Cuộc "tái xuất" bất ngờ
Sau đúng 1 tháng 3 ngày vắng bóng trên truyền thông, ông Trần Đại Quang đã xuất hiện trong một loạt sự kiện liên tiếp : tiếp Đại sứ Cuba và Chánh án Toàn án Tối cao Hàn Quốc ngày 28/8 ; tham dự Hội nghị Quân ủy trung ương và tiếp Đại sứ Slovakia và Đại sứ Áo ngày 29/8, v.v.
Cuộc "tái xuất" khiến nhiều người bất ngờ đến ngỡ ngàng của ông Trần Đại Quang đã giúp giải tỏa được một số "băn khoăn". Phải chăng số phận của ông Quang đã an bài ?
Sự vắng mặt suốt hơn 1 tháng của người đứng đầu nhà nước Việt Nam đã khiến báo chí trong và ngoài nước tốn rất nhiều giấy mực, còn dân chúng thì bàn tán xôn xao và đưa ra vô số giả thuyết để lý giải cho sự kiện chưa từng có tiền lệ trên sân khấu chính trị "thời đại Hồ Chí Minh". Cuộc "tái xuất" khiến nhiều người bất ngờ đến ngỡ ngàng của ông Trần Đại Quang đã giúp giải tỏa được một số "băn khoăn" mà dư luận từng nêu lên, chẳng hạn khả năng ông bị đầu độc rồi bị loại khỏi cuộc chơi, như trường hợp Nguyễn Bá Thanh mà dư luận vẫn còn nói từ năm 2015, đã không xảy ra. Tuy nhiên, sự kiện này lại làm dấy lên những câu hỏi khác, bên cạnh những câu hỏi trước kia mà đến nay vẫn còn để ngỏ.
Tựu trung, câu hỏi quan trọng nhất ở đây là : vị thế chính trị của ông Trần Đại Quang hiện nay là thế nào, hay chính xác hơn là ông ta đang sắm vai gì trên sân khấu chính trị Việt Nam ?
Không còn làm chủ tình hình ?
Trong thời gian ông Trần Đại Quang vắng mặt, tên ông vẫn xuất hiện trên truyền thông qua những sự vụ như Chủ tịch nước gửi điện mừng Quốc khánh Cộng hòa Trung Phi hay Quốc khánh Đại Hàn Dân Quốc, v.v. Điều này không khiến người ta phải thắc mắc nhiều, bởi đó đơn thuần là những nghi thức trong bang giao quốc tế, Chủ tịch nước không phải trực tiếp nhúng tay vào.
Sự xuất hiện khiến nhiều người quan tâm và bình luận nhất là việc ngày 20/8, một loạt cơ quan truyền thông nhà nước đã đăng bài "Tăng cường công tác bảo đảm an toàn, an ninh mạng trong tình hình mới". Đây là chủ đề bàn tán khá rôm rả của cộng đồng mạng, mà chủ yếu là theo chiều hướng phê phán. Nhà nghiên cứu Trương Nhân Tuấn thậm chí còn bình luận : "Bài viết của ông Quang hoàn toàn không có lời nào của ‘ông Chủ tịch nước’. Mà chỉ thể hiện trí tuệ tầm thường của anh công an quèn". Và vì thế mà ai cũng trù ông "chết phứt cho rồi".
Đây là lý do khiến người ta tin rằng ngài Chủ tịch nước đã không còn làm chủ được cuộc chơi, dù chỉ là việc cho công bố một bài viết tử tế dưới tên mình ngay giữa lúc đang cần đến sự ủng hộ tinh thần của công chúng nhất.
Thêm một "ông phỗng" ?
Trong bài "Vụ Trịnh Xuân Thanh : Tương lai nào cho Trần Đại Quang" ngày 8/8/2017, chúng tôi đã đưa ra 4 kịch bản cho tương lai của đương kim Chủ tịch Việt Nam là : (i) Trước áp lực của Đức cũng như dư luận quốc tế, cộng với sự phản công của đối thủ, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng chấp nhận lùi bước, và những lời khai của Trịnh Xuân Thanh liên quan đến ông Trần Đại Quang sẽ bị xóa bỏ. Ông sẽ "thóat hiểm", ung dung trở lại và "lợi hại hơn xưa" ; (ii) Ông Trần Đại Quang đầu hàng Trung Quốc và phe phái thân Tàu trong bộ máy để được tiếp tục an vị trên chiếc ghế Chủ tịch nước và thậm chí vẫn còn cơ hội trở thành Tổng Bí thư nếu chấp nhận làm tay sai cho Bắc Kinh ; (iii) Ông Trần Đại Quang bị xử lý trong nội bộ Bộ Chính trị, chấp nhận vai trò một "ông phỗng" và "ngồi chơi xơi nước" trên chiếc ghế Chủ tịch nước để "giữ bình" ; và (iv) Ông Trần Đại Quang bị xử lý công khai và phải rời khỏi chiếc ghế Chủ tịch nước.
Cuộc tái xuất của ông Trần Đại Quang khiến cho cả 4 kịch bản trên đều có khả năng xảy ra, ít nhất là trên lý thuyết. Tuy nhiên, cho dù bao nhiêu giả thuyết đi nữa thì rốt cuộc cũng chỉ có một kịch bản diễn ra trên thực tế.
Bây giờ chúng ta sẽ thử phân tích xem khả năng nào là lớn nhất.
Kịch bản thứ nhất và thứ hai nêu trên chỉ xảy ra khi vụ Trịnh Xuân Thanh bị bắt cóc về Việt Nam kèm theo lời khai "nóng" của anh ta về vai trò của ông Trần Đại Quang chưa được đưa ra Bộ Chính trị. Song điều đáng tiếc là các diễn biến liên quan lại chỉ khiến người ta đi đến kết luận ngược lại.
Ngày 7/8, Cơ quan Cảnh sát Điều tra Bộ Công an đã ra lệnh tạm giam Trịnh Xuân Thanh để "điều tra về hành vi cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng". Động thái này diễn ra trong bối cảnh vụ Trịnh Xuân Thanh đang được dư luận quốc tế dõi theo sát sao, còn dư luận trong nước thì đang nóng ran nóng rẫy trước sự kiện chưa từng có đó. Theo "thông lệ" của nền "pháp quyền xã hội chủ nghĩa" ở Việt Nam, vụ việc phải được đưa ra Bộ Chính trị và quy trình tố tụng đối với Trịnh Xuân Thanh chỉ được khởi động sau khi tập thể Bộ Chính trị nhất trí. Điều này có nghĩa là ông Trần Đại Quang không còn cơ hội nào để lật ngược tình thế được nữa, ít nhất là bởi trong Bộ Chính trị không chỉ có ông ta mà còn không ít kẻ đang nhòm ngó chiếc ghế của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, kể cả khi một ứng cử viên sáng giá là Đinh Thế Huynh đã bị loại khỏi cuộc đua, như Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chẳng hạn.
Việc ông Trần Đại Quang đột ngột biến mất suốt hơn một tháng trước khi "tái xuất" với một bộ dạng nhợt nhạt, mất hết thần sắc và phong độ là bằng chứng cho thấy Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng thuộc hạ đã ra "đòn độc" với đối thủ theo kiểu "đập phát chết luôn". Cách duy nhất để làm điều đó là đưa ngay vụ Trịnh Xuân Thanh ra Bộ Chính trị khi anh ta vừa được áp giải về tới Việt Nam, khiến ông Trần Đại Quang không kịp trở tay và rơi vào tình thế "hùm thiêng khi đã sa cơ cũng hèn".
Như vậy, chỉ còn kịch bản thứ ba và thứ tư là có khả năng xảy ra với ông Trần Đại Quang. Tuy nhiên, kịch bản thứ tư lại chỉ xảy ra khi vụ Trịnh Xuân Thanh được đưa ra xét xử công khai và những sai phạm của ngài Chủ tịch nước được công bố trước bàn dân thiên hạ, một lựa chọn có thể dẫn đến những hệ luỵ khó lường đối với bộ mặt vốn đã nhem nhuốc của chế độ cũng như sự vận hành vốn đã chuệch choạc của hệ thống, trong khi nếu bị dồn vào đường cùng thì bất kỳ ai cũng trở nên nguy hiểm, nói gì đến một cựu Bộ trưởng Công an.
Tóm lại, kịch bản thứ ba là khả năng lớn hơn cả. Nghĩa là, số phận chính trị của ông Trần Đại Quang coi như đã an bài. Vụ Trịnh Xuân Thanh cùng lời khai liên quan đến ngài Chủ tịch nước đã được ra Bộ Chính trị ; sau một thời gian chống cự trong bối cảnh bị quản thúc, ông ta đã đầu hàng để được sắm vai một "ông phỗng" trên chiếc ghế Chủ tịch nước hầu đảm bảo an toàn và "uy tín" cho mình, đồng thời "giữ bình" cho ngài Tổng bí thư.
Lê Anh Hùng
Nguồn : VOA, 09/09/2017