Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

24/09/2024

Gặp Biden, ông Tô Lâm sẽ nói gì ?

Nhiều tác giả

Ông Tô Lâm gặp ông Joe Biden : Đâu là những điểm nhấn đáng chú ý ?

BBC, 23/09/2024

Tổng bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm dự kiến sẽ có cuộc gặp với Tổng thống Mỹ Joe Biden vào ngày 25/9 (giờ Mỹ), Reuters dẫn thông tin từ Nhà Trắng.

biden0

Tổng bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm phát biểu tại Hội nghị Thượng đỉnh Tương lai, Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc khóa 79

Cuộc gặp giữa ông Tô Lâm và ông Biden, dự kiến sẽ diễn ra bên lề Đại hội đồng Liên Hợp Quốc, diễn ra không lâu sau dịp kỷ niệm một năm Quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện giữa Việt Nam và Mỹ vào ngày 10/9.

Trả lời BBC News tiếng Việt vào ngày 23/9, Giáo sư Carl Thayer, nhà quan sát chính trị Việt Nam lâu năm tại Đại học New South Wales (Úc), cho rằng đây sẽ là một cuộc gặp quan trọng.

"Cuộc gặp này thể hiện sự coi trọng lẫn nhau mà mỗi nhà lãnh đạo dành cho mối quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện vừa mới được thiết lập. Tổng thống Biden đang ra hiệu rằng Việt Nam là một đối tác kinh tế và ngoại giao quan trọng tại khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương".

Ông Thayer cũng cho rằng sự kiện này sẽ "giúp nâng cao vị thế trong nước của ông Tô Lâm, với tư cách là người kế nhiệm ông Nguyễn Phú Trọng".

Trước cuộc gặp với ông Biden, ông Tô Lâm, trên cương vị chủ tịch nước, đã có cuộc hội đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin hồi tháng Sáu khi ông Putin thăm cấp nhà nước tới Việt Nam.

Ông cũng đã hội đàm với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong chuyến thăm cấp nhà nước tới Trung Quốc vào tháng Tám.

Việc gặp đủ lãnh đạo Mỹ, Trung Quốc và Nga – ba cường quốc có mối quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện với Việt Nam – là một thành tích đáng kể của ông Tô Lâm, theo đánh giá của Giáo sư Carl Thayer.

"Cuộc gặp sẽ giúp [các nhà lãnh đạo thế giới] gác lại những hoài nghi về sự thay đổi lãnh đạo gần đây, như việc ra đi của hàng loạt ủy viên Bộ Chính trị", ông Thayer nói.

Tuy nhiên, các nhà quan sát cho rằng thời gian chưa đủ dài để đánh giá năng lực lãnh đạo của ông Tô Lâm trên cương vị lãnh đạo cao nhất. Do đó, diễn biến và kết quả cuộc gặp giữa ông Tô Lâm và ông Biden rất được chú ý.

Liên quan tới chuyến công tác tại Mỹ của ông Tô Lâm, ngày 23/9, báo Tuổi Trẻ Online đã đăng tải bài viết của Đại sứ Bùi Thế Giang (cựu Vụ trưởng Vụ Tây Âu - Bắc Mỹ, Ban Đối ngoại Trung ương Đảng) về chuyến đi Mỹ của ông Tô Lâm, trong đó có đoạn :

"Mặc dù chưa phải là chuyến thăm Mỹ chính thức, nhưng các cuộc gặp gỡ, trao đổi và tiếp xúc của Tổng bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm với lãnh đạo và các đối tác Mỹ sẽ góp phần quan trọng khẳng định lại đường lối đối ngoại nhất quán của Việt Nam, bao gồm ưu tiên quan hệ với các nước láng giềng và các nước lớn".

Bàn chuyện gì ?

Ông Joe Biden sẽ rời nhiệm sở vào tháng 1/2025, tức chỉ khoảng bốn tháng nữa. Do đó, một trong những yếu tố được cho là sẽ được ông Tô Lâm và ông Biden bàn tới là chính sách ngoại giao tới đây của Mỹ đối với Việt Nam.

Theo ông Thayer, ông Biden là động lực chính trong việc tạo ra những chính sách của Mỹ liên quan tới việc cải thiện quan hệ với Việt Nam.

"Những chính sách này nhận được sự ủng hộ rộng rãi từ quan chức cấp cao về an ninh quốc gia của Mỹ. Tổng thống Biden sẽ đảm bảo với ông Tô Lâm về việc Mỹ tiếp tục ủng hộ Việt Nam".

"Cuộc gặp giữa ông Biden và Tô Lâm không phải là một cuộc họp chính thức và thời gian sẽ có hạn. Hai nhà lãnh đạo có thể [tái] khẳng định rằng đất nước của họ sẽ tiếp tục hỗ trợ tất cả các cam kết đã được đưa ra trong khuôn khổ Đối tác Chiến lược Toàn diện, đặc biệt là trong lĩnh vực khoa học và công nghệ", ông Thayer bình luận.

Ông Thayer cũng cảnh báo về viễn cảnh ông Donald Trump thắng cử trong cuộc bầu cử Mỹ sắp tới vào tháng 11.

"Việt Nam cần chuẩn bị tinh thần rằng mọi thứ có thể thay đổi nếu ông Donald Trump được bầu làm tổng thống. Quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện không có tư cách hiệp ước và có thể bị thay đổi theo ý muốn của tổng thống".

biden2

Dù ông Donald Trump hay bà Kamala Harris đắc cử, cách Mỹ chỉ trích những vấn đề nhân quyền ở Việt Nam được đánh giá là vẫn chỉ dừng ở mức "nói suông"

Vào ngày 19/9, Giáo sư Alexander Vuving từ Trung tâm nghiên cứu an ninh Châu Á-Thái Bình Dương Daniel K. Inouye (Mỹ) nhận định với BBC rằng việc gặp mặt ông Biden, người sẽ rời nhiệm sở trong khoảng bốn tháng nữa, là "không quá cần thiết".

"Sẽ cần thiết hơn nếu ông Tô Lâm gặp được những người có thể sẽ là một phần của chính quyền Harris giả định trong tương lai", ông Vuving đánh giá.

Khả năng diễn ra một cuộc gặp giữa ông Tô Lâm và bà Harris được cho là không cao, trong bối cảnh chỉ còn chưa tới hai tháng nữa là tới cuộc bầu cử Mỹ.

"Ông Tô Lâm và các cố vấn sẽ không muốn tạo ra ấn tượng rằng họ đang ngả về phe nào", ông Thayer đánh giá.

Vào tháng Bảy, báo The Wall Street Journal đưa tin rằng nếu đắc cử, bà Kamala Harris có khả năng sẽ thay thế các thành viên quan trọng trong đội ngũ hiện tại của ông Biden, bao gồm Ngoại trưởng Antony Blinken, Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin và Cố vấn An ninh Quốc gia Jake Sullivan.

Đây đều là những người đã nhiều lần làm việc với các lãnh đạo Việt Nam.

Tuy nhiên, Giáo sư Carl Thayer cho rằng do vai trò chiến lược của Việt Nam đối với Mỹ sẽ không thay đổi, khả năng cao là bà Harris sẽ tiếp nối đường lối ngoại giao của ông Biden.

"Bà Kamala Harris đã thăm Việt Nam trên cương vị phó tổng thống và các lãnh đạo Việt Nam sẽ kỳ vọng một sự kế thừa trong quan hệ giữa Mỹ và Việt Nam nếu bà Harris được bầu làm tổng thống", ông nói.

Ngay trước chuyến công tác của ông Tô Lâm, chính quyền Việt Nam đã trả tự do cho hai tù nhân chính trị nổi tiếng - điều mà nhiều người đánh giá là cách Việt Nam tạo ấn tượng với Mỹ và phương Tây rằng mình có tiến bộ về nhân quyền.

Trong chuyến thăm đầu tiên tới Việt Nam vào năm 2021, bà Harris đã khiến nhiều nhà quan sát ngạc nhiên khi nhấn mạnh tới việc bảo vệ nhân quyền, quyền của người lao động và gặp gỡ các nhà hoạt động trong khu vực đấu tranh cho quyền của người đồng tính, theo bài viết ngày 19/9/2024 trên The Diplomat.

Đánh giá với BBC News tiếng Việt về chuyến thăm vào năm 2021 của bà Harris, nhà nghiên cứu Nguyễn Thế Phương cho rằng :

"Nếu như chuyến thăm của ông [Lloyd] Austin là về an ninh, thì vấn đề trọng tâm của bà Harris là kinh tế, y tế và nhân quyền".

Trong chuyến thăm cấp nhà nước tới Việt Nam vào tháng 9/2023, ông Joe Biden đã có bài phát biểu, trong đó ông đề cập đến tầm quan trọng của nhân quyền.

Nêu đánh giá với BBC, ông Thayer cho rằng chính quyền ông Biden có nêu tới những vấn đề về nhân quyền ở Việt Nam, nhưng chủ yếu dừng lại ở mức "nói suông", và điều này vẫn sẽ như vậy dù bà Kamala Harris hay ông Donald Trump đắc cử.

"Thực tế đáng buồn là tầm quan trọng kinh tế chiến lược của Việt Nam khiến Washington khó có thể làm căng thẳng quan hệ với Hà Nội về [những khúc mắc trong] vấn đề nhân quyền".

Trung Quốc thấy sao về cuộc gặp ?

Trước chuyến công tác tới Mỹ của ông Tô Lâm, Trung Quốc được cho là đã có hành động nhắc nhở khéo léo về lập trường ý thức hệ, về tương lai chung mà Việt Nam và Trung Quốc đã cam kết cùng nhau chia sẻ khi đăng tải lại video cáo buộc Đại học Fulbright Việt Nam có các hoạt động và biểu hiện "cách mạng màu".

Dù vậy, ông Thayer cho rằng "Trung Quốc có sự lạc quan rằng ông Tô Lâm sẽ không khởi xướng bất kỳ mối quan hệ nào với Hoa Kỳ mà có thể gây tổn hại đến lợi ích của Trung Quốc".

Ông đánh giá mối quan hệ giữa hai đảng cộng sản là "vô cùng bền chặt".

"Đây là một mối quan hệ không cân bằng. Đảng nhỏ hơn sẽ thấy khó chịu với những gì đảng lớn làm. Đảng nhỏ muốn được tôn trọng quyền tự chủ", ông Thayer nói khi nhắc tới những tranh chấp địa chính trị giữa Việt Nam và Trung Quốc.

"Đổi lại, đảng nhỏ sẽ có những hành động để làm người mạnh hơn yên lòng. Và đó là điều Việt Nam có thể làm".

Đánh giá này từng được nêu ra khi ông Tô Lâm nhanh chóng có chuyến thăm cấp nhà nước tới Trung Quốc chỉ hơn hai tuần sau khi nhậm chức tổng bí thư - chuyến đi được cho là để trấn an Trung Quốc trước bất kể tiến triển nào mà Việt Nam có thể có với Mỹ.

Hôm 22/9, ông Tô Lâm đã có bài phát biểu tại sự kiện kỷ niệm một năm Việt - Mỹ nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược toàn diện ở New York. Theo đó, ông Tô Lâm đề nghị Việt - Mỹ đưa "hợp tác khoa học, công nghệ cao, đào tạo nhân lực chất lượng cao thành đột phá chiến lược của quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện lên tầm cao mới, trong đó ưu tiên tìm kiếm đột phá trong các lĩnh vực mới như bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, chuyển đổi xanh".

Về vấn đề hợp tác quốc phòng và an ninh, ông Tô Lâm nói rằng Việt Nam và Mỹ cần :

"Duy trì nhịp độ phù hợp và triển khai hiệu quả các thỏa thuận đã có về hợp tác quốc phòng - an ninh, trong đó tiếp tục coi khắc phục hậu quả chiến tranh là ưu tiên cao, trong đó tập trung tẩy độc dioxin, rà phá bom mìn tại các điểm nóng, hỗ trợ người khuyết tật, tìm kiếm, quy tập và định danh hài cốt liệt sĩ Việt Nam. Việt Nam sẽ tiếp tục hợp tác đầy đủ với Mỹ trong việc tìm kiếm quân nhân Mỹ mất tích trong chiến tranh".

Phát biểu của ông Tô Lâm không nhắc tới việc nâng cấp quan hệ trong lĩnh vực này, cũng như đề cập tới vấn đề mua bán vũ khí.

Đầu tháng 9, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd J. Austin đã có cuộc hội đàm với Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Phan Văn Giang tại Lầu Năm Góc, bang Virginia. Thông cáo chính thức của hai nước nhân chuyến thăm của ông Phan Văn Giang đến Mỹ cũng không đề cập đến vấn đề này.

Việc tập trung vào hợp tác khoa học và công nghệ, theo ông Thayer, sẽ không khiến Trung Quốc quá khó chịu.

"Miễn là Việt Nam tôn trọng và cam kết, dù bằng lời nói hay trên văn bản, đối với tất cả các sáng kiến mà ông Tập Cận Bình đã khởi xướng, chẳng hạn như dự án đường sắt cao tốc kết nối với Sáng kiến Vành đai và Con đường, thì mối quan hệ [giữa Việt Nam và Trung Quốc] sẽ tiếp tục phát triển thuận lợi".

Hồi cuối tháng 8, trong chuyến thăm cấp nhà nước tới Trung Quốc của ông Tô Lâm, hai nước đã nhất trí tăng cường hợp tác trong nhiều lĩnh vực, bao gồm việc mở rộng hợp tác kết nối giữa sáng kiến Vành đai và Con đường với khuôn khổ Hai hành lang, một vành đai.

Theo đánh giá của ông Thayer, Trung Quốc sẽ chỉ "phật ý" nếu Việt Nam gia tăng quan hệ hợp tác an ninh quốc phòng với Mỹ.

Hoạt động khác tại Mỹ

Trong ngày 22/9 (giờ Mỹ), ông Tô Lâm dự buổi tọa đàm với chủ đề Tăng cường hợp tác Việt Nam - Mỹ trong phát triển ngành công nghiệp bán dẫn và trí tuệ nhân tạo (AI).

Buổi tọa đàm có sự tham gia của các lãnh đạo, chuyên gia các tập đoàn công nghệ, tổ chức hàng đầu thế giới trong lĩnh vực bán dẫn và AI tại Mỹ như AMD, Google, Marvell, Hiệp hội công nghiệp bán dẫn Mỹ (SIA), Hiệp hội bán dẫn toàn cầu (SEMI)...

Tại đây, ông Tô Lâm cho biết Việt Nam hoan nghênh các doanh nghiệp, các tổ chức Mỹ đến Việt Nam để cùng phát triển các giải pháp sáng tạo, bền vững.

Ông Thayer nhận xét rằng ông Tô Lâm đã "tạo được một lịch trình tuyệt vời".

Giáo sư Zachary Abuza từ Đại học National War College (Mỹ) nói với South China Morning Post (SCMP) rằng lãnh đạo Việt Nam rất muốn thu hút đầu tư, đặc biệt là từ lĩnh vực công nghệ Mỹ.

"Việt Nam có nhiều tham vọng trong lĩnh vực công nghệ, trí tuệ nhân tạo và sản xuất chip silicon", SCMP dẫn lời ông Abuza trong bài viết ngày 20/9.

Tuy nhiên, ông Abuza cho rằng còn tồn tại những trở ngại mà ông Lâm cần giải quyết, bao gồm nâng cao trình độ sử dụng công nghệ của lực lượng lao động, khắc phục tình trạng thiếu điện, kiềm chế tham nhũng và thúc đẩy nhanh chóng quy trình xử lý chính sách của chính phủ.

Tối 22/9 (giờ Mỹ), ông Tô Lâm đã có bài phát biểu tại tại Hội nghị Thượng đỉnh Tương lai, Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc khóa 79.

Tại đây, ông Tô Lâm nói rằng thời điểm hiện tại là "cơ hội lịch sử để đưa thế giới bước vào kỷ nguyên phát triển mới". Theo ông, mục tiêu phát triển bền vững của thế giới và lợi ích của con người phải được đặt ở vị trí trung tâm, là mục tiêu cao nhất.

Vào ngày 23/9 (buổi tối cùng ngày theo giờ Việt Nam), ông Tô Lâm sẽ có một buổi tọa đàm tại Đại học Columbia.

Ông có thể sẽ phải đối mặt với những câu hỏi khó – chẳng hạn về nhân quyền, về môi trường, về tự do học thuật – trong các cuộc tiếp xúc này, đặc biệt là từ các nhà lập pháp và giới trí thức.

Sau chuyến công tác tại Mỹ, ông Tô Lâm sẽ có chuyến thăm cấp nhà nước tới Cuba. Cũng có thông tin rằng ông sẽ thăm chính thức Pháp vào đầu tháng 10.

Nguồn : BBC, 23/09/2024

****************************

Ông Tô Lâm đề cao ‘tiến bộ xã hội, giải phóng con người’ tại Liên Hiệp Quốc ; nhiều người Việt biểu tình

VOA, 23/09/2024

Phát biểu trên cương vị Chủ tịch nước Việt Nam trước Hội nghị Thượng đỉnh Tương lai của Liên Hiệp Quốc vào trưa 22/9, ông Tô Lâm nhấn mạnh "mục tiêu phát triển bền vững của thế giới và lợi ích của con người phải được đặt ở vị trí trung tâm, là mục tiêu cao nhất của chúng ta".

biden3

Tổng bí thư, Chủ tịch nước Việt Nam Tô Lâm phát biểu tại Liên Hiệp Quốc, 22/9/2024.

Ông Tô Lâm, người cũng nắm chức Tổng bí thư Đảng cộng sản Việt Nam, có thực quyền quyết sách cao nhất, phát biểu thêm rằng "Thành tựu khoa học, công nghệ phải phục vụ tiến bộ xã hội, hướng về con người, giải phóng con người, phát triển con người toàn diện…", theo tường thuật trên trang web của Liên Hiệp Quốc.

Hội nghị Thượng đỉnh Tương Lai diễn ra trong hai ngày 22 và 23/9 ở New York, Mỹ, với sự tham gia của nhiều nguyên thủ, nhà lãnh đạo các nước để thông qua Hiệp ước Cho Tương lai với các điều khoản về phát triển bền vững, cấp vốn cho phát triển, hòa bình và an ninh quốc tế, khoa học-kỹ thuật, đổi mới-sáng tạo, hợp tác kỹ thuật số, tuổi trẻ và thế hệ tương lai, và chuyển đổi việc quản trị toàn cầu.

Sự hiện diện của ông Tô Lâm ở New York được truyền thông nhà nước Việt Nam chủ ý nêu bật, theo quan sát của VOA. Thông tấn xã Việt Nam trích dẫn đại sứ của nước này tại Liên Hiệp Quốc Đặng Hoàng Giang nhấn mạnh rằng "Đây là lần đầu tiên Tổng bí thư Đảng cộng sản Việt Nam tham dự trực tiếp kỳ họp Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc và cũng là hoạt động ngoại giao đa phương đầu tiên của Tổng bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm tại tổ chức quốc tế toàn cầu Liên Hiệp Quốc".

Vẫn trong bài phát biểu tại Hội nghị Thượng đỉnh Tương Lai, ông Tô Lâm đưa ra quan điểm : "Thành tựu khoa học công nghệ cần thúc đẩy hợp tác, không trở thành công cụ chống lại các quốc gia, đi ngược lại khát vọng hòa bình, phát triển, công bằng và công lý của các dân tộc".

Việt Nam "đề nghị tăng cường đẩy mạnh đầu tư nghiên cứu y học, giáo dục đào tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh và các giải pháp để phục vụ quảng đại quần chúng nhân dân, giảm thiểu đầu tư nghiên cứu chế tạo các loại vũ khí hủy diệt", ông Tô Lâm nói tiếp trong bài phát biểu có tính lịch sử của một tổng bí thư đảng cộng sản Việt Nam tại Liên Hiệp Quốc.

Ông cũng kêu gọi các quốc gia "tăng cường đoàn kết, hợp tác và tôn trọng lẫn nhau, tuân thủ luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên Hiệp Quốc và giải quyết các bất đồng, tranh chấp bằng biện pháp hòa bình" và "các nước lớn cần hành xử có trách nhiệm", theo video của Liên Hiệp Quốc.

Sau khi ông Tô Lâm phát biểu, đã nổ ra một cuộc biểu tình phản đối ông ở bên ngoài trụ sở Liên Hiệp Quốc. Tham gia biểu tình là khoảng 100 người thuộc Cộng đồng người Việt quốc gia liên bang Hoa Kỳ ; Cộng đồng người Việt ở Toronto, Canada ; đảng Việt Tân và Hội Anh em Dân chủ, nhà hoạt động Nguyễn Văn Đài có mặt ở đó cho VOA biết.

Những lời của ông Tô Lâm đề cao "giải phóng con người" bị xem là không đáng tin, theo góc nhìn của ông Đài :

"Sau gần 10 năm dưới thời ông Tô Lâm, hầu như những tiếng nói đối lập, bất đồng chính kiến ở Việt Nam đã bị ông Tô Lâm xóa bỏ hoàn toàn. Phần lớn bị bắt cầm tù, phần thì chạy trốn ra nước ngoài tị nạn. Đấy là những ‘thành tích nhân quyền’ của ông ấy. Vi phạm nhân quyền rất là trầm trọng. Do vậy, lời nói của ông ấy trước Liên Hiệp Quốc rất là giả dối so với những gì ông ta đã làm trong khoảng 10 năm vừa qua".

biden4

Khoảng 100 người biểu tình phản đối nhà lãnh đạo Việt Nam Tô Lâm ở New York, 22/9/2024.

Mặc dù vậy, ông Đài, nhà tranh đấu từng bị chính quyền Việt Nam bỏ tù và về sau bị ép đi sống lưu vong ở Đức, nói với VOA rằng ông mong nhìn thấy Tổng bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm của Việt Nam sẽ có những bước đi để sửa chữa các sai lầm trong quá khứ, mang lại sự thay đổi tốt đẹp cho đất nước.

Lý giải cho suy nghĩ này, ông Đài nêu ra việc Việt Nam tha tù trước hạn cho hai nhà hoạt động nổi tiếng Trần Huỳnh Duy Thức và Hoàng Thị Minh Hồng trước khi ông Tô Lâm lên đường đi Mỹ được xem là dấu hiệu tích cực.

Nhưng ông Đài nhấn mạnh rằng nhà lãnh đạo Việt Nam Tô Lâm cần phải có những bước đi thực chất hơn để cho thấy ông ấy có những thay đổi thực sự :

"Song song với trả tự do cho tù nhân lương tâm, tù nhân chính trị tại Việt Nam, thì ông ấy sẽ không bắt thêm bất kỳ nhà hoạt động đối lập nào ở trong nước nữa. Thứ hai, ông ấy phải có lộ trình cởi mở về truyền thông mạng xã hội, cho phép những tiếng nói phản biện, bất đồng chính kiến tiếp tục được thể hiện. Thứ ba, ông ta phải cởi mở về xã hội dân sự. Trước đây, ông ta đàn áp, xóa bỏ gần hết. Bây giờ ông ta phải cho hoạt động trở lại".

Tiếp sau những bước đi trước mắt nêu trên, ông Đài bày tỏ kỳ vọng được thấy ông Tô Lâm tiến hành sửa đổi Hiến pháp, ban hành các luật về biểu tình, lập hội, lập đảng phái… để Việt Nam có một tiến trình dân chủ.

VOA liên lạc với văn phòng của ông Tô Lâm và Đại sứ quán Việt Nam ở Washington, Mỹ, để tìm hiểu về phản ứng của họ đối với các quan điểm của ông Nguyễn Văn Đài, nhưng chưa có hồi đáp.

Nguồn : VOA, 23/09/2024

***************************

Tổng thống Mỹ Joe Biden dự kiến sẽ gặp Tổng bí thư Tô Lâm vào ngày 25/9

RFA, 23/09/2024

Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden dự kiến sẽ gặp Chủ tịch nước Việt Nam và Tổng bí thư Đảng cộng sản cầm quyền Tô Lâm vào thứ tư, ngày 25/9, một người quen thuộc với vấn đề này nói với Reuters.

biden5

Tổng bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm tại sự kiện kỷ niệm một năm Việt - Mỹ nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược Toàn diện, ở New York, ngày 22/9 - TTXVN

Cuộc họp dự kiến sẽ diễn ra bên lề Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc tại New York, nơi ông Tô Lâm đến dự cuộc họp của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc và có bài phát biểu vào ngày 22/9.

Nhà Trắng không có bình luận ngay lập tức. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam trước đó không nói liệu ông Lâm có gặp Tổng thống Biden trong chuyến đi hay không.

Tổng thống Mỹ Biden rất muốn làm sâu sắc thêm mối quan hệ với quốc gia chiến lược ở Đông Nam Á và là trung tâm sản xuất này nhằm chống lại Nga và Trung Quốc, những nước mà Việt Nam cũng duy trì quan hệ.

Tháng 9 năm ngoái, ông Biden đã đến thăm Việt Nam và đạt được các thỏa thuận về chất bán dẫn và khoáng sản cũng như nâng cấp vị thế ngoại giao cao nhất của Hà Nội, cùng với Trung Quốc và Nga.

Trong chuyến đi đầu tiên tới Hoa Kỳ kể từ khi được bổ nhiệm vào đầu tháng 8 làm người đứng đầu đảng, chức vụ quyền lực nhất của đất nước, Tô Lâm sẽ gặp gỡ đại diện của một số tập đoàn Hoa Kỳ, bao gồm Google của Alphabet và chủ sở hữu Facebook Meta.

Trong ngày 22/9, ông Tô Lâm đã gặp ông Brendan Nelson, Phó chủ tịch cấp cao Tập đoàn Boeing kiêm Chủ tịch Công ty Boeing Global. Trong buổi gặp này, ông Tô Lâm đã đề nghị tập đoàn Boeing sớm nghiên cứu, triển khai đầu tư các nhà máy sản xuất linh kiện, xây dựng Trung tâm bảo dưỡng thiết bị, máy móc máy bay quy mô khu vực gắn với các Cảng Hàng không lớn của Việt Nam.

Truyền thông Nhà nước cho biết, đại diện tập đoàn Boeing cam kết trong thời gian tới sẽ hỗ trợ xây dựng hệ sinh thái hàng không tại Việt Nam, trong đó chú trọng việc xây dựng cơ sở hạ tầng hàng không, đào tạo nhân lực, xây dựng sân bay, cơ sở sửa chữa, bảo trì máy bay.

Chuyến đi của Tô Lâm cũng bao gồm một điểm dừng chân ở Cuba, đối tác Cộng sản lâu năm của Việt Nam.

Nguồn : RFA, 23/09/2024

***************************

Khoảng 100 người Việt biểu tình phản đối chuyến đi của Tổng bí thư Tô Lâm trước trụ sở Liên Hiệp Quốc

RFA, 23/09/2024

Khoảng 100 người gốc Việt đến từ một số tiểu bang vùng Đông Bắc Hoa Kỳ và từ thành phố Toronto, Canada tập trung trước trụ sở Liên hiệp quốc ở New York vào trưa ngày 22/9 để phản đối chuyến làm việc của Tổng bí thư kiêm Chủ tịch nước Tô Lâm ở Mỹ. 

biden6

Luật sư Đặng Đình Mạnh, người hiện đang tị nạn ở Mỹ, cũng có mặt ở cuộc biểu tình

Ông Tô Lâm vào ngày 22/9 đã có bài phát biểu trước Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc và dự lễ kỷ niệm một năm quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện với Mỹ.

Những người biểu tình cầm theo cờ vàng ba sọc đỏ, lá cờ biểu tượng cho người Việt tị nạn và các biểu ngữ bằng tiếng Anh như : "Nhân quyền cho Việt Nam chứ không phải bò dát vàng cho Tô Lâm", "Chủ tịch nước Việt Nam Tô Lâm là một tội phạm bắt cóc người !", hay "Việt Nam là một nhà nước công an trị dưới trướng của tướng Tô Lâm". 

Luật sư Đặng Đình Mạnh, người hiện đang tị nạn ở Mỹ, cũng có mặt ở cuộc biểu tình nói với RFA qua điện thoại rằng, ông không tin những tiếng nói trong cuộc biểu tình sẽ được ông Tô Lâm lắng nghe hoặc thực hiện theo, nhưng chắc chắn sẽ phản ánh được quan điểm và thông điệp của cộng đồng Việt Nam ở hải ngoại gửi đến ông Tô Lâm "phản đối những chính sách đàn áp về nhân quyền về dân chủ và tự do mà chính quyền trong nước đang đàn áp đối với người dân". 

Luật sư Nguyễn Văn Đài, Chủ tịch Hội Anh em dân chủ, từ Đức bay sang tới Mỹ để tham dự biểu tình. Ông nói :

"Thông điệp tôi mang đến cuộc biểu tình đó là sự phản đối sự hiện diện của Tô Lâm, bởi vì ông ta không xứng đáng cho một đất nước Việt Nam trên 100 triệu người dân đứng trước quốc tế để đưa ra lời phát biểu.

Tôi cũng muốn cho cộng đồng quốc tế hiểu rõ hơn ông Tô Lâm là ai, một người lãnh đạo Việt Nam là ai, để họ có thái độ không tiếp đón ông ấy và cũng đòi hỏi những quyền tự do dân chủ cho người dân Việt Nam". 

biden7

Tổng bí thư Tô Lâm phát biểu tại Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc. Ảnh : Reuters

Mong chờ gì từ chuyến đi của ông Tô Lâm ?

Ngay trước chuyến bay của ông Tô Lâm từ Hà Nội đến New York, chính quyền Việt Nam đã bất ngờ tha tù trước hạn cho hai tù nhân lương tâm là Trần Huỳnh Duy Thức và Hoàng Thị Minh Hồng, trong đó ông Thức nói không đồng ý với lệnh đặc xá nhưng đã bị cưỡng bức rời khỏi nhà tù và đưa về nhà. 

Ông Hoàng Tứ Duy, Tổng bí thư đảng Việt Tân, vào tối 22/9 nói với RFA cho rằng việc làm này quá muộn màng và ông không mong chờ thiện chí nào từ Tô Lâm. Ông nói qua điện thoại :

"Điều mà tôi nhận thấy đó là đất nước Việt Nam thực sự phải cập nhật đường lối ngoại giao... không thể nào đu dây như thời gian qua và thực sự phải có những chọn lựa sáng suốt.

Với tình hình như ngày nay thì một nhu cầu cho đất nước là phải làm sao để gần hơn với Tây Phương, không phải chỉ là vấn đề làm ăn với Tây Phương mà còn là nhu cầu an ninh của Việt Nam và sự tiến bộ xã hội của Việt Nam, thực sự phải hòa nhập với Tây Phương và có những thay đổi về chính trị, về quyền con người". 

Theo ông Hoàng Tứ Duy, Trung Quốc là nguồn cơn của sự bất ổn của khu vực và không thể đảm bảo an ninh cho đất nước Việt Nam, cùng với việc xích gần hơn với phương Tây mang lại những tiến bộ đáng kể về kinh tế và khoa học công nghệ cho Việt Nam. 

Luật sư Mạnh, người từng có nhiều năm bào chữa cho những nhà bất đồng chính kiến ở Việt Nam nhưng buộc phải đi tị nạn chính trị từ năm ngoái nhận định, việc trả tự do cho ít nhất hai tù nhân lương tâm trước chuyến đi của ông Tô Lâm không mang tính tích cực và lạc quan. Ông khẳng định :

"Không có chính quyền lương Hảo nào lại đem công dân của mình ra để làm sự đổi chác như vậy. Trong trường hợp ông Tô Lâm quyết định trả tự do cho toàn bộ số tù nhân chính trị đang bị giam giữ thì điều đó mới được coi là sự thay đổi và chính điều đó mới là sự tích cực đáng nói, còn lại chả có gì đáng nói cả". 

Luật sư Nguyễn Văn Đài có nhận định khác, ông bày tỏ hy vọng Tổng bí thư Tô Lâm sẽ làm khác với những người tiền nhiệm của mình là "sẽ thật tâm trong vấn đề cải thiện nhân quyền", tuy nhiên ông nói phải chờ xem ngày 30/9 tới đây ông Tô Lâm trên cương vị Chủ tịch nước có quyết định đặc xá cho những tù nhân chính trị và lương tâm hay không và Tổng bí thư Tô Lâm có ra lệnh cho Bộ công an bắt thêm người nữa hay không.

Theo thống kê của Human Rights Watch, Việt Nam hiện đang giam giữ khoảng 160 tù chính trị. Tuy nhiên, Chính phủ Việt Nam chưa bao giờ thừa nhận có tù chính trị. 

Nguồn : RFA, 23/09/2024

****************************

Phải chăng chuyến đi Mỹ của Tổng bí thư Tô Lâm thất bại, từ khi chưa khởi hành ?

Trà My, Thoibao.de, 21/09/2024

Người đứng đầu Đảng và Nhà nước Việt Nam, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm, được cho là đang tìm cách đưa Hà Nội thoát khỏi ảnh hưởng của Bắc Kinh.

biden8

Tổng bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và Phu nhân được đón chào tại sân bay John F. Kennedy (New York) chiều 21-9 (giờ Mỹ) - Ảnh : DUY LINH

Từ trung tuần tháng 8/2024, ông Tô Lâm đã thực hiện chuyến thăm Trung Quốc sớm hơn, để chuẩn bị cho một chuyến công du Hoa Kỳ "rầm rộ", tương tự chuyến thăm Bắc Kinh.

Tuy nhiên, có lẽ, sự thất thế của ông và phe cánh trên chính trường, trong những ngày này, đã báo hiệu rằng, chuyến đi của ông sẽ diễn ra không như ông kỳ vọng.

Truyền thông nhà nước Việt Nam, ngày 19/9, đưa tin ngắn gọn, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm sẽ có chuyến làm việc tại Hoa Kỳ vào tuần tới, để tham dự Khóa họp thứ 79 của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc, tại New York. Sau đó, ông sẽ thăm cấp nhà nước tới Cuba.

Tuy nhiên, thông báo của Thông Tấn Xã Việt Nam đã không cho biết cụ thể, về khung thời gian cho các hoạt động của chuyến thăm, cũng như, không đưa ra nội dung chi tiết, về những hoạt động của ông Tô Lâm trong thời gian ở Mỹ. Theo một số ý kiến, điều đó đã cho thấy, hình như có sự cố ý làm giảm nhẹ tầm quan trọng, một cách có chủ ý của Ban Tuyên giáo Trung ương, do Tướng Nguyễn Trọng Nghĩa đứng đầu.

Trong khi đó, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam Bùi Thanh Sơn, vẫn khẳng định, tại Liên Hiệp Quốc, ông Tô Lâm sẽ đem tới những thông điệp lớn, quan trọng, đối với hòa bình, hợp tác, phát triển trên thế giới.

Một vấn đề công luận quan tâm, liệu ông Tô Lâm có gặp đương kim Tổng thống Mỹ Joe Biden, trong chuyến thăm này hay không ?

Trước chuyến đi Mỹ của ông Tô Lâm, cũng có tin rằng, phía Hà Nội đã lên kế hoạch để ông tiếp xúc với Tổng thống Joe Biden, và cựu Tổng thống Donald Trump, nhân chuyến công du lần này.

Nhưng mới đây, luật sư Vũ Đức Khanh đánh giá, ngoại giao Việt Nam đã thất bại, khi không đạt được thỏa thuận cần thiết với giới chức ngoại giao Hoa Kỳ, để thiết kế một chuyến thăm chính thức cho ông Tô Lâm.

Theo nguồn tin riêng của luật sư Vũ Đức Khanh, vào giờ chót, Tổng thống Joe Biden đã từ chối tiếp ông Tô Lâm. Vì những yêu sách do phía Mỹ đưa ra, đã bị Hà Nội cố tình trì hoãn. Cụ thể, ông Tô Lâm và phe cánh chưa chứng minh được quyết tâm thay đổi, là điều mà giới chức Mỹ kỳ vọng. Cũng như, chính sách đối ngoại của Việt Nam cho đến thời điểm này, vẫn nghiêng về Bắc Kinh nhiều hơn.

Cũng theo nguồn tin trên, giới chức của Bộ Ngoại giao Việt Nam, vẫn tiếp tục nỗ lực thu xếp một buổi gặp giữa ông Joe Biden và ông Tô Lâm, bên lề các cuộc gặp gỡ ở Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc. Trong trường hợp xấu nhất, ngoại giao Việt Nam có thể dàn dựng, để ông Tô Lâm xuất hiện chung với ông Biden, tại bữa tiệc Tổng thống Mỹ chiêu đãi các nguyên thủ quốc gia tham dự kỳ họp Đại hội đồng Liên hiệp Quốc lần này.

Tuy nhiên, giới thạo tin từ phía Việt Nam khẳng định, vì cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ, giữa 2 ứng viên Donald Trump và Kamara Harris, chỉ còn chưa đầy 2 tháng nữa, nên ông Tô Lâm không "mặn mà" lắm với chương trình gặp gỡ, và làm việc với giới chức lãnh đạo của đảng Dân chủ đang cầm quyền.

Ngày 19/9, truyền thông nhà nước công bố thông tin : Tập đoàn Trump, thuộc sở hữu của gia đình ứng viên Tổng thống Mỹ Donald Trump, đang xem xét cơ hội đầu tư vào tỉnh Hưng Yên – quê hương ông Tô Lâm.

Theo đó, đại diện của Tập đoàn The Trump Organization, bày tỏ mong muốn hợp tác, đầu tư, tại tỉnh Hưng Yên, một dự án xây dựng khách sạn, sân golf và tổ hợp vui chơi, giải trí. Người ta không biết, câu chuyện này có ảnh hưởng gì tới việc không có cuộc gặp giữa ông Tô Lâm và ông Biden hay không ?

Tuy nhiên, nếu thật sự Tô Lâm thất bại trong chuyến đi Mỹ sắp tới, thì nguyên do chủ yếu có lẽ là vì thiếu sự đồng thuận từ phe quân đội.

Trà My 

*****************************

Hưng Yên nói tập đoàn của ông Trump muốn đầu tư khách sạn và sân golf tại tỉnh

VOA, 21/09/2024

Trump Organization, doanh nghiệp gia đình của ứng cử viên tổng thống đảng Cộng hòa Mỹ Donald Trump, đang tìm hiểu các cơ hội đầu tư tại tỉnh Hưng Yên của Việt Nam, theo Ủy ban Nhân dân tỉnh cho biết trong một tuyên bố.

biden9

Bức ảnh do Báo Đầu Tư đăng tải cho thấy các lãnh đạo UBND tỉnh Hưng Yên và đại diện của phái đoàn Trump Organization tại tỉnh hôm 16/9.

Tuyên bố của ủy ban đưa ra sau cuộc họp được Reuters trích dẫn nói rằng đại diện của Trump Organization đã đến thăm tỉnh và gặp gỡ chính quyền địa phương để thảo luận về các cơ hội đầu tư hôm 16/9.

Hưng Yên, cách Hà Nội 50 km về phía đông nam, là quê hương của Tổng bí thư-Chủ tịch nước Việt Nam Tô Lâm và cũng là một trung tâm công nghiệp ở miền bắc Việt Nam.

"Tỉnh Hưng Yên luôn hỗ trợ các nhà đầu tư, tạo ra các thủ tục hành chính thuận lợi để các nhà đầu tư nước ngoài hợp tác và phát triển tại tỉnh", ủy ban tỉnh cho biết trong tuyên bố.

Chủ tịch ủy ban Trần Quốc Văn được các phương tiện truyền thông nhà nước trích dẫn nói hôm 18/9 rằng Trump Organization đang tìm cách phát triển khách sạn, sân golf và các cơ sở giải trí tại tỉnh.

VnExpress cho biết cuộc làm việc của Trump Organization với lãnh đạo tỉnh dựa trên đề xuất của Công ty cổ phần Tập đoàn và Phát triển Hưng Yên, mà theo giới thiệu trên trang web của Hung Yen Group, là nhà phát triển các cụm công nghiệp, đô thị và là một công ty con của Tập đoàn Kinh Bắc chuyên đầu tư tài chính, bất động sản.

Ông Đặng Thành Tâm là chủ tịch của Hung Yen Group và, theo VnExpress, đã tham gia cuộc gặp với Trump Organization.

Được biết, ông Tâm là em trai của bà Đặng Thị Hoàng Yến, chủ tịch tập đoàn Tân Tạo và hiện đang sống ở Mỹ.

Trump Organization có trụ sở tại Mỹ. VOA đã gửi yêu cầu bình luận tới tập đoàn của ông Trump về thông tin mà tỉnh Hưng Yên công bố.

Đại diện Trump Organization được Báo Đầu Tư trích lời nói rằng tập đoàn này kỳ vọng Hưng Yên tạo điều kiện để được tham gia đầu tư dự án tại đây trong giai đoạn phát triển mới của tỉnh và góp phần thúc đẩy sự phát triển quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Mỹ.

Một phân tích của Reuters vào tháng trước cho thấy hoạt động kinh doanh sân golf và khu nghỉ dưỡng là động lực lớn nhất thúc đẩy dòng tiền cho Trump Organization, nơi có hàng trăm công ty do ông Trump sở hữu.

Theo Hiệp hội Golf Việt Nam, với dân số 100 triệu người, Việt Nam hiện có khoảng 70 sân golf và 100.000 người chơi golf tại quốc gia Đông Nam Á.

"Chúng tôi hoan nghênh các nhà đầu tư nước ngoài phát triển các sân golf tại Việt Nam, nơi số lượng người chơi golf đang tăng nhanh chóng nhờ vào tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ", Tổng thư ký hiệp hội Vũ Nguyên được Reuters trích dẫn cho biết.

Nguồn : VOA, 21/09/2024

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: BBC, RFA, VOA, Trà My,
Read 150 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)