Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

06/11/2024

Nguyễn Xuân Phúc có thoát con trăng này không ? Featured

Trung Khang - Diễm Thi

Nền chính trị cung đình sẽ ra sao nếu ông Nguyễn Xuân Phúc bị xử lý ?

Trung Khang, RFA, 06/11/2024

Đang có nhiều đồn đoán về việc cựu Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, có thể sẽ không còn trong vòng bất khả xâm phạm, như các "tứ trụ" đã hạ cánh an toàn trước đây.

nxp1

Ông Nguyễn Xuân Phúc khi còn là Chủ tịch nước tại Hội nghị thượng đỉnh Hợp tác kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương (APEC) ở Bangkok vào ngày 18 tháng 11 năm 2022. AFP Photo

Vì sao báo chí nhà nước công khai ?

Truyền thông Nhà nước vào ngày 2/11 đã đăng tải thông tin ông Mai Tiến Dũng, cựu Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, khai rằng ông được cấp trên giao chỉ thị giải quyết các đơn thư của công ty Sài Gòn Đại Ninh trong vụ án sai phạm về đất đai ở tỉnh Lâm Đồng.

Trong giai đoạn xảy ra vụ án, cấp trên cao nhất của ông Dũng chính là Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.

"Đây là lần đầu tiên báo chí trong nước công khai việc ông Mai Tiến Dũng – Bộ trưởng Văn phòng Chính phủ không làm đơn phương một mình, mà có nhận chỉ đạo của cấp trên. Mà cấp trên là ông Nguyễn Xuân Phúc - Thủ tướng thời kỳ đó. Công nhận đây là mặt tiến bộ về sự minh bạch, lần đầu tiên công khai" - nhà báo Nguyễn Khắc Toàn từ Hà Nội nhận định với RFA.

Việc công khai thông tin về sự dính líu của quan chức cấp cao thuộc hàng "tứ trụ" tới một vụ án cụ thể, dù theo một cách gián tiếp, rõ ràng có tính hệ trọng. Và minh bạch hóa thông tin không phải là mục đích chính của động thái này.

"Phía công an, cơ quan điều tra đang củng cố bổ sung chứng cứ, để có thể đi đến một bước tiếp theo mạnh tay hơn, là khởi tố, truy tố, bắt giam ông Nguyễn Xuân Phúc" - ông Toàn nói thêm.

Ông Mai Tiến Dũng còn khai thêm với cơ quan điều tra và được báo nhà nước đăng tải, về mối quan hệ giữa Tổng Giám đốc Công ty Sài Gòn Đại Ninh - Nguyễn Cao Trí với lãnh đạo Chính phủ khi đó, khiến bản thân không còn cách nào khác nên phải ký phê duyệt.

nxp2

Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Tô Lâm tại Quốc hội ở Hà Nội vào ngày 21/10/2024. AFP.

Ông Tô Lâm có tất tay với ông Phúc ?

Ông Nguyễn Xuân Phúc sau khi giữ chức Thủ tướng được một nhiệm kỳ đã chuyển sang ghế Chủ tịch nước, và cuối cùng, bị buộc phải rời khỏi chiếc ghế này vì liên quan đến nhiều sai phạm, mà nhiều đồn đoán cho rằng chủ yếu là do vợ ông dính đến vụ án Việt Á.

Thế nhưng, ông Phúc cũng chỉ bị mất chức, chứ không bị truy tố. Điều này có nghĩa "tứ trụ" vẫn là vùng cấm, luật pháp không được động tới.

Tuy nhiên, đó là thông lệ dưới thời Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, trong khi ông Tô Lâm mới là đương kim Tổng bí thư.

"Tôi hoàn toàn nghĩ ông Tô Lâm sẽ đem ông Nguyễn Xuân Phúc ra, để mà dằn mặt tất cả những thế lực khác ở trong Đảng. Tức ông ấy thể hiện rằng, ông ấy sẽ không không ngừng tay nếu ai cản trở tiến trình mà ông ấy gọi là kỷ nguyên vườn mình của đất nước. Đó là điều ông đã nhấn mạnh trong bài diễn văn hôm 24/10, tức điểm nghẽn là thể chế. Vì vậy ông ấy cần có sự ra tay rất mạnh mẽ, và ông Nguyễn Xuân Phúc sẽ là nhân vật đầu tiên phải trả giá đó" - Luật sư Vũ Đức Khanh, một nhà quan sát chính trị Việt Nam, nhận định với RFA từ Canada.

Mới đây nhất, vị tân Tổng bí thư quê Hưng Yên đã tổ chức cuộc gặp mặt với các nguyên lãnh đạo Đảng tại số 1 Hùng Vương. Các cựu thành viên "tứ trụ" góp mặt bao gồm cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, cựu Tổng bí thư Nông Đức Mạnh, các cựu Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Nguyễn Minh Triết, và cựu Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng.

Nhưng điều đáng chú ý hơn cả là sự vắng mặt của các cựu thành viên "tứ trụ" của khóa 13, trong đó có Nguyễn Xuân Phúc, đây là những người bị bật bãi khỏi bộ tứ quyền lực trong thời gian gần đây, trực tiếp mở đường cho sự lên ngôi của ông Tô Lâm.

Bắt ông Nguyễn Xuân Phúc có ảnh hưởng chế độ ?

Cố Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng từng nhiều lần nói chống tham nhũng đòi hỏi khôn ngoan, có con mắt chiến lược. Tư duy đó được đúc kết qua câu nói kinh điển của ông mà nhiều người hẳn vẫn còn nhớ ‘Diệt chuột đừng để vỡ bình’.

Chính nhờ tư duy "giữ bình" đó mà các quan chức cấp cao được cho phép "thôi chức" về hưu, thay vì bị trừng trị bởi pháp luật.

"Ở các nước người ta còn bắt đến cả thủ tướng, bắt cả tổng thống là chuyện rất bình thường. Chứ không thể làm theo tư duy cũ của ông Nguyễn Phú Trọng, đó là miệng thì nói không có vùng cấm trong đấu tranh chống tham nhũng tiêu cực, nhưng thực tế đã vạch ra những vùng cấm để bảo vệ những quan chức phe cánh của mình" -

Nhà báo Nguyễn Khắc Toàn chỉ trích đường lối của ông Trọng khi trả lời phỏng vấn của RFA.

"Với trường hợp ông Nguyễn Xuân Phúc, cứ mạnh tay mà làm, không thể có chuyện hệ thống chính trị này đổ vỡ, đổ ‘bình quý’ như ông Trọng căn dặn" - Ông Toàn nói thêm.

Nhận chức Tổng bí thư vào tháng 8 năm nay, ông Tô Lâm được đánh giá là vẫn đang trong quá trình củng cố quyền lực, khẳng định vai trò đảng trưởng của mình.

Nếu giờ đây ông Tô Lâm dám phá vùng cấm mà ông Trọng đặt ra trước đó về việc các thành viên "tứ trụ" không thể bị truy tố, đây có thể là minh chứng hùng hồn nhất chứng tỏ, ông đã vượt qua khỏi cái bóng của ông Nguyễn Phú Trọng.

Dù bắt ông Phúc là một thách thức, nhưng Tổng bí thư Tô Lâm có lợi thế là gần như đang nắm trong tay Bộ Công an, khi Bộ trưởng Lương Tam Quang, được cho là người thừa hành theo mệnh lệnh của ông Tô Lâm.

Luật sư Vũ Đức Khanh, một luật sư ở Canada chuyên theo dõi tình hình chính trị Việt Nam, nhận định thêm :

"Từ khi bắt đầu cuộc chiến tranh giành quyền lực tối cao ở Việt Nam, khởi sự từ vụ ông Võ Văn Thưởng hồi tháng ba, thì hầu như ông Tô Lâm không chùn bước bất cứ một vấn đề nào".

Trung Chính

Nguồn : RFA, 06/11/2024

************************

Tâm điểm Nguyễn Xuân Phúc

Diễm Thi, RFA, 05/11/2024

Ngay sau khi Kết luận điều tra vụ án Sài Gòn Đại Ninh được truyền thông Nhà nước đăng tải, cái tên Nguyễn Xuân Phúc lập tức được dư luận chú ý, bởi ông Phúc là cấp trên cao nhất của ông Mai Tiến Dũng trong giai đoạn xảy ra vụ án.

nxp3

Ông Nguyễn Xuân Phúc xuất hiện trong hội nghị Á-Âu tại Mông Cổ năm 2016 - Reuters

RFA điểm lại những thông tin đáng chú ý về vị chính trị gia này.

Chính trị gia Nguyễn Xuân Phúc

Ông Nguyễn Xuân Phúc bắt đầu sự nghiệp chính trị năm 1979 khi vào làm việc trong chính quyền cấp tỉnh (bấy giờ là Quảng Nam- Đà Nẵng).
Tháng 3 năm 2006, ông Phúc đảm nhận vị trí đầu tiên trong chính quyền trung ương với chức Phó Tổng Thanh tra Chính phủ, tương đương cấp Thứ trưởng do Thủ tướng Phan Văn Khải bổ nhiệm.

Ông gia nhập Bộ Chính trị, cơ quan cao nhất của Đảng, vào năm 2011, và được chỉ định làm Phó thủ tướng chính phủ. Tháng 4 năm 2016, ông Nguyễn Xuân Phúc được bầu làm Thủ tướng Chính phủ và giữ chức này đến tháng 4 năm 2021.

Sau đó, ông Phúc được Quốc hội bầu làm Chủ tịch nước vào tháng Tư năm 2021, tuy nhiên, chỉ hai năm sau đã phải từ chức vào tháng 1 năm 2023, kết thúc sự nghiệp chính trị kéo dài hơn bốn thập niên.

Báo Nhà nước đưa tin, ông Phúc đã có đơn xin thôi giữ các chức vụ được phân công, nghỉ công tác và nghỉ hưu "sau khi nhận thức rõ trách nhiệm trước đảng và nhân dân".

Trung ương đảng khẳng định, ông Nguyễn Xuân Phúc phải "chịu trách nhiệm chính trị" của người đứng đầu khi để nhiều cán bộ, trong đó có hai phó thủ tướng (Phạm Bình Minh, Vũ Đức Đam) và ba cựu ủy viên trung ương (Chu Ngọc Anh, Nguyễn Thanh Long, Phạm Xuân Thăng) có vi phạm, khuyết điểm, gây hậu quả rất nghiêm trọng.

Một số vụ án liên quan Nguyễn Xuân Phúc

Vụ Việt Á được coi là một trong những đại án chấn động Việt Nam trong những năm gần đây, liên quan đến những sai phạm về đấu thầu, đưa hối hộ và nhận hối lộ, lợi dụng chức vụ quyền hạn khi thi hành công vụ... trong giai đoạn dịch Covid-19.

Hàng loạt quan chức văn phòng chính phủ ; lãnh đạo Bộ y tế ; lãnh đạo Học viện Quân y ; lãnh đạo Bộ Khoa học-Công nghệ đã bị liên lụy.

Ông Phúc cũng là thành viên đầu tiên trong "tứ trụ" của khóa 13 từ chức sau một loạt vụ bê bối tham nhũng cấp cao mà ông phải chịu trách nhiệm.

Tại buổi lễ bàn giao công tác do Văn phòng Chủ tịch nước tổ chức chiều ngày 4 tháng 2 năm 2023, ông Phúc khẳng định : "Gia đình tôi, vợ, các con tôi không tư lợi, tham nhũng liên quan đến Việt Á, chưa bao giờ gặp giám đốc Việt Á".

Trong vụ Sài Gòn Đại Ninh, ông Mai Tiến Dũng, cựu Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, giai đoạn ông Phúc làm thủ tướng, khai bị cấp trên chỉ đạo ký duyệt dự án này.

Kết luận điều tra của công an được báo Nhà nước trích đăng cho biết ông Nguyễn Cao Trí gặp ông Trần Văn Minh - Phó Tổng Thanh tra Chính phủ để được hướng dẫn làm đơn kiến nghị gửi Thủ tướng, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, Văn phòng Chính phủ.

nxp4

Ông Mai Tiến Dũng phát biểu trong họp báo về sự kiện cá chết hàng loạt tại các tỉnh miền trung Việt Nam, năm 2016. Reuters/Kham

Kết luận điều tra vụ án cho thấy dù Thanh tra Chính phủ công bố Kết luận số 929/KL-TTCP "Chấm dứt hoạt động, thu hồi đất dự án Đại Ninh do qua kiểm tra, xác minh có vi phạm phát luật đất đai và đầu tư", nêu hàng loạt sai phạm tại dự án Khu đô thị Đại Ninh vào tháng 6 năm 2020.

Nhưng ông Nguyễn Cao Trí, Tổng giám đốc công ty Sài Gòn Đại Ninh, đã dùng tiền hối lộ các quan chức chính phủ, và tỉnh Lâm Đồng, để bẻ lái kết luận trên và thâu tóm dự án Đại Ninh.

Vị quan chức chính phủ đứng mũi chịu sào trong vụ án này là Cựu Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng chính phủ, Mai Tiến Dũng vừa bị Bộ Công an đề nghị truy tố trong bản kết luận điều tra công bố ngày 2 tháng 11.

Những đồn đoán

Cuối tháng 9 vừa qua, mạng xã hội bàn tán về các tấm ảnh trên Instagram có tên Nguyễn Như Khôi khoe bộ sưu tập hàng hiệu và cả tài khoản ngân hàng có số dư hàng trăm tỷ đồng Việt Nam. Nguyễn Như Khôi được cho là cháu nội ông Nguyễn Xuân Phúc bởi một số hình chụp cạnh ông Phúc có dòng chữ "Yêu ông nội".

Trước đó, mạng xã hội cũng lan truyền thông tin vợ chồng ông Nguyễn Xuân Phúc bị cấm xuất cảnh và bị Ủy ban Kiểm tra Trung ương gọi lên làm việc liên quan đến tài liệu chứng minh nhận hối lộ của hàng loạt nhân vật như bà Trương Mỹ Lan trong vụ án Vạn Thịnh Phát ; ông Cao Minh Trí trong vụ án Đại Ninh ; ông Phan Quốc Việt trong vụ Việt Á).

Theo một số nhà quan sát tình hình chính trị trong nước, khi một nhân vật cao cấp nào đó bị cấm xuất cảnh, điều đó cho thấy nhân vật này sắp bị bắt. Thoibao.de dự đoán, ông Nguyễn Xuân Phúc sắp tới có thể bị khởi tố tội nhận hối lộ.

Cho đến nay, tất cả những thông tin trên vẫn chỉ là tin đồn. Báo chí Nhà nước tuyệt nhiên không đưa tin, cũng không phản bác.

Nguồn : RFA, 05/11/2024

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Trung Khang, Diễm Thi
Read 11 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)