Đã 3 tháng rưỡi trôi qua kể từ khi tàu khảo sát Hải Dương 8 của Trung Quốc cùng đội tàu hộ tống vào trái phép vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Việt Nam để thực hiện khảo sát. Hải Dương 8 và đội tàu hộ tống đến lúc này đã mở rộng phạm vi hoạt động ra xa hơn về phía bắc dọc theo bờ biển Việt Nam.
Chiều 3/10, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng lần thứ 4 trong vòng 3 tháng qua lên tiếng phản đối hoạt động của tàu Trung Quốc ở vùng nước của Việt Nam. RFA edit
Việt Nam tiếp tục phản ứng lại hành động xâm lấn của Trung Quốc một cách kiềm chế. Đầu tiên, Việt Nam giữ im lặng trong suốt gần 2 tuần lễ sau khi Hải Dương 8 vào vùng EEZ. Đến ngày 17/7, phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng kêu gọi "các nước liên quan và cộng đồng quốc tế làm việc cùng nhau để cùng bảo vệ và duy trì trật tự, hòa bình và an ninh trên Biển Đông".
Bài viết này nhìn lại phản ứng của cộng đồng quốc tế trước lời kêu gọi của Việt Nam.
Vào tháng 7, Bộ Ngoại giao Việt Nam đưa ra một báo cáo ngắn 6 trang về căng thẳng ở Bãi Tư Chính. Báo cáo này cho biết "Việt Nam đã gửi công hàm ngoại giao và nhiều lần liên hệ" với Đại sứ quán Trung Quốc ở Hà Nội và Bộ Ngoại giao Trung Quốc, cùng các giới chức Trung Quốc có liên quan ở Bắc Kinh, bao gồm cả Ủy ban Trung ương Đảng về đối ngoại phụ trách an ninh và quốc phòng. Đến giữa tháng 10, truyền thông Việt Nam cho biết đã có 40 liên lạc như vậy được gửi tới phía Trung Quốc.
Báo cáo của phía Việt Nam yêu cầu các cơ quan ngoại giao của Việt Nam phải đưa vấn đề căng thẳng ở Bãi Tư Chính đến các đối tác ở Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ, Australia, New Zealand, Nam Hàn, Pháp, Đức, Anh và Liên minh Châu Âu ở New York.
Hoa Kỳ là nước đầu tiên lên tiếng về căng thẳng Bãi Tư Chính. Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã ra các thông cáo báo chí với lời lẽ mạnh mẽ. Vào ngày 20/7, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cáo buộc Trung Quốc "lặp lại các hành động gây hấn" nhắm vào các hoạt động khai thác dầu khí và làm ảnh hưởng tới thị trường năng lượng thế giới. Hoa Kỳ yêu cầu "Trung Quốc phải ngừng thái độ bắt nạt và kiềm chế không có các hành động gây hấn, gây mất ổn định".
Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ ra thông cáo thứ hai vào ngày 22/8. Thông cáo khá cụ thể trong việc chỉ đích danh tên Trung Quốc : "Việc triển khai tàu khảo sát của chính phủ Trung Quốc, cùng với đội tàu hộ tống có vũ trang, vào vùng nước ngoài khơi Việt Nam gần Bãi Tư Chính vào ngày 13/8 là một hành động leo thang từ phía Bắc Kinh trong nỗ lực nhằm đe dọa các nước đòi chủ quyền khác không được khai thác nguồn tài nguyên ở Biển Đông". Thông cáo cũng cáo buộc Trung Quốc đã phá hoại "hòa bình và an ninh trong khu vực" bằng việc ngăn cản các quốc gia Đông Nam Á tiếp cận với nguồn tài nguyên dầu khí được ước tính lên đến 2,5 nghìn tỷ đô la. Cuối cùng, tuyên bố kết luận là "Hoa Kỳ cam kết đảm bảo việc sản xuất dầu khí không bị gián đoạn cho thị trường toàn cầu".
Quan ngại của Hoa Kỳ về hành động bắt nạt và đe dọa của Trung Quốc đối với Việt Nam cũng nhận được sự chia sẻ từ các đồng minh Nhật Bản, Australia. Tuy nhiên, các nước này đã tránh nói trực tiếp trong các phát biểu của mình và không chỉ đích danh tên Trung Quốc. Ví dụ, tuyên bố của chung các bộ trưởng được công bố sau Đối thoại An Ninh Ba bên Mỹ, Australia, Nhật Bản ở Bangkok hôm 2/8 đã dành 3 trong 6 đoạn nói về Biển Đông mà không nhắc tên Trung Quốc.
Ở điểm thứ 10, các bộ trưởng bày tỏ "quan ngại sâu sắc về việc triển khai các vũ khí hiện đại ra các thực thể đang tranh chấp… lên tiếng phản đối mạnh mẽ đối với các hành động lấn ép đơn phương có thể làm thay đổi hiện trạng và làm tăng căng thẳng….(và) bày tỏ quan ngại về các thông tin về các hoạt động làm gián đoạn những dự án dầu khí lâu dài ở Biển Đông". Ở điểm thứ 12, các bộ trưởng kêu gọi Bộ Quy tắc về ứng xử giữa Trung Quốc và ASEAN không được có định kiến với quyền lợi của các bên thứ ba hoặc quyền của các quốc gia theo luật quốc tế.
Ngay sau Đối thoại An ninh Ba bên, bộ trưởng quốc phòng và ngoại giao Mỹ và Australia gặp nhau ở Sydney hôm 4/8 cho tham vấn AUSMIN hàng năm. Tuyên bố chung được công bố sau đó cũng tương tự như bản tuyên bố ở Đối thoại An ninh Ba bên.
Thủ tướng Australia Scott Morrison có chuyến thăm chính thức đến Việt Nam từ ngày 22 đến 24 tháng 8 theo lời mời của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Tuyên bố chung công bố sau cuộc gặp nhắc lại công thức chung của ASEAN về Biển Đông. Đáng chú ý, tuyên bố đã phá vỡ những gì vẫn được đưa ra trong các tuyên bố song phương trước đó bằng cách bày tỏ "quan ngại về các hoạt động gây gián đoạn các dự án dầu khí ở Biển Đông… tầm quan trọng của cơ chế giải quyết tranh chấp theo UNCLOS và kêu gọi các bên tôn trọng và thực hiện các quyết định được đưa ra theo các cơ chế này… (và) đối với bất cứ Bộ Quy tắc về ứng xử nào giữa ASEAN và Trung Quốc cũng phải tuân theo luật quốc tế, đặc biệt là UNCLOS, mà không gây định kiến với quyền lợi của các bên thứ ba hoặc các quyền của các quốc gia theo luật quốc tế, ủng hộ kiến trúc khu vực hiện có".
Vào ngày 28/8, Đại diện cấp cao của EU về chính sách đối ngoại và an ninh có tuyên bố gồm 4 đoạn về vấn đề Biển Đông. Tuyên bố viết rằng những hành động đơn phương gần đây ở Biển Đông cho thấy "một đe dọa nghiêm trọng tới sự phát triển kinh tế hòa bình trong khu vực". Tuyên bố thúc giục các bên thực hiện kiềm chế, tránh khỏi việc quân sự hóa khu vực và giải quyết các tranh chấp qua các biện pháp hòa bình. Người phát ngôn của EU gợi ý là "các bên nên tìm kiếm sự trợ giúp từ bên thứ ba theo các hình thức hòa giải hoặc cơ chế tòa để giải quyết những đòi hỏi về chủ quyền, nếu cảm thấy cần thiết". Cuối cùng, EU cho biết sự ủng hộ toàn bộ của khối đối với các quá trình do ASEAN đứng đầu (và) một kết thúc nhanh chóng theo cách minh bạch, đối với các thảo luận về một Bộ Quy tắc về ứng xử có hiệu quả, thực chất và có tính ràng buộc về pháp lý.
Việc Việt Nam kêu gọi sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế để giải quyết những căng thẳng hiện tại ở Bãi Tư Chính đã nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ từ Mỹ. Nhật, Australia, và EU đã bày tỏ những quan ngại sâu sắc về những diễn biến gần đây mà không nêu tên Trung Quốc. Khi xem xét toàn bộ phản ứng của cộng đồng quốc tế, có thể thấy có 3 điểm chính : quan ngại về những đe dọa cho hoạt động sản xuất dầu khí, sự cần thiết phải tuân thủ phán quyết của Tòa Trọng tài và quyền lợi của các bên thứ ba trong kết quả đàm phán giữa ASEAN và Trung Quốc về Bộ Quy tắc về ứng xử của các bên trên Biển Đông (COC).
Carl Thayer
Nguồn : RFA, 21/10/2019
_______________________
Carl Thayer là giáo sư thuộc trường Đại học New South Wales, Canberra, Australia. Ông là người đóng góp cho RFA các bài phân tích về ảnh hưởng của Trung Quốc tới Việt Nam.
Ngày 8 tháng Chín, 2018, hãng thông tấn Tass của Nga cho hay, Việt Nam ký hợp đồng mua võ khí và dịch vụ quân sự của Nga trị giá hơn 1 tỷ USD. Nguồn tin dẫn lời ông Dmitry Shugayev, người đứng đầu Cục Hợp tác Quân sự-Kỹ thuật Liên Bang Nga, hai ngày trước đó, nói : "Chúng tôi có một danh sách đơn đặt hàng trị giá hơn 1 tỷ USD" của Việt Nam.
Chiếc xe tăng T-90S của Nga. Nay, Việt Nam đặt mua 64 xe tăng tối tân hơn có tên T-90S/SK. (Hình : Denis Sinyakov/AFP/Getty Images)
Bản tin vắn tắt chỉ có một lời loan báo ngắn ngủi và không có bất cứ một chi tiết nào khác. Vào dịp này, đang có chuyến thăm Nga của Tổng Bí thư Đảng cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng. Có phải ông Trọng sang Nga gặp Tổng thống Vladimir Putin về chuyện này là chính hay không ? Hoặc hãng thông tấn Tass chỉ kể một chuyện mua bán gần đây được bật mí nhân có mặt của ông Trọng ?
Bản tin của Tass xuất hiện chỉ khoảng hai tuần lễ sau khi Tổng thống Donald Trump ký ban hành đạo luật cấm vận bán võ khí cho nước ngoài nếu nước đó mua võ khí của Nga.
Sau khi Tổng thống Barack Obama đến Hà Nội loan báo bãi bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận võ khí với Việt Nam cuối tháng Năm, 2016, nhiều đoàn doanh nghiệp quốc phòng nổi tiếng ở Mỹ đến Hà Nội chào hàng. Võ khí tối tân hàng đầu thế giới của Mỹ nước nào cũng muốn mua sắm hầu tăng cường sức mạnh quân sự.
Dù vậy, cho đến nay, và đến gầy đây, người mới chỉ thấy Hà Nội đặt mua một số lượng nhỏ trị giá gần 100 triệu USD, con số rất nhỏ so với số lượng và trị giá võ khí cộng sản Việt Nam mua của Nga.
Liệu thương vụ mà Tass loan báo sẽ dẫn đến việc Hà Nội bị Washington cấm vận võ khí trở lại hay không ? Nhật báo Người Việt đem vấn đề này phỏng vấn Giáo Sư Carl Thayer, chuyên viên về các vấn đề Việt Nam và Á Châu của Học Viện Quốc Phòng Hoàng Gia Úc.
Ông Thayer là một chuyên viên hàng đầu về Á Châu và các vấn đề Việt Nam nên ông rất hay được các tờ báo, hãng thông tấn lớn trên thế giới tìm đến phỏng vấn. Ông cũng lập một công ty tư vấn Thayer Consultancy, cũng như được mời đi dự các hội nghị về an ninh, quốc phòng nhiều nơi trên thế giới.
Tổng thống Nga Vladimir Putin (trái) bắt tay Tổng Bí thư Đảng cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng tại thành phố Sochi, Nga, hôm 6 tháng Chín, 2018. (Hình : Mikhail Klimentyev/Sputnik/AFP/Getty Images)
Người Việt : Thông tấn Tass loan tin Việt Nam đặt mua của Nga một số lượng võ khí trị giá hơn 1 tỷ USD nhưng không cho biết chi tiết nào khác, ông có thông tin chi tiết gì rõ hơn không, như mua tàu chiến, máy bay chiến đấu hay xe tăng, hỏa tiễn phòng không ?
Carl Thayer : Thông tấn xã Tass của Nga thuật lại lời của người đứng đầu Cục Hợp Tác Quân Sự-Kỹ Thuật Liên Bang Nga khi cho hay "chúng tôi có một danh sách những đơn đặt hàng trị giá hơn 1 tỷ USD". Lời phát biểu không cho biết rõ rệt con số 1 tỷ USD tượng trưng các đơn mua đã được đặt trước chuyến viếng thăm Nga của Tổng Bí thư cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng hay là những đơn mua được đặt trong chuyến thăm của ông. Trường hợp sau có vẻ không đúng vì Bộ Trưởng Quốc Phòng cộng sản Việt Nam Ngô Xuân Lịch không có trong phái đoàn chính thức thăm Nga (của ông Trọng).
Tướng Lịch đã thăm Nga hồi tháng Tư năm nay và đã gặp người đồng cấp của Nga là Tướng Sergey Shoygu. Họ đã thỏa thuận một kế hoạch hợp tác quốc phòng giai đoạn 2018-2020 bao gồm các cuộc thăm viếng cấp cao, huấn luyện, hợp tác hải quân và kỹ thuật quân sự. Tuy nhiên không thấy báo chí nói gì đến vụ bán võ khí nào mới.
Cho tới khi có thêm các tin tức cập nhật được phổ biến, có vẻ như con số 1 tỷ USD đề cập đến những hợp đồng đang được thực hiện, chẳng hạn như Việt Nam đặt mua 64 xe tăng T-90S/SK từ hơn một năm nay, các hợp đồng dịch vụ về tiếp tục bảo trì và hỗ trợ kỹ thuật, các khoản mua bộ phận thay thế và dụng cụ, cùng với giáo dục và huấn luyện quân sự chuyên nghiệp.
Người Việt : Hồi tháng Tám, Tổng thống Donald Trump ký ban hành đạo luật cấm vận mua bán võ khí của Mỹ với nước nào mua bán võ khí của Nga. Như vậy, việc Việt Nam ký hợp đồng mua võ khí của Nga có ảnh hưởng gì đến viện Việt Nam đàm phán mua võ khí của Mỹ mà Việt Nam rất muốn như máy bay tuần tra biển Orion P-3, radar, UAV, và các loại võ khí tối tân khác ?
Carl Thayer : Khi Tổng thống Trump ký đạo luật "Chống lại kẻ thù của nước Mỹ qua cấm vận" (Countering America’s Adversaries Through Sanctions Act), ông có phổ biến hai lời tuyên bố bày tỏ sự dè dặt về đạo luật này. Ông gọi đạo luật "sai sót nghiêm trọng" và "rõ ràng trái hiến pháp". Đạo luật bao gồm cả điều khoản Tổng thống có thể ban hành sự miễn trừ áp dụng đạo luật (đối với một trường hợp nào đó) nếu ông thông báo cho Quốc hội.
Ảnh hưởng nhiều nhất Mỹ trong việc cấm vận Nga là nhắm trực tiếp đến các công ty bán trang bị quốc phòng của Nga như Rosoboronexport, tức nhà xuất cảng quốc doanh mọi loại võ khí và trang bị quân sự. Nếu Việt Nam ký hợp đồng thương mại với Rosoboronexport hoặc công ty quốc phòng nào khác nằm trong danh sách bị cấm vận, Việt Nam sẽ bị Mỹ cấm vận luôn. Điều này có thể là một lý do tại sao các chi tiết về những hợp đồng đang diễn ra và những hợp đồng quốc phòng mới giữa Việt Nam và Nga bị che đậy và mơ hồ.
Người Việt : Liệu số lượng võ khí trị giá hơn $100 triệu mà Việt Nam đặt mua của Mỹ thời gian gần đây thấy nói đến, sẽ bị ảnh hưởng không ?
Carl Thayer : Việt Nam chưa mua một lượng võ khí hay trang bị quân sự nào đáng kể từ Hoa Kỳ kể từ khi Tổng thống Barack Obama gỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm bán võ khí hồi tháng Năm, 2016. Tháng Tám năm nay, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cho hay Việt Nam đã ký một số hợp đồng mua một số trang bị quân sự trị giá 94,7 USD triệu qua chương trình "Doanh vụ thương mại trực tiếp và tài trợ quân sự cho nước ngoài". Đây là số tiền nhỏ. Việt Nam được biết muốn mua thêm một chiếc tàu lớp Hamilton (tàu lực lượng tuần duyên Mỹ cho nghỉ hưu) nữa (cho cảnh sát biển) và một số máy bay không người lái cỡ nhỏ ScanEagle do hai hãng Boeing-Insitu hợp tác sản xuất.
Chính phủ Trump nhiều phần sẽ không cấm cản Việt Nam mua võ khí cũng như các trang bị quân sự của Hoa Kỳ vì hai lý do. Thứ nhất, họ quan niệm bán võ khí là một cách làm giảm thâm thủng mậu dịch giữa Mỹ với Việt Nam. Thứ hai, vì các giới chức quốc phòng Mỹ đã vận động Việt Nam mua võ khí của Mỹ để Việt Nam bớt phụ thuộc vào võ khí của Nga.
Cho tới thời điểm hiện tại, chưa thấy có dấu hiệu nào Việt Nam có kế hoạch mua sắm võ khí lớn đáng kể của Hoa Kỳ.
Người Việt : Xin cảm ơn giáo sư.
Nguyễn Tuyển
Nguồn : Người Việt, 15/09/2018
Từ ngày 05 đến 09/03/2018, hàng không mẫu hạm Mỹ USS Carl Vinson tới thăm Việt Nam, cập cảng Đà Nẵng. Ngày 22/02 vừa qua, giáo sư Carlyle Thayer, chuyên gia về Việt Nam, từng làm việc tại Học Viện Quốc Phòng Úc trả lời các câu hỏi của báo giới về sự kiện này.
Hàng không mẫu hạm Mỹ USS Carl Vinson trong chuyến thăm Nhật Bản. Reuters/Erik De Castro
RFI : Một số truyền thông Việt Nam đưa tin rằng chuyến thăm Việt Nam sắp tới của hàng không mẫu hạm Mỹ USS Carl Vinson tại Đà Nẵng sẽ là một sự hiện diện lớn nhất của Mỹ về quân sự tại Việt Nam kể từ khi kết thúc chiến tranh 1975. Một số truyền thông khác thì miêu tả chuyến thăm này như là một dấu hiệu đáng kể về việc tăng cường quan hệ quân sự giữa Hoa Kỳ và Việt Nam. Giáo sư đánh giá thế nào về những phát biểu này ?
Carlyle Thayer : Hàng không mẫu hạm USS Carl Vinson có thủy thủ đoàn bao gồm 6000 người. Tàu sẽ được hộ tống bởi khu trục hạm trang bị tên lửa dẫn đường với thủy thủ đoàn khoảng 370 người. Không phải tất cả số người nói trên đều đặt chân lên cảng Đà Nẵng, nhưng với số lượng thủy thủ và phi công làm việc trên hai tàu đến thăm Việt Nam, thì đây là sự hiện diện quân sự lớn nhất của Hoa Kỳ tại Việt Nam kể từ sau cuộc chiến tranh của Mỹ tại Việt Nam hoặc có thể nói từ sau chiến tranh Việt Nam.
Chuyến thăm Việt Nam của tàu sân bay USS Carl Vinson thể hiện sự tiến triển trong hợp tác quân sự giữa Việt Nam và Hoa Kỳ. Các quan chức Việt Nam đã được đưa lên tàu USS John C. Stennis vào năm 2009 và tàu USS George Washington năm 2010, để quan sát các hoạt động trên tàu khi hai chiến hạm này ghé qua Biển Đông. Hàng không mẫu hạm USS Carl Vinson sẽ cập cảng Tiên Sa Đà Nẵng. Đây là hàng không mẫu hạm lớn nhất và hùng mạnh nhất của Hoa Kỳ, cập một cảng của Việt Nam. Điều này tương phản với chuyến thăm Philippines vừa qua của tàu USS Carl Vinson vì lúc đó, tàu này thả neo ở ngoài khơi, cách bờ biển 10 km.
RFI : Ý nghĩa của chuyến thăm này đối với quan hệ Việt Nam và Hoa Kỳ và quan trọng hơn là sự kiện này tác động ra sao đến an ninh khu vực và quan hệ quốc phòng ? Nói một cách khác, theo giáo sư, Trung Quốc sẽ có phản ứng như thế nào hay Bắc Kinh không có phản ứng gì ?
Carlyle Thayer : Khuôn khổ hợp tác quốc phòng giữa Mỹ và Việt Nam là nghị định thư năm 2011, đề ra 5 lĩnh vực hợp tác. Văn bản này được bổ sung vào năm 2015 với Tuyên bố về Tầm nhìn chung trong hợp tác quốc phòng và kế hoạch hợp tác 3 năm hiện nay 2018-2020. Về cơ bản, Việt Nam hài lòng với nhịp độ đạt được các tiến bộ trên 5 lĩnh vực.
Chuyến viếng thăm của tàu USS Carl Vinson có tầm quan trọng trên hai phương diện. Thứ nhất, Hoa Kỳ phô trương sự hiện diện hải quân để trấn an các nước Đông Nam Á rằng nước Mỹ dưới thời tổng thống Donald Trump không từ bỏ khu vực này. Thứ hai, Việt Nam ủng hộ sự có mặt của hải quân Mỹ tại Biển Đông trong chừng mực sự hiện diện này góp phần vào hòa bình và ổn định khu vực. Nói một cách khác, có một sự đồng thuận về các lợi ích chiến lược trong việc bảo đảm tự do lưu thông hàng hải và hàng không đối với tàu chiến và máy bay. Cho dù Bắc Kinh sẽ có phản ứng nhanh, tố cáo Hoa Kỳ đe dọa chủ quyền và an ninh của Trung Quốc, nhưng chuyến thăm của tàu USS Carl Vinson sẽ góp phần ổn định sự cân bằng quân sự tại Biển Đông.
Từ ngày 05 đến 09/03/2018, hàng không mẫu hạm Mỹ USS Carl Vinson tới thăm Việt Nam, cập cảng Đà Nẵng.
RFI : Theo giáo sư, mục đích của Hoa Kỳ là gì khi điều tàu USS Carl Vinson tới thăm Việt Nam ? Sự kiện này có thể làm gia tăng căng thẳng trong quan hệ với Bắc Kinh hay không trong lúc Trung Quốc là đối tác thương mại hàng đầu của Hoa Kỳ ?
Carlyle Thayer : Hoa Kỳ là một cường quốc quân sự thế giới. Mỹ sử dụng sức mạnh hải quân để thể hiện các lợi ích của mình qua việc duy trì an ninh các tuyến đường biển cho cả tàu thương mại và tàu chiến. Các chuyến thăm hữu nghị của tàu chiến là một phần trong chiến lược ngoại giao hải quân. Khi tàu USS Carl Vinson thăm Đà Nẵng, thủy thủ đoàn sẽ tham gia một số hoạt động xã hội, thể thao. Điều này sẽ tạo ra bầu không khí thiện chí ở cả hai phía. USS Carl Vinson, hàng không mẫu hạm lớp Nimitz, là biểu tượng cho sức mạnh quân sự của Hoa Kỳ. Các sĩ quan hải quân Việt Nam sẽ được biết thêm về các khả năng của tàu này.
Trung Quốc cũng đón các tàu chiến Mỹ tới thăm tại Hồng Kông. Trung Quốc cũng có các hợp tác quốc phòng với Hoa Kỳ. Cả Mỹ và Trung Quốc đều có lợi ích sống còn trong việc bảo đảm cho các tuyến đường thông thương hàng hải (SLOC) được an toàn và an ninh. Bất kỳ xung đột nào cũng sẽ làm rối loạn thương mại và gây thiệt hại nghiêm trọng cho cả hai nước. Để hiểu được phản ứng của Trung Quốc, chúng ta cần tách biệt giữa việc tuyên truyền cuồng tín của Trung Quốc và thực tế là cả Hoa Kỳ và Trung Quốc đều không thể để cho căng thẳng gia tăng.
RFI : Giáo sư có những bình luận gì thêm hoặc lưu ý những việc cần theo dõi nhân chuyến thăm sắp tới của tàu USS Carl Vinson ?
Carlyle Thayer : Vào tháng 06/2017, tàu USS John McCain, một khu trục hạm có trang bị tên lửa dẫn đường, đã tới thăm Đà Nẵng và sau đó là tàu chiến Mỹ đầu tiên tới thăm Cảng Quốc Tế Cam Ranh. Hai tuần sau, tàu chiến của Hải Quân Trung Quốc cũng tới thăm Cảng Quốc Tế Cam Ranh. Cũng trong năm 2017, Việt Nam liên tiếp đón bộ trưởng Quốc Phòng Nga và Hoa Kỳ tới thăm. Cảng Quốc Tế Cam Ranh mở cửa cho tất cả các nước. Tàu chiến của Singapore, Pháp, Nhật Bản, v.v. đã tới thăm cảng này.
Tôi nghĩ rằng vào một lúc nào đó trong tương lai, Việt Nam sẽ đón tiếp các tàu chiến của Trung Quốc. Vấn đề cơ bản là Việt Nam tiếp tục chính sách duy trì cân bằng đa cực giữa các cường quốc lớn. Để có được độc lập và tự chủ về chiến lược, Việt Nam quan hệ cân bằng với các cường quốc lớn. Nói một cách khác, nếu các cường quốc duy trì sự cân bằng thì Việt Nam không bị rơi vào quỹ đạo của nước nào. Như vậy, Việt Nam có thể tiếp tục giữ vai trò độc lập và đóng góp tích cực vào an ninh khu vực.
Trong bối cảnh đó, tất cả các cường quốc lớn đều hưởng lợi. Chuyến thăm của tàu USS Carl Vinson không phải là dấu hiệu của việc Việt Nam rơi vào quỹ đạo của Hoa Kỳ để chống lại Trung Quốc. Chuyến thăm cho thấy sự tin giữa lẫn nhau, giữa Hoa Kỳ và Việt Nam, đã gia tăng. Các lãnh đạo ở Hà Nội cảm thấy hài lòng về bước phát triển mới trong hợp tác về hàng hải với Hoa Kỳ. còn Trung Quốc thì đang lạc quan về việc tàu USS Carl Vinson thăm hữu nghị Việt Nam.
RFI : Giáo sư bình luận gì về việc Anh Quốc cho khu trục hạm săn tàu ngầm HMS Sutherland, trên đường từ Úc trở về, lại đi qua Biển Đông ? Phải chăng là để khẳng định quyền tự do lưu thông hàng hải ? Liệu Bắc Kinh có phản đối hay không ?
Carlyle Thayer : Anh Quốc là cường quốc hàng hải và có những cam kết bảo đảm an ninh trong khu vực Đông Nam Á trong khuôn khổ hiệp định quốc phòng 5 quốc gia (FPDA), tức là với Úc, New Zealand, Singapore và Malaysia. Anh Quốc là một đồng minh của Mỹ trong khối NATO và dưới thời tổng thống Donald Trump thì tầm quan trọng của tự do hàng hải được nâng cao hơn. Anh Quốc cũng tìm kiếm các quan hệ mới sau khi ra khỏi Liên Hiệp Châu Âu (Brexit), ví dụ như tìm kiếm thỏa thuận tự do thương mại với Úc. Anh Quốc cũng ủng hộ việc tôn trọng luật pháp quốc tế.
Việc triển khai tàu HMS Sutherland giúp đạt được nhiều mục tiêu, như thể hiện sức mạnh hàng hải của Anh, trấn an các đối tác trong FPDA, thể hiện tình đoàn kết với Hoa Kỳ trong việc bảo đảm tự do hàng hải, tăng thêm chiều kích trong quan hệ giữa Anh và Úc và ủng hộ một trật tự hàng hải trong khuôn khổ luật pháp quốc tế.
RFI : Hành động này của Anh có ý nghĩa gì đối với Việt Nam và các nước ASEAN, nhất là vào lúc Singapore vừa thông báo sẽ cố đạt được thỏa thuận nào đó với Trung Quốc trong việc xây dựng Bộ Luật Ứng Xử tại Biển Đông (COC) ?
Carlyle Thayer : Các hành động của Anh, cùng với Pháp và Hoa Kỳ giúp thực thi luật pháp quốc tế, trong đó có phán quyết của Tòa Án Trọng Tài Quốc Tế có lợi cho Philippines trong vụ kiện Trung Quốc. Tòa Án quyết định rằng tại Biển Đông, không hề có đảo theo định nghĩa của luật pháp và hai trong số các thực thể mà Trung Quốc chiếm đóng nằm ở dưới mực nước biển và do vậy, không có lãnh hải 12 hải lý. Trung Quốc, về nguyên tắc, đòi các nước phải xin phép khi đi vào Vùng Đặc Quyền Kinh Tế 200 hải lý. Do không có đảo chiểu theo định nghĩa hợp pháp, tại Biển Đông, thì cũng không có thực thể nào có Vùng Đặc Quyền Kinh Tế 200 hải lý.
Các hành động của Anh Quốc, cùng với các cường quốc hàng hải khác, trấn an Việt Nam và các nước Đông Nam Á, rằng Trung Quốc không thể áp đặt "luật pháp quốc tế theo các đặc trưng Trung Hoa" đối với các tuyến hàng hải ở Biển Đông. Nếu không một nước nào phản đối đòi hỏi của Trung Quốc, thì Bắc Kinh có thể lập luận rằng, chiểu theo luật pháp quốc tế, cộng đồng quốc tế đã thừa nhận đòi hỏi của Trung Quốc. Qua việc khẳng định quyền tự do lưu thông, Anh Quốc muốn nói rằng cộng đồng quốc tế không thừa nhận đòi hỏi của Trung Quốc. Điều này còn củng cố phán quyết của Tòa Án Trọng Tài.
Năm nay, Singapore làm chủ tịch ASEAN cũng như là điều phối viên của ASEAN trong quan hệ với Trung Quốc. Singapore có trách nhiệm giám sát các cuộc tham khảo giữa ASEAN và Trung Quốc về COC hiện đang đi vào một giai đoạn mới bổ sung các chỗ trống trong bộ khung về COC. Các hành động của Anh hỗ trợ cho Singapore trong đàm phán với Trung Quốc. Truyền thông Trung Quốc sẽ có những phản đối "theo thông lệ" chống tàu chiến của Anh Quốc. Nhưng Trung Quốc sẽ không cản trở tàu HMS Sutherland đi qua Biển Đông.
Nguồn : RFI tiếng Việt, 27/02/2018
Việc hàng không mẫu hạm USS Carl Vinson của Mỹ đến thăm cảng Đà Nẵng từ 5-9/ tháng 3/2018, được cho là bước tiến quan trọng trong quan hệ quân sự Mỹ - Việt nhưng có thể khiến Trung Quốc phật lòng.
Tàu USS Carl Vinson vào cảng Busan tháng 1/2011 để tập trận cùng Hàn Quốc
Giáo sư Carl Thayer, một chuyên gia về Việt Nam từng làm việc tại Học Viện Quốc Phòng Hoàng gia Úc đánh giá về sự kiện này cũng như tin lần đầu một tàu chống ngầm của Anh Quốc sẽ vào Biển Đông.
Carl Vinson là ''hiện diện quân sự lớn nhất của Mỹ tại Việt Nam kể từ 1975", Giáo sư Thayer nói :
Carl Thayer : Hàng không mẫu hạm nguyên tử USS Carl Vinson có một đội ngũ hơn 6000 nhân viên, sẽ được đi kèm với một tàu khu trục tên lửa có hướng dẫn, mang theo thủy thủ đoàn khoảng 370 người. Dĩ nhiên không phải tất cả các nhân viên này sẽ được phép rời cảng tại Đà Nẵng, nhưng số lượng thủy thủ và phi hành đoàn lớn khiến đây là sự hiện diện quân sự lớn nhất của Mỹ ở Việt Nam kể từ khi cuộc chiến Việt Nam kết thúc năm 1975.
Chuyến thăm của USS Carl Vinson đánh dấu tiến triển trong sự tham gia quân sự giữa Việt Nam và Hoa Kỳ. Trong năm 2009 và 2010, giới chức Việt Nam đã bay tới USS John C. Stennis và USS George Washington để theo dõi hoạt động của hai hàng không mẫu hạm khi chúng di chuyển trên Biển Đông.
USS Carl Vinson sẽ cập cảng Tiên Sa ở Đà Nẵng, là tàu quân sự lớn nhất và mạnh nhất của Hoa Kỳ đến thăm một cảng ở Việt Nam. Điều này khác về vị trí trong chuyến đến thăm Philippines trước đó của USS Carl Vinson, nơi nó chỉ đậu cách bờ biển Philippines khoảng 10 km.
BBC : Sự kiện này quan trọng thế nào với mối quan hệ giữa Việt Nam - Hoa Kỳ, ảnh hưởng đến các quan hệ quốc phòng - an ninh khu vực ra sao, và Trung Quốc sẽ có phản ứng gì ?
Tàu USS Carl Vinson tại Eo biển Sunda, Indonesia hồi tháng 4/2017
Carl Thayer : Cam kết quốc phòng Hoa Kỳ - Việt Nam trong Biên bản Ghi nhớ năm 2011, liệt ra năm lĩnh vực hợp tác. Biên bản này được bổ sung bằng Tuyên bố chung về Hợp tác Quốc phòng năm 2015, và kế hoạch hoạt động ba năm hiện hành 2018-20. Một cách đại cương, giữa hai nước đã có một số tiến triển trong năm lĩnh vực hợp tác ở tốc độ mà Việt Nam cảm thấy thoải mái.
Chuyến viếng thăm của USS Carl Vinson có hai ý nghĩa.
Thứ nhất, Mỹ đang chứng tỏ sự hiện diện của hải quân Hoa Kỳ trong khu vực để trấn an các quốc gia trong vùng rằng Hoa Kỳ dưới thời Tổng thống Trump không tách rời khu vực.
Thứ hai, Việt Nam ủng hộ sự hiện diện hải quân của Hoa Kỳ ở Biển, miễn là sự hiện diện đó góp phần vào hòa bình và ổn định khu vực. Nói cách khác, có sự đồng thuận về lợi ích chiến lược của hai bên trong việc bảo đảm tự do hàng hải và trên không cho tàu và máy bay quân sự.
Mặc dù Trung Quốc có thể sẽ có một phản ứng giật gân, lên tiếng cáo buộc Mỹ đe dọa chủ quyền và an ninh của họ, nhưng việc USS Carl Vinson tới Đà Nẵng sẽ góp phần ổn định và cân bằng quân sự ở Biển Đông.
BBC : Mục đích của Hoa Kỳ trong việc đưa tàu USS Carl Vison đến Đà Nẵng là gì ? Làm thế có khiến Trung Quốc, đối tác thương mại số một của Mỹ, khó chịu không ?
Ảnh khu Tam Á, đảo Hải Nam chụp từ drone của Tân Hoa Xã. Tam Á cũng là nơi có căn cứ tàu ngầm của Trung Quốc thuộc Hạm đội Nam Hải
Carl Thayer : Hoa Kỳ là một cường quốc quân sự trên thế giới. Nước này sử dụng sức mạnh trên biển để khẳng định quyền lợi của mình trong việc duy trì sự an toàn các tuyến đường biển (Secure Sea Lines of Communication - SLOC) cho cả các tàu thương mại và quân sự. Những chuyến thăm cảng thân thiện là một phần trong ngoại giao hải quân. Đội ngũ của USS Carl Vinson sẽ có một số hoạt động xã hội và thể thao khi đến thăm Đà Nẵng. Điều này sẽ tạo ra cảm tình tốt đẹp cho cả hai bên.
Siêu hàng không mẫu hạm USS Carl Vinson, lớp Nimitz, là một biểu tượng mạnh mẽ của sức mạnh quân sự Mỹ. Giới chức hải quân Việt Nam sẽ có thể học được điều gì đó về khả năng của nó.
Trung Quốc từng đón những chuyến thăm của tàu hải quân Mỹ ở Hồng Kông, và cũng tham gia hợp tác quốc phòng với Hoa Kỳ. Cả Hoa Kỳ và Trung Quốc đều có một lợi ích quan trọng trong việc bảo đảm an toàn cho SLOC. Bất kỳ xung đột nào cũng làm gián đoạn thương mại và gây tổn hại nghiêm trọng cho cả hai. Để hiểu được phản ứng của Trung Quốc, chúng ta phải tách riêng sự tuyên truyền của nước này ra khỏi thực tế rằng cả Mỹ và Trung Quốc đều không muốn cho sự căng thẳng gia tăng.
BBC : Sau chuyến viếng thăm Đà Nẵng của USS Carl Vinson, theo ông sẽ có những diễn biến gì nữa ?
Tàu hải quân Trung Quốc thăm Myanmar, Malaysia và Campuchia tháng 10/2016
Carl Thayer : Tháng 6/2017, tàu khu trục tên lửa USS John McCain viếng thăm Đà Nẵng và sau đó là chuyến viếng thăm đầu tiên của tàu hải quân Mỹ tới Cảng Quốc tế Cam Ranh. Hai tuần sau, tàu của Hải quân của Quân Đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc cũng đến thăm Cảng Quốc tế Cam Ranh. Năm nay, Việt Nam đã liên tiếp đón tiếp hai Bộ trưởng Quốc phòng Nga và Hoa Kỳ. Tôi dự đoán là chẳng bao lâu sau, Việt Nam sẽ được tàu hải quân Trung Quốc ghé thăm.
Cảng quốc tế Cam Ranh mở cửa cho tất cả các nước, tàu hải quân từ Singapore, Pháp, Nhật Bản chẳng hạn, đã ghé đến. Điểm mấu chốt là Việt Nam theo đuổi một cân bằng đa cực giữa các cường quốc. Chính sách này đem lợi ích cho mọi bên trong sự độc lập và tự chủ chiến lược của Việt Nam. Nói cách khác, nếu các cường quốc lớn duy trì sự cân bằng, Việt Nam sẽ không bị ép buộc phải vào hẳn quỹ đạo của bất cứ nước nào, mà có thể tiếp tục đóng vai trò độc lập và đóng góp cho an ninh khu vực. Điều đó lợi cho tất cả.
Chuyến thăm của USS Carl Vinson không cho thấy Việt Nam đang tiến vào quỹ đạo của Hoa Kỳ để chống lại Trung Quốc. Nó báo hiệu rằng Việt Nam và Hoa Kỳ bắt đầu tin tưởng nhau và lãnh đạo Hà Nội cảm thấy thoải mái để tiến thêm một bước nữa trong mối quan hệ hải quân với Hoa Kỳ. Tôi nghĩ Trung Quốc lạc quan về chuyến thăm thân thiện của USS Carl Vinson tới Việt Nam.
Sự hiện diện của hải quân Anh
BBC : Cũng liên quan đến Biển Đông, ông nghĩ sao về việc Anh Quốc đưa tàu chống tàu ngầm HMS Sutherland đi ngang qua đây, trên đường về nhà từ Australia vừa rồi, trước sự phản đối của Bắc Kinh ?
Carl Thayer : Anh là một cường quốc hàng hải có cam kết về an ninh ở Đông Nam Á theo Hiệp định phòng thủ FPDA (Five Power Defence Agreement) với Úc, New Zealand, Singapore và Malaysia. Anh còn là đồng minh Nato của Hoa Kỳ, mà dưới nhiệm kỳ của Donald Trump, tầm quan trọng của tự do hàng hải được nâng cao.
Anh Quốc cũng đang tìm kiếm một vai trò sau Brexit, chẳng hạn như một hiệp định tự do thương mại với Australia, và Anh cũng ủng hộ luật pháp quốc tế. Việc đưa HMS Sutherland qua Biển Đông bao gồm tất cả những khía cạnh này.
Chuyến đi biểu dương sức mạnh của Hải quân Hoàng gia Anh, trấn an các đối tác của FPDA, biểu lộ tình đoàn kết với Mỹ về tự do hàng hải, phát triển thêm một chiều hướng trong quan hệ Anh - Úc và duy trì một trật tự dựa trên các quy tắc về luật pháp quốc tế.
BBC : Hành động của Anh có ý nghĩa như thế nào đối với Việt Nam và các nước ASEAN, đặc biệt trong bối cảnh Singapore vừa tuyên bố sẽ đạt được một số thỏa thuận với Trung Quốc về Quy Tắc Ứng Xử trên Biển Đông ?
Tàu HMS Sutherland của Anh đang vận hành trên biển
Carl Thayer : Các hành động của Anh, cùng với Pháp và Hoa Kỳ phục vụ cho việc bảo vệ luật pháp quốc tế, bao gồm phán quyết của Tòa án Trọng tài cho Philippines trong vụ kiện Trung Quốc. Toà này phán quyết rằng theo luật định, không có hòn đảo nào ở Biển Đông, và hai mỏm do Trung Quốc chiếm đóng, có mực nước triều thấp, và do đó không được hưởng chế độ 12 hải lý.
Trong khi chính sách của Trung Quốc đòi hỏi các quốc gia phải xin phép họ để vào vùng đặc quyền kinh tế 200nm (EEZ), thì theo luật định, không có hòn đảo hợp pháp nào ở Biển Đông, nên không có mỏm nào được hưởng đặc quyền kinh tế 200 hải lý.
Việc làm của Anh, cùng với các cường quốc hàng hải khác, trấn an Việt Nam và các quốc gia ở vùng Đông Nam Á, rằng Trung Quốc không thể áp đặt "luật quốc tế với đặc tính Trung Quốc" trên các tuyến đường ở Biển Đông.
Nếu không có quốc gia nào phản đối khẳng định chủ quyền của Trung Quốc, thì trước tòa án quốc tế nước này có thể tranh luận rằng cộng đồng quốc tế đã nhân nhượng và đồng ý với tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc. Anh quốc, bằng cách khẳng định tự do hàng hải, chính thức cho thấy rằng cộng đồng quốc tế không chấp nhận tuyên bố đó.
Singapore là Chủ tịch ASEAN, và cũng là điều phối viên ASEAN cho Trung Quốc. Trách nhiệm của Singapore là theo dõi các cuộc tham vấn ASEAN - Trung Quốc về Bộ Quy tắc Ứng xử (COC) đang bước vào giai đoạn mới, trong việc bổ sung các khoảng trống trong Khung của họ về COC. Hành động của Anh Quốc giúp Singapore một tay trong việc đối phó với Trung Quốc.
Nguồn : BBC tiếng Việt, 23/02/2018
Vào ngày 8/1, phiên tòa chống tham nhũng lớn bắt đầu diễn ra ở Việt Nam có thể dẫn đến án tù đối với cựu thành viên Bộ Chính trị Đcộng sản Việt Nam - ông Đinh La Thăng. Phiên tòa này là một phần của chiến dịch chống tham nhũng toàn diện, khiến 20 quan chức cũ của PetroVietnam, ra tòa.
Trong một cuộc phỏng vấn với World Politics Review, ông Carl Thayer - Giáo sư Danh dự Đại học New South Wales (Úc), đã có chia sẻ mở rộng về chiến dịch này.
Ông Trịnh Xuân Thanh trong một phiên tòa diễn ra gần đây.
World Politics Review : Điều gì đang thúc đẩy chiến dịch chống tham nhũng nhằm vào PetroVietnam ? Có phải chiến dịch chống tham nhũng này có động cơ thúc đẩy chủ yếu bằng tính toán chính trị ?
Carl Thayer : PetroVietnam là một mạng lưới rộng khắp gồm 15 đơn vị trực thuộc, 18 công ty con và gần 50 chi nhánh. Năm 2016, các điều tra viên thuộc Bộ Công an Việt Nam phát hiện ra một mạng lưới các quan chức PetroVietnam tham nhũng, hiện diện trong các ngân hàng, công ty xây dựng, nhà máy nhiệt điện và các nhà máy dệt. Thiệt hại về phía nhà nước được ước tính là hàng trăm triệu USD. Kết quả, 22 quan chức đã bị bắt và đang xét xử.
Chiến dịch chống tham nhũng của Việt Nam đã gia tăng sau tháng 1.2016, khi Tổng Thư ký Nguyễn Phú Trọng tái đắc cử sang nhiệm kỳ thứ hai. Và ông Nguyễn Tấn Dũng, đã bị buộc phải nghỉ hưu. Trong 10 năm tại vị của ông Dũng, nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng hơn 6%/năm, tuy nhiên có ít sự kiểm toán và kiểm soát hoạt động của các doanh nghiệp nhà nước như PetroVietnam.
Động cơ chính của chiến dịch phòng chống tham nhũng hiện nay là nhằm phá vỡ các mạng lưới tham nhũng hình thành dưới quyền của ông Dũng, và khía cạnh này đã khiến chiến dịch mang một màu sắc chính trị.
World Politics Review : Chiến dịch chống tham nhũng đã thành công như thế nào và tác động của nó đến mức nào ở Việt Nam ?
Carl Thayer : Chiến dịch chống tham nhũng hiện nay đã có phạm vi rộng hơn so với quá khứ, các đảng viên ở cấp cao nhất phải đối diện với những bản án tù dài hạn hơn. Năm ngoái, Thanh tra Chính phủ đã phát hiện không dưới 190 trường hợp gian lận mới. Theo báo cáo của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, ít nhất có 220 vụ tham nhũng của các quan chức nhà nước và bên ngoài nhà nước đã được đưa ra tòa vào năm 2017, tăng 21% so với năm 2016.
Trong một trường hợp đặc biệt, ông Đinh La Thăng, người từng đứng đầu Đảng bộ Tp. Hồ Chí Minh - thành phố lớn nhất của Việt Nam, đã bị miễn nhiệm chức vụ vì quản lý yếu kém trong thời kỳ làm Chủ tịch Hội đồng thành viên PetroVietnam. Ông là thành viên đầu tiên của Bộ chính trị bị đưa ra xét xử công khai kể từ sau khi Việt Nam thống nhất hai miền (1976). Tiếp đó, ông Nguyễn Xuân Anh, thành viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng và Bí thư thành phố Đà Nẵng, thành phố lớn thứ ba của Việt Nam, cũng bị bãi nhiệm.
Các nhà lãnh đạo Việt Nam hiện tại đã chứng tỏ quyết tâm quy hồi các quan chức tham nhũng trốn ra nước ngoài.Ông Trịnh Xuân Thanh, nguyên Chủ tịch và Tổng giám đốc Tổng công ty cổ phần Xây dựng Dầu khí Việt Nam, đã trốn sang Đức vào tháng 9/2016 để xin tị nạn. Tháng 7 năm ngoái, ông bị các cơ quan tình báo Việt Nam bắt cóc và buộc phải trở về Việt Nam - một động thái làm tổn hại mối quan hệ với Đức. Và hiện giờ, ông Thanh đang đứng trước bản án tử hình.
Phan Văn Anh Vũ, một người xuất thân từ bất động sản ở Đà Nẵng và là cựu thành viên của Bộ Công an đã bị buộc tội tiết lộ bí mật nhà nước. Dù tìm đường trốn sang Singapore, tuy nhiên, sau đó ông bị trục xuất vì sử dụng 2 hộ chiếu với thông tin không hợp lệ. Luật sư người Đức tiết lộ, thân chủ của ông (Phan Văn Anh Vũ) đã có bản sao các văn bản của Bộ Công an liên quan đến vụ bắt cóc Thanh.
World Politics Review : Trở ngại lớn nhất cho cải cách kinh tế và chính trị ở Việt Nam là gì ?
Carl Thayer : Các nhà lãnh đạo của Việt Nam đặt ưu tiên cho cải cách kinh tế. Họ đã đặt mục tiêu đạt được tốc độ tăng trưởng GDP 7% trở lên mỗi năm và trở thành nước có thu nhập trung bình vào năm 2020. Có 6 thách thức chính cần phải vượt qua để đạt được những mục tiêu này : một cuộc truy tố thành công trong chiến dịch chống tham nhũng ; cải cách ngành ngân hàng và tín dụng để giảm nợ công ; cải cách các doanh nghiệp nhà nước để làm cho khối doanh nghiệp này hiệu quả hơn và cạnh tranh hơn ; tăng cường vai trò của khu vực tư nhân trong cái gọi là ‘nền kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa’ ; giảm ô nhiễm môi trường công nghiệp ; và hội nhập sâu hơn với nền kinh tế toàn cầu.
222222222222222222
Ông Nguyễn Phú Trọng, Trương Tấn Sang và Nguyễn Tấn Dũng. Ảnh : AFP
Đối với thách thức thứ sáu, Việt Nam sẽ phải điều phối 3 cuộc hội đàm song phương : một là hiệp định thương mại song phương với Hoa Kỳ ; hai là Quan hệ đối tác xuyên Thái Bình Dương được sửa đổi mà không có Hoa Kỳ ; ba là Đối tác thương mại tự do toàn diện giữa Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (mà Việt Nam là thành viên) với 6 nước gồm Úc, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc và New Zealand.
Việt Nam là một nhà nước độc đảng, lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam không thừa nhận cải cách chính trị - vốn liên quan đến phát triển nền dân chủ đa đảng, hay quyền lực nhà nước tách thành ba nhánh riêng biệt như Hành pháp, tư pháp, lập pháp ; hoặc tạo sự tự do về ngôn luận và báo chí độc lập, tự do tôn giáo và tuân thủ các công ước quốc tế về dân sự, chính trị và nhân quyền.
Thay vào đó, cải cách chính trị ở Việt Nam nhằm mục đích duy trì chế độ hiện tại có quyền lực thông qua luật pháp. Năm 2017, Việt Nam bắt giam nhiều blogger, các nhà hoạt động chính trị và các nhà bất đồng chính kiến nhiều hơn bất cứ lúc nào (kể từ năm 2011).
Bộ luật Hình sự sửa đổi có hiệu lực từ ngày 1 tháng 1, làm tăng hình phạt đối với những tuyên bố mơ hồ về các tội phạm an ninh quốc gia như ‘các hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân’ (Điều 79), ‘phá hoại chính sách đoàn kết dân tộc’ (Điều 87), ‘tuyên truyền chống lại nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam’ (Điều 88) và ‘phá vỡ an ninh’ (Điều 89).
Trong phạm vi không gian này, những trở ngại chính đối với cải cách chính trị được xác định đến việc tổ chức lại và quản lý hành chính công hiệu quả ở tất cả các cấp và thực hiện chương trình luân phiên hiệu quả về mặt công tác cán bộ từ trung ương đến các tỉnh và ngược lại.
Theo World Politics Review
Ánh Liên lược dịch
Nguồn : VNTB, 21/01/2018
Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump sẽ có bài phát biểu được trông đợi tại APEC về chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương mở và tự do. Đây là một thuật ngữ nghe có vẻ mới nhưng theo các chuyên gia quốc tế thì thuật ngữ này đã được dùng từ lâu ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Vậy Tổng thống Trump muốn nói đến điều gì khi dùng thuật ngữ này thay vì nói đến chiến lược chuyển trục về Châu Á - Thái Bình Dương như dưới thời của Tổng thống Obama ? Đài Á Châu Tự Do phỏng vấn Giáo sư Carl Thayer thuộc Học viện Quốc phòng Australia về vấn đề này.
Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump phát biểu tại một sự kiện các lãnh đạo doanh nghiệp cùng với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ở Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh hôm 9/11/2017 - AFP
RFA : Thưa Giáo sư, xin ông cho biết thuật ngữ Ấn Độ - Thái Bình Dương mà chính quyền của Tổng thống Donald Trump nói nhiều gần đây nhân chuyến thăm Châu Á của Tổng thống Trump có nghĩa là gì ?
Carl Thayer : Đây là thuật ngữ mà Tổng thống Mỹ đã dùng gần đây nhưng trên thực tế nó đã được dùng từ trước đó trong giới quân sự và bây giờ nó đang được sử dụng một cách đặc biệt. Thuật ngữ Ấn Độ - Thái Bình Dương ý muốn nói đến việc kết hợp cả Ấn Độ vào một khu vực rộng lớn hớn mà trên thực tế là đã lớn nếu xét về Bộ Chỉ huy khu vực Thái Bình Dương của Mỹ. Theo đó, Ấn Độ sẽ được bao gồm và khu vực nhưng Pakistan thì không bao gồm trong đó. Công thức của Tổng thống Trump là muốn vượt qua APEC vốn bao gồm cả 3 nước Nam Mỹ là Mexico, Peru và Chile và nhấn mạnh khu vực gốc là Thái Bình Dương. Khu vực mở và tự do là cố gắng của Tổng thống Trump để vượt qua vấn đề thâm hụt thương mại và những trao đổi thương mại không công bằng theo tiêu chuẩn của Mỹ và khiến các nước khác phải theo. Cho nên điều này sẽ không đồng điệu với APEC là đa phương. Nó chỉ là mong muốn của Mỹ dựa vào một ý tưởng đã cũ và được thay đổi theo kiểu của Tổng thống Trump.
RFA : Vậy điều này có khác gì so với những gì chúng ta đã thấy trong chiến lược Châu Á - Thái Bình Dương dưới thời của Tổng thống Barack Obama, hay đây chỉ đơn thuần là một tên khác ?
Chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương chỉ là một tên gọi khác của chiến lược Châu Á - Thái Bình Dương, mà mục đích chính là kiểm soát sự bành trướng của Trung Quốc ra Thái Bình Dương và xuống Ấn Độ Dương
Carl Thayer : Nó chỉ là tên khác. Quan hệ giữa Mỹ và Ấn Độ cuối cùng đã cải thiện trong suốt thời kỳ của Tổng thống Obama và từ khi Thủ tướng Ấn Độ Modi lên nắm quyền thì Ấn Độ đã có những thúc đẩy trong hành động. Họ đã đóng vai trò tích cực trong việc giúp Việt Nam về mặt an ninh biển và họ cũng quan ngại về hoạt động của Hải quân Trung Quốc qua Ấn Độ Dương. Cho nên khu vực Châu Á - Thái Bình Dương là cách thường gọi nhưng người Mỹ thường nói là nước Mỹ là một cường quốc ở Thái Bình Dương và đó là phần nói về biển mà Châu Á là một vùng đất rộng lớn. Ấn Độ - Thái Bình Dương là để đưa ưu tiên cho vấn đề trên biển kết nối hai vùng biển Ấn Độ và Thái Bình Dương qua biển Đông.
RFA : vậy những thách thức mà Tổng thống Trump sẽ phải đối mặt là gì khi ông nói đến điều này tại Châu Á ?
Carl Thayer : Mọi người rất lịch sự và họ cũng không muốn đối đầu với Tổng thống, trong khi ASEAN thì làm việc theo nguyên tắc nhất trí chung. Cũng đã có cả trăm những cuộc gặp được tổ chức ở Việt Nam. Các bộ trưởng thương mại đã đưa ra 4 ưu tiên chính chủ yếu là về mặt kỹ thuật và APEC sẽ tiếp tục theo đường hướng đó. Thông tin mà tôi có được từ bên Australia trước APEC là mục tiêu cuối cùng của APEC là có được một thỏa thuận thương mại tự do ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, trong khi Tổng thống Trump lại nói Mỹ muốn các thỏa thuận song phương ở tiêu chuẩn cao. Điều đáng chú ý là trong đó có cả những tiêu chuẩn đã được bao gồm trong Hiệp định đối tác thương mại xuyên Thái Bình Dương mà Mỹ đã rút khỏi. Đó là các vấn đề về thương mại điện tử, dịch vụ, và bảo vệ bản quyền trí tuệ đang vượt qua cả thương mại và đầu tư.
RFA : Vậy các nước trong khu vực sẽ có lợi gì từ chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương mà Tổng thống Trump đưa ra ?
Carl Thayer : Khi Tổng thống Trump rút khỏi TPP thì ông ấy đồng thời cũng rút ra phần quan trọng nhất của một thỏa thuận, đó là 60% của nền kinh tế thế giới. Đây được coi là phần đệm nếu như không muốn nói là phần đối trọng với ảnh hưởng về kinh tế đang lên từ Trung Quốc. Khi Mỹ rút khỏi TPP thì các nước khác trong khu vực đang trông chờ vào một nửa phần còn lại trong cam kết của Mỹ với khu vực. Vào lúc này về mặt quân sự thì cũng tương tự như thời của Tổng thống Obama với chiến lược chuyển trục về Châu Á vì các vũ khí hiện đại nhất đang được đưa về đây. Gần đây nhất là vấn đề căng thẳng với Bắc Hàn cũng gây sự chú ý. Nhưng như Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis đã nói và Ngoại trưởng Rex Tillerson cũng nhấn mạnh đó là các phần của sức mạnh quốc gia bao gồm kinh tế, quân sự và ngoại giao. Tất cả những nhân tố này phải được kết hợp với nhau trong một chiến lược. Cho nên khi Tổng thống Trump nói về Ấn Độ - Thái Bình Dương mở và tự do, những nước muốn Mỹ vẫn cam kết với khu vực sẽ muốn biết Mỹ sẽ áp dụng điều mình nói như thế nào, tham gia đóng góp, hợp tác với khu vực thay vì chỉ đạo tạo ảnh hưởng. Cho nên các nước trong khu vực sẽ muốn biết Mỹ sẽ thay TPP của Tổng thống Obama bằng cái gì. Tất nhiên nó sẽ không giống như cũ nhưng liệu có đủ lớn để duy trì sự có mặt của Mỹ trong khu vực không ? Nó cũng phụ thuộc vào quan hệ của từng nước và các nước sẽ đưa ra đánh giá của mình khi Tổng thống Trump phát biểu.
RFA : Xin cảm ơn giáo sư đã dành cho chúng tôi buổi phỏng vấn.
Nguồn : RFA, 09/11/2017
Nhà Trắng hôm 16/10 thông báo Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ đến Hà Nội, thăm chính thức Việt Nam vào ngày 11/11, sau khi dự Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) tại Đà Nẵng.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gặp gỡ Tổng thống Donald Trump trong chuyến thăm Hoa Kỳ hồi tháng 5/2017. AFP
RFA trò chuyện với Giáo sư Carl Thayer, thuộc Học viện Quốc phòng Úc xoay quanh chuyến thăm Hà Nội của ông Trump.
Lan Hương : Thưa Giáo sư, như chúng ta đã biết vào ngày 11/11 tới đây, Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ thăm chính thức Hà Nội sau khi dự Hội nghị thượng đỉnh APEC tại Đà Nẵng. Vậy Giáo sư có thể cho biết hai bên sẽ bàn thảo những vấn đề gì ?
Carl Thayer : Tôi nghĩ việc Tổng thống Trump quyết định thăm chính thức Hà Nội sau khi dự Hội nghị thượng đỉnh APEC là một điều rất quan trọng. Đặc biệt khi ông ấy quyết định rời Malina sớm hơn lịch trình và quyết định không dự Hội nghị Cao cấp Đông Á. Tại APEC, ông ấy sẽ gặp gỡ Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhưng có lẽ sẽ không gặp Tổng thống Nga Putin.
Nhưng tôi nghĩ chuyến thăm này cũng là thường tình thôi, bởi vì Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa rồi là lãnh đạo quốc gia Đông Nam Á đầu tiên đến thăm Nhà Trắng. Và Việt Nam cũng được chính quyền của ông Trump hứa hẹn là sẽ mở rộng quan hệ đối tác toàn diện được thiết lập dưới thời Tổng thống Obama. Mối quan hệ này bao gồm 9 lĩnh vực hợp tác khác nhau. Việt Nam rất năng nổ trong việc chủ động đề nghị bàn thảo các thỏa thuận thương mại song phương, bởi vì Việt Nam xuất siêu hơn 30 tỷ đô la sang Mỹ và đứng thứ 6 trong danh sách các quốc gia xuất siêu sang thị trường này.
Hơn nữa, trong chuyến thăm Mỹ vừa rồi của ông Phúc, họ cũng thông báo là sẽ ký các thỏa thuận thương mại trị giá hơn chục tỷ đô la, trong đó sẽ dành vài tỷ mua sắm máy bay.
Tôi nghĩ rằng trong lần gặp gỡ này hai bên sẽ không đề cập chuyện gì cụ thể, mà chỉ nhắc chung chung chuyện hợp tác thương mại trước đây đã nói tới. Nhưng tôi nghĩ họ đồng quan điểm về chuyện biển Đông, và họ sẽ nhắc tới chuyện những quy tắc chung, không sử dụng vũ lực và ủng hộ phán quyết của Tòa trọng tài, nhưng có lẽ sẽ sử dụng tiến trình ngoại giao tiêu chuẩn mà ASEAN đề ra.
Hợp tác tuần duyên biển giữa hai nước ngày càng tăng, nên cũng có thể được nhắc tới. Đặc biệt họ có thể tuyên bố sẽ mua thêm chiếc tàu lớp Hamilton.
Nhìn chung họ sẽ nói rằng muốn mở rộng hay tăng cường mối quan hệ đối tác toàn diện giống như đợt ông Phúc sang Washington vậy. Nhưng những vấn đề khác có thể được nhắc đến như khoa học, công nghệ, giáo dục, cam kết của Mỹ trong việc hàn gắn vết thương do chiến tranh gây ra bởi chất độc màu da cam và chuyện tìm kiếm những người lính mất tích trong chiến tranh của cả hai bên. Việt Nam muốn Mỹ cung cấp những thông tin về những người lính bị bắt giữ và chôn cất trong chiến tranh. Vì vậy, họ có thể bàn đến chuyện này trong cuộc gặp.
Nhưng điều sẽ không được nhắc tới đó là cam kết của Mỹ về bất cứ quan hệ đa phương nào với khu vực. Mỹ tất nhiên sẽ hỗ trợ ASEAN nhưng sẽ là sau chuyến thăm Việt Nam.
Lan Hương : Ông có nghĩ Tổng thống Trump sẽ nhắc đến vấn đề nhân quyền với chính phủ Việt Nam không ?
Carl Thayer : Trong thông cáo thì họ có nhắc tới đó, nhưng tất nhiên họ sẽ nói rằng họ tổ chức đối thoại rồi thì Mỹ nói thế này, Việt Nam nói thế kia rồi ghép lại thành một bài. Mỹ đang phản đối chính quyền Myanmar liên quan đến khủng hoảng người Hồi giáo Rohingya. Việt Nam gần đây ngày càng gia tăng việc bắt giữ các blogger, các nhà bất đồng chính kiến và số vụ đàn áp, đánh đập do côn đồ có quan hệ với chính quyền cũng ngày càng nhiều. Tuy nhiên tôi không nghĩ ông Trump sẽ nói đến chuyện này.
Lan Hương : Các Tổng thống Mỹ khác đến thăm Việt Nam vào cuối nhiệm kỳ của họ, trong khi ông Trump quyết định thăm Việt Nam vào đầu nhiệm kỳ đầu tiên của ông ấy. Điều này có ý nghĩa thế nào với quan hệ hai nước ?
Carl Thayer : Một trong những chính sách của ông Trump là chú trọng vào khu vực Đông Bắc Á vì Bắc Triều Tiên. Thông cáo từ Bộ Ngoại giao nói rõ rằng chuyến thăm lần này có hai mục đích chính thứ nhất là để tham dự Hội nghị thượng đỉnh APEC, thứ hai là dịp để Mỹ cùng Nam Hàn, Nhật Bản và Trung Quốc bàn bạc chuyện Bắc Hàn. Và khi ông Trump tới Đông Nam Á, ông ấy muốn mọi người ủng hộ ông ấy liên quan đến chuyện Bắc Hàn.
Về chuyến đi Việt Nam, ông ấy muốn đến dự APEC là vì có nhiều "mật ngọt" tại sự kiện này. Đó là dịp ông ấy được gặp gỡ những doanh nhân hàng đầu của APEC. Và thông điệp ở đây là nếu anh muốn tự do thương mại đa phương ở châu Á – Thái Bình Dương, anh phải đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế rất cao về dịch vụ, thương mại kỹ thuật số, hay thương mại nói chung. Và đây cũng là những yếu tố trong thỏa thuận thương mại tự do. Nếu anh muốn tự do thương mại với Mỹ thì đây là những tiêu chuẩn anh phải đáp ứng. Thỏa thuận thương mại tự do của châu Á – Thái Bình Dương vẫn đang trong giai đoạn treo, vì ông Trump sẽ không ký trừ khi quốc gia đó đáp ứng được các tiêu chuẩn đề ra.
Về việc ông Trump quyết định thăm chính thức Hà Nội thay vì tới APEC rồi về nước, tôi nghĩ chúng ta phải thừa nhận công lao của đại sứ Việt Nam tại Mỹ ông Phạm Quang Vinh và đại sứ Mỹ tại Việt Nam Ted Osius. Họ đã thuyết phục ông Trump rằng Việt Nam là một đối tác chiến lược chủ chốt trong khu vực, mang lại lợi ích to lớn cho nước Mỹ. Mặc dù Việt Nam không phải là đồng mình của Mỹ, nhưng đem đến nhiều lợi ích kinh tế, quan hệ quân sự và an ninh hàng hải. Và hơn nữa, ông Phúc đã tới thăm Mỹ thì ông Trump cũng nên tới thăm Việt Nam vì có đi thì nên có lại.
Lan Hương : Ông nghĩ chuyến thăm này có ý nghĩa như thế nào với Việt Nam ?
Carl Thayer : Một phần của chuyến đi là để bàn chuyện Bắc Hàn, mà Việt Nam lại rất quan tâm làm thế nào để tránh xảy ra mâu thuẫn giữa các nước vì sẽ ảnh hưởng đến thương mại và làm rối loạn trật tự trong khu vực, ảnh hưởng đến lợi ích của Việt Nam. Hơn nữa Việt Nam và ASEAN cũng tích cực kêu gọi thực hiện chính sách phi hạt nhân hóa. Và Việt Nam rất cần đến sự can thiệp của Mỹ vì lợi ích chung cho cả hai bên. Chính vì vậy khi tàu Mỹ tới biển Đông, Việt Nam luôn luôn hoan nghênh điều đó, miễn là điều đó phục vụ lợi ích khu vực. Nhưng tất nhiên ý đồ của Việt Nam là Mỹ cân bằng sự lấn át của Trung Quốc.
Việc Mỹ không tham dự Hội nghị Cao cấp Đông Á cũng có thể khiến nhiều kế hoạch không được đảm bảo, trong đó có dự tính duy trì Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương TPP thứ hai với 11 thành viên mà không có sự góp mặt của Mỹ. Việt Nam là một trong những nước tham gia TPP. Một mặt Việt Nam không muốn làm ảnh hưởng đến mối quan hệ thương mại song phương Việt – Mỹ được thiết lập sau chuyến thăm của ông Phúc. Trong khi Thủ tướng mới của New Zealand đang cố gắng thay đổi TPP. Nhưng sau APEC, chúng ta sẽ biết liệu những quốc gia này có tiếp tục duy trì thỏa thuận hay không bởi vì không có Mỹ nhiều mục tiêu trong TPP khó lòng đạt được. Và Việt Nam cần lựa chọn hướng đi phù hợp cho mình.
Việt Nam sẽ rất vui vì chuyến thăm chính thức này của ông Trump. Bởi vì một khi những lãnh đạo cấp cao đồng ý thì các bộ ngành sẽ tuân theo. Đó là mục tiêu quan trọng nhất của Việt Nam.
Lan Hương : Chuyến thăm này có ý nghĩa như thế nào với Mỹ ?
Carl Thayer : Đây là một câu hỏi rất khó, bởi vì như chúng ta đã biết chính sách ngoại giao kiểu kinh doanh của ông Trump. Ông ấy chẳng có chiến lược toàn diện nào hết. Theo luật của Quốc hội Mỹ thì sau khi nhậm chức 150 ngày lẽ ra ông ấy phải công bố kế hoạch cụ thể cho nhiệm kỳ của mình, nhưng đến giờ này vẫn chưa thấy có.
Việt Nam thì luôn muốn sự hỗ trợ song phương và hỗ trợ cho cả ASEAN, cho APEC, hay EAS và muốn Mỹ thể hiện vai trò lãnh đạo. Nhưng với ông Trump thì chẳng có vai trò lãnh đạo nào cả, vì quan điểm của ông ấy là phải theo cách của tôi không thì không có cách nào hết. Và miệng ông ấy chưa bao giờ phát ngôn ra được từ "đa phương". Điều này khiến Việt Nam không vui, vì Việt Nam muốn quan hệ đa phương vì dễ điều chỉnh mà mang lại ảnh hưởng dễ dàng hơn.
Tuy nhiên nếu ông Trump không đến Việt Nam, thậm chí là để dự APEC, mới thực sự là thảm họa. Chuyến đi này là dịp để ông ấy học hỏi về châu Á những điều ông ấy chưa biết. Và ông ấy sẽ đến Việt Nam sau chuyến thăm Trung Quốc, như vậy sẽ là dịp để Việt Nam hỏi han về chuyến thăm này. Vì bấy lâu nay Hà Nội luôn lo sợ hai quốc gia này sẽ gắn bó keo sơn với nhau và Việt Nam sẽ là nạn nhân.
Lan Hương : Nếu ông có cơ hội được tư vấn cho ông Trump, ông sẽ khuyên ông ấy nói với Việt Nam điều gì ?
Carl Thayer : Đầu tiên tôi phải nói với ông ấy thật là sai lầm khi không đến dự Hội nghị Cao cấp Đông Á.
Tôi cũng muốn nói với ông ấy một vài điều rằng vị thế quân sự của Hoa Kỳ đang ngày càng lớn mạnh trong khu vực nhờ Bộ trưởng Mattis, đó là sự tự do tuần tra hàng hải. Nhưng Hoa Kỳ cần thể hiện vai trò lãnh đạo mạnh mẽ hơn, lấy các tiêu chuẩn của Trump và cố gắng đa phương hoá chúng. Tôi sẽ khuyên rằng nếu Hoa Kỳ cắt sự trợ giúp thông qua Bộ Ngoại giao, điều đó sẽ ảnh hưởng đến an ninh con người, quyền của phụ nữ, sức khoẻ hàng ngày của người dân khu vực sông Mê Kông.
Hoa Kỳ cần phải có tất cả các yếu tố quyền lực quốc gia kết hợp với nhau. Đó là các yếu tố quyền lực về kinh tế, chính trị, ngoại giao, văn hoá và quân sự kết hợp lại với nhau. Tôi đã nghe ông bộ trưởng James Mattis nhắc đến thuật ngữ này nhiều lần nhưng chưa thấy ông Tillerson và các bộ trưởng khác nhắc tới.
Tôi nghĩ Mỹ nên khuyến khích Việt Nam trong việc đóng vai trò chủ chốt. Việt Nam là một thành viên không thường trực trong Hội đồng Bảo an LHQ trong năm 2008 và 2009, và bây giờ là một ứng cử viên một lần nữa. Và Việt Nam sẽ bắt tay vào việc gìn giữ hòa bình bằng cách hỗ trợ bệnh viện dã chiến cấp 2 và cung cấp binh chủng cho Nam Sudan. Mỹ đang ủng hộ điều đó, và tôi nghĩ rằng điều này sẽ mang lại kết quả tích cực. Như vậy, Việt Nam đang góp phần giúp đỡ chống lại chiến tranh khủng bố bằng cách ổn định hóa một khu vực của thế giới.
Lan Hương : Ông sẽ khuyên chính phủ Việt Nam nói gì với ông Trump ?
Carl Thayer : Tôi nghĩ rằng rõ ràng là ngoài khía cạnh song phương, họ nên thúc đẩy ông ấy rằng ASEAN cần giữ vai trò trung tâm cho kiến trúc khu vực. Và cách tốt nhất là Hoa Kỳ hỗ trợ, phối hợp và thảo luận các sáng kiến với ASEAN hơn là cứ đơn phương ban hành. Việt Nam đánh giá cao chuyến thăm của ông tới khu vực, và nên nói rằng ông và nội các của ông nên đến thăm Việt Nam nhiều hơn. Ông Obama từng nói rằng tất cả các thành viên nội các nên đến thăm châu Á mỗi năm một lần. Việt Nam cũng có thể khen ông ấy rằng sự lãnh đạo mạnh mẽ của ông là rất cần thiết, và làm ông ấy hãnh diện. Ngay cả các đồng minh thân cận trong khu vực như Úc có thể hợp tác với Hoa Kỳ nhưng chúng tôi cần sự lãnh đạo, chứ không muốn sự phiền nhiễu. Việt Nam rất giỏi trong việc làm người khác hãnh diện và đó là một điều tốt. Cứ nói với ôngTrump rằng Việt Nam trân trọng tính nhất quán trong mục đích của Hoa Kỳ, và khuyến khích ông ấy đưa Việt Nam vào chiến lược an ninh quốc gia vì hiện giờ nó đang được soạn thảo.
Lan Hương thực hiện
Nguồn : RFA, 31/10/2017
Trong thời gian gần đây, thông tin về những thương vụ vũ khí mà Trung Quốc bán cho các nước Đông Nam Á rất nhiều, từ Malaysia với hệ thống pháo phản lực và radar, tàu cận chiến duyên hải, cho đến Thái Lan với 3 chiếc tàu ngầm quy ước, chưa kể đến hàng chục ngàn khẩu súng trường mà Bắc Kinh "biếu không" cho Manila.
Tổng thống Philippines Duterte tại căn cứ Không Quân Clark Air Base, phía sau là đại sứ Trung Quốc tại Manila Triệu Giám Hoa. Reuters/Romeo Ranoco
Câu hỏi đặt ra là vì sao các nước Đông Nam Á lại có vẻ mặn mà với vũ khí Trung Quốc như vậy và hệ quả của việc du nhập vũ khí Trung Quốc có thể ra sao, đặc biệt đối với một số nước vốn đang bị Bắc Kinh tranh chấp biển đảo ? Ngày 30/08/2017, giáo sư Carl Thayer, chuyên gia kỳ cựu về Châu Á tại Học Viện Quốc Phòng Úc đã phân tích sự kiện này dưới dạng hỏi đáp.
Trong bài "Các thương vụ vũ khí của Trung Quốc tại Đông Nam Á" (China’s Arms Sales to Southeast Asia) giáo sư Thayer trước hết giải thích lý do vì sao vũ khí của Trung Quốc lại thu hút khách hàng
Sức hút của vũ khí Trung Quốc : Giá rẻ
RFI : Vì sao các nước Đông Nam Á lại có vẻ mặn mà với vũ khí Trung Quốc như vậy và hệ quả của việc du nhập vũ khí Trung Quốc có thể ra sao, đặc biệt đối với một số nước vốn đang bị Bắc Kinh tranh chấp biển đảo ?
Carl Thayer : Vũ khí của Trung Quốc chắc chắn, giá phải chăng trên thị trường ; có thể được chuyển nhượng công nghệ và/hay được cấp tín dụng mà không cần theo thủ tục rườm rà mà Mỹ áp dụng cho việc bán vũ khí.
Trong một số trường hợp như đối với Indonesia sau vấn đề Đông Timor hay Thái Lan sau cuộc đảo chính năm 2014, thì Hoa Kỳ có thể từ chối không bán những phụ tùng hay thiết bị cần thiết khác. Điều đó đã mở cửa cho Trung Quốc bán vũ khí của họ.
Indonesia cân bằng giữa vũ khí Mỹ và Trung Quốc
RFI : Tại sao những nước như Thái Lan hay Indonesia từng mua vũ khí của Mỹ lại quay sang mua vũ khí Trung Quốc ? Tính toán chiến lược của các nước này như thế nào ? Nhất là trong trường hợp của Indonesia, tại sao Jakarta lại xích lại gần Bắc Kinh mặc dù theo truyền thống họ rất nghi kỵ Trung Quốc ?
Carl Thayer : Nếu điểm lại các thương vụ mua vũ khí của Indonesia và Thái Lan trong 10 năm qua, ta sẽ thấy là việc mua vũ khí Trung Quốc không phải là hiện tượng mới. Trong giai đoạn 2005- 2009 chẳng hạn, Indonesia đã đặt mua tên lửa chống hạm C-802, tên lửa phòng không cá nhân và radar của Trung Quốc. Indonesia có công nghiệp đóng tàu riêng của mình, nhưng cũng tìm mua vũ khí (Trung Quốc) để trang bị cho các chiến hạm, như súng và tên lửa chống hạm.
Hoa Kỳ đã và vẫn đang là nhà cung cấp lớn các vũ khí và trang thiết bị quân sự cho Indonesia, như các loại máy bay hạng nhẹ, trực thăng Bell-412, hay trực thăng chiến đấu Apache, chiến đấu cơ F-16C. Indonesia cũng mua phụ tùng cho máy bay của họ. Ngoài ra Jakarta còn mua radar Longbow dùng cho trực thăng chiến đấu, hỏa tiễn chống tăng, thiết bị sonar để phát hiện tàu ngầm…
Các thương vụ mua vũ khí của Indonesia không phản ánh việc nước này xích lại gần Trung Quốc và xa rời Mỹ, mà thể hiện xu hướng pha trộn và phối hợp các hệ thống vũ khí mà họ có.
Về Thái Lan, trong năm qua, nước này đã mua tàu tuần dương của Trung Quốc cũng như hỏa tiễn chống tàu. Thái Lan cũng đã bắt đầu mua vũ khí của Trung Quốc từ sau những vụ xung đột ở biên giới với Cam Bốt năm 2008, như giàn phóng tên lửa, radar định vị trọng pháo, tên lửa phòng không. Từ sau cuộc đảo chính năm 2014, Thái Lan đã mua thêm nhiều radar định vị trọng pháo, tên lửa địa đối không và chiến xa.
Miến Điện cũng là một khách hàng quan trọng của Trung Quốc, mua từ hộ tống hạm, máy bay huấn luyện, súng trang bị trên tàu chiến, tên lửa chống hạm, radar và trang thiết bị cho lục quân ( giàn phóng tên lửa MRL, các loại thiết giáp và chiến xa…)
RFI : Có khả năng Singapore cũng đi theo con đường mua vũ khí Trung Quốc như các láng giềng hay không ?
Carl Thayer : Không có tài liệu chính thức nào về việc Trung Quốc bán vũ khí cho Singapore trong giai đoạn 2006-2016. Nhìn lại phía Mỹ thì những vụ bán vũ khí và trang thiết bị quân sự cho Singapore đã được thật sự mở rộng bao gồm những loại chiến đấu cơ F-15SG, trực thăng Seahawk và tên lửa không đối không. Và việc này tạo ra cả một hệ thống hậu cần kèm theo, từ việc cung cấp linh kiện, phụ tùng cho đến nâng cấp công nghệ. Với di sản lịch sử như thế thì Singapore khó mà mà quay sang ồ ạt mua vũ khí củaTrung Quốc.
Chưa thể giành được ưu thế của vũ khí Mỹ
RFI : Nhìn xa hơn, Trung Quốc sẽ là một nhà cung cấp vũ khí như thế nào cho khu vực ?
Carl Thayer : Trung Quốc sẽ bước vào một thị trường vũ khí Đông Nam Á đang có cạnh tranh rất mạnh. Trung Quốc đã có thị trường ổn định ở 7 trên 11 quốc gia Đông Nam Á : Indonesia, Miến Điện và Thái Lan, và ở mức độ thấp hơn là Malaysia, Cam Bốt, Lào và Timor Leste. Ngoại trừ trường hợp Malaysia, Trung Quốc có ít triển vọng bán được nhiều tại Cam Bốt, Lào và Timor Leste vì các lý do về ngân sách.
Bắc Kinh sắp có thể tranh thủ thời cơ Duterte thân thiết với Trung Quốc để xâm nhập vào Philippines. Đây sẽ là một thị trường mới nhưng là có hạn chế vì Hiến Pháp Philippines đòi hỏi ngân sách cho giáo dục phải lớn hơn quốc phòng. Bên cạnh đó, mặc dù Philippines có một di sản lớn là thiết bị và vũ khí Mỹ, nhưng Manila cũng đang chú ý đến các nguồn cung cấp mới như Hàn Quốc và Ý.
Trung Quốc sẽ không có khả năng thâm nhập sâu vào Brunei, Singapore hay Việt Nam. Indonesia, Malaysia và Thái Lan cũng đồng thời mua vũ khí Mỹ, và Trung Quốc sẽ đối mặt với cạnh tranh gay gắt.
Hoa Kỳ hiện bán thiết bị và vũ khí phòng thủ cho 6 quốc gia Đông Nam Á : Brunei, Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore và Thái Lan. Mỹ vừa bước vào thị trường Việt Nam với việc cung cấp một chiếc tàu lớp Hamilton, với triển vọng bán được thêm nữa. Hoa Kỳ đã gợi đến khả năng chuyển giao công nghệ quốc phòng và đồng sản xuất.
Điểm mấu chốt : Trung Quốc sẽ tiếp tục là nhà cung cấp vũ khí lớn cho khu vực Đông Nam Á, nhưng sẽ không chiếm được ưu thế. Các thị trường lớn trong khu vực dường như đang phòng ngừa rủi ro bằng cách đặt mua vũ khí từ cả Trung Quốc lẫn Hoa Kỳ. Nga cũng đang khẩn trương mở rộng thị trường trong khu vực, tương tự như Hàn Quốc và một số nước Châu Âu.
RFI : Việc vũ khí Mỹ và Trung Quốc cạnh tranh nhau tại Đông Nam Á sẽ có hệ quả ra sao đối với an ninh khu vực ?
Carl Thayer : Các nước Đông Nam Á sẽ có thêm nhiều hệ thống vũ khí sát thương hiện đại, cho phép họ tung lực lượng đi xa. Sẽ có một sự tập trung ngày càng nhiều vào vấn đề giám sát hải phận và không phận. Còn các nước như Miến Điện và Thái Lan cũng sẽ củng cố lực lượng trên bộ của họ.
Vũ khí mà Trung Quốc và Hoa Kỳ bán cho khu vực sẽ tăng cường khả năng tự vệ của các quốc gia Đông Nam Á. Tuy nhiên, bản thân việc Trung Quốc bán thêm vũ khí sẽ không tạo ra một cuộc chạy đua vũ trang theo kiểu truyền thống, có nghĩa là các nước đổ dồn nguồn lực của mình để đuổi kịp hay vượt qua một quốc gia bị coi là mối đe dọa.
Việc du nhập các hệ thống vũ khí mới luôn đặt ra câu hỏi về những gì có thể xảy ra khi có khủng hoảng, liệu những hệ thống đó có được quản lý đúng đắn hay là lại bị sử dụng ngay lập tức để gây ra tàn phá ?
Mai Vân
Nguồn : RFI, 15/09/2017