Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

05/09/2024

Chiến tranh ở Gaza : Israel lấy vũ khí từ đâu ?

David Gritten

Nhiều chính phủ phương Tây đang chịu áp lực phải ngừng bán vũ khí cho Israel do cách mà Israel tiến hành cuộc chiến chống Hamas ở Dải Gaza.

israel1

Mỹ đã cung cấp cho không quân Israel các máy bay chiến đấu F-35, loại máy bay chiến đấu hiện đại nhất từng được chế tạo – Reuters/BBC

Israel là một trong những quốc gia xuất khẩu vũ khí lớn, nhưng quân đội nước này vẫn phụ thuộc nhiều vào các loại máy bay, bom dẫn đường và tên lửa nhập khẩu để thực hiện thứ mà các chuyên gia mô tả là một trong những chiến dịch không kích tàn khốc và dữ dội nhất trong lịch sử gần đây.

Các nhóm vận động và một số chính trị gia từ các quốc gia đồng minh phương Tây của Israel cho rằng cần đình chỉ việc xuất khẩu vũ khí tới Israel.

Theo họ, Israel chưa làm đủ trong việc bảo vệ tính mạng cho dân thường, cũng như không đảm bảo viện trợ nhân đạo đến tay người dân một cách đầy đủ.

Sau khi xem xét mức độ Israel tuân thủ luật nhân đạo quốc tế, vào ngày 3/9, Vương Quốc Anh tuyên bố đã đình chỉ khoảng 30 giấy phép xuất khẩu các thiết bị quân sự mà Israel sử dụng trong các chiến dịch quân sự tại Gaza.

Tuy lượng vũ khí Israel nhập khẩu từ Anh chiếm tỷ lệ khá nhỏ trong tổng lượng vũ khí nhập khẩu, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã lên án quyết định của Anh là "đáng xấu hổ".

Cuộc chiến ở Gaza nổ ra sau cuộc tấn công của Hamas vào Israel vào ngày 7/10/2023, khiến khoảng 1.200 người thiệt mạng và 251 người khác bị bắt làm con tin.

Kể từ đó, cuộc chiến ở Gaza đã khiến hơn 40.000 người thiệt mạng, theo thông tin từ Bộ Y tế do Hamas kiểm soát.

Israel nói rằng các chuyến hàng viện trợ không bị hạn chế, đồng thời khẳng định lực lượng quân đội của mình vẫn đang nỗ lực tránh gây thương tích cho dân thường và cáo buộc Hamas cố tình đặt dân thường ở ngay hỏa tuyến.

Mỹ

Mỹ, nhà cung cấp vũ khí lớn nhất cho Israel, đã giúp Israel xây dựng một trong những lực lượng quân đội sử dụng công nghệ tiên tiến nhất thế giới.

Theo Viện nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI), 69% lượng vũ khí thông thường chính mà Israel nhập khẩu trong giai đoạn 2019 – 2023 đến từ Mỹ.

Mỹ cung cấp cho Israel 3,8 tỷ USD tiền viện trợ quân sự hằng năm theo một thỏa thuận kéo dài 10 năm nhằm giúp Tel Aviv duy trì thứ mà Mỹ gọi là "ưu thế quân sự định tính" so với các quốc gia láng giềng.

Gói viện trợ này được ký kết vào năm 2016, dưới thời Tổng thống Barack Obama và Thủ tướng Benjamin Netanyahu.

israel2

Một phần trong gói viện trợ, tương ứng với khoảng 500 triệu USD/năm, được dành riêng cho các chương trình phòng thủ tên lửa, bao gồm các hệ thống phòng thủ tên lửa phát triển chung giữa Mỹ và Israel là Iron Dome (Vòm Sắt), Arrow (Mũi tên – sử dụng tên lửa Arrow) và David’s Sling (Dây quăng đá của David).

Trong cuộc chiến ở Gaza, Israel đã dựa vào những hệ thống này để tự vệ trước các cuộc tấn công bằng pháo phản lực, tên lửa và máy bay không người lái của các nhóm vũ trang Palestine ở Gaza, cũng như các nhóm vũ trang được Iran hậu thuẫn ở Lebanon, Syria, Iraq và Yemen.

Những ngày sau cuộc tấn công ngày 7/10/2023 của Hamas, Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết Mỹ đang "tăng cường viện trợ quân sự bổ sung" cho Israel.

Theo SIPRI, Mỹ đã nhanh chóng cung cấp hàng ngàn quả bom dẫn đường và tên lửa cho Israel vào cuối năm 2023, nhưng cho biết thêm rằng tổng lượng vũ khí Israel nhập khẩu từ Mỹ trong năm 2023 tương đương với năm 2022.

Vào tháng 12/2023, chính quyền ông Biden đã công khai hai thương vụ bán vũ khí khẩn cấp cho Israel sau khi sử dụng thẩm quyền khẩn cấp để không cần Quốc hội xem xét.

Một thương vụ là 14.000 quả đạn pháo xe tăng trị giá 106 triệu USD.

Thương vụ còn lại, trị giá 147 triệu USD, là các thành phần dùng để sản xuất đạn pháo 155mm.

israel3

Hệ thống phòng thủ Iron Dome của Israel giúp bảo vệ các thành phố và thị trấn khỏi các cuộc tấn công bằng pháo phản lực và tên lửa

Vào tháng Ba, truyền thông Mỹ đưa tin chính quyền ông Biden cũng đã âm thầm thực hiện hơn 100 thương vụ bán vũ khí khác cho Israel kể từ khi cuộc chiến ở Gaza bùng nổ, hầu hết có giá trị dưới mức yêu cầu cần thông báo chính thức cho Quốc hội Mỹ.

Các thương vụ này được cho là bao gồm hàng ngàn đơn vị đạn dẫn đường chính xác, bom đường kính nhỏ, bom xuyên hầm và vũ khí hạng nhẹ.

Vào tháng Năm, Mỹ lần đầu tiên cho dừng một lô hàng vũ khí đến Israel, khi mà các đại biểu Quốc hội thuộc Đảng Dân chủ của ông Biden và những người ủng hộ ngày càng lo ngại về kế hoạch tấn công trên bộ của Israel vào thành phố Rafah nằm ở nam Gaza.

Các quan chức Mỹ cho biết nước này sẽ giữ lại 1.800 quả bom nặng 2.000 pound (khoảng 907 kg) và 1.700 quả bom nặng 500 pound (khoảng 227 kg) vì lo ngại rằng dân thường có thể thiệt mạng nếu những quả bom này được sử dụng trong các khu vực đô thị đông dân cư.

Vào tháng Bảy, các quan chức Mỹ cho biết lô hàng bom 500 pound sẽ được cấp phép vận chuyển, nhưng loại bom 2.000 pound sẽ tiếp tục bị giữ lại do lo ngại về việc gây thương vong cho dân thường.

Tới tháng Tám, chính quyền Biden thông báo với Quốc hội rằng chính quyền đã duyệt các thương vụ bán vũ khí cho Israel với tổng trị giá 20 tỷ USD.

Những thương vụ này bao gồm :

- 50 máy bay F-151A và các bộ nâng cấp cho 25 máy bay F-15I mà Israel đang có, trị giá 18,8 tỷ USD ;

- Một lượng không xác định xe tải chở hàng trọng tải 8 tấn, trị giá 583 triệu USD ;

- 30 tên lửa không đối không tầm trung, trị giá 102 triệu USD;

- 50.000 viên đạn cối 120mm, trị giá 61 triệu USD.

Lượng vũ khí này dự kiến sẽ được giao tới Israel sớm nhất là vào năm 2026.

Đức

Theo SIPRI, 30% lượng vũ khí Israel nhập khẩu trong giai đoạn 2019-2023 đến từ Đức – biến quốc gia Châu Âu thành nhà cung cấp vũ khí lớn thứ hai của Israel.

Vào năm 2022, Israel đã ký một thỏa thuận trị giá 3 tỷ euro (3,3 tỷ USD) với Đức để mua ba tàu ngầm diesel lớp Dakar tối tân, dự kiến sẽ bắt đầu được giao vào năm 2031.

Ba chiếc tàu này sẽ thay thế các tàu ngầm lớp Dolphin, cũng do Đức chế tạo, mà Hải quân Israel đang sử dụng.

Năm ngoái, doanh số bán vũ khí của Đức cho Israel đạt 326,5 triệu euro (361 tỷ USD) - tăng gấp 10 lần so với năm 2022. Phần lớn giấy phép xuất khẩu được cấp sau cuộc tấn công ngày 7/10/2023 của Hamas.

Vào tháng Một, chính phủ Đức cho biết con số trên đến từ 306,4 triệu euro tiền trang bị quân sự và 20,1 triệu euro tiền "vũ khí chiến tranh".

Theo hãng tin DPA của Đức, "vũ khí chiến tranh" bao gồm 3.000 vũ khí chống tăng cầm tay và 500.000 viên đạn cho súng tự động hoặc bán tự động.

Hãng này cũng đưa tin rằng phần lớn các giấy phép xuất khẩu được cấp phép là cho các phương tiện mặt đất và công nghệ giúp phát triển, lắp ráp, bảo trì và sửa chữa vũ khí.

Thủ tướng Đức Olaf Scholz là một người ủng hộ mạnh mẽ cho quyền tự vệ của Israel trong suốt diễn biến cuộc chiến ở Gaza.

Dù diễn ngôn của ông Scholz về hành động của Israel ở Gaza đã thay đổi trong những tuần gần đây và một số cuộc tranh luận đã nổ ra ở Đức, các thương vụ bán vũ khí dường như không có nguy cơ bị đình chỉ.

israel4

Israel phủ nhận các cáo buộc cho rằng họ chưa làm đủ trong việc bảo vệ tính mạng cho dân thường, đồng thời đổ lỗi cho Hamas – Reuters

Ý

Ý là nhà xuất khẩu vũ khí lớn thứ ba vào Israel, nhưng chỉ chiếm 0,9% lượng vũ khí Israel nhập khẩu trong giai đoạn 2019-2023, theo SIPRI.

Ý được cho là đã xuất khẩu cả trực thăng và pháo hải quân tới Israel.

Chiến dịch Chống Buôn bán Vũ khí (CAAT), một tổ chức phi chính phủ ở Anh, cho biết tổng trị giá xuất khẩu và cấp phép hàng hóa quân sự tới Israel của Ý vào năm 2022 là 17 triệu euro (18,8 triệu USD).

Vào năm 2023, doanh số bán "vũ khí và đạn dược" đạt 13,7 triệu euro, theo thông tin được tạp chí Altreconomia trích dẫn từ Cục Thống kê Quốc gia Ý (ISTAT).

Trong đó, khoảng 2,1 triệu euro hàng xuất khẩu được cấp phép trong giai đoạn từ tháng 10 đến tháng 12/2023, bất chấp những lời đảm bảo của chính phủ Ý rằng họ đang ngăn chặn các thương vụ này theo luật cấm bán vũ khí cho các quốc gia đang tiến hành chiến tranh hoặc bị coi là vi phạm nhân quyền.

Vào tháng Ba, ông Guido Crosseto, Bộ trưởng Quốc phòng Ý, nói với Quốc hội rằng Ý đã tuân thủ các hợp đồng hiện có sau khi xem xét từng trường hợp cụ thể và đảm bảo rằng "những đơn hàng này không bao gồm các loại vật liệu có thể được sử dụng vào việc gây hại cho dân thường".

Vương Quốc Anh

Vào tháng 12/2023, chính phủ Anh cho biết lượng xuất khẩu hàng hóa quân sự của nước này sang Israel là "tương đối nhỏ".

Tổng giá trị xuất khẩu từ Anh tới Israel giảm từ 42 triệu bảng Anh (55 triệu USD) trong năm 2022 xuống còn 18,2 triệu bảng trong năm 2023, theo hồ sơ của Bộ Kinh doanh và Thương mại.

Từ ngày 7/10/2023 đến ngày 31/5/2024, Anh cấp 42 giấy phép xuất khẩu hàng hóa quân sự. Cùng thời điểm, có 345 giấy phép đang còn hiệu lực.

Bộ Kinh doanh và Thương mại Anh cho biết những giấy phép này có hiệu lực cho các loại hàng quân sự như linh kiện của máy bay quân sự, phương tiện quân sự và tàu chiến.

CAAT nói rằng tổng trị giá giấy phép xuất khẩu vũ khí cho Israel mà chính quyền Anh cấp trong giai đoạn 2008-2023 là 576 triệu bảng.

Vào tháng 9/2024, Ngoại trưởng Anh David Lammy đã công bố đình chỉ ngay lập tức khoảng 30 giấy phép xuất khẩu của các mặt hàng được sử dụng trong các hoạt động quân sự của Israel tại Gaza.

Ông cho biết đã nhận được một bản đánh giá kết luận có "nguy cơ rõ ràng" rằng một lượng xuất khẩu quân sự có thể "được sử dụng để thực hiện hoặc tạo điều kiện cho việc vi phạm nghiêm trọng luật nhân đạo quốc tế".

Ông cũng nhấn mạnh rằng "Anh tiếp tục ủng hộ quyền tự vệ của Israel theo luật pháp quốc tế".

Giấy phép xuất khẩu của Anh bao gồm các linh kiện cho máy bay quân sự (máy bay chiến đấu, trực thăng và máy bay không người lái - drone) cũng như các thiết bị hỗ trợ định vụ mục tiêu mặt đất.

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã lên án quyết định của Anh là "đáng xấu hổ" và "sai lầm".

Ông Netanyahu tiếp tục khẳng định Israel đang theo đuổi một cuộc chiến công bằng qua các phương thức hợp pháp, đồng thời cảnh báo rằng các lệnh cấm vũ khí này sẽ khiến Hamas trở nên táo tợn hơn.

Ngành công nghiệp quốc phòng của Israel

israel5

Công ty Elbit Systems của Israel đã phát triển máy bay không người lái Hermes 450, hiện đang được sử dụng tại Gaza.

Với sự hỗ trợ của Mỹ, Israel đã xây dựng ngành công nghiệp quốc phòng của riêng mình, tập trung chủ yếu vào các sản phẩm công nghệ cao thay vì thiết bị quân sự cỡ lớn, và hiện đứng thứ chín thế giới về xuất khẩu vũ khí.

Theo SIPRI, Israel chiếm 2,3% thị phần xuất khẩu toàn cầu trong giai đoạn 2019-2023, với ba khách hàng chính là Ấn Độ (37%), Philippines (12%) và Mỹ (8,7%).

Theo Bộ Quốc phòng Israel, xuất khẩu quốc phòng của Israel đạt hơn 13 tỷ USD vào năm 2023.

Trong đó, hệ thống phòng không chiếm 36%, rồi tới hệ thống radar và tác chiến điện tử (11%), hệ thống phóng và bắn (11%), máy bay không người lái (drone) và hệ thống điện tử hàng không (9%).

Vào tháng 9/2023, ngay trước khi cuộc chiến ở Gaza bắt đầu, Đức đã đồng ý một thỏa thuận trị giá 3,5 tỷ USD với Israel để mua hệ thống phòng thủ tên lửa Arrow 3 có khả năng đánh chặn tên lửa đạn đạo tầm xa.

Đây là thỏa thuận quốc phòng lớn nhất từ trước đến nay của Israel và phải được Mỹ phê duyệt vì hệ thống Arrow 3 là sản phẩm phát triển chung giữa hai nước.

Kho vũ khí quân sự của Mỹ ở Israel

israel6

Có thông tin là Washington cho phép Tel Aviv lấy đạn pháo từ kho dự trữ của Mỹ tại Israel

Mỹ có một kho vũ khí lớn ở Israel, được thiết lập vào năm 1984 nhằm chuẩn bị sẵn nguồn cung cho quân đội Mỹ trong trường hợp nổ ra xung đột khu vực và giúp Israel có thể tiếp cận một lượng vũ khí nhanh chóng trong tình huống khẩn cấp.

Sau khi Nga bắt đầu chiến dịch xâm lược toàn diện vào Ukraine, Lầu Năm Góc đã vận chuyển khoảng 300.000 quả đạn pháo 155mm từ Kho dự trữ Vũ khí Chiến tranh tại Israel tới Ukraine.

Có thông tin là Israel cũng đã nhận đạn dược từ kho vũ khí này kể từ khi cuộc chiến ở Gaza nổ ra.

David Gritten

Nguồn : BBC, 05/09/2024

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: David Gritten
Read 123 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)