Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

02/05/2018

Điểm báo Pháp - Trung Quốc sải bước tại Châu Phi

RFI tiếng Việt

Hất phương Tây, Trung Quốc sải bước tại Châu Phi

Trung Quốc ngày càng hiện diện đông đảo tại Châu Phi. Trong vòng có vài năm, Bắc Kinh đã trở thành đối tác thương mại hàng đầu tại đây.

phichau1

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đến Pretoria dự thượng đỉnh Trung Quốc - Châu Phi. Ảnh chụp ngày 02/12/2015. Reuters/Sydney Seshibedi

Trong chiến dịch chinh phục lục địa này, Trung Quốc không sao nhãng bất kỳ yếu tố nào trong chiến lược mở rộng ảnh hưởng, từ kinh tế, chính trị, quân sự, chiến lược cho đến cả văn hóa. Les Echos ngày 02/05/2018 có bài nhận định đề tựa "Trung Quốc - Châu Phi : Chính sách sải bước".

Tháng Ba năm 2018, tổng thống Benin đã đề nghị tập đoàn Pháp Bolloré rút ra khỏi dự án 3000 km đường sắt nối liền nước này với các nước láng giềng. Trả lời phỏng vấn của tuần báo Challenges, tổng thống Benin cho biết ông muốn một dự án hiện đại và trên mọi phương diện, chỉ có Trung Quốc đủ khả năng thực hiện dự án lớn như vậy. Trung Quốc có các phương tiện tài chính cần thiết và đã tỏ rõ có khả năng công nghệ.

Benin không phải là trường hợp duy nhất muốn Trung Quốc thực hiện các dự án. Ngày càng có nhiều nước làm như vậy. Các biển thông báo, quảng cáo xây dựng bằng tiếng Hoa hiện diện khắp nơi ở Châu Phi. Theo công ty tư vấn McKinsey, khoảng 10 ngàn doanh nghiệp Trung Quốc đang làm ăn đầu tư tại Châu Phi và kiểm soát 50% các dự án lớn của Châu lục này. Ngay cả các dự án hạ tầng cơ sở do Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế tài trợ, các doanh nghiệp Trung Quốc cũng thắng thầu tới 40%. Theo một quan chức Châu Phi, Trung Quốc thường xuyên thực hiện các dự án rẻ hơn 40% so với các đối tác khác.

Trong vòng chưa đầy 20 năm, trao đổi thương mại giữa Trung Quốc và Châu Phi tăng hơn 10 lần, đạt mức 188 tỷ đô la trong năm 2015, cao hơn ba lần so với tổng trao đổi thương mại giữa Châu Phi với Ấn Độ, Pháp, và Hoa Kỳ cộng lại. Đầu tư tăng từ 1 lên đến 35 tỷ đô la và trong năm 2015, Trung Quốc đã đầu tư hơn 20 tỷ vào các dự án hạ tầng cơ sở Châu Phi.

Về quân sự, Trung Quốc chọn Djibouti là nơi lập căn cứ quân sự đầu tiên ở nước ngoài. Về văn hóa, khoảng năm chục viện Khổng Tử được đặt tại Châu Phi. Ngày càng có nhiều sinh viên Châu Phi sang Trung Quốc với học bổng do Bắc Kinh cung cấp. Sang làm việc tại Châu Phi một thời gian là một trong những điều kiện bắt buộc đối với đội ngũ lãnh đạo các tập đoàn lớn của Trung Quốc. Công ty McKinsey nhấn mạnh : không một nước nào có thể so sánh được với Trung Quốc về mức độ thâm nhập sâu và rộng như vậy vào Châu Phi.

Trung Quốc - Châu Phi : Mối quan hệ lâu đời

Theo Les Echos, thực ra, quan hệ Trung Quốc - Châu Phi không phải là mới. Gần một thế kỷ trước khi phương Tây tới đô hộ Châu Phi, đô đốc Trịnh Hòa (Zheng He), vào thế kỷ 15, đã tới bờ đông Châu Phi, cùng với 200 thuyền, 27.000 người, bao gồm thủy thủ, thầy thuốc, nhân sĩ, nhà chiêm tinh… Đó là quốc gia đầu tiên đến làm ăn tại Châu Phi.

500 năm sau, tại hội nghị các nước không liên kết ở Bandung (Indonesia) năm 1955, Trung Quốc ủng hộ các phong trào đấu tranh chống thực dân, đòi độc lập tại Châu Phi. Đó cũng là quốc gia đầu tiên trên thế giới làm việc này. Để trả ơn, các nước Châu Phi đã nỗ lực ủng hộ việc Trung Quốc thay thế Đài Loan, trở thành thành viên Liên Hiệp Quốc vào năm 1971.

Trung Quốc và Châu Phi gần gũi nhau không phải chỉ vì hệ tư tưởng mà còn vì lợi ích kinh tế. Châu Phi cung cấp nguyên nhiên liệu. Đổi lại, các "thiên tử" xây dựng cầu, cảng, đường bộ, đường sắt cho Châu Phi, với quy mô và mức độ chưa từng thấy. Theo một kinh tế gia thuộc công ty bảo hiểm tín dụng Euler Hermes, thì "trong giai đoạn 2007-2010, thế giới đang phải đối phó với cuộc khủng hoảng thì Trung Quốc đã không quên Châu Phi".

Với dự án Con Đường Tơ Lụa, Trung Quốc muốn vượt qua một giai đoạn mới trong cuộc chiến tranh giành ảnh hưởng, xuất khẩu kỹ năng, công nghệ để khai thác các dự án cho chính Trung Quốc xây dựng. Giới chuyên gia nói đến một "kế hoạch Marshall" của Trung Quốc cho Châu Phi, nhưng kế hoạch này to lớn gấp 10 lần so với kế hoạch mà Hoa Kỳ đã giúp Châu Âu trong giai đoạn hậu Đệ Nhị Thế Chiến.

Hạt nhân Bắc Triều Tiên : "Bắc Kinh không muốn lỡ cuộc chơi"

Đây là tựa một bài nhận định trên Les Echos. Những đột phá về ngoại giao của Bắc Triều Tiên đang làm cho Trung Quốc đứng ngồi không yên. Lo sợ bị gạt ra khỏi "cuộc chơi Triều Tiên", chính quyền Bắc Kinh lần đầu tiên trong 11 năm qua đã vội vã cử ngoại trưởng Vương Nghị đến Bình Nhưỡng.

Theo nhận định của thông tín viên Les Echos từ Tokyo, sự việc cho thấy Bắc Kinh đã lo lắng đến dường nào nên đã nhanh chóng thắt chặt lại quan hệ với "đồng minh xã hội chủ nghĩa", vào lúc mà Hoa Kỳ và Hàn Quốc dường như đang dẫn dắt nhịp độ của lịch sử trên bán đảo Triều Tiên, đang hồi tăng tốc.

Trên thực tế, Bắc Kinh chưa bao giờ đoạn tuyệt bang giao với Bình Nhưỡng, nhưng các trao đổi thương mại với quốc gia láng giềng "khó bảo" này đã giảm đi đáng kể. Trung Quốc lên án chế độ Bắc Triều Tiên làm suy yếu thế cân bằng trong khu vực, khi liên tục gia tăng các hành động khiêu khích quân sự.

Các vụ thử hạt nhân cũng như tên lửa đạn đạo của Bình Nhưỡng đã khiến cho Bắc Kinh khó chịu. Trung Quốc đã không ngần ngại bỏ phiếu thông qua các lệnh trừng phạt do Hoa Kỳ đề xướng tại Liên Hiệp Quốc. Xuất khẩu của Bắc Triều Tiên, trong đó 90% là với Trung Quốc vì thế đã sụt giảm mạnh trong năm 2017.

Giờ đây, sau khi đã chứng tỏ khả năng gây ảnh hưởng, Trung Quốc bắt đầu e ngại một thế cân bằng mới, có nguy cơ đi ngược với những lợi ích dài hạn của mình, sẽ được vạch ra trên bán đảo Triều Tiên mà không mang dấu ấn của Trung Quốc.

Chính quyền Bắc Kinh không những muốn duy trì chế độ độc tài hiện nay mà thậm chí còn đi xa hơn cả mong muốn của Kim Jong-un là muốn giảm bớt năng lực quân sự Mỹ tại Hàn Quốc, đồng thời muốn chắc chắn là chủ đề này sẽ được chính lãnh đạo Kim Jong-un đề cập đến trong cuộc gặp với Donald Trump tới đây.

Bán đảo Triều Tiên : hòa bình trước, thống nhất sau

Cũng liên quan đến tình hình bán đảo Triều Tiên, nhật báo thiên tả Libération có bài phỏng vấn nhà văn Hwang Sok-Yong từng sống định cư ở Mỹ. Nay ở tuổi 75, ông tỏ ra lạc quan cho tương lai bán đảo Triều Tiên sau cuộc gặp thượng đỉnh Liên Triều vừa qua.

Tuy nhiên, nhà văn Hwang Sok-yong cho rằng để cho tuyên bố Bàn Môn Điếm có thể thành hiện thực, cần phải có sự bảo đảm của cộng đồng quốc tế, nhất là Liên Hiệp Quốc. Chính định chế quốc tế này đã ủy nhiệm cho Hoa Kỳ đưa quân đội can thiệp vào cuộc chiến Triều Tiên năm 1950. Do đó, Liên Hiệp Quốc phải tiếp tục đảm nhận trách nhiệm cho đến cùng. Nghĩa là, Liên Hiệp Quốc, hai miền Triều Tiên, Trung Quốc và Mỹ những bên có tham gia cuộc chiến phải tham gia ký kết hiệp ước hòa bình nếu có.

Vẫn theo nhà văn, giờ chưa phải lúc để bàn đến thống nhất bán đảo, điều mà ông đã ngừng đề cập đến từ 10 năm nay. Ông Hwang cho rằng giờ là lúc nên nghĩ đến việc thiết lập một nền hòa bình cho bán đảo. Đó mới chính là điều quan trọng nhất, là con đường để dẫn đến ký kết một hiệp ước. Bán đảo Triều Tiên cần phải có một giai đoạn chuyển tiếp. Và khi ấy người ta mới có thể nhắm đến việc thiết lập bang giao hữu nghị giữa hai miền nam-bắc.

Năm 2017 : Thế giới chi gần 1.740 tỷ đô la cho quốc phòng

Số liệu thống kê này do Viện Nghiên cứu hòa bình quốc tế tại Stockholm công bố ngày 02/05/2018. Tính trung bình "Thế giới chi 230 đô la/người/năm để trang bị vũ khí", tức chiếm khoảng 2,2% tổng sản phẩm quốc gia (GNP), tăng 1,1% so với giai đoạn 2016-2017. Đây chính là tổng số tiền các quốc gia đã chi ra trong năm vừa qua để bảo dưỡng, đào tạo và trang bị quân đội của mình, cũng như để tài trợ cho các chiến dịch can thiệp bên ngoài lãnh thổ.

Căng thẳng và xung đột gia tăng trên thế giới (chủ yếu tại vùng Vịnh và Châu Á), cuộc chiến chống khủng bố trong và ngoài nước, cuộc chiến chống "tin tặc" và nhu cầu hiện đại hóa quân sự đã buộc nhiều nước tăng ngân sách cho quốc phòng.

Tuy nhiên, theo quan sát của nhà nghiên cứu Nian Tian, viện Sipri, "có sự chuyển dịch chi tiêu quân sự từ vùng Châu Âu - Đại Tây Dương về phía khu vực Châu Á - Châu Đại Dương". Bởi vì, Trung Quốc (với mức chi là 228 tỷ đô la) và Saudi Arabia (69,4 tỷ) xếp hạng hai và ba thế giới, chỉ đứng sau Hoa Kỳ và trên cả Pháp (đứng hàng thứ 5).

Quả thật, với mức chi là 610 tỷ đô la, Hoa Kỳ thật sự bỏ xa các đối thủ, tương đương bằng với tổng chi của 7 nước khác gộp lại, trong đó có Pháp. Sipri dự báo, "trong năm 2018, mức ngân sách này cho quốc phòng sẽ còn tăng thêm nữa để tài trợ cho việc tăng lượng quân nhân và hiện đại hóa vũ khí theo quy ước và hạt nhân".

Thương mại : Donald Trump lại ra án treo cho Liên Hiệp Châu Âu

Có "miễn áp thuế nhôm và thép" thường trực cho Châu Âu hay không, tổng thống Mỹ Donald Trump dứt khoát không tuyên bố ngay. Ông chỉ thông báo "gia hạn miễn áp thuế cho Liên Âu thêm 30 ngày", tựa một bài viết của Le Figaro.

Bất chấp các cuộc tiếp xúc với đồng nhiệm Pháp Emmanuel Macron và thủ tướng Đức Angela Merkel hồi cuối tháng 4/2018, tổng thống Mỹ kiên quyết không ban tặng cho Châu Âu điều mà họ muốn. Nhà Trắng từ hôm 23/03, dọa đánh thuế 25% lên mặt hàng thép và 10% lên nhôm nhập khẩu với danh nghĩa là bảo vệ an ninh quốc gia.

Le Figaro trên trang nhất phụ trang kinh tế phải thốt lên rằng đây quả là "cuộc chiến cân não". Thông báo của Donald Trump còn gia tăng áp lực hơn nữa lên Liên Hiệp Châu Âu. Hơn bao giờ hết "tính đoàn kết của Liên Hiệp Châu Âu đang bị Donald Trump thử thách", Les Echos kết luận.

Ngày 01/05 : lễ buồn tại Cuba, lễ "đập phá" ở Paris

Ngày 01/05, ngày Quốc Tế Lao Động, ngày lễ lớn của thế giới. Nhưng với Cuba, đó là "Ngày 01/05 : Nỗi buồn hậu Castro tại La Havana", tựa bài phóng sự ngắn trên Le Figaro.

Buồn không phải là vì thiếu Fidel và Raul Castro. Buồn là vì người lao động trong lĩnh vực công lập ở Cuba bị buộc phải đi diễu hành. Một cuộc biểu dương không mong muốn, không hy vọng. Những người tham gia phải có mặt từ 5g sáng tại điểm tập trung để lên xe đi về La Havana.

6g sáng tại thủ đô, ai vào vị trí nấy. Mọi động tác đều được tính từng phút. Công tác chuẩn bị đã được tiến hành từ nhiều tuần nay. Đây là một thông lệ đã có từ nhiều thập niên qua. Biểu ngữ là những dòng chữ tuần tự tôn vinh các nhà lãnh đạo, đầu tiên hết là Fidel Castro - người chiến thắng, tiếp đến là Che Guevara và sau cùng là Raul Castro. Chỉ còn thiếu mỗi tên tân lãnh đạo Miguel Diaz-Canel.

Đối diện bên kia bờ Đại Tây Dương, thủ đô Paris như trong cảnh ẩu đả. Nhiều kẻ quá khích, trang phục đen, đeo mặt nạ chen lẫn dòng người biểu tình do các công đoàn huy động. Le Figaro trên trang nhất đưa tít lớn : "Đập phá giữa lòng Paris : sau cơn thịnh nộ là tranh cãi".

Các vụ đụng độ dữ dội giữa cảnh sát và những kẻ đập phá được cho là thuộc phe cực tả, đã nổ ra bên lề cuộc diễu hành ngày 01/05. Chính phủ bị chỉ trích đã xử lý yếu kém trong vụ việc này.

Minh Anh

Quay lại trang chủ
Read 506 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)