Khuôn mặt của cả hai mẹ con : Chị H Bleng Nie và con trai Y An Dri Nie, tức Henry, toát lên vẻ buồn rầu trong suốt cuộc nói chuyện.
Hai mẹ con đã quyết định trốn khỏi Việt Nam, tìm đường sang Thái Lan từ ngày 8/12/2020, nhưng cho tới giờ đã gần 4 năm, họ vẫn chưa được Liên Hiệp Quốc cấp giấy tỵ nạn chính trị vì bị đàn áp tôn giáo. Chị H Bleng Nie vẫn chưa được phỏng vấn, còn Henry đã được người của Liên Hiệp Quốc phỏng vấn, cho tới tháng 12 này sẽ là một năm, nhưng chưa có kết quả. Từ ngày sang Thái Lan tới giờ hai mẹ con cũng không thể đi làm bất cứ việc gì để mưu sinh bởi vì vẫn chưa có giấy tờ chính thức, nếu đi làm mà bị cảnh sát Thái bắt thì sẽ bị trục xuất về Việt Nam. Mà về Việt Nam thì khả năng bị tù rất cao. Bên cạnh đó là nỗi buồn vì người chồng, người bố của họ, anh Y Pum Bya, đang phải thụ án tù lần thứ hai với bản án 14 năm, cũng chỉ vì muốn thực hành và truyền đạo Tin Lành một cách độc lập chứ không chịu ở trong hệ thống quốc doanh của nhà nước.
Câu chuyện của gia đình anh Y Pum Bya là một câu chuyện rất thường xảy ra dưới chế độ độc tài đảng trị ở Việt Nam, nhưng lại không thể hiểu nổi, dưới cái nhìn của quốc tế…
Y Pum Bya tại nhà riêng ở Đắk Lắk cùng con trai Y An Dri Nie vào năm 2014 (hình bên trái). Vợ của Y Pum Bya, H Bleng Nie, và con trai, Y An Dri Nie tại Thái Lan vào năm 2022 (hình bên phải).
***
Anh Y Pum Bya – 2 lần bị tù, tổng cộng 22 năm, gia đình bị sách nhiễu không yên
Chị H Bleng Nie, người Ê đê, sinh năm 1969, trong một gia đình có 6 người con – 1 trai 5 gái mà chị là người con thứ hai. Như hầu hết các gia đình người Ê đê khác, gia đình chị sống bằng nghề nông, tuy nhiên chị cũng được đi học tới lớp 9. Năm 1986 chị lập gia đình với anh Y Pum Bya, cũng người Ê đê. Lúc đầu họ sống ở huyện Cư Mgar, tỉnh Đắk Lắk, năm 1991 họ chuyển đến sống ở buôn Kmien, xã Ea Drông, thị xã Buôn Hồ, tỉnh Đắk Lắk. Từ khi chung sống, hai vợ chồng tiếp tục nghề nông, trồng trọt và chăn nuôi heo, gà. Rồi lần lượt 7 người con ra đời, 3 trai 4 gái, lớn nhất là H Ngem Nie, sinh năm 1987 và nhỏ nhất là Y An Dri Nie, sinh năm 2001.
Trước khi xảy ra câu chuyện bị tù đày, vợ chồng anh Y Pum Bya đã tin Chúa, bản thân anh đã có những hoạt động truyền giảng cùng với một vị mục sư khác ; và anh Y Pum Bya cùng 4 người khác đã từng bị bắt và giam giữ 10 ngày tại huyện Cư Mgar vào ngày lễ Giáng Sinh 25/12/1990 với cáo buộc tụ tập bất hợp pháp khi sinh hoạt tôn giáo tại nhà.
Năm 2001 Tây Nguyên xảy ra những cuộc biểu tình lớn của đồng bào các sắc dân bản địa đòi trả lại đất đai tổ tiên và quyền tự do tôn giáo. Người Thượng cáo buộc đất đai tổ tiên của họ bị chuyển đổi thành các đồn điền cà phê của người Việt, phản đối di dân người Việt và các sắc dân khác thuộc vùng trung du và miền núi phía Bắc đến tái định cư, làm ăn, xây dựng các dự án thủy điện tại đây. Họ mong muốn thực hành đạo Tin Lành một cách tự do và từ chối Giáo hội Tin Lành Việt Nam do đảng cộng sản Việt Nam kiểm soát.
Cuộc biểu tình lớn đầu tiên diễn ra vào ngày 2-3/2/2001 tại nhiều buôn làng khác nhau và tại trung tâm thành phố Buôn Ma Thuột. Số người tham gia biểu tình tại các tỉnh Gia Lai, Đắk Lắk, Kon Tum tổng cộng xấp xỉ 10.000 người. Cuộc biểu tình đã bị đàn áp dữ dội. Ngoài lực lượng công an, dân phòng tại chỗ, nhà cầm quyền Việt Nam đưa cả lực lượng cảnh sát, quân đội từ trung ương tới, cả máy bay trực thăng, xe tải… tiếp cận hiện trường.
Không ai biết được chính xác bao nhiêu người dân đã bị giết, bị bắt, bị bỏ tù, chỉ phỏng đoán hàng trăm, hàng ngàn người, ngoài ra là hàng ngàn người khác bỏ chạy trốn sang Campuchia, Thái Lan.
Anh Y Pum Bya không tham gia trong các cuộc biểu tình lớn năm 2001 nhưng vì quan tâm đến vấn đề tự do tôn giáo, anh viết một cái thư gửi tới chính quyền đòi tự do tôn giáo. Vì nội dung bức thư trùng một phần với nội dung những người biểu tình đòi hỏi nên anh bị bắt, bị ghép tội chung luôn.
Anh bị bắt ngày 28/2/2002, khi đó con trai út chỉ mới có 2 tháng, và bị giam ở trại giam Công an tỉnh Đắk Lắk ở Buôn Ma Thuột. Sau này anh có kể với gia đình thời gian bị tạm giam anh bị đánh đập, tra tấn rất nhiều. Sau 10 tháng bị tạm giam, ngày 25/12/2002 anh bị đưa ra xét xử tại Tòa án nhân dân tỉnh Đắk Lắk. Chị H Bleng Nie cho hay, gia đình có tham dự phiên tòa, có khoảng 7, 8 người bị xử, toàn là người Ê đê.
Anh Y Pum Bya bị cáo cuộc tội : ‘Phá hoại chính sách đoàn kết’ và bị kết án 8 năm tù giam và 4 năm quản chế. Sau đó anh được đưa về giam ở trại giam Nam Hà, xã Ba Sao, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam.
Từ khi chồng bị bắt rồi bị kết án tù dài hạn, một mình chị H Bleng Nie vất vả làm nông nuôi 7 người con. Cứ 2, 3 tháng chị lại gom góp đi thăm nuôi chồng một lần, khi nào không có tiền đi thì chỉ gửi đồ.
Ở trong tù, ngoài điều kiện lao tù vô cùng khắc nghiệt, tàn ác đối với tù nhân lương tâm, tù nhân chính trị, những người tù còn phải lao động mà lao động có thi đua, ai làm không tốt thì sẽ bị phạt cách này cách khác. Công việc lao động đó là làm mây tre đan lát theo đơn đặt hàng từ bên ngoài để bán, xuất khẩu, nhưng người tù tất nhiên là không được lãnh đồng nào.
Ở nhà, ngoài việc lao động vất vả để nuôi con, chị H Bleng Nie và gia đình còn bị công an, chính quyền địa phương thường xuyên theo dõi, hạch xách. Khổ cực trăm bề nhưng chị cũng ráng cho các con học hành kiếm cái chữ. 7 người con, người thì học hết lớp 9, người lớp 11, 12. Con trai út Henry thì học tới hết lớp 9. Nhưng rồi cũng không ai có công ăn việc làm gì, toàn làm nông. Đất nhà chỉ có 1,8 ha, chia cho các con, không đủ thì đi làm thuê cho các công ty trong vùng.
Anh Y Pum Bya được trả tự do sớm hơn thời hạn 5 tháng và ra tù ngày 25/7/2009. Nhưng sau khi ra tù anh tiếp tục bị chính quyền địa phương giám sát chặt chẽ trong thời gian 4 năm quản chế. Anh phải viết báo cáo tự kiểm điểm, thường xuyên bị triệu tâp lên đồn làm việc và bị hạch hỏi, hành hung, đánh đập trong những buổi làm việc này chỉ vì có những hoạt động thờ phượng Chúa tại nhà. Thật ra, theo lời chị H Bleng Nie, sau khi ở tù ra người ta không cho sinh hoạt tại nhà thờ của Hội thánh Tin Lành Miền Nam Việt Nam, họ nói người nào đã vi phạm pháp luật là không được nhận vào sinh hoạt, vợ chồng sau đó tách ra luôn.
Vào năm 2017, anh Y Pum Bya đi học Kinh thánh tại Hội thánh Tin lành tại quận Phú Nhuận, thành phố Sài Gòn. Sau khi theo học được 1 năm rưỡi, anh Y Pum Bya cùng vài người khác được giao nhiệm vụ thành lập Hội thánh Tin lành Phúc Âm tại nhà riêng của anh ở Buôn Kmien, nhưng chưa đủ để gọi là mục sư mà mới là nhà truyền đạo. Một số bà con trong buôn cũng theo đến nghe giảng đạo. Công an cho mời lên mời xuống nhiều lần, cấm anh không được thờ phượng Chúa trong nhà và có những hoạt động truyền đạo nhưng anh không bỏ, vì vậy ngày 10/4/2018 anh bị bắt lần thứ hai.
Trong thời gian bị tạm giữ, điều tra, anh Y Pum Bya lại bị đánh đập dã man khiến anh bị thương nhiều chỗ và bị thương nặng ở đầu, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe. Sau 9 tháng bị tạm giam, ngày 31/01/2019, anh Y Pum Bya lại bị đưa ra xét xử tại Tòa án nhân dân tỉnh Đắk Lắk và bị tuyên án 14 năm tù.
Lần thứ hai này anh bị đưa đến trại giam Gia Trung ở tỉnh Gia Lai. Tiếp tục những chuỗi ngày bị đày đọa trong ngục tù cộng sản. Trại giam ở xa hơn, phải đi xe đò 3 tiếng đồng hồ mới tới. Mỗi lần đi thăm tốn khoảng 5 triệu đồng Việt Nam, chị H Bleng Nie phải bán heo, gà, góp tiền các thứ, nhà nghèo nên cũng chỉ đi thăm một năm được 2 lần. Lần bị giam này anh được phép gọi điện thoại về nhà nhưng phải trả tiền, cứ 200.000 đồng/10 phút. Sức khỏe cả thể chất lẫn tinh thần, tâm thần bị sa sút nặng nề, mỗi lần gọi về anh lại bảo con đi mua thuốc rối loạn tiền đình, hoại huyết chóng mặt đau đầu, đau lưng, mỏi, tê chân tay, v.v…
Sau khi anh Y Pum Bya bị giam giữ, công an tiếp tục xách nhiễu, khủng bố tinh thần những người còn lại trong gia đình, nhất là vợ anh, chị H Bleng Nie và con trai út là Y An Dri Nie tức Henry. Cả hai thường xuyên bị triệu tập, bị ép phải từ bỏ đức tin và bị cấm tụ tập để thờ phụng Chúa. Họ cũng bị đá, bị tát rất mạnh. Nhiều lần hai mẹ con bị thẩm vấn, bị hành hung như vậy. Công an liên tục nói đi nói lại rằng tôn giáo mà gia đình chị đang theo là một giáo phái không được chính phủ công nhận và bị cấm đoán vì có những liên kết chính trị với bên ngoài, rằng nếu họ không từ bỏ thì sẽ bị bắt tù giống như chồng, cha của họ.
Bỏ trốn khỏi Việt Nam và cuộc sống bấp bênh, mòn mỏi của hai mẹ con chị H Bleng Nie ở Thái Lan
Quá mệt mỏi và sợ hãi, ngày 8/12/2020 cả hai mẹ con đã bỏ trốn khỏi Việt Nam, tìm đường sang Campuchia rồi sang Thái Lan để xin tỵ nạn. Lúc đi bộ, lúc đi xe, không có người hướng dẫn, khi hai mẹ con đến biên giới Thái Lan - Campuchia vào ngày 10/12/2020 thì bị cảnh sát Thái Lan bắt.
Sau đó, hai mẹ con cùng với vài người khác cũng tìm đường sang Thái Lan để xin tỵ nạn, được đưa đến Trung tâm giam giữ người nhập cư Thái Lan (Immigration Detention Center of Thailand, viết tắt IDC) ở Bangkok và bị giam giữ tại đây trong thời gian một năm và hơn 3 tháng.
Trong thời gian này, chị H Bleng Nie đã tìm cách gửi những giấy tờ, bằng chứng về trường hợp của mình cho Cao ủy Liên Hiệp Quốc về người tị nạn (United Nations High Commissioner for Refugees, viết tắt UNHCR), cũng như tìm cách kết nối với các tổ chức xã hội dân sự phụ trách các vấn đề nhân quyền khác. Sau khi nhận được các giấy tờ của chị, UNHCR đã gọi cho hai mẹ con và sơ vấn qua điện thoại. Sau đó thì họ có phỏng vấn Henry vào ngày 15/11/2023. Tuy nhiên, cho đến nay UNHCR chỉ cung cấp cho họ giấy tờ xin tị nạn tạm thời và vẫn chưa cung cấp cho họ thẻ tị nạn chính thức.
Ngày 30/3/2022, với sự hỗ trợ của Mục sư người Thái Ajan Pornchai, cả hai mẹ con đã được ra khỏi nơi giam giữ và trú ẩn tại nhà thuê của một người quen. Từ đó đến giờ, cả hai không thể đi làm gì để mưu sinh mà cũng không có được sự hỗ trợ của tổ chức nào, chỉ đi xin người này người kia hoặc xin gạo từ thiện của nhà thờ Tin Lành nơi họ thường đến để nghe giảng đạo.
Ở nhà, việc đi thăm nuôi người chồng, người cha đang bị tù đày đành giao lại cho những người con khác. Thông qua các con, chị H Bleng Nie được biết tình trạng sức khỏe của chồng rất sa sút, trong khi hai mẹ con ở đây và không biết tương lai rồi sẽ như thế nào. Họ chỉ có môt ước muốn là được "thoát ra khỏ chỗ khổ này", đi định cư ở một nước thứ ba và được các tổ chức quốc tế vận động kêu gọi để nhà nước Việt Nam trả tự do cho chồng, cha của họ được đoàn tụ với gia đình.
Người Thượng ở Tây Nguyên -- khi quê hương không còn là nơi có thể sống
Câu chuyện của gia đình anh Y Pum Bya chỉ là một trong vô số câu chuyện tương tự của người Thượng ở Tây Nguyên cũng như các sắc dân bản địa và dân tộc thiểu số khác dưới chế độ độc tài toàn trị của Đảng cộng sản Việt Nam.
Đối với người Thượng ở Tây Nguyên, từ sau ngày 30/4/1975 cho tới nay, họ đã phải chịu những khổ nạn lớn :
1. Mất đất : Đất đai của người Thượng do ông bà tổ tiên để lại đã bị nhà cầm quyền cướp để cho các công ty của Trung Quốc hoặc của giới tư bản đỏ người Việt xây đồn điền, công ty, mặt khác lại thêm chính sách đưa người Kinh ở các tỉnh miền Trung phía Bắc như Nghệ An, Thanh Hóa… và các sắc dân bản địa, dân tộc thiểu số vùng trung du và miền núi phía Bắc đến tái định cư, khiến người Thượng ở Tây Nguyên bị đẩy vào rừng sâu, vào những khu vực đất đai khô cằn hơn. Không còn đủ đất để canh tác, đồng bào phải đi làm thuê cho các công ty của Trung Quốc hoặc của các tập đoàn đại gia tư bản đỏ và bị bóc lột sức lao động với đồng lương rẻ mạt.
2. Mất rừng : Người Thượng ở Tây Nguyên rất gắn bó với thiên nhiên, với rừng. Với họ, rừng là nơi trú ẩn, là nguồn sống, là hồn thiêng che chở, nhưng bao nhiêu năm qua nạn tàn phá rừng với tốc độ kinh hoàng đã lấy mất đi bao nhiêu diện tích rừng phòng hộ, rừng nguyên sinh ở khu vực Tây Nguyên khiến cho thiên tai bão lũ, sạt lở… thêm nghiêm trọng, đồng thời cuộc sống của người bản địa ở đây càng thêm nghèo khó, cơ cực vì mất đi bao nhiêu sản vật của rừng ban tặng.
3. Bị cấm đoán, đàn áp về tôn giáo : Mọi tổ chức tôn giáo độc lập, mọi hoạt động thực hành tín ngưỡng nằm ngoài hệ thống tôn giáo quốc doanh do nhà nước kiểm soát đều bị ngăn cấm, đàn áp, bắt bỏ tù với những bản án hết sức nặng nề, phi nhân. Trong số hàng trăm, hàng ngàn người Việt đang chờ xin tỵ nạn tại Thái Lan, hoặc đã đi định cư nước thứ ba trong hàng chục năm qua, phần lớn là đồng bào bản địa, dân tộc thiểu số.
Chưa kể, người Thượng ở Tây Nguyên và các sắc dân bản địa, dân tộc thiểu số khác còn phải chịu những chính sách bất công, thiệt thòi về điều kiện, chất lượng cuộc sống thua kém hẳn so với người Kinh ở đồng bằng, ở thành phố, thua kém rất nhiều về điều kiện học hành, công ăn việc làm, cơ hội tiến thân… Cũng như chính sách đồng hóa qua bao nhiêu năm.
Thứ nhất là ngôn ngữ. Chẳng hạn như người Ê đê, chị H Bleng Nie và con trai cho biết, đến trường thì chỉ được học tiếng Việt, không ở đâu có lớp dạy tiếng Ê đê, họ học tiếng Ê đê là từ Kinh thánh do các mục sư người Ê đê dạy. Mọi phong tục tập quán đều chẳng còn được bao nhiêu.
Nếu như trước năm 1975, người Thượng ở Tây Nguyên trong đó có người Ê đê vẫn còn ở nhà sàn, mỗi buôn đều có một nhà sàn rất lớn, rất dài để đồng bào sinh hoạt chung với nhau, dưới sự hướng dẫn của các già làng, thì bây giờ nhà sàn bình thường để ở có nơi vẫn còn nhưng không còn những nhà sàn dài và những sinh hoạt như vậy nữa, chỉ lâu lâu chính quyền tổ chức mít-tinh, hội họp trong các Nhà Văn Hóa xây theo kiểu nhà của người Kinh.
Nếu như trước kia người Thượng ở Tây Nguyên có những lễ hội, phong tục tập quán đặc sắc thì bây giờ không còn gì, mọi dụng cụ âm nhạc truyền thống nhà nào nếu có đều bị nhà cầm quyền tịch thu cho vào bảo tàng, đám ma đám cưới muốn có âm nhạc hoặc muốn tổ chức bất cứ cái gì cũng phải làm đơn xin chính quyền, chỉ riêng chính quyền là được phép tổ chức lễ hội.
Người viết bài này khi còn ở Việt Nam từng có kinh nghiệm mỗi lần làm phim tài liệu về các sắc dân bản địa thì tìm một ngôi nhà sàn không ra, phải vào khu du lịch nào ở vùng này có trưng bày nhà sàn mà quay, lễ hội cũng phải dàn dựng lại, áo quần, dụng cụ âm nhạc thì vào mượn ở bảo tàng…
Nếu như trước kia đồng bào có tự do tôn giáo, đời sống tâm linh, đời sống tinh thần khá là phong phú thì bây giờ đại đa số đồng bào ngoài giờ đi làm thuê, làm rẫy là chỉ về nhà, hoặc cuối tuần đi sinh hoạt tôn giáo trong hệ thống tôn giáo quốc doanh, thế thôi. Ngay cả cụm từ "dân tộc bản địa, người bản địa" (indigenous people) nhà nước cộng sản Việt Nam cũng không bao giờ dùng mà chỉ dùng cụm từ "dân tộc thiểu số (ethnic minorities) vì họ khăng khăng không chịu thừa nhận có người bản địa ở Việt Nam, trong khi ai cũng biết các dân tộc như người Thượng ở Tây Nguyên, người Chăm, người Khmer Krom, Mường… là người bản địa.
Những cuộc biểu tình lớn ở Tây Nguyên vào những năm 2001, 2004 cho tới mới đây nhất, vụ nổ súng tấn công hai trụ sở UBND xã Ea Ktur và Ea Tiêu thuộc huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk vào tháng 6/2023 làm chín người thiệt mạng, trong đó có bốn cảnh sát và cán bộ địa phương, ngược lại có đến trăm người Thượng đã bị bắt và kết án, tổng cộng 10 án chung thân và hàng trăm năm tù… tất cả đều có nguyên nhân sâu xa từ những chính sách đối xử bất công và đàn áp về nhiều mặt của nhà cầm quyền đối với người Thượng ở Tây Nguyên.
Song Chi
Nguồn : RFA, 11/10/2024