Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

20/01/2017

Bài học từ cuộc hải chiến Hoàng Sa

Lê Vĩnh Trương

hoangsa1

Hiện Trung Quốc đang nắm giữ toàn bộ quần đảo Hoàng Sa

Ngày 19/1/1974 Trung Quốc tấn công quân đội Việt Nam Cộng Hòa đồn trú tại quần đảo Hoàng Sa và chiếm trọn quần đảo này từ ngày đó đến nay.

Hành động tấn công này là đỉnh điểm của nhiều bước đi và toan tính từ trước, cũng như mang lại những hệ quả về sau.

Có một số điều có thể điểm lại để tham khảo ngày hôm nay :

Thứ nhất, điểm đặc biệt của hành động này là tính dễ nhận thấy, rất lộ liễu so với các hành động thù địch của Bắc Kinh đối với Việt Nam nói chung và Bắc Việt nói riêng trước đây.

Những hành động thôn tính hay gây ảnh hưởng thực chất đã diễn ra từ trước 1949 kéo dài đến Hiệp định Geneva 1954, Cải cách Ruộng đất 1956, song tất cả đều không phải dễ nhận thấy với mọi người - ít nhất trong điều kiện thông tin thời trước.

Riêng việc xâm chiếm Hoàng Sa đã là một điển hình xâm lăng rõ ràng và không thể chối cãi.

Sự kiện Hoàng Sa thực sự đã phơi bày hành vi xâm lăng ở mức hiển nhiên và nghiêm trọng.

Đây cũng là một điều đáng quan tâm đối với giới khoa học và quân sự của Việt Nam.

Thứ hai, hành động chiếm đóng Hoàng Sa đã mang một nhận thức mới đến người Việt Nam ở các quan điểm chính trị khác biệt rằng không có tình đồng chí ý thức hệ, không có tình chiến hữu thế giới tự do, chỉ có sự ưu tiên vì lợi ích dân tộc vượt lên trên và lắng đọng tại cột mốc lịch sử này.

hoangsa2

Nhiều làn sóng biểu tình đã nổ ra tại Việt Nam để phản đối các hành động của Trung Quốc ở Biển Đông

Từ đó, những nhà hoạch định chính sách có đánh giá mới về Trung Quốc, Hoa Kỳ và tương quan lực lượng của Việt Nam giai đoạn hậu Thông cáo Thượng Hải 1972, khi Henry Kissinger và Richard Nixon cùng Mao Trạch Đông và Chu Ân Lai nâng cốc thỏa thuận trên đầu hai nước Việt Nam.

Ưu tiên cho lợi ích dân tộc từ sự kiện Hoàng Sa 1974 cũng chính là khuynh hướng mới trong vận hành những cỗ máy chính trị dù dưới màu áo nào đi nữa.

Lợi ích dân tộc một mặt sẽ quyết định tính chính danh của nhà cầm quyền và mặt khác là ngọn lửa dễ bùng dậy dẫn đến chủ nghĩa dân tộc cực đoan.

Thứ ba, xâm chiếm Hoàng Sa, Trung Quốc có một tiền đồn có vị trí địa lý quan trọng có thể tận dụng dòng chảy-khí hậu biển Đông : dòng hải lưu Luzon-Đài Loan mang cá, tôm, ấu trùng cá con, san hô vào đến khu vực Hoàng Sa. Một phần tụ bám lại đây, phần còn lại trôi về Nam Trung Bộ Việt Nam tạo nên sự đa dạng sinh học biển, ngư trường và cảnh quan.

Vị thế tàu bè Bắc Nam của Việt Nam khi đi qua khu vực này hầu như sẽ dễ bị kiểm soát.

Thứ tư, bài học thất thủ Hoàng Sa đã được tiếp nhận nhiều chiều và nhưng không hẳn là thấu suốt. Bài học này gợi ý cho Bắc Việt tiếp quản Trường Sa thật nhanh ngày 4/4/1975 song nước Việt Nam thống nhất vẫn sảy chân tại Gạc Ma 18/3/1988, mất cảnh giác tại Bauxite Tây Nguyên, rừng đầu nguồn, bãi biển Đà Nẵng và những vị trí địa chiến lược khác, vốn không dễ thấy và dễ biết như việc Hoàng Sa thất thủ.

Trung Quốc luôn tấn công Việt Nam với yếu tố bất ngờ vào các thời điểm lễ Tết 19/1/1974, 17/2/1979 và 18/3/1988 và khi nội bộ Việt Nam suy yếu, mất cảnh giác nhất.

hoangsa3

Quần đảo Hoàng Sa mà Trung Quốc gọi là Tây Sa

Việc xâm chiếm quần đảo Hoàng Sa cho Trung Quốc một lợi thế chiến lược quan trọng nhưng đồng thời cũng làm lộ rõ ý đồ của Bắc Kinh và cảnh tỉnh thế giới.

Nó là mắt xích quan trọng trong chiến lược của Trung Quốc : xác lập đường chữ U và các hành động bành trướng tại Trường Sa sau này.

Vấn đề Hoàng Sa và Biển Đông cho thấy mưu đồ tranh thủ thời gian, truyền thông, tiến hành cuộc chiến tiêu hao sinh lực và tinh thần của nước khác mà Trung Quốc đang tiến hành.

Cũng vì hành động đó, Trung Quốc sẽ phải giải quyết câu chuyện Hoàng Sa với người Việt Nam sau này và mãi mãi.

Lê Vĩnh Trương, Quỹ Nghiên cứu Biển Đông

Nguồn : BBC tiếng Việt, 18/01/2017

***********************

Tưởng niệm tử sĩ Hoàng Sa (RFA tiếng Việt, 18/01/2018)

hoangsa4

Người dân tưởng niệm những chiến sĩ hải quân bỏ mình trong trận hải chiến Hoàng Sa 19/1/1974 với hải quân Trung Quốc. Ảnh chụp hôm 19/1/2014 tại Hà Nội. AFP photo

Cách đây đúng 43 năm, ngày 19/01/1974, quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam bị rơi vào tay Trung Quốc sau khi lực lượng Hải quân Việt Nam Cộng Hòa thất thủ trước đợt tấn công từ phía hải quân Trung Quốc.

Suốt một thời gian dài, trận hải chiến lịch sử đó không được nhà cầm quyền Hà Nội đề cập đến một cách chính thống. Trong mấy năm gần đây, một số nhân sĩ, trí thức và giới hoạt động trong nước công khai tưởng niệm tri ân 75 chiến sĩ Việt Nam Cộng Hòa phải bỏ mình trong cuộc chiến giữ biển đảo của tổ quốc đó. Tuy nhiên hoạt động vinh danh những người lính anh dũng hy sinh vì lãnh thổ quốc gia như thế không những không được ủng hộ mà còn bị cản phá mạnh mẽ.

Ngày 14 tháng 1, nghệ sỹ Kim Chi công khai trên mạng xã hội Facebook thư ngỏ kêu gọi cả nước tham gia những hoạt động nhằm tưởng nhớ đến những anh hùng tử sĩ đã hi sinh mạng sống để bảo vệ đất nước qua ít nhất ba cuộc chiến gần nhất là hải chiến Hoàng Sa, cuộc chiến biên giới phía bắc và trận Gạc Ma.

Tại khu vực miền nam, sau đó không lâu cũng có thông báo thắp hương cho các tử sĩ hy sinh tại Hoàng Sa năm 1974.

Nghệ sĩ Kim Chi trình bày lý do công khai thư ngỏ :

"Chúng ta không biết ơn những người ngã xuống thì còn biết ơn ai ? và khi chúng ta tôn vinh những người đó có nghĩa là nhắc nhớ con cháu, những người nối tiếp phải tiếp tục sự nghiệp đó, nên tôi nghĩ đã là người Việt Nam uống nước phải nhớ nguồn do đó xuất phát từ tinh thần chúng tôi làm thư ngỏ kêu gọi tinh thần đó".

Cựu chiến binh Phan Trọng Khang cũng có ý kiến về việc cần phải có cuộc tưởng niệm như thế.

"Dù ai chăng nữa, đảng phái nào chăng nữa đã là người Việt Nam thì phải biết trân trọng những tính mạng xương máu của đồng bào mình đã hy sinh vì sự trọn vẹn của tổ quốc chúng ta".

Tuy nhiên, các hoạt động nhằm tưởng nhớ công ơn của những người lính đã hi sinh để bảo vệ Hoàng Sa cũng như nằm xuống trong những trận chiến bảo vệ tổ quốc khác thường bị phía nhà cầm quyền cản trở.

Nữ nghệ sĩ Kim Chi kể lại thực tế xảy ra đối với buổi lễ tưởng niệm, vào năm ngoái ở Hà Nội.

"Tôi, chính tôi từng đi những cuộc như thế ở Hà Nội và từng bị các dư luận viên đánh phá xấc xược nhảy vào nói láo nói bậy, rồi giằng những khẩu hiệu băng rôn của chúng tôi".

Chính quyền lo sợ gì ?

Nhận định về lý do vì sao cơ quan chức năng lúc đầu cử những nhóm được mệnh danh là ‘dư luận viên’ đến phá ; và gần đây chính công an sắc phục ra mặt ngăn chặn các nhóm tổ chức lễ tưởng niệm chiến sĩ hy sinh vì tổ quốc trong ba cuộc chiến Hoàng Sa, biên giới phía bắc và Gạc Ma ; anh Nguyễn Chí Tuyến nói :

"Sau khi Hội nghị Thành Đô 1990 thì phía nhà cầm quyền không muốn nhắc đến những cuộc chiến tranh chống lại sự xâm lược cũng như bành trướng của nhà cầm quyền Trung Quốc, nên nhà cầm quyền Việt Nam hiện tại đều có những động thái là không muốn cho người dân làm những việc như vậy, mặc dù những việc đó theo quan điểm cá nhân tôi cũng như nhiều người dân là việc chính đáng".

Nhà hoạt động Lã Việt Dũng cũng có nhận định :

"Tôi cho rằng họ rất sợ các nhà hoạt động dân sự mà họ không kiểm soát được nên họ ngăn chặn họ tìm cách dẹp ngay từ đầu bởi vì những hoạt động xã hội dân sự đó một sẽ xảy ra biểu tình, hai gắn kết mọi người và những người khi lên tiếng phản đối họ nhiều quá thì họ khó cai trị đất nước".

Tương tự là ý kiến của cựu chiến binh Phan Trọng Khang :

"Họ muốn ngăn chặn này là tạo ra ranh giới giữa những người Việt Nam ở chính quyền khi xưa và những người Việt Nam hiện nay đang ở trong nước, hay nói khác đi là không trân trọng sự hy sinh của đồng bào chiến sĩ của Việt Nam mình dù bất kể ở chiến tuyến nào mà người ta lo cho đất nước Việt Nam thì đây là điều không chính đáng".

Trước biện pháp ngăn chặn của chính quyền Hà Nội và cơ quan chức năng đối với những nhân sĩ, trí thức và giới hoạt động xã hội trong những hoạt động vinh danh anh hùng- liệt sĩ bỏ mình để bảo vệ tổ quốc, nữ nghệ sĩ Kim Chi đưa ra cảnh báo về nguy cơ đang hiện rõ :

"Trong suy nghĩ của tôi, một chế độ mà sử dụng những con người không có tấm lòng không có trình độ thì tôi rất mừng vì sự tồn tại đó không được lâu nữa đâu, khi xử dụng những con người như thế để bảo vệ một chế độ".

Vào ngày 17 tháng 1, chỉ hai hôm trước ngày kỷ niệm trận hải chiến Hoàng Sa ; một số nhà hoạt động tại Sài Gòn đến Nghĩa Trang Bình An ở Bình Dương làm lễ tưởng niệm những anh hùng bỏ mình cho đất nước, họ bị lực lượng công an đến gây khó như thường gặp bấy lâu nay.

Thông tín viên Việt Nam

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Lê Vĩnh Trương
Read 714 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)