Việc hải quân Trung Quốc đang tập trận ở khu vực cửa Vịnh Bắc Việt, trong một vùng biển rộng lớn, (bao gồm 11.000 cây số vuông biển thuộc vùng Kinh tế độc quyền của Việt Nam), cách Đà Nẵng 75 hải lý, không phải là hành vi mang bản chất gây hấn đầu tiên của Trung Quốc. Cũng ở khu vực biển này, năm 1997 và năm 2003, Trung Quốc đã cho giàn khoan Kantan 03 vào khai thác lô 113 trên thềm lục địa của Việt Nam, ngoài khơi Thừa Thiên, Huế. Năm 2014, Trung Quốc cho đặt giàn khoan HD 981 trên thềm lục địa của Việt Nam, cách đảo Hải Nam 130 hải lý trong khi cách đảo Lý Sơn của Việt Nam là 120 hải lý.
Hải quân Trung Quốc tập trận ở khu vực cửa Vịnh Bắc Việt - Ảnh minh họa
Theo tôi, đã quá trễ để Việt Nam có thể "làm cái gì đó" để ngăn cản hành vi của Trung Quốc trong tương lai. Bởi vì các hành vi của Trung Quốc (từ sau Thế chiến II) thể hiện trên thực tế là phản ảnh yêu sách "chủ quyền" hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Trung Quốc.
Địa điểm của các giàn khoan Kantan 03, HD 981… đều thuộc về phía bên kia (bên Trung Quốc) đường trung tuyến phân chia giữa bờ biển Việt Nam với cụm đảo Hoàng Sa.
Tức là, Trung Quốc chủ trương cụm đảo Hoàng Sa vừa có hiệu lực "vùng nước quần đảo", vừa có hiệu lực đảo 100% theo điều 121 UNCLOS.
Việt Nam không có cách nào để đối phó.
Thứ nhứt, không ai có thẩm quyền để cấm Trung Quốc đòi hỏi quần đảo Hoàng Sa có hiệu lực vùng biển kinh tế độc quyền. Đặc biệt là Việt Nam, bên không có tư cách để yêu cầu. Bởi vì Việt Nam đã có chủ trương tương tự như vậy. Nguyên tắc bình đẳng về chủ quyền, Việt Nam không thể cấm Trung Quốc làm cái mà Việt Nam đã (và đang) làm.
Thứ hai, phán quyết của Tòa Trọng tài thường trực (PCA- Permanent Court of Arbitration) tháng bẩy năm 2016 đã không được đa số các nước ủng hộ. Nguyên nhân là Tòa đã có ý kiến về hiệu lực biển (điều 121) của các đảo thuộc cụm Trường Sa.
Theo Tòa, không có cấu trúc địa lý nào ở Trường Sa có hiệu lực là "đảo" để có thể yêu sách vùng kinh tế độc quyền (200 hải lý).
Nếu điều này áp dụng rộng rãi thì sẽ có rất nhiều quốc gia phải điều chỉnh lại yêu sách biển của họ.
Phán quyết của Tòa PCA đã đi ngược lại nội dung nhiều kết ước phân định biển giữa các nước trên thế giới đồng thời mâu thuẩn với nhiều "án lệ" của các Tòa quốc tế. Bởi vì thực tế trên thế giới cho thấy, có rất nhiều đảo, nhỏ hơn các đảo ở Trường Sa, cũng được hưởng 100% vùng Kinh tế độc quyền.
Đến nước này, Việt Nam bị dồn vào chân tường, là hệ quả của chính sách ngoại giao phá sản.
Cái gọi là "quốc tế hóa Biển Đông", hơn 10 năm nay tôi cho rằng nó sẽ thất bại. Thời điểm này cho thấy đã 100% là thất bại.
Kiện thì Việt Nam không có tư cách kiện. Cứ mỗi lần có "lùm xùm" với Trung Quốc, ta liền nghe các học giả Việt Nam "hốt thuốc an thần" Việt Nam sẽ đi kiện.
Nếu có nghiên cứu chút ít về lịch sử tranh chấp Hoàng Sa và Trường Sa và luật quốc tế. Ta phải (chua xót) nhìn nhận rằng Việt Nam hôm nay kiện là để thua.
Thật vậy. Chỉ cần xét các "bằng chứng" mà phía Trung Quốc đưa ra (tại Liên Hiệp Quốc năm 2014 nhân vụ giàn khoan HD 981), ta thấy tất cả các chứng cứ đều đến từ Việt Nam. Nào là công hàm 1958 của Phạm Văn Đồng, nào là sách giáo khoa, bản đồ do Việt Nam in ấn… Các tài liệu này khẳng định Việt Nam ủng hộ chủ quyền của Trung Quốc ở Hoàng Sa và Trường Sa.
Tập quán quốc tế cho thấy một quốc gia, một cách dễ dàng, bị mất chủ quyền lịch sử tại một vùng lãnh thổ. Trường hợp tranh chấp giữa Singapour và Mã Lai về chủ quyền đảo Pedra Branca là thí dụ điển hình.
Trường hợp quốc gia mất chủ quyền lịch sử phần lớn do "thái độ" của quốc gia và tính "efffectivité" của quốc gia đối với vùng lãnh thổ đó.
Xét cả hai phương diện, Việt Nam hiện nay thỏa mãn cả hai điều kiện (để mất chủ quyền Hoàng Sa và Trường Sa).
Từ hơn 15 năm trước tôi đã cảnh báo Việt Nam phải "khẳng định chủ quyền" Hoàng Sa và Trường Sa, qua biện pháp "hòa giải quốc gia" để "kế thừa" Việt Nam Cộng Hòa. Chỉ khi kế thừa Việt Nam Cộng Hòa thì Việt Nam hôm nay mới có "chính danh" để đòi chủ quyền ở Hoàng Sa và Trường Sa.
Các học giả của Việt Nam, ba chớp ba nhoáng, "cóp py" các ý kiến của tôi. Nhưng không thấy ai "nên thân", vì hầu hết ai cũng xúi Việt Nam hôm nay "nhìn nhận" thực thể "quốc gia Việt Nam Cộng Hòa".
Họ làm vậy vì thể thức "hòa giải quốc gia" xem ra rất khó khăn. Vì nó đặt trên nền tảng thiết lập lại sự thật lịch sử.
Họ làm vậy là do các tài liệu của tôi công bố, trong đó có tài liệu học giả quốc tế đặt vấn đề "Việt Nam hiện nay làm sao có thể kế thừa quốc gia mà họ chưa bao giờ nhìn nhận ?"
Các học giả Việt Nam nghĩ rằng khi "nhìn nhận quốc gia Việt Nam Cộng Hòa" thì đã thỏa mãn các điều kiện để "kế thừa".
Đâu có đơn thuần như vậy. Việc này tôi đã nói nhiều lần, không nhắc lại.
Bởi vì, nếu kế thừa dễ như vậy, tại sao Việt Nam không đi kiện ? Trung Quốc đã có vô số các hành vi lấn lướt, như vụ buộc giàn khoan Repsol rút lui trong tháng này, hay việc Trung Quốc đang tập trận ở ngoài khơi Đà Nẵng… đều là các "cớ" để Việt Nam đi kiện.
Việt Nam vẫn tin tưởng vào các nhà ngoại giao và giàn học giả đại tài của mình.
Tôi chỉ mong muốn rằng những gì tôi nói và đã nói, từ 15 năm nay, là sai.
Điều đau đớn là mình thấy mất nước từ từ, như con trăn đang nuốt con mồi lớn. Từ từ, chầm chậm, như tầm ăn dâu, như xắt lát xúc xích...
Trương Nhân Tuấn
Nguồn : fb.nhantuan.truong, 02/09/2017