Yêu và được yêu là cung bậc tình cảm cao nhất. Tiếng Việt không có chữ tương đương. Khi yêu, con người có xu hướng dâng hiến tất cả, sẵn sàng hy sinh mọi thứ.
Người dân nay dựa nhiều vào mạng xã hội và internet để tìm kiếm thông tin và bàn luận.
Cũng là yêu, nhưng yêu người và yêu nước khác nhau. Phải chăng, yêu người thì loài người trở nên tình hơn, nhất là khi được âu yếm, trong khi yêu nước tỉnh hơn ?
Tổ quốc, nói cho cùng là một thực thể trừu tượng, không có khả năng bày tỏ cảm xúc yêu đương. Trải qua hàng trăm năm từ khi có văn tự, người Việt gọi người mình yêu là người tình, mà không gọi tổ quốc yêu thương của mình là nước tình.
Phải chăng yêu nước là một trạng thái cảm xúc cao cả và mạnh mẽ, nhưng có phần lý trí lạnh lùng hơn ?
Từ chuyện bán điện thoại
Khi lòng ái quốc dâng tràn, ai cũng sẵn sàng cao cả. Không chỉ có thi sỹ, các doanh nhân biết rõ điều này và họ không bỏ lỡ. Gần đây nhất, Bphone ra đời phiên bản mới, tổng giám đốc BKAV đã hùng hồn thổi lửa yêu vào lòng khách hàng. Dường như ông ta còn muốn các lãnh đạo quốc gia này tin, ngoài sự xuất xắc, ông ấy đang say đắm.
Thông điệp rất rõ ràng, hàng Việt Nam chất lượng bán kèm tự hào dân tộc ? Thật tuyệt, không phải ai cũng có thể đứng đằng sau tinh thần yêu nước mà hô hoán. Hỡi đồng bào, thứ này là hàng Việt Nam do người Việt làm cho người Việt tự hào nước Việt rồng tiên... Tin tức về thất bại của Bphone phiên bản đầu phủ khắp các trang báo.
Rút kinh nghiệm, tâm huyết hai năm, chính thức phân phối vào ngày 19/8 hừng hực khí thế, phiên bản mới ra đời với bao nhiêu là chất. Nhưng không biết chất gì. "Chất" nhất là phiên bản vàng thì không dành cho người Việt. Muốn yêu nước Việt, dân Việt phải sang Dubai.
Còn nhiều băn khoăn nữa về cái điện thoại này nhưng không nằm trong phạm vi bài viết. Không khó nhận ra rằng Bphone sẽ còn chật vật, nan giải.
Đến chuyện huy động vàng
Chính phủ Việt Nam mới đây tỏ ý muốn huy động vàng trong dân.
Cũng là yêu nước, cũng vàng, nhưng khác. Chính phủ Việt Nam đang kỳ vọng huy động được vàng của dân. Báo chí đăng tải nhiều bài về việc này, nhưng dân không rõ.
Huy động là một từ hiếm, dân không dùng. Trong quan hệ giữa người dân với nhau, dù rất thân thiết, khi cần tiền (vàng), người bình thường không nói : "Yêu quí ơi, tớ huy động tiền (vàng) của cậu nhé". Như vậy khó hiểu, người nghe không biết đó là thỉnh cầu hay mệnh lệnh. Chính phủ sẽ vay, xin vàng hay còn kịch bản khác ?
Trong quá khứ, 1945, chính phủ Việt Nam đã từng nhận được nhiều vàng của dân. Chính phủ đương nhiệm cũng muốn thế và đang có "phương án". Rất có thể, tinh thần yêu nước sẽ được... huy động. Bởi vì, vàng là thứ khi không có tiền mua, có thể đổi bằng tình yêu. Khi được yêu, có thể xin vàng nhiều lần chăng ?
Dẫu sao, đây cũng là dịp chính phủ đương nhiệm biết họ có còn được dân yêu. Họ đang gặp thách thức bởi nạn tham nhũng, lãng phí, thua lỗ, nợ công, môi trường ô nhiễm... Tình trạng nghèo đói, lạc hậu, bất an làm người dân bức xúc, đỉnh điểm là vụ nhập khẩu thuốc ung thư giả gần đây. Dân cũng nhận thức được, tổ quốc và chính phủ là hai khái niệm không giống nhau.
Nhưng, biết đâu điều kỳ diệu vẫn xảy ra. Chính phủ Việt Nam sẽ lập kỷ lục là một chính phủ hiện đại nhiều lần nhất xin được vàng của dân. Một minh chứng hùng hồn về tinh thần bách chiến bách thắng không phải là không tưởng ?
Chắc chắn, sau 72 năm, vàng vẫn là vàng, tình yêu có thể đổi thay.
Nguyễn Hà Hùng (Hà Nội)
Nguồn : BBC, 01/09/2017