Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

14/10/2024

Dự thảo Luật Phòng không nhân dân nên được tách ra làm hai

Ngô Ngọc Trai

Theo dõi tình hình chiến sự ở Ukraine mấy năm qua có thể thấy được rất rõ vai trò sức mạnh của các thiết bị bay không người lái trên chiến trường.

phongkhong1

Ảnh chụp Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2022 tại tỉnh Thái Nguyên - Linh Pham

Vũ khí công nghệ mới

Cả hai phía Nga và Ukraine đều sử dụng các thiết bị bay không người lái để tấn công sâu vào lãnh thổ của nhau.

Có những thiết bị bay không người lái có tầm bay thấp và ngắn được sử dụng trong nhiệm vụ trinh sát hỗ trợ cho lực lượng tấn công hoặc có những thiết bị bay mang bom có thể bay xa hàng ngàn cây số.

phongkhong2

Lính Ukraine lắp ráp một máy bay không người lái ở vùng Sumy, gần biên giới với Nga - Roman Pilipay/AFP

Các thiết bị bay không chỉ tấn công mục tiêu dưới đất mà vì vai trò quan trọng của nó trong tác chiến cho nên các bên còn dùng máy bay không người lái  để vô hiệu hóa thiết bị bay không người lái của bên kia.

Cùng với đó là những phi vụ đòi hỏi sự kết hợp phức tạp của nhiều thiết bị bay không người lái mà rồi từ đó đội ngũ những người điều khiển kỹ thuật cũng trở thành mục tiêu được tìm kiếm săn đuổi bởi đối phương.

Trong khi đó thời gian qua ở Việt Nam, các cơ quan đang chuẩn bị dự thảo cho ra đời một dự luật về phòng không nhân dân có các quy định về quản lý thiết bị bay không người lái.

Qua tìm hiểu thì thấy nội dung dự thảo luật đưa ra nhiều quy định khắt khe cho người dân khi muốn sử dụng thiết bị bay không người lái.

Cuộc chiến ở Ukraine cho thấy về sức mạnh hữu hiệu của công cụ vũ khí mới này, tôi cho rằng Việt Nam cần tính đến việc phát triển và làm chủ công nghệ cũng như kỹ năng sử dụng, hoặc ít nhất thì không nên tự làm mình yếu đi trong lĩnh vực này.

Nên tách làm hai

phongkhong3

Một mẫu máy bay không người lái được trưng bày tại Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2022 - Linh Pham/Bloomberg

Để cho vấn đề được rõ ràng từ đó đưa ra được quy định chuẩn xác phù hợp, tôi cho rằng nên có một luật riêng về phòng không nhân dân quy định về tổ chức lực lượng bảo vệ bầu trời và một luật về quản lý thiết bị bay không người lái.

Theo tìm hiểu thì thấy văn bản dự thảo có lẽ là sớm nhất của Luật Phòng không nhân dân có thể tìm thấy trên cổng thông tin điện tử Chính phủ được đăng ngày 12/9/2022.

Nội dung dự thảo ban đầu này ngắn gọn, chỉ có 36 điều quy định nội dung về tổ chức lực lượng quốc phòng về phòng không và không có nội dung nào nhắc đến các thiết bị bay không người lái.

Như thế có thể hiểu ban đầu dự luật chỉ đưa ra quy định nội dung về quốc phòng mà không đặt ra vấn đề quản lý đối với thiết bị bay không người lái.

Sau đó, không rõ đã qua những lần chỉnh sửa nào, bản dự thảo được tìm thấy đăng trên cổng thông tin điện tử Bộ Quốc phòng ngày 2/10/2023 đã nâng lên gồm 52 điều.

Dự thảo luật đã bổ sung vào chương mục nội dung về thiết bị bay không người lái và đưa ra những quy định quản lý khắt khe đối với việc sử dụng.

Dự thảo đưa ra yêu cầu tổ chức, cá nhân khi tổ chức hoạt động bay phải được cấp phép. Nếu không thì sẽ bị đình chỉ bay theo quy định tại Điều 31 của dự thảo.

Điều 31. Đình chỉ chuyến bay của tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ.

1. Tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ bị đình chỉ chuyến bay trong các trường hợp sau :

a) Bay không đúng thời gian, độ cao, cự li theo quy định của giấy phép bay ;

b) Giấy phép bay đã hết hạn hoặc tổ chức bay trước thời hạn quy định trong giấy phép, bay vượt quá giới hạn cho phép ;

c) Trước khi tổ chức hoạt động bay không thông báo chuyến bay cho Trung tâm quản lý điều hành bay khu vực để thông báo dự báo bay ;

d) Không thực hiện quy định hiệp đồng bay với cơ quan quân sự địa phương trong địa bàn có tổ chức hoạt động bay ;

đ) Người điều khiển bay không có giấy chứng nhận hoặc giấy phép đủ điều kiện bay ; sử dụng các phương tiện bay không đúng theo đăng ký ban đầu ;

Như thế, theo quy định này mỗi khi người dùng một thiết bị bay như fly cam để quay phim, chụp ảnh đều sẽ phải được cấp phép.

Văn bản dự thảo gần nhất của Dự luật Phòng không nhân dân được đưa ra ngày 29/8/2024 trong đó bổ sung thêm 2 điều, tổng cộng văn bản dự thảo nâng lên 54 điều.

Ngoài ra, nội dung các điều luật cũng đã chỉnh sửa theo hướng có nhiều nội dung mang đậm tính chuyên môn quốc phòng hơn, ví như tại Điều 6 quy định .

Điều 6. Trọng điểm phòng không nhân dân

1. Trọng điểm phòng không nhân dân là khu vực có khả năng địch tập trung tiến công đường không, bao gồm các trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại hoặc những nơi có các mục tiêu trọng điểm quốc gia, của quân khu, tỉnh, huyện và phương án tác chiến phòng thủ các cấp.

2. Trọng điểm phòng không nhân dân bao gồm :

a) Trọng điểm phòng không nhân dân quốc gia ;

b) Trọng điểm phòng không nhân dân cấp tỉnh ;

c) Trọng điểm phòng không nhân dân cấp huyện.

Hoặc tại điều 11 quy định :

Điều 11. Lực lượng phòng không nhân dân

1. Lực lượng phòng không nhân dân bao gồm :

a) Lực lượng nòng cốt ;

b) Lực lượng rộng rãi

2. Lực lượng nòng cốt là lực lượng tại các đơn vị bộ đội địa phương, dân quân tự vệ và dự bị động viên ;

3. Lực lượng rộng rãi bao gồm : lực lượng được huy động và lực lượng tự nguyện.

Ở đây có những nội dung có tính chuyên môn quốc phòng mà tôi cũng không hiểu lắm, nhưng thiết nghĩ việc bảo vệ bầu trời trong một văn bản như Luật Phòng không nhân dân thì mối nguy cơ phải bao gồm tất cả các mối nguy hiểm về bầu trời.

Đó không chỉ đến từ thiết bị bay không người lái mà mối nguy cơ còn có thể đến từ những sự tấn công bằng đường không như tên lửa, máy bay chiến đấu, nhảy dù...

Bởi vậy, việc dự luật bên cạnh nội dung về tổ chức lực lượng quốc phòng về phòng không lại chỉ quy định về thiết bị bay không người lái thì không phù hợp đầy đủ.

Theo đó tôi cho rằng Luật Phòng không nhân dân chỉ nên quy định về tổ chức lực lượng quốc phòng bảo vệ bầu trời mà thôi, còn vấn đề quản lý thiết bị bay không người lái nên tách ra thành một dự luật riêng.

Điều này cũng có căn cứ cơ sở là năm 2008, chính phủ đã ban hành một nghị định về thiết bị bay không người lái, đó là Nghị định số 36/2008/NĐ-CP về quản lý tàu bay không người lái và các thiết bị bay siêu nhẹ.

Phần lớn hầu hết các quy định trong văn bản này đã được đưa lại trong Dự luật Phòng không nhân dân.

Theo thông lệ cách thức làm luật lâu nay nếu theo chuyển biến của tình hình mà vấn đề trở lên quan trọng để thấy rằng việc quản lý máy bay không người lái và các thiết bị bay siêu nhẹ cần được nâng nên thành luật, thì cùng nội dung vấn đề đó khi nghị định nâng lên thành luật thì tên gọi cũng nên được giữ nguyên, như thế sẽ giúp vấn đề được duy trì cách hiểu rõ ràng.

Cũng nên biết rằng thời điểm năm 2008 tới nay là năm 2024, những diễn biến trong thực tế đời sống đã cho thấy vai trò sức mạnh của các thiết bị bay không người lái trong các cuộc chiến tranh mà có lẽ ở thời điểm năm 2008 chưa nhận thấy hết.

Cho nên tầm nhìn quan điểm quản lý cũng cần được điều chỉnh cho phù hợp.

Việc đưa ra quy định về thiết bị bay không người lái không nên chỉ nhìn theo lối nguy cơ từ đó coi trọng quản lý mà cần nhìn thấy tiềm năng của loại vũ khí mới trong chiến đấu bảo vệ để có chính sách nghiên cứu phát triển ứng dụng.

Điều này chỉ có thể đạt được nếu có riêng một dự luật về thiết bị bay không người lái thay vì gộp chung trong dự luật về phòng không nhân dân vốn mang nặng về tổ chức lực lượng để khắc chế, phòng ngừa.

Ngô Ngọc Trai

Nguồn : BBC, 14/10/2024

Tác giả Ngô Ngọc Trai là luật sư đang sinh sống và làm việc tại Hà Nội.

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Ngô Ngọc Trai
Read 79 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)