Từ chuyện của Chu Ngọc Quang Vinh, nghĩ về hàm ân và vô ơn
Trân Văn, VOA, 06/09/2024
Câu chuyện Chu Ngọc Quang Vinh – 17 tuổi, học sinh lớp 12 trường Trung học phổ thông Nguyễn Tất Thành ở Yên Bái – tâm sự với một nhóm bạn bè đồng môn rằng việc tiếp xúc với bên ngoài khiến cậu dần dần nhận ra "những gì mình được học ở trường bấy lâu nay không hoàn toàn là sự thật, chỉ biết lừa gạt dân" và khiến cậu muốn "sau này được sống ở nước ngoài" đã tạo ra một trận bão dư luận ngay trong dịp Quốc khánh Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Chu Ngọc Quang Vinh, học sinh trung học ở Yên Bái, đang là nạn nhân của dư luận và hệ thống chính trị tại Việt Nam sau bài viết chỉ chia sẻ cho một nhóm nhỏ các bạn của mình.
Sau khi tâm sự của Vinh được một người bạn bày ra trên mạng xã hội, một số nhóm và một số cơ quan truyền thông đã chỉ trích Vinh kịch liệt. Có những cá nhân, những nhóm cho rằng Vinh "ích kỷ, chỉ quan tâm đến bản thân và lợi ích viển vông". Có những cá nhân, những nhóm lên án Vinh "hỗn xược, thể hiện sự vô ơn với đất nước, với đảng và với chính quê hương của mình". Có những cá nhân, những nhóm dự đoán không sớm thì muộn, cậu sẽ "quay lại cắn đồng bào" là "điển hình của tư tưởng phản động" [1].
Đáng lưu ý là ngay sau đó Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Sở Giáo dục và đào tạo và Công an của Yên Bái cùng "vào cuộc" để "xử lý vụ việc". Chu Ngọc Quang Vinh tự đóng trang riêng của cậu trên Facebook và gửi lời "xin lỗi" [2]. Công an Yên Bái kết luận Vinh đã có "những phát ngôn chưa chuẩn mực trên mạng xã hội" vì "hiểu biết còn hạn chế" [3]. Cần lưu ý, Vinh đã từng dẫn đầu các cuộc thi tuần, tháng, quý của "Đường lên đỉnh Olympia" - cuộc thi thường niên nhằm tìm kiếm học sinh có kiến thức sâu, rộng nhất !
***
Cuộc tấn công Chu Ngọc Quang Vinh trên mạng xã hội, hệ thống truyền thông chính thức và phản ứng khiến thiên hạ kinh ngạc từ phía hệ thống chính trị, hệ thống công quyền tại Việt Nam đã kích hoạt một trận bão dư luận khác theo chiều ngược lại. Bên cạnh một số người nhắn nhủ những cá nhân chỉ trích Chu Ngọc Quang Vinh như Nguyen Khoi : Các cháu đấu tố cháu trai ở Yên Bái, chửi bạn vô ơn và đề nghị trừng phạt bằng cách thu hồi giải thưởng Olympia, cấm xuất cảnh sang Úc du học khiến chú ngạc nhiên... Chú cứ tưởng với Hồng vệ binh thì cách trừng phạt đúng đắn là trục xuất khỏi đất nước chứ. Hoá ra trong sâu thẳm tâm hồn các cháu, giữ lại trong nước, không cho đến Úc mới là sự trừng phạt ghê gớm nhất. Các cháu không nhận ra việc coi đó là sự trừng phạt đồng nghĩa với việc các cháu đồng tình với phát ngôn của bạn ở Yên Bái [4] – có rất nhiều người tham gia luận bàn về "biết ơn" và phương thức giáo dục để thế hệ trẻ thực sự trưởng thành.
Chẳng hạn như Xuân Sơn Võ : Sinh ra và lớn lên trong chế độ xã hội chủ nghĩa, đi học trong những ngôi trường xã hội chủ nghĩa, tôi được dạy phải biết ơn nhiều người, nhiều thứ. Tuy nhiên, ảnh hưởng giáo dục lớn nhất của tôi lại là từ gia đình. Ba mẹ tôi dạy tôi cần phải biết ơn cha mẹ, thầy cô, và những người đã thực tâm giúp đỡ mình trong cuộc sống. Lớn lên, được ra nước ngoài học tập, thâm nhập môt phần vào cuộc sống các nước, kể cả Đông Âu, Tây Âu, Mỹ… tôi lại nhìn thấy một khía cạnh khác về sự biết ơn. Ở những nước mà tư tưởng tiến bộ đã ăn sâu vào dân, trên bình diện quốc gia, phía phải biết ơn và bắt buộc phải thể hiện sự biết ơn của mình là chính phủ. Họ phải biết ơn người dân vì người dân đã bầu họ, cho phép họ tồn tại, đóng thuế để họ có tiền điều hành đất nước... Xuân Sơn Võ dẫn thêm vài ví dụ : Có ông nào đó nói, nghe hơi mắc cười nhưng lại có vẻ rất đúng, rằng tất cả ánh sáng trong đời ông ta là do ông ta tự trả tiền điện mà có, như vậy lẽ ra nhà đèn phải biết ơn ông ta nhưng mắc cười là có nhiều người lại bảo, ổng phải biết ơn nhà đèn vì nhà đèn đã cung cấp điện cho ổng. Thực ra, nếu công bằng, nhà đèn này cung cấp điện không hợp lý, dân sẽ chọn nhà đèn khác. Người dân sẽ quyết định trả tiền cho và nhận cung cấp điện từ nhà đèn nào họ chọn nhưng lại có nhà đèn độc quyền, không cho ai được phép cung cấp điện và đòi người trả tiền mua điện phải biết ơn họ trong khi họ độc quyền định giá, độc quyền báo lỗ, độc quyền đưa ra các kiểu tính giá bậc thang không giống ai. Ngoài ánh sáng do điện mang lại, ánh sáng mặt trời cũng là một nguồn chiếu sáng mà dù không phải trả đồng nào, chúng ta cũng phải biết mang ơn Trời song phải nói rõ một chút là mang ơn Trời - người đã ban phát cho chúng ta thứ ánh sáng mang lại sự sống chứ không phải mang ơn kẻ che cả bầu trời lại, chỉ để hé ra một cái khe, rồi bắt chúng ta mang ơn vì họ đã để một cái khe cho ánh sáng mặt trời xuyên qua đó. Cuối cùng Xuân Sơn Võ nhắc nhẹ : Trước khi đấu tố ai đó cũng cần phải có một sự hiểu biết nhất định về việc hàm ơn và cám ơn [5].
Hoặc như Thái Hạo : Trong giáo dục tiến bộ, việc khuyến tấn để học sinh nói thật suy nghĩ của mình là điều vô cùng hệ trọng, và nó được bảo vệ vì thứ nhất, đó là quyền con người, quyền công dân, thứ quyền thiêng liêng mà thế giới văn minh và cả hiến pháp của nước Việt Nam đều ghi nhận. Thứ hai, điều đó có ý nghĩa và giá trị đặc biệt trong giáo dục cũng như trong quản trị xã hội. Nếu một học sinh nói ra suy nghĩ, nhìn nhận, đánh giá...của mình và là nói đúng thì điều đó đang giúp cho nhà giáo dục củng cố/khẳng định được rằng cách thức của mình là đúng. Còn điều em học sinh kia nói ra là sai, là méo mó, là nông cạn... thì nhà giáo dục phải tự coi lại để tìm cho ra nguyên nhân, rằng nội dung, phương pháp giáo dục của mình không ổn ở đâu và phải tìm cách điều chỉnh. Đây chính là ‘bí quyết’ để mọi thứ không ngừng được hoàn thiện, thay vì bị tha hóa. Hãy hình dung, nếu học sinh không nói thật suy nghĩ của các em, cái gì cũng vâng dạ, cũng đồng ý nhưng trong bụng thì chúng mù mờ hoặc nghĩ khác, đó không những là tai họa tiềm tàng mà còn là một thiệt hại hiện tiền. Nhà giáo dục không thể biết được mình đang đúng hay đã sai và cứ thế cắm cúi giảng bài, trong khi học sinh không thu nhận được gì hoặc âm thầm phản kháng. Một chương trình giáo dục hay một chính sách xã hội được ban ra, giả sử nó đúng nhưng lại khiến học sinh và người dân phản ứng thì ít nhất chủ thể phải tự coi lại, xem khâu ‘truyền đạt’ của mình đang có vấn đề ở chỗ nào. Nếu mọi người không hiểu, không tin, không đồng ý nhưng lại đồng loạt gật đầu, thì hậu quả thế nào chắc ai cũng hình dung được. Cho nên việc nói ra suy nghĩ thật, giả sử suy nghĩ ấy là ấu trĩ chăng nữa nó cũng vẫn là một món quà cho nhà quản lý, nhà giáo dục. Câu chuyện về một phát ngôn của em học sinh lớp 12 đang ồn ào trên báo chí và mạng xã hội là câu chuyện của ngành giáo dục, chứ không phải ngành công an. Bạn sinh ra một đứa con, nuôi nấng, dạy dỗ hết lòng nhưng nó vẫn có thể không yêu bạn hoặc không hợp với bạn. Điều đó rất phổ biến và không ngạc nhiên, dù đáng buồn và có thể khiến bạn đau lòng nhưng bạn không thể vì thế mà mời công an vào ‘làm việc’ với nó. Bạn chỉ có thể làm điều đó khi nó có hành vi phạm pháp, ví dụ như bạo lực đối với cha mẹ. Còn sự yêu ghét, lòng tin hay cảm xúc cá nhân là tình cảm tự nhiên của con người. Không ai đi mời công an khi có người không thích hoặc không tin mình cả. Trên hết, nếu muốn thể hiện bản lĩnh hoặc sự yêu thương thật lòng, bạn vẫn phải đi bằng con đường của giáo dục chân chính, còn không thì phải tôn trọng những xúc cảm tự nhiên ấy.
Thái Hạo nhấn mạnh : Bao dung và tôn trọng là những phẩm chất của một xã hội văn minh. Chính nó mới nâng đỡ học sinh và con người nói chung để họ yêu quý, tin tưởng, đền đáp... bằng chính tình cảm chân thật của họ. Mọi sự cưỡng bách, nhất là cưỡng bách tình cảm và suy nghĩ của con người, đều sẽ để lại những di chứng và di hại lâu dài không những cho cá nhân mà còn cho xã hội. Tôi nghĩ, đây chính là cơ hội quý để ngành giáo dục và cộng đồng thể hiện sự văn minh ấy của mình, thay vì chứng tỏ điều ngược lại [6].
***
Cuộc đấu tố Chu Ngọc Quang Vinh cũng là lý do khiến Hong Thai Hoang ngán ngẩm nhận xét : Gái kiếm chồng tây xuất ngoại, trai kiếm vợ tây xuất ngoại, công nhân tìm đường xuất khẩu lao động, sinh viên du học tìm cách để khỏi về, giàu kiếm vé định cư, nghệ sỹ kiếm hôn nhân giả, người người nhà nhà tìm cách đi... vậy một thằng bé muốn đi nước ngoài thì có gì sai ? Về mọi mặt, nó không sai. Về mặt pháp lý, công an Yên Bái sai, xâm phạm quyền tự do ngôn luận vốn bất khả xâm phạm. Hiến pháp có quy định, đảng phải hoạt động dưới sự giám sát của dân, tuyên ngôn độc lập nói rõ về quyền mưu cầu hạnh phúc của cá nhân. Nếu cậu bé đó sai, khởi tố theo điều nào đó đi, bỏ tù về phát ngôn đó đi. Còn không, vì sao công an lại ‘làm việc’ ? Ngang ngược, lạm quyền, lộng hành là hiểu hiện của những kẻ bất tài. Vì bất tài không thu phục được lòng dân nên dùng vũ lực. Chính phủ gì lạ thế ? Một cái nồi cơm điện cũng làm cả một giáo hội lung lay ! Một lá cờ xa xưa cũng làm cả bộ chính trị lao đao ! Một câu nói của cậu bé 17 tuổi làm cả hệ thống chính trị phải vào cuộc ! Chân không vững, tâm không tĩnh, danh không chính nên sợ cả cái bóng của chính mình [7].
Trân Văn
Nguồn : VOA, 06/09/2024
Chú thích
[1] https://congthuong.vn/nam-sinh-duong-len-dinh-olympia-phat-ngon-gay-phan-no-342956.html
***************************
Học sinh, nghệ sĩ phải xin lỗi : 'Họ bị đấu tố như thời cải cách ruộng đất'
VOA, 06/09/2024
Sau khi nhiều ca sĩ ở Việt Nam đồng loạt đưa ra lời xin lỗi vì đã trình diễn trên những sân khấu được cho là không phù hợp, một nam sinh từng tham gia cuộc thi tài năng kiến thức danh giá ở trong nước cũng đã phải đưa ra lời xin lỗi sau khi chỉ trích Đảng cộng sản. Những người Việt, từ trong và ngoài nước, nói VOA rằng những nghệ sĩ và nam sinh này như bị đưa vào một hình thức "đấu tố" mới của chính quyền.
Học sinh Chu Ngọc Quang Vinh trong một cuộc thi tài năng kiến thức của Đường Lên Đỉnh Olympia (ảnh trái), người đã phải xin lỗi vì chỉ trích Đảng, và ca sĩ Tóc Tiên trên trang Facebook cá nhân với bài viết xin lỗi vì đã xuất hiện trên "sân khấu không phù hợp".
Chu Ngọc Quang Vinh, một học sinh lớp 12 ở Yên Bái từng giành chức vô địch trong một cuộc thi Đường Lên Đỉnh Olympia, đã phải làm việc với công an sau khi đăng bài trên mạng xã hội trong đó nói Đảng là một "thế lực xấu chỉ biết lừa gạt dân" nhưng sau đó đã phải đưa ra lời xin lỗi công khai rằng mình đã sai.
Trước đó không lâu, các ca sĩ – như Tóc Tiên, Phan Đinh Tùng, Myra Trần, Phạm Khánh Hưng – tự đưa ra những lời xin lỗi tới khán giả qua các tài khoản mạng xã hội sau khi xuất hiện trên những sân khấu được cho là có sự hiện diện của lá cờ Việt Nam Cộng hòa của chế độ đã bị quân Bắc Việt do Đảng lãnh đạo đánh bại. Trong những lời xin lỗi của họ, các ca sĩ này đều khẳng định họ yêu nước và tự hào là người Việt Nam cũng như không có hành động hay phát ngôn chống phá đất nước.
"Không phải ngẫu nhiên mà họ đưa ra lời xin lỗi. Có thể có một chiến dịch nào đó để đấu tố hay để lên án những nghệ sĩ này… vì họ đã biểu diễn ở nước ngoài với lá cờ vàng (Việt Nam Cộng Hòa) của người cộng đồng người Việt tự do ở hải ngoại", ông Võ Ngọc Ánh, người hiện đang sống ở tiểu bang Washington của Mỹ nói với VOA.
Những ca sĩ này bị cộng đồng trên mạng, trong đó có những người được cho là dư luận viên thuộc lực lượng tác chiến không gian mạng của chính quyền, moi ra những hình ảnh khi diễn ở hải ngoại và bị chỉ trích cũng như lên án vì xuất hiện với lá cờ vàng 3 sọc đỏ.
Theo ông Ánh, chính quyền đã tạo ra một dư luận rộng lớn trên mạng như để "rung cây dọa khỉ" và "làm cho các nghệ sĩ khác cảm thấy sợ". Ông Ánh, người đã từng sống 37 năm và viết báo ở Việt Nam, nhắc đến trường hợp của nghệ sĩ xiếc Quốc Nghiệp và ca sĩ O Sen Ngọc Mai, những người cũng phải công khai nói "rút kinh nghiệm sâu sắc" sau khi bị cộng đồng mạng chỉ ra hình ảnh của gia đình họ có lá cờ vàng khi gặp nhau ở Mỹ.
"Chắc chắn trước một áp lực lớn của chính quyền (các nghệ sĩ) mới phải làm việc xin lỗi đó vì họ làm việc xin lỗi đó họ mất rất nhiều thứ : họ mất người hâm mộ hải ngoại, họ mất đi dũng khí trước khán giả của họ", ông Ánh nói và cho rằng nếu họ không làm có thể bị ảnh hưởng đến công việc và chính gia đình họ.
VOA đã gửi yêu cầu phỏng vấn tới các nghệ sĩ Tóc Tiên, Myra Trần, Phan Đinh Tùng và Phạm Khánh Hưng nhưng chưa được hồi âm. Người đại diện cho gia đình nghệ sĩ Quốc Nghiệp và Ngọc Mai từ chối đưa ra bình luận.
"Dư luận viên, mà chính quyền không giấu diếm chuyện đó, đã kích lên rồi một bộ phận dân chúng không hiểu đã ‘lên đồng’ cùng tạo nên một cái như cuộc đấu tố, một xã hội đấu tố mà chúng ta đã gặp trong cải cách ruộng đất từ năm 1953 đến 1956 hay phong trào nhân văn (giai phẩm) cuối những năm 1950 đầu những năm 1960 của thế kỷ trước", anh Ánh nhận định.
Tương tự, anh Bùi Sơn, người đang sinh sống ở Hà Nội, cho rằng việc các ca sĩ và nam sinh Quang Vinh phải xin lỗi giống như bị "đấu tố thời cải cách ruộng đất", ý muốn nói tới sự kiện ở miền Bắc Việt Nam nhằm tiêu diệt các thành phần phản quốc và chống chính quyền để chia lại ruộng đất cho nông thôn theo mô hình của Trung Quốc.
Cùng có những nhận định như vậy, nhà báo Nguyễn Hà Hùng, trong buổi hội luận của VOA hôm 5/9 sau sự kiện nam sinh Quang Vinh phải gặp công an và sau đó đưa ra lời xin lỗi, cho rằng đây là một kiểu "đấu tố trên mạng" có sự "hậu thuẫn mạnh mẽ của báo chí nhà nước".
"Đấu tố" trên mạng "giết chết" sự khoan dung, nhường nhịn
Bài viết của Quang Vinh bị cộng đồng mạng trong nước phản ứng dữ dội, trong đó có những lời mạt sát như "vô ơn" hay phản bội đất nước". Nam sinh này sau đó gỡ bài khỏi trang cá nhân và công khai nhận mình "đã sai" cũng như "hối hận" và "mong nhận được sự tha thứ".
Luật sư Đặng Đình Mạnh, cũng trong buổi hội luận, cho rằng sự đả kích nam sinh Quang Vinh được đẩy lên "bằng cả một hệ thống chính trị rồi lực lượng dư luận viên và cả hệ thống truyền thông" của nhà nước.
Việt Nam đã thành lập Lực lượng 47 với 10.000 "chiến sĩ đấu tranh trên không gian mạng" để "phản bác các quan điểm sai trái " và Bộ Tư lệnh tác chiến không gian mạng với chức năng "bảo vệ Tổ quốc". Tổ chức Phóng viên Không Biên giới (RSF) đã từng bày tỏ lo ngại về lực lượng này khi cho rằng "đạo quân dư luận viên" của nhà nước được tạo ra để tấn công những tiếng nói bất đồng. Chính quyền cũng đã yêu cầu báo chí do nhà nước quản lý phải phản bác các thông tin mà họ cho là sai trái trên mạng xã hội.
Nhà báo Hà Hùng, hiện đang sinh sống ở Đức, cho rằng đây là "cuộc đấu tố có thể nói là có cường độ lớn nhất từ sau Cải cách Ruộng đất" khi dư luận viên của chính phủ "reo rắc sự nghi kỵ… đánh tráo khái niệm yêu nước thì phải yêu đảng" tương tự như trong Cải cách Ruộng đất khi "chính quyền cưỡng bức người dân đấu tố chính cha mẹ anh chị em mình".
Cũng đưa ra ý kiến trong buổi hội luận của VOA, kỹ sư Nguyễn Đại Ngữ nhận định từ Mỹ rằng đây là "hình thức đấu tố mới của thế kỷ 21".
"Em Quang Vinh, một học sinh có tài năng, phải đối diện với pháp luật và đối diện với những phản ứng quyết liệt từ những thành phần đấu tố trong thế hệ mới vì chỉ phát biểu ý kiến cá nhân của mình", ông Ngữ nói và cho rằng việc xin lỗi công khai được Nhà nước sử dụng một cách triệt để đối với những người có quan điểm đối lập với Đảng và Nhà nước.
Ông Ngữ cho rằng việc này đặt ra câu hỏi về tự do ngôn luận, đặc biệt cho giới trẻ, rằng liệu Nhà nước và Đảng có thực sự đang tôn trọng Hiến pháp mà họ ban hành hay không khi mà điều 25 của Hiến pháp cho phép tự do ngôn luận.
Theo Luật sư Mạnh, bên cạnh việc nam sinh Quang Vinh bị nhắm làm "mục tiêu tấn công", việc "đấu tố kịch liệt giới nghệ sĩ khi họ biểu diễn lỡ dính hình ảnh lá cờ vàng trong chương trình của họ" hay việc "dư luận viên và cả một kênh Truyền hình Quốc phòng vào tấn công trường Đại học Fulbright khi mà trường này trong một buổi lễ tốt nghiệp không có là cờ đỏ quốc kỳ mà có lá cờ ghi dòng chữ ‘Không sợ hãi’" cho thấy "sự tấn công vào những lực lượng khác nhau trong xã hội một cách hết sự khốc liệt".
Blogger Kim Văn Chính, hiện đang sống trong nước, khi được hỏi liệu học sinh có nên được tự do bày tỏ quan điểm của mình và các nghệ sĩ được biểu diễn ở mọi nơi mà không sợ bị cho là không phù hợp hay không, nói rằng "ở Việt Nam có một số chủ đề cấm kị dù luật pháp không hẳn cấm" và "ai là công dân Việt Nam muốn sống yên lành cần hiểu điều đó và chấp hành tốt". Ông đưa ra ví dụ như nói xấu Hồ Chí Minh hay công kích Đảng.
"Ở Việt Nam coi trọng mục tiêu ổn định có khi hơn cả mục tiêu phát triển", ông Chính nói khi được hỏi điều này sẽ ảnh hưởng thế nào đến sự phát triển khảng năng và sức sáng tạo của người dân cũng như sự phát triển của đất nước.
Còn anh Sơn cho rằng "một xã hội dân chủ thì người dân phải được quyền tự do ngôn luận, kể cả ngôn luận đó là chỉ trích đảng cầm quyền hay chính phủ".
"Học sinh phải có quyền bày tỏ suy nghĩ, chính kiến và chúng ta cần lắng nghe tôn trọng ý kiến đó thay vì đàn áp, dọa nạt", anh Sơn nói. "Nghệ sĩ có quyền biểu diễn ở mọi sân khấu trong và ngoài nước miễn sao nó phù hợp với thuần phong mỹ tục và luật pháp hiện hành".
Anh Sơn, một người thường đưa ra những phản biện xã hội trên mạng, tin rằng "khi tư tưởng bị nhốt chặt vào trong cái lồng chính trị sẽ không thể có ý tưởng đột phá và không tạo ra sự thay đổi, cải cách".
Cùng nhận định, anh Ánh cho rằng muốn để Việt Nam phát triển bền vững hãy để người dân tự do, đừng kìm hãm họ bắt đầu từ về vấn đề giáo dục rồi sau đó cở mở về chính trị thì người ta sẽ có những bứt phá để phát triển trong các lĩnh vực khác mà nói như ngôn ngữ giáo dục trong nước, để Việt Nam 'sánh vai với các cường quốc năm châu'".
Nguồn : VOA, 06/09/2024
************************
Nghĩ về tự do tư tưởng và quyền biểu đạt ở Việt Nam
Vũ Đức Khanh, VOA, 03/09/2024
Từ câu chuyện một học sinh Lớp 12, nghĩ về tự do tư tưởng và quyền biểu đạt ở Việt Nam
Ngày 1/9, trang Facebook "Chu Vinh", được cho là của học sinh Chu Ngọc Quang Vinh, 18 tuổi, học sinh trường trung học Nguyễn Tất Thành, Yên Bái, có bài viết cho một nhóm người đọc, trong đó có đoạn : "Cuối cấp hai là lúc tôi tiếp cận với văn hóa Phương Tây một cách cao trào nhất. Dần dần tôi phát hiện ra những gì mình được học ở trường bấy lâu nay không hoàn toàn là sự thật. Tôi coi đảng [cộng sản Việt Nam] như một thế lực xấu chỉ biết lừa gạt dân và tôi tìm mọi cách để sau này được sống ở nước ngoài". Chu Ngọc Quang Vinh, người từng mang vinh quang về cho tỉnh Yên Bái, khi giành ngôi vô địch trong một cuộc thi của chương trình "Đường Lên Đỉnh Olympia" hồi năm 2023, đã bị công an triệu tập vì bài viết trên Facebook, và đã gỡ bài viết, đồng thời đăng lời xin lỗi trên trang cá nhân. Bài viết nguyên thủy của Quang Vinh là đối tượng của hai khuynh hướng ý kiến trái chiều, một bên là phê bình, chỉ trích ; một bên là bảo vệ quyền phát biểu ý kiến của cá nhân. Bài viết dưới đây của Luật sư Vũ Đức Khanh, từ Canada.
Chu Ngọc Quang Vinh, người từng mang vinh quang về cho tỉnh Yên Bái, khi giành ngôi vô địch trong một cuộc thi của chương trình "Đường Lên Đỉnh Olympia" hồi năm 2023
***
Sự kiện gần đây liên quan đến một học sinh lớp 12 ở Yên Bái, Chu Ngọc Quang Vinh, làm dấy lên nhiều ý kiến trái chiều về quyền tự do tư tưởng và biểu đạt tại Việt Nam.
Câu chuyện bắt đầu khi học sinh này, người từng đoạt giải nhất cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia 2023, hôm 2/9 nhân dịp lễ Quốc khánh Việt Nam, đã chia sẻ những suy nghĩ cá nhân về mối tương quan giữa Đảng cộng sản Việt Nam và cuộc sống của cá nhân mình trên Facebook.
Những dòng cảm xúc này nhanh chóng thu hút sự chú ý của dư luận, với nhiều phản ứng khác nhau, từ sự ủng hộ cho đến những lời chỉ trích gay gắt. Điều đáng lo ngại là chính quyền và một phần không nhỏ trong xã hội đã lên án hành động này, thậm chí còn điều tra và gây áp lực để "định hướng lại tư tưởng" của cậu.
Tự do tư tưởng, tự do ngôn luận và tự do biểu đạt là những quyền cơ bản của con người, đã được công pháp quốc tế công nhận rộng rãi. Việt Nam không phải là ngoại lệ, khi Hiến pháp năm 2013 đã long trọng ghi nhận những quyền này. Tuy nhiên, vẫn tồn tại khoảng cách lớn giữa lý thuyết và thực tế. Những sự kiện như trường hợp của Quang Vinh nhắc nhở chúng ta rằng những quyền cơ bản này không nên chỉ tồn tại trên giấy mà phải được thực hiện và bảo vệ trong đời sống hàng ngày của mỗi công dân.
Thời Kỳ Khai Sáng, thời kỳ đã có một câu nói nổi tiếng được tin là của Voltaire, một đại văn hào, triết gia vĩ đại : "Tôi có thể không đồng ý với những gì bạn nói, nhưng tôi sẽ bảo vệ đến cùng quyền được nói của bạn". Câu nói này vẫn còn nguyên giá trị trong bối cảnh hiện nay. Quyền tự do ngôn luận không chỉ là quyền của riêng cá nhân nào mà là quyền của toàn thể xã hội, và sự bảo vệ quyền này là nhiệm vụ của cả cộng đồng.
Trong trường hợp của Quang Vinh, điều cần được nhấn mạnh không phải là nội dung phát biểu của cậu ấy đúng hay sai, mà là quyền được biểu đạt ý kiến của cậu ấy một cách ôn hòa và tôn trọng. Xã hội không nên vội vã quy chụp hay lên án, mà nên lắng nghe và đối thoại với tinh thần cởi mở và cầu thị. Sự khác biệt trong tư duy và quan điểm là điều tự nhiên và cần thiết cho sự phát triển của bất kỳ xã hội nào.
Nếu chúng ta nhìn lại lịch sử, chính sách "Đổi Mới" cách đây 38 năm đã gặp phải không ít sự phản đối và hoài nghi. Tuy nhiên, với thời gian, hầu hết chúng ta đều nhận ra rằng đó là một quyết định đúng đắn, giúp đất nước tiến lên trên con đường phát triển. Vậy thì tại sao hôm nay, chúng ta không thể có cùng tinh thần cầu tiến để xem xét và thảo luận về những thay đổi cần thiết trong tư duy chính trị và xã hội ?
Đất nước ta đang đứng trước những thách thức và cơ hội mới, đòi hỏi một sự "Đổi Mới" lần hai – một sự đổi mới trong tư duy về thể chế chính trị. Giới trẻ Việt Nam, với tinh thần sáng tạo và khát khao đổi thay, đang đặt ra những câu hỏi quan trọng về tương lai của đất nước. Thay vì áp đặt quan điểm của mình lên thế hệ trẻ, chúng ta nên lắng nghe và đồng hành cùng họ trong việc tìm ra những giải pháp tốt nhất cho đất nước.
Cuối cùng, xã hội chúng ta cần phát triển một tinh thần khoan dung, chấp nhận sự khác biệt và cùng nhau xây dựng một Việt Nam tự do, dân chủ và thịnh vượng. Đó là cách tốt nhất để tôn trọng những giá trị cơ bản của con người và đảm bảo rằng quyền tự do tư tưởng, tự do ngôn luận và tự do biểu đạt không chỉ là những lời nói sáo rỗng, mà thực sự trở thành nền tảng vững chắc cho sự phát triển của đất nước.
Chúng ta cần phải hiểu rằng, việc bảo vệ những quyền này không chỉ là trách nhiệm của riêng cá nhân nào, mà là trách nhiệm của toàn thể cộng đồng. Chính quyền, xã hội, và mỗi cá nhân cần cùng nhau tạo nên một môi trường nơi mọi ý kiến đều được tôn trọng và lắng nghe. Chỉ có như vậy, chúng ta mới thực sự xây dựng được một xã hội tự do, công bằng và nhân ái, nơi mọi người đều có quyền sống, làm việc và biểu đạt ý kiến của mình mà không sợ bị đàn áp hay trừng phạt.
Vũ Đức Khanh là luật sư và giáo sư luật bán thời gian tại Đại học Ottawa, chuyên nghiên cứu về chính trị Việt Nam, quan hệ quốc tế và luật pháp quốc tế.
***
Nguyên văn bài viết trên Facebook ngày 1 tháng Chín của Chu Ngọc Quang Vinh
Tôi và Đảng
Cuối cấp 2 là lúc tôi tiếp cận với văn hóa phương Tây một cách cao trào nhất. Dần dần tôi phát hiện ra những gì mình được học ở trường bấy lâu này không hoàn toàn là sự thật. Tôi coi Đảng như một thế lực xấu chỉ biết lừa gạt dân và tôi tìm mọi cách để sau này được sống ở nước ngoài.
Rồi tôi ôn Olympia để "sống ở nước ngoài" và dù muốn hay không thì vẫn phải học lịch sử theo góc nhìn của Đảng. Rồi tôi được Đảng ban tặng nhiều thứ vì thành tích của mình, nên dần nhìn Đảng một cách thuần hơn.
Và đến lúc giấc mộng O[lympia] của tôi cũng phải chấm dứt, tôi không biết làm gì tiếp theo, nhưng nhìn lại những gì tôi có ở đây, tôi nghĩ ở Việt Nam không tệ. Tôi sẽ kệ Đảng và tập trung vào tôi.
Và giờ tôi lại muốn rời Việt Nam. Chắc là tôi sẽ không bao giờ nhìn Đảng một cách tích cực được nữa, dù tôi đã từng cố để ít nhất là "kệ" Đảng. Người dân ở đất nước tôi sinh ra chọn status quo, nên thôi, mình không ủng hộ thì mình đi.
Anyway, mai là Quốc khánh, chúc nước Việt Nam dù dưới chế độ nào cũng ngày càng phát triển về mọi mặt, vì quê hương của tôi mãi là Việt Nam.
Vũ Đức Khanh
Nguồn : VOA, 03/09/2024