Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

30/11/2024

Tô Lâm "vừa sắp hàng vừa chạy" tại Hội nghị Trung ương bất thường

Nguyễn Đình Công

Nếu Tổng bí thư Tô Lâm muốn thực hiện một cuộc cách mạng từ trên xuống, ông cần phải thay thế "chiếc áo rách" đang bao phủ mạng lưới quyền lực của Đảng và Nhà nước bằng một cấu trúc mới, mạnh mẽ và hiệu năng hơn. Nếu thất bại, nỗ lực tái cơ cấu của ông rất có thể sẽ trở thành điểm yếu chí mạng, bị chính các đối thủ trong cuộc đấu đá nội bộ lợi dụng.

hoinghibatthuong1

Tổng bí thư Tô Lâm trong ngôi vị chủ tọa Hội nghị trung ương bất thường ngày 25/11/2024 - Ảnh minh họa 

-------------------------------

Chốt chặn quyền lực

Hội nghị Trung ương sáng 25/11 chỉ kéo dài nửa buổi, một sự bất thường hiếm thấy. Báo chí chính thống không gọi đây là một hội nghị bất thường, nhưng rõ ràng, các dấu hiệu từ nghị trình đến cách thức tổ chức đều cho thấy tính cấp bách đặc biệt. Sự bất thường này còn được đẩy lên cao hơn, khi chiều cùng ngày, tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Tổng bí thư Tô Lâm lại xuất hiện trong vai trò Giáo sư – Tiến sĩ, chủ trì một hội thảo chuyên đề mang tên "Kỷ nguyên phát triển mới – Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam" (1). Đảng cộng sản Việt Nam rõ ràng đang đứng trước nhiều xáo trộn. Nhưng tại sao việc xem xét thực hiện Nghị quyết số 18 lại phải được bàn thảo trong một hội nghị khẩn cấp ?

Câu trả lời có thể tìm thấy trong phát biểu của ông Tô Lâm. Ông nhấn mạnh đây không chỉ là một bước đi nhằm tinh gọn tổ chức bộ máy, mà còn là một cuộc cách mạng đòi hỏi sự thống nhất cao trong cả nhận thức lẫn hành động : "Các cấp uỷ, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị, các cấp, các ngành, trước hết là cán bộ lãnh đạo, người đứng đầu cần gương mẫu, chủ động, quyết liệt trong thực hiện nhiệm vụ… ‘Trung ương không chờ cấp tỉnh, cấp tỉnh không chờ cấp huyện, cấp huyện không chờ cơ sở’. Quyết tâm hoàn thành việc tổng kết Nghị quyết 18 và báo cáo sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy hệ thống chính trị trong Quý I/2025" (2).

Một điểm bất thường khác không thể bỏ qua là ông Tô Lâm vẫn "lận đận" trong việc củng cố mạng lưới quyền lực của mình, hơn 100 ngày kể từ khi được bầu làm Tổng bí thư vào ngày 3/8/2024. Khác với các Tổng bí thư tiền nhiệm, ông thiếu hẳn tính chính danh mang tính biểu tượng. Nếu như ở Trung Quốc, quá trình chuyển giao quyền lực thường đi kèm tuyên bố "đồng chí làm việc, tôi yên tâm" để tạo lòng tin nội bộ, thì ở Việt Nam, việc ông Nguyễn Phú Trọng trao quyền cho Tô Lâm chưa từng được biết đến công khai. Điều này tạo ra một khoảng trống chính danh mà chính ông Tô Lâm phải ra sức lấp đầy.

Trong hơn ba tháng qua, ông liên tục nhấn mạnh thông điệp "đoàn kết nội bộ" tại hầu hết các cuộc họp chính thức, đồng thời tổ chức hai cuộc gặp gỡ quan trọng với các cựu lãnh đạo Bộ Tứ và Bộ Chính trị qua các khóa. Đáng chú ý, ông còn đích thân gặp cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng để "thỉnh thị". Đây là những động thái nhằm thu phục nhân tâm và củng cố uy tín trong nội bộ Đảng, điều mà ông còn thiếu khi so với những người tiền nhiệm.

Trước khi làm Tổng bí thư, ông Tô Lâm đã xây dựng được một mạng lưới quyền lực mạnh mẽ trong Bộ Công an. Việc đưa Lương Tam Quang lên làm Bộ trưởng Bộ Công an là bước đi chiến lược nhằm duy trì và bảo vệ mạng lưới này. Tuy nhiên, mạng lưới quyền lực trong thể chế cộng sản, vốn được ví như một tấm vải toàn trị bao phủ toàn xã hội, đã trở nên rách nát vì lợi ích phe nhóm và tham nhũng. Ông Tô Lâm hiểu rõ điều đó và đang cố gắng vá lại "chiếc áo rách" bằng cách đưa các nhân vật thân tín – đặc biệt từ nhóm Hưng Yên – vào các vị trí then chốt. Điều này không chỉ giúp ông giữ vững quyền lực mà còn tạo ra lá chắn trước các đối thủ chính trị tiềm tàng.

Nếu ông Tô Lâm thực sự muốn thay đổi "chiếc áo rách" này bằng một mạng lưới quyền lực mới, sự khéo léo của ông sẽ được thử thách ở mức cao nhất. Việc vá víu tạm bợ có thể đem lại những thành công ngắn hạn, nhưng về lâu dài, ông cần phải tạo ra một cấu trúc quyền lực mới, hiệu quả hơn. Nếu không, nỗ lực cải cách của ông sẽ thất bại, và mạng lưới quyền lực cũ kỹ ấy sẽ trở thành chiếc "bẫy" chính trị, kéo ông xuống trong những cuộc đấu đá nội bộ. Hội nghị sáng 25/11 chính là một trường hợp điển hình cho thấy nỗ lực của ông trong việc thiết lập "chốt chặn quyền lực" mang dấu ấn cá nhân. Nhưng liệu ông có thành công trong việc thay đổi cấu trúc quyền lực từ gốc rễ, hay chỉ là những giải pháp tạm thời ? Câu trả lời vẫn còn phụ thuộc vào thời gian.

Lưỡng dụng chiến thuật "cái gậy và củ cà rốt"

Chiến thuật "vừa chạy vừa xếp hàng" mà Tổng bí thư Tô Lâm nhấn mạnh tại Hội nghị Trung ương không chỉ là một khẩu hiệu, mà phản ánh thực tế cấp bách. Từ nay đến Đại hội XIV, ông cần tận dụng mọi cơ hội để hoàn thành hai mục tiêu lớn. Thứ nhất, tái cấu trúc bộ máy Đảng và chính quyền theo hướng tinh gọn, nhưng thực chất là để đưa các nhân sự thân tín vào những vị trí chiến lược. Thứ hai, loại bỏ những đối thủ chính trị đang hoặc có khả năng thách thức quyền lực của mình.

Những động thái quyết liệt như kỷ luật Vương Đình Huệ – cựu Chủ tịch Quốc hội, một nhân vật từng thuộc hàng "Tứ trụ", hay nhắm đến cựu Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, dù ông Thưởng tạm thời được "miễn dịch" với lý do sức khỏe, cho thấy Tô Lâm đang triển khai một chiến lược bài bản. Động thái xử lý kỷ luật Vương Đình Huệ trước cả khi Hội nghị Trung ương nhóm họp là minh chứng cho cách tiếp cận áp đảo của Tô Lâm. Điều này không chỉ nhằm răn đe các đối thủ chính trị khác mà còn khẳng định vị thế tối thượng của ông trong hệ thống chính trị.

Tuy nhiên, Tổng bí thư Tô Lâm không chỉ sử dụng các biện pháp "cứng rắn". Ông đã tỏ ra khôn ngoan khi áp dụng chiến lược "cái gậy và củ cà rốt" một cách linh hoạt. Trong khi quyết liệt loại bỏ Vương Đình Huệ, trước mắt Tô Lâm có vẻ nương tay hơn với Võ Văn Thưởng, dù cả hai đều bị cho là có những "trọng tội" giống nhau (3). Điều này cho thấy ông đang cố gắng thu phục sự ủng hộ của các đồng chí miền Nam, hạn chế sự chống đối từ khu vực vốn rất nhạy cảm trong chính trị Việt Nam. Việc cựu Bí thư Thường trực Ban Bí thư Đinh Thế Huynh đột ngột xuất hiện trở lại chính trường cũng là một động thái đáng chú ý (4). Đây có thể được xem như "củ cà rốt" mà Tô Lâm đưa ra để chiêu mộ những nhân vật từng bị cố Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng ghẻ lạnh.

Có dư luận cho rằng Đinh Thế Huynh từng là một phần trong nhóm nhân vật cao cấp có mâu thuẫn với ông Nguyễn Phú Trọng, cùng cố Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Đinh La Thăng, trong một nỗ lực ép ông Trọng nghỉ hưu sớm. Tuy nhiên, sau khi kế hoạch này bại lộ, ông Huynh đã bị "cho đi tàu suốt" trong suốt nhiều năm vừa rồi. Việc ông Huynh tái xuất dưới thời Tô Lâm không chỉ phản ánh một sự "chỉnh sửa" trong cách tiếp cận nhân sự cấp cao mà còn cho thấy Tô Lâm đang xây dựng một tầng lớp lãnh đạo mang tính trung dung hơn, phục vụ mục tiêu tái cơ cấu quyền lực của mình.

Hệ thống quyền lực của Đảng cộng sản Việt Nam hiện nay được giới quan sát ví như một mạng lưới toàn trị bao phủ toàn xã hội. Tuy nhiên, mạng lưới này đã trở nên mục nát bởi tham nhũng, lợi ích nhóm và sự đấu đá bè phái. Tô Lâm, với vị thế Tổng bí thư, rõ ràng nhận thức được tình trạng này. Hội nghị Trung ương vừa qua là một nỗ lực "giật gấu vá vai" nhằm củng cố mạng lưới quyền lực đã rệu rã. Nhưng liệu những nỗ lực này có đủ để giúp ông tạo ra một "chiếc áo mới" – một mạng lưới quyền lực mới hiệu quả và bền vững hơn ?

Thay mạng lưới cũ bằng một mạng lưới mới là một thách thức lớn. Đã có những nguồn tin khả tín cho biết, sự tinh giảm biên chế lần này còn kéo theo việc sáp nhập các tỉnh thành, 31 trên 63 tỉnh thành sẽ được sáp nhập. Điều này đòi hỏi khả năng kiểm soát quyền lực vượt trội. Nếu thành công, ông Tô Lâm không chỉ củng cố quyền lực cho bản thân mà còn định hình lại cấu trúc quyền lực của Đảng và Nhà nước Việt Nam trong nhiều năm tới. Bộ Nội vụ trong tuần rồi đã khẳng định không có việc sáp nhập như đồn đại trên mạng xã hội, thậm chí còn đề nghị Bộ Công an có biện pháp xử lý đối với các thông tin không đúng sự thật về chuyện sáp nhập tỉnh, thành phố ở Việt Nam.

Ngược lại, nếu thất bại, những nỗ lực của Tô Lâm có thể trở thành con dao hai lưỡi, bị đối thủ chính trị lợi dụng để chống lại chính ông trong cuộc đấu đá nội bộ. Có thể tán thành với nhận xét của tác giả Gió Bấc : Tô Tổng vốn là người thực tiễn, bận rộn trăm công nghìn việc, chắc chắn không rảnh rang họp hành xử lý những việc vô nghĩa. Quá trình xử lý các vụ việc trước và sau cuộc họp Trung ương bất thường vừa qua có hậu ý liên quan đến cuộc đua nhân sự trong đại hội XIV sắp đến (5).

Nguyễn Đình Công

Nguồn : RFA, 30/11/2024

Tham khảo :

1. https://tuyengiao.vn/tong-bi-thu-trao-doi-chuyen-de-ky-nguyen-phat-trien-moi-ky-nguyen-vuon-minh-cua-dan-toc-viet-nam-157909

2. https://vtv.vn/chinh-tri/toan-van-phat-bieu-cua-tong-bi-thu-to-lam-tai-hoi-nghi-trung-uong-dang-khoa-xiii-20241125193124107.htm

3. https://dantri.com.vn/xa-hoi/bo-chinh-tri-ky-luat-ong-vuong-dinh-hue-20241121164235792.htm

4. https://nhandan.vn/trao-huy-hieu-50-nam-tuoi-dang-tang-dong-chi-dinh-the-huynh-post846393.html

5. https://www.rfa.org/vietnamese/news/comment/blog/vuong-dinh-hue-ky-luat-to-lam-chinh-tri-vo-van- thuong-11222024091219.html

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Nguyễn Đình Công
Read 110 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)