Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

15/09/2017

Vũ khí : Hàng giá rẻ khác của Trung Quốc tại Đông Nam Á

Carl Thayer

Trong thời gian gần đây, thông tin về những thương vụ vũ khí mà Trung Quốc bán cho các nước Đông Nam Á rất nhiều, từ Malaysia với hệ thống pháo phản lực và radar, tàu cận chiến duyên hải, cho đến Thái Lan với 3 chiếc tàu ngầm quy ước, chưa kể đến hàng chục ngàn khẩu súng trường mà Bắc Kinh "biếu không" cho Manila.

vukhi1

Tổng thống Philippines Duterte tại căn cứ Không Quân Clark Air Base, phía sau là đại sứ Trung Quốc tại Manila Triệu Giám Hoa. Reuters/Romeo Ranoco

Câu hỏi đặt ra là vì sao các nước Đông Nam Á lại có vẻ mặn mà với vũ khí Trung Quốc như vậy và hệ quả của việc du nhập vũ khí Trung Quốc có thể ra sao, đặc biệt đối với một số nước vốn đang bị Bắc Kinh tranh chấp biển đảo ? Ngày 30/08/2017, giáo sư Carl Thayer, chuyên gia kỳ cựu về Châu Á tại Học Viện Quốc Phòng Úc đã phân tích sự kiện này dưới dạng hỏi đáp.

Trong bài "Các thương vụ vũ khí của Trung Quốc tại Đông Nam Á" (China’s Arms Sales to Southeast Asia) giáo sư Thayer trước hết giải thích lý do vì sao vũ khí của Trung Quốc lại thu hút khách hàng

Sức hút của vũ khí Trung Quốc : Giá rẻ

RFI : Vì sao các nước Đông Nam Á lại có vẻ mặn mà với vũ khí Trung Quốc như vậy và hệ quả của việc du nhập vũ khí Trung Quốc có thể ra sao, đặc biệt đối với một số nước vốn đang bị Bắc Kinh tranh chấp biển đảo ?

Carl Thayer : Vũ khí của Trung Quốc chắc chắn, giá phải chăng trên thị trường ; có thể được chuyển nhượng công nghệ và/hay được cấp tín dụng mà không cần theo thủ tục rườm rà mà Mỹ áp dụng cho việc bán vũ khí.

Trong một số trường hợp như đối với Indonesia sau vấn đề Đông Timor hay Thái Lan sau cuộc đảo chính năm 2014, thì Hoa Kỳ có thể từ chối không bán những phụ tùng hay thiết bị cần thiết khác. Điều đó đã mở cửa cho Trung Quốc bán vũ khí của họ.

Indonesia cân bằng giữa vũ khí Mỹ và Trung Quốc

RFI : Tại sao những nước như Thái Lan hay Indonesia từng mua vũ khí của Mỹ lại quay sang mua vũ khí Trung Quốc ? Tính toán chiến lược của các nước này như thế nào ? Nhất là trong trường hợp của Indonesia, tại sao Jakarta lại xích lại gần Bắc Kinh mặc dù theo truyền thống họ rất nghi kỵ Trung Quốc ?

Carl Thayer : Nếu điểm lại các thương vụ mua vũ khí của Indonesia và Thái Lan trong 10 năm qua, ta sẽ thấy là việc mua vũ khí Trung Quốc không phải là hiện tượng mới. Trong giai đoạn 2005- 2009 chẳng hạn, Indonesia đã đặt mua tên lửa chống hạm C-802, tên lửa phòng không cá nhân và radar của Trung Quốc. Indonesia có công nghiệp đóng tàu riêng của mình, nhưng cũng tìm mua vũ khí (Trung Quốc) để trang bị cho các chiến hạm, như súng và tên lửa chống hạm.

Hoa Kỳ đã và vẫn đang là nhà cung cấp lớn các vũ khí và trang thiết bị quân sự cho Indonesia, như các loại máy bay hạng nhẹ, trực thăng Bell-412, hay trực thăng chiến đấu Apache, chiến đấu cơ F-16C. Indonesia cũng mua phụ tùng cho máy bay của họ. Ngoài ra Jakarta còn mua radar Longbow dùng cho trực thăng chiến đấu, hỏa tiễn chống tăng, thiết bị sonar để phát hiện tàu ngầm…

Các thương vụ mua vũ khí của Indonesia không phản ánh việc nước này xích lại gần Trung Quốc và xa rời Mỹ, mà thể hiện xu hướng pha trộn và phối hợp các hệ thống vũ khí mà họ có.

Về Thái Lan, trong năm qua, nước này đã mua tàu tuần dương của Trung Quốc cũng như hỏa tiễn chống tàu. Thái Lan cũng đã bắt đầu mua vũ khí của Trung Quốc từ sau những vụ xung đột ở biên giới với Cam Bốt năm 2008, như giàn phóng tên lửa, radar định vị trọng pháo, tên lửa phòng không. Từ sau cuộc đảo chính năm 2014, Thái Lan đã mua thêm nhiều radar định vị trọng pháo, tên lửa địa đối không và chiến xa.

Miến Điện cũng là một khách hàng quan trọng của Trung Quốc, mua từ hộ tống hạm, máy bay huấn luyện, súng trang bị trên tàu chiến, tên lửa chống hạm, radar và trang thiết bị cho lục quân ( giàn phóng tên lửa MRL, các loại thiết giáp và chiến xa…)

RFI : Có khả năng Singapore cũng đi theo con đường mua vũ khí Trung Quốc như các láng giềng hay không ?

Carl Thayer : Không có tài liệu chính thức nào về việc Trung Quốc bán vũ khí cho Singapore trong giai đoạn 2006-2016. Nhìn lại phía Mỹ thì những vụ bán vũ khí và trang thiết bị quân sự cho Singapore đã được thật sự mở rộng bao gồm những loại chiến đấu cơ F-15SG, trực thăng Seahawk và tên lửa không đối không. Và việc này tạo ra cả một hệ thống hậu cần kèm theo, từ việc cung cấp linh kiện, phụ tùng cho đến nâng cấp công nghệ. Với di sản lịch sử như thế thì Singapore khó mà mà quay sang ồ ạt mua vũ khí củaTrung Quốc.

Chưa thể giành được ưu thế của vũ khí Mỹ

RFI : Nhìn xa hơn, Trung Quốc sẽ là một nhà cung cấp vũ khí như thế nào cho khu vực ?

Carl Thayer : Trung Quốc sẽ bước vào một thị trường vũ khí Đông Nam Á đang có cạnh tranh rất mạnh. Trung Quốc đã có thị trường ổn định ở 7 trên 11 quốc gia Đông Nam Á : Indonesia, Miến Điện và Thái Lan, và ở mức độ thấp hơn là Malaysia, Cam Bốt, Lào và Timor Leste. Ngoại trừ trường hợp Malaysia, Trung Quốc có ít triển vọng bán được nhiều tại Cam Bốt, Lào và Timor Leste vì các lý do về ngân sách.

Bắc Kinh sắp có thể tranh thủ thời cơ Duterte thân thiết với Trung Quốc để xâm nhập vào Philippines. Đây sẽ là một thị trường mới nhưng là có hạn chế vì Hiến Pháp Philippines đòi hỏi ngân sách cho giáo dục phải lớn hơn quốc phòng. Bên cạnh đó, mặc dù Philippines có một di sản lớn là thiết bị và vũ khí Mỹ, nhưng Manila cũng đang chú ý đến các nguồn cung cấp mới như Hàn Quốc và Ý.

Trung Quốc sẽ không có khả năng thâm nhập sâu vào Brunei, Singapore hay Việt Nam. Indonesia, Malaysia và Thái Lan cũng đồng thời mua vũ khí Mỹ, và Trung Quốc sẽ đối mặt với cạnh tranh gay gắt.

Hoa Kỳ hiện bán thiết bị và vũ khí phòng thủ cho 6 quốc gia Đông Nam Á : Brunei, Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore và Thái Lan. Mỹ vừa bước vào thị trường Việt Nam với việc cung cấp một chiếc tàu lớp Hamilton, với triển vọng bán được thêm nữa. Hoa Kỳ đã gợi đến khả năng chuyển giao công nghệ quốc phòng và đồng sản xuất.

Điểm mấu chốt : Trung Quốc sẽ tiếp tục là nhà cung cấp vũ khí lớn cho khu vực Đông Nam Á, nhưng sẽ không chiếm được ưu thế. Các thị trường lớn trong khu vực dường như đang phòng ngừa rủi ro bằng cách đặt mua vũ khí từ cả Trung Quốc lẫn Hoa Kỳ. Nga cũng đang khẩn trương mở rộng thị trường trong khu vực, tương tự như Hàn Quốc và một số nước Châu Âu.

RFI : Việc vũ khí Mỹ và Trung Quốc cạnh tranh nhau tại Đông Nam Á sẽ có hệ quả ra sao đối với an ninh khu vực ?

Carl Thayer : Các nước Đông Nam Á sẽ có thêm nhiều hệ thống vũ khí sát thương hiện đại, cho phép họ tung lực lượng đi xa. Sẽ có một sự tập trung ngày càng nhiều vào vấn đề giám sát hải phận và không phận. Còn các nước như Miến Điện và Thái Lan cũng sẽ củng cố lực lượng trên bộ của họ.

Vũ khí mà Trung Quốc và Hoa Kỳ bán cho khu vực sẽ tăng cường khả năng tự vệ của các quốc gia Đông Nam Á. Tuy nhiên, bản thân việc Trung Quốc bán thêm vũ khí sẽ không tạo ra một cuộc chạy đua vũ trang theo kiểu truyền thống, có nghĩa là các nước đổ dồn nguồn lực của mình để đuổi kịp hay vượt qua một quốc gia bị coi là mối đe dọa.

Việc du nhập các hệ thống vũ khí mới luôn đặt ra câu hỏi về những gì có thể xảy ra khi có khủng hoảng, liệu những hệ thống đó có được quản lý đúng đắn hay là lại bị sử dụng ngay lập tức để gây ra tàn phá ?

Mai Vân

Nguồn : RFI, 15/09/2017

Quay lại trang chủ
Read 798 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)