái" cho rằng biện pháp hạn chế tự do đi lại dường như có kết quả. Theo thẩm định mới, số nạn nhân tử vong sẽ chỉ độ 60.000 không cao đến 200.000 như ước định ban đầu. Đối với tổng thống Mỹ , nếu được như vậy thì sẽ là một thành công. Donald Trump muốn nhanh chóng bình thường hóa sinh hoạt kinh tế vì với con số 17 triệu người bị mất việc chỉ trong vòng có ba tuần lễ trở lại đây, có thể làm cho "thành quả" kinh tế của chủ nhân Nhà Trắng trong gần 4 năm qua tan thành mây khói.

Dù hiện thời, Joe Biden chưa đủ sức lấn áp Donald Trump. Dù trong một liên bang, nỗ lực phòng chống dịch là do các thống đốc đốc thúc, điểm đáng phục Donald Trump, theo Le Figaro, là biết giữ thế thượng phong của chính trị. Với Trump, người dân Mỹ không có cảm giác do một một bác sĩ trưởng khoa lãnh đạo ? Donald Trump không thoái vị để núp đằng sau ý kiến của một "hội đồng khoa học gia" không có thẩm quyền chính trị. Trái lại, ông đặt lên bàn cân những lợi ích tương phản của xã hội và ông quyết định. Có thể đúng, có thể sai nhưng thái độ đó gọi là "léo lái con thuyền quốc gia".

Khen ngợi chủ nhân Nhà Trắng, Le Figaro sẵn trớn, đá giò lái chủ nhân điện Elysée.

Tú Anh

Additional Info

  • Author RFI tiếng Việt
Published in Quốc tế

Hất phương Tây, Trung Quốc sải bước tại Châu Phi

Trung Quốc ngày càng hiện diện đông đảo tại Châu Phi. Trong vòng có vài năm, Bắc Kinh đã trở thành đối tác thương mại hàng đầu tại đây.

phichau1

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đến Pretoria dự thượng đỉnh Trung Quốc - Châu Phi. Ảnh chụp ngày 02/12/2015. Reuters/Sydney Seshibedi

Trong chiến dịch chinh phục lục địa này, Trung Quốc không sao nhãng bất kỳ yếu tố nào trong chiến lược mở rộng ảnh hưởng, từ kinh tế, chính trị, quân sự, chiến lược cho đến cả văn hóa. Les Echos ngày 02/05/2018 có bài nhận định đề tựa "Trung Quốc - Châu Phi : Chính sách sải bước".

Tháng Ba năm 2018, tổng thống Benin đã đề nghị tập đoàn Pháp Bolloré rút ra khỏi dự án 3000 km đường sắt nối liền nước này với các nước láng giềng. Trả lời phỏng vấn của tuần báo Challenges, tổng thống Benin cho biết ông muốn một dự án hiện đại và trên mọi phương diện, chỉ có Trung Quốc đủ khả năng thực hiện dự án lớn như vậy. Trung Quốc có các phương tiện tài chính cần thiết và đã tỏ rõ có khả năng công nghệ.

Benin không phải là trường hợp duy nhất muốn Trung Quốc thực hiện các dự án. Ngày càng có nhiều nước làm như vậy. Các biển thông báo, quảng cáo xây dựng bằng tiếng Hoa hiện diện khắp nơi ở Châu Phi. Theo công ty tư vấn McKinsey, khoảng 10 ngàn doanh nghiệp Trung Quốc đang làm ăn đầu tư tại Châu Phi và kiểm soát 50% các dự án lớn của Châu lục này. Ngay cả các dự án hạ tầng cơ sở do Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế tài trợ, các doanh nghiệp Trung Quốc cũng thắng thầu tới 40%. Theo một quan chức Châu Phi, Trung Quốc thường xuyên thực hiện các dự án rẻ hơn 40% so với các đối tác khác.

Trong vòng chưa đầy 20 năm, trao đổi thương mại giữa Trung Quốc và Châu Phi tăng hơn 10 lần, đạt mức 188 tỷ đô la trong năm 2015, cao hơn ba lần so với tổng trao đổi thương mại giữa Châu Phi với Ấn Độ, Pháp, và Hoa Kỳ cộng lại. Đầu tư tăng từ 1 lên đến 35 tỷ đô la và trong năm 2015, Trung Quốc đã đầu tư hơn 20 tỷ vào các dự án hạ tầng cơ sở Châu Phi.

Về quân sự, Trung Quốc chọn Djibouti là nơi lập căn cứ quân sự đầu tiên ở nước ngoài. Về văn hóa, khoảng năm chục viện Khổng Tử được đặt tại Châu Phi. Ngày càng có nhiều sinh viên Châu Phi sang Trung Quốc với học bổng do Bắc Kinh cung cấp. Sang làm việc tại Châu Phi một thời gian là một trong những điều kiện bắt buộc đối với đội ngũ lãnh đạo các tập đoàn lớn của Trung Quốc. Công ty McKinsey nhấn mạnh : không một nước nào có thể so sánh được với Trung Quốc về mức độ thâm nhập sâu và rộng như vậy vào Châu Phi.

Trung Quốc - Châu Phi : Mối quan hệ lâu đời

Theo Les Echos, thực ra, quan hệ Trung Quốc - Châu Phi không phải là mới. Gần một thế kỷ trước khi phương Tây tới đô hộ Châu Phi, đô đốc Trịnh Hòa (Zheng He), vào thế kỷ 15, đã tới bờ đông Châu Phi, cùng với 200 thuyền, 27.000 người, bao gồm thủy thủ, thầy thuốc, nhân sĩ, nhà chiêm tinh… Đó là quốc gia đầu tiên đến làm ăn tại Châu Phi.

500 năm sau, tại hội nghị các nước không liên kết ở Bandung (Indonesia) năm 1955, Trung Quốc ủng hộ các phong trào đấu tranh chống thực dân, đòi độc lập tại Châu Phi. Đó cũng là quốc gia đầu tiên trên thế giới làm việc này. Để trả ơn, các nước Châu Phi đã nỗ lực ủng hộ việc Trung Quốc thay thế Đài Loan, trở thành thành viên Liên Hiệp Quốc vào năm 1971.

Trung Quốc và Châu Phi gần gũi nhau không phải chỉ vì hệ tư tưởng mà còn vì lợi ích kinh tế. Châu Phi cung cấp nguyên nhiên liệu. Đổi lại, các "thiên tử" xây dựng cầu, cảng, đường bộ, đường sắt cho Châu Phi, với quy mô và mức độ chưa từng thấy. Theo một kinh tế gia thuộc công ty bảo hiểm tín dụng Euler Hermes, thì "trong giai đoạn 2007-2010, thế giới đang phải đối phó với cuộc khủng hoảng thì Trung Quốc đã không quên Châu Phi".

Với dự án Con Đường Tơ Lụa, Trung Quốc muốn vượt qua một giai đoạn mới trong cuộc chiến tranh giành ảnh hưởng, xuất khẩu kỹ năng, công nghệ để khai thác các dự án cho chính Trung Quốc xây dựng. Giới chuyên gia nói đến một "kế hoạch Marshall" của Trung Quốc cho Châu Phi, nhưng kế hoạch này to lớn gấp 10 lần so với kế hoạch mà Hoa Kỳ đã giúp Châu Âu trong giai đoạn hậu Đệ Nhị Thế Chiến.

Hạt nhân Bắc Triều Tiên : "Bắc Kinh không muốn lỡ cuộc chơi"

Đây là tựa một bài nhận định trên Les Echos. Những đột phá về ngoại giao của Bắc Triều Tiên đang làm cho Trung Quốc đứng ngồi không yên. Lo sợ bị gạt ra khỏi "cuộc chơi Triều Tiên", chính quyền Bắc Kinh lần đầu tiên trong 11 năm qua đã vội vã cử ngoại trưởng Vương Nghị đến Bình Nhưỡng.

Theo nhận định của thông tín viên Les Echos từ Tokyo, sự việc cho thấy Bắc Kinh đã lo lắng đến dường nào nên đã nhanh chóng thắt chặt lại quan hệ với "đồng minh xã hội chủ nghĩa", vào lúc mà Hoa Kỳ và Hàn Quốc dường như đang dẫn dắt nhịp độ của lịch sử trên bán đảo Triều Tiên, đang hồi tăng tốc.

Trên thực tế, Bắc Kinh chưa bao giờ đoạn tuyệt bang giao với Bình Nhưỡng, nhưng các trao đổi thương mại với quốc gia láng giềng "khó bảo" này đã giảm đi đáng kể. Trung Quốc lên án chế độ Bắc Triều Tiên làm suy yếu thế cân bằng trong khu vực, khi liên tục gia tăng các hành động khiêu khích quân sự.

Các vụ thử hạt nhân cũng như tên lửa đạn đạo của Bình Nhưỡng đã khiến cho Bắc Kinh khó chịu. Trung Quốc đã không ngần ngại bỏ phiếu thông qua các lệnh trừng phạt do Hoa Kỳ đề xướng tại Liên Hiệp Quốc. Xuất khẩu của Bắc Triều Tiên, trong đó 90% là với Trung Quốc vì thế đã sụt giảm mạnh trong năm 2017.

Giờ đây, sau khi đã chứng tỏ khả năng gây ảnh hưởng, Trung Quốc bắt đầu e ngại một thế cân bằng mới, có nguy cơ đi ngược với những lợi ích dài hạn của mình, sẽ được vạch ra trên bán đảo Triều Tiên mà không mang dấu ấn của Trung Quốc.

Chính quyền Bắc Kinh không những muốn duy trì chế độ độc tài hiện nay mà thậm chí còn đi xa hơn cả mong muốn của Kim Jong-un là muốn giảm bớt năng lực quân sự Mỹ tại Hàn Quốc, đồng thời muốn chắc chắn là chủ đề này sẽ được chính lãnh đạo Kim Jong-un đề cập đến trong cuộc gặp với Donald Trump tới đây.

Bán đảo Triều Tiên : hòa bình trước, thống nhất sau

Cũng liên quan đến tình hình bán đảo Triều Tiên, nhật báo thiên tả Libération có bài phỏng vấn nhà văn Hwang Sok-Yong từng sống định cư ở Mỹ. Nay ở tuổi 75, ông tỏ ra lạc quan cho tương lai bán đảo Triều Tiên sau cuộc gặp thượng đỉnh Liên Triều vừa qua.

Tuy nhiên, nhà văn Hwang Sok-yong cho rằng để cho tuyên bố Bàn Môn Điếm có thể thành hiện thực, cần phải có sự bảo đảm của cộng đồng quốc tế, nhất là Liên Hiệp Quốc. Chính định chế quốc tế này đã ủy nhiệm cho Hoa Kỳ đưa quân đội can thiệp vào cuộc chiến Triều Tiên năm 1950. Do đó, Liên Hiệp Quốc phải tiếp tục đảm nhận trách nhiệm cho đến cùng. Nghĩa là, Liên Hiệp Quốc, hai miền Triều Tiên, Trung Quốc và Mỹ những bên có tham gia cuộc chiến phải tham gia ký kết hiệp ước hòa bình nếu có.

Vẫn theo nhà văn, giờ chưa phải lúc để bàn đến thống nhất bán đảo, điều mà ông đã ngừng đề cập đến từ 10 năm nay. Ông Hwang cho rằng giờ là lúc nên nghĩ đến việc thiết lập một nền hòa bình cho bán đảo. Đó mới chính là điều quan trọng nhất, là con đường để dẫn đến ký kết một hiệp ước. Bán đảo Triều Tiên cần phải có một giai đoạn chuyển tiếp. Và khi ấy người ta mới có thể nhắm đến việc thiết lập bang giao hữu nghị giữa hai miền nam-bắc.

Năm 2017 : Thế giới chi gần 1.740 tỷ đô la cho quốc phòng

Số liệu thống kê này do Viện Nghiên cứu hòa bình quốc tế tại Stockholm công bố ngày 02/05/2018. Tính trung bình "Thế giới chi 230 đô la/người/năm để trang bị vũ khí", tức chiếm khoảng 2,2% tổng sản phẩm quốc gia (GNP), tăng 1,1% so với giai đoạn 2016-2017. Đây chính là tổng số tiền các quốc gia đã chi ra trong năm vừa qua để bảo dưỡng, đào tạo và trang bị quân đội của mình, cũng như để tài trợ cho các chiến dịch can thiệp bên ngoài lãnh thổ.

Căng thẳng và xung đột gia tăng trên thế giới (chủ yếu tại vùng Vịnh và Châu Á), cuộc chiến chống khủng bố trong và ngoài nước, cuộc chiến chống "tin tặc" và nhu cầu hiện đại hóa quân sự đã buộc nhiều nước tăng ngân sách cho quốc phòng.

Tuy nhiên, theo quan sát của nhà nghiên cứu Nian Tian, viện Sipri, "có sự chuyển dịch chi tiêu quân sự từ vùng Châu Âu - Đại Tây Dương về phía khu vực Châu Á - Châu Đại Dương". Bởi vì, Trung Quốc (với mức chi là 228 tỷ đô la) và Saudi Arabia (69,4 tỷ) xếp hạng hai và ba thế giới, chỉ đứng sau Hoa Kỳ và trên cả Pháp (đứng hàng thứ 5).

Quả thật, với mức chi là 610 tỷ đô la, Hoa Kỳ thật sự bỏ xa các đối thủ, tương đương bằng với tổng chi của 7 nước khác gộp lại, trong đó có Pháp. Sipri dự báo, "trong năm 2018, mức ngân sách này cho quốc phòng sẽ còn tăng thêm nữa để tài trợ cho việc tăng lượng quân nhân và hiện đại hóa vũ khí theo quy ước và hạt nhân".

Thương mại : Donald Trump lại ra án treo cho Liên Hiệp Châu Âu

Có "miễn áp thuế nhôm và thép" thường trực cho Châu Âu hay không, tổng thống Mỹ Donald Trump dứt khoát không tuyên bố ngay. Ông chỉ thông báo "gia hạn miễn áp thuế cho Liên Âu thêm 30 ngày", tựa một bài viết của Le Figaro.

Bất chấp các cuộc tiếp xúc với đồng nhiệm Pháp Emmanuel Macron và thủ tướng Đức Angela Merkel hồi cuối tháng 4/2018, tổng thống Mỹ kiên quyết không ban tặng cho Châu Âu điều mà họ muốn. Nhà Trắng từ hôm 23/03, dọa đánh thuế 25% lên mặt hàng thép và 10% lên nhôm nhập khẩu với danh nghĩa là bảo vệ an ninh quốc gia.

Le Figaro trên trang nhất phụ trang kinh tế phải thốt lên rằng đây quả là "cuộc chiến cân não". Thông báo của Donald Trump còn gia tăng áp lực hơn nữa lên Liên Hiệp Châu Âu. Hơn bao giờ hết "tính đoàn kết của Liên Hiệp Châu Âu đang bị Donald Trump thử thách", Les Echos kết luận.

Ngày 01/05 : lễ buồn tại Cuba, lễ "đập phá" ở Paris

Ngày 01/05, ngày Quốc Tế Lao Động, ngày lễ lớn của thế giới. Nhưng với Cuba, đó là "Ngày 01/05 : Nỗi buồn hậu Castro tại La Havana", tựa bài phóng sự ngắn trên Le Figaro.

Buồn không phải là vì thiếu Fidel và Raul Castro. Buồn là vì người lao động trong lĩnh vực công lập ở Cuba bị buộc phải đi diễu hành. Một cuộc biểu dương không mong muốn, không hy vọng. Những người tham gia phải có mặt từ 5g sáng tại điểm tập trung để lên xe đi về La Havana.

6g sáng tại thủ đô, ai vào vị trí nấy. Mọi động tác đều được tính từng phút. Công tác chuẩn bị đã được tiến hành từ nhiều tuần nay. Đây là một thông lệ đã có từ nhiều thập niên qua. Biểu ngữ là những dòng chữ tuần tự tôn vinh các nhà lãnh đạo, đầu tiên hết là Fidel Castro - người chiến thắng, tiếp đến là Che Guevara và sau cùng là Raul Castro. Chỉ còn thiếu mỗi tên tân lãnh đạo Miguel Diaz-Canel.

Đối diện bên kia bờ Đại Tây Dương, thủ đô Paris như trong cảnh ẩu đả. Nhiều kẻ quá khích, trang phục đen, đeo mặt nạ chen lẫn dòng người biểu tình do các công đoàn huy động. Le Figaro trên trang nhất đưa tít lớn : "Đập phá giữa lòng Paris : sau cơn thịnh nộ là tranh cãi".

Các vụ đụng độ dữ dội giữa cảnh sát và những kẻ đập phá được cho là thuộc phe cực tả, đã nổ ra bên lề cuộc diễu hành ngày 01/05. Chính phủ bị chỉ trích đã xử lý yếu kém trong vụ việc này.

Minh Anh

Published in Quốc tế