Tinh gọn bộ máy nhẹ đi để bay cao
Anh Văn, VTC News, 03/12/2024
Nhấn mạnh bây giờ là thời cơ để thực hiện tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, Tổng bí thư Tô Lâm cho rằng, muốn phát triển phải nhẹ đi mới bay được cao.
Nội dung trên được Tổng bí thư Tô Lâm đề cập tại hội nghị tiếp xúc cử tri đơn vị bầu cử số 1, Thành phố Hà Nội sáng nay (3/12).
Tổng bí thư Tô Lâm. (Ảnh : Thanh Hải)
Khái quát tình hình kinh tế - xã hội thời gian qua, Tổng bí thư nhìn nhận, còn nhiều việc phải làm tốt hơn nữa bởi các nước trên thế giới đang phát triển rất nhanh.
"Người ta có tiềm lực, đi nhanh hơn, ứng dụng được tiến bộ của thời đại, khoa học, công nghệ... sẽ bỏ xa chúng ta với khoảng cách rất xa. Hơn lúc nào hết phải tập trung vươn mình, chạy thật nhanh để đuổi kịp với thế giới", Tổng bí thư nói.
Để đất nước bước vào kỷ nguyên phát triển, kỷ nguyên thịnh vượng, Tổng bí thư Tô Lâm cho biết, Ban Chấp hành Trung ương vạch ra một số nhiệm vụ rất cấp bách và chỉ đạo rất tập trung, nhất quán, nhận được sự đồng tình của người dân.
Đề cập đến tinh gọn tổ chức bộ máy hệ thống chính trị, Tổng bí thư cho biết, đây không phải yêu cầu mới và nhiều nhiệm kỳ Đại hội đã chỉ ra các tồn tại đó. Song, còn lý do, điều kiện chưa thực hiện được.
"Bây giờ là thời cơ, là cơ hội, chúng ta muốn phát triển phải nhẹ đi mới bay được cao. Đây là nhiệm vụ rất khó khăn, đụng đến tâm tư, tình cảm, quyền lợi, lợi ích, cuộc sống hàng ngày của cán bộ, đảng viên", Tổng bí thư nhìn nhận.
Từ đó, Tổng bí thư đặt vấn đề, chúng ta phải vượt qua chính mình, thấy được lợi cho đất nước, dân tộc, Nhân dân và từng người cần xem đóng góp của mình có phù hợp với đồng lương của Nhân dân, Chính phủ trả không.
"Hay mình đứng ở đây nhận lương, duy trì cuộc sống. Phải xem mình đóng góp gì cho xã hội, đất nước, Nhân dân, mang lại gì cho cuộc sống của bản thân, gia đình, vợ con, bố mẹ, anh em họ hàng", Tổng bí thư bày tỏ.
Người đứng đầu Đảng cho rằng, phải chấp nhận hy sinh, hy sinh để có được vẻ vang, có được những vinh quang. Hy sinh quyền lợi cá nhân để đất nước phát triển.
Tổng bí thư Tô Lâm cho biết, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chấp hành Trung ương quyết định tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW và thống nhất rất cao kế hoạch tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị.
Tổng bí thư đề cập việc nghiên cứu sắp xếp, cơ cấu lại một số Ban của Đảng, một số Bộ của Chính phủ, một số Ủy ban của Quốc hội, một số tổ chức của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Mục tiêu phấn đấu là các phương án sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị sẽ hoàn thành trong quý 1/2025.
"Chúng ta đánh giá xem bộ máy thế đã phù hợp chưa, chỗ nào cần xóa bỏ, chỗ nào cần tăng cường để hoàn thành nhiệm vụ. Bên cạnh đó, cơ chế phối hợp thế nào để cắt bỏ, tinh gọn đi", Tổng bí thư nêu rõ.
Tổng bí thư cũng nhấn mạnh quan điểm làm từ trên xuống, với phương châm "Trung ương làm gương, địa phương hưởng ứng", tinh thần "vừa chạy vừa xếp hàng". Trong đó "chạy là cả hàng phải chạy, không lộn xộn, không chờ đợi ai".
Về công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, Tổng bí thư Tô Lâm cho biết, vẫn tiếp tục tiến hành quyết liệt, triệt để. Đặc biệt sau khi Bộ Chính trị, Ban Bí thư quyết định đưa thêm nội dung chống lãng phí vào nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực.
"Công tác này làm không ngừng nghỉ, không có vùng cấm, không có ngoại lệ để tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị thực sự trong sạch, vững mạnh, thực sự là bộ máy của dân, do dân, vì dân ; công chức, viên chức phải thực sự là công bộc của dân", Tổng bí thư khẳng định.
Theo Tổng bí thư, thời gian qua, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chấp hành Trung ương thi hành kỷ luật 6 cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý, nâng tổng số cán bộ cấp cao bị xử lý kỷ luật từ đầu năm đến nay lên 52 cán bộ. Trong đó, 48 cán bộ bị kỷ luật liên quan các vụ án, vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo.
Bên cạnh đó, các cơ quan tố tụng cả nước khởi tố, điều tra 1.681 bị can, truy tố 1.479 bị can, xét xử sơ thẩm 2.703 bị cáo về các tội tham nhũng, kinh tế, chức vụ, trong đó có 3 bị can là cán bộ cấp cao thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý...
Cũng theo Tổng bí thư, với các vụ án, vụ việc Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo trong giai đoạn điều tra, truy tố, xét xử đã tạm giữ, kê biên, phong toả trên 6.150 tỷ đồng và nhiều tài sản có giá trị khác. Trong giai đoạn thi hành án dân sự thu hồi hơn 11.000 tỷ đồng, nâng tổng số tiền thu hồi được từ đầu năm đến nay lên gần 19.000 tỷ đồng và từ khi thành lập Ban Chỉ đạo đến nay 96.586 tỷ đồng.
Tại Hà Nội, Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực thành phố mới rà soát ban đầu phát hiện hơn 800 dự án có biểu hiện gây thất thoát, lãng phí và mới xử lý 3 dự án, thu hồi hơn 42.000 tỷ đồng.
"Đây là nguồn lực của đất nước. Tôi thường hay nói đi qua rất khó chịu, đất vàng như thế mà để hàng chục năm. Các dự án xây dựng dở như cử tri nêu rất sốt ruột, có người phải chịu trách nhiệm, phải xử lý", Tổng bí thư nói thêm.
Anh Văn
Nguồn : VTC News, 03/12/2024
*************************
Tinh gọn bộ máy : phép thử cho Tổng bí thư Tô Lâm trước Đại hội 14
BBC, 03/12/2024
Tổng bí thư Tô Lâm đã đề ra thời hạn cho việc tinh gọn bộ máy chính trị cồng kềnh là vào quý 1/2025. Đây được xem là phép thử để nhà lãnh đạo xuất thân từ công an thể hiện tài năng của mình trước thềm Đại hội 14.
Các lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các đại biểu tham dự Hội nghị toàn quốc quán triệt một số nội dung quan trọng, trong đó có việc triển khai tổng kết thực hiện Nghị quyết 18 Trung ương 6 khóa XII về một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả ngày 1/12/2024. Ảnh : Nhân Dân
"Tinh gọn bộ máy" là cụm từ xuất hiện trên báo chí với tần suất dày đặc, với những khẩu hiệu và phát ngôn quyết liệt thể hiện quyết tâm chính trị cao độ của lãnh đạo cao nhất - Tổng bí thư Tô Lâm.
Ngày 3/12, tại buổi tiếp xúc cử tri tại Hà Nội, Tổng bí thư Tô Lâm nhấn mạnh đất nước Việt Nam đang bước vào kỷ nguyên vươn mình và rằng "để lỡ thời cơ là có lỗi với đất nước, với nhân dân".
Báo Thanh Niên dẫn lời Tổng bí thư Tô Lâm nói rằng tinh gọn bộ máy sẽ được thực hiện từ trên xuống, hoàn thành trong quý 1/2025.
Phép thử cam go
Tổng bí thư Tô Lâm nhấn mạnh là Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Trung ương Đảng sẽ tiến hành sắp xếp, cơ cấu lại một số ban của Đảng ; một số bộ, ngành, một số ủy ban của Quốc hội, các tổ chức đảng thuộc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam...
Quan trọng nhất, ông Tô Lâm còn nêu ra thời hạn của việc hoàn thành công tác tinh gọn bộ máy là quý 1/2025.
"Vấn đề chín rồi, không ngại và cũng rất dân chủ xin ý kiến của các cơ quan, nhân dân. Trong tháng 12 này các tổ chức đảng phải xong, các bộ, ngành phải có phương án. Lần này sẽ làm từ trên xuống với phương châm 'Trung ương làm gương, địa phương hưởng ứng', với tinh thần 'vừa chạy vừa xếp hàng', cả hàng phải chạy, không chờ đợi ai cả", Tổng bí thư Tô Lâm khẳng định.
Với việc đặt ra một kỳ hạn cho công tác tinh gọn bộ máy, có thể thấy quyết tâm lớn của nhà lãnh đạo quyền lực nhất Việt Nam.
Ông Tô Lâm được bầu làm tổng bí thư đến nay đã tròn bốn tháng nhưng đã có hàng loạt những phát ngôn, chủ trương tạo ấn tượng sẽ có thay đổi to lớn, ví như "kỷ nguyên vươn mình dân tộc", hay "tinh gọn bộ máy". Đây có thể được xem là cách ông tạo dấu ấn lãnh đạo của riêng mình, khác biệt so với người tiền nhiệm Nguyễn Phú Trọng.
Thực tế bộ máy cồng kềnh - bao gồm đảng, chính quyền, đoàn thể - là điều ai cũng thấy và Tổng bí thư Tô Lâm không phải lãnh đạo đầu tiên nêu vấn đề này. Đã có nhiều lãnh đạo Đảng và chính phủ hô hào tinh giản bộ máy, cải cách thể chế, nhưng kết quả là không tinh giản được bộ máy mà thể chế thì vẫn "nghẽn".
Năm 2013, ông Nguyễn Xuân Phúc khi đó làm phó thủ tướng đã có phát biểu nêu bật tình trạng này. Ông nói rằng : "Trong bộ máy có tới 30% số công chức không có cũng được, bởi họ làm việc theo kiểu sáng cắp ô đi, tối cắp về".
Nghị quyết 18 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa 12 ra đời ngày 25/10/2017 thể hiện rằng Đảng cộng sản Việt Nam đã nhận thấy việc tinh gọn bộ máy là yêu cầu cấp bách. Nhưng vấn đề tinh gọn này đã không được thực hiện một cách quyết liệt dưới thời Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, người đã tái lập các ban đảng để phục vụ cho mục tiêu chính trị của mình.
Một số nhà quan sát cho rằng dưới thời ông Trọng, vấn đề tinh gọn không ai dám nhắc đến dù Đảng đã có Nghị quyết 18 định hướng cách làm, cách thực hiện. Do đó, việc tân lãnh đạo Tô Lâm quyết tâm tinh gọn, tái cơ cấu bộ máy chính trị cho thấy đây là một bước đổi mới rõ nét trong cách lãnh đạo của ông Tô Lâm so với ông Trọng.
"Công tác này làm không ngừng nghỉ, không có vùng cấm, không có ngoại lệ để tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị thực sự trong sạch, vững mạnh, thực sự là bộ máy của dân, do dân, vì dân ; công chức, viên chức phải thực sự là công bộc của dân", ông Tô Lâm tái khẳng định trong buổi tiếp xúc cử tri ngày 3/12.
Với quyết tâm chính trị như vậy, nếu thực hiện thành công, có thể xem đây sẽ là dấu ấn và thành tích nổi trội để ông Tô Lâm có thể nắm chắc vị trí tổng bí thư ở Đại hội 14 (diễn ra vào quý 1/2026).
Ngược lại, nếu việc tinh gọn bộ máy không thành công, ông có thể sẽ vấp phải những lời chỉ trích, phê bình từ các đối thủ cạnh tranh cũng như tạo ra dư luận bất lợi cho ông.
Thời kỳ nắm quyền ở Bộ Công an, ông Tô Lâm đã thực hiện tinh giản biên chế trong ngành công an. Kết quả là số cơ quan ở cấp trung ương và cấp tỉnh được rà soát và tinh giản, giảm bớt số tướng tá cấp trung ương. Tuy nhiên, lực lượng công an cấp cơ sở lại phình to.
Ở một quy mô lớn hơn là toàn bộ hệ thống chính trị bao gồm các ban bệ của Đảng, của chính phủ, của Quốc hội và các đoàn thể (Mặt trận Tổ Quốc, Hội Liên hiệp Phụ nữa, Liên đoàn Lao động...), việc tinh gọn bộ máy vốn rất cồng kềnh, chồng chéo ngốn 70% ngân sách này sẽ là phép thử lớn cho vị tổng bí thư.
Tinh gọn thế nào ?
Tại hội nghị về việc triển khai Nghị quyết 18 vào ngày 1/12, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã thông báo phương án tinh gọn, trong đó bao gồm hướng nghiên cứu cắt giảm 5 bộ của Chính phủ, 4 ban của Quốc hội, sáp nhập và chấm dứt hoạt động một số ban Đảng.
Dự kiến, về mặt chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ sáp nhập với Bộ Tài chính ; Bộ Giao thông vận tải sáp nhập với Bộ Xây dựng. Bộ Thông tin và Truyền thông sáp nhập với Bộ Khoa học và Công nghệ và chuyển một số nhiệm vụ khác về Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Giáo dục và Đào tạo và các cơ quan liên quan.
Bộ Tài nguyên và Môi trường sáp nhập với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội chấm dứt hoạt động, chuyển nhiệm vụ về Bộ Nội vụ, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Ủy ban Dân tộc, các cơ quan có liên quan.
Ban Tôn giáo Chính phủ chuyển về Ủy ban Dân tộc, thành lập Ủy ban Dân tộc - Tôn giáo. Truyền hình Thông tấn, Truyền hình VOV, VTC sẽ kết thúc hoạt động, chuyển chức năng nhiệm vụ liên quan về VTV.
Phần Quốc hội sẽ cho kết thúc hoạt động của Ủy ban Đối ngoại và Viện Nghiên cứu Lập pháp. Các vụ chuyên môn của Văn phòng Quốc hội được chuyển về các Ủy ban của Quốc hội và Thường vụ Quốc hội. Ban Dân nguyện sẽ chuyển thành Ban Giám sát và Dân nguyện.
Mô hình tổng thư ký, ban thư ký Quốc hội sẽ được nghiên cứu tinh gọn. Đài Truyền hình Quốc hội cũng sẽ đóng, nhập vô VTV.
Về các ban bệ của Đảng, dự kiến sẽ sáp nhập Ban Tuyên giáo Trung ương và Ban Dân vận Trung ương ; kết thúc hoạt động Ban Đối ngoại Trung ương và Ban Bảo vệ chăm sóc sức khỏe cán bộ Trung ương, chuyển hoạt động các ban này về một ban, bộ liên quan.
Các ban cán sự đảng Chính phủ, Đảng đoàn Quốc hội, Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương, Đảng ủy Khối các doanh nghiệp Trung ương cũng sẽ chấm dứt hoạt động.
Đoàn thể bao gồm Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị xã hội và các hội quần chúng cũng sẽ được rà soát hoạt động theo hướng tinh gọn, sáp nhập, kết thúc hoạt động ; chỉ giữ lại những cơ quan, đơn vị có chức năng, nhiệm vụ cần thiết.
Tại hội nghị về tinh gọn, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Lê Minh Hưng cho biết biết báo cáo tổng kết các phương án tinh gọn bộ máy sẽ được trình Bộ Chính trị trước ngày 28/2/2025 để trình Hội nghị Trung ương Đảng, dự kiến trung tuần tháng 3/2025 xem xét, thông qua.
Thông báo của ông Hưng như vậy, nhưng phát biểu của ông Tô Lâm - rằng sẽ thực hiện xong tinh gọn bộ máy vào quý 1/2025 - cho thấy thời hạn còn gấp rút hơn.
Tổng bí thư Tô Lâm liên tục nhấn mạnh trong các phát biểu của mình ở nhiều cuộc họp, trong đó có Hội nghị Trung ương bất thường ngày 25/11 rằng tinh gọn bộ máy là vấn đề đặc biệt quan trọng, tác động đến sự phát triển của đất nước, tâm tư tình cảm, quyền lợi của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức trong hệ thống chính trị.
Phát biểu của ông Tô Lâm cho thấy sự phức tạp của việc tinh gọn bộ máy, dự kiến sẽ có nhiều biến động nhân sự từ trung ương đến địa phương. Ví dụ một số ban, bộ, ngành bị giải thể hoặc sáp nhập sẽ đặt ra bài toán về tình trạng dôi dư nhân sự.
Để thực hiện điều này, Bộ Chính trị đã thành lập Ban Chỉ đạo tổng kết Nghị quyết số 18, ban hành Quy chế hoạt động phân công trách nhiệm, kế hoạch thực hiện hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương ; tiến hành tổng kết theo đề cương và có định hướng cụ thể. Ban này do Tổng bí thư Tô Lâm làm trưởng ban.
Chính phủ của Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng đã thành lập Ban Chỉ đạo tổng kết thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW. Thủ tướng Chính là trưởng ban, Phó Thủ tướng Nguyễn Hòa Bình làm phó trưởng ban, năm phó thủ tướng còn lại cùng một số bộ trưởng làm ủy viên.
Quốc hội cũng thành lập Ban Chỉ đạo tương tự để sắp xếp bộ máy tinh gọn, hiệu quả tại các cơ quan của Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Văn phòng Quốc hội.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn làm trưởng ban, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh làm phó trưởng ban thường trực ; các phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Nguyễn Đức Hải, Trần Quang Phương làm phó trưởng ban. Các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội là ủy viên.
Hàng loạt các tờ báo Việt Nam như Thanh Niên, Tuổi Trẻ, Dân Trí đều có nhiều bài viết lấy ý kiến của các chuyên gia hiến kế, góp ý theo chiến thuật truyền thông "tiền hô hậu ủng", "nhất hô bá ứng".
Luật sư Lê Nguyễn Duy Hậu phân tích trên trang Góc nhìn của VnExpress rằng, chiến dịch tinh gọn cần phải bắt đầu bằng việc tự định nghĩa lại vai trò của nhà nước trong cuộc sống xã hội.
Ông Hậu cho rằng, nếu vẫn tin rằng việc gì nhà nước quản lý vẫn hơn, thì sẽ khó có một nhà nước tinh gọn.
Nguồn : BBC, 03/12/2224
****************************
Tổng bí thư Tô Lâm 'dọn dẹp' bộ máy như thế nào ?
BBC, 01/12/2024
Sau khi lên làm tổng bí thư, ông Tô Lâm đã thể hiện quyết tâm làm tinh gọn bộ máy vốn đang rất cồng kềnh, chồng chéo của Đảng cộng sản, Chính phủ, Quốc hội và các đoàn thể sống bằng tiền thuế.
Quang cảnh Hội nghị quán triệt việc triển khai tổng kết thực hiện Nghị quyết 18/2017. Ảnh : Phạm Thắng
Sáng 1/12, Bộ Chính trị, Ban Bí thư Đảng cộng sản Việt Nam đã tổ chức hội nghị, trong đó một trong những nội dung trọng tâm là tinh giản bộ máy.
Hội nghị có cái tên rất dài : Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai tổng kết thực hiện Nghị quyết 18 năm 2017 của Trung ương Đảng khóa 12 ; tình hình kinh tế - xã hội năm 2024, giải pháp tăng tốc phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 và tháo gỡ những điểm nghẽn, nút thắt về thể chế.
Liên quan tới vấn đề tinh gọn bộ máy, Bộ Chính trị đã quyết định thành lập Ban Chỉ đạo tổng kết việc thực hiện Nghị quyết 18 gồm 29 thành viên do Tổng bí thư Tô Lâm làm trưởng ban.
Tại hội nghị, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Lê Minh Hưng đã thông báo về trọng tâm triển khai Nghị quyết 18. Theo đó, phương án tinh gọn bao gồm việc giải thể hoạt động một số ban Đảng, sáp nhập các bộ và giảm ủy ban, cơ quan Quốc hội.
Ông cũng cho biết báo cáo tổng kết các phương án tinh gọn bộ máy sẽ được trình Bộ Chính trị trước ngày 28/2/2025 để trình Hội nghị Trung ương Đảng, dự kiến trung tuần tháng 3/2025 xem xét, thông qua.
Thay đổi bộ máy như thế nào ?
Trưởng ban Tổ chức Trung ương Lê Minh Hưng cho biết phương án chung sẽ nghiên cứu, đề xuất kết thúc hoạt động các ban cán sự đảng, đảng đoàn trong các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ, các bộ, các cơ quan nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội, hội quần chúng do Đảng và Nhà nước giao nhiệm vụ theo hướng lập các đảng bộ.
Cùng với đó là nghiên cứu việc sáp nhập, giải thể một số cơ quan của Đảng, Chính phủ và Quốc hội. Mục đích của việc này là nhằm giảm đầu mối, khắc phục tình trạng chồng chéo, giảm tầng nấc trung gian…
Cụ thể, về mặt ban Đảng, có một vài đề xuất thay đổi gồm :
- Sáp nhập Ban Tuyên giáo Trung ương và Ban Dân vận Trung ương
- Kết thúc hoạt động của Ban Đối ngoại Trung ương, chuyển các nhiệm vụ chính về Bộ Ngoại giao ; một phần công việc về Văn phòng Trung ương Đảng.
- Kết thúc hoạt động của Ban Bảo vệ chăm sóc sức khỏe Trung ương, chuyển nhiệm vụ về Ban Tổ chức Trung ương, Bộ Y tế và một số bệnh viện trung ương.
- Kết thúc hoạt động của Đảng ủy Khối doanh nghiệp Trung ương.
Trước đây, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã cho tái lập nhiều ban đảng, qua đó tập trung quyền lực vào đảng. Nhà báo Trương Huy San từng viết trên Facebook cá nhân rằng việc tái lập các ban Đảng thời ông Nguyễn Phú Trọng là "một bước lùi về chính trị". Có thể thấy, dù mới nhậm chức nhưng Tổng bí thư Tô Lâm đang có các bước đi nhằm sắp xếp lại một số di sản của người tiền nhiệm.
Về bộ máy Chính phủ, dự kiến có tương đối nhiều sự thay đổi, gồm :
- Sáp nhập Bộ Kế hoạch và Đầu tư với Bộ Tài chính.
- Sáp nhập Bộ Giao thông vận tải và Bộ Xây dựng.
- Sáp nhập Bộ Thông tin và Truyền thông với Bộ Khoa học và Công nghệ để thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về khoa học công nghệ, chuyển đổi số ; chuyển một số nhiệm vụ khác về Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Giáo dục và Đào tạo và các cơ quan liên quan.
- Sáp nhập Bộ Tài nguyên và Môi trường với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về nông nghiệp, tài nguyên môi trường..., chuyển một số nhiệm vụ khác về các bộ và các cơ quan liên quan.
- Kết thúc hoạt động của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, chuyển nhiệm vụ về Bộ Nội vụ, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Ủy ban Dân tộc, các cơ quan liên quan.
Hiện nay, cơ cấu tổ chức của Chính phủ gồm 18 bộ, 4 cơ quan ngang bộ ; ngoài ra còn có 8 cơ quan thuộc Chính phủ (như Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam...). Với sự sắp xếp trên, Chính phủ Việt Nam sẽ giảm được 5 bộ và 2 cơ quan trực thuộc. Tuy nhiên, vẫn chưa rõ việc giảm các bộ và các cơ quan này thì sẽ dẫn tới sự thay đổi nhân lực như thế nào.
Liên quan tới Quốc hội, ông Hưng cho hay phương án nghiên cứu đề xuất gồm :
- Sáp nhập Ủy ban Kinh tế và Ủy ban Tài chính-Ngân sách.
- Sáp nhập Ủy ban Xã hội và Ủy ban Văn hóa, Giáo dục
- Sáp nhập Ủy ban Tư pháp và Ủy ban Pháp luật.
- Kết thúc hoạt động của Ủy ban Đối ngoại, chuyển các nhiệm vụ về Bộ Ngoại giao, các ủy ban của Quốc hội và Văn phòng Quốc hội.
- Nghiên cứu chuyển Ban Dân nguyện thành Ban Giám sát và Dân nguyện.
- Kết thúc hoạt động của Viện Nghiên cứu Lập pháp, chuyển chức năng, nhiệm vụ về các cơ quan liên quan của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Ngoài ra, cũng sẽ nghiên cứu tinh gọn mô hình tổng thư ký, phó tổng thư ký và ban thư ký Quốc hội ; nghiên cứu chuyển các vụ chuyên môn của Văn phòng Quốc hội về trực thuộc các Ủy ban của Quốc hội, các ban của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Một số cơ quan truyền thông, ngôn luận của nhà nước và Đảng sẽ được sáp nhập hoặc kết thúc hoạt động. Ví dụ, có khả năng sẽ chấm dứt hoạt động của Truyền hình Thông tấn, Truyền hình VOV, chuyển chức năng nhiệm vụ liên quan về Đài Truyền hình Việt Nam.
Bên cạnh đó, một số đảng bộ sẽ được thành lập, gồm Đảng bộ Chính phủ (sau khi kết thúc hoạt động của Ban Cán sự Đảng Chính phủ), Đảng bộ Quốc hội (sau khi kết thúc hoạt động của Đảng đoàn Quốc hội) và Đảng bộ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (sau khi kết thúc hoạt động của đảng Đoàn Mặt trận Tổ quốc).
Công tác cán bộ
Phát biểu kết thúc hội nghị nói trên, Tổng bí thư Tô Lâm một lần nữa nhấn mạnh sự cấp bách của việc tinh gọn bộ máy. "Không thể chậm trễ hơn nữa", ông nói.
Ngoài việc sáp nhập bộ máy chính quyền kể trên, ông Tô Lâm cho biết Bộ Chính trị đã có chủ trương tạm dừng việc bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử giữ chức vụ cao hơn đối với các cơ quan, đơn vị thuộc diện dự kiến phải sắp xếp, tinh gọn (trừ những trường hợp thật sự cần thiết).
Việc tuyển công chức cũng được tạm dừng từ ngày 1/12/2024 cho đến khi hoàn thành việc sắp xếp tổ chức bộ máy theo định hướng của trung ương, theo chủ trương của Bộ Chính trị.
Quay lại việc tinh gọn bộ máy chính quyền kể trên, có thể nói nếu mọi việc diễn ra như kế hoạch phác thảo mà ông Lê Minh Hưng trình bày, sẽ có nhiều thay đổi lớn về nhân sự, đặc biệt trong các tổ chức bị sáp nhập hoặc kết thúc hoạt động.
Liên quan tới vấn đề nhân sự, ông Tô Lâm nhấn mạnh tới những "căn bệnh" của công tác cán bộ trước đại hội, gồm : người không tái cử thì giữ an toàn, thủ thế, không dám triển khai cái mới ; nhân sự dự kiến tham gia cấp ủy khóa mới thì giữ mình, không muốn va chạm, sợ mất phiếu ; tính toán cho người thân, người quen, người "cánh hẩu" với mình vào các vị trí lãnh đạo hoặc dùng "thủ thuật tổ chức" để gạt người mà mình không thích...
Trước đây và cả trong phát biểu lần này, ông Tô Lâm nói rằng việc tinh gọn bộ máy sẽ ảnh hưởng tới lợi ích của nhiều cá nhân, tổ chức. Do vậy, ông nhận định rằng chắc chắn việc triển khai tại nhiều đơn vị sẽ gặp khó khăn, thậm chí sẽ có cả những lực cản. Dù vậy, ông cho rằng vẫn phải làm, "phải chịu đau để phẫu thuật khối u".
Trong một bài viết vào tháng 11, báo Tuổi Trẻ đã trích lời Phó Giáo sư Tiến sĩ Võ Văn Sen, cựu Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương, cho rằng việc tinh gọn bộ máy có thể giúp giảm 1/3 lượng người đang hưởng lương từ ngân sách, trong đó có những chức danh hưởng lương nhưng không thực sự cần thiết.
Ông Sen cũng đề xuất phương án kiêm nhiệm nhiều chức vụ khác nhau, giảm tối đa chức danh chuyên trách trong hệ thống.
Phó Giáo sư Tiến sĩ Lê Minh Thông, cựu Trợ lý chủ tịch Quốc hội, cho rằng cần xây dựng và thực hiện phương nhất thể hóa các chức danh đứng đầu cơ quan lãnh đạo Đảng và Nhà nước ở Trung ương và địa phương theo hướng : người đứng đầu cấp ủy đồng thời là người đứng đầu chính quyền cùng cấp.
Báo Thanh Niên dẫn ông Thông đánh giá rằng cần "mạnh dạn khắc phục tình trạng bộ máy Đảng song trùng với bộ máy nhà nước, chồng chéo chức năng, lẫn lộn trách nhiệm".
Về việc lựa chọn nhân sự, ông Thông cho rằng cần thay đổi phương thức bầu cử trong Đảng để Đại hội Đảng có thể bầu trực tiếp người đứng đầu cấp ủy (thay vì chỉ bầu ra Ban Chấp hành như hiện tại) trên cơ sở cạnh tranh có số dư và bầu trực tiếp cơ quan kiểm tra của Đảng.
Nguồn : BBC, 01/12/2024