Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

26/09/2024

Vấn đề hòa giải dân tộc

Trương Nhân Tuấn

Nhân cuộc gặp gỡ giới giáo sư và các sinh viên tại diễn đàn Đại học Columbia, ông Tô Lâm đã trả lời câu hỏi của Giáo sư Nguyễn Thị Liên Hằng về vấn đề "hòa giải" giữa hai phe Việt Nam trong chiến tranh 54-75. Giáo sư Hằng đã "rào trước đón sau" bằng lời nói trứ danh của ông Kiệt về ngày 34 tháng Tư "có triệu người vui thì cũng có triệu người buồn".

hoagiai1

Bà Nguyễn Liên Hằng (bên trái), giáo sư môn lịch sử, điều hợp buổi hội thảo và hỏi đáp với ông Tô Lâm là diễn giả tại đại học Columbia, ngày 23/09/2024. (Columbia Spectator)

Câu hỏi thắng thắn của Giáo sư Hằng đến ông Tô Lâm là :

"Dưới sự lãnh đạo của mình, ông sẽ làm gì để thúc đẩy sự hòa giải giữa những người Việt Nam ?"

Rất tiếc ông Tô Lâm chỉ nói "ngoài lề" mà không một tiếng nào đề cập tới từ "hoài giải".

Thái độ của ông Tô Lâm nói lên điều gì ?

Đó là chưa bao giờ, từ ngày 30 tháng Tư năm 1975, Đảng cộng sản Việt Nam có một chính sách về "hòa giải" đối với người dân Việt Nam Cộng Hòa cũ. Mặc dầu vấn đề "hòa giải và hòa hợp dân tộc" là một nội dung cốt lõi của Hiệp định Paris 1973. Các bên Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa, Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam và Việt Nam Cộng Hòa đều đã long trọng ký vào Hiệp ước này.

Tức là những gì tôi khẳng định từ nhiều năm nay là đúng : Đảng cộng sản Việt Nam chưa bao giờ có chính sách muốn "hòa giải" với ai hết cả.

Nhiều lần tôi nhấn mạnh việc nhiều người Việt (trong nước và hải ngoại) chụp mũ những người Việt Nam có chủ trương "hòa giải hòa hợp dân tộc" là Việt Cộng là không có căn cứ.

Những người này chỉ chụp mũ khơi khơi mà không có bằng chứng nào hết cả.

Cá nhân tôi cũng có chủ trương nhà nước cộng sản Việt Nam phải ra chính sách "hòa giải quốc gia". Phải có một bộ Luật về "hòa giải quốc gia".

Để làm gì ?

Có nhiều lý do mà lý do (thực dụng) hơn hết là để khẳng định chủ quyền biển đảo (tại Hoàng Sa và Trường Sa).

hoagiai2

Cột mốc chủ quyền Việt Nam Cộng Hòa trên quần đảo Trường Sa năm 1956

Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa qua công hàm 1958 đã nhìn nhận chủ quyền Hoàng Sa và Trường Sa là của Trung Quốc. Mọi chuyện "nói ngược" đều vi phạm nguyên tắc "estoppel".

Việt Nam chỉ còn một phương pháp duy nhứt để khẳng định chủ quyền biển đảo là "kế thừa danh nghĩa Việt Nam Cộng Hòa".

Mà việc "kế thừa", Giáo sư Công pháp quốc tế Joelle Duy Tân Nguyễn trong luận án của bà có đặt vấn đề : Làm cách nào Việt Nam hôm nay có thể kế thừa di sản Việt Nam Cộng Hòa khi họ vẫn luôn giữ quan niệm Việt Nam Cộng Hòa là "ngụy" ?

Vì vậy tôi mới đề nghị, như đã viết trên, là Việt Nam phải ra luật về "hòa giải quốc gia". Mục đích để khẳng định chủ quyền lãnh thổ.

Những lập trường khác để thúc đẩy quá trình "hòa giải hòa hợp dân tộc" đều hữu ích cho dân tộc Việt Nam.

Một quốc gia không thể phát triển nếu trong nội bộ quốc gia đó luôn có mâu thuẫn, chống đối. Việt Nam đã không thể phát triển, mặc dầu Việt Nam có thừa khả năng để phát triển, thành rồng, thành cọp, tương đương với Nam Hàn, Đài Loan...

Việt Nam không thể phát triển là do phân hóa từ nội tại

Dĩ nhiên "nước lạ" sẽ luôn tìm cách để nuôi dưỡng sự thù hận lẫn nhau giữa những người Việt Nam. Việt Nam càng yếu thì Việt Nam càng lệ thuộc vào "nước lạ".

Vì vậy, lần nữa, tôi yêu cầu lãnh đạo Việt Nam cần phải suy nghĩ lại, vì lợi ích của đất nước và của cả dân tộc.

Việt Nam phải có một chính sách về "hòa giải quốc gia". Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam hiện này phải "kế thừa danh nghĩa" Việt Nam Cộng Hòa để khẳng định chủ quyền biển đảo.

Hòa giải là điều cần phải thực hiện để hóa giải mọi mâu thuẫn giữa người Việt với quốc gia, về bất cứ lãnh vực nào.

Có vậy Việt Nam mới có thể phát triển lành mạnh, không lệ thuộc vào đâu hết cả.

Trương Nhân Tuấn

Nguồn : nhantuan.truong, 25/09/2024

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Trương Nhân Tuấn
Read 184 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)