Vụ Trịnh Xuân Thanh : Hành trình "máu" đến tòa Đại sứ Việt Nam ở Berlin
Chiếc xe màu nhũ bạc đã trở về với chính chủ Bùi Quang Hiếu, nhưng điều bất ngờ khi trong khoang đầy vết máu với mùi tanh khó tả, in đậm các vết rách trên ghế do giằng co vật lộn của nhóm người đã sử dụng chiếc xe này.
Hôm 1/9, chủ cho thuê xe, ông Bùi Quang Hiếu, vừa nhận lại chiếc xe 7 chỗ nghi vấn dùng để bắt cóc Trịnh Xuân Thanh
Theo thông tin viện công tố Liên bang Đức đưa ra hôm 10/8 chiếc xe này đã được sử dụng để bắt cóc ông Trịnh Xuân Thanh và một nữ cán bộ Bộ Công thương ngay tại trung tâm thủ đô Berlin, chỉ ít phút sau đó, hành trình định vị GPS đã chỉ rõ chiếc xe chạy thẳng vào tòa Đại sứ Việt Nam ở Berlin và dừng khá lâu ở đây trước khi rời đi.
Tòa Đại sứ Việt Nam ở Berlin trong những ngày sóng gió này
Những người bị bắt cóc có lẽ đã có cuộc vật lộn rất dữ dội với nhóm mật vụ Việt Nam điều khiển chiếc xe này, một cán bộ sứ quán đã bấm nút mở cổng để chiếc xe nhanh chóng lao vào khuôn viên khuất phía sau toàn nhà, hậu quả là ông Nguyễn Đức Thoa đại diện tổng cục tình báo Việt Nam tại Đức liền sau đó đã nhận được lệnh trục xuất khỏi Đức.
Các vật chứng bị bỏ lại trên xe chứng tỏ nhóm bắt cóc đã hành động rất gấp, khi bắt được ông Trịnh Xuân Thanh thì vội vã bỏ đi mà không cần quan tâm đến xóa dấu vết những mảng máu đọng lại trên chiếc xe này.
Vết máu khô đọng lại trên ghế xe nghi vấn dùng để bắt cóc ông Trịnh Xuân Thanh hôm 23/7 tại Berlin
Theo một nguồn tin riêng, hiện ông Trịnh Xuân Thanh đang chịu sự giam cầm của Tổng cục 2 tình báo quân đội, trong khi đáng lẽ chức năng này phải được trao cho Tổng cục 5 Bộ Công an. Điều này giải thích phát ngôn của Bộ trưởng Công an Tô Lâm hôm 30/7 là "chưa có thông tin gì về việc Trịnh Xuân Thanh về nước" cũng có phần đúng. Hiện đang có đề xuất từ phía Bộ Công an đề nghị được quyền tiếp cận và lấy cung trực tiếp từ ông Trịnh Xuân Thanh.
Một diễn biến khác từ phía Bộ Ngoại giao Việt Nam, cách đây ít ngày Thứ trưởng thứ nhất Bùi Thanh Sơn đã dẫn đoàn công tác bay sang Berlin để đàm phán với Chính phủ Đức nhằm giảm thiểu thiệt hại cho Việt Nam. Có lẽ vụ bắt cóc ông Trịnh Xuân Thanh đã diễn ra trong lúc Bộ Ngoại giao Việt Nam hoàn toàn bị động vì không hề được biết kế hoạch này.
Tuy nhiên kết quả đàm phán đã không được như ý muốn của phía Việt Nam và ngay sau khi đoàn về nước, Tổng công tố Cộng hòa liên bang Đức đã ra lệnh bắt giữ và dẫn độ ngay ông Nguyễn Hải Long, một công dân Việt Nam từ Cộng hòa Séc về Đức để phục vụ công tác thẩm vấn.
Qua những thông tin được tiết lộ cho đến nay, nhiều chỉ dấu cho thấy vụ bắt cóc ông Trịnh Xuân Thanh đã được Tổng cục 2 tình báo quân đội trinh sát và thực hiên, Tổng cục 5 tình báo Bộ Công an chỉ là đơn vị hỗ trợ. Cùng thời điểm này, ông Nguyễn Phú Trọng, Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam, là Bí thư quân ủy trung ương, một chức vụ lãnh đạo cao nhất trong quân đội cộng sản Việt Nam. Có lẽ với chức vụ thứ hai này mà ông Nguyễn Phú Trọng là đối tượng được phía Đức tập trung nghi ngờ, vì trước đó ông luôn hô hào phải "bắt cho bằng được Trịnh Xuân Thanh".
Sự việc đã gây ra mối lo ngại lớn tại Đức khi Việt Nam từ một "đối tác chiến lược" đã trở thành một tổ chức "cướp người" dưới góc nhìn của nhiều Chính trị gia Đức. Phía Đức bắt đầu áp dụng biện pháp khẩn cấp với Việt Thành phố Hồ Chí Minh vào hôm 1/9/2017.
Trước đó, ông Reiner Haselof (đảng CDU) thủ hiến bang Sachsen-Anhalts, khi hay tin vụ việc đã lập tức hủy cuộc gặp hôm 16/8 với Đại sứ Việt Nam Đoàn Xuân Hưng và cho biết "chưa định được ngày gặp khác".
Diễn biến không vui của vụ việc bắt đầu lan sang cộng đồng người Việt tại Đức. Sự căng thẳng của những người được Đại sứ quán Việt Nam mời đến dự Quốc khánh lần thứ 72 hôm 31/8 đã hiện rõ trên nét mặt. Việc "triệu tập" gấp để lên hình cho ngày Quốc khánh đã biến họ thành những cá thể bị động, những khuôn mặt vô hồn tương tự như hình ảnh ông Trịnh Xuân Thanh lên truyền hình "ra đầu thú".
Điều kỳ lạ là ngày lễ Quốc khánh của Việt Nam tại Đức đã không có bất kỳ cơ quan ngoại giao, hoặc đại diện nước chủ nhà đến dự như thông lệ mọi năm. Bên cạnh đó, các hội đoàn và doanh nghiệp của người Việt tại đây cũng không hề nhận được giấy mời.
Cơ quan Cảnh sát liên bang (BKA) và Cục tình báo Đức (BND) đang điều tra vụ bắt cóc ông Trịnh Xuân Thanh. Địa điểm tòa Đại sứ quán Việt Nam ở Đức vẫn được coi là hiện trường vụ án với chiếc xe nhiều vết máu.
Trung Khoa
Nguồn : Thoibao.de, 03/09/2017
*******************
Đức chúc mừng Việt Nam giữa căng thẳng ngoại giao (VOA, 03/09/2017)
Tổng thống Đức đã gửi lời chúc mừng tới Chủ tịch Trần Đại Quang nhân quốc khánh Việt Nam 2/9, trong bối cảnh hai nước vẫn đang tìm cách hóa giải tranh cãi ngoại giao về vụ Trịnh Xuân Thanh.
Lời chúc mừng của Tổng thống Đức trên trang Facebook của cơ quan đại diện ngoại giao của Berlin ở Hà Nội.
Trang Facebook của Đại sứ quán Đức ở Hà Nội hôm 1/9 đăng tải lời của ông Frank-Walter Steinmeier, trong đó có nhắc tới "nhà nước pháp quyền".
"Từ hơn 40 năm nay hai nước chúng ta vun đắp mối quan hệ song phương chặt chẽ. Tôi muốn động viên đất nước Việt Nam tiếp tục kiên trì tiến bước trên con đường hiện đại hóa và tăng cường nhà nước pháp quyền", lời chúc mừng ông Steinmeier viết.
Thông điệp của nguyên thủ Đức được đưa ra một tháng sau khi chính quyền Berlin cáo buộc Việt Nam vi phạm "trắng trợn" luật pháp Đức và quốc tế trong vụ bắt giữ ông Thanh.
Hai tuần sau đó, Hà Nội chủ động tìm cách "tiếp cận" và "đối thoại" với Đức về vụ việc đã đẩy quan hệ đôi bên xuống mức thấp nhất trong nhiều năm.
Vụ Trịnh Xuân Thanh đã đẩy quan hệ hai nước xuống mức thấp nhất trong nhiều năm.
Bình luận dưới lời chúc của Tổng thống Đức trên trang Facebook của cơ quan đại diện ngoại giao của Berlin ở Việt Nam, Facebooker tên Nguyen Tran viết : "Người trong nước không hiểu gì người Âu Mỹ cả. Đối với họ. Việc nào ra việc nấy. Việc chúc mừng là việc chúc mừng, việc của Trịnh Xuân Thanh là việc Trịnh Xuân Thanh, họ không có lầm lẫn cho vào chung một nồi như lối suy nghĩ của Việt Nam ta đâu. Hơn nữa Đức là nước tam quyền phân lập, mỗi cơ quan có nhiệm vụ riêng của nó, không có việc cơ quan khác ra lệnh cơ quan này phải làm việc nhu ý muốn đâu".
"Tổng thống Đức chỉ có nhiệm vụ tiếp quốc khách và gởi thư chúc mừng, ông không có quyền ra lệnh thủ tướng Đức hay bộ ngoại giao phải nghe. Thủ tướng Đức hay bộ Ngoại giao không có quyền ra lệnh bộ Tư pháp ngưng điều tra vụ Trịnh Xuân Thanh. Họ cũng không dám dính vào, việc này là của bộ Tư pháp... Chính quyền Đức chỉ biết thi hành đúng luật và Hiến pháp… Đừng nghĩ rằng Đức gởi thư chúc mừng là việc Trịnh Xuân Thanh sẽ bỏ qua. Âu Mỹ không có chuyện đạp trên Hiến pháp mà ra lệnh cấp dưới làm theo ý của mình…", Nguyen Tran viết tiếp.
Còn trên trang Facebook cá nhân, ông Lê Trung Khoa, một ký giả ở Berlin, viết : "Kỷ niệm 72 năm Quốc khánh 2/9 giữa một nhóm người Việt tụ tập với nhau tại Đại sứ quán Berlin".
VOA Việt Ngữ không thể tìm thấy các thông tin về lễ kỷ niệm này trên trang web của Đại sứ quán Việt Nam ở Đức, nhưng truyền thông trong nước cũng đăng tải thông tin về buổi lễ này.
Đài tiếng nói Việt Nam dẫn lời đại sứ Việt Nam ở Berlin Đoàn Xuân Hưng "thẳng thắn chia sẻ sự cố đáng buồn vừa qua trong quan hệ ngoại giao giữa hai nước và tin rằng, vì tình hữu nghị thân thiết bấy nay, vì quyền lợi của cả hai dân tộc sự cố đó sớm được giải quyết một cách thấu đáo để quan hệ giữa hai nước nồng ấm như vốn có".
Không thấy người nước ngoài nào trong các bức ảnh được đăng kèm theo bài viết có tựa đề "Đại sứ quán Việt Nam và kiều bào tại Đức kỷ niệm 72 năm ngày Quốc khánh".
Không chỉ Đức, chính phủ Mỹ vừa qua cũng gửi lời chúc mừng tới lãnh đạo Việt Nam nhân ngày 2/9.
Trong thông cáo ngày 31/8, Ngoại trưởng Tillerson nói : "Kể từ khi bình thường hóa quan hệ song phương cách đây 22 năm, quan hệ giữa hai nước đã phát triển theo cách thức mà không ai có thể hình dung trước. Hai nước đã vượt qua mâu thuẫn và chia rẽ trong quá khứ, hướng tới mối quan hệ đối tác thịnh vượng, mở rộng mối quan hệ chính trị, an ninh, kinh tế và giữa người dân hai nước".
Viễn Đông