Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

06/09/2017

Chỗ đứng nào cho Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam ?

Phạm Trần

Trong một bài viết trên báo Giáo dục Việt Nam điện tử ngày 31/08/2017, nguyên Trưởng ban biên giới chính phủ cộng sản Việt Nam, Tiến sĩ Trần Công Trục viết rằng :

"Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam là chính phủ hợp pháp được ra đời từ thắng lợi của cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, dưới sự lãnh đạo của Đảng nhân dân Cách mạnh niền Nam Việt Nam và Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam.

Thắng lợi của đấu tranh giải phóng dân tộc của nhân dân miền Nam Việt Nam là đã lật đổ chính thể Việt Nam Cộng Hòa, và lập ra một cách hợp pháp Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam. 

Tính chính danh của chính thể Việt Nam Cộng Hòa về mặt đối nội và đối ngoại đã bị xóa bỏ hoàn toàn ngay sau khi Tổng thống Việt Nam Cộng Hòa Dương Văn Minh đọc tuyên bố đầu hàng vô điều kiện, ngày 30/4/1975".  

mattran0

Xe tăng của quân đội nào đã tiến vào Dinh Độc Lập ngày 30/4/1975 ?

Nhưng cái được gọi là "thắng lợi" ấy từ đâu mà có ? Chính phủ và quân đội của nhà nước cộng sản đội lốt "Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa" ở miền Bắc đã đóng vai trò gì trong "thắng lợi" này. Và liệu tổ chức gọi là "Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam" và "Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam" làm nên cơm cháo gì nếu không có quân miền Bắc xâm lược miền Nam ?

Vì vậy nếu chỉ nói mà không nói cho hết ngọn ngành của những tổ chức hữu danh vô thực như : Đảng nhân dân Cách mạnh niền Nam Việt Nam ; Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam (và) Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam thì lịch sử  sẽ thành ngụy sử. 

Thế nào là bù nhìn, tay sai ?

Trước hết, hãy cùng nghe ông Phó Giáo sư Tiến sĩ Trần Đức Cường, nguyên Viện trưởng Viện sử học, hiện là Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, đồng thời là tổng chủ biên bộ sách Lịch sử Việt Nam mới phát hành ngày 18/8/2017, giải thích tại sao "các nhà sử học" của Đảng cộng sản Việt Nam đã "thống nhất bỏ tên gọi ngụy quyền đối với chế độ Việt Nam Cộng Hòa".

Ông Trần Đức Cường nói :

"Bản chất chính quyền Sài Gòn và quân đội Sài Gòn theo chúng tôi không có gì thay đổi cả. Đấy là một chính quyền được dựng lên từ đô la và vũ khí, thực hiện chiến lược toàn cầu của Mỹ, ngăn chặn chủ nghĩa cộng sản lan xuống vùng Đông Nam Á, đồng thời chia cắt đất nước Việt Nam một cách lâu dài, biến miền Nam thành thuộc địa kiểu mới và căn cứ quân sự của Mỹ. Điều đó không có gì nghi ngờ cả.

Thứ hai, quân đội Sài Gòn thực chất được Mỹ trang bị hoàn toàn và quan trọng hơn là thực hiện mưu đồ của Mỹ. Đó cũng là một đội quân đi đánh thuê. Thực chất các nhà sử học không có một đánh giá nào khác so với thời gian trước đây.

Nhưng về cách gọi, chúng tôi nghĩ rằng trong một văn bản khoa học, mình gọi trung tính vẫn hơn là ngụy quân, ngụy quyền. Bởi vì cách gọi này mang tính biểu cảm, miệt thị cho nên chúng tôi gọi là quân đội Sài Gòn và chính quyền Sài Gòn".

(Lan Hương, RFA, 21/08/2017)

Lời nói sặc mùi kỳ thị, chủ quan và xuyên tạc của ông Cường đã để lộ bộ mặt giả dối của cái gọi là "trung tính" khi bỏ lối gọi xách mé, thù hận và mặc cảm "ngụy quân, ngụy quyền" bằng "quân đội Sài Gòn và chính quyền Sài Gòn".

Ông Cường cũng đã trắng trợn xuyên tạc thực chất cuộc chiến tranh vừa qua, đó là một cuộc tiến công xâm lược miền Nam của chế độ cộng sản miền Bắc chứ không phải Mỹ muốn biến miền Nam thành một "thuộc địa kiểu mới và căn cứ quân sự của Mỹ".

Và Quân đội Việt Nam Cộng Hòa cũng chưa hề là "một đội quân đi đánh thuê" cho bất cứ ai. Có chăng là khi chính thể Việt Nam Cộng Hòa bị phe cộng sản miền Bắc xâm lược thì Hoa Kỳ và các nước đồng minh mới vào giúp miền Nam chiến đấu tự vệ chống lại cuộc xâm lăng không thể chối cãi được của Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa từ miền Bắc.

Nếu vẫn còn nghi ngờ về những giải thích trên, mời ông Phó Giáo sư Tiến sĩ Trần Đức Cường và các nhà viết sử cộng sản hãy đến khấn vái trước di ảnh nguyên Tổng Bí thư Lê Duẩn để xin được biết sự thật.

Xin nhắc lại, trong cơn say chiến thắng, ông Lê Duẩn đã tiết lộ một sự thật : "Ta đánh Mỹ là đánh cả cho Liên Xô, đánh cho Trung Quốc, cho các nước xã hội chủ nghĩa và cho cả nhân loại, đánh cho cả bọn xét lại đang đâm vào lưng ta".

(Vũ Thư Hiên, Đêm giữa ban ngày, Nhà xuất bản Văn Nghệ, 1997, tr. 422)

Như vậy thì những nhà viết sử của chế độ đã biết rõ ai là "một đội quân đi đánh thuê" và thế nào là tay sai phải không ?

Tại sao như thế ? Bởi vì trong cuộc chiến tranh Việt Nam vừa qua, tất cả những tổ chức mang tên "miền Nam Việt Nam" không hoàn toàn do người miền Nam chủ động mà lại do những người cộng sản miền Bắc của đảng Lao Động Việt Nam công khai thành lập và chỉ huy.

Tên gọi đảng Lao Động Việt Nam, được sử dụng từ tháng 2 năm 1951 tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ II ở Tuyên Quang, vì nhu cầu chính trị để sửa sai những lỗi lầm khi còn mang tên Đảng cộng sản Việt Nam do Hồ Chí Minh thành lập ngày 3 tháng 2 năm 1930.

Sau đó tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IV, được tổ chức vào năm 1976 sau khi chấm dứt chiến tranh, tên Đảng lại được đổi lại thành Đảng cộng sản Việt Nam.

Nguồn gốc quấy phá trong Nam

Để chứng minh cho tham vọng gây chiến, phá hoại Việt Nam Cộng Hòa của ông Hồ và Đảng cộng sản Việt Nam, tài liệu Bách kha toàn thư mở viết :

"Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ III được tổ chức tại Hà Nội vào năm 1960 chính thức hóa công cuộc xây dựng xã hội chủ nghĩa tại miền Bắc, tức Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa lúc đó, và đồng thời tiến hành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân tại miền Nam. Tại miền Nam, đảng bộ miền Nam năm 1962 công khai lấy tên Đảng Nhân dân cách mạng miền Nam, là thành viên và lãnh đạo Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam Việt Nam, tuyên truyền chủ nghĩa Marx-Lenin (thành phần Mặt trận còn có Đảng Dân chủ, và Đảng Xã hội cấp tiến và các tổ chức,... do những người cộng sản chủ trương thành lập)".

Nghị quyết của Đại hội III của Đảng Lao động Việt Nam, từ ngày 5-10/9/1960 đã viết :

"Cách mạng Việt Nam trong giai đoạn hiện tại có hai nhiệm vụ chiến lược :

Một là, tiến hành cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc.

Hai là, giải phóng miền Nam khỏi ách thống trị của đế quốc Mỹ và bọn tay sai, thực hiện thống nhất nước nhà, hoàn thành độc lập và dân chủ trong cả nước.

Hai nhiệm vụ chiến lược ấy có quan hệ mật thiết với nhau và có tác dụng thúc đẩy lẫn nhau.

Đưa miền Bắc tiến lên chủ nghĩa xã hội là một nhiệm vụ tất yếu sau khi đã hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân. Đưa miền Bắc tiến lên chủ nghĩa xã hội, làm cho miền Bắc được ngày càng vững mạnh về mọi mặt thì càng có lợi cho cách mạng giải phóng miền Nam, cho sự phát triển của cách mạng trong cả nước, cho việc gìn giữ và củng cố hòa bình ở Đông Dương, Đông - Nam Á và thế giới.

Vì vậy, tiến hành cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc là nhiệm vụ quyết định nhất đối với sự phát triển của toàn bộ cách mạng Việt Nam, đối với sự nghiệp thống nhất nước nhà. Cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc tiến hành trong khi ở miền Nam phải ra sức tập hợp mọi lực lượng dân tộc và dân chủ, mở rộng và củng cố khối đoàn kết dân tộc, cô lập đế quốc Mỹ và bọn tay sai của chúng, thúc đẩy sự nghiệp đấu tranh củng cố hòa bình, thống nhất Tổ quốc. Vì vậy phương châm tiến hành cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc là : xây dựng miền Bắc, chiếu cố miền Nam".

Sau Đại hội đảng III, theo tài liệu Bách khoa toàn thư mở, thì :

"Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam được chính thức thành lập vào ngày 20 tháng 12 năm 1960 tại xã Tân Lập, huyện Châu Thành (nay là Tân Biên) trong vùng căn cứ của mình ở tỉnh Tây Ninh, với thành phần chủ chốt là lực lượng Việt Minh (Việt Nam độc lập đồng minh, tên chính thức trong nghị quyết Hội nghị lần thứ VIII Ban Chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Đông Dương) hoạt động bí mật ở miền Nam. Lãnh đạo ban đầu là Võ Chí CôngPhùng Văn CungHuỳnh Tấn Phát. Huỳnh Tấn Phát giữ chức vụ Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Ủy ban Trung ương".

Sau đó, tại tại Đại hội lần thứ nhất khai mạc ngày 16 tháng 2 năm 1962 tại Tân Biên (Tây Ninh) chính thức bầu Nguyễn Hữu Thọ làm Chủ tịch.

Tuy nhiên ai cũng biết Tổ chức này được thành lập dưới sự hậu thuẫn của chính phủ và quân độicộng sản Việt Nam miền Bắc.

Vì vậy, tài liệu Bách khoa toàn thư mở phổ biến trên Internet đã viết :

"Mặt trận đặt dưới sự lãnh đạo của Bộ Chính trị Đảng Lao Động Việt Nam và Trung ương Cục miền Nam. Những người cộng sản miền Nam hoạt động dưới danh nghĩa Đảng Nhân dân cách mạng Việt Nam, hoạt động công khai và là thành viên tham gia Mặt trận. Trung ương Cục Miền Nam là tổ chức đại diện Đảng Lao động trong Nam, hoạt động bí mật (đến 1969 công khai), thời kỳ chiến tranh không công khai về vai trò chỉ đạo (trong khi Đảng Nhân dân Cách mạng là đảng hoạt động công khai), trực tiếp chỉ đạo hay phối hợp với Trung ương Mặt trận - Chính phủ, với Ban dân vận Trung ương Cục (phụ trách dân vận - mặt trận - chính quyền) là cầu nối. Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa đặt đại diện tại căn cứ địa của Mặt trận (và Chính phủ cách mạng sau này), và Mặt trận (Chính phủ cách mạng lâm thời) đặt đại diện tại Hà Nội".

Tài liệu viết tiếp :

"Từ ngày 6 đến ngày 8 tháng 6 năm 1969, Đại hội Đại biểu Quốc dân miền Nam Việt Nam, mà Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam là nòng cốt, cùng với Liên minh các lực lượng dân tộc, dân chủ và hòa bình Việt Nam do luật sư Trịnh Đình Thảo làm chủ tịch, đã bầu ra Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam do kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát làm Chủ tịch, và Hội đồng Cố vấn Chính phủ do luật sư Nguyễn Hữu Thọ làm Chủ tịch".

Vậy cái chính phủ này quan hệ với miền Bắc như thế nào ?

Bách khoa toàn thư mở viết :

"Trong quan hệ với Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa, Cộng Hòa Miền Nam Việt Nam khẳng định chủ quyền ở miền Nam Việt Nam, nhưng không từ chối các tuyên bố về chủ quyền cả nước của Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa (tình trạng một quốc gia nhiều nhà nước-mô hình liên bang). Hai miền lập đại diện. Về phía Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa, công nhận Cộng Hòa Miền Nam Việt Nam là chính quyền hợp pháp ở miền Nam Việt Nam, do đó các văn kiện của nhà nước này có lúc khẳng định có hai chính thể độc lập nhau, nhưng có lúc vẫn khẳng định Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa là của cả nước, Cộng Hòa Miền Nam Việt Nam có chủ quyền tại miền Nam".

Tài liệu cũng viết rõ :

"Ngày nay Nhà nước Việt Nam khẳng định Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, cũng như các mặt trận trước đó và sau này là các tổ chức chính trị - xã hội dưới sự lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam, thực hiện các nhiệm vụ đoàn kết toàn dân dưới lá cờ của Đảng cộng sản Việt Nam để đạt mục tiêu chính trị do Đảng đề ra".

Về những nhân vật Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam được miền Bắc dựng lên, đáng kể hơn là là Luật sư Nguyễn Hữu Thọ (1910-1996), Chủ tịch Mặt trận Giải phóng miền Nam. Trước khi qua đời, ông được Đảng cộng sản Việt Nam cho giữ chức Phó Chủ tịch nước rồi Chủ tịch Quốc hội.

Người thứ hai là Kỹ sư Huỳnh Tấn Phát (1913-1989), nguyên Chủ tịch chính phủ gọi là Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam đã được bí mật kết nạp vào Đảng cộng sản Đông Dương ngày 5 tháng 3 năm 1945.

Người thứ ba là nguyên Bộ trưởng ngoại giao của Chính phủ Việt Cộng, bà Nguyễn Thị Bình (sinh năm 1927), được  kết nạp vào Đảng cộng sản Đông Dương năm 1948 vì vậy bà được trao Huy chương 70 năm tuổi đảng ngày 31/08/2017.

Ngoài ba nhân vật chóp bu này, nhiều  trí thức miền Nam theo Việt Cộng đã quay lại chống Đảng cộng sản Việt Nam sau khi chiến tranh kết thúc.

Nổi bật nhất là Luật sư Trương Như Tảng (sinh ngày 19/05/1923), nguyên Bộ trưởng tư pháp trong Chính phủ Huỳnh Tấn Phát. Nhưng về sau, ông Tảng công khai bất đồng với Chính quyền cộng sản vì không thi hành chính sách hòa giải hòa hợp dân tộc sau 1975. Ngày 25 tháng 8 năm 1978, Trương Như Tảng xuống thuyền vượt biển và hơn một tuần sau thì được một tàu hàng Singapore chở tới đảo Galang, thuộc Indonesia. Sau này ông sinh sống ở Pháp. Trong hồi ký viết bằng tiếng Pháp, Mémoire d'un Vietcong (Hồi ký của một Việt Cộng), ông đã tố cáo chính sách cai tri hà khắc của Đảng cộng sản Việt Nam đối với "những người miền Nam thua trận".

Người thứ hai phải kể đền là cựu chiến binh Nguyễn Hộ (1916-2009) trong Mặt trận Giải phóng miền Nam.

Theo Bách khoa toàn thư mở thì : "Ông là một trong số lãnh đạo hàng đầu của "Câu lạc bộ Những người Kháng chiến cũ" cùng với các ông La Văn Lấm, Đỗ Trung Hiếu, Trần Văn GiàuTrần Bạch ĐằngTạ Bá Tòng và thượng tướng Trần Nam Trung. Tờ báo Truyền thống Kháng chiến của nhóm này ra mắt số đầu tiên vào tháng 9 năm 1988 nhưng sau đó vì quan điểm bị cho là chỉ trích chính quyền nên báo buộc phải đình bản. Tổ chức này đã bị chính quyền giải tán năm 1989. Bất bình, ông từ bỏ Đảng năm 1991 sau hơn 53 năm trong đảng. Sau đó ông bị bắt và quản thúc tại gia vì tội "chống Đảng". Từ đó ông càng phản đối mãnh liệt hơn qua những văn bản như bài luận "Giải pháp hòa hợp hòa giải" và cuốn sách "Quan điểm và cuộc sống". Sách của ông kêu gọi Đảng cộng sản Việt Nam hãy từ bỏ chủ nghĩa Marx-Lenin. Cũng vì quan điểm của ông mà ông bị nhà chức trách bắt lần thứ hai năm 1994. Theo ông, Việt Nam ở thời điểm năm 2008 chỉ có độc lập chứ không có tự do". Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (Human Rights Watch) đã trao cho ông giải Hellman-Hammett Grants (Giải thưởng Tự do Phát biểu). Ông mất ngày 2 tháng 7 năm 2009, thọ 93 tuổi.

Cũng không nên quên, khi giao chiến ở miền Nam, các đơn vị quân miền Bắc đều treo cờ Mặt Trận Giái Phóng miền Nam ở những vùng đất tạm chiếm để tuyên truyền bịp bợm, hay trên cột ăng ten của xe tăng để diễu hành phô trương. Tiêu biểu cho hình ảnh này là chiếc xe tăng của quân đội miền Bắc húc đổ cổng Dinh Độc Lập ngày 30/4/1975.

Như vậy rõ ràng những gì mà sách báo của nhà nước cộng sản Việt Nam  viết về Tổ chức Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam, hay Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam cũng cần phải "giảo nghiệm" xem chúng đã  phản ảnh được bao nhiêu phần trăm "bù nhìn" và "tay sai" cho đảng và quân đội cộng sản Việt Nam.

Nếu cứ nhắm mắt nói bừa cho cái chính danh giả tạo thì lịch sử sẽ thành  "nát sử".

Phạm Trần

(06/09/2017)

Quay lại trang chủ
Read 1240 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)