Ông Tô Lâm, tổng bí thư, chủ tịch nước Việt Nam hiện nay, là người triển khai chiến dịch "đốt lò" của cố tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng. Chiến dịch dữ dội dường như khiến nước láng giềng Trung Quốc lo ngại về những "biến động chính trị chưa từng có ở Việt Nam". Việc một quan chức thuộc bộ Công An, không giàu kinh nghiệm đối ngoại, nắm giữ hai chức vụ cao nhất trên thượng tầng lãnh đạo cũng khiến Bắc Kinh không khỏi bồn chồn về đường lối "ngoại giao cây tre".
Tổng bí thư, chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình chủ trì lễ đón chính thức đồng nhiệm Việt Nam Tô Lâm nhân chuyến thăm cấp Nhà nước tại Đại Lễ đường Nhân Dân, Bắc Kinh, Trung Quốc, ngày 19/08/2024. AP - Andres Martinez Casares
Tuy nhiên, khoảng hai tuần sau khi được bầu làm tổng bí thư đảng cộng sản Việt Nam, ông Tô Lâm dành chuyến công du nước ngoài đầu tiên đến Trung Quốc, trấn an rằng Hà Nội "luôn coi trọng và ưu tiên" quan hệ với Bắc Kinh.
Chuyến công du cấp nhà nước của ông Tô Lâm còn có ý nghĩa như nào trong quan hệ ngoại giao giữa hai nước ? Trung Quốc trông đợi gì vào các nhà lãnh đạo Việt Nam ?
RFI tiếng Việt đặt câu hỏi với nhà nghiên cứu Laurent Gédéon, giảng viên trường Sư phạm Lyon (École normale supérieure de Lyon), Pháp.
RFI : Khoảng hai tuần sau khi được bầu làm tổng bí thứ đảng cộng sản Việt Nam, ông Tô Lâm dành chuyến công du nước ngoài đầu tiên đến Trung Quốc. Liệu đây có phải là tín hiệu trấn an đến Bắc Kinh dù Hà Nội tăng cường mối liên hệ với Washington và nhiều nước đồng minh khác của Mỹ ?
Laurent Gédéon : Tôi nghĩ đây quả thực là một tín hiệu tích cực gửi đến Bắc Kinh. Theo tôi, có 5 yếu tố cho thấy điều này.
Thứ nhất, chuyến thăm cấp Nhà nước của ông Tô Lâm tại Trung Quốc từ ngày 18 đến 20/08/2024 nằm trong khuôn khổ tiếp nối chính sách về Trung Quốc được người tiền nhiệm Nguyễn Phú Trọng gây dựng. Ông Trọng đã công du Trung Quốc tháng 10/2022.
Thứ hai, chuyến thăm này còn có ý nghĩa biểu tượng mạnh mẽ. Trước tiên, ông Tô Lâm là nhà lãnh đạo đầu tiên của Việt Nam, từ thời Hồ Chí Minh, đến Trung Quốc với tư cách vừa là chủ tịch nước vừa là tổng bí thư đảng cộng sản Việt Nam. Tiếp theo, lễ đón tiếp long trọng ông Tô Lâm đã cho thấy chính quyền Trung Quốc coi trọng sự kiện này như thế nào (21 phát đại bác được bắn để chào mừng ông Lâm, đích thân ngoại trưởng Vương Nghị đón ông ở sân bay). Cuối cùng, năm 2024-2025 mang đầy ý nghĩa biểu tượng mạnh vì năm 2024 kỷ niệm tròn 100 năm chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm Quảng Đông và năm 2025 sẽ đánh dấu 75 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Trung Quốc, cũng như kỷ niệm 95 năm ngày thành lập đảng cộng sản Việt Nam.
Thứ ba, phải nhắc đến những phát biểu mạnh mẽ từ cả hai phía nhấn mạnh đến quan hệ mật thiết Việt-Trung. Chủ tịch Tập Cận Bình nhắc đến sự hình thành một "cộng đồng chung vận mệnh có tầm quan trọng chiến lược giữa Trung Quốc và việt Nam" và nói thêm rằng Bắc Kinh "luôn coi Việt Nam là hướng ưu tiên trong ngoại giao láng giềng". Còn ông Tô Lâm trấn an người đồng cấp Trung Quốc rằng đảng và đất nước Việt Nam "luôn coi sự phát triển mối quan hệ với Trung Quốc là ưu tiên tuyệt đối trong chính sách đối ngoại".
Thứ tư là có mối quan hệ chặt chẽ về ý thức hệ giữa hai chế độ. Điểm này được xác nhận trong tuyên bố chung ngày 20/08 nhấn mạnh rằng "hai nước cam kết tăng cường trao đổi thông tin và chia sẻ kinh nghiệm về mặt chống can thiệp, chống ly khai, phòng chống "cách mạng màu", cùng bảo vệ an ninh chính trị và an toàn cho chế độ (…)". Cũng như "hai bên đề cao trao đổi và hợp tác trong lĩnh vực nhân quyền dựa trên công bằng và tôn trọng lẫn nhau, phản đối mạnh mẽ "chính trị hóa", "công cụ hóa" và tiêu chuẩn kép trong vấn đề nhân quyền, đồng thời kiên quyết phản đối việc lợi dụng vấn đề nhân quyền để can thiệp vào công việc nội bộ của nước khác".
Thứ năm là có sự hòa hoãn tương đối ở cấp độ quân sự. Tuyên bố chung nhấn mạnh : "Hai bên khẳng định hợp tác quốc phòng - an ninh là một trong những trụ cột của quan hệ Việt-Trung ; nhất trí tăng cường hợp tác quốc phòng - an ninh ; tăng cường giao lưu các cấp giữa quân đội hai nước ; làm sâu sắc giao lưu biên phòng, hải quân, cảnh sát biển".
RFI : Nhìn rộng hơn, những yếu tố tích cực đó diễn ra trong bối cảnh như thế nào ?
Laurent Gédéon : Khía cạnh tích cực đó diễn ra trong bối cảnh chung, được đánh dấu bởi ba hạn chế quan trọng đối với Việt Nam.
Hạn chế thứ nhất là kinh tế. Nổi bật trong tình hình hiện nay là sự phụ thuộc ngày càng lớn từ một thập niên qua của nền kinh tế Việt Nam vào Trung Quốc. Đa số các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam đến từ Trung Quốc bởi vì các doanh nghiệp Trung Quốc chuyển dịch sản xuất để tránh thuế quan của Mỹ. Khối lượng nhập khẩu có nguồn gốc Trung Quốc đã tăng từ gần 30 tỉ đô la vào năm 2013 lên thành 110 tỉ đô la vào năm 2023 trong khi xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc tăng từ 15 tỉ lên thành 60 tỉ trong cùng thời điểm.
Yếu tố thứ hai là những bất trắc liên quan đến Hoa Kỳ. Trước những bất trắc về cuộc bầu cử tổng thống Mỹ sắp tới, Hà Nội phải cân nhắc cách hợp tác về kinh tế và quân sự với Donald Trump hoặc Kamala Harris năm 2025. Thêm vào đó là việc xích lại gần với Mỹ luôn được đặt trong điều kiện cơ bản của Việt Nam là bảo toàn chế độ cộng sản. Đây là một điểm khiến Hà Nội xích lại gần Bắc Kinh. Tuy nhiên một bộ phận trong giới chính trị Mỹ lại rất nhạy cảm về những vấn đề liên quan đến nhân quyền, các quyền tự do cá nhân, cho nên tỏ ra nghi ngờ về chính sách tăng cường hợp tác an ninh đang được triển khai với Việt Nam. Sự ngờ vực tiềm ẩn này cản trở sự xích lại gần nhau giữa hai nước.
Yếu tố thứ ba là sự bó buộc về địa lý. Có chung 1.400 km đường biên giới trên bộ với Trung Quốc, Việt Nam phải tính đến sự gần gũi về mặt địa lý này và điều này cũng tiềm ẩn việc Trung Quốc luôn có khả năng gây áp lực đối với Việt Nam.
RFI : Ngoài ra, liệu chuyến thăm cũng là cách để trấn an Bắc Kinh về sự ổn định chính trị sau khi đảng cộng sản Việt Nam có lãnh đạo mới và hàng loạt xáo trộn trong chính phủ do chiến dịch chống tham nhũng ?
Laurent Gédéon : Đây là một giả thuyết không thể loại trừ. Bắc Kinh bận tâm rõ ràng đến việc Việt Nam và Mỹ sưởi ấm mối quan hệ, cũng như cuộc chống tham được tiến hành dưới thời tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng. Chiến dịch này đã khiến 7 thành viên trên tổng số 18 ủy viên Bộ Chính Trị năm 2021 bị khai trừ và hai người tiền nhiệm của chủ tịch nước Tô Lâm bị cách chức, đó là ông Nguyễn Xuân Phúc và Võ Văn Thưởng.
Chiến dịch chống tham nhũng này cũng gây ra nhiều quan ngại về khả năng một cuộc khủng hoảng kế thừa quyền lực, cũng như gia tăng bất ổn thường trực. Trung Quốc dè chừng một nước Việt Nam bất ổn ngay sát biên giới sẽ có thể trở thành cửa ngõ cho các thế lực có khả năng thù nghịch với Bắc Kinh.
Tình hình hiện này dường như đã được ổn định. Hiện giờ Bộ Chính Trị có 16 thành viên, trong đó có 5 người đến từ bộ Công An và 3 người thuộc Quân đội. Sự phân chia này cho thấy rõ là trọng tâm giờ đây được tập trung vào việc kiểm soát xã hội và an ninh. Thông qua đó cũng có thể thấy một thông điệp nhằm trấn an các đối tác về sự ổn định chính trị trong tương lai của đất nước.
Tuy nhiên, dù chiến dịch chống tham nhũng có vẻ đã đạt được mục đích là củng cố quyền lực của ông Tô Lâm nhưng vẫn phải tính đến khả năng các bên đối lập trong nội bộ đảng hợp lực lại để phản đối việc xác nhận ông Lâm làm người kế nhiệm ông Trọng trong đại hội đảng cộng sản lần thứ 14 sẽ diễn ra vào năm 2026. Do đó, giai đoạn tiếp theo này chắc chắn sẽ được Bắc Kinh đặc biệt chú ý.
RFI : Trung Quốc trông đợi những gì vào các nhà lãnh đạo mới của Việt Nam ?
Laurent Gédéon : Tôi nghĩ trước tiên phải nói một chút về tổng quan tình hình địa-chính trị chung của Trung Quốc bối cảnh chính trị tế nhị trên thế giới hiện nay. Bắc Kinh chọn xích lại gần với một loạt quốc gia, kể cả Nga. Mục đích là để lật lại trật tự thế giới có từ thời Thế Chiến II mà họ coi là do phương Tây chiếm lĩnh. Hơn nữa, ý định xem xét lại trật tự vốn có đó đã được Bắc Kinh tái khẳng định nhiều lần, như trong chuyến thăm chính thức Trunng Quốc của tổng thống Nga Vladimir Putin vào tháng 05/2024.
Lập trường này của Trung Quốc lại vấp phải sức ép ngày càng lớn từ Hoa Kỳ và các nước đồng minh ở Châu Á, trong đó có Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan và Philippines. Thêm vào đó phải kể đến tranh luận hiện tại về việc mở rộng khối NATO sang Đông Á và vùng Thái Bình Dương. Điều này cho thấy sự thay đổi về tầm nhìn chiến lược của Mỹ dường như ngày càng coi Trung Quốc và Nga là một khối đồng nhất và cần phải có cách đáp trả toàn diện.
Trên thực địa, sức ép của Mỹ ngày càng gia tăng từ nhiều tháng qua, thông qua các cuộc tập trận chung Mỹ-Hàn Quốc-Nhật Bản, một chính sách mang tính chủ động hơn của Philippines hoặc sự ủng hộ ngày càng rõ ràng của Washington đối với Đài Loan. Trong bối cảnh đó, điều quan trọng đối với các nhà lãnh đạo Trung Quốc là không muốn thấy bùng thêm một điểm căng thẳng mới có thể tạo điều kiện cho Mỹ can thiệp vào khu vực.
Chính vì thế Bắc Kinh coi trọng việc củng cố quan hệ chính trị và chiến lược với Hà Nội, phát triển mối liên hệ hài hòa với nước láng giềng. Trông đợi này của Trung Quốc dường như gặp được phản hồi tích cực từ Hà Nội thông qua hàng loạt cử chỉ thiện chí. Đối với Trung Quốc, việc Việt Nam duy trì chính sách cân bằng ngoại giao giữa các cường quốc chắc chắn là giải pháp tốt nhất. Và đây là việc mà Việt Nam tiến hành vì là nước duy nhất đón nguyên thủ của cả ba cường quốc quân sự Trung Quốc, Hoa Kỳ và Nga chỉ trong một năm.
Ngoài ra, chính sách "Bốn Không" được nêu rõ trong Sách trắng Quốc phòng 2019 (không tham gia liên minh quân sự ; không liên kết với nước này để chống nước kia ; không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự hoặc sử dụng lãnh thổ để chống lại nước khác ; không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế) đảm bảo chắc chắn với Trung Quốc rằng Việt Nam sẽ không phải là bên tham gia vào một cuộc xung đột, ví dụ có thể là giữa Trung Quốc và Philippines hoặc thậm chí là giữa Trung Quốc và Nhật Bản hay Trung Quốc và Mỹ.
RFI : RFI tiếng Việt xin chân thành cảm ơn nhà nghiên cứu Laurent Gédéon, giảng viên trường Sư phạm Lyon (École normale supérieure de Lyon), Pháp.
Thu Hằng thực hiện
Nguồn : RFI, 09/09/2024