Khi Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump đưa ra những lời đe doạ mới, Bắc Kinh cũng đã sẵn sàng để đối phó với sự thay đổi.
Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump một lần nữa đe dọa áp đặt thuế quan mới đối với Trung Quốc ; Bắc Kinh góp phần giúp đạt được một thỏa thuận tại hội nghị khí hậu Liên Hợp Quốc ; Huawei ra mắt điện thoại với hệ điều hành hoàn toàn do Trung Quốc phát triển.
Trump đe dọa áp đặt thuế quan mới
Vào thứ Hai, Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump đã đe doạ sẽ áp đặt thuế quan mới lên Trung Quốc (10%) cũng như Canada và Mexico (tổng cộng 25%) – điều này được ông lý giải là một nỗ lực để đối phó với nạn nhập cư bất hợp pháp và "Tội phạm và Ma túy", như ông đã viết trong một bài đăng trên mạng xã hội Truth Social. Về lý thuyết, Trump không có thẩm quyền để trực tiếp áp đặt thuế quan, nhưng trước đây ông đã từng dựa vào các luật hiện hành cho phép tổng thống tự quyết định thực hiện điều đó.
Trong trường hợp áp thuế lên Trung Quốc, việc này bao gồm Điều 301 của Đạo luật Thương mại 1974. Tuy nhiên, việc áp dụng Điều 301 yêu cầu một cuộc điều tra sơ bộ và thường mất nhiều thời gian. Lần này, Trump có thể sẽ đổi sang các biện pháp khác.
Dù vậy, Trump cũng thường nói mà không làm. Vào năm 2016, Trump vận động tranh cử bằng cam kết xây dựng "Bức tường biên giới", nhưng trong nhiệm kỳ đầu tiên, chỉ có 49 dặm tường mới được xây dựng dọc biên giới phía Nam. Với đe dọa thuế quan lần này, Trump có lẽ hy vọng sẽ làm các nước bị đe dọa sẽ nhượng bộ, từ đó giúp ông giành được một chiến thắng chính trị tượng trưng.
Nhưng điều này khó mà hiệu quả với Trung Quốc, nơi các nhà lãnh đạo chính trị ghét nhất việc bị chỉ đạo phải xử lí các vấn đề nội bộ như thế nào – trong trường hợp này là việc sản xuất và buôn bán các loại tiền chất dùng trong sản xuất fentanyl. Về phía Bắc Kinh, họ khẳng định đã thực hiện đủ các biện pháp chống lại nạn buôn bán fentanyl và cho rằng Washington đang đổ tội cho Trung Quốc.
Dù sao thì các đòn thuế quan đối với Trung Quốc – cho dù là 60% như Trump hứa trong chiến dịch tranh cử, thêm 10% như vừa hay trong tuần qua, hay một con số thấp hơn – có vẻ rất có khả năng xảy ra. Khác với các đe doạ áp đặt thuế đối với Mexico hay Canada, sự cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc hiện được coi là điều đương nhiên trong đảng Cộng hòa (cũng như phần lớn trong đảng Dân chủ).
Phản ứng của Trung Quốc đối với bất kỳ đòn thuế nào cũng sẽ rất đa dạng, mặc dù chúng sẽ phụ thuộc vào mức độ thuế quan được áp dụng. Như Scott Kennedy viết trên tờ Foreign Policy, công cụ cho các biện pháp hạn chế thương mại và trừng phạt của Bắc Kinh đã trở nên phong phú hơn trong những năm qua. Mặc dù thị trường Trung Quốc không mở cửa cho hàng hóa Mỹ như thị trường Mỹ mở cửa cho hàng Trung Quốc, nhưng các doanh nghiệp Mỹ có thể sẽ rất bất ngờ về mức độ "khép kín" mà thị trường Trung Quốc có thể làm được.
Công chúng Trung Quốc có thể không còn sẵn lòng "nuốt đắng" vấn đề này dù giới lãnh đạo Đảng cộng sản Trung Quốc tin rằng họ sẽ làm vậy. Kể từ năm 2020, người tiêu dùng Trung Quốc đã phải trải qua nhiều khó khăn ; nếu bị tách biệt với thế giới hơn nữa, việc này có thể thực sự gây tổn thất. Các công ty Trung Quốc sẽ tìm cách chuyển sản xuất sang các nước gần Trung Quốc hơn, hoặc sẽ tận dụng việc chuyển hàng qua một nước thứ ba để tránh các rào cản thương mại.
Về mặt lý thuyết, Mỹ áp dụng một hệ tiêu chí kiểm tra nghiêm ngặt để xác định xuất xứ của hàng hóa khi có nhiều nhà cung cấp trong chuỗi sản xuất. Tuy nhiên, trên thực tế, các công ty có thể né thuế thông qua những lỗ hổng như miễn trừ thuế đối với hàng hoá có giá trị thấp (de minimis exemption) hoặc đơn giản là thay nhãn mác cho hàng hóa vốn sản xuất tại Trung Quốc. Một số quốc gia như Mexico đang cố gắng tránh bị vướng vào cuộc chiến thương mại này.
Một số nước láng giềng của Trung Quốc có thể là những người hưởng lợi lớn từ các đòn thuế của Mỹ. Việt Nam hiện đang có vị thế thuận lợi không chỉ để tiếp nhận sản xuất nước ngoài mà còn có thể đóng vai trò là kênh chuyển hàng tránh thuế cho Trung Quốc. Xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ đã tăng mạnh kể từ năm 2018 và vòng thuế quan đầu tiên dưới thời Tổng thống Trump. Chi phí sản xuất tại Việt Nam cao hơn khoảng 7% so với Trung Quốc, nhưng vẫn là một lựa chọn hấp dẫn.
Trong sáu năm qua, dòng vốn Trung Quốc đã chảy mạnh vào Việt Nam – cũng như vốn của Mỹ dù con số có khiêm tốn hơn. Dĩ nhiên, Việt Nam có những giới hạn nhất định trong việc tiếp nhận lượng vốn này, nhưng với mối quan hệ êm ấm đến mức đáng ngạc nhiên với cả Trung Quốc và Mỹ, Việt Nam có thể sẽ sẽ là người hưởng lợi lớn từ tình hình này. Washington có vẻ sẽ không liều lĩnh làm tổn hại mối quan hệ tốt đẹp với Hà Nội bằng cách tiến hành các biện pháp truy quét quá quyết liệt đối với vấn đề né tránh thuế.
Một nước khác có thể "trúng mánh" là Kazakhstan – không phải với vai trò trung tâm sản xuất mà là điểm trung chuyển. Nhiều khoản đầu tư trực tiếp nước ngoài đổ vào Kazakhstan, nhưng phần lớn lại tập trung vào lĩnh vực năng lượng chứ không phải sản xuất. Nước này đã trở thành chuyên gia trong việc "lách" các lệnh trừng phạt đối với Nga, và sở hữu hạ tầng vận tải phát triển mạnh nhờ Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc, bao gồm cả cảng cạn (dry port) lớn nhất thế giới.
Nước thứ ba có thể hưởng lợi là Malaysia, nơi hiện đang thu hút các công ty đa quốc gia với chiến lược "Trung Quốc + 1," tức là mở rộng lựa chọn sản xuất ra ngoài Trung Quốc. Các công ty logistics của Trung Quốc đã đầu tư mạnh vào Malaysia.
Tuy nhiên, đối với các công ty Trung Quốc, con đường đơn giản nhất để được miễn thuế có thể là tiếp cận trực tiếp với Trump. Dù có tuyên bố chống Trung Quốc, Trump đã cho thấy mình dễ bị ảnh hưởng bởi những nỗ lực vận động hành lang từ các doanh nghiệp Trung Quốc, như gã khổng lồ viễn thông ZTE. Với việc miễn thuế gần như chắc chắn cho những "gương mặt thân quen" như Tesla, các công ty tại các khu văn phòng điều hành ở Thượng Hải có thể sẽ đặt cược vào việc vận động hành lang tại Washington một cách kiên trì.
Tin tức đang được quan tâm
Một thỏa thuận về khí hậu. Theo Bloomberg, Trung Quốc đã đóng một vai trò quan trọng trong các cuộc đàm phán tại Hội nghị Biến đổi khí hậu Liên Hợp Quốc năm nay (COP29), giúp các nước phương Nam toàn cầu (Global South) cùng đồng thuận với thỏa thuận trị giá 300 tỷ USD trong khi Trung Quốc không cần phải có cam kết tài chính cụ thể. Trong khi Trump có thể sẽ khiến Mỹ rút khỏi các cuộc đàm phán khí hậu, Trung Quốc đang sẵn sàng đảm nhận vai trò lãnh đạo lớn trong vấn đề này.
Việc này sẽ giúp Bắc Kinh tránh được những câu hỏi gây xấu hổ về đóng góp của Trung Quốc trong cuộc chiến chống khủng hoảng khí hậu. Trung Quốc hiện là nước dẫn đầu về phát thải khí nhà kính (vượt qua tất cả các nước phát triển cộng lại) và là nước có tổng lượng khí thải tích lũy lớn thứ hai trong lịch sử, sau Mỹ.
Lượng khí thải hàng năm trên đầu người của Trung Quốc đã tăng nhanh : Vào năm 2023, con số này là 9,24 tấn CO2/người, vẫn thấp hơn Mỹ (13,83 tấn) nhưng vượt xa mức trung bình của Liên minh Châu Âu (5,66 tấn).
Những lo ngại về "ổn định xã hội". Một loạt các vụ giết người hàng loạt tại Trung Quốc trong hai tuần qua đã khiến các nhà lãnh đạo lo lắng. An ninh đã được tăng cường, cũng như đã có các chỉ thị về mặt tư tưởng. Một chỉ thị gần đây của Bộ Tư pháp đã yêu cầu các quan chức "điều tra kỹ lưỡng các tranh chấp phổ biến như hôn nhân và gia đình, quan hệ láng giềng, thừa kế tài sản, nhà cửa và đất đai, cũng như nợ lương".
Đây là một nhiệm vụ quá rộng và bất khả thi. Các quan chức Đảng cộng sản Trung Quốc và cảnh sát thường phải đóng vai trò như những người làm công tác xã hội hoặc hòa giải viên (thường không hiệu quả) duới danh nghĩa duy trì ổn định xã hội. Những chuẩn mực mặc định thường mang tính bảo thủ và gia trưởng. Tuy nhiên, điều này cũng phản ánh sự gia tăng quyền lực của nhà nước chuyên chế ở Trung Quốc đã gây áp lực lên các quan chức như thế nào, khi mà danh sách yêu cầu từ cấp trên của họ ngày một dài.
Công nghệ và Kinh doanh
Huawei ra mắt hệ điều hành di động. Tuần này, Huawei dự kiến sẽ ra mắt chiếc điện thoại đầu tiên sử dụng hệ điều hành hoàn toàn do Trung Quốc phát triển độc lập, HarmonyOS. Với động thái này, Huawei hy vọng có thể cạnh tranh với các ông lớn toàn cầu : hệ điều hành iOS của Apple và Android của Google. Nhưng do Huawei có liên quan mật thiết với cơ quan an ninh Trung Quốc nên có thể sẽ có những lo ngại từ các chuyên gia bảo mật – đặc biệt là ngoài Trung Quốc – về việc có thể có các cửa hậu (backdoors) cố ý phục vụ cho tình báo Trung Quốc.
Tuy nhiên, vẫn chưa rõ mức độ phổ biến của chiếc điện thoại mới sẽ như thế nào. Việc tạo ra một hệ điều hành mới cần hàng nghìn nhà thiết kế tham gia để tạo ra một hệ sinh thái phát triển, từ đó tạo ra động lực cho người dùng chuyển đổi sang sử dụng. Có khả năng Trung Quốc sẽ cố gắng yêu cầu các cán bộ chính phủ sử dụng HarmonyOS, qua đó thúc đẩy thị trường.
Vấn đề của Trung Quốc với X. Sau đợt bầu cử Mỹ, cuộc "di cư" khỏi nền tảng X (trước đây là Twitter) của Elon Musk cho đến nay đã giúp nền tảng mạng xã hội Bluesky hưởng lợi lớn. Sự chuyển dịch này có thể sẽ là một vấn đề đối với các nỗ lực tuyên truyền trên toàn cầu của Trung Quốc. Bắc Kinh đã đổ rất nhiều tiền bạc của cải vào X – và giờ đây họ đang chứng kiến khoản đầu tư đó giảm giá trị.
Sự hiện diện của Trung Quốc trên các nền tảng mạng xã hội như X, Facebook và các nền tảng cũ khác là rất mạnh mẽ. Sự đa dạng hóa của mạng xã hội có thể sẽ gây khó khăn cho các tổ chức truyền thông nhà nước Trung Quốc vốn chậm chạp trong việc chấp nhận các thực tế mới. Mặt khác, điều này cũng mang đến vô vàn cơ hội cho những người theo chủ nghĩa dân tộc có tính sáng tạo nhận được khen thưởng vì đã "kể lại câu chuyện của Trung Quốc một cách xuất sắc" trên các nền tảng mới.
James Palmer
Nguyên tác : "What Trump’s Tariffs Will Mean for China," Foreign Policy, 26/11/2024
Tạ Kiều Trang biên dịch
Nguồn : Nghiên cứu quốc tế, 02/12/2024