Từ "America First" của Trump tới "kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam" của Tô Lâm : Những nhà độc tài lội ngược dòng lịch sử sẽ dẫn Hoa Kỳ và Việt Nam đi về đâu ?
Tổng bí thư Tô Lâm phát biểu tại Đại học Quốc gia Malaya. Ảnh : Thống Nhất - TTXVN
Mới vài tuần trước, ngày 14/10/2024, ba nhà khoa học kinh tế-chính trị D. Acemoglu, S. Johnson and J. A. Robinson đã được trao giải thưởng Nobel rất cao quí về kinh tế vì họ đã cùng tổng kết và chứng minh được rằng, "cách thức mà các thể chế hình thành và ảnh hưởng đến sự thịnh vượng". Nghĩa là các định chế chính trị-kinh tế có vai trò quyết định then chốt để một nước vượt lên hưng thịnh dân chủ phát triển, hay đẩy nước đó rơi vào chậm tiến, độc tài, bất công và tham nhũng (1).
Nhận định khoa học này có thể diễn tả một cách hình tượng ví như NHÂN với QUẢ. Nếu chọn một NHÂN (hạt giống) tốt và biết chăm sóc tốt thì cây sẽ trổ hoa, kết trái thành những QUẢ ngon ngọt để mọi người cùng hưởng. Ngược lại nếu dùng NHÂN xấu hay đã hư thì chắc chắn không thể có QUẢ tốt, chỉ có trái chua chát, thậm chí không ra trái !
Vừa qua dù Hoa Kỳ có định chế chính trị kinh tế dân chủ lâu đời, nhưng do một số khuyết điểm lớn của nhiều giới, đặc biệt của Tổng thống Biden trong chiến lược rút lui quá muộn và vài thành phần cử tri thiếu trình độ hiểu biết nên Trump đã thắng cử Tổng thống Hoa Kỳ ; mặc dầu ông là người theo đuổi chủ nghĩa dân tộc cực đoan, ca ngợi bạo lực, đã từng vi phạm nhiều tội hình sự và đạo đức nghiêm trọng. Nhưng Trump đang chuẩn bị đánh lừa lần nữa với khẩu hiệu America First để thực hiện giấc mộng thành Trump First bất chấp định chế chính trị-kinh tế dân chủ Hoa Kỳ (2) ! Liệu nhà độc tài, mất tư cách đạo đức có làm được không trong một xã hội theo định chế dân chủ ?
Còn tại Việt Nam từ vài tháng nay Tô Lâm đã lợi dụng tình thế để tổ chức cuộc đảo chánh đã được chuẩn bị âm thầm từ lâu. Để thực hiện giấc mơ nắm giữ tiếp chức vụ Tổng bí thư tại Đại hội 14 vào đầu năm 2026, Tô Lâm đang gài vây cánh vào các chức vụ quan trọng trong Đảng và chính quyền, đồng thời tung lên những khẩu hiệu "khởi điểm mới", "kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam", "tự lực, tự cường, tự tin…", nhưng ý đồ trước sau vẫn là giữ chế độ độc đảng làm bình phong với bộ máy công an trị để phục vụ quyền lợi ích kỷ cho cá nhân và phe nhóm Hưng Yên. Ý đồ nham hiểm và thiển cận này của Tô Lâm sẽ dẫn Đảng cộng sản Việt Nam và đất nước đi về đâu ?
Muốn trả lời những câu hỏi quan trọng này, cần phải biết rõ những đặc thù cá tính và tham vọng thầm kín của Trump và Tô Lâm, đồng thời cần hiểu bối cảnh và tương quan thế giới hiện nay, nhất là những yếu tố liên quan trực tiếp tới Hoa Kỳ và Việt Nam.
Ngoài việc sát hại hàng trăm nghìn người ngay lập tức, một vụ nổ hạt nhân sẽ tạo ra các sóng ánh sáng như tia hồng ngoại và tia cực tím kết hợp với nhau để tạo ra một loại quả cầu lửa lớn, rất nóng có khả năng đốt cháy mọi thứ và gây bỏng cấp độ ba trên một bán kính rất lớn - Associated Press.
I. Thế giới đa cực, nguy hiểm từ mối đe dọa của chiến tranh nguyên tử và những hiểm họa thay đổi môi trường cho toàn thế giới, đặc biệt cả cho Hoa Kỳ lẫn Việt Nam
Đặc điểm của tình hình thế giới hiện nay : Thế giới lưỡng cực giữa hai siêu cường Hoa Kỳ - Liên Xô của thời Chiến tranh lạnh đã chấm dứt từ sau khi Liên Xô sụp đổ trên ba thập niên. Nay thế giới đang sống trong thời kỳ đa cực trong chính trị, kinh tế, tài chính, quốc phòng và ngoại giao. Hiện nay cả ba cường quốc nguyên tử lớn nhất là Hoa Kỳ, Nga và Trung Quốc, không nước nào một mình đủ sức khuynh loát lẫn nhau và thế giới.
Nga thời Putin đang sa lầy trong chiến tranh xâm lược ở Ukraine, đang bị bao vây kinh tế, tài chính và ngoại giao. Putin đang bước vào tuổi 72, sức khỏe ngày càng suy yếu. Tập Cận Bình ngày càng gặp khó khăn lớn về kinh tế, tài chính và xã hội do áp dụng kinh tế quốc doanh, tham nhũng bùng nổ, bị tẩy chay và đang bị phong tỏa về quan thuế của Hoa Kỳ và Liên Hiệp Châu Âu (Liên Âu). Tập Cận Bình còn nuôi tham vọng lãnh đạo Trung Quốc cho đến năm 2049 (kỷ niệm 100 năm Đảng cộng sản Trung Quốc ra đời). Hiện tại Trung Quốc đang trở thành siêu cường cả kinh tế lẫn quân sự và đang bằng mọi cách áp đặt khuôn mẫu chế độ xã hội chủ nghĩa kiểu Trung Quốc trên toàn thế giới. Nhưng… Tập Cận Bình hiện nay đã trên 71 tuổi và mặc dầu thiết lập chế độ công an trị, đàn áp nhân dân để ngăn ngừa "Cách mạng mầu" hiện cũng đang gặp phải chống đối của nhiều phe phái ngay trong nội bộ Đảng cộng sản Trung Quốc. Còn Trump sắp nắm ghế Tổng thống lần thứ hai khi gần 80 tuổi, một người cực kỳ độc đoán, ích kỷ, gia đình trị, vô đạo đức, tôn thờ chủ nghĩa dân tộc cực đoan, nhưng lại muốn thực hiện các chính sách độc tài trong một chế độ dân chủ có truyền thống ở Hoa Kỳ.
Cả ba nhà độc tài này tình cờ đang trong cùng thời gian nắm quyền lãnh đạo ở ba siêu cường quốc nguyên tử, đang cố áp đặt và củng cố chế độ độc tài ngay trong nước mình. Nhưng tham vọng của họ - về mặt thể chất và trí tuệ - đang trong tình trạng lực bất tòng tâm, cả ba đang cố vùng vẫy trong tuyệt vọng như người lội ngược dòng !
Về mặt ý thức hệ, thế giới đa cực hiện nay đan xen giữa các chủ nghĩa dân tộc cực đoan trong một số nước lớn và ý thức giữa nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ về nhu cầu kết hợp và xây dựng chế độ dân chủ đa nguyên trước nguy cơ chiến tranh nguyên tử, thảm họa môi trường có thể hủy diệt thế giới.
Các chủ nghĩa dân tộc cực đoan muốn thống trị thế giới bằng áp chế kinh tế, thương mại, tài chánh, thậm chí cả bằng cả võ khí nguyên tử. Nhưng các nước dân chủ, công nghiệp cao cũng đã cùng nhau thành lập các liên minh chính trị, kính tế quốc phòng khu vực và thế giới như EU (Liên Âu), NATO, AUKUS (Úc, Anh, Mỹ), QUAD (Mỹ, Ấn, Nhật, Úc) để gìn giữ hòa bình, ngăn chặn các chế độ độc tài. Tại một số nước dân chủ, chính quyền, các chính đảng và cử tri đã tỉnh táo, can đảm ngăn cản hoặc chấm dứt những toan tính của các thế lực cực hữu cực đoan xuyên qua các cuộc bầu cử tự do, để không nắm được chính quyền gần đây như ở Pháp, Ba lan, Hòa lan và 3 tiểu bang ở Đức.
Đứng trước hiểm họa khí hậu thay đổi cực mạnh, có thể gây ra thiên tai như lụt lội, hạn hán, cháy rừng trên toàn thế giới, gây nên mất mùa, hủy hoại sức khỏe, nạn đói, di cư, chiến tranh không từ một khu vực nào trên địa cầu. Như chúng ta đã thấy hay chứng kiến thảm trạng sóng thần Tsunami 26/12/2004 ở Ấn Độ Dương đã làm trên 230.000 người thiệt mạng, 110.000 người bị thương và 1,7 triệu dân ở ven biển bi mất nhà cửa ở Thái Lan, Nam Dương, Ấn Độ và Sri Lanka (3). Hay thảm họa môi trường 5 tỉnh miền Trung từ tháng 4/2016 do sự vô trách nhiệm của những người cầm đầu cộng sản Việt Nam, như Nguyễn Phú Trọng khi ấy đã xác nhận "Trước kia chúng ta kêu gọi đầu tư nhưng không nghĩ đến vấn đề môi trường, không nghĩ đến đổ rác đi đâu, nên bây gờ chúng ta phải trả giá" (4). Tạo cơ hội cho công ti gang thép Formosa thả cửa phóng chất thải độc ra biển đã tàn phá nhiều tỉnh miền Trung 2016. Hay nhiều nơi ở Châu Âu và Hoa Kỳ mùa hè vừa qua nhiệt độ lên tới 40-45°C đã dẫn tới những nạn cháy rừng tàn phá khủng khiếp. Mới đây ở Phi luật Tân lần đầu tiên chỉ nội trong một tháng đã diễn ra 6 trận bão cực lớn, hàng triệu người bị mất nhà cửa, hàng trăm người bị thiệt mạng (5). Hiện nay ngay tại Việt Nam đồng bằng Cửu long vựa thóc cả nước đáng đứng trước nguy cơ thủy triều càng cao, nước mặn tràn vào đồng ruộng. Mới đây thành phố Sài gòn đã báo động nguy cơ đất ngày càng lún, lụt lội càng gia tăng. "Tốc độ lún dao động từ 2-5 cm/năm. Đặc biệt, tại những khu vực tập trung các công trình thương mại, tốc độ sụt lún có thể lên tới 7-8 cm/năm (6)". Trong khi đó Thủ tướng Phạm Minh Chính lại vừa để tiếp tục khai thác than đá để sản xuất điện, vì mùa hè vừa qua nạn thiếu điện trầm trọng thêm (7). Trong khi đó điện gió, điện mặt trời là năng lượng tái tạo giảm nguy cơ phá hủy môi trường và rất thích hợp với điều kiện thiên nhiên của Việt Nam, nhưng vẫn tiếp tục bị trở ngại, vì các tập đoàn than đá và dầu khí quốc doanh được các đại quan đỏ và các nhóm lợi ích bảo vệ và lũng đoạn.
Tất cả những thảm họa khí hậu môi trường đều do con người gây ra từ sử dụng dầu lửa, khí đốt, than đá, thải ra khí độc CO2 từ các nhà máy, xe hơi, phi cơ. Phần lớn xuất phát từ các nước công nghiệp lớn, một số chính quyền vẫn cố nhắm mắt.
Do những nguy cơ trước mắt về biến đối khí hậu, nạn đói, di cư ồ ạt, chiến tranh ngày càng lớn và lan rộng. Nên nhiều tổ chức quốc tế và các dân tộc dân chủ tiến bộ càng thấy phải ngồi sát lại với nhau để sớm tìm ra giải pháp nhanh và hữu hiệu, nếu không thì nhân loại và quả địa cầu sẽ bị hủy diệt. Những chiều hướng dân chủ và nhân bản tiến bộ này được thúc đẩy mạnh mẽ và rất hiệu lực bởi các tiến bộ khoa học của thời đại mới, như AI (trí tuệ nhân tạo), kỷ nguyên truyền thông Internet cực nhanh và cực rộng.
Mỗi quốc gia bất kể các định chế dân chủ hay độc tài trên thế giới - kể cả các cường quốc hạt nhân- đang cùng đứng trước thử thách và cơ hội cùng chết hay cùng sống, cùng tồn tại trong nhân nhượng và tôn trọng lẫn nhau, chống lại những chủ nghĩa dân tộc cực đoan ! Trước nguy cơ cùng bị hủy diệt, nên văn hóa nhân bản và dân chủ đang làm cho các nước và khu vực hiểu biết lẫn nhau và cần tới nhau rất thiết thực, mặc dầu một số nước lớn vẫn theo đuổi chủ nghĩa dân tộc cực đoan !
Mỗi quốc gia đang cùng đứng trước thử thách và cơ hội cùng tồn tại trong nhân nhượng và tôn trọng lẫn nhau, chống lại những chủ nghĩa dân tộc cực đoan
II. Trump âm mưu chuyển từ America First sang Trump First
Giữa khi đó tân Tổng thống Trump lại ngang bướng không thèm nhìn nhận những nguy cơ từ môi trường, nên đang chuẩn bị chính sách trở lại tiếp tục khai thác khí đốt từ khí đá, nuôi ý định lại rút Hoa Kỳ ra khỏi "Thỏa thuận Paris về khí hậu 22/4/2016" rút bỏ những viện trợ cho các nước nghèo thoát khỏi nguy cơ tàn phá mội trường (8).
Trong ngoại giao và quốc phòng, Trump có chủ ý giám bớt tối đa vai trò của Hoa Kỳ trong liên minh NATO, giảm bớt tới chấm dứt viện trợ cho Ukraine để thả cửa nhà độc tài Putin chiếm lấy và từ đó có thể thực hiện tái lập đế quốc Liên Xô sang cả Đông Âu. Đây sẽ là mối đe dọa trực tiếp cho Thế chiến III. với sử dụng bom nguyên tử xuyên qua hỏa tiễn liên lục địa, đe dọa không chí cho Châu Âu, Châu Á mà ngay cả Hoa Kỳ.
Những danh sách vừa được công bố về thành phần nội các tương lai từ nội trị, quốc phòng, ngoại giao, mật vụ, năng lượng, y tế, an ninh nội địa… cho thấy ông Trump chỉ chọn những người trung thành, nịnh hót ông, bất kế tới khả năng, chuyên viên và kinh nghiệm… Điều này hoàn toàn phản ảnh cá tính độc tài, đầu óc thiển cận, mù quáng chỉ thấy trước mà không thấy hậu quả theo sau. Đúng là tham vọng của Trump sau khi chiến thắng biến từ America First thành Trump First (9) !
Nhưng những tham vọng và chính sách độc tài của Trump trong thời gian tới liệu có đưa Make America Great Again (MAGA) (làm cho Mỹ lớn mạnh tiếp tục), hay không khéo sẽ đẩy Hoa Kỳ bị cô lập trên thế giới, mất các đồng minh tin cậy trên cả 5 châu ! Ngay cả với đa số nhân dân Mỹ, lưỡng viện, báo chí, các tổ chức dân sự Hoa Kỳ có cho phép Trump tung hoành như ở vườn hoang ?
Trong thời đại toàn cầu hóa kinh tế, tài chính, ngoại giao và quốc phòng, liệu Hoa Kỳ có thể rút lui, tự phong tỏa để sống một mình được không ? Trong lịch sử Hoa Kỳ cận đại, ngay cả những thời gian lưỡng viện thuộc đa số của một đảng, tùy theo vấn đề lớn hay nhỏ, nếu trực tiếp tới vận mệnh Hoa Kỳ thì theo truyền thống, Quốc hội không nhắm mắt để Tổng thống toàn quyền quyết định. Theo truyền thống chính trị Hoa Kỳ, khi đó các đại biểu quốc hội thuộc đảng Dân chủ hay Cộng hòa trong Thượng viện và Hạ viện vẫn có quyền quyết định và bỏ phiếu theo lương tâm và sự hiểu biết của họ, bất chấp mệnh lệnh của Tổng thống.
Nên nắm vững, đã có những lần vài tổng thống Mỹ tính áp dụng độc tài nhưng đã bị các cơ chế chính trị lưỡng viện dân chủ, tư pháp độc lập, nền báo chí tự do, hệ thống xã hội dân sự độc lập, đa ngành đa năng ngăn cản thành công và phá hủy ý đồ của Tổng thống. Những điều này chúng ta đã biết rõ trong nhiều giai đoạn ở Hoa Kỳ. Cụ thể nhất là thời Tổng thống Nixon đến nỗi phải từ chức để tránh bị Quốc hội truất phế. Ngay cả trong nhiệm kỳ Tổng thống đầu của Trump (2017-221) ông đã gặp phải chống đối mạnh trong Quốc hội và ngay cả nhiều bộ trưởng và cố vấn… khiến cho chính quyền Trump trong nhiệm kỳ đầu đã bị tê liệt nhiều lần (10) !
Các định chế chính trị dân chủ, các lực lượng chính trị-kinh tế và khuynh hướng văn hóa dân chủ của Hoa Kỳ được xây dựng gần 250 năm, mặc dầu đã bị thử thách một số lần, nhưng sau mỗi lần bị khủng hoảng cả chính giới và cả hệ thống xã hội dân sự đã can đảm và sáng suốt sửa chữa những lỗi lầm và khuyết điểm để hoàn thiện chế độ dân chủ. Nhờ thế nền dân chủ Hoa Kỳ vẫn tồn tại vững vàng. Những tham vọng cá nhân điên rồ của ông già độc tài Trump cũng không thể nào phá được siêu cường kinh tế và nền dân chủ Hoa Kỳ.
Chiếm quyền tạm thời như kiểu Trump trong một xã hội dân chủ có truyền thống ví như một người bị bệnh cúm trong mùa ; hay một ngôi nhà bị cơn bão lớn làm tốc mái nhà nhưng nhờ nền tảng tốt nên vẫn đứng vững, nay phải tu sửa lại. Lịch sử Hoa Kỳ đã trải qua một số lần thử thách lớn nhưng sau đó đã có những canh tân mới để lấy đà tiến lên trở lại.
Trong một chế độ dân chủ dù không ai muốn, nhưng cũng phải chấp nhận đôi khi có thể xẩy ra những rủi ro trong chính trị -như việc Trump vừa thắng cử- Nhưng đa số tin rằng, những giá trị cao quí và nhân bản của các định chế dân chủ đủ vững để có thể vượt qua những rủi ro này và mau chóng khôi phục lại sinh hoạt dân chủ truyền thống trong mọi lãnh vực của đất nước. Nó có thể so sánh với NHÂN và QUẢ. Nếu nhân tốt thì sẽ có quả ngon, ngọt để mọi người thưởng thức. Nhưng phải thừa nhận, nếu thời tiết bất thường hoặc các cây trái không được chăm sóc chu đáo thì có thể bị mất mùa ! Cho nên phải biết luôn luôn tu sửa , kiên tâm một thời gian ngắn để có trái ngon ngọt trở lại. Hoạt động chính trị không như toán học hay các khoa học tự nhiên, không luôn luôn là đường thẳng, mà thường có những quanh co, gập gềnh !
Những sinh hoạt chính trị xôi động này không chỉ diễn ra ở Hoa Kỳ, mà vẫn trải ra ở nhiều định chế dân chủ có truyền thống trên thế giới. Cho nên khi một người đứng đầu muốn lạm dụng quyền lực để tính thực thi những biện pháp độc tài thường bị các định chế ngăn cản, chống đối ngay cả ngay trong đảng cầm quyền. Lí do thực tế và đơn giản là, người cầm đầu hành pháp - theo qui định của hiến pháp- thường chỉ cầm quyền tối đa 2 nhiệm kỳ, nên họ không đủ thời gian và sức phá hủy định chế dân chủ đã có truyền thống được. Trong các xã hội Dân chủ Đa nguyên, các hoạt động chính trị dân chủ công khai, cạnh tranh luôn luôn sinh động, nên dân trí được nâng cao, thường xuyên có những sáng kiến mới, sửa chữa kịp thời những sai lầm khuyết điểm.
Trái lại trong các chế độ độc tài đảng trị hay cá nhân trị, là những xã hội kín, bưng bít. Ở đó những người cầm đầu lâu năm sẽ tự do lạm dụng quyền lực và tiền bạc, dễ dàng biến chế độ và toàn xã hội thành như sở hữu riêng cho cá nhân và phe nhóm. Tham nhũng bùng nổ, đàn áp công khai và đưa toàn xã hội vào chậm tiến, nghèo đói và bất công, nên trình độ dân trí rất thấp ! Điển hình như ở Liên Xô trước đây, Nga hiện nay, Trung Quốc, Bắc Hàn và Việt Nam hiện nay !
Trong các chế độ độc tài đảng trị hay cá nhân trị, ở đó những người cầm đầu lâu năm sẽ tự do lạm dụng quyền lực và tiền bạc, dễ dàng biến chế độ và toàn xã hội thành như sở hữu riêng cho cá nhân và phe nhóm.
III. Các điểm nghẽn trong xã hội Việt Nam do hậu quả của chủ nghĩa Marx-Lenin và giải pháp của Tô Lâm
Từ khi cướp được ghế Tổng bí thư (3/8/2024) trong thời gian qua tại Hội nghị Trung ương 10 (18-20/9/2024) (11) và các hội nghị quan trọng Tô Lâm đã tung lên một loạt những khẩu hiệu rất kêu, như "kỷ nguyên mới", "tự lực, tự cường, tự tin…" và phất lên ngọn cờ "kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam". Không những thế Tô Lâm còn thừa nhận những hậu quả của chế độ cộng sản đang đè nặng nhân dân và phá hoại đất nước, đang gây ra những "điểm nghẽn" trên mọi lãnh vực kinh tế, xã hội, lao động, giáo dục, ngoại giao và cán bộ cực kị tai hại. Nhưng ông đã đưa ra các giải pháp nào và toan tính cho cá nhân ra sao ? Có gì mới không ?
1. Điểm nghẽn cực lớn là bộ máy cai trị rất cồng kềnh, lãng phí trở thành gánh nặng ngày càng năng nề cho nhân dân và đất nước. Nguyên nhân từ đâu và Tô Lâm giải quyết bằng cách nào ?
Trước các học viên Lớp bồi dưỡng, cập nhật kiến thức, kỹ năng đối với cán bộ quy hoạch Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIV (Lớp 3) tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh ngày 31/10/2024 chính Tô Lâm xác nhận : "Hiện nay 70% ngân sách dùng để nuôi bộ máy", "Lãng phí tuy không lấy của công đút túi, song kết quả cũng rất tai hại cho nhân dân, cho Chính phủ. Có khi tai hại hơn nạn tham ô". Tô Lâm than rằng, ngân sách quốc gia chỉ "còn 30% thì tiền đâu để phục vụ quốc phòng, an ninh, xóa đói giảm nghèo, an sinh xã hội ! Trong khi các nước khác chỉ có hơn 40%" ngân sách để nuôi bộ máy chính quyền" (12).
Có lẽ ngoài Trung Quốc chưa có một nước nào phải nuôi bộ máy cầm quyền nặng nề, trồng tréo và cồng kềnh như ở Việt Nam hiện nay. Ngoài bộ máy chính quyền như ở hầu hết các nước, hiện nay nền kinh tế òi ẹp của Việt Nam phải cáng đáng thêm nuôi hai bộ máy nữa là hệ thống Đảng cộng sản từ trung ương tới cơ sở với trên 5 triệu đảng viên. Ngoài ra ngân sách nhà nước còn phải chi cho các tổ chức ngoại vi của Đảng. Bộ máy cực kỳ cồng kềnh và lãng phí có thể thấy rất rõ : Song hành các Bộ trong chính phủ là các Ban trong Đảng. Thông thường ở các nước, ngoài Tổng thống hay Thủ tướng chỉ có một Phó Tổng thống hay Phó Thủ tướng. Hiên nay Việt Nam có tới 5 Phó Thủ tướng. Mỗi bộ, ngoài bộ trưởng có tới 4 thứ trưởng, hai bộ Công an, Quốc phòng có tới 6 Thứ trưởng hay tương đương. Các Ban Trung ương của đảng, ngoài trưởng ban còn có nhiều phó trưởng ban. Điển hình như ngân sách khổng lồ giành cho bộ máy công an mật vụ. Năm 2021 "dự toán chi ngân sách cho Bộ công an là khoảng 96 ngàn tỷ đồng, gấp hơn 10 lần Bộ y tế (khoảng 9,1 ngàn tỷ đồng) và Bộ giáo dục là 7,1 ngàn tỷ đồng. Năm 2022, Bộ Công an được phân bổ số tiền 95,5 ngàn tỷ đồng và tăng lên gần 100 ngàn tỷ đồng trong năm 2023 (13).
Ở các nước dân chủ chỉ có một bộ máy duy nhất được phép dùng tiền từ ngân sách nhà nước, đó là các viên chức chính phủ từ trung ương tới địa phương. Cách chính đảng phải tự lập ngân sách từ đóng góp của các đảng viên và sự ủng hộ tài chính các mạnh thường quân. Nhưng tại Việt Nam ngân sách nhà nước không còn để cho đầu tư phát triển, làm sao có thể thực hiện khát vọng "Kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc" ? Chẳng những thế trong buổi giảng dậy cho các Ủy viên Trung ương tương lai của khóa 14 Tô Lâm lại vẫn lập lại, "Tập trung xây dựng mô hình xã hội chủ nghĩa Việt Nam, trọng tâm là xây dựng con người xã hội chủ nghĩa, tạo nền tảng xây dựng xã hội xã hội chủ nghĩa mà Cương lĩnh của Đảng" (14). Nghĩa là trước sau Tô Lâm vẫn chỉ dùng giải pháp "Nguyễn Như Vân" !
Tại sao chế độ độc đảng toàn trị cộng sản Việt Nam không thể nào tinh giảm bộ máy nhà nước được, trái lại ngày càng phình to ? Bởi vì hệ thống cai trị theo mô hình Marx-Lenin coi Đảng cộng sản là chủ nhân duy nhất và toàn bộ trong mọi lãnh vực trong xã hội từ chính quyền, đất đai tới nhân dân. Chính vì thế đã bao nhiêu lần ra Đảng, Chính phủ, Quốc hội quyết định giảm biên chế, nhưng trong thực tế bộ máy cai trị ngày càng phình ra trong mọi ngành để nuôi bộ máy độc tài kiểm soát và hành hạ nhân dân !
2. Điểm nghẽn : Kinh tế lệ thuộc bên ngoài, năng xuất lao động thấp - Giải pháp nào của Tô Lâm ?
Nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm, đã nhận định về những mâu thuẫn trong chính sách kinh tế của cộng sản Việt Nam : "Đây cũng là nguyên nhân gây nên nghịch lý ở Việt Nam, đó là nền kinh tế khát vốn, kêu gọi và chờ mong nguồn vốn FDI, trong khi đó rất khó hấp thụ được nguồn vốn trong nước, đặc biệt nguồn vốn đầu tư công" (15).
Các đặc điểm chính của kinh tế Việt Nam thời xã hội chủ nghĩa theo mô hình Marx-Lenin là áp dụng kinh tế quốc doanh làm chủ đạo, các tập đoàn và các tổng công ti nhà nước độc quyền nắm giữ các huyết mạch kinh tế, được tự do sử dụng ngân sách, nhân lực và tài nguyên. Nhưng hầu hết các doanh nghiệp nhà nước lại chỉ thua lỗ, gây phí phạm nhân lực và tài nguyên mỗi năm rất lớn. Trong khi ấy kinh tế của tư nhân Việt Nam bị bạc đãi, khinh rẻ. Năng suất lao động ở Việt Nam rất thấp và càng giảm so sánh ngay với các nước trong khu vực (16). Vì thế kinh tế Việt Nam bị tụt hậu, lợi tức đầu người chỉ bằng khoảng 1/9 của Nam Hàn và Đài Loan (17).
Trước tình thế đó nhóm cầm đầu chế độ toàn trị đã hấp tấp mù quáng chọn giải pháp đốt giai đoạn nửa vời, mời đón cho các "đại bàng" nước ngoài, để cho các đại công ti nước ngoài (FDI) đầu tư vào Việt Nam hưởng các ưu đãi tối đa về thuế, đất đai, lao động rẻ mạt. Vì thế nền kinh tế Việt Nam hiện nay hoàn toàn lệ thuộc vào xuất khẩu, trong đó các công ti nước ngoài chiếm trên 70% (tương đương 60% GDP). Các doanh nghiệp này nhập khẩu trên 80% linh kiện, thiết bị, nhưng chỉ sử dụng những tư liệu sản xuất giản đơn của Việt Nam như lao động, đất đai, hàng triệu công nhân Việt Nam lại phải nhận đồng lương chết đói. Các FDI không giúp Việt Nam xây dựng công nghiệp nội địa (18).
Mới đây trên đường thăm Hoa Kỳ Tô Lâm đã cho phe nhóm Hưng Yên chào đón để công ti của Trump xây khách sạn và sân golf 1,5 tỉ USD làm trung tâm du lịch ở Hưng Yên và muốn dùng nó làm phương tiện trao đổi để mong Trump không trừng phạt hàng xuất cảng của Việt Nam sang Hoa Kỳ. Ngoài ra Hà nội còn để Bắc kinh dùng Việt Nam như nước chung chuyển các sản phẩm Trung Quốc sang Việt Nam trên đường xuất cảng sang Hoa Kỳ (19).
3. Điểm nghẽn : Pháp luật bị thao túng bởi các nhóm lợi ích và tham nhũng – Giải pháp nào của Tô Lâm ?
Sau gần 80 năm cai trị Đảng cộng sản Việt Nam đang lập nên hệ thống pháp luật ngày càng chỉ "phục vụ lợi ích nhóm". Chính Tô Lâm tại buổi làm việc với Ban cán sự Đảng bộ Tư pháp nhân Ngày Pháp luật Việt Nam 7/11 đã phải nhìn nhận như vậy (20). Vì ngay trong giai đoạn chuẩn bị các luật và chính sách đã do các phe nhóm cho thế lực thao túng. Cho nên luật pháp rất chằng chịt, công kềnh, vô hiệu lực, giải thích tùy tiện theo ý muốn của những quan đỏ nắm quyền lực và tiền bạc.
Tuy chỉ trích như thế, nhưng khi đưa ra giải pháp thì Tô Lâm đòi phải "phát huy cao độ tính đảng trong xây dựng, hoàn thiện và thực thi pháp luật" (21) ! Nhưng Tô Lâm thừa biết là, chính vì phải giữ "tính Đảng", tức là độc tài và phe nhóm trong xây dựng pháp luật ; nên cá nhân hay hội đoàn, kể cả đảng viên tiến bộ lên tiếng phản đối liền bị gán ghép "chống lại chế độ", bị theo dõi, giam giữ. Việt Nam đang trở thành một nước bị chà đạp nhân quyền tàn bạo nhất trên thế giới. Báo chí tư nhân bị cấm hoạt động. Báo chí Đảng phải mặc đồng phục, tô hồng những người có quyền lực. Im lặng trước những sai lầm, tham nhũng.
Mặc dầu trong các Hội nghị Tô Lâm vẫn đề cao "minh bạch", "công khai" các hoạt động của Đảng và Nhà nước. Nhưng mới đây nhất báo chí của chế độ đã bị cấm không được đưa tin một cán bộ cảnh vệ trong phái đoàn của Chủ tịch nước Lương Cường tham dự APEC ở Peru đã "xâm phạm tình dục" thiếu nữ trên 14 tuổi tại khách sạn ở Chile. Truyền hình Chile và báo chí quốc tế tường thuật rõ ràng. Một hành động làm ô nhục Chủ tịch nước và cả chế độ ! Đúng lí ra nếu Tô Lâm thực lòng và biết tự trọng, muốn cải tổ pháp luật thì phải để báo chí tự do đưa tin và kết án nghiêm khắc hành động tồi bại của cán bộ (22).
Việt Nam đang trở thành một nước bị chà đạp nhân quyền tàn bạo nhất trên thế giới. Phiên họp 57 của Hội đồng Nhân quyền LHQ diễn ra ngày 11/9/2024
4. Điểm nghẽn : Giáo dục chậm tiến, lạc hậu, chuyên viên thất nghiệp - Tô Lâm đưa ra giải pháp nào ?
Nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, trước các nhà giáo Tô Lâm đã có bài diễn văn dài ngày 18/11 tại Hà nội đã phải nhìn nhận thực trạng giáo dục ở Việt Nam sau gần 80 năm dưới thời xã hội chủ nghĩa : "Thẳng thắn nhìn nhận, đổi mới giáo dục, đào tạo tuy đã triển khai hàng chục năm nhưng cơ bản chưa tạo chuyển biến mạnh mẽ, chưa thật sự chuyển biến về chất, chưa đáp ứng kỳ vọng của Đảng, Nhà nước và Nhân dân". "Chất lượng giáo dục ở các cấp học còn hạn chế ; giáo dục đại học vẫn tụt hậu so với các nước trong khu vực và thế giới ; "nặng" về lý thuyết, "nhẹ" về thực hành". "Hàng chục nghìn cử nhân, kỹ sư, thạc sĩ tốt nghiệp ra trường không tìm được việc làm, hoặc làm không đúng nghề nghiệp được đào tạo". "Đầu tư từ ngân sách nhà nước cho giáo dục đào tạo chưa tương xứng với yêu cầu đổi mới và phát triển giáo dục" (23).
Nhưng làm thế nào để giải quyết những khuyết điểm và sai lầm trong giáo dục, để đưa Việt Nam vào kỷ nguyên mới ? Tô Lâm lại bản cũ sao, tiếp tục buộc học sinh, sinh viên, nhà giáo phải học tập theo văn hóa chính trị Marx-Lenin :
"Ưu tiên hàng đầu trong thực hiện mục tiêu đó là tập trung xây dựng con người xã hội chủ nghĩa. Chú trọng giáo dục nhân cách, đạo đức, lối sống, tri thức pháp luật và ý thức công dân. Tập trung vào những giá trị cơ bản của văn hóa, truyền thống và đạo lý dân tộc, tinh hoa văn hóa nhân loại, giá trị cốt lõi và nhân văn của chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, cương lĩnh, đường lối của Đảng" (24) !
5. Điểm nghẽn Ngoại giao : Từ vội vã sang gặp Tập Cận Bình tới Biden nay Tô Lâm đang vuốt ve Trump
Bên cạnh những tuyên bố rùm beng trong thời gian vài tháng qua về các cải tổ nội trị theo khẩu hiệu "kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam", Tô Lâm còn đoạt cả giải quán quân trong hoạt động ngoại giao. Chỉ nội 2 tuần sau khi nắm ghế Tổng bí thư kiêm Chủ tịch nước Tô Lâm đã sang Bắc kinh ra mắt Tập Cận Bình (18-20/8) thề thốt tuân hành Việt Nam ngồi vào rọ "Cộng đồng chung vận mệnh với Trung Quốc" (25). Sau đó Tô Lâm còn đi thăm Châu Âu, Hoa Kỳ và Cuba. Mục tiêu của Tô Lâm là chứng tỏ với các phe phái trong Đảng về tài ngoại giao tháo vát của mình để chuẩn bị giữ tiếp đứng đầu Đảng (26).
Trong chính sách đối ngoại tuy Tô Lâm không dùng cụm từ "ngoại giao cây tre" thời Nguyễn Phú Trọng, nhưng tựu trung vẫn theo đuổi thủ đoạn bắt cá hai tay, muốn cùng một lúc đi thân cả với Bắc kinh và tiến gần tới Hoa Kỳ và Liên Âu. Tô Lâm đã ngoan ngoãn chui vào rọ "Cộng đồng cùng chung vận mệnh" của Tập Cận Bình, nhưng cũng muốn có quan hệ tốt với Hoa Kỳ, đặc biệt trong kinh tế thương mại.
Chỉ vài tháng tới khi Trump trở lại tòa Bạch ốc thì khả năng xoay sở của Tô Lâm sẽ bị thử thách rất gay go cả từ Bắc kinh lẫn Washington. Kinh tế Việt Nam hoàn toàn dựa trên xuất cảng và bán sản phẩm Trung Quốc thay cho Bắc kinh, nên đang đứng trước thử thách như anh khổng lồ bằng đất sét ! Xuất cảng của Việt Nam phần chính là sang Hoa Kỳ :
"Năm 2023, Hoa Kỳ thâm hụt 104,6 tỷ USD thương mại song phương với Việt Nam và trong chín tháng đầu năm nay, thâm hụt thương mại đã lên tới 96 tỷ USD. Xuất khẩu 9,8 tỷ USD vào năm 2023" (27).
Nếu Trump thực hiện chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch gia tăng thuế hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam vào Hoa Kỳ lên tới 20% và hàng hóa Trung Quốc xuất khẩu vào Hoa Kỳ lên tới 60% thì sẽ là một cuộc chiến tranh thương mại với hai nước cộng sản. Bắc kinh sẽ tìm cách tránh né đòn trừng phạt của Trump bằng cách ép Hà nội phải để Bắc kinh mở rộng đầu tư ở Việt Nam đồng thời gia tăng chuyển sản phẩm của Trung Quốc sang Việt Nam để xuất cảng sang Hoa Kỳ để tránh sự trừng phạt của Trump. Khi đó cùng lúc Hà nội bị áp lực nặng nề của Bắc kinh lẫn Washington. Kinh tế thương mại của Việt Nam rơi vào tình trạng một cổ hai tròng ! Hiện nay Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam, nguồn cung hàng hóa lớn nhất và là thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 của Việt Nam. Việt Nam cũng trở thành nước trao đổi thương mại lớn thứ 4 với Trung Quốc trên thế giới (năm 2022) ; đồng thời cũng là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong ASEAN (28).
Trong chuyến thăm của Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường (12-14/10) Thông cáo chung đã xác nhận "Hai bên sẽ phát huy vai trò của Nhóm công tác hợp tác đường sắt Việt Nam - Trung Quốc ; đẩy nhanh công tác nghiên cứu khả thi tuyến đường sắt khổ tiêu chuẩn Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng và lập Quy hoạch 2 tuyến đường sắt khổ tiêu chuẩn Đồng Đăng - Hà Nội và Móng Cái - Hạ Long - Hải Phòng ; đẩy nhanh công tác kết nối ray khổ tiêu chuẩn từ Lào Cai (Việt Nam) đến Hà Khẩu (Trung Quốc)" (29). Đây là những bước tính toán rất cụ thể, Bắc kinh muốn mượn đường để khống chế Việt Nam, giống như trước đây nhà Nguyên Trung Quốc đã tìm cách mượn đường qua Việt Nam để chiếm Chiêm Thành, nhưng bị nhà Trần đã từ chối.
Thực hiện sách lược ép Việt Nam vào Cộng đồng chung tương lai với Trung Quốc, mục tiêu của Bắc kinh là từng bước đẩy Việt Nam và Đông dương trở thành bàn đạp để chiếm toàn biển Đông, từ đó kiểm soát đường hàng hải quốc tế rất quan trọng giữa châu Á-Thái bình dương và Ấn độ dương. Trong các cuộc họp cấp cao với Tập Cận Bình và Lý Cường từ Nguyễn Phú Trọng trước đây tới Tô Lâm và Phạm Minh Chính đều phải chấp thuận hợp tác chặt chẽ trong chính trị, kinh tế, ngoại giao, quốc phòng và an ninh. Thậm chí Hà nội phải chấp nhận cả "ngăn ngừa Cách mạng mầu" ở Việt Nam, tức là đàn áp các cuộc đấu tranh dân chủ ở Việt Nam (30).
Chính sách ngoại giao của cộng sản Việt Nam như người bắt cá hai tay, tham lam nhưng lại không khôn ngoan, muốn cùng một lúc dùng cả 2 tay để bắt 2 con cá. Cuối cùng sôi hỏng bỏng không, khi cần sự giúp đỡ thì không có bạn tin cậy nào giúp ! Tuy nhìn nhận thế giới đã thay đổi sâu sắc, nhưng Tô Lâm vẫn cố giữ NHÂN cũ đã thối nát : "Chúng ta đang sống trong một thế giới thay đổi nhanh chóng. Nhưng với Việt Nam, có một điều không thay đổi : Dưới sự lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam…", tức vẫn bám chặt vào chủ nghĩa Marx-Lenin đã bị vất vào sọt rác trên ba thập kỷ (31).
6. Điểm cực nghẽn : Cán bộ tham nhũng, bất tài, vô đạo đức - Giải pháp của Tô Lâm : Đào sâu thêm chia rẽ, thanh toán lẫn nhau ở Trung ương để chuẩn bị giành ghế Tổng bí thư tiếp tại Đại hội 14
Từ Hồ Chí Minh tới những người kế nghiệp gần 80 năm qua đã dùng mô hình xây dựng xã hội Việt Nam theo văn hóa cai trị Marx-Lenin để đào tạo cán bộ lãnh đạo và các đảng viên theo con người xã hội chủ nghĩa mẫu mực. Mặc dầu những người cầm đầu chế độ toàn trị trước sau vẫn tuyên bố "công tác cán bộ là then chốt của then chốt". Nhưng hiện nay kết quả cho thấy, từ tứ trụ tới các Ủy viên trong Bộ chính trị, Ban bí thư và Trung ương đảng hầu hết là những người tham quyền, tham tiền, vô tài và thất đức… Để giành giựt ngôi thứ và tiền bạc, họ không từ thủ đoạn nào thanh toán tàn bạo lẫn nhau.
Theo dõi các cuộc đảo chính, động đất chính trị ngay trong cung đình đỏ từ 2001 tới nay cho thấy ngày càng dồn dập và tàn bạo. Từ Đỗ Mười thao túng để lật Lê Khả Phiêu đưa Nông Đức Mạnh làm Tổng bí thư bù nhìn của Đỗ Mười tại Đại hội 9 (2001). Tới cuộc trường kỳ chọi nhau rất tàn bạo giữa Nguyễn Phú Trọng và Nguyễn Tấn Dũng giữa hai Đại hội 11 và 12 (2011-2016) (32). Riêng ba năm qua những cuộc tàn sát thanh toán lẫn nhau ngay trong "Tứ trụ" đã bùng nổ dồn rập nhiều lần vượt tới cao điểm nhất (33).
Tình hình này cho thấy, những người có quyền lực nhất giữa các phe nhóm lợi ích hiện nay theo đuổi mục tiêu cá nhân hoàn toàn mâu thuẫn đối kháng lẫn nhau. Họ giữ thái độ và cách cư xử với nhau theo luật rừng xanh, kẻ mạnh giết kẻ yếu. Chính vì thế chế độ độc tài toàn trị đang rơi vào giai đoạn không còn thuốc nào có thể cứu chữa được nữa !
Bộ chính trị khóa 13 gồm 18 người, nhưng nhiều người trong tứ trụ đã bị loại, một số vừa mới được bầu bất chấp Điều lệ đảng, nay chỉ còn 15 người. Trong số này Công an chiểm 6 ghế và Quân đội chiếm 4 ghế, mặc dầu trong thời bình. Như vậy thành phần chuyên viên chỉ còn thiểu số trong cơ quan đầu não, nhưng Tô Lâm vẫn hùng hổ đưa ra khẩu hiệu "Kỉ nguyên vươn mình của dân tộc !"
Con người thật của Tô Lâm
IV. Con người thật của Tô Lâm
Một người từng bất chấp luật pháp quốc tế quyết lập công để mua chuộc sự tin cậy của Nguyễn Phú Trọng đã tổ chức bắt cóc Trịnh Xuân Thanh đang tị nạn chính trị ở Đức (2017) (34). Tới cả không biết ngượng khi cùng bộ hạ ăn thịt bò dát vàng với giá cả hàng chục ngàn bảng Anh tại nhà hàng đắt tiền tại London (2021 (35). Giữa lúc hàng triệu đồng bào trong nước đang phải chịu cảnh đói khát của đại dịch Covid. Thế rồi thực hiện cam kết với Bắc kinh "khép lại quá khứ" nên bất kể tới chiến sĩ và đồng bào đã hi sinh trong chiến tranh chống xâm lược của Trung Quốc đầu năm 1979, vì thế năm nay Tô Lâm lại lo hưởng thụ và bảo bệ quyền lợi phe nhóm nên đã tự đứng ra tổ chức linh đình Đại hội ca nhạc mừng xuân tại Nhà hát Hồ Gươm của bộ CA vào đúng ngày 17/2/2024 kỷ niệm Trung Quốc xâm lược biên giới phía Bắc (36).
Cực kỳ nham hiểm và kiên gan đã lợi dụng vai trò Bộ trưởng Công an tìm mọi cách thu tập hồ sơ lí lịch của các đối thủ trong Tứ trụ để loại họ, đến khi Nguyễn Phú Trọng đau nặng thì ra tay phỗng tay trên ghế Tổng bí thư và cả Chủ tịch nước. Mới đây nhất Tô Lâm và vây cánh Hưng Yên còn tìm cách đầu cơ quyền lực bằng cách đi đêm với Trump để công ti của Trump đầu tư 1,5 tỉ USD xây khách sạn sang cùng với sân golf rất lớn ở tỉnh của mình để làm hậu thuẫn chuẩn bị giành ghế Tổng bí thư tiếp !
Cho nên không ngạc nhiên, sau khi đảo chính thành công nắm ghế Tổng bí thư, Tô Lâm đã nâng đỡ và bổ nhiệm hàng loạt người cùng vây cánh trong Công an và đồng hương Hưng Yên vào các chức vụ then chốt trong bộ Công an, Bộ chính trị, Ban bí thư (37). Mới đây để chuẩn bị giành cho chính mình và vây cánh vào các trường hợp đắc biệt như thời Nguyễn Phú Trọng, nên Tô Lâm đã vừa thông qua Luật bầu cử tại Đại hội Đảng 14 giành cho Bộ chính trị độc quyền đề nghị đề cử những nhân vật chính trtong Tứ trụ, Bộ chính trị và Ban bí thư.
Ngày 10/10/2024 Tô Lâm đã kí ban hành Quyết định 190-QĐ/TW của Trung ương đảng về Qui chế bầu cử trong Đảng. Văn bản này thay cho Quyết định số 244-QĐ/TW do Nguyễn Phú Trọng kí 9/6/2014.
Điều 11 Khoản 3 Quyết định "Ở các hội nghị của Ban Chấp hành Trung ương, các đồng chí ủy viên Bộ Chính trị, ủy viên Ban Bí thư không được đề cử nhân sự ngoài danh sách do Bộ Chính trị đề cử ; không được ứng cử và nhận đề cử nếu không có tên trong danh sách đề cử của Bộ Chính trị" (38).
Hiện nay Bộ Chính trị chỉ còn 15 ủy viên, trong đó có 10 tướng (6 Công an, 4 Quân đội). Với tỉ số chênh lệch nhau lớn lao này, cộng với vây cánh ở trong Trung ương, phe của Tô Lâm có thể giành cho mình những trường hợp đặc biệt bất kể tới Điều lệ đảng, dù không đủ thâm niên trong Bộ chính trị hay đã quá tuổi qui định vào thời gian diễn ra Đại hội 14 -Nghĩa là tái lập thủ đoạn của Nguyễn Phú Trọng khi loại đối thủ Nguyễn Tấn Dũng và vây cánh trước đây (39) !
Để chuẩn bị tranh ghế Tổng bí thư tại Đại hội 14 vào tháng 1/2026, mới vài ngày trước Tô Lâm đã hồ hởi vẽ lên ngọn cờ mới 2025 để dụ dỗ đánh lừa đảng viên và nhân dân :
"Năm 2025 diễn ra nhiều sự kiện lịch sử trọng đại, 95 năm lịch sử quang vinh của Đảng, 80 năm ngày độc lập và 50 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước ; cũng là năm đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV ; là thời điểm sau 40 năm đổi mới, với những thành tựu vĩ đại đạt được, với thế và lực đã tích lũy, với thời cơ vận hội mới, chúng ta đang đứng trước cánh cửa lịch sử để vững bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc" (40).
Nói tóm lại, những chỉ trích của Tô Lâm về những điểm nghẽn, sai lầm của chế độ toàn trị trên mọi lãnh vực sau gần 80 năm độc quyền cai trị và đề ra khẩu hiệu "kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam" để đánh dấu ca ngợi giai đoạn ông cướp được ghế Tổng bí thư. Khẩu hiệu rất kêu này làm mọi người nhớ tới khẩu hiệu "Yêu nước" của Hồ Chí Minh 1945 giữa khi ông giả vờ giải tán Đảng cộng sản khi đó để lừa dân và các giới ; rồi tới dựng lên Mặt trận Giải phóng miền Nam 1960 mở cuộc nội chiến giết hại mấy triệu đồng bào Nam-Bắc nhưng lại trương khẩu hiệu " Hòa giải dân tộc". Từ cuối thập niên 80 vì nạn đói, Đặng Tiểu Bình mở cuộc chiến ở biên giới phía Bắc, Liên xô sụp đổ nên họ đã ttung lên khẩu hiệu "Đổi mới". Nhưng gần 40 năm qua vẫn giữ nguyên chế độ độc đảng, sang Thành Đô (1990) cúi đầu thần phục Bắc kinh "phải khép lại quá khứ", rồi nay chui vào rọ "Cùng chung vận mệnh tương lai" với Trung Quốc !
Tùy theo điều kiện trong nước và quốc tế trong từng giai đoạn nên các khẩu hiệu được thay đổi trong mỗi thời kỳ để đánh lừa nhân dân ta, đánh lừa thế giới. Nhưng tất cả chỉ nhắm mục đích củng cố quyền hành và trước sau giữ độc quyền cho Đảng và phe nhóm cầm quyền. Đây là thủ đoạn thực hiện chiến lược nham hiểm "Dĩ bất biến, ứng vạn biến" đã được Hồ Chí Minh thi thố từ 1945 !
Nay tham vọng lớn nhất trước mắt của Tô Lâm là làm sao nắm được ghế Tổng bí thư tại Đại hội 14 giữa lúc tình hình trong Đảng đang rối bời, nhân dân căm ghét, bên ngoài thì Tập Cận Bình càng ép mạnh, Trump đe dọa. Vì thế Tô Lâm cũng đang tung lên khẩu hiệu rất kêu "Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam" đánh dấu giai đoạn cầm quyền của ông để lập lại chiến lược "Dĩ bất biến, ứng vạn biến" trong thời đại hiện nay. Nhưng không phải cho Đảng mà là để phục vụ tham vọng độc quyền cho chính Tô Lâm và phe nhóm !
Phần kết luận
Tục ngữ Việt Nam có câu "Con hơn cha là nhà có phúc". Châm ngôn này rất thâm thúy và rất phổ thông có giá trị rất thực tiễn không chỉ cho cá nhân, mà cho cả các tổ chức và toàn xã hội. Đối với một cá nhân, trong cuộc sống nhiều khi thế hệ cha-ông đã phải đưa ra quyết định cho gia đình mặc dầu thiếu kiến thức, chưa đủ các thông tin. Nhưng khi các con trưởng thành nhận ra quyết định của cha mẹ không còn thích hợp, nên đã dám tự thay đổi để cứu gia đình. Đó là một việc làm tự nhiên vừa thông minh và đảm lược, không chỉ cứu cho chính gia đình hiện tại mà cả cho các thế hệ tiếp theo, đồng thời cũng là cách làm yên lòng cha mẹ đã quá cố !
Trong chính trị cũng vậy, trước một biến cố chính trị lớn như đảo chính hay thay đổi người cầm đầu, có những tổ chức hay cá nhân đã vội tin là đúng ủng hộ hết mình. Nhưng một thời gian sau cho thấy, kẻ cầm quyền chỉ là kẻ bịp bợm, gian ác và con đường đi của họ hoàn toàn sai lầm. Cho nên thế hệ tiếp theo sẽ truất phế, hay không bầu cho ông ta, dứt khóa từ bỏ ý thức hệ sai lầm để tự cứu và đưa đất nước ra khỏi lầm than, vươn lên trở lại. Đây là một tiến trình tự nhiên và sáng suốt, hoàn toàn không phải là phản bội. Trái lại, đây là thái độ rất trưởng thành của thế hệ đi sau, biết cách tưởng nhớ rất thiết thực với thế hệ đi trước. Vì khi ấy những người này đã hi sinh vì tin rằng, việc làm của mình là yêu nước và hi vọng đất nước phải tiếp tục tiến lên, nhân dân phải được hưởng tự do dân chủ thực sự.
Như nhiều người Đức trước đây đã tin mù quáng nhà độc tài Hitler, hàng triệu người đã chiến đấu và hi sinh. Nhưng sau đó đã thấy được dã tâm chủ trương dân tộc cực đoan sai lầm, nên sau Thế chiến Thứ 2, thế hệ tiếp theo ở Đức không nuôi hận thù mà lại hợp tác chân thành với các nước từng là kẻ thù như Pháp, Anh, Hoa Kỳ. Sau chiến tranh nhiều gia đình ở Đức con cái đã thương sót cho cha mẹ do những hoàn cảnh đặc biệt đã quá cả tin vào Hitler.
Đối với người sáng lập Đảng cộng sản Việt Nam, khi Hồ Chí Minh đặt chân tới Mạc tư khoa (1923) thì Cách mạng Tháng 10 của Lenin (1917) mới chỉ ra đời vài năm, chưa chứng minh được chủ nghĩa cộng sản trong thực tế sẽ như thế nào. Khi ấy ông Hồ còn rất trẻ chưa dủ kiến thức và kinh nghiệm chính trị. Nhưng vì lòng yêu nước bồng bột đã vội vã mù quáng tin tuyệt đối vào chủ nghĩa Marx-Lenin là chân lí, đũa thần có thể giải quyết khó khăn bất cứ ở nơi nào và thời đại nào ! Không lâu sau bệnh cả tin đã tạo ra tâm lí sai lầm ở ngay Hồ Chí Minh, cũng chủ quan tin rằng, mình hành động đúng, những việc làm của mình là yêu nước thực sự ! Rồi trở thành tự mãn kiêu ngạo, tự cho mình là lãnh tụ yêu nước ! Chả thế ông đã dùng bút hiệu Trần Dân Tiên viết sách tự thuật về chính mình, trong đó đã tự đề cao mình là "Nhân dân ta gọi Hồ Chủ tịch là cha già của dân tộc ! (41)"
Nay ai cũng thấy, chủ nghĩa cộng sản theo mô hình Marx-Lenin đã tan rã ở Liên Xô và Đông Âu trên ba thập niên. Các nước cộng sản còn lại là Trung Quốc, Bắc Hàn, Cuba và Việt Nam trở thành những chế độ công an trị, gia đình trị, phe nhóm lợi ích chỉ biết tham quyền, tham tiền, đàn áp nhân dân, như những quái thai ác quỉ của thời đại !
Thật là lạ lùng đến kinh ngạc, đến nay những hậu duệ kế nghiệp Hồ Chí Minh vẫn nhắm mắt tụng niệm Marx-Lenin, tùng phục Bắc kinh. Tuy miệng vẫn tuyên bố "Đổi mới hay là chết" suốt gần 40 năm, lên giọng than trách các điểm nghẽn và sai lầm trong chính trị, kinh tế, văn hóa giáo dục, quốc phòng và ngoại giao. Trong đó điểm nghẽn nguy hiểm nhất nằm ngay ở người cầm đầu chế độ trong mỗi thời kỳ ! Nhưng cuối cùng họ lại ngang ngược vẫn cố ôm ấp chế độ độc đảng. Nghĩa là QUẢ đã tồi không còn ăn được nữa, nhưng vẫn ngang bướng và mù lòa giữ cái NHÂN sai.
Họ không dám nhìn sang ngay các nước trong khu vực như Nam Hàn, Đài Loan đã dám dứt khoát chấm dứt độc tài đảng trị và quân phiệt để thực hiện Dân chủ Đa nguyên, nên lợi tức đầu người đã cao hơn 9 lần của Việt Nam. Các công ti đại bàng của họ đang được các đại quan đỏ cộng sản Việt Nam chiều chuộng ở Việt Nam. Nhiều nước cựu cộng sản Đông Âu sau ba thập kỷ chuyển sang Dân chủ Đa nguyên nay nhân dân được hưởng tự do, đất nước từng bước trở nên phú cường.
Mặc dầu Marx-Lenin đã phá sản ở Liên Xô và bị vât vào sọt rác ở Đông Âu trên 3 thập kỷ ! Nhưng tại Việt Nam những người cầm đầu cộng sản Việt Nam vẫn chỉ sống mơ mộng, lấy mộng làm thực, tin rằng họ sẽ lên thiên đàng xã hội chủ nghĩa, đưa đất nước tiến lên kỷ nguyên mới chưa từng thấy. Đúng là bệnh tâm thần mộng tưởng như con cóc muốn to như con bò !
Trong thời đại thế giới đa cực, một bên là các chế độ độc tài với chủ trương dân tộc cực đoan và bên kia là các chế độ dân chủ tiến bộ, muốn gìn giữ hòa bình và ngăn ngừa chiến tranh nguyên tử và tàn phá mội trường có thể dẫn tới hủy giệt nhân loại. Vì thế các nước và liên minh dân chủ phải biết cùng nhau chia sẻ trách nhiệm và quyền lợi để ngăn chặn hữu hiệu các chủ nghĩa độc tài, dân tộc cực đoan.
Cuộc động đất chính trị hiện nay ở Hoa Kỳ sẽ khiến các định chế dân chủ đã có truyền thống ở liên bang và các tiểu bang, cùng với các giới báo chí, các tổ chức xã hội dân sự sớm thức tỉnh để ngăn chặn các hành động độc tài, dân tộc cực đoan cực kỳ nguy hiểm và sai lầm của Trump. Đồng thời phải sửa chữa những khuyết điểm để giữ vững các định chế nền tảng dân chủ tiến tới tương lai. Khi đó Hoa Kỳ sẽ bảo vệ vai trò và trách nhiệm của cường quốc hàng đầu, đồng thời giữ được niềm tin của các đồng minh trên khắp 5 châu, từ đó giúp cho các phong trào dân chủ nhân bản tiến bộ trên thế giới vững bước đấu tranh chống độc tài… ! Nghĩa là phải biết bảo vệ, tu sửa cái NHÂN cho thật tốt để hưởng QUẢ ngon ngọt tiếp tục !
Tại Việt Nam vì tiếp tục áp dụng mù quáng thiển cận, ngang bướng giữ lại cái NHÂN là chủ nghĩa và mô hình cai trị Marx-Lenin đã hoàn toàn sai lầm, nên nhân dân đang phải nuốt QUẢ cay đắng và cực độc, đó là chế độ cộng sản Việt Nam đã biến thể từ độc tài của một đảng sang thành độc tài của một cá nhân và vài nhóm lợi ích tham nhũng. Chế độ công an trị đàn áp tàn bạo nhân dân, doanh nghiệp nhà nước đang làm đất nước phá sản, tụt hậu nên ngày càng lệ thuộc Bắc kinh cả chính trị, kinh tế, ngoại giao lẫn an ninh và quốc phòng.
Tham vọng độc tài và đầu óc xứ quân của Tô Lâm sẽ không thể tồn tại lâu. Điều này hoàn toàn đi ngược với quyền lợi của dân tộc và đi ngược với trào lưu thời đại. Vì thế ngay cả những thành phần tiến bộ trong Đảng và các đảng viên biết tự trọng đang gia tăng chống lại Tô Lâm. Các tổ chức xã hội dân sự và ngay cả các tù nhân lương tâm cũng không còn biết sợ, ngày càng công khai chống lại sự chà đap nhân quyền và sự tha hóa cùng cực của những quan đỏ độc tài, tham nhũng, bất tài và vô đạo đức (42) !
Trong việc cai trị và đối xử với nhân dân những người kế nghiệp Hồ Chí Minh có tâm lí rất mâu thuẫn. Một mặt đối xử với nhân dân như đầy tớ, nô lệ, nhưng mặt khác với Hồ Chí Minh thì vẫn coi như thánh sống, chủ nghĩa Marx-Lenin là kim chỉ nam ! Họ mất sáng suốt, không dám và không đủ đảm lược để thực hành châm ngôn Việt Nam rất thâm thúy và sáng suốt "Con hơn cha là nhà có phúc" !
Chính tinh thần bạc nhược, độc tài và thiển cận tiêu biểu như Tô Lâm hiện nay đang đối mặt với sự chống đối ngày một mạnh của nhiều thành phần nhân sĩ, trí thức dân chủ, kể cả những đảng viên tiến bộ biết quí lòng tự trọng. Những khẩu hiệu lừa dối, các thủ đoạn giành độc quyền cho cá nhân và phe nhóm địa phương của Tô Lâm sẽ không thể che mắt được nhân dân và đảng viên !
Gần 80 năm qua Hồ Chí Minh đã mù quáng áp dụng chủ nghĩa sai lầm Marx-Lenin dựng lên chế độ độc đảng, độc quyền tư hữu, dùng bạo lực trong đấu tranh giai cấp dẫn tới phân hóa dân tộc. Nên chỉ những người cầm đầu chế độ và các đại quan đỏ sống trên nhung lụa, ăn thịt bò dát vàng luôn luôn hô khẩu hiệu nhớ ơn Bác và Đảng, uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ kẻ trồng cây ! Nhưng đại đa số nhân dân phải ăn quả đắng, ung thối, uống nước độc Marx-Lenin ! Mấy triệu người đã bị hi sinh trong chiến tranh ; toàn dân bị đàn áp, bịt miệng, bịt mắt ; mấy triệu người đã phải nằm trong các trại cải tạo, phải làm thuyền nhân giữa đại dương. Nhân dân ta chỉ phải ăn bánh vẽ "yêu nước", "hòa giải dân tộc", "đổi mới". Nay Tô Lâm lại lại đưa ra bánh vẽ "kỷ nguyên vươn mình" ! Ai có thể tin Tô Lâm được nữa ?
Âu Dương Thệ
(25/11/2024)
Ghi chú :
1. Giải Nobel Kinh tế được trao cho các nhà nghiên cứu về bất bình đẳng
2. Từ "America First" biến thành "Trump First" ! (Tiếng Dân)
3. Erdbeben im Indischen Ozean 2004 – Wikipedia
4. Âu Dương Thệ, Việt Nam "Đổi mới" ?! Hay : Treo đầu dê, bán thịt chó ! Tập II, tr. 213-227
5. Lũ lụt tại Philippines : Bão liên tiếp khiến sông vỡ bờ, nhấn chìm hàng ngàn ngôi nhà.
6. Thành phố giàu nhất Việt Nam đối diện nguy cơ ‘chìm dần’, sụt lún đất nền có nơi đạt tốc độ 8cm/năm
7. Việt Nam sẽ cho chạy các nhà máy điện than với công suất cao …
8. Thỏa thuận Paris về khí hậu – Wikipedia tiếng Việt
9. Trumps Kabinettsliste ist fast komplett - und umstritten (tagesschau.de)
10. Cùng tác giả : Thấy gì, nghĩ gì và làm gì từ cuộc bầu cử Tổng thống ở Hoa Kỳ vừa qua ? (Tiếng Dân) ; Thông Luận - Nửa thế kỷ nhìn lại
11.
- Thông báo Hội nghị lần thứ mười Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII ;
- Tư liệu văn kiện Đảng ; Phát biểu của Tổng bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm khai mạc Hội nghị lần thứ mười Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII ;
- Tư liệu văn kiện Đảng ; Phát biểu của Tổng bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm bế mạc Hội nghị lần thứ mười Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII ;
- Tư liệu văn kiện Đảng
12. Nội dung chuyên đề của Tổng bí thư Tô Lâm về Kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình - Báo Công an nhân dân điện tử
15. Đổi mới tư duy, phương thức ập pháp, xcosa bỏ điểm nghẽn thể chế kinh tế, tạo động lực phát triển trong ky" nguyên vươn mình của dân tộc
16. Cùng tác giả, T. II, Chương chín, Kết quả thực tiễn trên 30 năm "Đổi mới", 172-240
17. Văn hóa Marx-Lenin còn kỳm kẹp dân tộc ta bao lâu nữa ? (Âu Dương Thệ) - Thông Luận
18. Cùng tác giả, Chương chín : Kết quả thực tiễn trên 30 năm "đổi mới" T. II, tr. 177-240
19.
- Đầu tư của Tập đoàn Trump vào Hưng Yên sẽ là "đòn bẩy" để thúc đẩy Đối tác chiến lược toàn diện Việt – Mỹ ? — Tiếng Việt
- Tập đoàn Trump được xác nhận là đối tác phát triển dự án sân golf và khách sạn trị giá 1,5 tỷ USD tại Hưng Yên — Tiếng Việt
20. Phát biểu của Tổng bí thư Tô Lâm tại buổi làm việc với BCS Đảng Bộ Tư pháp nhân Ngày Pháp luật Việt Nam - Báo Công an Nhân dân điện tử
21 . Như trên
22. Cận vệ của Chủ tịch nước Lương Cường bị bắt ở Chile vì cáo buộc…
23. Phát biểu của Tổng bí thư Tô Lâm tại buổi gặp mặt các nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục, các nhà khoa học nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 - Báo Công an nhân dân điện tử
24. Như trên
25. Tổng bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm hội đàm với Tổng bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình
26. Ông Tô Lâm trình diễn nghệ thuật cân bằng "đu dây" … ; Ông Tô Lâm tại Đại học Columbia : Ông đã nói gì ? Đâu là điểm đáng chú ý ? (BBC News Tiếng Việt)
27. Việt Nam khó xử khi đối mặt với kỷ nguyên Trump vì thặng dư thương mại với Mỹ (Tiếng Việt)
28. Thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại Việt Nam-Trung Quốc : Ổn định hơn, cân bằng hơn, bền vững hơn
29. Toàn văn : Tuyên bố chung Việt Nam - Trung Quốc, 14/10/2024
30. Thông Luận - Tương lai lại tự chui vào rọ ! (thongluan-rdp.org) ; Tổng bí thư Trung Quốc Tập Cận Bình hội đàm với Tổng bí thư Việt Nam Nguyễn Phú Trọng
31. Toàn văn phát biểu chính sách của Tổng bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm tại Đại học Columbia
32. Cùng tác giả, T. I, Chương bốn : Tam ca cùng ở lại tr. 158-236), Chương 5 : Lá bài Nông Dức Mạnh của Đỗ Mười (tr. 237-342), Chương 7 : Trường kỳ chọi nhau rất tàn bạo giữa ông Tổng và ông Thủ, T.II, tr.9-121.
33. Ông Vương Đình Huệ bị kỷ luật, ông Võ Văn Thưởng 'điều trị bệnh' - BBC News Tiếng Việt ;
34. Vụ Trịnh Xuân Thanh gây ra khủng hoảng - BBC News Tiếng Việt.
35. Bộ trưởng CA Tô Lâm được "thánh rắc muối" đút bò dát vàng cho ăn,
36. Nghĩ gì, thấy gì nhân dịp Nguyễn Phú Trọng mất và những lời ca ngợi về ông ? (Âu Dương Thệ) - Thông Luận
37. Tứ Trụ, Thường trực Ban Bí thư và những 'trường hợp đặc biệt' - BBC News Tiếng Việt.
38. QD-190-TW.pdf ; Quy chế mới về bầu cử trong Đảng do Tổng bí thư Tô Lâm ký có gì khác ? - BBC News Tiếng Việt
39. Như trên
40. Tổng bí thư Tô Lâm dự Chương trình "Hồ Chí Minh - Hành trình khát vọng 2024" - Báo Công an nhân dân điện tử
41 . Cùng tác giả,T. II, tr. 104
42. Kiến nghị khẩn cấp về cải cách thể chế ; Nhà hoạt động Nguyễn Thuý Hạnh : Tôi chỉ lên tiếng cho một xã ; Kiến nghị trả tự do cho Nhà báo Huy Đức... ; Ba tù nhân lương tâm Trại giam Số 6 đồng loạt tuyệt thực đòi nhà … ; Báo cáo viên đặc biệt Liên Hiệp Quốc io quan ngại việc công an ‘mời’ Tiến sĩ …