Trung Quốc vừa trả lời với tuyên bố của người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam về chuyện các tàu hải cảnh nước này đã tấn công tàu cá ngư dân Việt ở gần Hoàng Sa, đánh đập, bắt cóc, giam thuyền và người. Theo đó, Trung Quốc nói rất trịch thượng là "Việt Nam cần giáo dục ngư dân của mình không xâm phạm vùng biển của nước khác".
Các ngư dân bị hải cảnh Trung Quốc đánh gây thương tích được đưa đến Bệnh viện đa khoa Quảng Ngãi điều trị (Ảnh : Nguyễn Toàn).
Trước đó Bộ Ngoại giao Việt Nam cho biết đã "giao thiệp nghiêm khắc" với tòa đại sứ Trung Quốc ở Hà Nội về sự kiện này, và câu trả lời này của phía người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc, rõ ràng cũng là một cách "giao thiệp nghiêm khắc", không ngần ngại đáp trả công khai với Việt Nam, ngoài ra còn thể hiện thái độ anh cả trong tuyên bố.
Theo Reuters, Bộ Ngoại giao Trung Quốc lên giọng nhắc Việt Nam phải tăng cường "giáo dục và quản lý" ngư dân của mình, để không tham gia vào "các hoạt động bất hợp pháp" trong vùng biển thuộc "quyền tài phán của Trung Quốc". Phát ngôn viên Trung Quốc nói tại một cuộc họp báo.
Điều đáng nói là trong việc "giao thiệp" ngôn từ giữa Việt Nam và Trung Quốc qua lại, không thấy viết rõ là bao nhiêu chiếc thuyền và ngư dân Việt Nam đang bị Trung Quốc giam cầm, và khi nào thì những người ngư dân tội nghiệp được trả tự do.
Trung Quốc là một nước cộng sản có truyền thống hai mặt, luôn luôn có những hành động tráo trở, thậm chí diễn ra cách nhau không bao lâu. Tháng trước, Thủ tướng Lý Cường của Trung Quốc đến Việt Nam, mắt nhìn ướt át hữu nghị vào ống kính truyền hình, và lên giọng cam kết đẩy mạnh quan hệ song phương và xử lý ổn thỏa bất đồng ở Biển Đông, cùng nhau giữ gìn môi trường hòa bình, ổn định.
Nhưng giờ đây, Trung Quốc cũng không nhắc gì đến chuyện năm 2022, 2023, tàu hải cảnh, tàu nghiên cứu Xiang Yang Hong 10… liên tục vô cớ xâm phạm vùng biển Việt Nam, tiến sát quấy rối các lô dầu khí đang thăm dò của Việt Nam, bất chấp sự phản đối. Thậm chí, đã có lúc Việt Nam được cảnh báo là tàu của Trung Quốc xâm nhập sâu, cách Huế chỉ hơn 200 cây số.
Nói về giáo dục, thì rõ là cộng sản Trung Quốc có một cách giáo dục rất khác, cho phép làm những điều ngang ngược, bất luận tên gọi tồi tệ nhất của hành động đó là gì. Họ sẵn sàng xóa quá khứ để trang trí ngôn từ hiện tại, và kiêu hãnh ngu xuẩn với điều có được.
Ngay vào thời điểm này, thái độ vô lối và chẳng có chút bạn bè cộng sản gì của Bắc Kinh, lại nhắc nhiều người nhớ đến cách hành xử của chính quyền Việt Nam Cộng hòa trong chuyện Hoàng Sa.
Trung Cộng đã ấp ủ giấc mơ chiếm đoạt Hoàng Sa từ 1959. Mượn lời lẽ trong công hàm của ông Phạm Văn Đồng vào năm 1958 "Chính phủ nước Việt-nam Dân chủ Cộng hoà tôn trọng quyết định ấy và chỉ thị cho các cơ quan Nhà nước có trách nhiệm triệt để tôn trọng hải phận 12 hải lý của Trung Quốc trong mọi quan hệ với nước Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa trên mặt biển", Trung Quốc cũng đã cử những chiếc thuyền hải quân giả ngư dân, tiến đến Hoàng Sa với mục đích cắm dùi trên đó và xưng chủ quyền. Nhưng Tổng thống Ngô Đình Diệm đã sớm biết đoán được những âm mưu này và cho tàu hải quân chặn lại, đuổi về.
Điều đáng nói, không có người dân Trung Quốc nào bị đánh đập, cướp hải sản, cướp tàu hay bị giam giữ như Bắc Kinh ứng xử với ngư dân Việt lúc này.
Năm 1974, bổn cũ soạn lại, Trung Quốc lại cho tàu ngư dân tiến về Hoàng Sa nhưng kèm theo đó là những chiếc tàu hải quân trong mưu đồ chiếm đảo. Phía chính quyền của Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu nhận ra âm mưu này và không chọn "giao thiệp nghiêm khắc" gì với Trung Quốc, mà quyết định cho đối đầu, nã đạn.
Những gì diễn ra sau đó thì đã được kể lại rất nhiều, nhưng đáng nói là vấn đề tổ quốc, dân tộc danh dự được giới thiệu rõ trong các hành xử của chính quyền Việt Nam Cộng hòa, thậm chí đối với Trung Cộng, một quốc gia thù địch và bất cân xứng thực lực với mình.
Cuộc Hải chiến Hoàng Sa đó, thất bại nghiêng về phía Việt Nam Cộng hòa, nhưng về mặt lịch sử, nó là điểm đánh dấu chủ quyền pháp lý quan trọng, qua việc kháng cự của một cuộc cưỡng chiếm. Chính vì cuộc chiến đó được sử liệu cả thế giới ghi nhận, mà hôm nay, Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam mới đương nhiên thừa kế chủ quyền Hoàng Sa về mặt pháp lý.
Khác với xã hội Việt Nam nhiều năm trước, hôm nay, những người chống Trung Quốc xâm lược và bày tỏ sự bất đồng về thái độ trịch thượng của Trung Quốc đã không còn tìm thấy, dù chỉ trên mạng xã hội. Nhiều người trước đó lên tiếng đang ở trong tù thụ án. Nguyên khí của một quốc gia bây giờ thì chỉ còn lại chuyện hai nước "giao thiệp nghiêm khắc" với nhau bằng từ ngữ.
Nhìn những ngư dân Việt Nam bị đánh đập, mất hết của cải, được giới thiệu trên các trang báo nước ngoài, lại nhớ những giá trị để lại của Việt Nam Cộng hòa đối với pháp lý chủ quyền Hoàng Sa.
Một thanh niên giơ ngón tay thối trước lá cờ Việt Nam Cộng Hòa ở một bảo tàng tại Hà Nội, và một người người khác phản đối theo cách tương tự, nhưng che mặt người thanh niên đó (Facebook)
Rồi lại thấy bất chợt trên mạng xã hội, những nam thanh nữ tú thời giáo dục xã hội chủ nghĩa xuất hiện đúng vào thời điểm này, làm những điều dị hợm ở bảo tàng nào đó trước lá cờ Việt Nam Cộng hòa, biểu trưng của một thời không ngần ngại với những kẻ xâm lược và tấn công người dân Việt Nam.
Những người trẻ tuổi quốc tịch Việt này, dường như có lối giáo dục không khác gì con dân của Trung Quốc. Họ được cho phép làm những điều ngang ngược, bất luận tên gọi tồi tệ nhất của hành động đó là gì. Và họ sẵn sàng xóa quá khứ để trang trí đời hiện tại, bằng sự kiêu hãnh ngu xuẩn trong bình an.
Việt Nam hôm nay là vậy, sẽ không có thanh niên nào đứng lên để chỉ mặt thẳng vào kẻ thù thật như những năm tháng trước đây. Thanh niên Việt hôm nay tràn ngập ở các quảng trường, thế hệ rủ nhau chọn kẻ thù qua màu ly trà sữa Trung Quốc.
Tuấn Khanh
Nguồn : fb.nhacsituankhanh, 04/11/2024