Tinh gọn bằng cách nào ?
Dương Quốc Chính, chinh.duong.quoc.kts, 27/11/2024
Tin đồn về tinh gọn bộ máy đang rất dồn dập, đủ các tin. Tin nhập tách mấy bộ nghe còn có lý. Nhưng tin nhập quá nhiều tỉnh thì thấy ngáo. Rất duy ý chí, quay lại máng lợn cũ kiểu Hà Sơn Bình, Bình Trị Thiên...
Người dân đến làm thủ tục hành chính ở một phường tại Thành phố Hồ Chí Minh - Ảnh : Hữu Hạnh
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Tổng bí thư Tô Lâm nhấn mạnh, trên tinh thần khẩn trương quyết liệt và đổi mới,
Cần hiểu rằng nhập cơ quan chính phủ hay ban đảng nó rất khác với nhập địa giới hành chính. Vì địa giới hành chính ngoài quy mô, dân số nó còn là văn hóa, lịch sử. Như trường hợp nhập Hà Nội với Sơn Tây đã là ngáo rồi, vì văn hóa xứ Đoài nó rất khác với Hà Nội. Hà Nội nhập với Hà Đông thì còn có lý. Như cái tin đồn vừa rồi thì nhập rất khiên cưỡng luôn.
Địa giới hành chính hiện nay đa phần là dựa trên địa giới thời Minh Mạng, trừ miền Nam. Miền Nam thời Tự Đức cũng chỉ có 6 tỉnh mà thôi. Nhưng vì thời đó Nam Kỳ quá hoang vu, đất rộng người thưa, tỉnh tuy to mà dân ít. Người ta chia tỉnh đã tính tới yếu tố văn hóa lịch sử rồi.
Việc nhập các cơ quan và các tỉnh lại để giảm biên chế thực ra không phải là cách làm triệt để, bền vững. Vì có thể 1 bộ to sau lại có biên chế bằng 2-3 bộ cũ cộng lại, chỉ giảm được độ hơn chục sếp. Như Hà Nội hồi mới nhập mình nhớ mang máng là có tới 8 phó Chủ tịch. Tức là giảm được mỗi cấp trưởng, thì có giảm được bao nhiêu đâu.
Tinh gọn bộ máy phải được quyết bởi những người lãnh đạo vừa có tâm vừa có tài, để biết được bộ phận nào có thể cắt bỏ mà chả cần thông qua sát nhập. Nhiều cán bộ, công chức từng tâm sự với mình là bộ máy của chính họ hoàn toàn có thể cắt bỏ 20-30% mà chả ảnh hưởng gì đến công việc. Thậm chí 1 số cơ quan cắt 50% hoặc xóa luôn cũng được.
Trước mình đã từng tham gia thiết kế cơ quan hành chính cấp tỉnh (liên cơ kiểu Ủy ban nhân dân-Hội đồng nhân dân-Tỉnh ủy) phải đọc nhiệm vụ thiết kế, nên hiểu bộ máy nhân sự. Thấy rằng có 1 số phòng/ban chỉ có 1-3 nhân sự. Tức là nó sinh ra để có đủ ban bệ. Có bộ phận toàn sếp (trưởng, phó), không có lính lác gì, hoặc lính ít hơn sếp ! Đó mới là những bộ phận cần tinh giảm.
Các cánh tay nối dài của đảng mới là thành phần ăn bám ngân sách nhiều nhất, đó là các đoàn thể, hội hè, ăn hại đái khai, thì đợt tinh gọn này lại không nhắc đến qua các tin đồn.
Cái nguy hiểm nhất khi tinh gọn bộ máy là khi những người được quyền quyết định thì vừa ngu vừa tham. Vì sếp ngu sẽ chọn lính ngu, lính khôn không muốn theo sếp ngu. Sếp tham thì chọn lính chạy ghế nhiều tiền chứ không ưu tiên lính giỏi.
Thế nên rủi ro là việc tinh gọn mà còn lại toàn bọn ngu thì bộ máy lại khó vận hành, vì bọn ngu lại phải 1 người làm việc bằng 3. Như vậy mấu chốt là tinh gọn phải kèm với việc những người trụ lại phải là người giỏi, loại được đúng bọn ngu. Nhưng làm thế nào để thực hiện điều đó thì ai dám chắc ? Liệu có phải duy ý chí không ? Tiêu chí nào để chọn người ở lại và người phải ra đi ?
Công chức ăn hại nhất là bọn ngu nhưng lại là con ông cháu cha, bọn đó lại khó bị đuổi việc nhất.
Ở lại phải làm nhiều việc gấp 2-3 lần mà lương không tăng thì sao có người giỏi ? Lại phải "xã hội hóa" lương thưởng à ? Rồi lại bị đốt thì sao ? Thế là lại thành vòng luẩn quẩn làm nhiều, làm tốt thì ăn nhiều và sai nhiều, lại bị đốt. Muốn khó bị đốt thì phải có súng.
Mình thấy việc tinh gọn bộ máy hợp lý nhất, cần làm trước, là loại bỏ các hội đoàn ăn bám ngân sách, cơ quan đảng cần tối thiểu và nên kiêm nhiệm chứ lượng chuyên trách phải tối thiểu. Ví dụ như Ban tổ chức nên nhập vào cơ quan Nội vụ. Một số khác có thể nhập với Hội đồng nhân dân. Tránh kiểu 2-3 cơ quan cùng làm 1 việc gần giống nhau kiểu Tuyên giáo (đảng) với Truyền thông (chính quyền). Bí thư kiêm chủ tịch tỉnh luôn, phó bí thư kiêm Chủ tịch Hội đồng nhân dân, giảm số lượng cấp phó. Như Tổng thống Mỹ kiêm việc của Thủ tướng, nhưng chỉ có 1 phó Tổng thống, trong khi Việt Nam có 5 phó Thủ tướng, 1 phó Chủ tịch nước.
Cách tinh gọn như tin đồn hiện nay nó thiên về kiểu phép cộng trừ mà thôi. Rồi dự 1 tỉnh, bộ lại có 7-8 cấp phó, nhân sự mỗi cơ quan lại gấp đôi.
Tóm lại tinh giản là ý tưởng đúng, nhưng làm thế nào thì cần có kế hoạch công khai, minh bạch và có tính chiến lược dài hạn. Chứ làm như tin đồn nó chỉ là phép số học, bản chất vẫn là vậy, vì vẫn là những con người đó phải chạy kiểu ép xung (over clock) cho tăng tốc lên, chứ không phải chạy nhanh lên do thay đổi công nghệ và hệ điều hành.
Tinh giảm căng quá biên chế PĐ lại tăng lên, vì cán bộ tuột xích tâm tư! Thành cmn quan oan.
Nói thêm :
Tinh giảm bộ máy mà không thấy nhắc tinh giảm các ông có súng nhỉ ? 2 ngành này mà xã hội hóa thì cũng cắt được cả mớ.
Như các doanh nghiệp cầm súng ấy, lẽ ra phải cho ra ngoài làm dân hết. Bên CA thì cảnh vệ cũng chả cần phải trong biên chế, chuyển thành các công ty bảo vệ tư nhân, đấu thầu làm cảnh vệ.
Mấy chú gác trụ sở với ngân hàng thì vào ngành làm quái gì.
Dương Quốc Chính
Nguồn : chinh.duong.quoc.kts, 27/11/2024
****************************
Nhiều người mong việc "tinh gọn bộ máy" thời Tổng bí thư Tô Lâm sẽ thực chất, hiệu quả
VOA, 27/11/2024
Những tuần gần đây, sau khi Tổng bí thư Đảng cộng sản Việt Nam Tô Lâm công bố chủ trương xây dựng hệ thống chính trị "tinh, gọn, mạnh, hiệu quả…", nhiều người dân trong nước bày tỏ trên mạng xã hội họ ủng hộ và hy vọng chương trình của ông sẽ thực chất và thành công, khác với những nỗ lực tương tự của các nhà lãnh đạo khác trong quá khứ.
Nhà lãnh đạo Việt Nam Tô Lâm ở thời điểm ngày 27/7/2024 (ảnh tư liệu, Luong Thai Linh/Pool Photo via AP).
Từ cuối tháng 10 đến nay, ông Lâm, nhà lãnh đạo có thực quyền lớn nhất của Việt Nam, có nhiều phát biểu hay đăng xã luận đưa ra thông điệp phải gỡ "điểm nghẽn thế chế" và "tinh gọn hệ thống chính trị", mà ông xem là "đột phá chiến lược" để tăng tốc độ phát triển của đất nước.
Mới đây nhất, hôm 25/11, Ban chấp hành Trung ương Đảng họp bất thường trong đó xác định rằng thực hiện "cuộc cách mạng" về tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị được xem là một "nhiệm vụ đặc biệt quan trọng".
Tại cuộc họp, Tổng bí thư Lâm đặt ra yêu cầu phải "thực hiện nghiêm nguyên tắc một cơ quan thực hiện nhiều việc, một việc chỉ giao một cơ quan chủ trì và chịu trách nhiệm chính" và bộ máy mới sau khi được tinh gọn phải "tốt hơn bộ máy cũ" và đi vào hoạt động ngay để không để ảnh hưởng đến các hoạt động bình thường của xã hội, của người dân.
Theo quan sát của VOA, những quan điểm và lời chỉ đạo của ông Lâm nhận được nhiều sự tán đồng, ủng hộ, hy vọng từ người dân, thể hiện trên các diễn đàn mạng xã hội hay các trang cá nhân của những Facebooker có đông người theo dõi như Quy Hoạch Toàn Quốc, Mạc Văn Trang, Lưu Trọng Văn, Huỳnh Ngọc Chênh, Hà Phan, Nguyen Khanh Trinh, v.v…
Nhà báo đã nghỉ hưu Chu Vĩnh Hải, người cũng thường bình luận về thời cuộc thu hút nhiều sự chú ý, nói với VOA rằng "Tôi tin tưởng rằng Tổng bí thư Tô Lâm có thể
thực hiện tương đối tốt đến tốt việc tinh giản bộ máy" và đưa ra những lý do theo góc nhìn cá nhân :
"Tổng bí thư Tô Lâm là người rất thực tiễn. Từ khi ông lên làm chủ tịch nước rồi tổng bí thư, ông có cách nhìn không lý thuyết, ý thức hệ, mà bằng con mắt của người kỹ trị, hành động. Việc Tổng bí thư Tô Lâm sẽ tinh giản bộ máy thì hoàn toàn có cơ sở để hy vọng".
Trước khi trở thành nhà lãnh đạo hàng đầu Việt Nam, ông Lâm đã giữ chức bộ trưởng Bộ Công an và gây tiếng vang khi hoàn tất việc tinh giản bộ này, được báo chí trong nước ca ngợi là bộ "đi trước, mở đường" về cải cách, tinh gọn bộ máy.
Bộ Công an cho biết sau vài năm "kiện toàn" kể từ 2018, bộ này đã giảm 6 tổng cục, gần 60 đơn vị cấp cục và hơn 800 đơn vị cấp phòng, hàng nghìn đơn vị cấp đội. Đội ngũ cán bộ ở bộ giảm 35 lãnh đạo tổng cục, 55 cục trưởng và tương đương, 287 trưởng phòng và tương đương.
"Bộ trưởng Tô Lâm thời đó làm tốt vì họ đã tinh gọn bộ máy lại. Về an ninh cơ sở, Bộ trưởng Tô Lâm đã chính quy hóa, chuyên nghiệp hóa lực lượng công an", ông Chu Vĩnh Hải nhận xét.
Cựu nhà báo, cựu đại tá công an Nguyễn Như Phong, từng là tổng biên tập của PetroTimes và phó tổng biên tập báo Công An Nhân Dân, đánh giá về Tổng bí thư Tô Lâm với VOA :
"Ông Tô Lâm là người trưởng thành từ cơ sở cho nên ông hiểu rõ hơn ai hết. Ông đi tiên phong trong việc cải cách một bộ lớn như Bộ Công an, nâng cao hiệu suất chiến đấu, bám dân, gần dân hơn, có hiệu quả rõ ràng".
Ông Nguyễn Như Phong chỉ ra rằng bên cạnh ông Tô Lâm, cũng cần ghi nhận một nhân vật nữa đã đi đầu về cải cách bộ máy là ông Phạm Minh Chính ở thời điểm còn làm bí thư của tỉnh Quảng Ninh, trước khi trở thành thủ tướng.
Tỉnh này dưới sự lãnh đạo của ông Chính đã phát triển nhanh, đồng thời nhảy vọt lên đứng thứ nhất trong bảng xếp hạng năng lực cạnh tranh cấp tỉnh và giữ vị trí đó trong 7 năm liền, trong khi trước đây chỉ đứng ở giữa bảng xếp hạng gồm 63 tỉnh, thành.
"Bài học kinh nghiệm trong việc cải tổ bộ máy của Bộ Công an, của các tỉnh, thành phố khác càng làm ông Tô Lâm thêm quyết tâm phải cải tổ bộ máy hành chính hiện nay đang rất cồng kềnh, kém hiệu quả", ông Phong đưa ra quan sát.
Cựu nhà báo, cựu đại tá công an dùng từ "tê liệt" để mô tả bộ máy các cơ quan, các địa phương, và nêu ra cơ sở để ông nói như vậy :
"Đó là cái gì bây giờ thủ tướng cũng phải có công điện gửi ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố, yêu cầu khẩn trương làm cái nọ cái kia, thì họ mới làm, nếu không cứ lì ra. Bộ máy chính quyền hiện nay có thể nói là rất tệ hại. Chính quyền không phải là con rối, thủ tướng mà không giật thì không ai động gì cả. Cho nên là phải sắp xếp lại, phải tinh gọn lại bộ máy".
Cho đến nay, Đảng cộng sản Việt Nam và truyền thông nhà nước chưa công bố cụ thể cơ cấu các bộ và các tỉnh, thành sẽ được thu gọn, sáp nhập… ra sao hay khung thời gian là như thế nào.
Ông Phong chia sẻ thông tin chưa chính thức mà ông có được cho thấy vào khoảng quý 1/2025, Việt Nam sẽ hoàn thành đề án sáp nhập các bộ, ngành, các tỉnh, thành và từ đó sẽ dành 1 năm rưỡi để thực hiện, với dự báo sẽ có nhiều hệ lụy mà các nhà chức trách phải giải quyết, nếu không thì "chết dân".
Chẳng hạn như một bộ bị sáp nhập vào bộ khác, không còn tên và không tồn tại nữa, vậy các hợp đồng đã ký với các đối tác sẽ xử lý như thế nào; hay 3 xã nhập vào thành 1 xã, các thủ tục hành chính với người dân sẽ ra làm sao, ông Phong nêu lên một số tình huống.
Vẫn cựu nhà báo này cho rằng các nhà hoạch định chính sách đang thận trọng, chưa công bố thông tin chi tiết còn vì một số lý do khác :
"Việc sáp nhập này sẽ ảnh hưởng rất to lớn đến tư tưởng của nhiều cán bộ, đảng viên, vì anh đang từ cấp trưởng xuống cấp phó, đang từ cấp phó xuống cấp phòng. Và sẽ không loại trừ các yếu tố tiêu cực. Đó là khiếu kiện, là lợi dụng việc sáp nhập để đẩy đuổi những người không ăn cánh…".
"Việc cải cách bộ máy có nhiều vấn đề nhạy cảm cho nên họ còn đang ném đá dò đường, vì Tổng bí thư Tô Lâm mới lên, thời gian còn ngắn. Nhưng rõ ràng là dư luận rất ủng hộ việc Tổng bí thư Tô Lâm tinh giản bộ máy", ông Hải nhận định.
Mặc dù vậy, ông Phong cho rằng Việt Nam không còn có thể trì hoãn việc cải cách, tinh giản được nữa :
"Không làm là chết. Không làm là đất nước không phát triển được. Ai cũng nhận thấy điều ấy. Trung ương [Đảng] rất thận trọng. Thận trọng là cần thiết nhưng phải quyết liệt. Một khi đã quyết tâm làm, tôi nghĩ ông Tô Lâm và bộ máy chính quyền này sẽ làm được".
Tin tưởng công cuộc này sẽ thành công, ông Phong tiên đoán Việt Nam sẽ có bộ máy "tinh gọn, hiệu quả, chuyên nghiệp, ít người, nâng cao trách nhiệm của cán bộ, của người thi hành công vụ".
Cựu nhà báo Hải dự báo rằng thời gian tinh gọn bộ máy sẽ ngắn nhưng sẽ phải cần từ 1-4 năm mới có thể thấy rõ kết quả của công cuộc này như giảm ngân sách, tăng hiệu suất...
Việt Nam với 100 triệu dân và Tổng sản lượng quốc nội (GDP) gần 430 tỷ đô la có tổng số công chức, viên chức các cấp tính đến tháng 7/2023 là hơn 2,2 triệu người, ngang bằng số nhân viên thuộc chính quyền liên bang Mỹ, cường quốc số 1 thế giới với GDP gần 27,4 nghìn tỷ đô la và dân số là gần 335 triệu người.
Nguồn : VOA, 27/11/2024