Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

04/11/2024

Bầu cử Mỹ 2024 : thắc thỏm chờ tổng thống kế tiếp

Bùi Văn Phú

Các thăm dò ý kiến cử tri do nhiều cơ quan thực hiện, đến cuối tuần trước ngày tổng tuyển cử cho thấy hai ứng viên Kamala Harris và Donald Trump vẫn ngang ngửa nhau.

thapthom0

Trước ngày tổng tuyển cử, hai ứng viên Kamala Harris và Donald Trump vẫn ngang ngửa nhau.

Theo mạng 270toWin.com, thông số ghi nhận ngày 3/11 như sau :

- NBC News : Trump 49%, Harris 49%

- ABC News/Ipsos : Harris 49%, Trump 46%

- New York Times/Siena College : Harris 49%, Trump 47%

- Emerson College : Trump 49%, Harris 49%

Với sai số từ 3% đến 4% thì những kết quả thăm dò trên được xem như không phân thắng bại. Cho tới khi cử tri tham gia bầu chọn và từng lá phiếu đã được kiểm đếm mới biết ai thắng.

Tại bảy tiểu bang chiến trường (swing states) là Pennsylvania, Wisconsin, Michigan, Georgia, Nevada, Bắc Carolina và Arizona, kết quả cũng như trên, hai ứng viên được cử tri ủng hộ bằng nhau, hay hơn kém nhau chỉ từ 2% đến 4%.

Nhật báo USA Today số cuối tuần 1-3/11 chạy tít lớn nền đen chữ trắng chiếm gần hết trang nhất : "The United States of Anxiety" – Nước Mỹ lo lắng (chơi chữ từ tên chính thức The United States of America, USA), vì người dân không biết ai sẽ thắng trong ngày bầu cử và rồi chuyện gì sẽ xảy ra cho đất nước đang phân cực cao độ.

Nhật báo này, trong tổ hợp báo chí Gannett với hơn 200 nhật báo địa phương, đã quyết định không đề xuất ủng hộ ứng viên tranh chức tổng thống năm nay, dù các lần bầu cử trước đây báo này đã ủng hộ Joe Biden năm 2020 và kêu gọi không bỏ phiếu cho Donald Trump năm 2016.

Hai nhật báo lớn Washington Post Los Angeles Times cũng lấy quyết định không ủng hộ Harris hay Trump trong kỳ bầu cử sắp tới.

Sự kiện các nhật báo lớn tại Mỹ lên tiếng ủng hộ một ứng viên tranh cử tổng thống là chuyện bình thường, như đã có trong quá khứ. Nhưng không phải cứ được một tờ báo lớn, có uy tín lên tiếng ủng hộ là sẽ thắng cử. New York Times luôn ủng hộ ứng viên đảng Dân chủ, vì thế tờ báo này được cho là theo cánh tả.

Nhìn lại những cuộc bầu cử tổng thống trước đây sẽ thấy không phải trong mọi kỳ bầu cử tổng thống, lựa chọn của báo này đều đúng. Tài liệu của báo New York Times ghi nhận :

- 2020 ủng hộ ứng viên Dân chủ Joe Biden. Biden thắng ứng viên Cộng hòa Donald Trump

- 2016 ủng hộ ứng viên Dân chủ Hillary Clinton. Clinton thua ứng viên Cộng hòa Donald Trump

- 2012 ủng hộ ứng viên Dân chủ Barack Obama. Obama thắng ứng viên Cộng hòa Mitt Romney

- 2008 ủng hộ ứng viên Dân chủ Barack Obama. Obama thắng ứng viên Cộng hòa John McCain

- 2004 ủng hộ ứng viên Dân chủ John Kerry. Kerry thua ứng viên Cộng hòa George W. Bush (con)

- 2000 ủng hộ ứng viên Dân chủ Al Gore. Gore thua ứng viên Cộng hòa George W. Bush (con)

- 1996 ủng hộ ứng viên Dân chủ Bill Clinton. Clinton thắng ứng viên Cộng hòa Bob Dole

- 1992 ủng hộ ứng viên Dân chủ Bill Clinton. Clinton thắng ứng viên Cộng hòa George H.W. Bush (cha)

- 1988 ủng hộ ứng viên Dân chủ Michael S. Dukakis. Dukakis thua ứng viên Cộng hòa George H.W. Bush (cha)

- 1984 ủng hộ ứng viên Dân chủ Walter Mondale. Mondale thua ứng viên Cộng hòa Ronald Reagan

- 1980 ủng hộ ứng viên Dân chủ Jimmy Carter. Carter thua ứng viên Cộng hòa Ronald Reagan

- 1976 ủng hộ ứng viên Dân chủ Jimmy Carter. Carter thắng ứng viên Cộng hòa Gerald R. Ford

Năm nay, cũng như 12 lần bầu tổng thống kể từ 1976, New York Times cũng ủng hộ ứng viên Dân chủ là Kamala Harris. Nhưng trong 12 lần vừa qua, cũng chỉ có 6 lần ứng viên được tờ báo này ủng hộ đã thắng cử.

Nhật báo Washington Post cũng thế, từ bầu cử 1976 đến nay báo này đều ủng hộ ứng viên tổng thống của Đảng Dân chủ, ngoại trừ năm 1988 tờ báo không ủng hộ George H.W. Bush (cha) hay Michael Dukakis.

Bầu cử tổng thống năm nay, ban biên tập Washington Post đã thảo lá thư ủng hộ Kamala Harris, nhưng chủ của báo này là Jeff Bezos đã không cho công bố sự ủng hộ. Hàng trăm ngàn độc giả mạng của Washington Post đã hủy mua báo và nhiều biên tập viên đã từ chức để phản đối.

Truyền thông báo chí trong cộng đồng Việt ở California, nơi có đông người Việt sinh sống nhất tại Hoa Kỳ, với hai tờ nhật báo Việt ngữ lớn nhất ở Quận Cam là Người Việt Việt Báo cũng có quan điểm ủng hộ ứng viên Dân chủ Kamala Harris và hầu như không có bài viết ủng hộ ứng viên Cộng hòa Donald Trump.

Vài ngày trước đây, Phó Tổng thống Harris đã gửi một tâm thư cho cử tri gốc Việt, nói về các chính sách sẽ theo đuổi nếu thắng cử, như giảm chi phí khởi nghiệp cho các doanh nghiệp nhỏ, giảm chi phí y tế nhất là cho các cụ cao niên, cắt giảm thuế, giúp gia đình có trẻ nhỏ, giúp dân mua nhà lần đầu, sửa đổi chính sách di dân, trừng phạt những kẻ bạo động kỳ thị người gốc Á, v.v…

Lá thư được phổ biến trên nhật báo Việt Báo ngày 31/10, có đoạn :

"Nhân khi chúng ta sắp tưởng niệm 50 năm ngày Sài Gòn thất thủ, hãy cùng nhau suy ngẫm về hành trình phi thường của cộng đồng của các bạn, cộng đồng người Mỹ gốc Việt hải ngoại, hiện đã có hơn hai triệu người. Khả năng phục hồi của các bạn đang tỏa sáng qua những thành công của cộng đồng mà các bạn đã xây dựng được. Câu chuyện của các bạn chính là câu chuyện của nước Mỹ. Từ câu chuyện này, mỗi chúng ta đều phải ý thức được, và đều phải nhớ rằng : tự do là điều mà tất cả chúng ta phải hết sức trân trọng và bảo vệ".

Bà so sánh người Việt đến Hoa Kỳ định cư giống như câu chuyện của chính gia đình mình, khi cha mẹ của bà cũng là những di dân đến Mỹ vào đầu thập niên 1960, với cố gắng vươn lên để thành công trên miền đất mới.

Tuần trước đó, cựu Tổng thống Bill Clinton đã đến quán cà phê Factory ở Quận Cam gặp gỡ, vận động cử tri gốc Việt bỏ phiếu cho Derek Trần, ứng viên Dân chủ đang đối đầu với dân biểu Cộng hòa đương nhiệm Michelle Steel để giành chức đại diện cho Quận hạt 45 trong Hạ viện Hoa Kỳ.

Bên bờ Đông nước Mỹ, cuối tháng 8 vừa qua, Tổng thống Donald Trump đã đến nhà hàng Trường Tiền trong trung tâm thương mại Eden ở quận Fairfax, Virginia để vận động cho ứng viên Cộng hòa là cựu Đại tá Hải quân Cao Hùng tranh cử vào Thượng viện Hoa Kỳ, đối đầu với ứng viên Dân chủ là Thượng nghị sĩ Tim Kaine, từng là ứng viên phó tổng thống của Hillary Clinton.

Theo dõi các mạng xã hội, cộng đồng người Việt cũng ồn ào chọn lựa và bày tỏ quan điểm chính trị của mình. Có những nghệ sĩ đã công khai chọn người lãnh đạo nước Mỹ. Ca sĩ Ái Vân ủng hộ Kamala Harris, trong khi ca sĩ Hương Lan chọn Donald Trump.

Kỳ bầu tổng thống năm nay truyền thông Mỹ đã chọn ứng viên để ủng hộ và không còn đưa thông tin khách quan. Thí dụ, các chương trình của MSNBC cho thấy Trump là người ăn nói lỗ mãng, chửi không chừa một ai không ủng hộ ông, chính sách bất nhất và đài này ủng hộ ứng viên Dân chủ Harris.

Trên đài Fox News thì Kamala trở thành tâm điểm, cho rằng bà chỉ là sự kéo dài thất bại trong chính sách của Biden, hay còn giống như Barack Obama trước đây, là phe cực tả muốn đưa nước Mỹ theo con đường xã hội chủ nghĩa. Fox luôn ca ngợi Trump là lãnh đạo có tầm, sẽ phục hồi nước Mỹ.

Sống ở Mỹ gần nửa thế kỷ, tôi quan sát thấy cuộc vận động tranh cử của Phó Tổng thống Kamala Harris và cựu Tổng thống Donald Trump được phản ánh qua câu ca dao của người Việt : "Yêu nhau yêu cả đường đi/ Ghét nhau ghét cả tông ti họ hàng".

Ngày bầu cử 5/11 đã tới mà các thăm dò dư luận không rõ thắng thua làm tôi nhớ lại cuộc bầu cử tổng thống năm 1980 giữa hai ứng viên là Tổng thống đương nhiệm Jimmy Carter và cựu Thống đốc Ronald Reagan mà gần ngày bầu cử các thông số đưa ra cũng không phân thắng bại, với Reagan hơn một chút và vẫn trong biên độ sai số.

Năm giờ chiều ngày tổng tuyển cử 4/11/1980, lúc đó tôi cùng các bạn sinh viên đang ăn cơm trong ký túc xá. Bỗng dưng một bạn chạy từ dưới nhà lên la lớn : "It’s not my fault ! It’s not my fault !" – Không phải lỗi của tôi. Bạn này vừa xem ti vi và các đài truyền hình đã đưa tin Ronald Reagan thắng, dựa vào các "Exit Poll", là kết quả thăm dò bên ngoài phòng phiếu ngay sau khi cử tri vừa bầu chọn. Lúc đó phòng phiếu tại các tiểu bang miền Tây như California, Oregon, Washington vẫn còn mở cửa cho cử tri bầu chọn đến 8 giờ tối.

Đó là kết quả bầu tổng thống được biết sớm nhất do truyền thông đưa ra. Kết quả chính thức Ronald Reagan đạt chiến thắng địa chấn với 489 phiếu đại cử tri, Jimmy Carter được 49.

Với kết quả bầu cử năm 2000 và 2020 không rõ thắng thua trong đêm bầu cử, năm nay cũng sẽ không có kết quả trong đêm 5/11 nếu số phiếu không nghiêng hẳn về một ứng cử viên để tạo chiến thắng địa chấn.

Cách cử tri bầu chọn cũng đã khác so với trước, khi có rất ít cử tri có thể bỏ phiếu qua đường bưu điện. Bầu cử năm nay, hai ngày trước ngày tổng tuyển cử đã có 75 triệu cử tri bỏ phiếu bằng thư hay tham gia bầu chọn sớm.

Cũng không quên sự kiện ứng viên Donald Trump đã cho rằng có gian lận và sẽ khiếu kiện, như ông đã làm bốn năm trước đây.

Đúng là nước Mỹ đang trong trạng thái "The United States of Anxiety". Không biết sẽ kéo dài bao lâu sau ngày tổng tuyển cử 5/11.

Bùi Văn Phú

Nguồn : BBC, 04/11/2024

Tác giả Bùi Văn Phú là giảng viên đại học cộng đồng và là một nhà báo tự do từ vùng Vịnh San Francisco, California

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Bùi Văn Phú
Read 91 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)