Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

25/09/2024

Tóm lược những cuộc gặp gỡ của ông Tô Lâm tại Mỹ

Nhiều nguồn tin

Tổng bí thư Tô Lâm cảm ơn sự ủng hộ của Ukraine trong sự nghiệp thống nhất đất nước

RFA, 25/09/2024

Tổng bí thư kiêm Chủ tịch nước Tô Lâm trong cuộc gặp mới đây với Tổng thống Ukraine - Volodymir Zelensky – đã bày tỏ lòng biết ơn đối với người dân Ukraine vì đã ủng hộ Việt Nam trước kia.

tolam1

Tổng thống Ukraine Volodymir Zelensky bắt tay Tổng bí thư - Chủ tịch Tô Lâm tại New York hôm 24/9/2024 - X/Volodymyr Zelenskyy

Chiều 24/9 (giờ miền Đông Hoa Kỳ), Tổng bí thư – Chủ tịch nước Tô Lâm đã gặp Tổng thống Ukraine Volodymir Zelensky bên lề hội nghị tại Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc.

Tại cuộc gặp Tổng thống Ukraine, ông Tô Lâm khẳng định Việt Nam luôn coi trọng quan hệ hữu nghị truyền thống và khuôn khổ quan hệ Đối tác toàn diện với Ukraine.

Mạng báo Vietnamnet dẫn lời ông Tô Lâm bày tỏ, Việt Nam luôn ghi nhớ sự ủng hộ và giúp đỡ chí tình mà nhân dân Liên Xô, trong đó có Ukraine, đã dành cho Việt Nam trong sự nghiệp giải phóng dân tộc và thống nhất đất nước trước đây cũng như trong phát triển đất nước ngày nay.

Ông Tô Lâm nêu quan ngại về tình hình xung đột hiện nay ; kêu gọi chấm dứt xung đột, khôi phục hòa bình, bảo vệ an ninh, an toàn của người dân và các cơ sở hạ tầng thiết yếu, tuy nhiên không nhắc trực tiếp đến Nga, nước đã xâm lược Ukraine từ đầu năm 2022.

Ông Lâm khẳng định lại lập trường : tất cả các tranh chấp cần được giải quyết bằng biện pháp hòa bình, phù hợp với các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên Hiệp Quốc,...

Ông cho hay, Việt Nam hoan nghênh, ủng hộ các nỗ lực trung gian hòa giải quốc tế nhằm tìm kiếm giải pháp hòa bình lâu dài cho xung đột... và sẵn sàng đóng góp vào quá trình thúc đẩy đối thoại, tìm kiếm giải pháp để sớm ổn định tình hình...

Đồng thời, người kế nhiệm ông Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh khi xung đột chấm dứt, Việt Nam sẵn sàng cùng cộng đồng quốc tế hỗ trợ công cuộc tái thiết tại Ukraine.

Chính phủ Việt Nam từ trước đến nay luôn giữ lập trường trung lập trong cuộc chiến Ukraine – Nga và đã bỏ các phiếu trắng hoặc chống đối với tất cả các nghị quyết của Liên Hiệp Quốc lên án Nga xâm lược Ukraine.

Báo Nhà nước tường thuật về cuộc gặp, cho hay Tổng thống Ukraine đánh giá cao lập trường của Việt Nam, đồng thời cảm ơn Nhà nước và nhân dân Việt Nam đã hỗ trợ nhân đạo cho Ukraine ; mong muốn Việt Nam ủng hộ tuyên bố của Hội nghị hòa bình (lần thứ nhất) tại Thuỵ Sỹ, cũng như giúp Ukraine trong việc rà phá bom mìn, khắc phục hậu quả xung đột.

Tổng thống Zelensky khẳng định Ukraine luôn bảo đảm an toàn cho cộng đồng người Việt Nam và Đại sứ quán Việt Nam tại Kyiv.

Viết trên mạng xã hội X vào sáng ngày 25/9 (giờ miền Đông Hoa Kỳ), Tổng thống Ukraine bày tỏ :

"Tại New York, tôi đã gặp Chủ tịch Việt Nam, Tô Lâm. Chúng tôi đã thảo luận về sự phát triển của quan hệ song phương và mở rộng thương mại giữa các nước, đặc biệt là trong lĩnh vực nông nghiệp.

Tôi rất biết ơn sự hỗ trợ nhân đạo và sự sẵn sàng đóng góp (của Việt Nam-PV) cho việc tái thiết sau chiến tranh của Ukraine".

Nguồn : RFA, 25/09/2024

*************************

Cơ chế chính trị là rào cản lớn nhất ngăn trí thức đóng góp cho Việt Nam ?

RFA, 25/09/2024

Tổng bí thư Tô Lâm một lần nữa kêu gọi trí thức Việt Nam ở nước ngoài, đặc biệt là tại Mỹ, đóng góp cho sự phát triển của đất nước. Một số trí thức Mỹ gốc Việt bày tỏ sự hoài nghi về khả năng hiện thực hóa lời kêu gọi này trong bối cảnh những rào cản chính trị vẫn tồn tại giữa cộng đồng hải ngoại và trong nước.

tolam2

Tổng bí thư Tô Lâm gặp trí thức Việt tại New York - Courtesy by Báo Quân đội Nhân dân

Vì sao chưa thu hút được trí thức ?

Trong chuyến đi Mỹ để tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Tương lai của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc khóa 79, hôm 22/9, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã gặp gỡ một nhóm trí thức người Việt đến từ Houston, bang Texas. Tại đây, ông Tô Lâm nhấn mạnh rằng, Đảng và Nhà nước Việt Nam luôn coi trọng cộng đồng người Việt sinh sống ở nước ngoài, đồng thời bày tỏ hy vọng rằng trí thức Việt Nam tại Mỹ và khắp nơi trên thế giới nên đoàn kết, đồng lòng và đóng góp cho sự phát triển của đất nước, hướng tới một kỷ nguyên mới của đất nước.

Đáp lại lời kêu gọi của ông Tô Lâm, nhiều trí thức gốc Việt tại Mỹ mà RFA phỏng vấn bày tỏ hoài nghi và chia sẻ những rào cản thực tế họ đã và đang gặp phải trong việc đóng góp cho quê hương. 

Luật sư Linh Nguyễn, thành viên của Liên minh vì Dân chủ cho Việt Nam, người cũng có mặt tại Hội nghị thượng đỉnh của Liên Hiệp Quốc cho biết, nhà nước Việt Nam luôn muốn tận dụng nguồn trí lực của tri thức gốc Việt ở hải ngoại. Tuy nhiên, theo bà :

"Căn bản trí thức là tự do và khai phóng, còn cái căn bản của Cộng sản là áp bức, là giáo điều, coi người dân như là công cụ chứ thực sự ra cũng không biết tận dụng trí thức của con người cho nên chưa thể thu hút được nhiều người Việt đóng góp cho Việt Nam".

Chia sẻ quan điểm với RFA, ông Võ Ngọc Ánh, hiện đang sinh sống tại tiểu bang Washington tin rằng đã là người Việt, dù sinh sống ở đâu, theo bất kỳ đảng phái nào thì cũng đều muốn góp sức xây dựng một Việt Nam phát triển hơn. Theo ông Ánh, các rào cản chính trị vẫn là trở ngại lớn nhất khiến nhiều trí thức hải ngoại không thể thích nghi khi trở về làm việc ở Việt Nam. Chính trị độc đảng và sự kiểm soát chặt chẽ từ Nhà nước đã khiến môi trường làm việc trong nước trở nên thiếu tự do, cản trở sự phát triển và đổi mới sáng tạo :

"Chính trị là cái trở ngại lớn nhất. Chính trị đã chi phối tất cả các lĩnh vực của đời sống, từ giáo dục, khoa học… Nó rất là khó cho những người làm việc được tôn trọng, họ quen với cái môi trường giáo dục cũng như khoa học, công nghệ, một cái tự do độc lập ở các nước phát triển".

Cần mở không gian tự do

Lời kêu gọi của ông tân Tổng bí thư không có gì mới mẻ, điều đó được lặp đi lặp lại qua nhiều thời kỳ và qua nhiều đời lãnh đạo. nó còn được xây dựng thành đường lối, chính sách chung của Việt Nam, thông qua các Nghị quyết 36 hay Quyết định 1334 về "Phát huy nguồn lực của người Việt Nam ở nước ngoài phục vụ phát triển đất nước".

Trong một bài phân tích  về Quyết định 1334 của Giáo sư Nguyễn Văn Chữ được đăng trên trang web của Viện nghiên cứu Việt-Mỹ thuộc Đại học Oregon, ông chỉ ra rằng, cộng đồng người Việt ở nước ngoài không chỉ có vai trò quan trọng về mặt kinh tế mà còn có trách nhiệm đóng góp vào sự phát triển chung của đất nước. Công dụng của số lượng ngoại tệ dự trữ là giúp ổn định nền kinh tế, giá trị của chính đồng tiền Việt Nam và hối suất giữ đồng tiền Việt Nam đối với các ngoại tệ ; tất yếu là sẽ gián tiếp bảo vệ chế độ. 

Mặc dù Quyết định 1334 mở ra nhiều cơ hội hợp tác, nhưng bài viết của Giáo sư Chữ cũng nêu ra nhiều thách thức mà người Việt ở nước ngoài phải đối mặt như về pháp lý, văn hóa, và sự khác biệt trong cách tiếp cận quản lý. Điều này đòi hỏi những chính sách và môi trường làm việc cởi mở hơn từ phía chính phủ Việt Nam để kiều bào có thể yên tâm đóng góp.

Đồng tình với nhận định trên, ông Võ Ngọc Ánh nói thêm rằng, nếu Việt Nam không có những thay đổi cơ bản, ít nhất là tạo ra một không gian tự do hơn cho khoa học và giáo dục, thì rất khó để thu hút được sự tham gia của trí thức nước ngoài :

"Cần phải thay đổi thì mới thu hút được trí thức. Ít ra thì Việt Nam phải mở một cái không gian tự do cho giáo dục có quyền tự chủ hơn, được kết nối khoa học công nghệ với nước ngoài nó tốt hơn, độc lập hơn. Những cái điều đó may ra mới đem lại một sự khởi sắc cho Việt Nam. Bước đầu là như vậy. 

Còn mình nghĩ để thay đổi chính trị với Việt Nam thì mình nghĩ đó là điều rất là nhiều người Việt ở hải ngoại trong đó có trí thức mong muốn, nhưng mà để làm được điều đó thì phải có một sự thay đổi đó nó rất là lớn, mà trong lúc này thì không dễ. Trí thức họ không muốn phải dấn thân vào con đường chính trị để thay đổi nó".

Trong khi đó, luật sư Linh Nguyễn nhấn mạnh rằng nếu Việt Nam không thực sự cải cách, mở rộng tự do và dân chủ, thì việc thu hút trí thức từ nước ngoài sẽ chỉ là những lời nói suông. 

Luật sư này cũng cho biết cộng đồng người Việt ở Mỹ sẽ luôn ủng hộ Việt Nam, nếu Việt Nam là một quốc gia dân chủ pháp trị, độc lập với một hệ thống chính trị đa nguyên đa đảng ; Quyền lực của Hiến Pháp phải thuộc về ba cơ quan Lập pháp, Hành pháp và Tư pháp ; Luật pháp phải bảo đảm nền dân chủ và nhân quyền, tôn trọng quyền bầu cử tự do và công bằng…

Nguồn : RFA, 25/09/2024

*************************

Ông Tô Lâm tại Đại học Columbia đã nói gì ? Đâu là điểm đáng chú ý ?

BBC, 25/09/2024

Tổng bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã có bài phát biểu tại Đại học Columbia ở thành phố New York. Ông cũng đã trả lời một số câu hỏi từ giáo sư và sinh viên của trường.

tolam3

Tổng bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm phát biểu tại Đại học Columbia hôm 23/9. Ảnh chụp màn hình từ chương trình trực tiếp của Đại học Columbia.

Buổi trò chuyện của Tổng bí thư Tô Lâm diễn ra vào lúc 22 giờ ngày 23/9 theo giờ Việt Nam, nằm trong chương trình Diễn đàn Lãnh đạo Thế giới do Đại học Columbia tổ chức.

Sự kiện mở đầu với bài phát biểu giới thiệu của Tiến sĩ Wafaa El-Sadr, Phó Chủ tịch Trung tâm Columbia Toàn cầu (Columbia Global) thuộc Đại học Columbia.

Bà Wafaa El-Sadr cho biết trong vòng 20 năm qua, hơn 300 nhà lãnh đạo trên toàn cầu đã tới nói chuyện tại Diễn đàn Lãnh đạo Thế giới.

"Việc Ngài (ông Lâm) có mặt ở đây hôm nay thể hiện sự tham gia của ngài trong một truyền thống lâu đời, được thiết lập nhằm thúc đẩy sứ mệnh của chung tôi ở Đại học Columbia để dạy, để học, để nâng cao kiến thức và đóng góp vào việc tìm ra giải pháp cho các thách thức toàn cầu. Và điều gắn kết khán giả tại đây là sự cam kết chung đối với sứ mệnh này", Tiến sĩ El-Sadr phát biểu.

Kết thúc phần giới thiệu, bà El-Sadr nhường bục phát biểu cho vị lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam.

Tổng bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm phát biểu gì ?

tolam4

Tiến sĩ Wafaa El-Sadr (trái) và Tổng bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm tại buổi trò chuyện ở Đại học Columbia. Ảnh chụp màn hình từ chương trình trực tiếp của Đại học Columbia.

Bài phát biểu của ông Tô Lâm kéo dài khoảng 22 phút.

Ông đánh giá cao về đóng góp của Đại học Columbia vào việc thúc đẩy sự phát triển của Việt Nam cũng như mối quan hệ giữa hai nước.

"Tôi được biết nhiều cựu sinh viên Đại học Columbia hiện giữ các cương vị lãnh đạo, quản lý cấp cao tại Việt Nam", ông Lâm phát biểu.

Có một điểm trùng hợp là nhà vận động môi trường Hoàng Thị Minh Hồng từng được chọn tham gia chương trình Học giả Quỹ Obama khóa đầu tiên tại Đại học Columbia vào năm 2018. Bà Hồng là một nhà vận động chính sách môi trường nổi tiếng, từng bị bắt và lãnh án tù 3 năm vào năm 2023 và vừa được đặc xá ngay trước chuyến đi Mỹ của ông Tô Lâm.

Tổng bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm cũng đề cập các cột mốc trong ngoại giao giữa hai nước như kỷ niệm 50 năm kết thúc cuộc chiến tranh ở Việt Nam và 30 năm bình thường hóa quan hệ vào năm 2025.

Sau đó, ông Lâm nhắc đến các thành tựu kinh tế, ngoại giao mà Việt Nam đã đạt được trong thời gian qua cũng như chỗ đứng hiện nay của Việt Nam trên trường quốc tế.

"Con đường phát triển của Việt Nam không thể tách rời xu thế chung của thế giới và nền văn minh nhân loại", ông Lâm nói, đồng thời khẳng định truyền thống của người Việt Nam là "giàu vì bạn".

Tổng bí thư Tô Lâm cũng nói lại về cam kết của Việt Nam đối với các vấn đề chung của thế giới, chẳng hạn như về môi trường.

"Mặc dù còn nhiều khó khăn, thách thức song Việt Nam cam kết thực hiện mục tiêu phát thải ròng bằng 0 (net-zero) vào năm 2050", ông Lâm nhấn mạnh.

Trong phần tiếp theo của bài phát biểu, ông Lâm quay lại với chủ đề quan hệ Việt-Mỹ, khẳng định rằng từ thời Chủ tịch Hồ Chí Minh, Việt Nam đã muốn "hợp tác đầy đủ" với Mỹ.

"Từ cựu thù, hai nước đã trở thành đối tác, Đối tác toàn diện và nay là Đối tác chiến lược toàn diện", ông phát biểu.

Ông cũng nhắc lại chuyến thăm lịch sử vào tháng 7/2015 của cố Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Vào tháng 7/2015, ông Nguyễn Phú Trọng trở thành tổng bí thư Đảng cộng sản Việt Nam đầu tiên thăm Hoa Kỳ và được Tổng thống Mỹ Barack Obama tiếp đón ở Phòng Bầu Dục - nơi vốn chỉ dành cho các nguyên thủ quốc gia.

Đây là điều đặc biệt "lạ" đối với cả ngành ngoại giao Mỹ, khi mà Tổng thống Mỹ tiếp lãnh đạo một đảng chính trị theo nghi thức nguyên thủ. Chuyến thăm này đã làm thay đổi hẳn cách giao thiệp giữa lãnh đạo hai nước, được nhiều nhà quan sát coi là sự thừa nhận từ phía Mỹ về tính chính danh của Đảng cộng sản và người đứng đầu đảng này.

"Sau gần 30 năm bình thường hóa, quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ đã có những bước tiến mạnh mẽ vượt ngoài khả năng tưởng tượng của cả những người lạc quan nhất", ông Lâm phát biểu.

Ở cuối bài phát biểu, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm bày tỏ mong muốn Mỹ tiếp tục ủng hộ mạnh mẽ mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước.

Phần hỏi đáp của ông Tô Lâm và Giáo sư Nguyễn Thị Liên Hằng

tolam5

Giáo sư Nguyễn Thị Liên Hằng và Tổng bí thư Tô Lâm tại buổi nói chuyện hôm 23/9. Ảnh chụp màn hình từ chương trình trực tiếp của Đại học Columbia.

Trong phần tiếp theo của chương trình, ông Tô Lâm đã giao lưu và trả lời câu hỏi của giáo sư và sinh viên Đại học Columbia.

Người điều phối trong phần tọa đàm này là Giáo sư Nguyễn Thị Liên Hằng, Giám đốc Viện Đông Á Weatherhead thuộc Đại học Columbia. Bà giảng dạy về lịch sử mối quan hệ Mỹ-Đông Á.

Bà Hằng là tổng biên tập 3 cuốn Cambridge History of the Vietnam War (Tạm dịch : Cambridge Lịch sử : Chiến tranh Việt Nam) dự kiến ra mắt vào cuối tháng 9/2024 và là đồng chủ biên bộ sách Cambridge Studies in U.S. Foreign Relations (Tạm dịch : Nghiên cứu của Cambridge về Quan hệ Đối ngoại Mỹ).

Cuốn Hanoi’s War : An International History of War for Peace in Vietnam (Tạm dịch : Chiến tranh của Hà Nội : Lịch sử Quốc tế về Chiến tranh vì Hòa bình ở Việt Nam) của bà đã giành được nhiều giải thưởng danh giá tại Mỹ. Tuy nhiên, một số nghiên cứu của bà Hằng từng bị các "hội nhóm cờ đỏ" tại Việt Nam tố cáo là xuyên tạc lịch sử.

Báo Nhân Dân của Đảng cộng sản Việt Nam vào năm 2015 từng có bài viết Đừng nhân danh khoa học để xuyên tạc lịch sử với nội dung lên án cuốn sách Hanoi’s War.

Trước khi đặt câu hỏi cho Tổng bí thư Tô Lâm, Giáo sư Liên Hằng giới thiệu mình là nhà sử học về Chiến tranh Việt Nam và được sinh vào giai đoạn cuối của cuộc chiến này.

Trong câu hỏi đầu tiên dành cho ông Tô Lâm, bà Hằng nhắc lại câu nói nổi tiếng của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt rằng ngày 30/4 là một sự kiện khiến triệu người vui nhưng cũng triệu người buồn.

Giáo sư Hằng nhận định câu nói này rất ấn tượng vì điều đó cho thấy chính phủ Việt Nam nhận thức được sự mất mát của cả những người từng sống dưới chế độ Việt Nam Cộng hòa.

"Dưới sự lãnh đạo của mình, ông sẽ làm gì để thúc đẩy sự hòa giải giữa những người Việt Nam ?" - Giáo sự Liên Hằng hỏi.

Tổng bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm cho biết dù chiến tranh đã đi qua gần 50 năm, nhưng quá khứ sẽ không bị lãng quên. Tuy vậy, việc quan trọng là rút ra bài học từ quá khứ để hướng tới tương lai hòa bình và ổn định.

Ông Lâm không đề cập gì đến vấn đề hòa hợp, hòa giải dân tộc trong câu trả lời của mình.

Gần nửa thế kỷ sau khi chiến tranh chấm dứt, trong khi hòa giải giữa Việt Nam và cựu thù Mỹ có những bước tiến rõ rệt, việc hòa giải giữa những người Việt từng đứng hai bờ chiến tuyến vẫn còn nhiều trắc trở.

Trong câu hỏi thứ hai, bà Liên Hằng hỏi vị lãnh đạo Việt Nam rằng ông sẽ đưa ra lời khuyên gì cho các lãnh đạo Mỹ để đối phó với Trung Quốc trong bối cảnh căng thẳng giữa hai nước gia tăng và có thể trở thành cuộc Chiến tranh Lạnh của thế kỷ 21.

Trả lời câu hỏi này, ông Lâm nói rằng Việt Nam tiếp cận các nước khác với thiện chí, dựa trên sự hiểu biết, tôn trọng lợi ích hợp pháp lẫn nhau.

Ông khẳng định nếu các quốc gia chăm chú lắng nghe nhau, nuôi dưỡng văn hóa đối thoại và thử đặt mình vào vị trí của người khác thì không có vấn đề nào là không thể vượt qua.

Vị lãnh đạo nói rằng nếu các nước có tình hữu nghị khăng khít và hành xử thân thiện với nhau thì có thể đạt được sự thịnh vượng.

"Nếu ông học lớp của tôi thì ông hẳn được điểm A+", Giáo sư Liên Hằng cười và nhận xét về câu trả lời của ông Tô Lâm.

Đáng chú ý, trong phần trả lời của ông Lâm lẫn bài phát biểu, ông dùng cụm từ "chiến tranh ở Việt Nam" và "cuộc chiến ở Việt Nam" để nói về Chiến tranh Việt Nam chứ không dùng cụm "cuộc kháng chiến chống Mỹ" như truyền thông trong nước hay sử dụng.

Hỏi đáp với sinh viên Đại học Columbia

tolam6

Một sinh viên Việt Nam đặt câu hỏi cho ông Tô Lâm tại sự kiện. Ảnh chụp màn hình từ chương trình trực tiếp của Đại học Columbia.

Sau phần tọa đàm với Giáo sư Nguyễn Thị Liên Hằng, ông Tô Lâm lắng nghe và trả lời các câu hỏi đến từ các sinh viên Đại học Columbia, trong đó có một số sinh viên đến từ Việt Nam.

Các câu hỏi tập trung về chính sách và ngoại giao của Việt Nam, bao gồm cả câu hỏi về Biển Đông.

Chia sẻ với các sinh viên, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm cho biết Việt Nam hiện nay đang tập trung tái cấu trúc nền kinh tế để hợp với thời đại. Trọng tâm là chuyển đổi số cũng như các tiến bộ khoa học, công nghệ khác để áp dụng cho xã hội và tái xây dựng mô hình tăng trưởng, qua đó tối ưu năng suất và tính cạnh tranh.

Về vấn đề Biển Đông, ông Tô Lâm nói rằng đây là khu vực nhận được nhiều sự quan tâm của nhiều nước vì có tuyến thương mại hàng hải quan trọng và Việt Nam tuân thủ các cam kết, thỏa thuận liên quan tới khu vực này.

Vị tổng bí thư, chủ tịch nước nhấn mạnh Việt Nam theo đuổi sự hòa bình, ổn định và hợp tác với các nước trong khu vực để đạt được mục tiêu đó.

Ông cũng thừa nhận rằng có tồn tại xung đột, mâu thuẫn trên Biển Đông và cách tốt nhất để giải quyết là thông qua đối thoại, hợp tác. Ông Lâm khẳng định Việt Nam lên án các hành động không tuân thủ luật pháp quốc tế và đe dọa nước khác trên biển.

Kết thúc chương trình, Giáo sư Nguyễn Thị Liên Hằng nói chuyến thăm Đại học Columbia là một sự kiện lịch sử vì ông Lâm là nhà lãnh đạo cộng sản đầu tiên tới phát biểu tại đại học này.

"Tôi đã nói với sinh viên mình rằng nếu bất kỳ ai muốn lấy bằng tiến sĩ, thì đây [chuyến thăm của ông Tô Lâm] chính là đề tài cho bạn", bà Hằng cười và nói.

Tiếng nói phản đối

Sự kiện Đại học Columbia mời ông Lâm tới nói chuyện được coi là "lịch sử", nhưng trong lòng nước Mỹ cũng có những cách nhìn khác.

Hôm 23/9, tổ chức Young America's Foundation - một tổ chức chính trị cánh hữu nổi tiếng của Mỹ - đã đăng tải bài viết nói về buổi nói chuyện của ông Tô Lâm tại Đại học Columbia.

Bài viết cho rằng việc mời ông Tô Lâm đến phát biểu cho thấy sự thiếu quan tâm của một trường đại học hàng đầu như Đại học Columbia đối với các vấn đề như quyền và các nguyên tắc cho phép các nền dân chủ tự do thành công.

Trước đó, trong lá thư gửi tới Tiến sĩ Katrina Armstrong - quyền Hiệu trưởng Đại học Columbia, Dân biểu Michelle Steel bày tỏ mối quan ngại nghiêm trọng khi Đại học Columbia "quảng bá" cho ông Tô Lâm.

Bà Steel cho rằng kể từ khi ông Lâm lên nắm chức tổng bí thư, Đảng cộng sản Việt Nam đã tăng cường áp dụng mô hình đàn áp của Đảng cộng sản Trung Quốc. Vị dân biểu cũng lấy việc kết án nhà báo Phan Vân Bách và việc bỏ tù ông Bùi Tuấn Lâm để làm ví dụ.

Bài viết trên trang web của Young America's Foundation đồng tình với Dân biểu Michelle Steel rằng việc tiếp đón ông Tô Lâm là một ví dụ về sự "thiếu minh bạch về mặt đạo đức" của Đại học Columbia vì "không thể thúc đẩy sự tự do ngôn luận và biểu đạt trong khuôn viên trường trong khi chào đón một trong những nhà lãnh đạo nổi tiếng nhất của chủ nghĩa độc tài".

Bài viết cũng cho rằng đây không phải lần đầu Đại học Columbia "thể hiện sự yêu mến" đối với những kẻ chuyên quyền. Trong năm học 2007-2008, trường đã mời và sau đó tiếp đón ông Mahmoud Ahmadinejad - tổng thống Iran khi đó.

Trên thực tế, các câu hỏi đặt ra cho ông Tô Lâm tại Đại học Columbia đã không đề cập đến các vấn đề như nhân quyền, tự do biểu đạt, các vụ bắt giữ cụ thể, các làn sóng dân tộc chủ nghĩa cực đoan gần đây nhằm vào các tổ chức của Mỹ, như vụ vu khống và cáo buộc trường Đại học Fulbright Việt Nam ươm mầm cho cách mạng màu.

Nguồn : BBC, 25/09/2024

****************************

Ông Tô Lâm gặp các đại diện doanh nghiệp Mỹ, Meta cam kết mở rộng đầu tư vào Việt Nam

RFA, 25/09/2024

Tổng bí thư – Chủ tịch nước Tô Lâm trong cuộc gặp với các đại diện tập đoàn lớn ở Mỹ tại New York đã cam kết sẽ thúc đẩy nền kinh tế số nội địa, kêu gọi các hãng lớn của Mỹ đầu tư vào nghiên cứu ở Việt Nam.

tolam7

Chủ tịch Tô Lam găp ông Nick Clegg - Chủ tịch phụ trách Đối ngoại Toàn cầu của Tập đoàn Meta - ở New York hôm 23/9/2024 - VNN

Ông Tô Lâm gặp gỡ các đại diện tập đoàn Mỹ hôm 23/9 bên lề hội nghị của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc.

Theo báo Nhà nước, tại cuộc gặp giữa ông Tô Lâm với đại diện của Meta (Facebook), Chủ tịch phụ trách Đối ngoại Toàn cầu của Tập đoàn Meta, ông Nick Clegg cho biết tập đoàn này có kế hoạch sản xuất các sản phẩm kính thực tế ảo Metaverse tại Việt Nam.

Ông Tô Lâm đề nghị Meta tiếp tục trao đổi với các cơ quan, đối tác phía Việt Nam, đặc biệt là Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia để thúc đẩy triển khai các hoạt động hợp tác cụ thể trong các lĩnh vực khoa học công nghê, đổi mới sáng tạo, AI, Internet vạn vật (IoT).

Trong cuộc gặp với Phó Chủ tịch phụ trách quan hệ Chính phủ toàn cầu của Tập đoàn Apple, ông Nick Ammann, ông Tô Lâm đề nghị Apple và các đối tác hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam, nâng cao năng lực sản xuất và tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu ; nghiên cứu thành lập trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D) tại Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) ; nghiên cứu khả cung cấp các suất học bổng tài năng cho các sinh viên Việt Nam trong lĩnh vực công nghệ thông tin, lập trình, điện tử, bán dẫn, trí tuệ nhân tạo (AI)….

Tại một diễn đàn doanh nghiệp nằm trong loạt sự kiện được tổ chức ở New York nhân chuyến làm việc này, ông Tô Lâm đã ký một loạt các thỏa thuận hợp tác với các tập đoàn năng lượng, trí tuệ nhân tạo và trung tâm dữ liệu của Mỹ, theo thông tin từ Chính phủ Việt Nam.

Trong các thỏa thuận được ký kết có bản ghi nhớ về chuyển giao công nghệ giữ Tập đoàn Kellogg Brown & Root và PetroVietnam, hợp tác khí hóa lỏng giữa PetroVietnam và Exelerate Energy, xây dựng trung tâm dữ liệu và trí tuệ thông minh giữa Tập đoàn Sovico và Supermicro.

Nhân dịp này, Tập đoàn Vietjet của tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo đã ký thỏa thuận hợp tác 1,1 tỷ đô la với Honeywell Aerospace Technologies. Theo đó, công ty của Mỹ sẽ cung cấp các thiết bị điện tử hàng không và dịch vụ kỷ thuật hàng không cho đội tàu bay của Vietjet.

Nguồn : RFA, 25/09/2024

****************************

Những nhận định trước thềm cuộc gặp của hai lãnh đạo Việt - Mỹ

RFA, 24/09/2024

Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden dự kiến sẽ gặp Tổng bí thư - Chủ tịch nước Việt Nam Tô Lâm vào thứ tư, ngày 25/9, theo Reuters. Các nhà quan sát cho rằng, cuộc gặp này cũng như nhiều động thái xung quanh nó báo hiệu ông Tô Lâm có thể có những cải cách mạnh mẽ trong tương lai.

tolam8

Tổng bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm phát biểu tại lễ kỷ niệm một năm Việt - Mỹ nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược Toàn diện, New York, ngày 22/9/2024 - TTXVN

Từ hợp tác công nghệ tới cải cách 

Trong bài phát biểu tại Đại hội đồng Liên Hiệp quốc, Tổng bí thư - Chủ tịch nước Tô Lâm kêu gọi các nước lớn chia sẻ thành tựu phát triển khoa học công nghệ. Thực tế, ai cũng biết khoa học công nghệ là yếu tố quyết định sự thành bại trong cuộc cạnh tranh giữa các quốc gia. Hoa Kỳ sẽ không thể chia sẻ các công nghệ nguồn, công nghệ cốt lõi cho những nước thân thiết với Trung Quốc, hoặc những nước có nguy cơ chia sẻ công nghệ cho Trung Quốc mà không phải là đồng minh, hoặc ít nhất không phải là "đối tác đáng tin cậy" của họ. Vậy lời kêu gọi chia sẻ khoa học công nghệ của ông Tô Lâm có phải là chỉ dấu cho thấy ông muốn làm cải cách hay không ? Nếu ông làm cải cách thì đó có thể là gì ? 

Trao đổi với RFA, Luật sư Vũ Đức Khanh từ Canada chia sẻ góc nhìn của ông : 

"Đối với cá nhân tôi thôi, có một điều tôi có thể khẳng định ngay, là ông Tô Lâm là một nhà cải cách lớn của Việt Nam, trong giai đoạn từ đây đến 2030. Mặc dù điều này có thể còn quá sớm, nhưng tôi nghĩ sau này ông ấy có thể được mệnh danh là một nhà cải cách, xứng danh với ông Nguyễn Văn Linh, ông Võ Văn Kiệt. 

Tôi thấy sau khi tiếp quản chức tổng bí thư Đảng cộng sản Việt Nam mà ông Nguyễn Phú Trọng để lại sau khi ra đi thì ông ấy thường nhắc đến cụm từ như là chỉ dấu cho thời đại mới của ông ấy là "Việt Nam đang đứng trước kỉ nguyên mới". Trong kỉ nguyên mới ấy, ông ấy muốn để lại dấu ấn quan trọng như một nhà cải cách. Trong các bài phát biểu, đặc biệt trong bài diễn văn hội nghị Trung ương 10, thì ông đều nhấn mạnh đến cải cách thể chế, cải cách lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất. Đặc biệt, ông muốn cải cách mối quan hệ giữa các thành tố trong xã hội là "Đảng lãnh đạo, nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ", nhưng ông có thể muốn đưa nhân dân lên ở vị trí đầu tiên. 

Về lý do ông Tô Lâm kêu gọi "chia sẻ thành tựu khoa học công nghệ", nhà nghiên cứu Hoàng Việt ở Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, đó là mối quan tâm của ông Tô Lâm từ lâu. Một trong những bài phát biểu đầu tiên của ông Tô Lâm khi đăng quang chủ tịch nước là kêu gọi chuyển đổi số. Theo ông Hoàng Việt, ngay từ thời Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, ông Tô Lâm đã được đánh giá là có đầu óc cấp tiến. Ưu tiên phát triển công nghệ sẽ dẫn đến nhu cầu cải cách. Ông giải thích : 

"Những quốc gia như Việt Nam cần tốc độ phát triển nhanh để bắt kịp các quốc gia phát triển. Một trong những động lực thúc đẩy tốc độ phát triển là khoa học công nghệ. Như Tổng bí thư Tô Lâm nói là nếu khoa học công nghệ phát triển thì bắt buộc quan hệ sản xuất phải phát triển theo, nghĩa là hệ thống chính trị, pháp luật, chính sách phải thay đổi theo cho phù hợp. Có lẽ chúng ta có thể hiểu vấn đề như vậy". 

Nhà nghiên cứu Hoàng Việt chỉ ra là ông Tô Lâm gần đây nhiều lần kêu gọi Việt Nam phải phát triển lên thành cường quốc tầm trung. Ông cũng kêu gọi cải cách thể chế. Vậy cải cách thể chế nghĩa là thế nào ? Theo nhà nghiên cứu Hoàng Việt, chắc chắn là rồi đây các nhà nghiên cứu Việt Nam sẽ giải mã vấn đề này. Còn theo cách hiểu của ông Hoàng Việt thì "cải cách thể chế" ở đây không phải là chuyển sang thể chế chính trị khác. Nhiều năm qua, Việt Nam có nhiều thành tựu về kinh tế và chống tham nhũng, nhưng có nhiều hệ lụy, trong đó có vấn đề bộ máy hành chính bị xơ cứng. Nhiều người sợ trách nhiệm, khiến cho bộ máy chính trị không đáp ứng yêu cầu. Do đó, đây là ưu tiên trước mắt trong tiến trình cải cách của ông Tô Lâm.

Tại sao gặp ở New York mà không phải Nhà Trắng ?

Trao đổi với RFA, nhà nghiên cứu Hoàng Việt ở Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng cùng với chuyến thăm Lào, Campuchia, Trung Quốc trước đó, chuyến làm việc tại Liên Hiệp quốc của ông Tô Lâm giống như một sự ra mắt quốc tế của vị nguyên thủ vừa nhậm chức chưa lâu. Ông phân tích :

"Thế nhưng cuộc làm việc tại Liên Hiệp quốc lại không được chú ý nhiều bằng cuộc gặp với Tổng thống Mỹ Biden. Sau khi Tổng bí thư - Chủ tịch nước Tô Lâm đã có cuộc gặp Tổng bí thư - Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình, nếu Tổng bí thư - Chủ tịch nước Tô Lâm có cuộc gặp chính thức với Tổng thống Biden ở Nhà Trắng thì đó sẽ là một tiếng vang lớn, khi mà người lãnh đạo cao nhất Việt Nam đã gặp cả hai cường quốc. 

Tuy nhiên, nhiều người đã không được hào hứng lắm trước cuộc gặp của ông Biden với Tổng bí thư - Chủ tịch nước Tô Lâm vì đó không phải là cuộc gặp chính thức cấp nhà nước, theo thông tin chính thức, mà là cuộc gặp bên lề hội nghị thượng đỉnh tại Liên Hiệp quốc. 

Mặc dù đây không phải là cuộc gặp chính thức cấp nhà nước nhưng nói cho cùng thì hai nhà lãnh đạo đã gặp nhau và trao đổi nhiều vấn đề. Điều đó cho thấy cả hai rất coi trọng mối quan hệ của nhau".

Vậy tại sao ông Biden và Tô Lâm chưa có cuộc gặp chính thức ? Theo nhà nghiên cứu Hoàng Việt, cả Việt Nam và Hoa Kỳ đang bận rộn với các vấn đề đối nội. Mỹ đang bước vào cuộc bầu cử tổng thống ở giai đoạn chạy nước rút. Hai ứng viên Donald Trump và Kamala Harris đang chỉ trích lẫn nhau. Nếu phía ông Trump tấn công cuộc gặp của ông Biden và ông Tô Lâm thì sẽ không hay cho cả hai. Ông phân tích tiếp : 

"Nếu ông Biden đón thì có nguy cơ phía ông Donald Trump sẽ chỉ trích và thậm chí có thể có những lời không hay với phía Việt Nam. Vì vậy phía ông Biden có thể không muốn vì tác động không tốt cho quan hệ hai bên. Vì vậy hai bên đã không thiết lập một cuộc gặp chính thức. Nhưng cuối cùng hai bên vẫn gặp nhau ở New York. Hai nước có tiềm năng phát triển rất lớn vì Việt Nam coi trọng quan hệ với Mỹ và Mỹ cũng coi trọng quan hệ với Việt Nam. Hai bên đều tìm thấy những điểm chung và có nhu cầu phát triển mối quan hệ lên một mức độ mới".

Nhà nghiên cứu Hoàng Việt cũng nhấn mạnh sau khi nâng cấp quan hệ được một năm thì cả Việt Nam và Hoa Kỳ vẫn còn nhiều việc chưa làm được. Cả hai phía đều đang bận rộn củng cố các vấn đề nội bộ. Việt Nam đang bước vào giai đoạn mới, với sự thay đổi về nhân sự cấp cao, còn phía Mỹ thì bước vào giai đoạn bầu cử lãnh đạo mới. Do đó, ông Hoàng Việt cho rằng :

"Có lẽ hai bên đang tập trung vào vấn đề nội bộ nhiều hơn. Tôi nghĩ là sang năm 2025, đặc biệt là sau 2026, khi đại hội Đảng 14 kết thúc, thì chính là thời gian để hai phía Việt Mỹ thúc đẩy mối quan hệ lên một tầm cao mới hơn. 

Theo một quan chức ngoại giao Mỹ nói với tôi thì dù sắp tới tổng thống Mỹ là ai, dù là ông Donald Trump hay bà Kamala Harris thì cũng sẽ có một chuyến thăm đến Việt Nam. Và như vậy đó sẽ là cơ hội cho hai bên thúc đẩy quan hệ lên". 

Đối nội và đối ngoại

Vẫn xung quanh chuyến đi New York của ông Tô Lâm, Luật sư Vũ Đức Khanh cho rằng đó là chuyến đi quan trọng với rất nhiều phía.

Do đó, theo Luật sư Vũ Đức Khanh, bên cạnh Tổng thống Mỹ, nếu ông Tô Lâm gặp gỡ lãnh đạo các nước khác như Anh, Úc, Ấn, Nhật thì cũng tăng cường vị thế của Việt Nam :

"Đối với đại đa số người dân trong nước, cuộc gặp của ông Tô Lâm với ông Biden, dù chỉ 15 - 20 phút thì ông cũng trở nên quan trọng với người dân, vì người dân rất mong Việt Nam phát triển quan hệ với Hoa Kỳ một cách mật thiết.

Đồng thời, đối với các lực lượng khác nhau trong Đảng cộng sản Việt Nam, họ cũng muốn ông ấy cho họ thấy ông có khả năng phát triển quan hệ với lãnh đạo Hoa Kỳ và phương Tây. Đó là vấn đề có tầm quan trọng nhất". 

Theo Luật sư Vũ Đức Khanh, trọng tâm của chuyến đi lần này của ông Tô Lâm có ba hồ sơ quan trọng. Thứ nhất là hồ sơ vị thế chính trị ngoại giao của Việt Nam trên trường quốc tế. Thứ hai là hồ sơ về hợp tác an ninh quốc phòng. Hồ sơ thứ ba là hợp tác kinh tế, trong đó có hợp tác khoa học kỹ thuật, công nghệ mới, kinh tế xanh, kinh tế số.

Đến thời điểm này, những hợp tác trong ba lĩnh vực trên vẫn chưa được như Việt Nam mong đợi. Nhưng những thông báo của Nhà Trắng cho biết ông Biden sẽ gặp ông Tô Lâm ở New York vào ngày 25 tháng Chín, điều đó khẳng định vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. "Điều đó cũng vô cùng quan trọng đối với đối nội", Luật sư Vũ Đức Khanh chia sẻ với RFA từ Canada.

Nguồn : RFA, 24/09/2024

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: RFA, BBC
Read 285 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)