Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

04/11/2024

Việt Nam rối rắm !

Nam Gia

Trong quan hệ đối ngoại và ngoại giao, ngoài các chính trị gia chuyên nghiệp xung quanh, người ta còn thấy lực lượng truyền thông hùng hậu luôn sẵn sàng chĩa hàng trăm ống kính, máy quay về mình, do đó, mỗi chính khách khi xuất hiện cần luôn thấu hiểu vai trò quan trọng để bảo đảm "lời ăn tiếng nói" không bị coi là hớ hênh.

kyket1

Tại Bắc Kinh, hai ông Tổng bí thư – Chủ tịch nước Việt Nam và Trung Quốc, Tô Lâm và Tập Cận Bình, dự Lễ ký kết các văn kiện hợp tác giữa hai nước ngày 19/08/2024.

"Nhân vô thập toàn", do đó đôi khi các chính khách hoặc các nguyên thủ quốc gia cũng có lúc bị coi là sơ xuất khi phát ngôn. Nguyên nhân làm điều này xảy ra thì rất nhiều, có thể do sức khỏe không tốt lắm vào lúc xuất hiện trước công luận và rất nhiều lý do chủ quan, khách quan khác. Tuy nhiên, đó là những phát ngôn hoặc những cuộc phỏng vấn tức thời, vốn khác với những diễn văn được chuẩn bị sẵn.

Ngày 23/09/2024, Tổng bí thư - Chủ tịch nước Tô Lâm có bài phát biểu nhân một năm Đối tác chiến lược toàn diện Việt - Mỹ tại Viện nghiên cứu Asia Society, New York. Bài nói chuyện của ông Lâm được báo Tuổi trẻ đăng tải toàn văn, trong có đoạn [1] : "Trong Cách mạng Tháng 8, những người bạn Mỹ là lực lượng nước ngoài duy nhất bên cạnh Chủ tịch Hồ Chí Minh, đã được mời tham dự Lễ Tuyên ngôn độc lập ngày 2-9-1945 và chứng kiến Hồ Chủ tịch trích dẫn Tuyên ngôn độc lập Mỹ. Hôm đó, tại quảng trường Ba Đình lịch sử, trên khán đài nổi bật khẩu hiệu "Hoan nghênh phái đoàn Mỹ". Rất đáng lấy làm lạ, ngày 27/09/2024, khi ông Tô Lâm đã về nước, đoạn văn quan trọng nêu trên đã bị cắt bỏ, không một lời giải thích hay đính chính.

Ngày 25/10/2024, báo Quân Đội Nhân Dân cho biết [2] : Thủ tướng Phạm Minh Chính kết thúc tốt đẹp chuyến tham dự lần đầu tiên đến Hội nghị các quốc gia kinh tế mới nổi - BRICS (Brazil - Russia - India - China - South Africa). Trước khi chia tay, ông Thủ tướng Việt Nam đã nói với Tổng thống Putin [3] : Chúng tôi có niềm tin chiến thắng ở các đồng chí và sẽ không bao giờ khuất phục trước bất cứ một kẻ thù nào.

Cả thế giới đều hiểu rõ căng thẳng giữa Nga và Hoa Kỳ thông qua cuộc chiến Nga - Ukraine, kéo dài gần 3 năm qua. Cuộc chiến chưa hề có dấu hiệu giảm bớt mà ngày càng căng thẳng, với hàng trăm tỉ USD bỏ ra, cùng hàng chục ngàn mạng người ngã xuống. Toàn thế giới âu lo trước vô số động thái của cả đôi bên. Cho đến nay, về đối ngoại chánh thức, Việt Nam vẫn giữ vị trí trung lập đối với cuộc chiến Nga - Ukraine, bằng lá phiếu tại Liên Hiệp Quốc và chánh sách ngoại giao Bốn Không.

Bài nói chuyện của ông Tô Lâm - trên cương vị Tổng bí thư và Chủ tịch nước - tại Hoa Kỳ và lời cầu chúc của ông Phạm Minh Chính - trên cương vị Thủ tướng - tại Nga, đều mang tính ĐẠI DIỆN cho Việt Nam.

Dư luận ngạc nhiên về sự "bất đồng chính kiến" qua bài nói chuyện của ông Tô Lâm bị cắt xén, so với lời cầu chúc của ông Phạm Minh Chính, dù cả hai vị đều mang trọng trách quốc gia - Một quốc gia với chủ trương "muốn làm bạn với thế giới" (!) Chủ trương này xem ra rất khó xoay trở, trong hiện tình thế giới ngày càng căng thẳng.

***

Trung Hoa có câu : "Nhất ngôn ký xuất, tứ mã nan truy". Việt Nam có tục ngữ "Lời nói như đinh đóng cột". Cả hai đều nhằm để nhắc nhở mọi người luôn cẩn trọng cho bất kỳ lời phát ngôn nào. Có lẽ, các chính khách, các nguyên thủ cũng như các nhà quân sự thừa biết điều này. Tất nhiên, còn nhiều câu tục ngữ Việt Nam khác, mặc dù không nhẹ nhàng cho lắm, chẳng hạn "Một lời nói một đọi máu", nhưng cũng nên dẫn ra để thấy người Việt Nam cũng biết lấy chữ "Tín" làm trọng và cũng hiểu rõ đạo lý làm người ra sao.

Theo thời gian, với hành tinh nhỏ bé có tên "Trái Đất", con người ngày càng giao lưu nhiều hơn thông qua giao thương và giao thoa về văn hóa và có lẽ cả từ chiến tranh, để từ đó xã hội cần đến một khái niệm bao quát hơn nhưng cụ thể hơn và cũng để diễn đạt được mọi vấn đề tranh chấp một cách khoa học, văn minh, ôn hòa khả dĩ. Cũng từ đó, "Luật Pháp Quốc Tế" được sinh ra để mưu cầu công lý và sự thật cho tất cả các bên nhằm tránh nạn "động binh đao". Tất nhiên, lý lẽ và luật pháp quốc tế chỉ có ý nghĩa thực tiễn, khi đôi bên đều yêu chuộng hòa bình và biết tự trọng cũng như tôn trọng lẫn nhau. Pháp luật quốc tế, dù sao, vẫn mang tính tương đối trong một hành tinh vẫn còn quá nhiều tranh chấp ác liệt và ngày càng khó tương nhượng.

Mới đây - ngày 2/11/2024 - trang fanpage của RFA có clip cho biết : Phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Trung Quốc - Lâm Kiến kêu gọi Việt Nam [4] "giáo dục và quản lý ngư dân" vì cái mà Lâm Kiến gọi là "hoạt động phi pháp ở vùng biển thuộc quyền tài phán của Trung Quốc", sau khi phía Việt Nam phản đối hành vi đánh đập và tịch thu đồ nghề của ngư dân Quảng Ngãi, vốn đang hành nghề tại Hoàng Sa. Ngôn ngữ ngoại giao của Lâm Kiến nhẹ nhàng nhưng rất nặng nề và mang đầy tính sỉ nhục cho phía nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam.

Lịch sử về Hoàng Sa vô cùng phức tạp và rắc rối giữa Việt Nam và Trung Quốc với cuộc hải chiến Hoàng Sa 50 năm về trước, lúc nhà nước Việt Nam Cộng Hòa còn tồn tại và trực tiếp quản lý danh chánh ngôn thuận trước toàn thế giới. Bởi một nhà nước tiêu vong nhưng lịch sử lại không phải "cuốn tự truyện của kẻ chiến thắng".

Tạm kết :

Một quốc gia muốn tồn tại độc lập, nhứt thiết cần có hai yếu tố tối quan trọng và căn bản nhứt :

1. Tự lực tự cường về kinh tế cho đến các lãnh vực khác, bằng khả năng nội trị có thật.

2. Khi thế lực nước ngoài bằng phương tiện nào đó đã nhúng mũi vô quốc gia, tức cần hiểu lợi ích phải có của thế lực nước ngoài tại quốc gia đó.

Nam Gia

Nguồn : RFA, 04/11/2024

[1] https://www.facebook.com/RFAVietnam/posts/pfbid0346LccEWRvSRXf6a3XT28y31...

[2] https://www.qdnd.vn/chinh-tri/tin-tuc/thu-tuong-pham-minh-chinh-du-hoi-n...

[3] https://www.facebook.com/100092971395582/videos/448739407822189

[4] https://www.facebook.com/RFAVietnam/videos/563660442880269

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Nam Gia
Read 88 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)